Tôi đến với Văn Học khá muộn. Mãi tới Văn Học số 93&94, Xuân
Giáp Tuất 1994, mới có truyện đầu tiên của tôi. Sau khi báo ra, anh
Nguyễn Mộng Giác có viết cho tôi một bức thư. Trong thư có đoạn sau
: “ Lâu nay được đọc anh nhiều trên Nắng Mới, nhưng trong không khí
phân hóa đa sự của sinh hoạt cộng đồng ngoài này, không dám trực tiếp
mời anh vì biết anh có "ưa" Văn Học hay không. Nay anh đã
gửi truyện thì xin anh quan tâm đóng góp cho Văn Học nhiều hơn.”
Câu trả lời rõ ràng nhất cho thắc mắc tôi có "ưa" Văn Học
hay không là những truyện của tôi xuất hiện khá đều đặn sau đó trên
Văn Học. Tôi không có thói quen đếm những con số nhưng tôi biết chắc
một điều là Văn Học là nơi tôi gửi gấm nhiều truyện của tôi nhất.
Tôi hiểu được sự dè dặt của anh Nguyễn Mộng Giác khi, hè 1996, tôi
có dịp qua Cali và lần đầu tiên được gặp anh. Anh là người cẩn tắc,
đó là nhận xét đầu tiên của tôi. Sự cẩn tắc đó đã in dấu trên Văn
Học. Văn Học có bộ mặt trang nghiêm, đứng đắn, trầm trầm, đồng nhất.
Nói như vậy không có nghĩa Văn Học là một tạp chí "già".
Nó có những khám phá mới, đặt ra những vấn đề mới và nóng bỏng nhưng
cách hành sử không ồn ào, ầm ĩ. Mỗi số Văn Học đều xứng đáng với sự
chờ đợi của độc giả.
Anh Nguyễn Mộng Giác, tuy cẩn tắc, nhưng không thiếu vẻ thân tình,
ấm áp. Gặp anh lần đầu mà giữa chúng tôi không có sự khách sáo, không
một thoáng kiểu cách. Chúng tôi chuyện trò như những người đã quen
biết nhau từ lâu, nay gặp lại. Sự thân tình của anh trở thành sự hài
hòa trên Văn Học. Trên mặt báo này hình như không có khoảng cách trường
phái, già trẻ, mới cũ. Nó bao dung hết, thân tình hết. Mà lạ thay,
hình như những cái tưởng là lệch lạc lại tạo nên sự hài hòa của tờ
báo.
Chẳng cứ trên mặt báo, mà sinh hoạt của "tòa soạn" cũng
là một sự hài hòa, tôi chắc vậy! Căn phòng khách nơi nhà riêng của
anh chị Nguyễn Mộng Giác, một phòng khách đôi rất rộng, chỉ thấy vỏn
vẹn một bộ xa-lông, một bàn máy điện toán và một chiếc giường đơn
nhỏ nép sau bộ xa lông. Khoảng trống rộng rãi còn lại dành cho những
cuộc họp mặt các văn hữu. Thường thì vào cuối tuần thì phải. Tôi không
có mặt tại Santa Ana vào cuối tuần để dự một buổi họp mặt như lời
mời của anh chị Nguyễn Mộng Giác. Nhưng qua những gì tôi nghe được
thì đây là những buổi gặp gỡ đầm ấm của mọi người ưa trò chơi chữ
nghĩa không phân biệt chơi theo kiểu nào. Nguyễn Xuân Hoàng đã dọn
lên San Jose mà đêm giao thừa dương lịch 2001, ngồi cô đơn một mình
trong phòng làm việc, vẫn " nhớ những năm trước, Giao Thừa Tây
bọn chúng tôi vẫn thường tập họp tại nhà Nguyễn Mộng Giác ( hoặc nhà
Tôn Thất Khoát) ăn uống, trò chuyện đón năm dương lịch. Hai năm nay
tôi không còn được hưởng ngày vui ấm áp tình bạn đó nữa. " (
Văn số 49&50, Tân Niên 2001, trang 9).
Cũng tại căn phòng này, anh Nguyễn Mộng Giác đã cho tôi coi bản thảo
cuốn trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ anh viết hồi còn ở Việt
Nam. Những dòng chữ mực tím đều tăm tắp, gọn gàng, dễ đọc, hiếm thấy
một vệt gạch xóa, được viết trên loại giấy làm bài trong các kỳ thi
ở Việt Nam trước đây, được đóng thành bốn tập bìa cứng, đã được chị
Nguyễn Mộng Giác mang từ Việt Nam qua một cách khá gian nan vất vả.
