Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

NỞ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Đó là hai thú vui thanh nhã của các cụ. Tôi đã từng xem hoa nở nhưng thấy hoa thua cái kẹo! Chuyện như thế này. Khi đó tôi chắc chừng 5 hay 6 tuổi. Buổi tối đang ngủ thì bị người lớn dựng dậy coi hoa quỳnh nở. Bị…dẫn giải ra phòng khách đã thấy cả huyện người nhà lẫn người hàng xóm ngồi đầy một phòng. Chậu hoa quỳnh được đặt trên chiếc bàn chạm trổ ngự ngay chính giữa. Vài chiếc bàn nhỏ khác dùng để nước trà, bát điếu và những đĩa kẹo vừng kẹo bột. Tôi mắt nhắm mắt mở chỉ nhìn thấy kẹo! Bà cô kéo tôi vào nhìn bông hoa quỳnh trắng muốt đang động đậy. Tôi nhìn những cặp mắt đang căng ra hết cỡ chung quanh, nhón vội chiếc kẹo, quay gót đòi vào giường ngủ tiếp!

Nhiều năm sau, tại nhà một anh bạn, tôi mới lại được coi hoa nở nữa. Lúc đó, bồ bịch đã lai rai, nhìn hoa mới thấy máu văn nghệ nổi lên. Đẹp thật. Từng cánh hoa nhích cong từng chút mở ra khoe những tua nhị ẩm ướt. Nhìn hoa thấy như đang toát mồ hôi cho những giây phút quặn mình chuyển đời. Mùi thơm nhẹ nhàng tỏa ra. Không gian ngát một mùi huyền diệu.

Khi nhận được những clip của các ông bạn gửi cho coi những hình đủ mọi loại hoa tôi mới thấy chẳng cứ hoa quỳnh,  hoa nào cũng vậy, có hình hài rất hấp dẫn. Mấy ông bạn tôi thuộc loại quỷ quái. Clip luôn kèm theo câu dặn dò rất tinh ranh: cấm nghĩ bậy! Tinh quái thật! Càng dặn càng thấy giống…người. Hoa sao người vậy! Coi bộ Con Tạo thiếu sáng kiến. Mà con người lại thừa tưởng tượng, ít nhất là các ông bạn tôi. Năm 2000, ông Trang Châu cho in tập truyện Dì Thu, bìa do ông Khánh Trường trình bày. Sau khi ra mắt sách, chúng tôi tụ nhau tại một nhà hàng. Một ông cầm cuốn sách, ngó cái bìa, quay ngang quay dọc, hỏi trỏng: “ Khánh Trường hắn vẽ cái gì đây ta?”. Một ông ngắm cái bìa sách, gật gù: “ Bông hoa chứ cái gì!” Tôi vội bỏ ly rượu xuống, cầm cuốn sách, nghía kỹ. Bức vẽ nhỏ có màu chủ là màu hồng, chung quanh màu xám. Nét vẽ hơi trừu tượng với những đường đen dọc ngang. Nhìn mọi người, lắc đầu, chịu. Một ông, hình như ông Lưu Nguyễn thì phải, lâu ngày không nhớ rõ, nói ngay: “Thì hình dì Thu chứ gì nữa!”

Ít nhất có một ông đồng ý: ông Luân Hoán. Tính ông Luân Hoán tẩm ngẩm tầm ngầm. Ông chẳng nói gì cả. Chỉ cười mím chi. Nhưng ông làm thơ. Chẳng biết bài thơ này ông làm trước hay sau ngày đó.

đêm nào tôi cũng nằm mơ
không mơ, chắc chắn xác xơ, bất thường
mơ em nằm ngủ ở truồng
hai bàn chân khép phấn hương mượt mà
còn tôi, ngồi ngắm cuống hoa
chờ trăng mọc trải thơ ra gối đầu
mơ hoài, giản dị thế thôi
cám ơn thi vị cuộc đời trong veo

Các cụ ta chắc cũng đồng ý với ông Luân Hoán. Chẳng thế mà trong ngôn ngữ Việt, để chỉ việc người đàn bà chuyển mình cho một sinh vật mới ra đời, chúng ta gọi là: sanh nở. Thế là nở đều hết. Hoa cũng như người. Người nở dĩ nhiên là quan trọng hơn hoa nở. Các cụ ngày xưa coi việc sanh nở là quan trọng. Quan trọng không kém việc cưới xin nên có những khuyên răn, kiêng cữ truyền từ đời nọ tới đời kia. Theo bài tham khảo “Phong Tục Sanh Đẻ” của Nguyễn Dư, viết vào năm 2000,  thì rất nhiều thứ phải lo toan từ khi thai nhi hình thành trong bụng mẹ.

