35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

VÕ KỲ ĐIỀN, nối lại cuộc chơi

04/2005 Nhà văn Võ Kỳ Điền, sau một thời gian dài vắng bóng trên văn đàn, đã trở lại với chúng ta trong cuốn sách vừa được nhà xuất bản Nhân Ảnh và Amazon phát hành, cuốn “Câu Hỏi Kiếp Người”. Sách gồm 30 truyện ngắn và tạp văn, dày hơn 400 trang. Trước đây anh đã cho xuất bản một tuyển tập truyện ngắn mang tên “Kẻ Đưa Đường” (1986) và một hồi ký vượt biển “Pulau Bidong Miền Đất Lạ” (1992). Tính ra anh đã nghỉ chơi với chữ nghĩa được 25 năm, một góc thế kỷ! Bài viết dưới đây là bài BẠT trong cuốn sách của anh Võ Kỳ Điền vừa được trình làng.

Có một thời Võ Kỳ Điền là một cái tên sáng giá. Đó là thời đầu thập niên 1980 khi anh múa bút vung vít trên tờ Dân Quyền ở Montreal. Lúc đó tôi chưa tới định cư tại thành phố này. Năm 1985 tôi mới được đặt chân tới Canada. Hơi trễ, cho tuổi của tôi. Cơm áo giật mất hết thời giờ, vả lại lúc đó còn chưa nhả hết mùi nắng gió, nên tôi làm lơ với chuyện cầm bút lại. Có một lần, khi đang cuốc bộ tại khu Côte des Neiges gần nhà, tôi trông thấy Võ Kỳ Điền. Lúc đó tôi thấy anh sáng trưng, như ở một giai tầng khác, với áo quần tươm tất và tiếng tăm lẫy lừng.

Mãi tới sau này, khi có cuộc triển lãm của họa sĩ Võ Đình tại Montreal vào năm  1992, tôi mới được biết anh. Tôi đang đứng ngắm một bức tranh thì anh tới hỏi chuyện. Anh khen truyện ngắn tôi vừa viết cho tờ Làng Văn. Anh lúc nào cũng hào phóng khen ngợi và khuyến khích các bạn văn khác. Thật tình tôi không biết sao anh biết tôi. Có lẽ anh hỏi anh Luân Hoán. Chính nhà thơ Luân Hoán là người đã đẩy tôi  vào chuyện viết lách lại. Và cũng từ anh Luân Hoán, tôi quen biết các cây bút ở Montreal. Bữa anh Võ Kỳ Điền tới hỏi chuyện tôi thì tôi đã quen hầu hết từ Đỗ Quý Toàn, Trang Châu, Lưu Nguyễn tới Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Xuân Sơn. Trường hợp Nguyễn Đông Ngạc thì khác. Tôi và Ngạc đã quen nhau từ hồi ở Sài Gòn và chúng tôi tình cờ gặp lại nhau tại một tiệm phở.

Sau lần gặp anh Võ Kỳ Điền lần đầu, chúng tôi đã thường gặp nhau khi tại các buổi ăn nhậu,  khi cùng tham dự các sinh hoạt văn nghệ. Ngày đó, văn nghệ tại Montreal rất khởi sắc. Chúng tôi ra mắt sách thường xuyên. Có khi mời các bạn văn thơ phương xa như Du Tử Lê, Kiệt Tấn, Nguyễn Ngọc Ngạn tới ra mắt sách và gặp các độc giả Montreal, một tầng lớp độc giả nhiệt tình, trí thức, rất lịch thiệp. Số người viết tại Montreal là con số đông đảo, chỉ thua có Little Saigon. Chẳng thế mà có lần Nguyễn Xuân Hoàng đã phải làm nguyên một số Văn cho những người viết tại Canada!  Bài viết của chúng tôi xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn nghệ ở California như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Trong dòng văn học sôi nổi của Montreal, Võ Kỳ Điền cho xuất bản tập truyện ngắn “Kẻ Đưa Đường” và hồi ký “Pulo Bidong, Miền Đất Lạ”.

