Về lại chốn cũ ai chẳng có cái náo nức trong lòng. Được đi lại
những con đường đã thành kỷ niệm một thời, được nhìn lại những nơi
chốn làm thành tuổi hoa niên, được hít thở bầu không khí quen thuộc
ngày mới lớn và nhất là được nhìn lại những tháng ngày học trò nơi
trường xưa. Kỷ niệm thời học trò hình như bao giờ cũng là những
kỷ niệm rõ nét nhất trong mỗi đời người. Từ những cái ngây ngô đến
mắc cỡ, những dại khờ khó quên, những tình cảm cố nhét kín trong
lòng, đến những vất vả cực nhọc với sách đèn, những tình bạn trong
veo keo sơn suốt cuộc đời. Trường cũ lúc nào cũng như một khát khao
được nhìn lại.
Đặt chân tới Saigon, cái náo nức lịm dần. Người bỗng thấy bải hoải
mất mát. Cảnh như không còn như trước. Người như xa lạ nhiều. Buồn.
Chán. Chẳng muốn nhúc nhích. Đi đó đi đây, thăm chỗ này chỗ khác,
lòng dửng dưng chẳng màng. Vậy mà, loay hoay thế nào, cũng có lúc
tôi đi qua trường Chu Văn An, gần nhà thờ Ngã Sáu. Nhìn qua cánh
cửa sắt chẳng còn đội tên Chu Văn An trên đầu, lòng tôi thản nhiên
đến tàn nhẫn. Tôi đâu có chút kỷ niệm nào chôn giấu nơi đây! Lớp
người chúng tôi, nhập Chu Văn An ngay sau ngày di cư, ba bốn năm
học nhờ, ra trường cũng vẫn ở nơi học nhờ.
Cái gọi là trường Chu Văn An của chúng tôi là một tòa nhà lầu
nằm ở phía sau trường Petrus Ký, do trường này tạm thời cho mượn.
Cổng vào trường Petrus Ký nằm nguy nga trên con đường Cộng Hòa rộng
rãi khang trang, cây cao bóng cả. Cổng vào trường Chu Văn An heo
hút một con đường đất từ ngả đường Trần Bình Trọng eo xèo buồn bã,
nằm phơi mình giữa một sân banh, vài căn nhà ở nhỏ nhắn và một thư
viện lúc nào cũng lạnh lẽo vắng vẻ như chùa Bà Đanh. Cái thừa thãi
của con đường này là gió và nắng. Gió đâu mà thốc tháo hung hãn.
Nắng đâu mà đổ lửa chói chang. Hồi đó bên Trưng Vương chưa có lớp
Đệ Nhất nên các nữ sinh cầm được tấm bằng Tú Tài I đều phải chuyển
qua Chu Văn An học tiếp. Các chị quần trắng áo dài nón lá biết bao
phen phải vất vả đạp xe đạp trên con đường đất này. Gió đâu có chỉ
chực chờ giở nón các chị mà còn đùa nhiều trò mất nết hơn. Nắng
cũng chẳng vừa, đâu có chỉ tò mò soi tỏ mặt hoa da phấn mà còn sỗ
sàng tọc mạch hơn nhiều. Và dân Chu Văn An chúng tôi cũng đâu có
dại khờ gì mà không ngẩng mặt nhìn trời khẩn cầu hai điều. Lạy trời
gió nữa lên! Lạy trời nắng nữa lên!
Con đường đất bụi mù bẻ quẹo qua bên phải đâm vào bên hông tòa
nhà cũ kỹ cô độc. Trước tòa nhà là chiếc sân nhỏ, nơi có cột cờ
nằm ở giữa, thường thì treo cờ nhưng có một buổi sáng treo toòng
teng chiếc xe đạp của thầy Ý, làm nên một giai thoại mà cho tới
bây giờ, hơn bốn chục năm đã trôi qua, nơi đồng đất nước người,
những chàng trai Chu Văn An cũ vẫn thú vị kiếm tìm thủ phạm.
Chỉ có mỗi chiếc xe đạp của thầy Ý, người trân quí xe đạp nhất
trên đời, mới được ở một vị trí cao như vậy. Các chiếc xe đạp khác,
của cả thầy lẫn trò, được xếp lớp trong một nhà để xe mái tôn chật
hẹp, thấp lè tè bên cạnh sân, phía đối diện với tòa nhà. Nhưng cái
bên cạnh nhà để xe mới là nơi đáng được nhắc tới. Đó là nhà bác
cai trường. Nhà bác có bao nhiêu giường, bao nhiêu chiếu, không
phải là chuyện cần để ý. Để ý chăng là những chén chè bác bày bán.
Chậm chân thì hết. Mà hết thì chịu. Lấy gì dỗ miệng trong giờ chơi?
