Kính thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Trang Châu đến với chữ nghĩa bằng một cuốn ký, cuốn Y Sĩ Tiền
Tuyến, do nhà Đường Sáng xuất bản năm 1970. Cuốn ký đầu tay này
đã trúng lớn. Được giải nhất Bút Ký Chiến Đấu năm 1967 và Giải Nhất
Văn Học nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn Văn, năm 1969. Tưởng với đà
này, những cuốn ký khác sẽ ra đời. Nhưng không, Trang Châu đã khựng
lại. Anh quay ra làm thơ.
Thơ Trang Châu hầu như rặt một thứ thơ tình. Có những câu rất đắt.
Mình hãy coi nhau đêm nay
Như tình nhân
Hãy coi tuổi nhau
Như vừa đôi tám
Hãy gợi lòng mình
Như vừa biết yêu đương
Anh cho xuất bản được một tập thơ, tập Thơ Trang Châu, vào năm
1989, gần 20 năm sau cuốn ký. Tưởng anh đã nằm yên với thơ, rỉ rả
vào tai chúng ta những lời tình tự ngọt ngào êm ả. Nhưng không,
anh lại cựa mình. Thơ cũng như ký, không giữ được bước chân của
anh. Anh quay qua viết truyện và ngày hôm nay, 11 năm sau cuốn thơ,
chúng ta có Dì Thu.
Như vậy, Trang Châu là một người đa tài. Cái đa tài làm tôi bối
rối. Người viết ký, nhà thơ, nhà văn, biết gọi anh ra sao? Nhưng
hôm nay, đón nhận cuốn truyện đầu tay của anh, chúng ta vui mừng
bắt tay nhà văn Trang Châu.
Dì Thu có thể được coi là một cuốn truyện tình vì trong 12 truyện
thì có đến 11 truyện tình. Nhưng đừng tìm những mối tình thơ mộng
trong truyện của Trang Châu. Không có chàng và nàng, không có trăng
sao, không có những ấm êm hạnh phúc. Truyện tình của Trang Châu
là những mối tình không thường, không trơn tru. Chỉ có những dằn
vặt, đau thương, chia lìa, bất hạnh.
Hình như bao nhiêu ngọt ngào, tình tứ, thơ mộng, Trang Châu đã
xài hết trong thơ nên khi đổi tay viết truyện, anh chỉ còn những
đắng cay, chua chát. Truyện của anh là những bức tranh xám của những
cuộc đời nhiều trớ trêu, lắm sống sượng. Như cuộc đời của nhân vật
nữ trong truyện Trang Châu dùng làm tên cho cả tập truyện: Dì Thu.
Dì Thu là con người bị cuốn hút trong cuộc sống của xã hội miền
Nam đang lột xác thời quân đội Đồng Minh qua tham chiến. Dì bỏ anh
chồng chẳng ra gì. Mở bar, dì trở thành người đàn bà của mọi người.
Gặp lại con của người bạn cũ nay đã trở thành một sinh viên y khoa,
dì đã dìu cháu từng bước đi vào cuộc vui vầy thân xác.
Những nhân vật nữ trong truyện của Trang Châu không e ấp, không
dùng dằng, họ xông thẳng vào tình trường với lòng tự tin vững chắc.
Trong truyện Người Xưa, người vợ có anh chồng bị ung thư nhiếp hộ
tuyến, tìm lại vòng tay của người bạn trai cũ trước con mắt bất
lực của người chồng. Trong truyện Khi Chiều Xuống, người đàn bà
lấy chồng, một ông chồng giàu. Rồi chồng cũng bị ung thư nhiếp hộ
tuyến, lại không dùng được thuốc Viagra vì kỵ thuốc. Người vợ cũng
chủ động tìm vui thú với người bạn trai cũ.
Những người đàn bà rất người, rất buông thả, rất tha thiết với
thú vui của cuộc sống đầy rảy trong truyện của Trang Châu. Họ ý
thức rất rõ ràng những gì họ làm. Như nhân vật nữ trong truyện Thuê
Tình, đã tới phòng mạch bác sĩ, bày tỏ ý muốn có con, nhưng từ chối
việc thụ thai nhân tạo. Bà thẳng thắn đề nghị ăn nằm với bác sĩ
để lấy giống trực tiếp. Hay trong truyện Người Mang Mùa Xuân, người
đàn bà ly dị chồng, ở với con gái trong tuổi mới lớn, có phòng cho
thuê mà chỉ chọn người thuê là sinh viên độc thân. Bà đã vui vầy
thân xác với anh sinh viên, nhưng cô con gái, cũng yêu "chú"
sinh viên một cách thơ ngây, trút hết tâm sự trong những trang nhật
ký. Khi khám phá ra sự thân mật của chú sinh viên và mẹ, cô đau
khổ nhưng vì thương chú, thương mẹ, nên tự nén lòng nhường chú cho
mẹ, chờ tới khi mẹ già thì sẽ lấy chú!