Nếu chữ viết mách bảo được con người thì tập bản thảo này đúng là
con người anh Nguyễn Mộng Giác. Tôi nhìn thấy trong đó sự cần cù hiếm
có, sự nhẫn nại vô biên và lòng đam mê lạ lùng. Và tôi thoắt rùng
mình khi nghĩ nếu tập bản thảo một đời của anh không thoát được cửa
ải Tân Sơn Nhất. Tôi buột miệng hỏi chị Diệu Chi tại sao không làm
phóng ảnh để phòng khi lỡ tập bản thảo bị tịch thu. Chị cho biết nếu
muốn làm phóng ảnh, phải tìm được chỗ tin cậy và, quan trọng nhất
phải có hai chỉ vàng, số vàng mà chị chẳng thể nào có được, nên nhắm
mắt làm liều. Thế cho nên, sự kiện là, hơn một thập niên sau khi bản
thảo chui qua khỏi được cửa khẩu, cuốn Sông Côn Mùa Lũ đã đường hoàng
trở về khi được xuất bản ở trong nước là một sự trớ trêu kỳ thú.
Bàn tay "cứu" được cuốn Sông Côn Mùa Lũ của chị Diệu Chi
hình như cũng là bàn tay chị cho cái tòa-soạn-một-người của Văn Học
mượn đỡ. Người nhanh nhẹn và ưa hoạt động như chị chắc chẳng đành
lòng để anh Nguyễn Mộng Giác, vừa đi làm vừa cưu mang tờ Văn Học,
phải một mình vất vả cho tờ báo đúng hẹn mỗi đầu tháng với độc giả.
Chị là người hoạt bát và nói được nhiều câu rất thuận tai. Chẳng hạn
câu chị nói với nhà tôi : " Các ông nhà văn toàn là tưởng tượng
cả, chẳng có gì đâu! "
Làm báo văn học thuần túy ở hải ngoại là leo lên lưng ngựa một mình.
Nguyễn Mộng Giác với Văn Học, Nguyễn Xuân Hoàng với Văn, Khánh Trường
với Hợp Lưu và trước đây, Mai Thảo với Văn bộ cũ, đều như vậy cả.
Tôi đã thấy Khánh Trường một mình xoay xở trong căn phòng gọi là tòa
soạn chật hẹp không biết có được ba thước mỗi bề không mà còn bề bộn
với cả đống sách và chiếc bàn làm việc gọn gàng. Mai Thảo còn chật
hẹp hơn với căn phòng cùng diện tích nhưng có thêm chiếc giường ngủ
độc thân.
Bỏ thời giờ, bỏ công sức, đã đành. Còn phải bỏ thêm tiền bạc vào
mới đưa tới được cho người đọc những tờ báo thơm mùi mực mới mỗi đầu
tháng. Khánh Trường mới đây đã phải gửi điện thư cho một số thân hữu
trình bày về tình trạng tài chánh bết bát của tờ Hợp Lưu. Thường thì
anh vẫn gồng mình chống đỡ bằng tiền vẽ bìa sách cho các nhà xuất
bản. Nay tình trạng xuất bản đang đi xuống, số tiền còm cõi bù đắp
cho tờ Hợp Lưu chẳng còn đủ giữ cho tờ báo đứng vững. Trong lần gặp
gỡ tại Boston mùa hè năm 2000 vừa qua, Nguyễn Xuân Hoàng cũng đã cho
tôi biết là anh còn nợ nhà in mấy số Văn chưa thanh toán được. Suy
ra thì thấy chắc tờ Văn Học cũng chẳng sáng sủa gì hơn!
Làm báo văn học tại hải ngoại chỉ có từ chết tới bị thương. Vậy mà,
chỉ vì tấm lòng với chữ nghĩa, các Chủ Nhiệm Chủ Bút bất đắc dĩ vẫn
cứ đưa lưng ra chịu trận. So với những gương can đảm này thì những
người viết cặm cụi ngày đêm, vừa "cày" vừa viết, chỉ đóng
góp được một phần nhỏ nhoi, rất nhỏ nhoi trong sinh hoạt chữ nghĩa
hải ngoại. Hè 1993, trong một cuộc nhậu với Nguyên Vũ ở Houston, anh
đã nửa đùa nửa thực bảo tôi : " Bọn viết lách tụi mình giờ này
còn cầm bút thì quả là một loài thú hiếm! "
Bao giờ mới có được một cánh rừng thênh thang bát ngát?
Song Thao
Tháng 3/2001
Văn Học, California, số 181, tháng 5 năm 2001 |