Chẳng lẽ đi tìm thầy Linh dạy Pháp văn hỏi la ve? Thầy Linh đày
vẻ hào hoa phong nhã lại nhuốm chút tác phong bụi đời, chịu chơi
hết cỡ, lái xe hơi đi dạy học, miệng luôn gắn điếu thuốc lá có quệt
dầu nhị thiên đường quanh điếu thuốc, mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh
biếng chải, nói tiếng Pháp nhuyễn như tây, típ người làm học trò
chết mê chết mệt, nhất là những buổi học bù hay học thêm cuối tuần.
Trong những buổi học này, thầy Linh móc tiền túi sai học trò đi
mua la ve ướp lạnh về cho cả thầy lẫn trò vừa uống vừa học, với
điều kiện không được anh nào phản thùng hé môi mách ra. Chúng tôi
là những người trọng luật giang hồ nên chắc tới bây giờ thầy Hiệu
Trưởng Vũ Ngô Xán mới biết chuyện này!
Chẳng phải chỉ có học trò mới khoái thầy Linh, thầy Đàm Quang
Thiều cũng thích lắm. Có lần thầy Thiều đã nói nhỏ với thầy Linh
là thầy thích lối sống của thầy Linh nhưng cuộc sống của thầy khác,
không bắt chước được. Bắt chước sao được, con trai của thầy Thiều
là Đàm Quang Cận đang ngồi cùng lớp với chúng tôi! Vả lại cái cứng
cỏi đến thành nếp của thầy Thiều so với cái bay bướm bất cần của
thầy Linh, cái thì mặt trăng cái thì mặt trời, làm sao bỏ chung
vào một rọ được? Thầy Thiều thật biết người biết mình mà chẳng cần
thắng dù một trận chứ đừng nói trăm trận.
Người thích hơn thua là thầy Bùi Đình Tuyên dạy Vạn Vật. Giọng
thầy chảy dài đay nghiến luôn pha chút dè bỉu. Năm đó, lớp Đệ Nhị
C chúng tôi có một số bạn bỏ ngang đi học trường Võ Bị Đà Lạt. Một
bữa, họ kéo nhau về thăm bạn bè cũ. Tới cửa lớp vào đúng giờ thầy
Tuyên đang dạy, họ xin phép gọi vài người ra hàn huyên. Thầy Tuyên
liếc xéo mấy anh lính sữa, đành phải cho phép. Chờ họ đi khuất,
thầy dài giọng, bĩu môi phán. Bạc như dân, bất nhân như lính ấy
mà! Trong mấy tên "bất nhân" đó có Bùi Quyền, sau này
đã giương chiếc cung thủ khoa bắn tên đi bốn phương tám hướng, thả
chí làm trai lên trời cao, và sự nghiệp binh đao đã mấp mé ngôi
sao trên cổ áo.
Hào hoa phong nhã không kém thầy Linh là thầy Nguyễn Xuân Vinh
dạy Toán. Nhưng có một khác biệt nho nhỏ là thầy Vinh chỉ hào hoa
trong Đời Phi Công chứ nhân dạng trông cũng đứng đắn ra bậc thầy
lắm. Có một lần thầy đưa cô tới sân trường tạo nên một biến cố nho
nhỏ. Học trò các lớp nhấp nha nhấp nhổm nhìn qua cửa sổ để chiêm
ngưỡng cô Phượng dễ thương trong Đời Phi Công.
Nhưng người làm cho giờ Toán bớt khô khan là thầy Quĩ. Dáng vóc
công tử già đượm mùi nước hoa và mùi la ve, thầy Quĩ có lối giảng
bài duyên dáng và hấp dẫn lạ lùng. Giải xong một bài toán, nắm được
cái đáp số, kéo nó ra góc bảng đen, thầy lên giọng nhừa nhựa thả
nhẹ. Mang nó ra chỗ vắng vẻ, đóng khung lại. Lũ học trò ma mãnh
chúng tôi vốn nhiều óc tưởng tượng, tíu tít cười, chẳng phải để
bày tỏ nỗi vui giải được bài toán!
Tòa nhà cô đơn nằm giữa một khu đất trống vắng đó đã nhốt biết
bao kỷ niệm thời học trò của chúng tôi. Nó là một ngôi trường tạm
nhưng cái tạm thời cũng dài bằng cả thời gian Đệ Nhị Cấp chúng tôi
theo học. Nó được trả lại cho trường Petrus Ký lúc nào để thầy trò
bồng bế nhau qua ngôi trường mới toanh gần nhà thờ Ngã Sáu thì chúng
tôi không được biết. Bây giờ tìm lại cái nôi của kỷ niệm Chu Văn
An, chúng tôi hụt hẫng dữ! Lớp người trước chúng tôi có ngôi trường
nguy nga ngoài Hà Nội, lớp người sau chúng tôi có ngôi trường mới
của riêng mình. Lớp chúng tôi lọt thỏm ngay vào cái lỗ trống ở giữa.
