35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

Đọc "Chuyện gần chuyện xa" của Võ Kỳ Điền và Nguyễn Minh Ngọc

Trường Kỳ: sống để ăn

Ông văn nghệ

Đọc "Lang thang trên phím chữ" của Đỗ Cẩm Sơn

Đọc "Ngô Thế Vinh, bằng hữu và văn chương"

Lướt qua "Đường Chữ Sau Lưng" của nhà thơ Luân Hoán

Đọc "Hư Ảo Cõi Hương" của Luân Hoán

Cảm theo "Liên Hoa Thi" của Luân Hoán

Đọc "Thơ Khánh Trường"

ĐỌC "LANG THANG TRÊN PHÍM CHỮ" CỦA ĐỖ CẨM SƠN

Đỗ Cẩm Sơn là bút hiệu của Đỗ Xuân Triều, một bạn học của tôi từ trường Dũng Lạc, Hà Nội, tới Chu văn An, Sài Gòn. Anh bạn học này có tài vẽ. Năm 1955, lớp Đệ Nhị C chúng tôi làm một tờ báo quay ronéo thuộc lọai xịn nhất trong các báo in roneo của các trường trung học thời bấy giờ. Thường báo quay bằng roneo thời đó chỉ có một màu đen. Năm đó, chúng tôi in nhiều màu trên cùng một trang. Tựa bài màu khác, nội dung bài màu khác. Rồi những hình vẽ trang trí cũng technicolor nhiều màu. Những hình vẽ trang trí đó là của Đỗ Xuân Triều. Anh vẽ đẹp. Chúng tôi mang báo đi bán tại các trường trong đó có cả trường Trưng Vương. Thiệt là một kinh nghiệm lý thú. Tôi còn nhớ đã đánh lô tô trong bụng ra sao khi đứng giới thiệu báo trước một lớp toàn nữ sinh. Nhưng tôi không nhớ hồi đó anh “họa sĩ” học trò Đỗ Xuân Triều có được phân công tới bán báo tại Trưng Vương hay không. Nếu có thì là một thử thách nghiêm trọng cho bạn tôi.

Đỗ Xuân Triều là một chủng sinh ngoại khóa hồi còn học tại trường Dũng Lạc. Anh được trừ nửa học phí. Nhưng một bữa anh đã trình với linh mục linh hướng xin thôi tu vì đã có ý tưởng trai gái. Khi học lớp Đệ Tam, chúng tôi còn ngơ ngác trong tình trường, thấy gái mặt đỏ bừng bừng thì anh đã khôn lớn. Phải xấp xỉ sáu chục năm sau, khi đọc cuốn hồi ký hết sức thành thật khai báo của anh “Lang Thang Trên Phím Chữ” này, tôi mới vỡ lẽ: “May được mấy năm sống ở Hà Nội, tôi xong bốn năm Trung học Đệ Nhất Cấp. Có dịp tập hư. Hai mươi mốt năm ở Sài Gòn, miền Nam, đi học, đi làm, có tiền…lạc bước vào xã hội khép kín của các anh già lắm bạc, thích gõ trống bỏi, đặt “mê cung” ở lầu 3 building Everest…Tôi trai trẻ đủ 6 múi, chưa có mảnh bằng đủ lớn vác vai, nhưng có số hên, không hên ở đường thi cử, vì lười học, dốt, nhưng hên trong việc làm, tình trường”.

Cái vỡ lẽ của tôi là trong lúc chúng tôi chỉ vùi đầu trong những cuốn sách giáo khoa, anh đã mở trang đời trong chốn tình trường. Học giỏi hay học dốt không hẳn từ mỗi người nhưng một phần tùy thuộc vào môi trường sống chung quanh. Đỗ Xuân Triều không có môi trường thích hợp với sách vở. Trong bài thơ tự do nằm ở đầu sách, anh viết:

“Tình chẵn, tình lẻ đong đầy, dậy cho những ngón tay biết mở khuy áo hay kéo zipper, khi tín hiệu phát ra bằng những mi mắt chớp, liếc sâu thẳm,
những bờ môi hé mỉm nụ cười đồng lõa, khuyến khích.
Những năm tuổi trẻ phung phí thời gian”.

