Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

BURQA

Trên báo The Gazette ở Montreal, số ra ngày 9 tháng 10 vừa qua, tôi đọc được một tin lạ. Một nhóm Hồi giáo ở Canada tên The Muslim Canadian Congress kêu gọi chính phủ Canada hãy cấm các phụ nữ mang burqa. Phát ngôn viên của nhóm này, bà Farzana Hassan nói: “Burqa nhất thiết phải không có chỗ đứng tại Canada. Tại Canada, chúng ta tôn trọng sự bình đẳng nam nữ. Bình đẳng giới tính là một điều bắt buộc. Burqa phân biệt phụ nữ”. Tôi đọc kỹ bài báo, cứ tưởng mình lộn. Mấy bà Hồi giáo ăn mặc kín mít là một cách giữ đạo của họ, cớ sao bây giờ lại có bà nhân danh một tổ chức Hồi giáo để yêu cầu chính phủ làm một điều ngược ngạo như vậy? Hóa ra tôi nhầm. Mà tôi chắc nhiều người cũng nhầm như tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, trong một cuộc bầu cử vào năm 2007 tại Quebec đã nổ ra một vụ tranh chấp khá lớn. Một viên chức phụ trách bàu cử đã tuyên bố là các phụ nữ ăn mặc trùm đầu trùm mặt kín mít không được quyền đi bàu. Thế là dấy lên một cuộc phản đối từ các chức sắc Hồi giáo. Khi chính phủ nhượng bộ thì dân chúng lại chống đối. Có những ông đã đeo kính mát to tổ chảng, bịt mặt như các ninja đi bỏ phiếu cho bõ ghét!

Cái burqa mà bà Hassan nói tới nó ra làm sao? Đó là bộ quần áo che kín toàn thân kể cả mặt, hai con mắt cũng được bịt bằng một tấm vải mỏng. Nhẹ nhàng hơn là niqab, cũng che kín toàn thân nhưng được lộ hai mắt để nhìn. Trên internet, tôi đã được coi tấm hìnhmột đám cưới tập thể gồm cả trăm cặp mà các cô dâu đều mặc burqa. Các chú rể đứng sát nhau, mỗi người sau lưng vị hôn thê của mình. Nhìn hình, tôi thấy phục các chú rể quá. Làm sao nhận được ra vợ mình giữa một đoàn người ăn mặc kín mít từ đầu tới chân chẳng để hở ra một chút xíu nào. Vụng về như tôi thì cưới vợ người khác là cái chắc! Trở lại đề nghị của The Muslim Canadian Congress, bà Hassan cho biết là phụ nữ bị bắt buộc phải kín mít khi ra đường như vậy là do các ông chồng và gia đình cưỡng chế họ. Thật ra đạo Hồi không bắt buộc như vậy. “Đây không phải là một đòi hỏi của Hồi giáo hay kinh Koran. Thói tục này được những kẻ quá khích cổ võ và để chống lại chúng tôi đề nghị cấm mặc burqa!”. Bà này phát ngôn với tư cách đại diện một hội đoàn Hồi giáo chắc đâu có nói ẩu được. Hóa ra từ trước tới giờ tôi đã nhầm sao? Mở kinh Koran, thánh kinh của Hồi giáo mà các tín hữu phải theo từng ly từng tí, tôi đọc được đoạn sau: “Phụ nữ phải mặc che kín hoàn toàn, không được để lộ một phần nào của thân thể trước mặt bất cứ một người đàn ông nào, bao gồm cả mặt và tay” (Koran 33:53). Không thấy nói tới burqa. Giáo sư Amir Hussain, giáo sư thần học tại Loyola Marymount College ở Los Angeles, cho biết là sự thực burqa không có trong kinh Koran không có nghĩa là nó không phải là một phần trong các tập tục đạo giáo chính thống. Nhiều tôn giáo đã đưa những tập tục văn hóa trở thành những điều thiêng liêng.

Burqa không có trong kinh Koran, vậy thì nó từ đâu mà ra? Theo một truyền thuyết thì tại vùng Cận Đông, dưới các đời vua Assyrian, phụ nữ bị buộc phải đeo mạng che mặt nhưng gái điếm và phụ nữ nô lệ thì không buộc phải đeo điếc chi cả. Hơn nữa, nếu họ muốn làm sang che mặt cho giống phụ nữ quý phái thì sẽ bị phạt!