Như là những giây phút nghỉ giải lao trong một trận túc cầu. Người
ta căng mắt chú ý lúc các đấu thủ thi tài trong hiệp nhất và hiệp
nhì chứ cái phút giải lao giữa hai hiệp chỉ dùng để ăn uống, hút
thuốc, tán dóc và...đi tiểu! Chúng tôi quả có một số phận hẩm hiu
đáng ngậm ngùi!
Không máng được những kỷ niệm vào một ngôi trường, tôi máng chúng
lên vai những bạn bè Chu Văn An cùng thời của tôi. Mỗi người là
mỗi mảnh kỷ niệm. Chịu khó xếp lại chắc cũng thành được một bức
tranh. Vậy mà tôi đã đỏ mắt tìm trong thời gian ngắn ngủi ở Saigon
mà tuyệt nhiên không thấy một mống. Bạn bè tôi chắc đều có những
cặp chân dài.
Không gặp được họ ở Saigon, tôi đã gặp được những khuôn mặt cũ
ở Little Saigon. Thì Phạm văn Quảng, con trai của nhiếp ảnh gia
nổi tiếng Phạm văn Mùi đó. Anh là một người chịu khó chắt chiu với
kỷ niệm. Chẳng thế mà anh đã mang độc nhất một chiếc thắt lưng da
từ thời Chu Văn An, qua thời Đại Học Sư Phạm, đi du học ở Mỹ về
mà vẫn cố kết với chiếc thắt lưng có cái đuôi quăn queo đó mặc cho
bạn bè bông đùa cười cợt. Gặp lại nhau, tôi toét miệng hô lên một
tiếng lớn. Ếch! Quảng phồng mang hô lại. Ốp! Hai đứa phá ra cười
ôm lấy nhau. Sự tích là như thế này. Quảng là vua giơ tay trả lời
thầy trong lớp học. Thầy vừa dứt câu hỏi là có cái tay của anh giơ
lên xin nói rồi. Môn gì cũng vậy. Mùa mưa cũng như mùa nắng. Giọng
anh thì như chiếc radio bị hư nút volume. Sang sảng như tiếng ếch
kêu. Anh chết danh với cái tên ếch ộp là vì vậy.
Thì Đỗ Xuân Triều đó! Nghe tôi sang thăm bèn hú một lũ Chu Văn
An tụ tập tại nhà anh chờ tôi đến. Món ăn đầu tiên được anh thết
bạn cũ là món đu đủ bò khô Chu Văn An. Đảo mắt nhìn bạn bè cũ xúm
xít chung quanh, mắt có khi đã nhòe nhoẹt, nuốt hương vị cũ như
nuốt kỷ niệm. Thời đó chúng tôi làm báo xuân lớp Đệ Nhị C. Ban Văn
Chương ra báo nhất định phải làm cho hách. Hách tới đâu thì cũng
chỉ là báo in ronéo. Nhưng chúng tôi đã mở một kỷ nguyên mới cho
báo ronéo là in màu. Mất công lắm. Nhiều đêm lũ chúng tôi phải thức
trắng đêm cho kịp ngày ra báo. Mỗi tờ stencil chỉ chạy được một
màu. Mỗi trang in hai màu là tốn công gấp đôi, không kể thời gian
ngồi vẽ vời canh cho mỗi màu trên mỗi tờ stencil sao cho khi in
phải ăn khớp với nhau. Lại còn phải tính thời gian lấy xăng và dầu
hôi rửa máy mỗi lần thay màu nữa chứ. Người vẽ báo chính là Đỗ Xuân
Triều. Nét vẽ của anh có hồn nhưng cũng đày vẻ châm chọc lúc cần.
Tôi nhớ hồi đó tôi có làm một bài thơ trào phúng mang tên Khỉ Chúc
thì phải. Năm đó là năm khỉ. Triều vẽ cho bài thơ của tôi một chú
khỉ đứng trước micro chúc tết. Trông qua thì thấy đó là một hình
vẽ sống động thôi nhưng nhìn kỹ thì đó là dáng đứng của thầy Tổng
Giám Thị Lãng trước micro mỗi buổi chào cờ sáng thứ hai!
Băng làm báo Đệ Nhị C thời đó nay, ngoài Đỗ Xuân Triều còn Trần
Huy Bích, Phạm Văn Quảng, Phạm Công Bạch ở Cali, Trần Như Tráng
ở Virginia. Chẳng thấy ai viết lách gì tiếp trừ Tiến Sĩ Trần Huy
Bích thỉnh thoảng có bài đăng báo.
