Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

HÃI

Hãi đồng nghĩa với sợ. Nhưng tôi thấy hãi…hãi hơn nhiều. Sở dĩ nói được như vậy là vì ngôn ngữ có tình cảm. Cùng một chữ mà người này cảm thấy khác người kia khi nghe. Từ “hãi” biểu tỏ ngon lành hơn từ “sợ” nhưng lại ít khi được dùng. Người ta thường nói “sợ” chứ không nói “hãi” trừ một số địa phương. Tôi nhớ hình như nhà văn Hà Thúc Sinh hay dùng chữ “hãi”. Chữ “hãi” lép vế thường phải dựa hơi làm từ kép: sợ hãi, kinh hãi, khiếp hãi, hãi hùng…Thân phận kém may mắn như vậy thấy mà thương. Người đời chẳng thèm “hãi” mà chỉ “sợ”. Như nhà thơ Xuân Diệu chẳng hạn:

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.

Nỗi sợ của nàng kỹ nữ là nỗi sợ cô đơn. Khứa bỏ ra đi rồi em cu ki một mình, em rét. Người là một con vật xã hội, không hiểu nhà thông thái nào đã nói như vậy. Nó cần sự hợp quần. Sống phải nhờ sự ấm cúng do những người bên cạnh truyền cho. Cô đơn một mình, chúng ta sẽ cảm thấy lỏng lẻo, buồn bã, không an tâm. Và chúng ta…hãi!

Nhân vật Ngọc trong truyện ngắn “Trên Nỗi Nhọc Nhằn” của tôi đã sống trong tột cùng cô đơn. Anh một mình vượt biên trên một chiếc thuyền nan nhỏ bé dài 4 thước, ngang 1 thước, không máy móc, chỉ có một cây buồm tự chế dấu bên mạn thuyền, ra tới xa hải phận mới dám giương lên tựa gió mà đi. Trong 1 tháng 9 ngày một mình lênh đênh trên biển cả từ Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên sang tới đảo Hải Nam bên Tàu, rồi từ Hải Nam sang Hương Cảng, anh đã nhiều lần sợ hãi sự cô đơn. “Trời nước đang dần dần đen kịt lại. Bóng đêm như một chiếc bao bố chụp kín Ngọc. Anh rùng mình nhớ lại cảm giác ứ nghẹt hồi anh lên sáu khi đang ngồi chơi trong góc sân vào lúc trời nhá nhem tối bị bà chị tinh nghịch úp chụp chiếc bao gạo cũ lên người. Mùi ẩm mốc rít kịt, những hạt bụi ồ ạt chui vào mũi và nỗi sợ hãi ùa tới như một bàn tay thô lỗ bóp nghẹt ngực anh làm anh bàng hoàng tưởng mình đang cô đơn trong cỗ hậu sự của bà ngoại nằm câm nín hãi hùng ở một góc tối trong nhà. Bây giờ mình anh cô đơn giữa biển cả tối tăm, cảm giác của thời thơ ấu đã bùng dậy làm anh hoảng hốt. Anh thấy như ngộp thở giữa bao la trùng điệp của biển. Anh thu người lại trong nỗi cô quạnh tuyệt đối. Mình anh nhỏ bé chìm ngập trong cái vô cùng của đại dương. Bốn bề như những cánh tay rét mướt dồn ép anh vào nỗi sợ hãi của con người nguyên thủy co quắp giữa vũ trụ mênh mông. Đầu óc anh thiếp đi bàng bạc nỗi trống vắng tột cùng. Không gian như trốn chạy, thời gian như mất hút, chỉ có cái hỗn mang quay cuồng quanh một sinh vật trơ khấc trần trụi trong tăm tối. Anh thèm đến tận ruột gan một hơi thở, một tiếng nói, một bóng hình đồng loại.”

