Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

KHĂN

Cái khăn đội đầu vậy mà dính liền với đời sống của người dân Việt. Mỗi hạng người, mỗi lớp tuổi, mỗi cuộc sống đều có dây mơ rễ má với khăn. Mặn mà với khăn nhất là tuổi tình yêu. Tình yêu thật ra làm gì có tuổi. Nó luôn ở tuổi đằm thắm.

Khăn đào vắt ngọn cành mơ
Mình xuôi đằng ấy, bao giờ mình lên ?
- Em xuôi, em lại ngược ngay
Sầu riêng em để trên này cho anh !

Khăn đào là khăn của tình yêu. Cái màu nhí nhảnh chỉ hợp với những con tim đang hồng lên trong nhịp đập ân ái. Xa nhau, nào xa xôi gì cho cam, chỉ làng nọ với làng kia, khoảng cách tính bằng những miếng trầu nhai dập bã, vậy mà khăn vẫn nhớ nhau.

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Khăn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên

Làm thân khăn thật vất vả. Phải gánh chịu hết những nhớ nhớ thương thương. Quằn quại hết rơi xuống đất, vắt lên vai, lại còn phải chùi nước mắt, giữ lửa cho đèn chong khuya với giấc ngủ không tới. Câu ca dao tự nó đã tuyệt diệu, tôi tán nhăng tán cuội thêm làm chi cho vô duyên. Tình yêu đâu còn là thứ dành cho tôi. Cho qua đi.

Yêu là bước trước của vợ chồng. Nhiều người đã súp bước này. Ông bác tôi, hồi còn sinh tiền, cứ mang thân mình ra mà khuyên giải con cháu. Cứ trông tao đây này! Tới khi cưới tao mới biết mặt bà ấy. Vậy mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau. Tụi bay bày đặt yêu thương nhăng nhít, cưới về ngày một ngày hai là có chuyện. Yêu với đương!

Người không có tình yêu quả có khác. Ông bác tôi khô không khốc. Một là một , hai là hai. Chán mớ đời! Yêu nhau, khác cơ! Bước từ yêu qua chồng vợ, cũng vẫn tựa vào cái khăn.

Ai về đừng bảo cầm khăn
Có một đồng bạc để dành cưới em
Ba hào thời để mua tem
Mời hết thiên hạ anh em xa gần
Cưới em ăn uống linh đình
Sơn Tây, Hà Nội đồn mình lấy ta
Một hào anh mua con gà
Hào hai đi chợ, hào ba đi tàu
Năm xu mua gói thuốc lào
Hào tư mua gói chè tầu uống chơi
Một hào đong gạo thổi xôi
Năm xu mua thịt, còn thời rau sưa
Anh ngồi anh tính cũng vừa
Cưới em đồng bạc còn thừa một xu.

Bán khăn được có một đồng mà đình đám dữ. Lại còn thừa những một xu! Khăn này là khăn của chàng thường gọi là khăn xếp. Từng lớp vải xếp vào với nhau, lớp nọ chồng lên lớp kia. Dân khăn đen, quan quyền khăn xanh, còn khăn vàng chớ có dại chụp lên đầu mà mang tội khi quân mất chỗ đội khăn là cái chắc.

Ngày nhỏ, có lần tôi được đi mua khăn với chú tôi. Khăn được đựng trong những hộp giấy có vẽ bông vẽ hoa. Tùy theo loại vải tốt xấu mà đắt rẻ khác nhau. Khi tôi còn theo học bên Phi Luật Tân, nhân ngày Liên Hiệp Quốc, sinh viên mỗi nước trình diễn một tiết mục văn hóa nước mình. Năm đó, lực lượng sinh viên Việt Nam khá đông, nam nữ đủ cả, chúng tôi chơi trội, trình diễn một màn đám cưới cổ truyền Việt Nam. Khăn hoàng hậu cho cô dâu, khăn xanh cho chú rể, chúng tôi mượn được nơi tòa Đại Sứ. Cả hai chiếc lọng xanh đỏ rực rỡ. Nhưng phụ rể, bố chồng, bố vợ, họ hàng đàng trai đàng gái lũ lượt chẳng lẽ giơ đầu không. Đi tìm mượn từng nhà Việt kiều cũng chẳng thấm vào đâu. Cùng bất đắc dĩ, một tên không biết có thuộc dòng dõi thông minh không bỗng cương: tại sao mình không làm lấy? Ừ nhỉ! Có thế mà không nghĩ ra. Chúng tôi chạy ra chợ mua vải đen về dọc ra, lấy giấy bìa xếp lại, quấn vải quanh bìa thành những dọc dài, mượn đỡ cái đầu thật để làm khuôn, cứ quấn xếp lớp, xong lấy băng keo dán ở phía trong. Thế là khăn đội rợp sân khấu. Màn trình diễn chiếm giải nhất. Chắc là nhờ khăn. Làm gì có thứ khăn trông lạ lùng như vậy. Trông như mũ mà lại thủng trên đầu mát mẻ vô cùng. Dân ngoại quốc thích là phải!

