Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

HẺM

Một cặp vợ chồng qua một trạm quan thuế. Chịu khám xét và đóng thuế xong, họ ra xe về. Trên xe, bà vợ móc ra chiếc nhẫn hột xoàn, vừa cười vừa nói bằng giọng tự hào: “ Thế là thoát được chiếc nhẫn này. Khối của!” Ông chồng vừa lái xe vừa hỏi: “Bà giấu nó ở đâu vậy?” Bà vợ ỡm ờ, mặt đỏ lên: “Ở đâu thì ông biết thừa đi rồi. Còn phải hỏi!” Ông chồng bỗng nhảy đựng lên: “ Chết mẹ, nếu biết trước thì mình đâu có phải đóng thuế cái laptop!”
Thân hình con người, giống như địa bàn thành phố, không trơn tru bằng phẳng từ đầu tới chân, chúng có những hẻm hóc. Trên địa bàn thành phố, hẻm là những khu dành riêng cho những người túi không được phổng phao đầy đặn. Mấy cô nho nhỏ thường rất ngại cho người tình số nhà khi số nhà mình leo hết cái suyệc nọ tới suyệc kia. Có những số nhà tít tận trong cùng khu Bàn Cờ chẳng hạn, những con số cõng nhau trên lưng tới bốn năm tầng mách bảo cho mọi người biết chủ nhân của nó không được đông địa. Cho số nhà là một cách tiết lộ tình trạng kinh tế cá nhân. Thảnh thơi thì hiên ngang một con số, vất vả thì phải leo trèo với những con số ngả nghiêng xếp hàng cạnh nhau. Hàng càng dài thì sự vất vả càng tăng thêm. Giấu là phải. Nhất là đang điệu nghệ với người tình. Có hẹn nhau thì “anh cứ chờ em ngoài đầu hẻm!” Đỡ gian truân cho cả đôi bên!

Những con hẻm trên thân thể con người có số phận chẳng khác với những con hẻm trên đường phố mấy. Cũng thuộc vào loại khúc mắc! Nói tới thì ấp úng không ra lời. Tên thì có đó nhưng miệng thường ngại ngần. Ông Mai Thảo chữ nghĩa bề bộn đến thế mà cũng không ra chữ.

Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào.

Chẳng tên chẳng tuổi, cứ man mác như vậy hóa lại hay. Ông Trần Doãn Nho chịu bài thơ này lắm: “ Bài (này) theo tôi là một bài thơ tình tinh nghịch mà vô cùng thú vị… Bài thơ rõ ràng là cách vận dụng chữ “đặt”. Do cách kết hợp từ mà chữ “đặt” đâm ra có nhiều nghĩa khác nhau. Đọc xong chỉ biết cười. Cười tủm!”. Tôi lại thấy ông Mai Thảo…ăn gian. Rõ ràng có tên đó mà cứ khơi khơi làm ngơ gọi trống không bằng từ “chỗ” ấm ớ. Lối ăn gian của ông Mai Thảo làm bài thơ trở thành nghịch ngợm, tinh quái và duyên dáng. Nhà văn ăn gian có khác!