Một truyền thuyết khác lại cho biết rằng nhà vua Tamerlane, một vị vua tài giỏi, sanh năm 1336 và mất năm 1405, là vị vua có rất nhiều cung tần mỹ nữ. Người được vua sủng ái nhất là người đẹp Bibi Khanym. Nhà vua là người nhiều tham vọng làm bá chủ nên hay đem quân đi đánh chiếm các xứ khác. Mỹ nữ Bibi rất buồn khi cứ luôn luôn bị bỏ cô đơn ở nhà. Một lần, khi nhà vua đi đánh giặc, Bibi muốn làm vua ngạc nhiên nên cho xây một thánh đường nguy nga. Trong số thợ xây có một người thợ rất giỏi và tài hoa. Hắn say mê sắc đẹp của Bibi nên ra điều kiện phải cho hắn hôn một cái thì thánh đường mới làm kịp thời gian vua trở về. Vì quá sốt ruột nên Bibi đành chấp nhận. Tưởng hôn chút xíu đâu có mất mát gì ai ngờ nụ hôn đó ghi dấu trên mặt và không cách gì tẩy xóa được. Nhà vua trở về, biết chuyện nên rất tức giận, truyền cho bắt tên thợ xây hỗn xược giam vào ngục, đồng thời bắt tất cả các phụ nữ trong vương quốc phải che mặt mỗi khi ra đường hay gặp người lạ. Chỉ có người chồng mới có quyền ngắm vợ mình vì, theo nhà vua, sắc đẹp là nguồn của tội lỗi! Truyền thuyết chắc cũng có phần giấu giếm. Tôi nghĩ rằng nhà vua quá cay khi trên mặt ái thiếp của mình có vết hôn của tên…mất dạy sờ sờ ra đó. Ngài chắc lại thuộc giống si tình, không thể rời bỏ người thiếp bị tì vết được nên muốn che lấp vết nhục đó. Chẳng lẽ cả nước chỉ có mình nàng Bibi che mặt thì lộ tẩy nên bắt tất cả đàn bà con gái che mặt cho tiện!

Vậy thì cái mạng che mặt chẳng liên quan chi tới Hồi giáo. Đó là một tập tục xã hội. Biết vậy nên khi vào nhà thờ tôi mới để ý. Tượng mẹ Maria và các nữ thánh, người nào cũng có cái khăn che đầu. Phải chăng tập tục đó còn ảnh hưởng tới các dòng nữ tu Công giáo ngày nay khi các sơ đều có khăn bịt trên đầu và người ta có thể phân biệt từng dòng tu bằng cách nhìn vào màu sắc và hình dáng những chiếc khăn này. Và phải chăng tập tục đó còn rơi rớt trên các mệnh phụ khi bước chân vào nhà thờ đều có chiếc khăn voan đen hoặc trắng che đầu mới đúng điệu quý phái.

Chiếc khăn không liên quan chi tới đạo Hồi nhưng tại sao bây giờ lại trở thành một biểu tượng của đạo Hồi? Có lẽ vì các ông Hồi giáo thấy vụ này coi bộ hợp ý và tiện lợi nên áp dụng triệt để tới mức coi như một biểu tượng tôn giáo. Đàn bà trong thế giới Hồi giáo chẳng là cái chi chi. Kinh Koran đã minh thị xác nhận như vậy. “Đàn ông có quyền đối với đàn bà vì Chúa đã sinh ra đàn ông cao quý hơn đàn bà và vì đàn ông phải bỏ tài sản của mình ra để nuôi họ. Đàn bà tốt phải biết vâng lời đàn ông vì đàn ông săn sóc cả phần tinh thần của đàn bà. Đối với những phụ nữ không biết vâng lời, đàn ông có quyền ruồng bỏ, không cho nằm chung giường và có quyền đánh đập” (Koran 4:34).