Người đàn bà trong truyện của Trang Châu còn là những người đàn
bà bị ám ảnh bởi số phận nghiệt ngã. Trong truyện Bên Bờ Hạnh Phúc,
nhân vật nữ tự thấy mình là người mang tới tai họa cho người mình
yêu. Hai người lính yêu nàng, tính tới chuyện trăm năm, đều bị chết
ngoài mặt trận. Tới người yêu thứ ba, nàng sợ không dám tiến tới,
sợ sẽ một lần nữa đưa người yêu ra lãnh đạn ngoài mặt trận. Nàng
giải quyết nỗi ám ảnh này theo cách của nàng, thách đố với số phận,
thách đố với dư luận, cứ ăn ở với người yêu nhưng chuyện hôn nhân
đợi tới khi hòa bình, khi những viên đạn chẳng còn tìm kiếm người
tình của nàng. Hãy lắng nghe lời nói cam chịu, buồn tủi của nàng
Nhung này: "Với anh, em sẽ không đi từ điểm khởi hành: từ điểm
khởi hành em đã mất anh lần đầu, đã mất Minh, đã làm mất Sơn. Với
anh, lần này, em sẽ từ mức đến ngược trở lại điểm khởi hành: anh
sẽ không cần hỏi cưới em; anh sẽ đến như một người đàn ông cần một
người đàn bà; anh đến không hứa hẹn, có thể đi không ràng buộc.
Em sẽ là đàn bà nhưng sẽ chưa là vợ, là mẹ. Chỉ có thế mới cầm chân
được chiến tranh đang chen lấn từng hơi thở hạnh phúc. Ngày hòa
bình trở lại là lúc chúng ta cán mức khởi hành. Khi thân xác anh
không còn là mục tiêu của bom đạn, chúng ta bắt đầu cuộc khởi hành
xuôi. "
Hai người đàn bà trong truyện Bên Đường, hai mẹ con, không có được
những lý luận về sự nghiệt ngã của cuộc sống như vậy. Họ cam chịu
sự nghiệt ngã, vì họ là những người dân quê sống trong vùng xôi
đậu. Họ chịu đựng bom đạn, họ chịu đựng hãi hùng và họ chịu đựng
những quyền lực giáng xuống đời họ, từ những người lính bên này
cũng như bên kia chiến tuyến. Người mẹ thản nhiên ăn nằm khi với
du kích, khi với lính, tùy theo sáng tối, tùy theo ngày đêm, tùy
theo những sấm chớp oằn trên vai bà. Cô con gái cũng vậy. Từng chịu
đựng những người từ trên rừng xuống cũng như từng chịu đựng những
người từ đồng bằng lên. Nhưng lần này, với Tiến, viên Chuẩn Úy chỉ
huy đoàn quân đóng trong làng, nàng tự tiến tới. Đêm xuống, nàng
đi qua chỗ ngủ của Tiến, quệt tay, quệt chân, ban ngày tỏ tình bằng
trái dừa, trái mãng cầu lén để cạnh ba lô của anh sĩ quan. Tình
chín thì nàng chui vào mùng của viên Chuẩn Úy. Khi đoàn quân di
chuyển, nàng hớt hải chạy ra nhìn đoàn xe gầm rú chuyển quân. "
Mặt ông Chuẩn Úy xa dần, khuất hẳn sau lớp bụi vàng, Liên nghe cay
ở mắt. Nàng đưa tay lên dụi mới hay hai mắt mình đẫm ướt. Liên không
rõ mình khóc hay bụi làm cay mắt thật. "
Truyện của Trang Châu đưa tới những tình huống căng thẳng, mệt
tim, mệt óc. Nhưng anh tinh ranh dừng lại ở đó, treo người đọc lên
nỗi phập phồng. Anh dẫn độc giả tới một cánh cửa đóng và anh không
mang theo chìa khóa. Người đọc đành đứng xớ rớ ở bên này cánh cửa,
không cách gì ghé mắt được qua lần cửa khóa đó. Thường ở cuối truyện,
tác giả trở nên ít nói lạ thường.
Như trong truyện Người Xưa, anh chỉ viết: " Thế thì hôn em
đi, xong đưa em về khách sạn."
Trong truyện Bên Bờ Hạnh Phúc, tác giả kết thúc: "Xin anh
đóng hộ cánh cửa, rồi vào trong này với em."
Trong truyện Khi Chiều Xuống: "Em muốn đi uống cà phê với
anh chiều nay. Nhưng chỉ uống cà phê thôi nhé anh! Đừng có...gì
khác, nếu không em sẽ không đủ can đảm trở về. "
Có lần, trong một cuộc phỏng vấn, Trang Châu đã phát biểu: "
Giàu tình cảm nhưng tôi nghèo tưởng tượng. Muốn nói, muốn viết,
tôi phải sống... " Đây có phải là câu trả lời cho sự ít nói
của anh không?
Nhưng không phải lúc nào Trang Châu cũng ấp úng như vậy. Rải rác
trong truyện của anh, Trang Châu thường tả rất chi tiết, rất kỹ.