Sợ thì ai cũng có. Nhỏ sợ theo nhỏ, lớn sợ theo lớn. Nỗi sợ hãi bám vào con người mật thiết như tình nhân. Chẳng ai ưa những tình nhân hãi hùng này. Nhưng sợ thì vẫn cứ phải sợ. Người run bần bật, mồ hôi tháo ra như tắm, tinh thần khủng hoảng, đó là những biểu hiện của sợ hãi. Nhưng cái tổ của sợ nằm ở đâu? Dĩ nhiên nó nằm ở trong óc não chúng ta bởi vì não điều khiển tất cả các hoạt động của cơ thể. Ở phần cuống não có một thùy mang tên hạnh nhân (amygdala). Đó là trung khu khiếp sợ trong não. Chính hắn bật đèn xanh cho con ngưòi run khi lâm vào trạng thái khiếp sợ. Biết như vậy thì đã biết từ lâu nhưng cái “chị” hạnh nhân này hoạt động ra sao thì người ta mới biết đây. Một Giáo sư về tâm lý học và khoa học thần kinh Mỹ đã theo dõi, quan sát trong suốt 20 năm một phụ nữ 38 tuổi bị mắc một loại bệnh về gene hiếm có. Thùy hạnh nhân của bà này bị tổn hại nên bà không phân biệt được biểu hiện khiếp sợ trên khuôn mặt của người khác. Vị Giáo sư này cho bà ta cùng một số người tình nguyện khác nhìn qua một lỗ nhỏ những tấm hình thể hiện khác nhau trên nét mặt người khi khiếp sợ cũng như khi vui sướng. Kết quả: những người có thùy hạnh nhân bình thường nhìn thẳng vào mắt tấm hình của người đang hoảng sợ trong khi người đàn bà 38 tuổi bị tổn thương thùy hạnh nhân lại nhìn chung chung khuôn mặt chứ không theo bản năng là nhìn vào mắt. Nhìn xong, bà ta cho rằng trên mặt người này chẳng có gì đặc biệt cả. Khi vị giáo sư theo dõi nhắc nhở bà ta nhìn vào mắt người trong các hình thì bà ta đã phán đoán được khuôn mặt nào là khuôn mặt khiếp sợ. Nhưng khả năng này chỉ được duy trì trong thời gian ngắn. Vì vậy nên cứ phải nhắc nhở bà ta nhìn vào mắt hoài hoài bà mới làm theo được.

Từ sự kiện này, các nhà nghiên cứu mới rút ra kết luận: khi thùy hạnh nhân bị tổn hại thì nó không thể ra lệnh cho hệ thống thị giác thu nhập được thông tin, nhưng khả năng đánh giá tín hiệu thị giác vẫn hoàn chỉnh”. Nói một cách khác, ngoài việc phân tích tín hiệu của mắt, thùy hạnh nhân còn biết báo cho bạn việc đầu tiên là hãy chú ý tới mắt của người khác.

Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học ở Đại Học Wisconsin, Mỹ, đã phát hiện thấy ở trên mặt người bị kinh hãi, lòng trắng mắt lộ ra nhiều hơn. Thí nghiệm trên con người, họ cho những người tình nguyện xem một loạt các bức hình biểu lộ tình cảm và dùng máy cộng hưởng để đo tình trạng hoạt động não của họ. Kết quả: thùy hạnh nhân của những người tình nguyện chỉ có phản ứng với những con mắt mở to vì khiếp sợ chứ không có phản ứng với đồng tử và tròng đen của mắt. Mức độ phản ứng của thùy hạnh nhân có tỷ lệ thuận với kích thước to nhỏ của tròng trắng mắt. Từ đó các nhà nghiên cứu suy đoán là sự biến hóa to nhỏ của tròng trắng mắt có thể là tín hiệu khiếp sợ duy nhất mà thùy hạnh nhân có thể tiếp thu và phản ứng được.