Bỗng nhiên Võ Kỳ Điền mất tích trên văn đàn. Và trên bàn nhậu của anh em. Cuộc sống của anh gặp khúc khuất khuỷu. Anh mất chuyện này chuyện khác, anh trôi trên những ngày tháng buồn bã. Rồi anh nắm một con thuyền khác. Ngày anh sang thuyền, anh báo cho anh em. Nhận thiệp ai cũng tưởng không phải chuyện của anh mà là chuyện của cháu trai độc nhất của anh. Bạn bè lái xe xuống Toronto tiễn anh sang sông. Và anh bị con sông giữ rịt. Ít năm sau, anh lại mò về Montreal, cu ky trong những ngày lạnh giá. Anh em viết lách lại sưởi ấm nhau. Nhưng anh vẫn cách xa cây bút. Anh cố gượng dậy bằng một sức khỏe suy sút.

Tôi vốn thích văn phong miền Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi sửa soạn học Cao Học bằng cách nhờ Linh Mục Thanh Lãng đỡ đầu cho một luận án nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh.  Nếu tôi không ham chơi thì chắc tôi đã hoàn thành luận án này. Ham chơi thì cũng có nhưng thời cuộc thời bấy giờ cũng không cho phép tôi khơi khơi tiếp tục việc học. Mộng không thành nhưng đam mê vẫn còn đó. Vậy nên đọc văn rặt miền Nam của Võ Kỳ Điền tôi rất khoái. Nhà văn họ Võ có lối viết rặt Nam nhưng cũng rặt giọng rất riêng Võ Kỳ Điền. Một văn phong miền Nam nhưng không phải miệt vườn. Chân chất nhưng đậm đà. Cứ như tiếng thủ thỉ bên tai của một người bạn. “Nè, anh Ba, tụi nó lựa cho mình cái "quy-la" nầy sang quá hả. Đã thiệt! Cái thằng thiệt tình, lúc nào miệng cũng lách chách không để lành da non. Tôi với nó không quen biết gì ráo trọi, tình cờ gặp nhau trong chuyến vượt biên do một người Việt gốc Hoa bán hủ tiếu đứng lo tổ chức. Tôi thứ bảy, vậy mà nó gọi tôi bằng anh Ba gọn bân, ngon lành. Ối, ai hơi đâu mà cải chánh làm chi. Lúc đó tôi đứng vịn cái cổng sắt kiên cố, nhìn thấy cái sân rộng trải sỏi trắng, những cây hoa móng bò, hoa sứ, hoa tường vi trồng dọc theo lối đi, có hai cây tùng Nhật Bổn xanh um ở trước cửa đi vào nhà, trong bụng chịu quá mà còn làm giọng sang:
- Ừa ừa cũng tạm được nhưng nghe nói thiếu giường, thiếu chiếu làm sao mà ngủ... Nó quay qua nhìn soi mói, nói giọng nhão nhẹt: “Chời ơi, nghèo mà ham, cái thân vượt biên được công an kiếm nhà cho ở mà còn khen chê!”
(Chuyện Kể Trên Biển Đêm).

Tôi yêu hơi văn của Võ Kỳ Điền. Nó hạp với cái chân chất của con người anh. Một chiếc mũ bầm dập chụp trên đầu, chiếc thẻ xe buýt và metro dập dình treo trước ngực, cặp kính trễ xuống mũi và bộ dạng đi như hấp tấp nhưng chẳng nhanh hơn ai, trông ông nhà văn như một ông chủ tiệm tạp hóa ba tàu. Nhưng khi anh nói là chuyện khác. Lối nói dũng mãnh, nồng nhiệt nhưng vẫn nghe ra rất tâm tình. Anh có thể góp tiếng vào mọi chuyện, nhất là chuyện…cổ. Chuyện xưa anh rành như chuyện nay. Nhưng rành nhất là chuyện từ thời miệt mù đâu đó bên Tàu. Trong cái nhân dáng xộc xệch là cả một bồ kiến thức. Tôi có dịp cùng anh đi đây đi đó. Khi cùng nhau giỡn sóng ở Havana bên đất nước của anh râu xồm Fidel Castro, anh vẫn lôi được những con sóng trong văn học, lịch sử Trung Quốc ra luận. Anh được đào tạo trong môi trường đó. Hán rất rộng và Nho rất thâm. Anh thông thạo cả tới chữ Hán cổ. Chuyện chi anh cũng bàn được.

