35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

CHU VĂN AN

(Bài nói chuyện trong buổi họp mặt Chu Văn An, ngày 4/5/2019 tại Montreal, Canada)

Kính thưa Quý Vị quan khách,
Thưa các đồng môn,

Tôi có một anh bạn vong niên, hơn tôi 8 tuổi. Chúng tôi gặp mặt nhau lần đầu tiên khi tôi qua San Jose, tới thăm anh trong thân tình vì cùng hoạt động văn học nghệ thuật. Đó là nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm mà chắc nhiều vị ở đây cũng quen biết hoặc nghe danh. Anh là tác giả bài nhạc nổi tiếng “Gọi Người Yêu Dấu”. Qua câu chuyện, tôi được biết anh học trường Bưởi và anh biết tôi học Chu Văn An. Từ đó câu chuyện vồn vã hẳn lên. Khi tôi về lại Montreal, anh điện thoại thường xuyên trong một thời gian dài. Anh mất cách đây gần hai năm, vào tháng 7 năm 2017, thọ 87 tuổi.

Tôi ít biết về trường Bưởi của anh Vũ Đức Nghiêm. Tìm tài liệu tôi mới biết được là trường Bưởi là tên nôm na của trường Bảo Hộ (Lycee du Protectorat), được thành lập vào năm 1908. Tất cả các vị Hiệu Trưởng đều là người Pháp. Vị Hiệu Trưởng cuối cùng là Giáo sư Antoine Perucca. Tới ngày 9/3/1945, trường bị giải thể sau khi Nhật đảo chánh lật đổ thực dân Pháp. Trường Bảo Hộ được đổi tên thành trường Chu văn An, bắt đầu hoạt động từ ngày 12/5/1945. Dân chúng thường gọi nôm na là trường Bưởi theo địa danh của trường.

Niên trưởng Vũ Đức Nghiêm nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 khi được 14 tuổi. Anh học ban Cổ Văn Viễn Đông. Cái tên nghe thật xa lạ. Tên chính thức bằng tiếng Pháp của ban này là “6eme classique Oriental”. Ngôn ngữ học tập là Pháp văn. Sinh ngữ thứ nhất là Hán văn. Việt văn chỉ là sinh ngữ phụ. Dậy môn Việt văn là thầy Dương Quảng Hàm, tài liệu học là cuốn “Việt Nam Quốc Văn Trích Diễm”. Bạn học cùng lớp với anh có Nguyễn Cao Kỳ, Phan Phụng Tiên, Nguyễn Cao Quyền, Phạm Đình Chương. Những cái tên chúng ta đều nghe danh.

Đọc những điều anh Vũ Đức Nghiêm viết trong đặc san năm 2005 của Hội Chu văn An miền Bắc Cali, tôi thấy như anh thuộc vào một thế giới khác, khác xa với Chu văn An của tôi. Tôi vào học lớp Đệ Tam, ban C tức ban Văn Chương, ngay năm đầu di cư vào Sài Gòn. Thời gian này có lẽ là bước ngoặc lớn của trường. Nếu tôi kể ra đây thế hệ Chu văn An của tôi, chắc nhiều vị nhập học sau tôi cũng thấy xa lạ. Hai vị thầy dẫn dắt trường di cư vào Nam là thầy Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán và thầy Giám Học Vũ Đức Thận. Các giáo sư theo trường vào Nam gồm các thầy Hoàng Cơ Nghị, Bùi Phượng Chì, Vũ Lai Chương, Bùi Đình Tấn, Vũ Hoàng Chương, Đào Văn Dương, Nguyễn văn Đĩnh, Nguyễn văn Mùi, Lê văn Thu, Nguyễn Chung Tú, Cao Quang Cận, Lê văn Nhung, Nguyễn Đình Huề, Vũ Khắc Khoan, Ngô Duy Cầu, Nguyễn Hữu Lãng, Trần văn Từ, Đỗ Đăng Dụng, Vũ Quang Nghĩa và nhiều thầy khác. Niên khóa đầu tiên trong Nam, trường học nhờ nơi cơ sở của trường Petrus Ký, gồm 20 lớp. Học sinh Petrus Ký học buổi sáng, Chu Văn An học buổi chiều. Niên khóa sau, niên khóa 1955-1956, trường có trụ sở riêng tại một ngôi nhà hai tầng nằm ở phía sau trường Petrus Ký. Tòa nhà này nguyên là trụ sở của Công An Bình Xuyên, bị quân đội chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đánh bật ra khỏi Sài Gòn.