Nên vợ nên chồng có cái khăn cột vào. Không lấy được nhau cũng mang khăn ra mà trách. Tội nghiệp khăn.

Khăn anh nàng lấy vá vai
Bây giờ nàng đã nghe ai dỗ dành?
Chẳng nên ra, tháo chỉ lấy mụn trả anh
Để anh đem bán lấy hai trăm vàng.
Một trăm anh đưa cho nàng
Còn một trăm nữa để chàng treo ngọn cây đa
Chứ em không nhớ lời thề nguyện với ta
Sông có Nhị Hà, núi có Tản Viên
Bây giờ, nàng ở thế sao nên
Tôi khấn Nam Tào, Bắc Đẩu biên tên rành rành.
Đã yêu anh, thời quyết với anh
Nhà tre, cót nứa, lợp tranh vững vàng.
Chớ tham nhà gỗ bức bàn
Gỗ lim chẳng có, làm xoàng gỗ vông.
Chỉ nhọc mình thôi lại luống công
Phòng khi gỗ mục, lại dùng nhà tre
Còn duyên anh bảo chẳng nghe !

Buồn vì mối tình bỗng tanh bành, khăn lãnh đủ. Buồn vì tang ma, cũng lại khăn ghé lưng ra gánh vác. Tục để tang của nước ta có chiếc khăn trắng quấn trên đầu. Ngày nay giản tiện đi thì chỉ xé một miếng vải sô cho con cái và vải trắng cho anh chị em, cháu chắt, họ hàng của người quá vãng. Nhưng ngày xưa khăn có…gia cố thêm rơm độn ở trong. Để khỏi té dập đầu! Tôi không nói giỡn. Có sách vở giải thích đàng hoàng. Đó là cuốn “Thọ Mai Gia Lễ”. Không phải sách Tàu đâu mà đúng là sách dậy về lễ giáo của nước ta. Thọ Mai là hiệu của ông Hồ Sỹ Tân sanh năm 1690, mất năm 1760, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu Tiến Sĩ năm 1721 (triều Bảo Thái năm thứ 2), làm quan đến Hàn Lâm Thị Chế. Mặc dù ngày nay sách đã có nhiều chỗ lỗi thời nhưng đại để vẫn còn được dân chúng, nhất là dân ở thôn quê, tuân theo. Riêng về những tục lệ tang chế trong tang lễ, hầu như chúng ta vẫn theo những qui thức trong sách này. Tại sao lại có tục đội khăn rơm, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối và chống gậy để tang? Nó phát sinh từ thực tế mà ra. Nguyên là đời xưa, đường đi lại còn hẹp, có khi còn phải leo núi cao, người mất được chôn cất ở nơi xa khu dân cư, trong rừng núi, có nơi chôn ở triền núi đá có nhiều hang động. Đã có trường hợp, người con vì quá thương xót cha mẹ, khóc lóc thảm thiết, đến nỗi không kể gì đến sinh mạng của mình, đập đầu vào vách đá, khi leo núi đi về vì thương cảm quá mất cả thăng bằng ngã lăn xuống vực. Để tránh tình trạng trùng tang thảm hại đó, người ta mới đặt ra lệ phải quấn quanh đầu những vật liệu mềm, xốp để nếu va vấp đỡ gây tổn thương và đặt ra lệ phải chống gậy để đi đứng an toàn hơn. Vật liệu dễ kiếm nhất, giàu nghèo ai cũng có thể tự liệu được và ở đâu cũng có thể kiếm được để làm chất đệm, đó là rơm, lá chuối, dây gai, dây đay. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của một số người, dần dần trở thành phong tục phổ biến.