Đụng tới các nghiên cứu khoa học là đụng tới cái khô không khốc! Trong cuộc sống bình thường chúng ta thấy rõ ràng sự sợ hãi biểu lộ trên tròng trắng mắt. Mắt càng trợn trừng lên nhiều là càng sợ hung! Nhưng khoa học đi tới những tìm tòi tận cùng để có thể giúp con người thoát ra khỏi sự sợ hãi bệnh lý. Đó là bệnh sợ quá đáng khiến ảnh hưởng tới đời sống và công việc hàng ngày. Thùy hạnh nhân có tác dụng mấu chốt trong quá trình nhận biết và tiêu trừ nỗi sợ hãi, nhất là ở thời kỳ đầu của quá trình sợ hãi. Nếu có một loại thuốc có thể tác động vào thùy hạnh nhân thì có thể trị liệu được chứng khiếp sợ hay hoảng hốt. Như nỗi khiếp sợ của một ông chồng. Ông này là hội viên của hội “sovo”, một hội tuy không ghi danh hay hội họp nhưng ai cũng biết là có rất nhiều hội viên. Không thể nào tổ chức được một buổi họp khoáng đại cho hội này vì sẽ gây trở ngại cho hoạt động bình thường trong xã hội: không còn một ông nào ở ngoài phòng họp cả! Vậy thì ông chồng “sovo” của chúng ta vừa ló mặt vào nhà, bà vợ đã chạy ra túm ngực, la lối. Anh chồng hoảng hốt vừa gỡ tay vợ vừa kêu lớn: “Tôi lậy bà, bà bỏ tôi ra!”. Bà vợ được thể càng làm già, túm tóc anh chồng, ấn đầu anh ta xuống. Tới nước cùng, anh chồng vung tay gạt ngã chị vợ, tát luôn cho mấy cái rồi trợn mắt quát: “Người ta đã sợ thì để người ta sợ chứ!”

Cuộc sống mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ thì con người sẽ trở nên khiếp nhược, không còn khả năng chống đối. Chế độ độc tài nào cũng áp dụng bài bản này cả. Đe dọa, nạt nộ, bắt bớ, khủng bố, đàn áp là những ngón nghề được dùng để chế áp con người. Kết quả là có cả một xã hội mà con người lúc nào cũng co rúm, rất dễ cai trị. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói là ông còn tồn tại được là vì ông biết sợ! Nguyên Hồng không nói như vậy, nhưng cũng như những nhà văn nhà thơ khác, họ vẫn phải sợ. Họ dấu kín nỗi sợ hãi trong tâm khảm, chỉ thỉnh thoảng, tại những nơi ít nguy hiểm, họ mới để lộ ra. Bùi Ngọc Tấn, trong cuốn “Viết Về Bè Bạn”, đã kể về Nguyên Hồng: “Ngoài bốn mươi tuổi, đột ngột về hưu, tránh mọi sự giao tiếp, tới nay ngoài năm mươi, chưa một lần trở lại Hải Phòng, anh sống như một người ẩn dật. Anh sợ người lạ, sợ đám đông. Hình như anh mắc phải căn bệnh sợ người ta hãm hại, bước khởi phát thứ bệnh trong “Nhật Ký Người Điên” của Lỗ Tấn, “con chó nhà mụ Triệu sao chiều nay cứ lườm mình mãi thế”. Và tôi ngờ rằng Nguyên Hồng cũng có tiền đề của bệnh ấy, bệnh sợ người ta hãm hại, sợ con chó nhà mụ Triệu lườm tuy có những lần anh đã vùng lên chống lại. Nguyễn Quang Thân kể chuyện một hôm Nguyên Hồng lại nhà Nguyễn Quang Thân ăn thịt chim chèo bẻo thuôn hành răm. Chủ nhân đích thân làm bếp. Thân vốn là người nấu ăn khá. Khi Thân từ bếp lên thì Nguyên Hồng đã bê chai rượu trên nóc tủ xuống và đã uống quá nửa. Chiếc máy ghi âm đặt trên chiếu vọng ra bài hát “Thiên Thai”. Nguyên Hồng ngồi xếp bằng trước máy đang khóc nức lên: “Su-be, Mô-Da cũng chỉ đến thế này! Cũng chỉ thế này! Bất công quá! Bất công với thằng Văn Cao quá!” Nguyễn Quang Thân để hai tay lên môi: “Suỵt! Khẽ Chứ!” Nguyên Hồng đã khùng lên: “Nói thì nói. Sợ đ…gì!”