Nếu thời của đồng môn Vũ Đức Nghiêm có những người thành danh như Phạm Đình Chương, Phan Phụng Tiên, Nguyễn Cao Quyền thì thế hệ Chu văn An của tôi cũng có những tên tuổi quen thuộc. Tháng 2 vừa qua, tôi qua Cali vào đúng dịp tết, có gặp lại một số bạn của lớp Đệ Tam C ngày đó, tôi đã ngồi giữa Tiến sĩ Trần Huy Bích, Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, và Trung Tá Bùi Quyền, Thủ Khoa trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Chỉ Huy Trưởng một chiến đoàn nhảy dù khét tiếng trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Cùng lớp với tôi ngày đó còn có những người tôi không được gặp kỳ qua Cali này như Tiến Sĩ Nguyễn văn Canh. Cũng cùng lớp với tôi nhưng nay đã ra người thiên cổ là hai nhà thơ Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Tiến sĩ Trần Như Tráng và Trung Tá Phạm Công Bạch, nguyên Viện Phó Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Quan văn quan võ đầy đủ, từ thế hệ nọ qua thế hệ kia. Kể ra như vậy để thấy Chu văn An là lò đào tạo ra những hào kiệt của đất nước. Tôi chỉ biết những đồng môn quanh tôi và những đồng môn của anh bạn vong niên Vũ Đức Nghiêm. Những thế hệ Chu văn An khác cũng có nhiều người tài mà tôi xin nhận thiếu sót chưa biết hết nên không thể kể ra đây.

Tôi nghĩ học sinh Chu văn An có nhiều người xuất sắc, trước hết là vì chúng ta có một dàn giáo sư tài giỏi, tận tâm và yêu thương học trò hết mực. Tình yêu thương đó đã khiến các vị bỏ hết tâm huyết ra trong việc giảng dậy. Dĩ nhiên chúng ta không hẹp hòi để chỉ nhìn thấy trường mình. Các trường khác cũng có những giáo sư yêu nghề và tận tâm như vậy. Nhưng dân Chu văn An chúng ta có hoàn cảnh không giống với những trường khác. Với cuộc di cư năm 1954, chúng ta đã bị bứng gốc. Học sinh Chu văn An chúng ta những năm đó vừa đau đáu nhìn ngược lại quê nhà, vừa ngơ ngác nơi đất lạ. Hoàn cảnh sống bấp bênh khi đó ảnh hưởng tới quyết tâm với việc đèn sách của chúng ta. Những ngày gian khổ nằm ở trại lều Phú Thọ hay chia nhau từng chỗ ngủ tại nhà hát Thành Phố như thúc dục chúng ta phải cố gắng tối đa trong hoàn cảnh mới. Hoàn cảnh đó đã hun đúc ý chí cầu tiến trong mỗi chúng ta. Ý chí đó hình như được tiếp nối trong những thế hệ Chu văn An tiếp theo, tạo thành một nếp sống và học, mang đậm nét Chu văn An.
Để nhấn mạnh thêm về nỗi xót xa mất quê hương thời gian đó, tôi xin kể một câu chuyện về nỗi đau xót trong sự mất mát này. Tết Ất Mùi, tháng giêng năm 1955, cái tết đầu tiên xa quê hương miền Bắc, một nhóm gồm 6 học sinh lớp Đệ Tam Văn Chương chúng tôi tới tết thầy Vũ Hoàng Chương tại nhà thầy. Thầy lấy một sấp giấy hồng điều ra viết tặng cho mỗi người một đôi câu đối hoặc hai câu thơ. Chữ của thầy là thứ chữ rồng bay phượng múa. Hai câu thơ thầy viết cho tôi là: “Tri bất tri hề tang hải khách / Cố viên thùy tảo dạ lai hoa?”. Thầy dịch ra tiếng Việt hai câu này như sau: “Hoa rụng đêm nào, ai có biết / Quê nhà ai quét mảnh vườn tuông?”. Còn nỗi nhớ nào ra riết hơn vậy được không?

