Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

CỨU

Từ ít lâu nay, mỗi khi theo vợ đi chợ, tôi nhận được một nhiệm vụ mới. Đó là mang mấy cái túi xách đi chợ theo. Túi này giá chỉ có 1 đô một cái nên trong thùng xe của tôi ngổn ngang cả chục túi, lúc nào cần là có ngay. Nếu đi chợ Maxi thì mỗi túi mang vào được các cô cashier thưởng cho 5 xu. Không phải được 5 xu mà tôi chịu khó thế đâu mà vì tôi ý thức được bổn phận của mình trong việc cứu trái đất này. Các ông lớn mới họp hội nghị thượng đỉnh để cứu trái đất. Mình không cứu cũng kỳ. Nhưng mình làm nhỏ thì cứu bằng cách làm…kế hoạch nhỏ thôi. Chịu khó ôm đống túi xách từ ngoài xe vô, xếp đồ mua vào túi mà không cần tới những cái bao nhựa xài thả ga từ trước tới nay. Chẳng cứ đi chợ, đi mua bán bất cứ thứ gì cũng nên tránh dùng bao nhựa. Tỷ dụ như đi mua rượu ở các tiệm rượu ở Québec, nếu không mang túi xách theo thì ráng mà xách toòng teng mấy cái chai chứ họ đã ngưng cho bao nhựa từ đầu năm nay rồi. Đi mua đồ ở cửa hàng Ikea thì nếu không có túi mang theo sẽ phải trả 5 xu cho mỗi bao nhựa. Còn các cửa hàng khác, mặc dầu còn cho bao nhưng họ không cho búa xua như trước mà hỏi có cần không mới cho. Và cho rất hạn chế. Tại Toronto, chợ Loblaws đã thông báo là bắt đầu từ tháng 4 này, khách hàng sẽ phải trả 5 xu cho mỗi bao nhựa

Thôi thì mỗi người chịu khó một chút mà cứu được trái đất. Nên lắm chứ. Bởi vì những bao nhựa chúng ta dùng thả cửa từ trước tới nay là một thứ rất khó nuốt của trái đất. Phải mất hàng trăm năm chúng mới chịu rã đám. Vậy mà chỉ nguyên 7 triệu dân tỉnh bang Québec chúng tôi mỗi năm đã tiêu thụ tới hai tỷ bao nhựa. Mà phần lớn chúng chỉ được dùng một lần là vứt đi. Chịu khó như dân Việt ta thì cũng để dành đó để đựng chút rác gọi là có tái xử dụng. Rồi chúng cũng bôn ba ra xe đổ rác. Thực ra chúng ta có thể thu lại những bao này, bỏ vào thùng recycle để tái chế chúng nhưng, theo Bộ Môi Trường của tỉnh bang Québec, thì số được mang ra tái chế biến này chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm nhượng là 14%.

