35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

Đọc "Chuyện gần chuyện xa" của Võ Kỳ Điền và Nguyễn Minh Ngọc

Trường Kỳ: sống để ăn

Ông văn nghệ

Đọc "Lang thang trên phím chữ" của Đỗ Cẩm Sơn

Đọc "Ngô Thế Vinh, bằng hữu và văn chương"

Lướt qua "Đường Chữ Sau Lưng" của nhà thơ Luân Hoán

Đọc "Hư Ảo Cõi Hương" của Luân Hoán

Cảm theo "Liên Hoa Thi" của Luân Hoán

Đọc "Thơ Khánh Trường"

CẢM THEO “LIÊN HOA THI” CỦA LUÂN HOÁN

 “Liên Hoa Thi” là tập thơ mới nhất của ông nhà thơ Luân Hoán. Bìa sách là một bông sen trắng nằm dưới khuôn mặt Đức Phật. Nghe tên sách, nhìn hình bìa, biết ngay là tập thơ…chùa.


Lạ! Ông Luân Hoán, theo tôi biết, chuyên môn đứng trước cửa chùa sao bây giờ lại có nguyên một tập thơ chùa. Bạn đã tặng sách, cũng phải vào coi, xem chùa của ông Luân Hoán ra sao.

nhớ mẹ cha từng nhắc
sống nhân cách là tu
ngôi chùa to lớn nhất
đó chính là cuộc đời

Có vậy chứ. Chùa của nhà thơ quả có khác. Tôi cũng nghĩ như ông bạn thi sĩ. Ngôi chùa to lớn nhất chính là lòng chúng ta. Thế giới chúng ta sống đang loạn chùa. Chùa lớn chùa nhỏ. Chùa nhỏ nhiều hơn nhưng hình như chùa nào cũng muốn thành chùa lớn. Tôi đã từng đi vãn những cảnh chùa lớn bất thường. Như một thế giới nguy nga nhiều màu sắc, đi mỏi chân cũng không khắp. Tính tôi vốn ưa cà rỡn, có lần đã nói với một ông bạn: “Chùa lớn như thế này chắc Phật cũng đi lạc!”. Mà đã có Phật đi lạc thiệt. Tôi dẫn ông bạn tới một tượng Phật, phía dưới có đề: “Phật Di Lạc”!

Cà giỡn như vậy có vẻ phạm thượng nhưng chắc Phật Di Lạc cũng biết bông đùa.

từ Nam Thiên Trúc sinh ra
một đấng Di Lạc rất là vô tư
ngoài tâm địa rất hiền từ
Ngài luôn có vẻ như dư nụ cười.

Đó là Phật Di Lạc dưới con mắt ông Luân Hoán. một ông Phật ngồi bệt dưới đất, phơi bụng với một nụ cười không bao giờ dứt. Phật đã ngồi bệt dưới đất nên ông Luân Hoán cũng cà rỡn: “biết tính Ngài thích làm thơ / ước gì thù tạc tình cờ biết đâu”.

Phật của ông Luân Hoán rất cõi người, rất dễ thương. “không dám mời Phật vào thơ / nhưng chắc Ngài đến đang sờ đầu tôi”.

Phật tại chùa, trên ban thờ, ngồi giữa khói hương nghi ngút, giữa ánh nến lung linh, trông rất xa cách nhưng Phật chính ra rất gần gũi. Kinh Pháp Hoa ghi: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Ai cũng có thể thành Phật được cả nếu có Phật tánh.

Trong chùa có 18 ông La Hán nhưng ông Luân Hoán nhìn ra có tới 19 ông. Ông Luân Hoán, giống tôi, đều có bệnh về mắt, nhưng tôi nghĩ ông không nhìn lộn.

vị La Hán mười chín
chưa được đời biết danh
không chừng tôi hay bạn
khéo tu có thể thành.

Không chừng ông Luân Hoán thành Phật, không chừng tôi cũng thành Phật, không chừng bạn cũng thành Phật. Tôi đọc được trong website “Tâm An Lạc” lời khuyến khích mọi người thành Phật: “Đức Phật vốn là một người bình thường như bao con người khác. Người vẫn đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, đi vệ sinh… nhưng Phật là người đã hoàn toàn giác ngộ hay tỉnh thức, còn chúng sinh vẫn còn đang phập phồng giữa giác và mê, nhưng khi chúng sinh thực tập và giác ngộ, chúng sinh sẽ thành Phật. Phật không có quyền năng ban bố, thưởng phạt chúng sinh mà Phật chỉ là Phật, người đã thành tựu đạo quả do tự mình tu tập, tự mình chứng ngộ. Chúng sinh cũng vậy, nếu biết buông bỏ những đòi hỏi của bản thân quay về bản chất thanh tịnh của chính mình, chúng sinh sẽ thành tựu giống như vậy. Trong vũ trụ có hằng hà sa số đức Phật và vị Phật nào cũng chỉ dạy duy nhất một cách là hành trì thoát khổ, tìm hạnh phúc chân thật trong hiện tại”.

