Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

CHẾT

Thông thường người ta nghĩ tới chuyện chết khi tuổi đã già. Đó là…tương lai gần, nhích thêm một chút nữa là tới. Ông bạn Trường Kỳ của tôi chưa già. Bằng vào những cái cáo phó hàng tuần trên báo chí, thấy phần lớn các vị ra đi nếu không gần với được cái trăm tuổi cũng xấp xi bát tuần, mèng ra cũng phải trên bảy chục. Đi vào lúc cứng tuổi như vậy mới hợp…thời trang. Bạn tôi mới 63 tuổi, vẫn còn…thanh niên. Vậy nên trong những lần anh em gặp nhau, thường trong một bàn ăn, chỉ nói toàn chuyện enjoy cuộc sống. Vậy mà đùng một cái, bạn tôi chán…bia!

Chàng tuổi trẻ Trịnh Hội, người mới vừa trở lại tình trạng độc thân vui tính, tuổi thì mới bằng nửa tuổi của Trường Kỳ, vậy mà lại có lúc luận tới cái phù du của cuộc đời này. Trong bài viết  “Vào Cõi Hoang Vu”, chàng đã tâm tình: “Lái xe từ thủ đô Vaduz của Lichenstein đi ngược về phía đông, càng lên cao tôi càng cảm nhận được cái đẹp hùng vĩ nhưng rất trầm lặng của rừng núi hoang vu, không một bóng người. Tuyết đã phủ lấp vạn vật, từng mảng tuyết nhỏ từ những trên hàng cây trĩu nặng rơi lã chã khắp nơi. Dừng xe bên cạnh đường bước ra ngoài để chụp một vài tấm hình làm kỷ niệm, nhìn xuống chân núi bên dưới từng cụm mây đang nhè nhẹ lững lờ trôi, bỗng nhiên tôi cảm thấy so với thiên nhiên con người quả thật quá nhỏ bé và cái tôi không là gì cả trong cõi đời này. Tiền bạc, danh vọng, hay ngay cả tình yêu lứa đôi, không có chi là vĩnh cửu cả. Thấy đó rồi mất đó. Những tưởng đó là sự thật, là của mình, thuộc về mình, nhưng chỉ trong tích tắc, nó có thể biến đi như một giấc mơ, không thể nào tìm lại được. Thiên nhiên, nhất là thiên nhiên không lai vãng một bóng người, một bãi biển vắng, một ngọn núi cao, thường đem đến cho ta những ý nghĩ như thế. Nó nhắc nhở cho ta rằng trong cuộc sống thật ra chúng ta không cần nhiều tiền bạc hay hiện vật để cảm thấy thật sự hạnh phúc trong cõi đời tạm bợ này”.

Trong phòng làm việc của tôi có treo một bức thư họa, do một anh bạn tặng làm quà sau chuyến về thăm Việt Nam qua, chép lại hai câu thơ của Bùi Giáng: “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật / Thế cho nên tất bật đến bây giờ”. Trong cuộc sống, hầu như ai trong chúng ta cũng ngầm cho rằng cuộc đời này là cõi thật. Vậy mới…tất bật. Tất bật số một có lẽ là Trường Kỳ. Ngày anh ra đi, bàn viết của anh vẫn bề bộn những công việc dang dở. Cho tới giờ chị Huyền vẫn chưa dám đụng đến một thứ gì trên chiếc bàn to và bộn bề đó. Không biết Kỳ đang làm những gì. Cứ như anh vừa rời chiếc bàn ra uống miếng bia để sẽ trở lại tiếp tục…tất bật.  Dự tính của Trường Kỳ còn nhiều. Anh có nói với tôi về cuốn sách anh sẽ viết: “Sống Để Mà Ăn!” Vậy mà anh không có thời giờ…ăn!Anh không sửa soạn cho sự ra đi. Cái chết đến thật đột ngột. Chị Huyền bảo là ngay cả chính anh cũng không biết anh sắp chết!