Anh chồng sợ vợ mượn sự…quá sợ hãi để vùng lên, Nguyên Hồng lại mượn rượu để…bốc đồng. Tất cả chỉ như một cơn gió thoảng. Nháng lên một chút rồi thôi. Sợ vẫn cứ bám cứng vào trong trí não. Hãi chứ! Ai đã từng sống trong vòng tay của các chế độ độc tài cộng sản mới thấu rõ sự sợ hãi. Nó nằm vùng trong tiềm thức. Có những anh bạn tôi, vượt biên cả hai chục năm sau mới về thăm gia đình, cho biết là tối ngủ vẫn còn sợ. Sợ tiếng đập cửa ban đêm của Công An khu vực! Tác giả Nguyễn Văn Lục, trong bài “30 Tháng 4 – Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất” cũng…hãi. “Hình như chế độ tạo cho mọi người dân “mặc cảm tội lỗi” đến làm gì cũng sợ. Làm việc gì, nói điều gì, phát biểu điều gì cũng phải dòm trước, dòm sau, uốn lưỡi bảy lần mới nói. Cái tâm trạng đó biến nhân cách con người thành thiếu trung thực, nghĩ một đằng làm một nẻo. Sống như thế kể là đáng buồn. Sợ bóng, sợ gió, sợ đủ thứ. Trước đây còn trẻ sợ ma, sợ người chết, nay bắt đầu sợ người sống. Nhất là sợ chế độ. Chế độ mới quản lý con người bằng cách đẩy họ đến tâm trạng sợ hãi bằng cảnh cáo, bằng hù dọa, bằng học tập, bằng lý lịch, bằng bản tự kiểm mà biểu tượng là các vị công an phường khóm với những hình thức chế tài, kiểm soát, chế độ xin cho. Như ở Ba Lan thời cộng sản, 65% dân chúng có hồ sơ của mật vụ Ba Lan. Thế thì sống luôn luôn trong sự sợ hãi và bất an thường trực. Thân phận lưu đầy ở đây là cảm thức mình là kẻ tội phạm. Cảm thức này phải sống trong lòng chế độ mới biết được. Mới đây, tôi về Việt Nam, ra Hà Nội, đến các khu vực “cấm thành” dọc theo đường Hoàng Diệu, khu Ba Đình, tự nhiên cảm giác bất an, lo sợ tự nhiên dấy lên trong tôi. Sau 30 năm trở lại, tưởng nó chết rồi, nó còn đó trong vô thức ngóc đầu trở lại. Tôi vội vã rời khỏi khu vực đó.”

Gieo sợ hãi trong lòng mọi người là lẽ sống còn của các chế độ độc tài. Một khi người dân không còn sợ hãi thì chế độ hốt hoảng ngay. Những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến tuổi trẻ Việt Nam vượt qua được sự sợ hãi để tổ chức những cuộc biểu tình tự phát đòi Hoàng Sa và Trường Sa về lại cho Việt Nam sau khi Trung Cộng đã sáp nhập hai hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc. Họ bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền vì những anh chóp bu này…sợ mất lòng Trung Quốc. Họ hiên ngang xuống đường và hiên ngang chống đối khi bị nhà cầm quyền dùng vũ lực dẹp bỏ.

Tiếp theo đó là những người Công Giáo ở Hà Nội đã tụ tập cầu nguyện để đòi lại khu Tòa Khâm Sứ cũ. Sau nhiều lần tụ tập, khi chính quyền Hà Nội hạ tối hậu thư bắt ngưng những cuộc tụ tập, họ đã hiên ngang thách thức bằng cuộc tụ họp đông đảo hơn vào đúng giờ khắc chính quyền ấn định dùng vũ lực dẹp cuộc tụ họp. Mọi phương tiện và lực lượng vũ trang đã sẵn sàng nhưng chính những công an cảnh sát được chỉ định tới thi hành lệnh đã án binh bất động. Thách thức của nhà nước trở thành…trò hề trước những con người có đức tin. Chính đức tin của họ đã giúp họ vượt thắng được sự sợ hãi. Tôi vốn không phải là người chăm đọc Kinh Thánh nhưng vì tò mò muốn biết những người theo Chúa đã lấy đâu ra sự can đảm hiếm có này nên cũng mở Kinh Thánh ra coi. Tôi nhặt được đoạn này. “Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy người đi trên biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy” và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mathieu 15, 22-33). Trong một đoạn khác lại có chép lời Chúa: “Cứ yên tâm, Thầy đây mà, đừng sợ!” (Mathieu 14, 27).