Phật hiện diện tá lả mọi nơi như vậy, nhìn quanh ta chắc có Phật bên mình. Tiểu truyện “Pho Tượng và Tấm Lòng” ghi như sau: “Như mọi ngày, hai ông bà cùng đi dạo một vòng, đi hóng mát buổi tối cho tiêu cơm trước khi đi ngủ. Đấy là thói quen của hai cụ từ nhiều năm nay. Trời tuy đã chập tối nhưng vẫn còn đủ sáng để cụ ông nhìn thấy vật gì nằm ngay dưới đất bên lối đi của mình. Cụ ông cúi xuống nâng lên và thấy một khối đất trông giống như một tượng Phật. Cụ ông chỉ cho cụ bà xem. Cụ bà cầm lấy trên tay và mang đặt cung kính ở tảng đá ngay ngã ba đường, miệng lẩm bẩm nói: mang tội chết. Trước khi quay đi cụ bà còn cung kính chắp tay vái tượng ba bái. Rồi ngày hôm sau, kẻ qua người lại, có người dừng lại chỉ để ngắm một vật lạ, có người gật gù mỉm cười, có người chắp tay vái. Cục đất sình hôm qua bây giờ đã thành một tượng Phật, và người ta lạy. Nghĩ xem họ lạy ai? Không ai lạy cục đất cả, người ta chỉ lạy tượng. Mà tượng mới chiều qua cũng chỉ là cục đất. Vậy Phật ở đâu? Hay Phật ở trong tâm người lạy? Cục đất chưa khô hẳn kia cũng chỉ là một biểu tượng”.

Cục đất đã có thể là Phật thì (xin lỗi!), bãi phân cũng có thể có Phật tính. Trong một giờ dậy Triết Đông của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn khi tôi theo học, ông nói: “Cục cứt bên đường cũng là Phật” khiến đám sinh viên chúng tôi dội. Khi đó chúng tôi chưa ngộ nên sốc, thực ra đó chỉ là một công án của Hòa Thượng Vân Môn. Một vị tăng hỏi: “Phật là gì?”. Ngài trả lời : “Que cứt khô!”.

Tôi không là Phật tử nhưng thích chưng tượng Phật trong nhà. Phật đứng Phật nằm trên tủ sách của tôi. Ngắm tượng, tôi thấy lòng bình thản, yên ắng, mọi thúc phọc của cuộc sống dường như biến mất. Như vậy tôi vẫn phải dựa vào tượng để ru lòng. Lòng tôi vẫn chưa định. Khi định thì tượng ở trong lòng. Như câu của các nhà thiền: “Khi chưa học đạo thấy núi là núi, sông là sông. Học đạo một thời gian thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Học và hiểu đạo rồi lại thấy núi là núi, sông là sông!”.

Thiền của ông Luân Hoán cũng vậy:

quỳ chân thiếp giữa thiền đường
lơ mơ gặp Phật như tuồng rất thân
bàn tay Phật nhẹ nhàng nâng
tôi lên lưng ngọn bạch vân bay hoài
chẳng gặp ai, chẳng thấy ai
chỉ nghe thoảng tiếng thở dài của tôi

Ông Luân Hoán cũng như tôi, dù có dốc lòng thiền, vẫn bị cuộc đời níu kéo. Có chăng là có những giây phút lắng hồn xuống để rồi lại thả lòng lên. Lòng ông Luân Hoán muôn đời vẫn hướng về những trái thơm tho ngọt ngào của cuộc sống. Như đã từng. Như vẫn từng.

dựa vách chùa ngồi làm thơ
muốn đem hơi đạo nhập vào đời chơi
Phật học tuy chẳng trên trời
nhưng không thấu hiểu đành thôi vẽ trò
định dựa lời kinh vòng vo
thêm bớt chút ít thành thơ chân thiền
bất tài cộng với vô duyên
câu chữ chỉ lộ cái ghiền yêu em

Khi về với em, ông Luân Hoán mới đích thị là ông Luân Hoán. Em như một đóa "liên hoa"!

04/2019