Cuộc đời này là thật. Thật không thể nào thật hơn được! Không thật sao chúng ta cứ thản nhiên vui chơi, nhảy nhót, dành giật, tranh cướp, chém giết nhau vì những cái phù du sống thì giữ rịt trong người, chết cũng không muốn rời, khi phải rời thì vẫn còn nuối tiếc. Trong phút lìa đời, một tay chơi thều-thào hỏi vị linh-mục: “Thưa Cha, những phụ-nữ xinh-đẹp và nhẹ dạ, dễ sa-ngã, sau khi chết sẽ đi về đâu, thiên-đàng hay hỏa ngục?”. Vị linh mục trả lời liền không chút đắn đo: “ Hỏa ngục…”. Tay chơi thở dài: “ Vậy thì xin Cha cầu-nguyện cho con được xuống hỏa ngục vậy!”

Thiên đàng hỏa ngục hai bên, Thiên Chúa Giáo phân chia rõ ràng như vậy. Phật Giáo thì có nát bàn hay âm ty địa ngục, cũng rõ ràng không kém. Vậy là đường đi hai hướng phân minh rành mạch. Ai cũng ngầm tin như vậy trừ những em gái chịu chơi. Trên bửng sau một chiếc xe kiểu thể thao mui trần chạy trên một xa lộ ở thành phố tôi ngụ cư, tôi đã thấy một câu khá mất phương hướng: “Gái ngoan sẽ lên thiên đàng, gái hư sẽ tự do đi lung tung khắp chốn!”. Chẳng có cách nào kiểm chứng được câu viết…hư đốn trên. Bởi vì một khi đã nhắm mắt xuôi tay, chẳng có ai trở về báo cáo sự tình cho bà con biết.

Có không âm phủ địa đàng
Áo quan đinh đóng những vàng canh thâu
Xác thây quỷ khóc thần sầu
Vào trong đất lạnh ngẩng đầu phân thân
Là xong, khép mắt dương trần
Gỗ khô huyệt ẩm nhẹ phần từ đây
(Thành Tôn)