Chúa đã bảo đừng sợ thì những người theo Chúa coi gươm giáo, súng đạn trần gian như pha. Chẳng thế mà trong lịch sử Giáo hội đã có biết bao nhiêu thánh Tử Đạo. Giáo hội Việt Nam cũng đã đóng góp vào được hơn trăm vị thánh đã vượt được cơn sợ hãi.

Anh Linghua Wong ở Thượng Hải thì chẳng vượt được gì cả. Anh cứ sợ. Mà sợ tàn canh là khác. Người anh sợ là người mà nhiều người trong chúng ta cũng…hãi: nội tướng trong nhà. Tôi đã nhắc tới cái hội không vẻ vang chi là hội “sovo” ở trên. Anh Wong, tuy mới 29 tuổi, thật xứng đáng là hội viên danh dự của cái hội…cứ sợ này. Dưới mắt bạn bè thì anh là người chồng mẫu mực. Nhưng dưới mắt vợ thì anh là thứ đáng vứt đi. Bởi vì anh không kiếm ra được nhiều tiền. Không mang nhiều tiền về cho bà thì bà hành. Bà la, bà hét, bà mắng, bà làm nhục. Anh không chịu nổi. Anh dùng chước thứ 36 là chạy trốn về nhà cha mẹ. Nhưng rồi cũng không yên. Anh suy tính tìm chỗ an toàn hơn. Và anh đã tìm ra. Đó là khám đường. Thật chắc ăn. Lính canh đầy nhà, sư tử xứ Hà chắc phải chịu thua. Tính là làm. Anh tới bót cảnh sát và bịa ra tội anh đã ăn cướp. Cảnh sát chê không tin và chẳng thèm bắt giữ anh làm chi. Không thèm bắt cướp giả thì anh làm cướp thật coi có được vào tù không. Anh kiếm được một khẩu súng giả, thứ đồ chơi cho con nít, lận vào người. Anh gọi một chiếc tắc-xi và chĩa súng đòi tiền. Anh tắc-xi la lên, chàng Wong nhà ta hoảng quá, bỏ chạy thục mạng. Anh đi cướp lần thứ hai. Lần này là một cặp vợ chồng trẻ. Họ sợ run bần bật, vạch trái túi quần ra để chứng tỏ họ chẳng có đồng bạc nào. Anh lại công toi. Mộng vào tù để trốn vợ chưa thành, anh quyết làm lại…cuộc đời! Anh chặn một bà già trên một phố vắng. Bà già này thuộc loại gân. Bà chẳng thèm sợ, thách đố lại: “Cậu muốn bắn tôi thì bắn. Nhưng trong túi tôi chỉ còn chẵn 3 đồng.” Chán hết sức, anh về luyện nghề thêm, ra tay lần nữa và được vào tù 4 năm. Câu chuyện quyết chí vào tù của anh bỗng nổi tiếng. Báo chí tới phỏng vấn lia chia. Anh sung sướng trả lời: “Tôi chủ ý trở thành cướp để có đủ bằng chứng vào tù. Tôi rất sung sướng khi không phải đối mặt với vợ tôi nữa!”

Sợ vợ chứ không sợ tù, chuyện hay như thế dĩ nhiên ai cũng muốn biết. Các ông bạn tôi nghe xong chuyện bèn…Mao Tôn Cương. Một ông đã ăn tiền hưu từ mấy năm nay, nhìn qua nhìn lại, miệng suýt soa: “Phúc đức quá! Phúc đức quá!” Hỏi ai phúc đức, nhất định cụ không nói. Ông khác gục gặc đầu nói lải nhải: “Khâm phục! Khâm phục!”. Ông này vốn dễ tính nên tôi hỏi tới. Ông lại gục gặc đầu phán tiếp: “Can đảm! Can đảm!”. Chán mớ đời! Ăn nói dấm dẳn, cộc lốc, bố ai mà hiểu được. Vài ông khác nghe xong chuyện, ngồi im thin thít, tuồng như đang suy nghĩ chuyện gì. Chỉ có một điều tôi nhận thấy là từ đó trở đi, khi đi ngang qua một khám đường, các ông bạn tôi đều nhìn với đôi mắt thật trìu mến!

02/2008