Burqa hay niqab trong khung cảnh của một nước thuần thành theo đạo Hồi không thành vấn đề chi cả nhưng ngày nay, thế giới nhỏ bé lại, con người xê dịch lung tung từ nước này qua nước khác, những phụ nữ trùm kín mặt mày từ trên xuống dưới là một vấn đề cho những nước không Hồi giáo mà họ định cư cũng như cho chính họ. Tỷ như đi tắm biển hay tắm piscine là một thú vui có lợi cho sức khỏe. Phụ nữ các nước đều thích thú trong thú vui này. Những phụ nữ Hồi giáo định cư tại các quốc gia khác thấy các bạn bè tự do mặc bikini gọn gàng và bắt mắt bơi lội dưới nước cũng thích thú chứ. Nhưng lòa xòa những vải vóc quấn đầy người thì tắm táp chi được. Mặc bikini hở da hở thịt là điều họ không dám nghĩ tới. Đã từ nhiều năm họ thèm thuồng được vui đùa dưới nước nay mới có cơ hội tung tăng với bạn bè. Nhà vẽ kiểu quần áo Aheda Zanetti đã cho họ cơ hội đó bằng bộ áo tắm burqini. Bikini hở lung tung trong khi burqini chỉ để hở bàn tay, bàn chân và mặt. Burqini được làm từ vật liệu tổng hợp có thể chống tia hồng tử ngoại và không thấm nước trùm kín toàn bộ cơ thể. Đã là áo tắm thì không thể chỉ màu đen hay xám như burqa mà gồm nhiều màu rực rỡ làm những bộ áo tắm…kín này trông cũng vui mắt. Dĩ nhiên nếu ra biển mà chỉ toàn burqini thì ít vui hơn. Dễ tính như tôi thì thôi cũng được đi nhưng những người có trách nhiệm với xã hội thì lại nghĩ khác. Tại bể bơi của thành phố Emerainville ở đông nam Paris, Pháp, cô Caroline, 35 tuổi, đã bị đuổi ra không cho bơi vì mặc burqini. Cô đã giải thích với những người phụ trách hồ bơi là cô không thể mặc các kiểu áo tắm thông thường vì cô theo đạo Hồi nhưng cô vẫn không được phép bơi lội. Tại một thành phố ở miền Bắc nước Ý, sự việc cũng không khá hơn. Thị Trưởng thành phố này đã ra lệnh cấm mặc burqini hẳn hoi. Lý do ông đưa ra là nó gợi tới hình ảnh về “một người phụ nữ đeo mạng che mặt”, làm trẻ em sợ hãi và không hợp vệ sinh. Ông Daniel Guillaume, một viên chức ở hồ tắm Emarainville giải thích trên báo Le Parisien: “Loại y phục này mặc ở chỗ công cộng có thể làm nhiễm vi trùng và đủ thứ bụi bậm khác, khi đưa xuống nước có thể làm lây lan bệnh hoạn cho những người xung quanh”.

Burqini còn bị đuổi đi chỗ khác chơi thì burqa kín mít đâu có được tha. Pháp là nước có đông dân Hồi giáo trú ngụ nhất ở Tây Âu, khoảng 5 triệu người. Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy đang ủng hộ việc cấm mặc burqa. Tuyên bố tại Versaille, tonton Sarkozy đã nói huỵch tẹt: “Chúng ta không thể chấp nhận để phụ nữ sống ở Pháp trở thành tù nhân đằng sau tấm mạng che mặt, bị cắt lìa khỏi đời sống xã hội và bị tước mất đặc điểm nhân dạng”. Tôi chẳng chút ngạc nhiên nào trước lập trường của ông Tổng Thống có cô vợ người mẫu xinh đẹp trẻ trung này. Đệ nhất phu nhân Carla có những tấm hình có cần mặc chi đâu, vậy mà làm cho tonton Sarkozy nổi tiếng! Tôi và các ông bạn tôi, tuy đã được hưởng tí sái nhưng phải thú nhận là vẫn mang một mối hờn ghen với ông tonton chịu chơi này. Có bà vợ không một mảnh vải thì dĩ nhiên phải chướng mắt với vải vóc kín mít của burqa. Ông tuyên bố là burqa cùng những loại y phục tương tự làm người phụ nữ trở thành tù nhân của vải vóc. Năm 2004, ông đã ra lệnh cấm học sinh các trường công lập trùm khăn choàng tới trường. Tại Canada cũng đã có lúc cấm các học sinh trùm khăn đầu khi tham dự các môn thể thao với lý do là gây nguy hiểm cho đương sự và các bạn khác. Hòa Lan cũng không mặn mà với burqa. Bộ Trưởng bộ Nhập Cư Hòa Lan Rita Verdonk vừa đề xuất và được chính phủ nước này ủng hộ việc cấm các phụ nữ mang burqa tại những nơi công cộng như trên đường phố, trường học, xe buýt, metro và các công sở. Lý do đưa ra là burqa gây ảnh hưởng xấu tới trật tự nơi công cộng cũng như sự an toàn cho xã hội. Theo chính phủ thì tất cả mọi người tại Hòa Lan đều phải được nhìn thấy mặt và nhận diện lẫn nhau một cách rõ ràng nhằm thúc đẩy sự hòa hợp và lòng khoan dung.