Chốn được các tín đồ của các tôn giáo tin là có đó vẫn là một chốn mơ hồ chỉ nghe nói mà chẳng ai được thấy. Họa chăng chỉ có ông Thủ Hoằng! Ông này sống ở Gia Định, dân chúng thường gọi là ông Thủ Huồng, xuất thân làm thơ lại. Trong hai chục năm làm trong các nha sở, Thủ Huồng đã làm cho bao gia đình tan nát, vơ vét biết bao tiền của, trở nên giàu sụ. Tiền có nhưng con không có, vợ lại chết sớm nên ông đâm ra chán nản, hồi hưu. Ông rất thương vợ nên nhất định không bước thêm một bước nào nữa. Khi nghe nói ở chợ Ma Mãnh thuộc Quảng Yên, mỗi năm vào đêm ngày mùng một tháng sáu, người sống và người chết có thể gặp nhau, ông vội giao nhà cửa lại cho bà con coi dùm rồi lên đường ra Quảng Yên. Quả nhiên ông gặp vợ ăn mặc rất đài các vì đang có job thơm làm vú em trong cung vua! Vợ Thủ Huồng dẫn chồng xuống âm phủ chơi. Đường đi xa xôi, qua nhiều dặm đường tối mịt chẳng có đèn đóm gì. Cuối cùng ông cũng xuống tới âm phủ và được bà vợ có thế lực xin cho được giấy thông hành đi khắp nơi. Vào một nhà chứa đầy gông cùm ông thấy trong đó có một cái gông vừa to vừa dài. Mỗi cái gông đều có khắc tên người sẽ phải mang nó. Lân la hỏi người cai ngục xem cái gông ngoại khổ kia của ai, ông này đọc dòng chữ: “Võ Thủ Hoằng, tục danh là Thủ Huồng, nguyên quán Đại Nam Quốc, Gia Định tỉnh, Phúc Chính huyện”. Giật mình, mồ hôi ông toát ra, mặt xám ngắt.  Cố lấy lại bình tĩnh, ông hỏi tiếp người này có tội gì, cai ngục mở sổ ra đọc bảng kê khai tất cả tội ác ông đã làm với chi tiết đầy đủ. Hoảng hồn vì không ngờ những điều khuất tất mình làm trên trần gian đều có ghi rõ ràng chi tiết trong sổ âm ty, ông vội hỏi bây giờ làm sao để trả nợ đời cho thân xác khỏi bị đầy đọa về sau. Cai ngục đáp: “Đã vay thì phải trả. Nếu hắn muốn hối cải thì phải đem những thứ của cải đã cướp được bố thí cho hết đi!”. Không còn bụng dạ nào nán lại âm ty nữa, ông tạm biệt vợ ra về, hẹn ba năm nữa sẽ tới gặp lại vợ. Về lại trần gian, ông ra tay bố thí, hiến đất cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm. Ba phần của cải chỉ còn một phần. Thấm thoắt đã ba năm qua, Thủ Huồng lại đi Quảng Yên thăm vợ. Vợ lại đưa xuống âm ty. Ông vội vàng tới chỗ để gông thì thấy cái gông của mình đã thu nhỏ lại rất nhiều. Hỏi cớ sự, cai ngục đáp là có lẽ người này đã làm việc phúc đức nơi trần gian nên cái gông đã nhỏ lại, nếu hắn cố gắng hơn nữa thì sẽ có phúc lớn. Khi trở lại trần, Thủ Huồng bán hết của cải kể cả ngôi nhà đang ở, tới Biên Hòa dựng một ngôi chùa lớn, rồi đi xuôi theo dòng Đồng Nai. Thời đó, từ Đồng Nai về Gia Định, đường sông còn hoang vu, thuyền bè xuôi ngược nếu lỡ con nước phải dừng lại rất bất tiện vì không có quán xá chi cả. Thủ Huồng ra tay giúp những thuyền bè lỡ độ sông bằng cách kết một cái bè lớn, trên bè để sẵn thực phẩm, gạo nước, mắm muối và các dụng cụ nhà bếp để mọi người xài miễn phí. Sau đó Thủ Hoằng chết. Năm 1820, vua nhà Thanh bên Tàu là Đạo Quang (1782-1850) có cho sứ sang Việt Nam hỏi về lai lịch một người ở Gia Định vì khi sanh thái tử, trong lòng bàn tay có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi biết chuyện, vua Trung Quốc có cúng vào chùa Chúc Thọ ở Biên Hòa ba tượng Phật tam thế bằng gỗ trầm hương. Vậy là phước đức của Thủ Huồng không những đã phá tan chiếc gông nặng nề mà còn được đi đầu thai làm vua nước Trung Hoa! Ngày nay ở Cù Lao Phố thuộc tỉnh Đồng Nai còn có một ngôi chùa tương truyền do Thủ Huồng lập mang tên chùa Thủ Huồng, con rạch chạy ngang qua đường Tân Vạn vòng qua Quốc lộ 1 do chính Thủ Huồng vét nên gọi là rạch Thủ Huồng, chiếc cầu đá trên đường gần sông Đồng Nai đi Tân An cũng gọi là cầu Thủ Huồng, chỗ ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn được gọi là sông Nhà Bè để ghi nhớ cái nhà bè của Thủ Huồng trên khúc sông đó.

