Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

ĐIẾM

Điếm là một từ đẫm vẻ khinh miệt, rẻ rúng để chỉ những cô gái làm “cái gọi là nghề” bán trôn nuôi miệng. Văn hoa hơn thì điếm thành: gái bán hoa, buôn hương bán phấn, kỹ nữ  hoặc thời thượng hơn là: chị em ta! Nói tới điếm là người ta nghĩ ngay đến sự mạt hạng, tội lỗi, nhơ nhớp. Vậy mà có điếm trở thành thánh đàng hoàng. Đó là thánh Maria Mađalêna. Bà này sống cùng thời với Chúa Giêsu, vốn là một cô điếm, sau ăn năn sám hối theo Chúa và trở thành thánh. Mà là thánh loại…xịn! Khi Chúa đi trên con đường khổ nạn cuối cùng, các môn đệ đều bỏ trốn, môn đệ đầu đàn của Chúa là Phê Rô đã chối thầy, vậy mà Maria Mađalêna đã bám sát theo Chúa trên suốt đoạn đường từ Galilêa tới Giuđêa. Khi Chúa chết trên thập giá, Maria Mađalêna có mặt dưới chân thánh giá cùng với Mẹ Maria và thánh Gioan. Sau khi Chúa mất và được táng trong mồ, cũng chính Maria Mađalêna cùng một số phụ nữ khác đã ngồi canh xác. Khi Chúa sống lại, lại chính Maria Mađalêna là người đầu tiên tới mộ, được Chúa trao cho sứ mạng đi loan báo tin mừng cho các môn đệ.

Điếm ngon như vậy nên khi một linh mục gặp điếm, sự tình cũng tới tai cô-điếm-thành-thánh Maria Mađalêna. Linh mục Ngô Phúc Hậu từ Cà Mau lên Sài Gòn, có việc đi trên đường Tú Xương. “Vào giờ này đường Tú Xương hơi vắng. Thành phố bắt đầu lên đèn, nhưng đèn không đủ sáng. Mình thận trọng men theo sát vỉa hè. Két!... Chiếc xe đạp dừng ngay bên hông. Một cô gái nạ dòng. Quần lửng. Áo hở nách. Cười duyên. Thơm thơm. “Chú đi chơi không?”. “Chơi cái gì?” “?!”. Chừng năm giây yên lặng trôi qua, mình mới hiểu cô gái ấy là ai và cô mời mình đi đâu. Đúng là chú Tư Ếch đi Sài Gòn. Mình cười thầm trong bụng và rảo bước. Chiếc xe đạp cứ bám sát mình. Mời mọc. Năn nỉ…Tới nhà số 42 mình chui tọt vào cổng. Dường như có ai đang chửi sau lưng: “Đồ ngu!”. Đó là trích đoạn trong cuốn “Nhật Ký Truyền Giáo” của ông cha…Tư Ếch! Nhà văn Trà Lũ từ Toronto gửi lên cho tôi cuốn sách này với lời dặn phải cố gắng đọc vì “hay tuyệt vời, cả lời cả ý”. Tôi không cần cố gắng mà cũng đọc hết cuốn sách. Quả thật, như lời anh Trà Lũ, ông cha Hậu này có nhiều ý tưởng lạ, hiếm thấy ở một cây viết…linh mục. Một trong những ý tưởng này là sau khi gặp cô điếm kể trên, ông vội viết thư cho thánh Maria Mađalêna mà ông gọi bằng “chị”. Nguyên văn bức thư như thế này:

“Chị Mađalêna quý mến,
Hồi nãy tôi gặp em gái của chị trên đường Tú Xương. Hú hồn! Em chị đã mời gọi tôi. Tôi đã bỏ chạy. Tôi hồi tưởng lại thời xa xưa. Chị cũng đã lang thang như thế. Chị cũng đã mời mọc như thế… Cuối cùng chị đã gặp Đức Giêsu. Thế là từ đó, chị không còn đi lang thang, không còn mời mọc nữa. Chị ngồi dưới chân Ngài. Chị đã khóc, khóc thật nhiều. Khóc vì hối hận, khóc vì tủi thân, khóc vì biết ơn, khóc vì yêu mến. Chị ơi! Đức Giêsu đã nói gì với chị, để chị thôi đi lang thang, thôi mời mọc?
Ấy là chuyện ngày xưa: chuyện của Đức Giêsu và của chị. Còn hôm nay là chuyện của tôi và của em chị. Chị ơi, tôi phải nói gì để em chị thôi không còn đi lang thang, không còn mời mọc nữa? Tôi hối tiếc vì đã chẳng nói được một lời nào với em chị như Đức Giêsu đã nói với chị ngày xưa… Hôm nay tôi không dám nói. Ngày mai tôi vẫn chưa dám nói… Thế là vẫn còn một mảnh đất hoang mênh mông mà tôi chẳng bao giờ dám bén mảng tới để gieo Tin Mừng…
Kính mến,”