Khi anh cùng tôi tới Tây Ban Nha, thấy một rừng cây rậm bóng, anh đố tôi biết đó là  cây gì. Hỏi tôi về cây cối cũng như hỏi đầu gối. Hỏi về nhan sắc thì may ra! Những bóng cổ thụ rợp trời có khúc thân xù xì, vỏ bóng loáng lỗ chỗ từng khúc, trông như cây ổi của xứ ta. Anh bảo đó là cây ngô đồng. Cây ngô đồng thì tôi biết. Nằm đầy dẫy trong văn thơ. Cổ thi Trung Hoa đã ca ngợi: Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu. Một lá ngô đồng rụng, ai cũng biết thu sang. Thứ cây…tiên tri như vậy đã nhảy sang văn thơ Việt Nam, từ truyện Kiều tới những áng cổ văn xưa. Thú vui thuần hức bén mùi / Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. Anh nhà văn họ Võ này thao thao bất tuyệt giảng cho tôi nghe về ngô đồng đến nỗi từ đó tôi phong anh là nhà “ngô đồng học”!

Một lần anh và tôi tới Porto bên Bồ Đào Nha. Porto là quê hương của thứ rượu nổi tiếng thế giới, rượu Porto. Chúng tôi tìm tới một hầm rượu và được cho uống thử. Anh khều tay tôi hỏi: “Ông biết rượu này cổ nhân kêu là rượu chi hôn?”. Tôi ngớ người ra. Anh cười cười: “Bồ Đào Mỹ Tửu!”. Trời! Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi ? Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu /Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Tôi tưởng thứ rượu đi vào  thơ của Vương Hàn phải đích thị sản xuất ở bên Tàu. Vậy mà tôi đang uống tại Bồ Đào Nha! Hớp rượu sau đó có vị hơn. Nhưng rồi chính anh lại phá cái thú nhấp rượu…văn học của tôi. Anh ghé tai tôi, nói: “Coi chừng! Bồ đào cũng có nghĩa là trái nho!”.

Hình như những chuyện bám bụi thời gian anh Điền đều thông thạo. Thông đến nỗi tôi nghĩ người anh đang bị bám một lớp bụi dày. Cũng trong lần tới Tây Ban Nha, chúng tôi tới thành phố Segovia, nơi có hệ thống dẫn nước cổ truyền rất độc đáo được xây dựng từ thời hoàng kim của đế quốc La Mã. Vừa trông thấy công trình độc đáo này, anh nhờ tôi chụp tấm hình anh đứng ôm cây cột đá. Kiểm lại hình trong máy, anh ưng ý, nói với tôi: “Ngày xưa tôi là một tên lính vác đá xây dựng công trình này đó ông ạ!”. Tôi nhìn anh, muốn sờ trán anh coi nhiệt độ ra sao. Nhưng anh vẫn tỉnh bơ nói vanh vách về lịch sử công trình có một không hai của thời xa tít mù khơi trong lịch sử. Tôi ngỡ ngàng: hóa ra ông này không chỉ thông quá khứ của Trung Hoa mà còn nghiên cứu cả tới thời xa lắc xa lơ của đế quốc La Mã. Thật dễ nể!