Câu chuyện trên là của ông Huỳnh Ngọc Trảng viết trong cuốn Ngàn Năm Bia Miệng, thực hư tùy người… đối diện. Có điều là các địa danh đều có thật. Ai chẳng biết Nhà Bè nước chảy chia hai dù có tới đó ăn chè hay không. Tuy địa danh có thiệt nhưng câu chuyện lại là một thứ ngụ ngôn. Tác giả Ngọc Bích, dựa theo một bài trên báo Indianchild cũng…ngụ ngôn. Một loại ngụ ngôn…đa thê! “Một ông nhà giàu có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền. Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý. Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác. Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà. Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thủy, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà. Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!” Ông bèn rủ bà vợ thứ tư, người ông sủng ái nhất (cũng thường tình thôi!), đi theo ông. “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình những điều tốt đẹp nhất, liệu khi tôi chết mình có bằng lòng đi theo tôi không?” Bà này thẳng thừng trả lời gọn lỏn: “Không!”. Thất bại với người vợ mình yêu nhất, ông…xuống thang, hỏi bà vợ thứ ba. “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết, bà có theo tôi không?”. Bà này dĩ nhiên cũng từ chối. Dại chi mà theo ông tới chỗ tăm tối đó. Câu trả lời cũng tàn nhẫn không kém: “Không! Cuộc sống vẫn còn vui thú lắm, tôi sẽ…tái giá!”. Xuống một mức nữa, ông hỏi bà vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối, tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có theo tôi không?”. Câu trả lời cũng nhức nhối: “Xin lỗi, trong trường hợp này tôi không thể giúp ông được. Tôi chỉ có thể đưa linh cữu ông ra tới mộ thôi”. Ông chưa kịp hỏi bà vợ thứ nhất thì tai ông đã vang lên giọng nói của bà: “Tôi sẽ đi cùng ông tới bất cứ nơi nào ông tới!” Người ông đã bỏ bê đến xanh xao gầy guộc lại là người thương ông nhất. Rưng rưng xúc động, ông ngậm ngùi nói: “Lẽ ra trước đây tôi đã phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa!”. Cuối cùng, đây là ngụ ngôn: “Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ. Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết. Còn bà vợ thứ ba? Ðó chính là của cải, địa vị... Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác. Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi. Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời. Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Ðừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.”

Nghe chuyện ngụ ngôn về cõi sau như vậy chắc cũng đã tạm đủ, kể thêm nữa bài phiếm này sẽ trở thành…luân lý giáo khoa thư! Đức Đạt Lai Lạt Ma tuy cũng chỉ dẫn cho chúng sinh con đường chính phải đi nhưng Ngài vốn vui tính nên Ngài không…ngụ ngôn mà nhìn thấy cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống. Khi được hỏi điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở cái đám nhân loại trên thế gian này, Ngài trả lời: “Chính con người! Bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe. Và vì quá lo nghĩ cho tương lai nên con người quên mất hiện tại đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai. Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết nhưng rồi sẽ chết như chưa bao giờ đã sống!”

Chết là cái chi chi? Một ông bạn tôi vốn người thẳng tính, phán: chết là nằm thẳng cẳng ra cho người ta khóc chứ là cái chi chi nữa! Nghe mà tức muốn…chết. Bác sĩ Sam Parnia không tào lao như ông bạn tôi, ông nghiên cứu để có câu trả lời ngon lành hơn nhiều. Ông là người cầm đầu một cuộc nghiên cứu về sự chết theo phương pháp khoa học thuộc Trung Tâm Y Khoa Weil Cornell ở Nữu Ước. Cuộc nghiên cứu được gọi là “Sự Tỉnh Táo Khi Hồi Sinh”, viết tắt là AWARE (AWAreness during REsuscitation). Đối tượng nghiên cứu là 1500 người được cứu sống sau khi tim ngừng đập thuộc 25 Trung Tâm Y Tế lớn ở Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ. Theo nguyên tắc, khi tim ngừng đập thì máu không chạy lên óc được. Chỉ cần 10 giây đồng hồ là óc sẽ ngưng sinh động. Nhưng kinh nghiệm cho biết cỡ từ 10% đến 20% người khi tim đã ngưng đập lại có thể được cứu sống, và chừng vài phút hoặc trên một giờ đồng hồ sau họ cho biết là họ vẫn tỉnh táo. Đây là thời gian “chết giả”. Những người sống lại sau thời gian chết giả đã kể lại kinh nghiệm của họ. Thường thì họ nói giống nhau. Họ có thể nhìn từ trên trần nhà xuống. Như vậy ý thức của con người vẫn tiếp tục sống dù não không hoạt động. Theo Giáo sư Parnia thì quan niệm về cái chết có thay đổi từ 50 năm trở lại đây. Năm chục năm trước, khi tim ngừng đập, phổi ngưng hoạt động và bác sĩ soi đèn thấy đồng tử không có phản ứng thì xem như con bệnh đã hui nhị tì. Ngày nay, khoa học tiến bộ tới mức những người chết lâm sàng có thể được vực dậy sống tiếp thì biên giới về vấn đề sống chết sẽ bị đẩy lùi thêm. Chuyện gì xảy ra cho trí não (brain) và linh giác (mind) trong giai đoạn này? Chúng ta chưa biết rõ. Chỉ biết là những người chết đi sống lại này quả thật đã nhìn thấy từ trên cao những hoạt động đang diễn ra ở dưới. Một bác sĩ giải phẫu tim đã hoảng hồn khi một bệnh nhân loại chết đi sống lại mô tả cực kỳ chính xác những gì ông đã làm trên bàn mổ. Cái mới trong quan niệm sống chết là trước kia trí não và linh giác được coi như hình với bóng, trí não tịch thì linh giác cũng đi đong! Giờ đây khoa học không nghĩ như thế nữa. Như vậy, sau khi chết, linh giác của con người sẽ đi đâu? Khoa học phải dừng lại ở đây, đoạn đường tiếp theo là đoạn dành cho tâm linh. Khoa học chưa lấn sân được! Vậy thì linh giác sẽ đi về đâu?