Cái thứ bị súp đi tên gọi thường núp trong những vùng tăm tối nhưng lại hay bị con người lôi ra nghịch ngợm. Nhắc tới là tay muốn bụm miệng cười. Nách là thứ không thể thiếu được trên cơ thể. Không có nách thì không có tay với những hoạt động chủ yếu giúp con người sinh hoạt. Nhờ nách, tay mới uyển chuyển hoạt động được dễ dàng. Không tin các bạn cứ thử kẹp sát cánh tay vào nách, không nhúc nhích, coi tay có bị liệt không! Nách có…nhiệm vụ rõ ràng quan trọng như vậy. Nhưng nách cũng là trò chơi thú vị của trẻ nhỏ. Ai trong chúng ta hồi nhỏ chẳng có lần chơi trò đặt kẽ tay giữa của ngón tay cái và ngón tay trỏ sát vào nách rồi dập dập cánh tay cho phát ra tiếng động tương tự như tiếng động phát ra từ một con hẻm khác ở xa xuống tuốt miệt dưới. Âm thanh cũng khi cuồng nộ, khi ai oán nhưng hơn một cái là không ô nhiễm môi trường. Hồi nhỏ chúng tôi gọi trò chơi thú vị tạo ra được nhiều tiếng cười này là chơi “kèn bú dích”. Bây giờ, bầy cháu tôi cũng vẫn thú vị với trò chơi cổ truyền này. Một đứa cháu của tôi có khiếu chơi kiểu nhạc ‘bú dích” này một cách rất nỉ non đã làm lác mắt lũ bạn mắt xanh mũi lõ. Tây ta gì đứa nào cũng thích chí cười ngang ngửa. Nhiều đứa bạn bản xứ đòi cháu tôi truyền nghề. Cháu tôi cũng chẳng hẹp hòi gì mà không chỉ giáo. Vậy mà phần đông cố gắng lắm cũng không phát ra được một tiếng nào cho ra hồn. Hóa ra đó là thứ…quốc hồn quốc túy. Ta làm được mà tây chịu!

Vùng nách là vùng tạo nên mùi hương thầm kín của mỗi người. Người nào ra mùi người đó, khó lẫn lộn. Hít quen vào rồi, xa thì nhớ. Bởi vậy nên mới có những vụ chồng phải đi công tác xa vợ, hành trang mang theo nhất định phải có chiếc áo mặc giở chưa giặt. Ở bên Singapore, có một ông hít bất tri kỳ…mùi. Mùi nào ông cũng thích. Không có…cá tính như vậy nên mới vào khám! Ra đường, người đàn ông 36 tuổi này cứ chúi mũi vào nách các bà các cô ông gặp trong thang máy, trên cầu thang của chung cư hay những hành lang vắng người. Trong vòng hơn một năm, ông đã hít nách 23 phụ nữ. Báo Straits Times cho biết như vậy. Tôi thắc mắc về con số thống kê chính xác này. Làm sao mà ông này đếm rõ ràng như thế? Vậy thì bệnh của ông không đến nỗi nặng lắm. Ông còn rất tỉnh táo sau khi hưởng thụ hương mê. Ra tòa ông bị xử 14 năm tù cộng với 18 roi mây. Đó là một giá khá đắt. Tính ra cứ gần hai lần ngửi ông bị quất một roi và cứ mỗi lần ngửi ông phải trả hơn 7 tháng tù! Mùi đắt giá như thế, vậy mới thấy mấy anh chuyên sản xuất các loại thuốc xịt thuốc bôi khử mùi deodorant là vô duyên. Thậm vô duyên!