Cái kiếp làm lính vác đá thời đó của anh, anh tin trăm phần trăm. Anh tin thuyết luân hồi của nhà Phật. Anh tin vào số mạng của mỗi con người. Anh tin những thần linh đậu trên hai vai mỗi chúng nhân. Anh là một nhà lý số, tử vi hay phong thủy chi đó, tôi không rành. Có lần tôi hỏi anh có sờ mu rùa không, anh không trả lời. Cái thứ tào lao như tôi thiệt nghịch với anh nhưng chẳng hiểu sao chúng tôi lại hạp nhau trong chuyện trò. Anh giao tiếp với những lẩn khuất trong cuộc đời của mỗi chúng sinh, tôi hoàn toàn lơ là với những thế lực vô hình này. Anh tìm chúng khắp nơi. Anh kể lại một lần cùng một anh bạn Chu Văn An xưa tới thăm thành phố Quebec: “Thành phố nhỏ, đẹp và xinh xắn y như một thành phố bên Tây. (vì lúc nhỏ thường coi mấy hình chụp phong cảnh nước Pháp trong các sách vở, tạp chí) Hai đứa đi thang lang hết đường nầy sang ngõ kia, cảnh đẹp như tranh vẽ, tôi là nhà quê ra tỉnh, đâm mê man, ngó ngang ngó dọc. Chợt thấy một nhà hàng chuyên các món ăn Pháp thuần túy, có quảng cáo các món ăn ngon thêm câu ngộ nghĩnh - quí khách được coi tay miễn phí. Quảng cáo nầy hấp dẫn quá, tôi khoái chí kéo anh bạn bước vô liền. Sau khi ăn uống no nê, tôi đến bà thầy ngồi phòng bên cạnh, rụt rè chìa ra cái biên lai ăn uống và nhờ coi tay dùm. Gọi là bà chớ thật ra cô đầm nầy còn trẻ, độ chừng trên dưới 30, đặc biệt là khá đẹp. Bà nắm lấy bàn tay tôi, tôi cảm thấy tay bà mát rượi, da đầm sao mà mượt mà, êm ái như nhung. Bà cười nheo mắt, chắc tại tôi hơi run…
Bà nói nhiều chuyện về đời tôi, đại khái tánh tình ra sao, ưa màu gì, tôi ưa số mấy, giao thiệp với bạn bè và hạp với bạn gái hay bạn trai. Tôi nghe vui vui và bất chợt bà nói câu nầy : ông là người có tài nhưng không biết sử dụng cái tài đó. Ông làm cái gì cũng bỏ dở nửa chừng… rồi bà cười và kết luận - cho nên kể như ông không có tài năng gì ráo trọi, làm cái gì không ra cái gì”.
(Chu văn An và Tôi)

Qua tới bên tây, anh vẫn đi tìm những thế lực ẩn khuất trên vai, nói chi tới khi còn ở Việt Nam. Anh đã tìm tới chuyên viên hạng nhất bói toán là thầy Diễn. Chuyện quá khứ ông phán đúng bóc nhưng chuyện anh muốn hỏi là chuyện hôn nhân.  Thầy phán: anh sẽ lấy vợ là cô giáo và hầu như không có đám cưới. Võ Kỳ Điền là một người quả quyết, anh nhất định không lấy người cùng nghề là cô giáo. Vậy mà thầy phán anh sẽ lấy cô giáo. Gia đình anh hồi đó rất khá giả ở Bình Dương, vậy mà thầy phán: đám cưới anh hầu như không có. Nghe nực chứ. “Trời đất, thiệt vậy sao? Thiệt vậy sao, tôi nghe lỗ tai lùng bùng. Chuyện cưới vợ đã trầy vi tróc vảy, rồi tại sao sẽ gặp một cô giáo nghiêm trang… rồi lại không có đám cưới. Hàng trăm câu hỏi tại sao, tại sao trong đầu. Tôi cảm thấy mồ hôi rịn ra đầy mặt. Sao kỳ cục vậy, căn cứ vào đâu mà cụ dám nói như vậy. Tôi nhìn thẳng vào mặt, thấy cụ vẫn bình thản, cụ nói thiệt tình mà đâu phải nói chơi. Tôi hỏi tiếp, giọng hơi khó chịu: “Dạ thưa cụ, tại sao lại không có đám cưới, có phải tôi không đủ tiền cưới vợ ?”. “Không phải, nhà ông thiếu gì tiền”. “Vậy tại sao, nếu có đủ tiền tại sao tôi lại không làm đám cưới. Thú thật với cụ, tôi mà thương ai, dù người đó mang bầu hay có con rồi, tôi cũng sẽ làm đám cưới chánh thức, đàng hoàng. Tại sao tôi lại sợ dư luận mà không làm đám cưới, lại dắt con người ta đi không…Ngày cưới tôi phải vui vẻ và đông đảo bạn bè thân tình chớ. Ông cụ chấm dứt bằng lời nói giận dỗi: “Cái mặt ông làm gì dám dắt ai”. Rõ ràng là ông cụ nói nhiều điều vô lý, tôi không còn kiên nhẫn ngồi nghe tiếp nữa, đâm ra vô phép, đứng dậy và nói giọng hờn mát : “Tôi không dám dắt ai, tôi lại có tiền, vậy hỏi cụ, tại sao lại không làm đám cưới cho vui. Tại sao tôi không làm…”. (Câu Chuyện Ngày Xưa). Ngày 30 tháng 4 ập tới, anh cưới một cô giáo thật. Đúng là “hầu như không có đám cưới” vì đám cưới vội vã chỉ diễn ra trong vòng thân mật gia đình!