Tôi xin dẫn vài thí dụ.
" Tôi bơi vào bờ, leo lên bến đá, lấy khăn vò tóc,
lau khô mình, để nguyên quần tắm, xỏ chân vào đôi dép nhật, vắt
khăn lên vai rồi thủng thỉnh bước theo Bích. " ( Dì Thu, tr.
21)
" Tôi ra sau hè đứng tần ngần quan sát cái phòng tắm lộ
thiên. Lu nước màu gạch nung cao chừng một thước, cái gáo bằng
vỏ dừa khô có cán dài, gác ngang trên miệng lu. Chỗ đứng được
lót bằng bốn viên gạch bông. Một rãnh nhỏ dẫn nước tắm chảy ra
cái mương đào dọc theo bờ tường. " (Dì Thu, tr.37).
" Khám xong năm người bệnh, Trung cởi áo choàng, mặc vội
chiếc veston, nắn lại nút cà vạt, rời phòng khám bệnh. "
( Thuê Tình, tr. 118).
Với cách tả kỹ lưỡng, với những con số chính xác ( cao 1 thước,
4 viên gạch bông, 5 người bệnh ), tôi nghĩ Trang Châu viết truyện
nhưng vẫn còn ngoái đầu lại với ký, mối tình đầu của anh với chữ
nghĩa.
Đọc truyện Trang Châu, người ta sẽ dễ dàng cảm thấy truyện rất
thật, rất cuộc đời, như là một phiên bản thật thà của cuộc sống
quanh ta. Chúng có cái hấp lực riêng níu kéo người đọc. Tôi vẫn
cho là một truyện thành công phải giữ được người đọc tới dòng chữ
cuối, và khi đọc xong, truyện vẫn còn vương vấn trong trí người
đọc, không dễ gì mà rời xa, không dễ gì mà xếp lại.
Nhân vật của Trang Châu là những người không dễ gì chúng ta quên
được. Họ không có cuộc đời bình thường của những người đàn bà bình
thường. Họ thua thiệt trong cuộc sống. Đời họ là những ngang trái,
éo le, nghiệt ngã. Một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống an lành,
một cõi lòng yên ổn là những thứ xa lạ với họ.
Theo như một thứ trật tự được số đông người đồng tình, cuộc sống
được thu xếp sao để có được một khung cảnh bình thường. Cái mà người
ta thường cho là hạnh phúc. Nó là một con đường phẳng phiu, thẳng
tắp mà các nhà đạo đức rất ưa thích. Lạc ra khỏi con đường này là
gánh lấy cái nhíu mày của các nhà đạo đức, cái bĩu môi của dư luận,
cái lừ mắt của những người xung quanh.
Nhân vật của Trang Châu là những con người chắc chắn không vừa
mắt các nhà đạo đức. Họ đã lạc ra khỏi con đường thẳng, vất vưởng
cất bước trên những con đường quanh co, gập ghềnh. Trang Châu là
một nhà văn. Anh không có con mắt nghiêm nghị của các nhà đạo đức.
Anh bao dung với những con người tạo ra bộ mặt đa dạng của xã hội.
Cuộc sống vốn đa dạng. Có chẵn có lẻ, có bên phải có bên trái. Chúng
ta quen lái xe bên phía tay phải, nhưng có nhiều nơi trên thế giới
này, người ta quen lái xe phía bên trái. Đường nào cũng là đường.
Trong suốt tập truyện, người ta không bắt gặp những dè bỉu, những
chỉ trích, những phê phán, những chê trách. Chỉ có một giọng văn
đày tình người, giọng văn cảm thông của một ngòi bút trân quí cuộc
sống, cuộc sống với những an vui, hạnh phúc, cũng như những nhọc
nhằn, nghiệt ngã, bất an, hụt hẫng. Trang Châu, vì vậy, là một người
viết nhân bản. Anh chấp nhận cuộc sống như nó là.
Như một người sống với chữ nghĩa, Trang Châu đã đi một đoạn đường
dài trên ba chục năm. Vẫn có lòng với chữ nghĩa, vẫn miệt mài với
văn chương, vẫn thân tình với ngòi viết, Trang Châu chắc sẽ còn
nhiều cống hiến cho văn học Việt Nam. Anh làm thơ, anh viết ký,
anh viết truyện, hay anh sẽ còn nhào vào các thể loại khác, tấm
lòng của anh với chữ nghĩa lúc nào cũng đáng quí.
Mong rằng anh vẫn ở với chữ nghĩa trong lúc mà chữ nghĩa Việt Nam
chúng ta hình như đang mỏi mòn, còm cõi ở hải ngoại. Chung tình
với chữ nghĩa là điều tôi tin Trang Châu sẽ giữ được. Vì anh đã
từng viết:
Tôi thuộc loại lang
Treo bằng cấp dưới đất
Ấp ủ thơ trong lòng.
Xin cám ơn quí vị và các bạn.
Song Thao |