Khiêm nhượng thật! Lỗi tại…tôi! Đôi khi tìm chỗ đậu xe mỏi con mắt mới ra, vừa cho chiếc xe nằm yên nơi parking, mừng hết lớn, tung tăng đi vào quên mất nhiệm vụ lấy túi xách đi chợ. Chăm chỉ ra thì quay lại lấy. Nhưng chăm chỉ đối với tôi là một thứ xa xỉ nên chặc lưỡi một cái: có chết con ma nào đâu! Hoặc trước khi đi chợ còn lượn lờ đi shopping. Ôm một đống túi cái xanh cái đỏ đi nhung nhăng trong shopping mall trông chẳng giống ai nên cũng phe lờ đi, hẹn lần sau vậy! Ấy, vì những…tại vì như vậy mà chúng ta quên mất việc cứu trái đất chúng ta đang sống. Quên thì phải nhắc. Ngày 28 tháng 3 hàng năm là ngày nhắc đấy. Đó là ngày Earth Hour (Giờ Trái Đất). Năm nay có 3929 thành phố trên 88 quốc gia đã tắt đèn trong một giờ từ 8 giờ 30 tới 9 giờ 30 tối. Toàn thế giới đoàn kết trong việc nhắc nhở mọi người hãy cùng nhau cứu trái đất này. Trong số 3.929 thành phố tham gia có 66 thủ đô. Bên cạnh đó, 9 trên 10 thành phố đông dân nhất thế giới cũng hưởng ứng sự kiện này. Các thành phố chính tham gia năm nay có Nữu Ước, Luân Đôn, Bắc Kinh, Paris, Mạc Tư Khoa, Singapore, Bá Linh, La Mã, Athens, Hoa Thịnh Đốn, Dubai, Sydney, Bangkok, Hong Kong, Los Angeles... Các địa điểm nổi tiếng như Kim tự tháp Giza Ai Cập, tháp Eiffel Paris, thành cổ Acropolis Athens, đấu trường Colosseum Rome, cầu Golden Gate San Francisco, Khải Hoàn Môn Paris, tháp Petronas Kuala Lumpur, Vận động trường Thế vận hội Tổ Chim ở Bắc Kinh, nhà thờ St Peter tại Rome, tháp CN ở Toronto...cũng tối thui trong một giờ này. Năm nay lần đầu tiên Việt Nam tham dự biến cố này. Sáu thành phố nước ta gồm Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ đều tối tăm trong một tiếng. Dân chúng cũng tham gia đông đảo. Nhiều nhà dùng đèn cẩy chiếu sáng trong giờ đoàn kết toàn trái đất này. Theo Trung Tâm Điều Độ Hệ Thống Điện Quốc Gia thì sản lượng điện tiêu thụ trong một giờ này đã giảm được 140 ngàn KWh, quy ra tiền khoảng 133 triệu đồng.