Trong Kinh Thánh có kể lại việc Maria Mađalêna, khi tới với Giêsu, đã xức dầu thơm lên chân Chúa và dùng tóc mình lau khô đi. Bộ tóc của Maria Mađalêna sau này được các họa sĩ vẽ thành một bộ tóc dài chảy suốt tới gót chân. Tôi bỗng khựng lại. Có lẽ Maria Mađalêna hành động như vậy do một thói quen nghề nghiệp chăng? Vậy ra cái nghề được coi là xưa như trái đất  hình như không có bao nhiêu tiến bộ về kỹ thuật sao? Tới thế kỷ 20, các cô kỹ nữ vẫn cứ mang tóc ra mà buộc chân khách làng chơi.

Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay ghềnh;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu
(Xuân Diệu)

Nơi nào có chiến tranh là nơi đó được mùa điếm. Ngay cả những nơi theo Hồi Giáo mà phụ nữ kín mít từ trên xuống dưới. Sự khốc liệt của chiến tranh đã bứng những cô gái kín cổng cao tường ra ngoài đường phố mặc dù trong một xã hội Hồi giáo đó là một hành động bị khinh miệt và phạm pháp. Cô gái xinh đẹp Fatima ở A Phú Hãn đã kể lại với một thoáng ngần ngại: “ Tôi chẳng có cách nào khác ngoài làm điếm. Tôi dậy sớm từ mờ sáng và lượn lờ trong thành phố. Khách hàng gọi tôi, đưa tôi lên ô tô và chúng tôi thỏa thuận giá cả”. Nasrin, một cô gái trông rất sành điệu, choàng khăn che mặt burqa màu trắng nhưng mặc đồ jean, đang hành nghề mại dâm ở quận Kunduz. Cô cho biết chính mẹ đã hối thúc cô đi làm nghề này để kiếm tiền bởi cả gia đình không có cách nào khác. “Bố tôi chết trong cuộc nội chiến, mẹ tôi góa bụa và lúc nhỏ tôi chẳng biết bà đã làm gì”, Nasrin giải thích. “Mãi về sau tôi mới hiểu bà đi bán dâm. Một hôm, bà khuyến khích tôi quan hệ tình dục với một ông khách ở nhà tôi”. Nasrin kể khi đó cô rất ngượng, nhưng không có cách nào khác. “Tôi thực sự muốn làm một phụ nữ tốt và lấy chồng, nhưng giờ đây ai cũng biết tôi là gái điếm. Đời tôi thế là hết”, cô nói và khóc sụt sùi. Nazanin, 23 tuổi, hành nghề đã lâu trên đường phố Mazar-i-Sharif, không biết có thực lòng không khi nói: “Tôi hài lòng với việc tôi làm. Cũng có lúc, tôi cảm thấy chán nghề. Tôi thực sự muốn sống như những người khác. Nhưng ai thèm cưới tôi?”

Lửa chinh chiến ở Iraq cũng đã làm thui chột biết bao nhiêu cuộc đời của những cô gái ngây thơ. Bom đạn buộc họ phải lánh nạn qua Syria. Không nghề ngỗng, không việc làm, những cô gái như Hiba chỉ còn một con đường. Con đường này chính cô gái 16 tuổi không biết đường tới nhưng do bà mẹ đành lòng đưa con gái vào. Cô nữ sinh ngoan đạo, kín đáo và chăm chỉ bị bắt buộc vào vai một thứ giải trí cho đám đàn ông. Bà mẹ cam chịu này nói trong nước mắt: “Người Iraq chúng tôi từng là một dân tộc đầy tự hào. Chiến tranh khiến chúng tôi mất hết mọi thứ. Chúng tôi thậm chí mất luôn cả danh dự”.

Theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn thì có 1 triệu 200 ngàn người Iraq phải di tản qua Syria. Trong số đó có nhiều ngàn phụ nữ phải đành bán trôn nuôi cả gia đình. Con số chính xác không bao giờ biết được. Dì phước Marie-Claude Naddaf, làm việc cho một tổ chức tôn giáo chuyên giúp người tị nạn, đã cho biết: “Rất nhiều phụ nữ Iraq đến đây cùng với con cái, không có chỗ dựa bởi đàn ông trong gia đình họ đã chết hoặc bị bắt. Tôi từng gặp ba chị em dâu sống cùng nhau với các con của họ, cả ba đều bán dâm. Họ thay nhau đi làm buổi đêm - mỗi người một đêm - và chia đều số tiền kiếm được để mua thức ăn cho bọn trẻ”. Mouna Asaad, một luật sư về nhân quyền người Syria, cho biết: “Đôi khi bạn có thể bắt gặp những gia đình mà cả nhà tham gia hành nghề, các cô con gái được mẹ hoặc dì mách mối”.

Chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tàn khốc không kém gì cuộc chiến tại A Phú Hãn hay Iraq ngày nay. Những cô gái quê tránh bom đạn dạt lên thành thị nhiều người cũng đã không có chọn lựa nào khác ngoài việc nhắm mắt đưa chân vào động! Trong truyện ngắn “Nhà Nằm Trong Hẻm”, tôi đã ngậm ngùi cho thân phận một gái quê trong thời loạn. Cô gái quê tên Xoan mê anh cán bộ văn nghệ biết đàn hát. Anh cán bộ rút lên chiến khu, cô ở lại làng. Quá nhớ người yêu, cô lặn lội bỏ làng quê đi tìm người yêu. Trên đường đi, cô bị một anh bộ đội đòi ủng hộ. Rồi anh bộ đội cũng biệt tăm, cô bị đưa về thành trong một cuộc ruồng bố của lính Pháp. Tên sĩ quan trưởng đồn mê nhan sắc của cô nên ép cô lấy hắn. Quân Pháp về nước, cô quẹo qua lính Mỹ, buôn bán phát đạt, mở động. Tại đây cô tình cờ gặp lại Thạch, chú bé ngày xưa tản cư từ Hà Nội về làng cô. Cuộc đời cô, qua hai cuộc chiến, đã qua tay biết bao nhiêu đàn ông nhưng đó chỉ là những con vật đực. “Marie co người lại. “Anh Thạch, ôm em đi!”. Thạch ôm chặt thân hình Marie. Nàng bật khóc, tay vuốt ve ngực Thạch. “Em cô đơn quá!”. Marie rút người trong vòng tay Thạch, mắt nhắm nghiền, đầu ngả vào ngực Thạch. Thạch bóp nhẹ đôi vai trần. Marie kéo tay Thạch đặt lên vú.”Đời em chưa một lần được ngủ với người mình chọn. Khốn nạn đời em quá! Anh Thạch, em van anh, đi em đi!”

Trong mỗi cô điếm đều có một tâm hồn. Những người viết hình như đều cảm thông được với những người con gái sa chân lỡ bước. Hầu như người nào cũng có những đoạn văn, bài thơ hay bản nhạc viết về những thân phận này bằng tấm lòng độ lượng, bằng sự trìu mến, bằng xót thương.

Em đứng đợi một người không hẹn đến
Bán cho người tất cả những niềm vui
Chút tình hoa còn lại thoáng hương phai
Em dâng cả làn môi khô nước ngọt
Trong đêm mỏi hàng mi mờ khẽ ướt
Má phai duyên trên gối đẫm thẹn thùng
Ấp mặt bên người lạ, lạnh mênh mông
Bàn tay nhỏ thẫn thờ như lạc lõng
(Nguyên Sa)