Dĩ nhiên anh không may mắn trong thi cử. Chúng tôi cắm đầu vào học để làm thân cá vượt ngũ môn. Chuyện thi cử thời đó là cả một bi kịch, nhất là với ban C, ban Văn Chương chúng tôi. Mười người thi may ra được một người bảng vàng đề danh. Học hành sao cho lấy được cái bằng Đại học để rồi đầu tắt mặt tối trong công việc. Những năm học sau đó, vắng bóng anh bạn Đỗ Xuân Triều. Anh không may nhưng không hẳn vậy. Đường đời đâu chỉ dành cho những người có bằng cấp. Vốn liếng thời mài đũng quần trên ghế trung học cũng đủ cho anh vin lối mòn vào đời.

Số phận vẫn chiều chuộng anh. Từ một quen biết tình cờ tại thư viện với một người Anh tên James, anh bước vào nghề phiên dịch. Sự quen biết cũng bắt nguồn từ chuyện phiên dịch. Anh thích cuốn Animal Farm của George Orwell nên mày mò dịch sang tiếng Việt. Chuyện này anh đeo đuổi cả đời. Ít năm trước tôi nhận được bản dịch “Trại Súc Vật” do anh gửi tặng. Năm 2019, tại phi trường Nội Bài, Hà Nội, cảnh sát di trú đã vứt ra bàn cuốn sách chống Cộng này để tra hỏi anh.

Từ chuyện nhận công việc phiên dịch đầu tiên, anh đã dần dần bước vào thế giới sở Mỹ. Leo từ dưới lên trên, thành một viên chức đầy vai vế trong chốn mà chúng ta thường nghe tới nhưng không biết rõ ràng. Ngày đó tôi rất lơ mơ về các cơ quan của Mỹ. Chỉ biết USAID, USOM, MACV,  JUSPAO. Đọc cuốn hồi ký này, tôi mới biết ngọn ngành các cơ quan và xã hội người Việt làm cho Mỹ thời đó. Sở Mỹ đa dạng và thay đổi tùy theo thời gian và mức độ can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh và đời sống dân Việt. Những CTI, SACPO, PSG, OCPD là những cái tên lạ hoắc. Đó là tên viết tắt của những cơ quan mà Triều đã làm việc. Đọc hết cuốn sách, những cái tên này vẫn lạ hoắc với tôi vì đó chỉ là những tên tắt mà tác giả không “giải mã”. Chắc anh tưởng ai cũng biết những tên này.

Trong thời gian cuối của cuộc chiến, tác giả đã làm cho DAO, một cái tên mà hồi đó những người cuống cuồng tìm một chỗ trên máy bay di tản đều thuộc nằm lòng. Triều là một chức sắc của DAO trên Tân Sơn Nhất ngày đó. Anh đã giúp cho nhiều người leo lên máy bay. Gặp nhau tại Cali sau này, anh mắng mỏ tôi: “Ngày đó tụi mày biến đâu hết? Nếu có liên lạc với tao thì đâu có phải nếm mùi tù Cộng sản”. Quả thực tôi không giữ liên lạc với Triều ngay từ khi Triều rời ghế trường Chu văn An. Công ăn việc làm đã chia chúng tôi ra thành những ốc đảo riêng rẽ. Triều kể trong cuốn hồi ký là chỉ gặp lại hai người bạn học thời đó. Người thứ nhất là Võ Sửu. Tết Mậu Thân, Triều bị thương vào nằm bệnh viện. Một toán phóng viên đài truyền hình của hãng AP vào quay phim. Sửu có mặt trong đám phòng viên thu hình đó. Anh nhắn Sửu tin cho gia đình biết anh đang nằm tại đây. Người thứ hai là Trần Như Tráng. Khi đó Tráng đã đi du học tại Mỹ về, lấy được bằng Tiến Sĩ, dạy tại trường Luật, Vạn Hạnh và Đại học Đà Lạt. Cuộc gặp gỡ này làm anh nghĩ ngợi: “Trao đổi với nhau vài câu, suốt ngày hôm đó tôi tự trách mình lười nên thua bạn bè. Họ đã bỏ tôi quá xa, thành danh và giữ nhiều địa vị trong xã hội”. Và anh đã quyết định tự học và đi thi lại. Khi là học sinh, chỉ việc học thì công không thành danh không toại vì cái tội hư sớm. Khi đã có trong tay địa vị và tiền bạc thì lại chăm chỉ. Vào vấn đáp, gặp lại thầy cũ. “Ngày vào thi vấn đáp, thầy Nguyễn Xuân Kỳ nhận ra tôi học năm Đệ Tam C trước đây, hỏi: “Sao chậm thế?”. Chắc ý thầy hỏi tôi đi đâu bây giờ mới đậu!”... Ngày xướng danh kết quả thi tôi không ra xem, mấy hôm sau coi báo thấy có tên. Thôi dù sao cũng đã trả xong món nợ sách đèn thời trung học. Hiện tại đang kiếm tiền, văn bằng đó giữ làm kỷ niệm một thời ham chơi, gái gú nên học dốt!”.