Vì ngày thường đi lao động ở đồng ruộng, núi rừng hoặc đi đứng đều mặc quần áo gọn bó vào người, đến khi có tang tế phải mặc áo dài rộng, dễ vướng gai góc nên phải có dây đai, tục đó cũng xuất xứ từ việc tránh nạn trùng tang.
Cô bé Aqsa Parvez, 16 tuổi, gốc người Palestine, cư ngụ tại vùng phụ cận Mississauga, Canada, không tang chế chi nhưng lại chết vì khăn. Khăn đây là khăn hijab của người đàn bà Hồi Giáo. Đây là một biểu trưng tôn giáo bắt buộc. Không khăn là…tội! Nhưng những cô gái trẻ di dân chung sống trong những cộng đồng không phải là Hồi Giáo như cô bé Aqsa ở Mississauga thì lại khác. Cô bé muốn sống như chúng bạn, nên chỉ quấn khăn khi ra khỏi nhà cho bố mẹ khỏi la, khuất mắt những bậc thủ cựu là bỏ ra. Ông bố, Muhammad Parvez, làm nghề lái taxi, biết được chuyện này nên bắt cô không được làm hại thanh danh gia đình như vậy nữa. Cô không nghe. Bạn bè nơi trường trung học Applewood Heights thường thấy cô bé…làm cách mạng này tới trường với những vết bầm tím trên mặt, dấu vết của những trận đòn của ông bố vì tội “bất tuân giáo huấn”. Ngày 12 tháng 12 năm 2007 vừa qua, cô đã bị cha bóp cổ tới chết để giữ gìn gia phong. Cô anh thư Aqsa tử vì…khăn chỉ tiếp nối hành động chống đội khăn hijab của hai người đi trước. Một là cô Hatun Surucu cũng bị anh và cha giết vào năm 2005 tại Đức. Người thứ hai là cô Tina Isa, cũng 16 tuổi, bị cha là Zein Isa dùng dao giết tại Saint Louis, Mỹ, vào năm 1989. Vụ giết chóc này đã làm xôn xao dư luận Mỹ một thời gian vì cuộc hành hình đầy man rợ của người cha với sự tiếp tay của người mẹ đã tình cờ được FBI thu băng. Nguyên FBI nghi ngờ Zein Isa là một tay theo khủng bố khi ông thường ủng hộ giáo sĩ cực đoan Abu Nidal của Mặt Trận Giải Phóng Palestine. Họ lén đặt máy thu băng tại nhà. Khúc băng thu được vào đêm mùng 6 tháng 11 năm 1989 đã ghi rõ những lời đối đáp trong cuộc hành hình cô Tina.

Tiếng của người cha Zein Isa lạnh lùng và tàn nhẫn: “Này nghe đây, con gái, con có biết hôm nay là ngày cuối cùng của con hay không? Đêm nay con phải chết!”

Tiếng Tina hoảng hốt kêu: “Cha…bảo sao?”

Tiếng người cha lập lại: “Con có biết con sắp phải chết hay không?”

Tina linh cảm người cha định ra tay giết cô nên kêu cứu mẹ là Maria Isa: “Mẹ ơi hãy cứu con!”

Tiếng bà mẹ lạnh lùng: “Muộn rồi! Cứu cái gì? Cứu cái gì mới được chứ?”

Tiếng Tina van xin: “Lạy mẹ, cứu con mẹ ơi!”

Tiếng bà mẹ: “Làm sao cứu! Bây giờ mày đã nghe lời dạy chưa?”

Tiếng Tina nức nở: “Con van mẹ, con nghe rồi…nghe rồi!”

Trong băng có tiếng ho và Tina nói trong đau đớn: “Đừng! Xin đừng!”

Tiếng bà mẹ la lên: “Im miệng ngay có được không!”

Tina tiếp tục rú lên và tiếng kêu yếu dần tạo thành những âm thanh ằng ặc khó nghe. Tiếng người cha tàn nhẫn: “Chết đi! Chết mau đi cho rảnh nợ!”

Cô bé Tina rên rỉ, im lặng một lát rồi rú lên lần chót. Tiếng người cha vang lên rõ ràng: “Im ngay! Con gái! Con gái chết mau đi… Chết là hết mọi tội!”

Tina đã chết. Không biết cô có hết mọi tội không? Nhưng cặp cha mẹ hết tính người kia đã phải đền tội. Tòa án đã kết tội cố sát và tuyên án tử hình cả hai. Sau khi chống án. Bà mẹ Maria Isa được hạ án xuống thành tù chung thân. Ông bố Zein Isa cũng không phải lên đoạn đầu đài. Ông đã chết trong tù vào năm 1997. Có bạn sẽ thắc mắc: tại sao FBI nghe được mà không giải cứu cô gái tội nghiệp? Thực ra, FBI chỉ thu băng và tới ngày hôm sau mới nghe lại. Số mệnh !