Trước hết là những thứ kiêng cữ. Kiêng ăn cua vì cua bò ngang nên ăn vào sẽ bị đẻ ngang! Kiêng ăn thịt thỏ vì thỏ có môi trên bị hở, đứa bé sinh ra sẽ bị sứt môi! Kiêng nghêu sò ốc hến vì những loài này có nhiều nhớt dãi nên khi sanh ra đứa bé sẽ bị bệnh nhớt dãi.

Những thứ nên ăn. Trứng gà vì trứng gà luộc ngoài trắng trong hồng (?) nên con trẻ sẽ có nước da trắng như trứng gà bóc và hồng hào khỏe mạnh. Nên ăn đu đủ để cho tương lai của đứa con được no đủ! Nên uống nước dừa vì dừa tiếng Hán là da sẽ tốt cho da, tiếng Nôm được viết bằng từ “dư” của Hán Việt nên đứa bé sẽ được dư thừa no đủ!

Trong suốt thời gian thai nghén thai phụ phải đứng ngồi ngay ngắn để sau này đứa bé trở thành người ngay thẳng. Bà mẹ tương lai cũng phải tránh nghe những chuyện không đứng đắn, tránh nhìn những cảnh không hay để đứa con sẽ thành người đàng hoàng tử tế.

Sau chín tháng mười ngày mà chưa…nở thì là chửa trâu. Đây là thứ các cụ rất sốt ruột. Ngày xưa chưa có siêu âm, biết chi đâu chỗ cu tí cái hĩm nằm ra sao! Vậy là phải dùng mẹo. Cột một con trâu ra giữa sân, lấy dao cắt đứt sợi dây thừng cột mũi trâu. Con trâu sẽ sổng chạy. Trâu sổng thì con…sổ! Các cụ giải thích như thế này: “lâu” tiếng Hán Việt có nghĩa là sợi dây thừng buộc mũi trâu. Cắt sợi dây thừng buộc mũi trâu đi nghĩa là trừ bỏ cái lâu. Sản phụ sẽ chóng sanh. Chẳng biết các bạn có nhận ra là ngày xưa các cụ rất trọng chữ nghĩa. Cứ bó chữ vào  mẹo là có…chính nghĩa!

Có chửa trâu đi chăng nữa thì cuối cùng cũng mãn nguyệt khai hoa. Hoa nở như lòng mẹ nở.

Nước đang reo hò trong tôi
buổi sáng còn xanh xao bóng tối
tôi trở dậy, co hai vai và nhìn
lòng mặn mà biển dậy
hai vai tôi đang mọc lá
những lá non hết sức non
tương lai nào rực rỡ
nước reo hò trong tôi
cơn đau bắt đều réo

Tôi trở dậy, đi đứng một mình
thân thể rạn nứt từng thớ thịt
trong suốt và trần truồng
cho thai nhi bắt đầu cựa quậy
hãy can đảm, con
tiến vào sự sống
tôi đang lột dần thịt da
cho thai nhi tôi
( Nhã Ca )

Con so sanh khó hơn con dạ. Dĩ nhiên. Máy móc chạy rodage  không trơn tru bằng máy móc đã thành thạo. Nhưng nếu sanh khó, các cụ cũng đã có mẹo. Viết đầy đủ họ tên một ông quan lớn vào miếng giấy rồi đốt. Hòa tro vào bát nước, vừa cho sản phụ uống vừa đọc thần chú “ đại nhân nhập, tiểu nhân xuất”. Nghĩa: người lớn vào, trẻ con ra. Thế là xong. Ngày nay các bà bầu sống ở Mỹ cứ viết tên ông Bush vào thì…tiểu nhân ra gấp!

Nếu mẹo này không xong thì có mẹo khác. Các cụ vốn thông minh! Lấy một cái dải rút quần, tốt nhất là dải rút của một người đàn bà đã sanh đẻ dễ dàng, vắt qua bụng sản phụ. Hay lấy một cái dải rút hoặc ruột tượng cũng được, leo lên vắt qua mái nhà là xong. Tại sao như vậy? Vì ngoài Bắc thường đọc chữ “dải” và “giải” giống nhau. Vắt dải rút qua bụng sản phụ là cởi gỡ (giải) cái bụng cho đứa con lọt lòng chui ra. Vắt trên mái nhà là muốn tháo gỡ một khó khăn đang xảy ra trong gia đình.

Chưa hết! Còn hai mẹo nữa. Mẹo thứ nhất: người chồng đứng giữa nhà lao cái đòn gánh hoặc cái gậy ra ngoài sân. Diễn nghĩa: cái gậy tiếng Hán Việt là “côn”. Dùng để viết chữ Nôm, chữ “côn” đọc thành “con”. Lao cái…côn ra sân là hình ảnh đứa con lọt lòng mẹ, sổ ra. Mẹo thứ hai, dùng cho những nhà có trồng cau. Anh chồng leo lên cây cau rồi tụt nhanh xuống. Hình ảnh: đứa bé tụt mau ra khỏi bụng mẹ!