Những lệnh cấm burqa burqini này dựa vào những lý do xã hội, vệ sinh và an ninh. Không đả động gì tới vấn đề tôn giáo. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có 70 triệu dân mà phần lớn theo Hồi giáo. Vậy mà họ lại cấm các nữ sinh viên Đại học không được trùm khăn đi học. Lệnh cấm này đã đẩy hàng ngàn nữ sinh viên ra khỏi trường khi những người này nhất định giữ…đạo! Sao lại có chuyện éo le như vậy? Bởi vì họ sợ tôn giáo can thiệp vào chính trị. Quân đội là lực lượng đứng ra bảo vệ quyền chính trị thế tục của quốc gia đã phải 4 lần làm đảo chánh để bảo vệ xã hội thế tục khỏi bị tôn giáo chèn ép. Chính trong khi giữ quyền mà quân đội đã ra lệnh cấm này.

Thật oan uổng cho chiếc khăn trùm đầu. Chúng chẳng có liên quan gì tới đạo Hồi nhưng bị mấy ông đạo nhập nhằng cho…quy y thành một biểu tượng của Hồi giáo! Sự nhập nhằng này gây ra những xáo trộn xã hội dẫn đến những trường hợp chết người.

Tại thành phố Basra, thành phố lớn thứ nhì và cách thủ đô Baghdad của Iraq 340 dặm, chỉ nguyên trong năm 2008, đã có 40 phụ nữ bị sát hại chỉ vì cách ăn mặc phi Hồi giáo của họ. Họ bị giết một cách hết sức dã man. Các thi thể được tìm thấy đều bị chặt đứt thành nhiều mảnh với một bản án viết trên giấy: vi phạm lời răn dậy của Hồi giáo! Tướng Jalil Khalaf qui trách nhiệm những vụ thảm sát này cho các nhóm tôn giáo cực đoan muốn áp đặt luật Hồi giáo khắt khe lên tất cả mọi người. Họ đi tuần trên đường phố bằng những chiếc xe gắn máy và xe hơi cửa kính được sơn kín. Khi thấy một phụ nữ không mặc trang phục và đội khăn trùm đầu được qui định theo Hồi giáo, họ sẽ dừng lại hỏi chuyện và thi hành hình phạt. Hình phạt có thể là những viên đạn ghim trên thi thể, có thể là bị xẻ thành nhiều mảnh, có thể là bị chặt đầu! Toàn những món nghe đã thấy hết vẻ dã man của những kẻ cuồng tín. Bốn chục xác chết phụ nữ này không nói hết lên con số thực sự của những cách giết người vì chiếc khăn trùm đầu này. Con số còn cao hơn nữa vì có những gia đình nạn nhân không dám báo với chính quyền vì lo sợ bị trả thù. Tướng Khalaf cho biết: “Những người đứng sau các vụ giết người dã man nói trên là các băng nhóm có tổ chức. Đây là những người hành động dưới vỏ bọc tôn giáo, giả vờ là đang đi tuyên truyền những lời răn dạy của đạo Hồi, nhưng thực tế họ không hề có tín ngưỡng thực sự đối với tôn giáo này.”