Vị thế của trường cũng là một yếu tố tạo nên cái nét Chu Văn An. Tại Hà Nội, trường Chu văn An được coi như ngôi trường trung học đầu tiên hoàn toàn Việt Nam, sau thời bảo hộ của thực dân Pháp. Tại Sài Gòn, Chu văn An là ngôi trường di cư duy nhất có đầy đủ các lớp trung học đệ nhị cấp ngay khi tái hoạt động tại miền Nam. Cái vị trí trên trước đó khiến cho học sinh Chu văn An, qua mọi thế hệ, rất tự hào với trường của mình. Tôi nhớ, khi hiệu đoàn Chu văn An có phù hiệu riêng trên ngực áo của học sinh, chúng tôi đi đứng như người mẫu, ngực ưỡn ra phía trước, ra cái điều ta là học sinh Chu văn An đây. Niềm tự hào này được nhiều học sinh Chu văn An thuộc các thời kỳ khác nhau kể lại. Tôi xin lược thuật lại cái cảm giác thần diệu khi được là dân Chu văn An của nhiều thế hệ học sinh.

Trước hết là “cây nhà lá vườn” Đào Huy Kình. Huynh trưởng Kình đã viết như thế này trong Đặc San Bưởi- Chu văn An Montreal năm 1992: “ Một buổi chiều thu, gió heo may xào xạc thổi qua những chùm lá sấu, một rừng người vẻ mặt băn khoăn đứng đợi nghe đọc kết quả trước một tòa nhà ba tầng. Một ông tây to lớn đứng trên thềm cao, cầm danh sách đọc...Số 1 Lê giáp Độ, số 2, 3, 10, 15. Rồi 20, 30, 50, gần tới số 100 rồi chưa thấy tên mình. Rồi 120, 130, 135, 137, 138, 140, 141 Đào Huy Kình. Giật mình, sửng sốt, tôi nhảy quẫng lên vì quá mừng. Đỗ gần bét. Nhưng chẳng sao. Nay mình đã là học sinh trường Bưởi rồi! Giấc mộng của tuổi thơ đã thành sự thực!".

Đồng môn Nguyễn Tri Phương thi đậu vào trường Chu Văn An hồi trường ở Cửa Bắc Hà Nội đã cảm thấy quá hạnh phúc. Trong khi chờ ngày nhập học, nhà ở tận Yên Thái, cách Cửa Bắc mười hai cây số mà cứ thoắt cái là bỏ nhà ra đi, nhảy tầu điện trốn vé hoặc có khi cuốc bộ để "chỉ trèo vào trường ngồi trên nóc hầm trú ẩn năm mười phút, ngắm sân trường vắng, ngắm ngôi nhà nghiêm, ngắm thôi rồi trèo tường ra."

Đồng môn Nguyễn Thừa Bình, quê tại Phan Thiết, thi đậu vào Chu văn An, đã “nổ” khi về lại quê nhà sau khi coi kết quả. “Về quê ở Phan Thiết, tôi thưòng cao ngạo, tự hào, huênh hoang với bè bạn mà khoe mình là “Dân Chu Văn An”, là “Dân Trường Bưởi” một cách say sưa, buồn cười, lố bịch. Ở ngoải, nghe đến tên Trường Chu Văn An, ai là học sinh cũng nể, cũng kiêng, cũng dè cho nên, mình cứ lên nước, mình cứ “làm le”. Nói cho cùng, có buồn cười, có lố bịch, có lên nước, có làm le đi nữa cũng chẳng sao. Bởi vì, có ai cắp sách đến trường ở Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ mà lại không biết đến tên tuổi của ngôi trường nổi danh, nổi tiếng nầy khắp Việt Nam Cộng Hòa, dễ gì mà vào”.