Loanh quanh lại trở về chuyện thiên đàng địa ngục, chuyện nát bàn âm ty. Toàn những chuyện mà con người chỉ được nghe chứ chẳng bao giờ thấy. Ông bạn tôi nghe mãi đâm tẩu hỏa nhập ma, ông oang oang phán là thiên đàng hay nát bàn, địa ngục hay âm ti ở trong mỗi chúng ta chứ ở đâu xa. Bị cật vấn ông...thuyết pháp. Sống mà chém giết, lường gạt, mánh mung, phản bội, làm hại người chung quanh, sống mà ôm trong lòng hận thù, ganh tị, gian dối thì chính ta đã tạo ra hỏa ngục trong lòng ta. Ta sống trong cái hỏa ngục đó thì đích thị ta đang ở âm ti địa ngục. Nhưng sống mà khoan hòa, tha thứ, vị tha, bác ái, sống mà coi trọng, hiền hòa, tử tế với người chung quanh thì đích thị ta đang sống trong thiên đàng. Nát bàn đó chứ đâu xa. Vậy thì thiên đàng hay địa ngục đều hiện diện ngay trong cuộc sống dưới thế này. Tìm đâu cho xa!

Nếu những lời rao giảng của ông bạn già của tôi là đúng thì anh bạn Trường Kỳ của tôi đã tạo được thiên đàng cho riêng anh ngay trong cuộc sống của anh. Anh chẳng làm mất lòng ai, cứ vui thú enjoy cuộc đời với gia đình, bè bạn. Khi anh nằm xuống, chẳng những gia đình, bạn bè mà ngay cả những người chỉ biết anh qua những con chữ anh đã viết cho đời, đều đã khóc thương cho một người vừa mang nát bàn ra khỏi cuộc sống này. Chẳng biết trong một dịp nào, Kỳ đã lộ ra ý muốn khi anh ra đi mọi người đừng khóc lóc mà hãy vui với anh. Bởi vậy nên người đến thăm anh đã cùng chính anh nằm trong nhà quàn mới được nghe những ca khúc nhạc trẻ, nhìn ngắm những hình ảnh anh trải dài suốt cuộc đời từ những ngày thơ ấu tới khi ra đi hiển hiện trên màn ảnh ti vi đặt bên cạnh anh. Trong ngôi giáo đường nhỏ bé nhưng rất đẹp đẽ dễ thương, trong suốt tang lễ, cây vĩ cầm và keyboard đã réo rắt những bản nhạc ngoại quốc anh đặt lời Việt ngày xưa. Anh ra đi trong sự thanh thản và trong những âm điệu đã làm thành đời sống của anh.

Trường Kỳ xưa là vua nhạc trẻ nay là vua đi. Cuộc hành trình này nối tiếp cuộc hành trình kia chẳng bao giờ dứt. Anh nằm xuống mà lịch đi còn tiếp nối dày đặc. Mỗi lần anh đi tôi vẫn thường hỏi : “Bao giờ ông về vậy?” Lần này tôi không có dịp hỏi anh, ngay cả khi tôi đứng nhìn nắp quan tài từ từ khép xuống che lấp hình hài anh.

Chỉ có anh biết anh đi đâu!

04/2009