Cái khăn đội đầu thì có chi mà phải ầm ĩ. Chúng ta sống trong những xã hội cởi mở đều nghĩ như vậy. Rất nhiều thiếu nữ xuất thân từ những xã hội với những điều luật khe khắt của Hồi giáo cũng nghĩ như vậy. Trong họ là một sự tội nghiệp. Một mặt họ bị gia đình bắt buộc phải tôn trọng truyền thống trong đó có việc mang khăn trùm đầu, một mặt họ có nhu cầu hội nhập muốn sống như các thiếu nữ cùng lứa tuổi khác trong một xã hội mà quyền tự do của con người được tôn trọng triệt để. Với rất nhiều thiếu nữ này, chiếc khăn trùm đầu là một vướng víu đáng xấu hổ. Cô bé Aqsa Parvez là một trường hợp điển hình. Aqsa sống với gia đình tại Mississauga, gần thủ phủ Toronto, cách Montreal của tôi khoảng sáu tiếng lái xe. Cô nhỏ 16 tuổi này đã bị chính cha ruột của mình giết chết vào tháng 12 năm 2007. Lý do: chiếc khăn trùm đầu. Ông bố Muhammad Parvez, 57 tuổi và người anh Waqas Parvez, 26 tuổi, thường bắt cô bé Aqsa mang khăn trùm đầu đi học. Cô tuân lệnh nhưng khi tới trường cô vào ngay nhà vệ sinh để thay quần áo thông thường như các bạn khác. Ngày 10 tháng 12 năm 2007, hai bố con cãi nhau kịch liệt vì cách ăn bận của Aqsa và ông bố đã đánh con gái tới chết. Sau đó ông gọi số điện thoại 911 báo cho cảnh sát biết. Ông bố ra tòa về tội giết người. Ông anh Waqas cũng bị bắt về tội cản trở nhân viên công lực.

Cô nhỏ Aqsa là một con số tội nghiệp thêm vào con số 5 ngàn phụ nữ Hồi giáo bị giết mỗi năm trên thế giới vì cái gọi là “sát nhân vì danh dự”. Đó là con số thống kê của Liên Hiệp Quốc. Tại Canada, trong thập niên vừa qua, có khoảng hơn chục vụ honour killing được ghi nhận. Lý do để những người đàn ông trong gia đình giết người thân của mình rất đa dạng: có bồ, ly dị, mang hoang thai và không ăn vận theo Hồi giáo.

Chiếc áo choàng che kín khắp thân thể người phụ nữ như burqa hay niqab có thực sự kín mít hay không? Đàn bà bao giờ cũng là đàn bà. Họ có nhu cầu làm đẹp và nhu cầu phô trương vẻ đẹp. Vì vậy chiếc áo choàng kín thực sự không kín mít như mọi người lầm tưởng. Người phụ nữ đạo Hồi vẫn trau chuốt sắc đẹp của mình mặc dù phải che giấu trong cái mà có người đã gọi là “ cái bao xác chết chưa chôn”! Họ cũng trang điểm, cũng sửa sắc đẹp như mọi người nữ xí xọn nhất trên thế giới này. Căng, kéo, độn, cắt…những thân hình núp kín trong chiếc burqa hay niqab đều có trải qua tất cả. Tại thủ đô Riyadh của nước Hồi Giáo Saudi Arabia có tới 35 trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Các phẫu thuật thông thường nhất là bơm môi, bơm ngực và sửa mũi. Họ làm đẹp xong rồi lại đeo mạng che mặt, mặc áo kín mít, thế có phí tiền không! Đối với họ, câu trả lời là không. Cũng không hề phí tiền khi có những cô gái mặc toàn đồ xịn có mác đàng hoàng trong chiếc áo choàng lụng thụng.  Họ có những buổi gặp gỡ giữa đàn bà với nhau để khoe sắc đẹp, họ trưng nhan sắc với chồng, họ biểu diễn vẻ đẹp khi đi ngoại quốc. Sarah, không cho biết tên đầy đủ vì sợ, là một cô gái chưa chồng, 28 tuổi, có nghề nghiệp chuyên môn đã tiết lộ là cô đã làm 22 cuộc phẫu thuật trong đó có cả nâng ngực, sửa mông. “Chúng tôi tham gia rất nhiều buổi tụ họp riêng tư và đi du lịch”.

Phái đẹp ở đâu cũng là phái đẹp. Các ông dài râu có cản tới đâu thì họ cũng có đường binh. Một cô gái cho biết là tại các nước Ả Rập họ không có quyền lái xe nhưng khi đi ra ngoại quốc, họ lái xe lung tung cho bõ những ngày bị cấm đoán cơ cực. Thôi thì cũng mừng cho họ. Mừng nhưng vẫn giận chiếc áo choàng che chắn vô duyên. Chúng ta là người…ngoại đạo, chẳng làm chi được. Có thương hoa tiếc ngọc thì cũng chỉ biết ngâm nga câu Kiều: ở trong còn lắm điều hay! Bởi vậy nên tôi giơ cả hai tay lẫn hai chân ủng hộ hết mình cô “đồng bào” Canada Farzana Hassan của tôi khi cô lớn tiếng: “Hủ tục này đã thành một vấn đề chính trị được những tên quá khích cổ võ!”.

10/2009