Nơi tòa soạn nhật báo Người Việt trên đường Morin, tôi gặp Hoàng
Khởi Phong. Biết anh qua sách báo, nhưng đây là lần đầu gặp nhau.
Qua phút xã giao, chuyện trò qua lại nổ như bắp rang như đã biết
nhau từ lâu rồi. Không biết Hoàng Khởi Phong có phải là dân Chu
Văn An không chứ cách nói năng và phong độ cũng đáng ngờ là Chu
Văn An thứ thiệt lắm! Tôi nhắc tới Hoàng Khởi Phong chẳng phải vì
muốn bắt quàng làm họ với người nổi tiếng mà là vì trong cuốn Ngày
N+ của anh, anh đã tiết lộ một chi tiết khá thú vị về một ông Chu
Văn An bạn tôi: ông Tô Thế Liệu. Ngày cuối của Saigon, Tô Thế Liệu
đã leo lên được tàu di tản ở bến Bạch Đằng cùng với Hoàng Khởi Phong.
Nhưng đứng được một lúc, trong khi người ta ùn ùn chen chân lên
thì Tô Thế Liệu thủng thẳng đi xuống. Lý do là ông sợ mất chiếc
xe Honda khóa ở dưới đường. Kết quả cho hành động ngược chiều này
là vài năm học tập cho bạn tôi. Vớ được chuyện hay, tôi phôn cho
Liệu, cũng ở Cali, giọng ỡm ờ:
- Tôi mới được biết bạn tôi mải ôm chiếc Honda quên mất chuyện
di tản qua Mỹ thì phải!
Bên kia đầu dây, tôi như nhìn thấy nét mặt Liệu ngớ ra rồi giọng
ngập ngừng ấp úng:
- Bố khỉ! Mày phải hiểu cho hoàn cảnh tao lúc đó. Chiếc xe là cả
gia tài của ông anh tao, ông ấy quí như vàng, tao mượn tạm chạy
đi dò tình hình. Ai ngờ là lên được tàu! Đứng phân vân nghĩ ngợi,
tao thấy nếu làm mất chiếc xe của ông ấy thì lương tâm không yên
nên mò xuống mang xe về trả ông ấy. Tưởng là trở lại kịp, ai ngờ
hụt cẳng. Mày phải hiểu cho tao, mày!
Tôi hiểu cái ngờ nghệch dễ thương của bạn tôi. Cứ như kiểu bên
tình bên lý vậy. Dân Chu Văn An như bạn tôi dễ nghiêng người về
bên tình. Cái tình của Tô Thế Liệu thì bạn bè có ai mà không biết.
Anh sống với bạn và được bạn sống với anh. Hè 1996, anh dắt vợ qua
Montréal. Vội vàng cứ như ông lớn đi công du. Chỉ ở lại đúng có
một đêm và một buổi sáng nơi nhà Đỗ Văn Ngọc. Vậy mà lại muốn gặp
tất cả các bạn cũ. Báo hại Đỗ Phan Hạnh phải cấp tốc điện thoại
triệu tập anh em đến ăn sáng với vợ chồng Liệu tại một tiệm cà phê
của Tây. Hơn một chục ông Chu Văn An xuất hiện cùng một lúc làm
mấy anh bồi tây quần đen áo trắng hối hả ghép từng chiếc bàn nhỏ
cho thành một dãy bàn dài đủ chỗ cho mọi người có thể ngồi nhìn
mặt nhau thoải mái đấu láo. Mắng mỏ nhau hơn một tiếng đồng hồ,
vợ chồng Liệu lên xe ra thẳng phi trường. Oai còn hơn tây!
Chỉ khoảng một năm sau, Tô Thế Liệu chẳng may lâm trọng bệnh.
Ung thư hạch miễn nhiễm. Tôi điện thoại qua hỏi thăm. Bệnh thập
tử nhất sinh mà Liệu vẫn giở thói Chu Văn An ra. Cười cười diễu
diễu. Trình mày, tao bây giờ như thằng bị bệnh AIDS ấy mày ạ! Chớm
hè 1998, Liệu nhảy nhẹ một cái sang bên kia bờ thiên cổ.
Mồ côi một ngôi trường, cậy nhờ bạn bè vác trên vai kỷ niệm thời
Chu Văn An, mỗi ông ôm giùm một mảnh. Ông nào hụt chân là mảnh ấy
bể tan tành. Với cái ngã của Liệu, miếng Chu Văn An của tôi bị mẻ
một mảnh lớn. Lớn lắm!
TẠ TRUNG SƠN
Đặc San Bưởi - Chu Văn An, Montréal, 1998 |