Cuộc chiến của chúng ta đã tàn từ 33 năm trước, vậy mà đất nước dường như…điếm hơn. Từ thành đến tỉnh chẳng cần tìm cũng thấy. Chúng ta thử theo chân ký giả Văn Lang trong phóng sự “Những cánh bướm đêm trên đường phố Sài Gòn” trên báo Người Việt Online: “Một lần, trời Sài Gòn vừa tắt nắng, đèn đường vừa lên (vào khoảng hơn 6 giờ chiều-tối). Tôi chạy xe Honda chầm chậm qua khu vực sân banh Ðạt Ðức (thuộc quận Gò Vấp), tính kiếm quán cà-phê vỉa hè làm ly nước cho mát. Chạy xe phía trước tôi là một cô gái còn rất trẻ, bận quần jeans áo thun (sát-nách) khoe dáng người thon thả, với mái tóc “thề” bay bay nhìn rất “bắt mắt”, nhìn cô có vẻ “tiểu thư con gái nhà giàu”. Dĩ nhiên đàn ông ra đường thấy con gái trẻ đẹp ai mà chả ham nhìn (vì luật không cấm, mà “thuế” cũng không phải đóng) thì cứ nhìn “tới” đi chứ. Nhưng tôi cứ luôn dặn lòng: “Nhìn thì được nhưng mà ‘hy vọng’ thì đừng!”. Nào ngờ, thấy tôi nhìn “nàng tiểu thư” quay lại nở một nụ cười thật là tình tứ dễ thương, tôi vội cười đáp lễ, nhưng cứ nghĩ có khi mình... nằm mơ. Vì ai đời “giữa thanh thiên bạch nhật” này lại có một tiểu thư trẻ đẹp cười với cái thằng “kiết xác” là... tôi, cơ chứ?! Nhưng không ngờ cô nàng rà chiếc xe Honda (Dream) lại sát bên tôi và buông lời: “Ði chơi không anh?!”. Tôi nghe mà “chới với” thế là “tan tành” giấc mộng đẹp, vì dẫu biết khu này có nhiều bướm đêm hành nghề, nhưng tôi đâu có ngờ là trời còn sớm như thế mà đã có cô “xuống đường”. Tôi “ỡm ờ” hỏi cô gái trẻ đẹp về giá cả, cô ta cho biết: “ Một “dù” là 200 ngàn, phòng ốc em lo!”. Tôi làm bộ chê đắt, cô ta hỏi lại giọng chắc nịch: “Mà anh có định đi không?!” Tôi vội lắc đầu lấy lý do là trời còn sớm quá, tôi còn phải đi gặp... bạn. Cô gái vội quay đầu xe phóng ào đi một đoạn, rồi lại chạy chầm chậm tìm kiếm khách trên đường...”.

Đó là thành. Còn đây là tỉnh. Cũng chưa phải hoàn toàn là tỉnh mà chỉ mới ngoài Quốc lộ. Đó là Quốc lộ số 1, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. “Được sự đồng ý của một anh tài xế xe tải, tôi ngồi vào ca-bin để thâm nhập “cung đường mãi dâm”này. Xe qua cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên), còn một cây số nữa mới tới thị trấn Voi (tâm điểm các động mãi dâm), nhưng đã thấp thoáng bóng các cô gái từ các quán cơm phở vẫy tay mời chào. Tôi gợi chuyện: “Voi thay đổi nhanh thật!”. Anh tài xế liếc mắt đầy ẩn ý: “M. nó! Hồi tau còn chạy tuyến Bắc-Nam nó hoang vu lắm. Đúng là không có gì sinh lãi bằng việc kinh doanh vốn tự có”. Đến trước quán B.M., xe dừng, tôi bước xuống, hai cô gái mặc váy ngắn cũn cỡn từ trong chạy ra ôm chầm và kéo tôi vào nhà. “Vào quán em uống nước đi anh, uống nước nghỉ chút rồi hãy đi”. Phía bên kia đường, mấy cô gái trông rất “ mát mắt”cũng vẫy tay, hò hét, mời gọi om sòm.”Ăn cơm chú hè? Ra sau rửa ráy cho mát tí đã”…. Rời quán B.M., chúng tôi tiếp tục hành trình săn gà tại một quán khác. Thấy khách, các cô chạy ra tiếp đón niềm nở: “Có chi ăn nữa không em?”. Một cô lia lịa tuôn lời: “Răng anh lại đùa như rứa! Tội em lắm nha. Sáng tới giờ chưa được “dù” mô. Anh ủng hộ nghen. Vào với em đi…” Bãi đáp quán này là một căn phòng rộng chừng 10 mét vuông nằm sát quả đồi sau quán. Căn phòng chỉ có cái giường đôi trải chiếu cói, một chiếc gối và một cái chăn. Thấy tôi ngạc nhiên, cô gái nói vẻ như đùa: “Giờ cái gì cũng lên giá anh ạ! Chỉ có đây là vẫn giữ nguyên. Với 50 ngàn anh được phục vụ tới bến.”

Trên khắp nẻo đường đất nước ngày nay, dù thành hay tỉnh, sờ chỗ nào cũng nắm được điếm, tại sao vậy? Chiến tranh chấm dứt đã 33 năm, phải cho nó vô can. Chắc chỉ còn nghèo đói. Tôi chẳng tin đất nước ta nghèo đói. Nghèo đói sao có những quan chức tối tối mở những chai rượu bạc ngàn đô, sao có anh chàng Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá tới bạc triệu, sao có đại gia mua chiếc xe Roll-Royce giá triệu rưởi đô, và mới đây, có ông chủ công ty Hoàng Gia ở Gia Rai nhập cảng máy bay tư nhân giá tới 7 triệu đô? Nghèo chi mà ngon rứa? Vậy điếm lềnh khênh chắc vì đất nước ta bây giờ tràn lan…virus điếm. Từ trên xuống dưới!