Chuyện về chiếc khăn hijab của phụ nữ Hồi giáo là chuyện dài đã được bàn tán xôn xao tại thành phố tôi cư ngụ. Trường tư thục nổi tiếng Jean-Eudes tọa lạc tại vùng Rosemont cấm nữ sinh mang khăn hijab vào trường. Đồng phục của trường là váy màu xám, áo màu nâu đỏ và xanh, tất màu nước biển hoặc trắng. Tất cả nữ sinh đều ăn mặc như vậy. Không có khăn khố gì thêm cả. Chiếc khăn hijab màu đen lại còn lạc lõng hơn nữa. Cô nữ sinh Sara Asfour, 17 tuổi, theo học lớp 11, than thở tại sao chiếc khăn hijab lại không là màu xám, nâu đỏ hay xanh? Dù có màu hợp với đồng phục, nhà trường cũng không cho mang vì họ không chấp nhận học sinh mang trên người “những biểu tượng tôn giáo hay đảng phái”. Dĩ nhiên các hội đoàn Hồi giáo lên tiếng phản đối. Họ viện dẫn quyền tự do của mọi người. Ủy Ban Nhân Quyền của tỉnh bang Québec cũng đồng ý như vậy. Nhưng khi đụng đến chuyện an ninh và an toàn thì lại khác. Như chơi thể thao. Các nữ sinh Hồi giáo chơi túc cầu hoặc nhu đạo đã bị buộc phải tháo khăn ra vì nguy hiểm. Khi đi qua các trạm khám xét ở phi trường cũng vậy. Trong các phòng bỏ phiếu, vì phải nhận diện người đi bầu nên các vị phụ nữ chơi một chiếc khăn bịt kín hết mặt mũi chỉ hở hai con mắt quả là trở ngại. Nhiều nơi cấm. Trong kỳ bầu cử mới nhất tại tỉnh bang Québec, không biết vì áp lực nào mà Ủy Ban Bầu Cử đã chấp nhận việc mang khăn bịt mặt. Một số dân chúng bất mãn. Cho bịt mặt hả? Ta cũng bịt! Thế là có những người đi bỏ phiếu đội mũ sùm sụp, đeo kính đen, mang khăn bịt miệng. Đã cho các bà hijab bỏ phiếu thì cũng phải cho các chàng…Zorro chống đối này thực thi quyền công dân!

Chuyện khăn hijab chưa xong thì chiếc khăn của mấy ông người Sikh nhảy vào làm rắc rối thêm. Ông Baljinder Badesha, 39 tuổi, cư ngụ tại Brampton, tỉnh bang Ontario, bị cảnh sát chặn lại phạt vào tháng 9 năm 2005, vì chạy xe mô tô không đội mũ bảo hiểm. Ông ta lý luận là tôn giáo của ông không cho bỏ khăn khi ra đường nên ông không có chỗ để chụp chiếc mũ bảo hiểm! Cảnh sát cứ luật mà thi hành nên phạt ông 110 đô. Ông thưa ra tòa viện dẫn cả quyền tự do tín ngưỡng ra. Tới giờ cũng chưa có kết luận của tòa nhưng trong phiên xử đại diện của tỉnh bang đã trình ra kết luận trong một bản nghiên cứu của Hoa Kỳ theo đó thì nếu bị tai nạn mang thương tích ở đầu khi không đội mũ bảo hiểm thì thiệt hại cho công quỹ rất nhiều. Nội trong năm thứ nhất sau tai nạn công quỹ sẽ tốn 171 ngàn đô. Tiền tật nguyền suốt đời cho một người sẽ tốn khoảng 2 triệu tư. Tỉnh bang đưa ra chiết tính tất cả phí tổn về vật chất, thuốc men, bệnh viện, thời giờ, phí tổn điều tra sau một tai nạn nặng là từ 13 triệu rưởi tới 19 triệu bảy cho một vụ!

Chuyện khăn mà lang bang tới chuyện tiền, lại tiền bạc triệu không, nghe thấy mệt! Tôi muốn trở lại với ca dao của ta. Chúng chỉ có tình. Rất chí tình. Mà tình rất…màu sắc!

Tấm áo nâu sòng xếp nếp em để trong nhà,
Ba vuông khăn tím phất phơ đội đầu,
Tấm yếm đào sao em khéo giữ màu,
Răng đen rưng rức, mái tóc đầu em hỡi còn xanh.

Bạn thấy dân quê của chúng ta cũng tếch-ni-co-lo ra gì chưa?

03/2008