Nách được trang trí bằng lông. Không biết Tạo Hóa nghĩ sao mà lại trồng vào đó thứ cỏ hoang đàng như vậy. Phần lớn con người không đồng ý với Hóa công trong việc trang trí này. Họ cạo tuốt. Nhưng cũng có những người con ngoan của trời. Trời sinh sao ta cứ vâng theo ý trời. Và họ nghĩ đây là một nét sexy trời cho. Đó là một tín hiệu hứa hẹn một sự sung mãn nơi con hẻm khác. Vậy là tồn tại hai trường phái. Ai muốn theo phái nào thì theo. Ông Quan Dương theo phái trụi lủi. Ông tuyên xưng…đức tin của ông bằng một truyện ngắn. Truyện “Chùm Lông Nách”. Nhân vật chính là một anh mê gái. Sau ngày đổi đời, anh bị tống vào trại cải tạo theo đám sĩ quan của đoàn quân chiến bại. Ở tù thì gái đâu mà mê. Cũng có. Đó là một em cán bộ canh tù từ miền Bắc vào. Không có chó bắt mèo….Anh cũng cố tưởng tượng ra một tình yêu với một đối tượng không xứng đáng. Nhưng có còn hơn không. Vậy mà anh cũng vỡ mộng. Chỉ vì chùm lông nách. “Hôm đó trời nóng, ả trở chứng gì không biết lại mặc chiếc áo ka ki vàng ngắn tay. Trong lúc dạy đời, cánh tay cứ vung lên vung xuống, bất thình lình ả đưa lên sửa lại vành nón cối, cái phút giây nhanh hơn sao xẹt đó, cặp mắt của hắn vô tình ném luồn vào ống tay áo ngắn của ả, đậu lại ở nách và bắt gặp ở đó một chùm lông đen thui. Bỗng nhiên hắn choáng váng mặt mày, bao nhiêu cảm giác thèm muốn từ trước đến giờ thoáng chốc tan thành mây gió. Thay vào đó là cảm giác buồn nôn, lợm mửa.” Rồi anh cũng được tha về. Rồi anh vượt biển. Qua tới Mỹ, anh bỗng trở thành nhà văn. Trong số các nữ độc giả gửi thư về cho anh, anh kết một cô tên Lệ Hằng. Thư qua thư lại, cuối cùng họ hẹn gặp nhau tại một quán cà phê. Hắn hơi thất vọng bởi Lệ Hằng không có nhan sắc, lại béo trục béo tròn, giọng nói nhà quê. Nhưng hắn thấy con người đang ngồi trước mặt hắn có những nét quen quen. Lục lại trí nhớ, hắn tá hỏa. Lệ Hằng chính là ả công an trong tù ngày xưa, nhờ được thay đổi công tác, rơi đúng vào chỗ có thể bán bãi cho người vượt biên, túi đầy vàng, ả trốn theo đoàn vượt biên tới Mỹ. “Người hắn nổi gai. Hắn nhớ lại hoàn cảnh tù tội của mình. Tưởng rằng đã thoát mà vẫn không thoát được. Tưởng đã thay đổi mà vẫn chưa thay đổi. Cuộc sống xoay vòng tròn như một chu kỳ. Cả cuộc đời hắn cứ đâm đầu say mê vào toàn phản ngược. Chẳng lẽ thất tình thêm một lần nữa? Nhưng thất tình có gì ghê gớm đâu mà phải ngán? Còn hơn là phải chung chạ với một ám ảnh không rời. Đời sống con người qua ba thời kỳ: thời kỳ quá khứ, thời kỳ hiện tại, thời kỳ tương lai. Thời kỳ quá khứ hắn đã từng sợ con người trước mặt, nếu nhắm mắt chấp nhận hiện tại thì tương lai có khác gì quá khứ? Hắn rùng mình. Trong lúc nàng làm một cử chỉ mở bóp ra để lấy cái gương và cái lược. Cánh tay trần mà bàn tay cầm chiếc lược nàng vói lên chải mái tóc, hắn lom khom theo phản xạ, ánh mắt mon men trượt lên cánh tay múp míp len vào nách. Hắn nhìn xây xẩm chưa kịp hoàn hồn thì nghe nàng nũng nịu:“Anh này kỳ, nhìn người ta đăm đăm thấy mà bắt sợ.” Bỗng nhiên hắn chợt thấy buồn nôn như buổi trưa nào còn trong trại cải tạo, mặc dù nơi này hiện giờ là nước Mỹ.”

Buồn buồn theo tiếng Bắc hay nhột theo tiếng Nam là nghề của nách. Chơi một cú cù lét, cứ hẻm mà chọc, có thánh mới không ré lên. Tôi ngồi nghĩ lẩn thẩn: có lẽ Con Tạo đành hanh muốn phú cho loài người con hẻm này để giải trí và hòa giải với nhau. Vợ chồng giận nhau không nói, bồ bịch làm reo không cười, cứ chơi một cú thọc lét coi tình hình có biến đổi ngay không! Những con hẻm khác không có chức năng hòa giải này.