Điếm chưa hẳn là xấu. Cô Ân Thái Hà đã chứng minh như vậy. Cô là một cô giáo trẻ đẹp, mới 21 tuổi, sanh ra trong một ngôi làng nghèo khó của tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô trở thành giáo viên của một trường tiểu học tại quê nhà. Một đêm kia, giông bão đã làm bay mái ngôi trường nhỏ bé, học trò không có chỗ học. Thầy Hiệu Trưởng  lên huyện xin Trưởng Phòng Giáo dục giúp đỡ. Ông Trưởng Phòng đòi phải để cô giáo Ân lên mới cứu xét. Vì thương học sinh, cô lên huyện. Trưởng Phòng đã lừa cô vào phòng riêng, bảo để lấy tiền. Tiền chưa thấy đâu thì cô giáo trẻ đẹp đã bị Trưởng phòng cưỡng hiếp. Cô sợ hãi trở về. Cả nửa năm sau, lời hứa của Trưởng phòng vẫn là cơn gió thoảng. Cô Ân căm hận. Thân đã nhúng bùn mà học sinh vẫn không có chỗ học, cô cắn răng lên tỉnh, hy sinh thân mình cho đám học trò khốn khổ nơi quê nhà. Cô trở thành cô điếm rất ăn khách. Tiền kiếm được cô không dám tiêu xài dù là để trang điểm cho nghề nghiệp. Cô thu nhặt từng đồng, gửi bưu điện về giúp nhà trường. Tháng đầu tiên, trường có mái nhà và bảng đen. Tháng thứ hai, bàn ghế bằng gỗ. Tháng thứ ba mua sách giáo khoa. Tháng thứ tư, khăn quàng đỏ. Tháng thứ năm không còn một em học sinh nào phải đi chân đất. Cô giáo Ân còn muốn xây được một ngôi trường bằng gạch và mua hai máy vi tính cho học sinh. Cô bắt bồ với một người ngoại quốc mong chương trình của cô sớm hoàn thành. Ngờ đâu cô đã sa vào tay lưu manh. Ba người ngoại quốc đã thay phiên nhau vần cô tới chết.  Trong nhật ký để lại cô đã ghi: “Mỗi lần bán dâm cứu được một trẻ em nghèo thất học, mỗi lần làm gái bao có thể vực dậy một ngôi trường…”. Nhà trường đã làm lễ truy điệu của cô trong tiếng khóc của học sinh và phụ huynh. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ của Trung Quốc đã rủ xuống vì cái chết của một cô gái điếm!

Kèm theo bài viết là hình của cô giáo trẻ đẹp Ân Thái Hà và những tấm ảnh chụp đám tang có những tấm trướng thương tiếc và ghi ân cô giáo Ân. Hàng chục ngàn website đã post câu chuyện cảm động và những bức hình này. Tôi vớ được bài viết trên net, vừa cảm động vừa mừng thầm. Ít nhất trên đời này cũng có những cô gái điếm có lòng như vậy. Đang sửa soạn viết bài “điếm” mà gặp được…cục vàng ròng như vậy để cho vào đoạn kết thì hết xảy.
Nhưng than ôi, tôi đã bị lừa! Cùng bị ăn quả lừa với tôi là tất cả bàn dân thiên hạ ưa vào internet. Sự thật là bài văn này của ông nhà văn Trương Hoài Cựu, một người chuyên viết những truyện dâm ô trên net mà vẫn không nổi tiếng.Tức khí, nhân cái chết của cô giáo Ân Tuyết Mai, 52 tuổi, ở Cam Túc, chết vì nhảy ra cứu được một học sinh suýt bị tai nạn xe cộ khi băng qua đường, ông nhà văn hư cấu ra chuyện cô Ân Thái Hà và post lên trang blog cá nhân. Nhà trường làm đám tang rất lớn. Hình đám tang là hình của đám tang này. Còn hình của cô giáo Hà chỉ là hình một cô diễn viên phim con heo. Không hề có một cô điếm tên Ân Thái Hà!

Tôi thừ người ra. Nghiệp dĩ đây chắc. Viết về điếm, cuối cùng tôi đã gặp một tên…điếm!

05/2008