Đỗ Cẩm Sơn đã mở ra một khung cửa sổ cho độc giả nhìn vào thế giới sở Mỹ mà nhiều người, trong đó có tôi, rất lơ mơ. Cái khung cửa thứ hai mà tác giả mở hé cho chúng ta thấy là chuyện của những người di tản sớm ngay từ những ngày cuối tháng tư năm 1975. Tôi còn kẹt lại Việt nam đúng 10 năm, chỉ thoát ra khỏi nước vào tháng 6 năm 1985. Thời gian tôi qua thì loạt di tản 1975 đã ổn định. Nhìn vào cuộc sống đã định nếp của những bạn bè may mắn này, tôi nghĩ họ là những người đẻ bọc điều. Nhưng không hẳn vậy. Cuộc di tản sớm sủa của họ cũng nhiều gian nan vất vả.

Khi làm việc tại Việt Nam, Triều quen và làm bạn với Thiếu Tá W.C. Dowdy. Viên Thiếu Tá này đã gọi điện thoại tới trại tỵ nạn Fort Chaffee, nơi gia đình Triều tá túc. Dowdy nay đã giải ngũ và đang làm chủ một trang trại tại tiểu bang Mississippi muốn bảo lãnh gia đình anh về làm việc tại trang trại. Triều kể lại: “Tôi nghĩ đã đến lúc nên xuất trại. Từ ngày bỏ nước ra đi đến nay đã hơn hai tháng sống trong tình trạng tạm dung. Con cháu không đi học, suốt ngày cùng với các bạn mới lên xe buýt rong chơi khắp bốn khu trong trại, đến bữa chúng táp vào một nhà ăn nào đó, xếp hàng lấy phần ăn. Buổi tối khu nào có chiếu phim ha yngoài trời, chúng ở lại coi. Phim không vừa ý, sang khu khác. Lo cho tương lai các con đang tuổi đi học mà sống trong cảnh này, không an tâm chút nào. Tôi bàn với vợ nên nhận lời ra với anh này vì dù sao cũng đã biết nhau từ trước, và thiện chí của anh ta đối với mình như vậy là tốt. Cứ xuất trại để bớt điều lo lắng hiện tại, ra với xã hội bên ngoài mới tính được, có thể tìm cách liên lạc với nhóm bân cũ ngày mới đi làm, nay đã lớn tuổi, có thế giúp ý kiến hay một cách nào đó”.

Nơi gia đình tác giả tới là một làng quê tên Pontotoc, cái tên của người da đỏ. Anh được nhà thờ địa phương giúp đỡ các phương tiện cho cuộc sống mới. Nhưng đang là một dân Sài Gòn chính hiệu, ăn chơi mút mùa, giờ trở thành nông dân, tương lai nơi nào, Triều quyết định phải thay đổi cuộc sống. Anh xin vào làm cho hãng Keystone, lương 2.53$ một giờ. Nhẩm tính ngày làm 8 tiếng, tháng cũng được 242 đô, vậy là mừng. Mừng nhưng vẫn cần vươn lên. Anh ước có một chiếc xe tốt để đi xuyên bang coi nơi nào có thể sống được tốt hơn. “Ước thế thôi chứ làm gì có tiền mua được xe tốt. Hiện tại đã có mấy xe nhưng toàn xe cũ, giá như ở trong nước, các xe này đậu trước cửa nhà cũng le chán. Nhưng ở Mỹ, nhu cầu cao hơn. Hơn nữa, đang dự tính làm một chuyến đi xa”. Nhà thờ tìm xin cho anh được một chiếc xe Plymouth Valiant đời 1971. “Khi ký tên vào giấy chứng nhận chủ quyền xe, tay tôi run vì ước mơ đang thành sự thật. Cảm tạ Chúa vì Ngài đã đáp ứng lời cầu xin của tôi, cho tôi một cơ hội mới. Hôm đó là ngày 19 tháng 11 năm 1975”.