Không biết có phải vì niềm tự hào này mà học sinh Chu văn An có cái mà tôi gọi là “Chu văn An tính”. Khó mà tìm ra cái chi làm nên thứ tính này? Có lẽ nó là sự tổng hợp của nhiều thứ. Tôi vốn khoái những cái dính dáng tới chuyện nghịch ngợm nên nghĩ ngay tới chuyện nghịch ngợm trước. Trong một trường học, thường có hai “giai cấp”: ban giám hiệu và giáo sư một phe và học sinh một phe. Phe học sinh là phe lép vế thường bị phe kia dũa và phạt. Phản ứng lại là một hành động tiêu cực: đặt biệt danh cho phe kia. Lối phản ứng vặt vãnh này kéo dài trong nhiều thế hệ học sinh Chu văn An. Từ thế hệ đầu tại Hà Nội tới thế hệ đầu tại Chu văn An Sài Gòn. Niên trưởng Vũ Đức Nghiêm tự thú như sau: “Dường như có một truyền thống  hận thù giữa học sinh và các thầy giám thị. Các thầy giám thị thường xét nét, để mắt tới đám học sinh, nhất là các học sinh mới vào trường như chúng tôi để tìm bắt lỗi và hình phạt bằng cách cấm túc (consigné) học sinh, không cho ra phố ngày Chúa nhật hoặc ngày lễ. Để trả đũa, học sinh thường tìm cách phá giám thị, hoặc đặt biệt hiệu cho các thầy giám thị, ví dụ thầy Bình dược gọi là Bình Tàu Phè, thầy Mộng Lác, thầy Thiết Bì và sau hết là thầy Tín Nghệ.  Biệt hiệu này do một bạn học trong lớp 6ème E.O. đặt cho thầy vì thầy Tín nói tiếng miền Trung và nghe trọ trẹ như miền Nghệ Tĩnh”. Thế hệ tôi không chỉ thân tặng biệt danh cho các thầy giám thị mà còn cho các giáo sư nữa. Không biết có thể coi đây như một sự tiến bộ được không? Thầy Vũ Khắc Khoan bói không ra một nụ cười, khuôn mặt nghiêm nghị với đôi mắt to và sắc được đặt cho biệt danh “Cú Vọ”. Thầy Bùi Đình Tuyên dậy Vạn Vật hay kể chuyện có pha tí sex được gọi là “Tề Tuyên”. Thầy Nguyễn văn Lộc dậy Anh văn, người khẳng khiu nhưng luôn làm ra vẻ mạnh bạo được phong là “Đô Đốc Lộc”. Thầy giám thị Tự đi giầy tây khua lóc cóc inh ỏi được biệt danh “Tây Gỗ”.

Ngày nay ngồi ôn lại những ngày nghịch ngợm đó, tôi nghĩ đó là một chất keo dính chúng ta lại với nhau. Như đám trẻ tùng phùng nhau, cười rúc rích với nhau, thú vị vì những chuyện tinh ma quỷ quái.

Cho tới ngày nay, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi không bao giờ hết chuyện những ngày Chu văn An xưa. Cũng trong dịp qua Cali vào tháng 2 năm nay, tôi có tới dự buổi họp mặt mừng Tân Niên của Chu văn An miền Nam Cali. Nói là miền Nam Cali nhưng vì được tổ chức vào dịp tết, nhiều Chu văn An từ khắp nơi túa về thủ đô của người tỵ nạn ăn tết, cũng tới dự. Gặp nhau, chúng tôi quấn quýt, chuyện trò không dứt. Trên sân khấu, các hoạt náo viên, các ca sĩ muốn nói nhăng nói cuội chi, muốn hát hỏng ra sao, chúng tôi không hề biết. Miệng và tai chúng tôi còn bận bịu chuyện hơn sáu chục năm kể lại, lấy chi mà nghe văn nghệ văn gừng. Có ông đứng trên sân khấu dọa nếu không im lặng nghe ông hát, ông sẽ bước xuống, không thèm trình diễn nữa. Lời dọa như nước đổ đầu vịt, chúng tôi chẳng care. Ông ấy xuống thật. Mấy ông bạn đồng khóa ngày xưa nói với tôi, năm nào cũng có ông dỗi như vậy!