Vẫn chưa hết! Đã bảo chuyện…nở là chuyện quan trọng nên có rất nhiều kế. Ta hãy nghe bài ngụ ngôn của dân gian vùng Liễu Đôi.

Đau thì nén chịu con ơi
Qua cơn vượt cạn ấy thời rình rang
Chủ đi tìm bắc cái thang
Leo nhà ba bậc, lăn đàng năm tao
Rồi ra tận cọc bờ ao
Xong rồi mới vào liếm láp đồ rau
Cứ y như phép nhiệm mầu
Làm xong là đẻ chẳng đau đớn nào.

Trích…vè rồi tôi vẫn không yên tâm. Chắc có nhiều vị vẫn chưa tường những hành động trong vè mang ý nghĩa gì. Bắc thang: thang có nghĩa là trống không ở trong người, cũng có nghĩa là rỗng ruột. Anh chồng leo thang là làm cho vợ rỗng bụng! Leo ba bậc nhà: bậc nhà tiếng Hán Việt là cấp. Leo…tầng cấp là mong cho vợ sanh cấp tốc. Lăn đàng năm tao: đường là “lộ”. Lăn ngoài đường là kêu thằng cu cái hĩm trong bụng vợ…lộ ra ngoài. Nhổ cọc bờ ao: “ao” có nghĩa là lõm xuống. Đóng cọc bờ ao là yểm không cho lõm xuống. Nhổ cọc là trừ yểm, cho lõm xuống. Bụng vợ lõm xuống là đã sanh xong. Liếm láp đồ rau: đồ rau là bếp bằng đất nung, chữ gọi là “lộ”. Lộ cũng có nghĩa là lộ ra!

Lộ ra được là mẹ tròn con vuông. Hoa đã nở. Mừng cái đã! Nhưng mừng đó, lại lo đó. Lo cho tương lai đứa bé. Nếu khi đứa bé đầy năm mà có chiều dài càng lớn thì khi trưởng thành càng kiếm được nhiều tiền hơn! Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh, đừng cười. Đây không còn là mẹo miếc gì nữa mà là nghiên cứu đàng hoàng. Các nhà nghiên cứu của Đại Học Southampton, Anh và Viện Sức Khỏe Cộng Đồng Phần Lan đã nghiên cứu 4630 bé trai sanh tại Phần Lan từ năm 1934 đến 1944. Sở dĩ chỉ nghiên cứu các bé trai vì tại Phần Lan phụ nữ ít khi đi làm. Lợi tức của các bé này được ghi nhận vào năm 1990, lúc các bé này được từ 46 đến 56 tuổi. Kết quả cho thấy những bé có chiều cao 80 cm vào lúc 1 tuổi thì lợi tức sẽ nhiều hơn 50% so với những bé chỉ có chiều cao 72 cm vào lúc thôi nôi. Những đứa trẻ thấp hơn có tỷ lệ làm công việc lao động chân tay nhiều hơn. Chỉ cao 72 phân hoặc thấp hơn nữa vào lúc 1 tuổi thì có tới 44% trở thành người lao động. Trong khi đó, tỷ lệ nơi nhóm cao 80 cm trở lên chỉ có 20%. Tính đổ đồng, cứ 2 cm dài hơn thì lớn lên thu nhập nhiều hơn được 3,5%. Người cầm đầu cuộc nghiên cứu, giáo sư David Barker, hy vọng rằng kết quả cuộc nghiên cứu sẽ làm các bậc cha mẹ ý thức được sự quan trọng trong việc dinh dưỡng của đứa trẻ trong năm đầu tiên của cuộc đời. Giáo sư Edward Melhuish của  Đại Học Birkbeck ở Luân Đôn cũng đồng ý khi phát biểu: “ Có một mối liên quan thiết yếu giữa chiều cao và trí tuệ. Thông thường người có địa vị xã hội cao hơn thì cũng có chiều cao hơn những người ở tầng lớp thấp”.