Võ Kỳ Điền là người trong giới gắng mở mắt nhìn vào tương lai của người khác. Còn chuyện của anh, bù trớt! Có lần tới nhậu với anh em mà anh đi lạc cả vài tiếng đồng hồ mới hớt hải bước vào. Tôi giỡn: “Phong thủy bói toán anh để đâu mà không xài?”. Hình như những chuyên viên nhìn vào tương lai chỉ nhìn thấy tương lai của người khác. Của mình thì mù câm! Phải công nhận anh bạn tôi thạo nghề. Một anh bạn văn luống tuổi vừa ung thư, vừa đột quỵ, nằm lê lết trong nhà thương cả tháng, than van đang chờ chết. Vậy mà Võ Kỳ Điền không cho chết, bắt sống thêm nhiều năm nữa. Giờ anh vẫn sống và phục ông bạn sát đất.

Tương lai với anh em chúng tôi chỉ còn là con số năm tháng rất ít ỏi. Võ Kỳ Điền đã thúc thủ:  “Tôi năm nay hình như đã già, mà hình như gì nữa, nếu tính với chừng tuổi nầy thì già lắm rồi, già ngắt già ngơ, già khú đế” (Đôi mắt Sóc Trăng). Con đường đời, hình như anh em viết lách ở Montreal chúng tôi đang đi tới đoạn chót. Cái gì cần làm thì đã làm. Những tháng ngày đang trôi qua bình thản như những cụm bèo giạt. Nhưng hình như chúng tôi chưa chịu thúc thủ. Vẫn có những sáng tác được trình làng trên báo. Vẫn có những cuốn sách mang tên tác giả Luân Hoán, Trang Châu, Hoàng Xuân Sơn, Song Thao và Hồ Đình Nghiêm. Hồ Đình Nghiêm thì không nói làm chi, anh chậm chân hơn bạn bè nên vẫn còn một đoạn đường dài trước mặt. Thành bại trong cuộc sống, chúng tôi có thể mang ra luận được rồi.   Lý Thị Soriane ơi, không phải chỉ có em thất bại trong cuộc sống đâu, mà ở tận phương trời xa lạnh lẽo nầy, thầy cũng đâu có hơn gì em. Ước chi có cuộn chỉ thần, thầy trò mình quay lại chuyện ngày xưa, năm mươi năm trước Hoàng Diệu của mình với các lớp học, với những gốc cồng xanh mướt, với thầy với  bạn, thì sung sướng biết bao nhiêu.  Hình như cuộc sống dưới mái trường hạnh phúc, vui tươi ấm áp hơn là cuộc sống tranh giành hơn thua đầy bão táp, nắng gió ngoài đời, phải không vậy Soriane? Phải lâu thiệt là lâu, thầy mới thấy được điều đó.  Nhưng khi thấy đươc thì đã trễ muộn lắm rồi. Trễ lắm rồi, trễ thiệt rồi...  Đời sống có những bước đi với những biến động của nó và thời gian quả thật vô tình!” (Đôi Mắt Sóc Trăng).

Lý Thị Soriane là cô học trò ngày xưa của thầy Võ Kỳ Điền. Cô được nhạc sĩ Nguyễn văn Đông thâu nhận làm đệ tử ca hát. Cô đã có chút tiếng tăm nhưng quyết định bỏ nghề. Nay cô tính sổ thất bại với thầy. Thầy cũng nhận mình thất bại trong cuộc sống. Tôi thấy anh bạn nhà văn của tôi quá khe khắt với mình. Anh đã có một thời kỳ chói sáng. Nhưng vì lý do này lý do khác anh đã bỏ cuộc chơi chữ nghĩa để về vui thú với phim bộ, với sưu tầm nhạc, với mê say Phương Mỹ Chi. Nhưng nay anh chàng “già ngắt già ngơ” họ Võ bỗng như có dòng máu mới. Anh viết như người nhịn ăn lâu ngày và cho in sách lại. Những câu trích dẫn trong bài này rút ra từ cuốn sách mới tinh này. Cuốn “Câu Hỏi Kiếp Người”.

Mừng anh nối lại cuộc chơi. Tới đây thì ở lại đây / Chừng nào bén rễ xanh cây rồi về. Hồi hai bao giờ cũng mặn mà hơn hồi một. Phải dzậy không, bạn hiền!

12/2017