Con hẻm phía Nam thường được người đời miệt thị gọi là cửa hậu được tạo thành bằng hai trái dưa hấu. Dưa hấu là thứ trung bình, có khi là bưởi, có khi là cái lồng bàn. Lồng bàn là một thứ rất thông dụng ở bên nhà nhưng hầu như không có ở bên này vì bị…thất nghiệp. Nhiệm vụ của lồng bàn là che chắn không cho ruồi bọ đậu vào mâm cơm. Ruồi bọ bên này rất hiếm, thêm cửa nhà được che kín bằng lưới nên ruồi bọ không có lối vào. Thất nghiệp nên lồng bàn kiếm nghề khác. Chúng bám vào phía sau của những người là khách hàng của những tiệm bán quần áo loại Plus hay Addition để làm nghề chọc vào mắt thiên hạ. Có những cặp lồng bàn tên tuổi như cặp lồng bàn của cô ca sĩ kiêm đào xi nê Jennifer Lopez chẳng hạn. Cặp lồng bàn này đã tạo ra một giai thoại. Trong clip nhạc “Jenny From The Block” của Jennifer được sản xuất vào năm 2002 có một cảnh anh bồ của Jen là Ben Affleck thoa kem chống nắng cho cô Jen, xong cúi xuống hôn lên đôi lồng bàn thứ xịn này. Đóng xong màn kính cẩn hôn này, anh chàng thấy mắc cở. Một năm sau, cuộc tình của họ tan vỡ, không biết có phải vì cảnh hôn lồng bàn này không. Nhưng bốn năm sau khi chia tay với Jen, anh chàng Ben này vẫn hối hận vì đã lỡ dại đóng cảnh kỳ cục đó. “Nếu có điều gì phải hối hận thì chính là việc thực hiện clip nhạc đó. Nhưng chuyện đã xảy ra nhiều năm trước, tôi đã vượt qua được nỗi buồn đó rồi!” Nỗi buồn lồng bàn nghe chừng khá dai dẳng!

Jennifer Lopez dùng lồng bàn như vậy hơi phí. Cô siêu sao phim khiêu dâm Ý Milly D’Abbraccio dùng lồng bàn một cách thông minh hơn: tranh cử chức nghị viên Hội đồng thành phố La Mã. Chương trình của cô khá nóng bỏng: xây dựng một khu đèn đỏ không cách xa Tòa Thánh Vatican bao nhiêu. Khu này sẽ có các tiệm múa khỏa thân, sàn nhảy khiêu dâm, cửa hàng bán đồ chơi người lớn. Bích chương tranh cử của cô in hình chiếc lồng bàn gợi cảm của cô. Cô thuộc đảng Xã Hội. Đúng ra, theo như nguyên văn lời cô: “Tôi chính là cặp mông của đảng Xã Hội”.

Ấy chết! Mắt tôi bị những cặp lồng bàn loại thượng hạng ngoại hạng này che khuất nên lạc đường. Nói về hẻm mà cứ loanh quanh trên hai bờ hẻm. Leo xuống vậy! Con hẻm có đôi bờ hấp dẫn này là hẻm sau và là hẻm một chiều. Từ trong ra. Vậy mà ngày nay dân buôn lậu lại chơi ngược chiều: từ ngoài vào. Mới đây, vào ngày 11 tháng 6, bà Chu Hoàng Mai, sanh năm 1962, quốc tịch Úc, hành khách trên chuyến bay VN781 của Hàng Không Việt Nam từ Sài gòn đi Úc, đã giấu 223 gr heroin trong hẻm cửa sau. Bà Mai bị phát hiện trước khi lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Số heroin này được chứa trong ba cục hình trụ, bọc ngoài bằng bao cao su. Vậy là ba cục…nợ này đã đi ngược chiều trong một con hẻm hẹp. Phạt là phải. Nhưng phải là cảnh sát giao thông phạt mới đúng chứ!

Bài bản ngược chiều này là một chiêu phổ thông trong giới buôn lậu Việt kiều Úc. Ngay ngày hôm sau, ba nữ Việt kiều Úc lại dính chấu trong tình huống tương tự. Hai bà Trang Bích Phượng, 28 tuổi và Lâm Mộng Chinh, 25 tuổi, cũng chơi trò cho ma túy đi ngược chiều trong hẻm để mang về Úc. Họ bị bắt ngay tại khách sạn với tang vật là 20 gói heroin. Bà thứ ba bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhứt với 250 gr heroin trong hẻm sau. Tiền công vận chuyển là bao nhiêu mà họ vất vả như vậy? Hai người bị bắt tại khách sạn khai là 200 ngàn đô Úc.