Nhà thơ Nguyên Sa, từng là Giáo sư dậy triết tại Chu Văn An, đã thơ: “Gặp một bữa anh đã mừng một bữa / Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn”. Thơ của Giáo sư Trần Bích Lan là thơ tình, tình yêu, nhưng vơ vào cho thứ tình đồng môn của chúng ta chắc cũng không đến nỗi khiên cưỡng. Chúng tôi đã bao nhiêu năm không thấy mặt nhau, nhị hỉ quá đi chứ. Cái chất Chu văn An trong mỗi chúng tôi như keo sơn gắn bó. Làm sao chúng tôi dứt chuyện được. Mỗi người chúng tôi mang một mảnh đời Chu văn An, phải cho chúng tôi ghép chúng lại. Từ ngày rời trường xưa, tính ra cũng trên sáu chục niên, chúng tôi đã bước qua những nẻo đường đời. Đời sinh viên, đời lính, đời tù, đời di tản, đời vượt biên, đời vất vả xóa bài làm lại nơi quê người, tôi đã bắt gặp bao khuôn mặt búng ra chất Chu văn An. Nhìn nhau đã biết là…phe ta. Nếu phải diễn  tả cái chất Chu văn An trên mặt mũi ra sao, chịu, không nói ra được. Nhưng chúng ta cảm thấy. Hỏi ra thì y chang, chính chàng!  

Hôm nay, chúng ta đã đi gần hết cuộc sống, đã lạc vào vùng oanh kích tự do của tật bệnh, đã đang thu vén cho hồi kết cuộc của đời người, vậy mà, cứ Chu văn An ới gọi là chúng ta có mặt. Cái chất Chu văn An đã dính cứng vào mỗi chúng ta, kết nối chúng ta với những Chu văn An khác. Tuy không cùng một lớp, không cùng một thế hệ, không cùng một địa vị, không cùng một nếp sống, chúng ta luôn luôn nhận ra những Chu văn An khác, coi nhau như ruột thịt. 

Chúng ta được sinh ra trong một thời kỳ nhiễu nhương nhất của dòng lịch sử dân tộc. Biết bao nhiêu đổi thay, biết bao nhiêu chuyển dời, biết bao nhiêu vinh nhục, biết bao nhiêu khắc khoải, biết bao nhiêu quỵ ngã, biết bao nhiêu gắng gượng, biết bao nhiêu trỗi dậy, khiến chúng ta như đã sống hơn một đời người. Mặc những đổi thay đến chóng mặt, chúng ta vẫn không lạc mất nhau. Chúng ta đã mang theo gậy gộc, xe lăn, những mái tóc ông nội ông ngoại tìm đến với nhau. Chúng ta nợ nhau những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu. Nhìn thấy nhau, chúng ta nhìn thấy bóng dáng của nhau khi còn là những học sinh, lúc lòng trai còn tươi rói chữ Chu văn An.              

Hôm nay, chúng ta quây quần bên nhau ở đây, như được trở về với mái ấm gia đình. Chỉ cần ngồi với nhau, nhìn mặt nhau, chúng ta đã cảm thấy như sống lại cả một thời Chu văn An cũ. Một ngày Chu văn An, một đời Chu văn An.

Xin cám ơn Quý Vị và các bạn .

05/2019


Từ trái: Trần Huy Bích, Tạ Trung Sơn, Nguyễn Tiến Đức, Trần Minh Công.


Tạ Trung Sơn và Bùi Quyền.