Trong xã hội cộng sản, làm cha làm mẹ là ôm vào người những mối lo tự mình không giải quyết được. Nhân vật Dần trong trường thiên tiểu thuyết Bể Dâu của Nam Dao, khi vợ sanh, đã ngổn ngang trăm mối trong đầu. “ Nhìn xuống đống tã lót, Dần thấy một khuôn mặt xa lạ quắt queo, da nhăn nhúm như da một ông lão. Thì ra, lúc vào đời và khi từ giã, con người ta giữ đúng một vẻ. Dần chợt thấy xót xa, nước mắt ứa ra nhưng miệng lại nhếch lên cười. Dần ôm con như ôm tuổi thơ của mình, cảm thấy sao mà nó mong manh đến vậy. Bế đứa bé, Dần dắt bé Kha đến giường Khuê đang nằm, mặt nhợt nhạt, mắt nhắm nghiền. Ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, Dần im lặng…Hé mắt nhìn, Khuê thấy Dần, khe khẽ gọi. Chìa đứa bé cho Khuê nhìn, Dần dịu dàng “con trai mình đây, em ạ”, rồi cúi hôn lên trán Khuê, miệng thì thào một lời âu yếm. Khuê cười. Cái cười thật tươi… Dần nhỏ nhẹ “Gia đình mình thêm một người…”. Chàng nghĩ thầm, thế là đất nước thêm một, nhân loại cũng thêm một người. Chạnh lòng, chàng chua xót, người nhưng không được viết hoa, nhớ nhé, chỉ dùng chữ n nhỏ, không lại mang tội “ám chỉ” với “biểu tượng hai mặt”. Khuê nắm tay Dần, nhẹ giọng “Anh nhớ nghĩ tên cho con, anh nhé!”.

Người… nở có kỳ, không như hoa, nở theo mùa. Cứ đúng mùa là khoe sắc. Người mà cũng nở theo mùa thì héo mấy hồi! Thường thì con người không định được ngày khai hoa. Chỉ độ chừng. Lúc nào hoa nở là tùy ông trời. Trừ phi không nở theo tự nhiên mà bác sĩ mổ bụng lôi ra. Tại Montreal của tôi có một trường hợp nở khá đặc biệt. Bà Pia Dinunzio, năm nay 49 tuổi, sanh ngày 15 tháng 12 năm 1958, ngụ tại vùng LaSalle. Bà đã ba lần…hoa nở. Lần thứ nhất sanh ra cô tiểu thư Crystal vào ngày 15 tháng 12 năm 1980. Lần thứ hai sanh bé gái Amber vào ngày 15 tháng 12 năm 1983. Lần thứ ba sanh ra quý tử James vào lúc 3 giờ 1 phút sáng ngày 16 tháng 12 năm 1985. Cậu bé James chỉ chịu khó nhanh nhảu chui ra khỏi bụng mẹ ba tiếng đồng hồ trước thì cả bốn mẹ con đều ăn sinh nhật cùng một ngày! Ông bác sĩ đỡ cho lần sanh thứ ba thấy…tiếc! Ông muốn làm một cử chỉ đẹp để cho tròn một kỷ lục xưa nay hiếm thấy nên đề nghị với bà Pia để ông ghi ngày sanh của cậu bé James vào ngày 15 tháng 12 như mẹ và hai chị. Nhưng bà Pia cám ơn ông bác sĩ tiếc của. Bà muốn giữ đúng giờ giấc. Coi bộ bà này trù sẽ coi tử vi cho con trai chắc! Điều lạ là trong cả ba lần sanh, các bác sĩ đều dự trù ngày sanh trật lất! Lần sanh Crystal bác sĩ đoán sẽ sanh vào ngày 17 tháng 12, Amber ngày 18 tháng 12 và James ngày 20 tháng 12. Bà Pia cũng có máu…phiếm trong người. Bà nói: “Bởi vì tôi ngủ vùi vào mùa đông, thức dậy vào tháng 3 nên sanh vào tháng 12!”. Thực ra có bầu chú bé James là một accident! Lúc đó bà đang mang vòng tránh thai. Không hiểu làm sao chú nhỏ này lại tránh được vòng tránh thai như vậy! Bà Pia cũng không thích ăn sinh nhật vào ngày 15 tháng 12. Ngày còn nhỏ bà rất ghét bởi vì ngày 15 quá gần ngày 25 tháng 12 nên bà chỉ nhận được quà sinh nhật trễ vào ngày lễ Giáng Sinh. Người lớn lúc nào cũng tính đến tiện lợi nên gom quà vào làm một cho…dễ nhớ. Ngày nay thì mỗi lần sinh nhật…tập thể của gia đình, bà thường quên để tên mình vào bánh sinh nhật vì nhiều tên quá!

Giáo sư Jerry Tomberlin của trường Đại Học Concordia đã tính là xác xuất bốn mẹ con sanh trùng ngày như trường hợp bà Pia Dinunzio là rất hiếm. Chỉ có một trong 48.627.125 lần! Tính cho tròn thì gần 50 triệu trường hợp mới có một lần như vậy. Còn khó hơn trúng độc đắc của số 6/49. Bởi vì xác xuất trúng độc đắc 6/49 chỉ có một trên 14 triệu thôi!

Tôi rất muốn biết số điện thoại hay địa chỉ e-mail của bà Pia. Không phải vì bà đã góa chồng từ 15 năm nay mà vì tôi muốn mua chung số 6/49 với bà. Trúng…ba lần số độc đắc là cái chắc. Tha hồ… nở!

12/2007