Cũng đầu tháng 6, bà Trần Thị Ngọc Dung, 35 tuổi, cũng bị thộp cổ. Bà này bị bắt trong một bệnh viện tại Sài gòn. Cớ sự ra sao mà liên can tới nhà thương? Bà này bị tổ trác, cục ma túy trong hẻm nhỏ đã tức khí vỡ tung ra thấm vào người nên bị ngộ độc. Vậy là lậy ông tôi ở…hẻm này!

Nhích quá ra phía trước một chút là một đường hẻm nổi tiếng. Từ văn nhân đến phàm phu tục tử đều mất hồn khi qua con hẻm này. Thơ phú ngợi ca đường hẻm nhiều tên này phong phú lạ kỳ. Tôi sẽ không ngại thiên vị bạn tôi, ông Luân Hoán, khi chọn bài ngợi ca của ông. Bởi vì ông là chuyên viên về thơ…hẻm.

đêm nào tôi cũng nằm mơ
không mơ, chắc chắn xác xơ, bất thường
mơ em nằm ngủ ở truồng
hai bàn chân khép phần hương mượt mà
còn tôi, ngồi ngắm cuống hoa
chờ trăng mọc, trải thơ ra gối đầu
mơ hoài, giản dị thế thôi
cảm ơn thi vị cuộc đời trong veo

Hẻm này là hẻm hai chiều, ra vô thong thả, sao không thấy mấy bà buôn lậu dùng bao giờ? Phải chăng vì con hẻm quá nổi tiếng này đã ghi dấu quá nhiều vết chân văn nhân? Hay vì cái laptop nằm chình ình chắn lối?

Nhưng hẻm trước hẻm sau, hẻm ngang hẻm dọc gì cũng đã hết thời giấu giếm. Mọi sự đã cáo chung. Kể từ đầu tháng 6 vừa qua, khoảng hơn chục  phi trường tại Mỹ đã có máy scanner kiểm soát hành khách trước khi lên máy bay. Đó là các phi trường Los Angeles, Washington D.C., New York và một số phi trường khác. Thì có chi lạ? Từ bao nhiêu năm nay, nhất là từ sau vụ 9/11, trước khi lên máy bay, chúng ta đã chẳng phải giơ tay làm chim bay cò bay cho chiếc gậy dò lăn trên khắp người sao? Đúng, nhưng bây giờ khác. Với chiếc máy dò tìm mới này, tay chân chúng ta sẽ múa cách khác. Không chim bay cò bay nữa mà úp trên hai đầu gối, đứng trước tầm nhìn của máy. Máy này có con mắt tọc mạch sống sượng. Nó nhìn thấu qua quần áo hành khách, sục sạo vào tất cả các hẻm hóc trên cơ thể con người, kể cả con hẻm trong mơ của ông Luân Hoán, bằng hình ảnh ba chiều. Thế này thí quá lắm! Các hành khách đã bất bình phản đối. Nhưng cơ quan An Ninh của Bộ Giao Thông Mỹ (TSA) đã trấn an ngay. Trong khi hẻm hóc hiện lên mà ảnh thì mặt người được làm nhòe đi. Vậy là chẳng biết ai vào với ai. Hẻm mà không có…tác giả thì cá mè một lứa. Phiền chi! Hơn nữa, hẻm chỉ lộ trong vài chục giây rồi sẽ xóa ngay khi xong việc. Đối với những trường hợp nghi ngờ thì sau khi giải quyết xong cũng xóa ngay. Ai giữ làm chi những…của nợ!

Mấy ông chuyên lục lọi nói vậy thì biết vậy. Dù sao cũng phải lộ hẻm. Máy chi mà ác nhân ác đức! Vậy là hư đường hư bột hẻm hóc của người ta hết trơn!

Ông Mai Thảo có sống lại chắc gì đã làm được thơ hẻm hóc. Hẻm mà phong kín nhụy thì mười năm sau mới thú vị mà nhớ tới. Chỉ mình ta biết, chỉ mình ta hay. Hẻm mà cứ mỗi lần leo lên máy bay là lộ diện trước thanh thiên bạch nhật thì còn chi riêng tư nữa mà thơ với thẩn!

07/2008