Triều lái xe tới Michigan, xin ở lại đây. Đời sống vật chất coi như tạm ổn, no bụng mới nghĩ tới phần linh hồn. Giáo dân Việt Nam xin tòa giám mục sở tại một linh mục Việt Nam làm linh hướng cho cộng đồng nhỏ bé của họ. “Buổi tiếp xúc đầu tiên với linh mục Việt Nam không ngờ đó là Nguyễn văn Lý, một bạn học của tôi năm Đệ Tam C trường Chu văn An niên khóa 1954-1955. Ngày đó dòng Đồng Công mới lập, chưa có phương tiện để đào tạo văn hóa cho chủng sinh, năm “chú” vào học Chu văn An, ngồi ở góc trong cùng, cuối lớp. Các chú ngoan, hiền, bẽn lẽn như con gái, cử chỉ, giao tiếp rụt rè, tôi gọi hai bàn các chú là “xóm Đạo”. Hai chục năm ở Sài Gòn, tôi như quên hẳn dân Xóm Đạo. Phần “cha” Lý, ở đất khách quê người, anh nhận ra tôi, nhưng còn dè dặt chưa dám kết thân, có lẽ anh còn nhớ tôi là “thành phần bất hảo” ngày ở ghế nhà trường. Chỉ sau lần chúng tôi mời Lý ăn bữa cơm gia đình, Lý mới kể tên những bạn học cũ ở Chu văn An, nhắc lại những lần tôi chọc phá thầy giám thị Tự và Giáo sư Ý, “bác Lý” mới tỏ ra thân thiết. Mỗi lần tới thăm, bác cho con gái út 3 tuổi của tôi mấy thanh kẹo chewing gum. Khi đã nhận ra nhau, một dân Xóm Đạo nay là “thầy cả” được nhà Dòng ký giao kèo thuê mướn với giáo phận, nhận “bài sai” đến coi đàn chiên trong đó có một tên từng là đồng môn hư hỏng, chúng tôi vẫn cư xử với nhau bằng tình bạn”.

Cái lạnh buốt da buốt thịt đã khiến tác giả lại tìm lối thoát mới. Lần này anh tìm tới nơi người Việt tập trung về: California. Lại loay hoay cho cuộc sống mới. Lại tìm việc. Anh được giới thiệu làm quản gia cho cựu Tổng Thống Ford. Hai vợ chồng được Tổng Thống Ford tiếp, nói về việc làm. Họ sẽ được cấp chỗ ở trong nhà. “Nói chung công việc của hai vợ chồng đòi hỏi tính tháo vát và rất chi tiết. Đã vậy, ngoài đồng lương, không có bảo hiểm y tế, và cuộc sống sẽ bị cô lập trong một không gian an ninh tối đa. Tổng Thống nói rất chậm, nhỏ nhẹ, điềm đạm, thái độ bình dân”. Sau khi cân nhắc, anh đã từ chối công việc này vì phải xa cách bạn bè và người thân. Ngoài ra đây là công việc riêng do Tổng Thống trả lương bằng tiền túi chứ không phải là một job của chính phủ liên bang. Cuối cùng anh tìm được việc nơi hãng Arlon, chuyên sản xuất vinyl và gặp đúng dịp tiến thân cho tới khi về hưu.

Cuộc đời của anh bạn Đỗ Xuân Triều đầy sôi động. Cuốn hồi ký “Lang Thang Trên Phím Chữ” được anh kể lại bằng một giọng văn mộc mạc, chân thật. Chỉ tiếc một điều là anh chấm ngòi viết vào bình mực quá sâu nên nội dung cuốn hồi ký nhiều khi bị anh đưa đi quá đà khiến loãng nội dung. Nếu những đoạn anh sa đà quá đáng được sửa lại hoặc cắt bỏ, người đọc sẽ dễ theo ngòi viết của anh hơn.

Có một chuyện tôi cố tình không nhắc tới trong bài này: những cuộc tình anh kể lại trong suốt quãng đời sống động của một người sớm bước vào tình trường và may mắn có nhiều bến đợi. Chuyện này tôi xin dành cho các bạn hưởng cái thú tự khám phá!

01/2023