Quan trọng không phải số điện tiết kiệm được mà là sự nhắc nhở cho khắp bàn dân thiên hạ nhớ không nên lãng phí các tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt dần. Nhắc khơi khơi vậy thôi mà tôi cũng động lòng. Ngồi trong tăm tối, tôi nhất quyết là từ nay nhất định không quên bao đi chợ nữa. Nếu lỡ quên thì nhất định trở ra lấy chứ không lười biếng tặc lưỡi khan nữa. Quyết tâm của tôi thua xa ông bạn Nick Drouin sống cùng thành phố Montreal của tôi. Gọi ông bạn là một lối thấy sang bắt quàng làm họ chứ tôi nào có quen ông Tây này đâu. Chỉ sống cùng thành phố thôi. Thế cũng đủ…ăn có rồi. Ông Nick này làm cái chi chi mà tôi phải bá vai nịnh bợ? Ngày Earth Hour năm ngoái ông ấy cũng ngồi suy tư trong tăm tối như tôi. Ông ta và bà vợ tên Cindy Giroux nẩy ra ý kiến là phải làm một cái gì cho lối sống của họ…xanh hơn. Vợ chồng họ có hai chiếc xe. Nick lái xe đi làm khoảng 40 cây số mỗi ngày đi và về từ Baie d’Urfé tới thành phố Saint Laurent. Muốn cứu trái đất, họ quyết định sẽ mua một chiếc xe chạy bằng điện trước ngày Earth Hour 2009. Nick nghĩ tới việc mua một chiếc xe chạy bằng điện hiệu Zenn của tỉnh bang Québec chế tạo. Nhưng tốc độ tối đa của chiếc Zenn này chỉ có 40 cây số/giờ không thực tiễn cho việc đi làm xa hàng ngày. Không sao, Cindy có thể dùng chiếc xe này vì chị chỉ lái xe loanh quanh trong thành phố chứ không chạy trên xa lộ. Nhưng vẫn còn trở ngại. Chiếc xe chỉ có hai chỗ thì lấy đâu ra ghế sau để cột hai cái ghế ngồi cho hai đứa con còn nhỏ. Thêm một trở ngại nữa là chiếc xe này chỉ được chính quyền tỉnh bang cho chạy thử để nghiên cứu trong vòng ba năm. Không biết sau ba năm họ sẽ quyết định như thế nào, lỡ họ ngưng không cho loại xe này chạy nữa thì sao, ai dám bỏ ra 17 ngàn đô để mua lấy cái hồi hộp đau tim như vậy. Thế là không ổn rồi! Nhưng anh Nick vẫn muốn…cứu. Anh vốn là một kỹ sư làm việc cho một hãng chế tạo máy bay nên tự hỏi tại sao không chuyển một chiếc xe chạy bằng xăng thông thường thành ra một chiếc xe chạy bằng điện. Nghĩ là làm, anh mang chiếc xe Volkswagen Karmann Ghia đời 1972 màu xanh da trời của anh ra làm vật thí nghiệm. Anh vô net kiếm ra được một garage chuyên chuyển đổi xe chạy bằng nhiên liệu ra xe chạy bằng điện ở Ottawa tên REV Consultants. Địa chỉ trên net của garage này là www. revconsultants.com. Phải mất vài tháng chiếc xe Karmann Ghia của anh mới…đổi đời. Anh mang xe ra để cơ quan Societé de l’Assurance Automobile du Québec chấp thuận cho lưu thông. Tháng 2 năm nay, 2009, Nick mới chạy thử xe trên xa lộ lần đầu tiên. Anh đã cho xe chạy được với tốc độ 100 cây số/giờ. Xe cần phải sạc điện mỗi khi chạy được 50 cây số. Vậy là anh sạc điện ở nhà trước khi đi làm và tới sở lại sạc điện để chạy về. Mỗi lần sạc mất 8 tiếng. Như vậy nếu chạy đường trường thì rất bất tiện nhưng với nhiệm vụ cõng anh Nick đi làm thì chiếc xe không uống xăng này làm được. Phí tổn canh tân chiếc xe là 20 ngàn đồng. Mỗi tháng thay vì đổ hết chừng 80 đô tiền xăng, anh chỉ phải trả khoảng 20 đô tiền điện. Để hạn chế sự bất tiện phải sạc điện liên tục và thời gian sạc điện lâu lắc, công ty  EEStorm Inc. ở Texas cho biết họ đang chế tạo một loại xe chạy bằng điện chạy được 500 cây số mới phải sạc điện và mỗi lần sạc chỉ cần 5 phút là đầy. Ngày Earth Hour năm nay, anh Nick đã lái xe từ sở về, dùng bữa cơm mừng với gia đình. Anh cười tươi : “Vui hết biết!”

Thấy gương sáng trưng của anh Nick, tôi lại tự hứa sẽ vứt chiếc xe uống xăng đang dùng để tậu một chiếc xe chạy điện khi nào công ty EEStorm ở Texas cho ra lò những chiếc xe thân thiện với môi trường. Hứa xong mới biết mình say sưa trong việc làm sạch trái đất nên hứa ẩu. Đâu đã biết giá chiếc xe…xanh như vậy tốn bao nhiêu tờ giấy xanh đâu mà hứa nhăng hứa cuội! Nhưng nếu cái túi tiền của tôi quá xẹp thì tôi có thể làm được những chuyện khác. Nếu có thiện chí thì chẳng bao giờ thiếu cơ hội.

Ngay trong đời sống hàng ngày thiếu gì dịp để chúng ta có thể góp chút đỉnh cho trái đất của chúng ta. Có người sẽ hỏi trái đất đã có từ bao nhiêu triệu năm nay có sao đâu mà tự nhiên lại cuống cuồng cả lên với nhau. Ấy, mấy triệu năm không sao nhưng bây giờ nó…sao là bởi vì chính chúng ta đã phá nó. Chính vì sự vô tâm xài thả ga cho sướng của chúng ta nên bây giờ trái đất mới bị thương. Vết thương rất nặng. Lấy một hình ảnh rất gần gũi với chúng ta. Bạn có phải là con dân của Tây đô không? Nếu không thì ít nhất bạn phải biết Cần Thơ. Vậy mà Tây đô xinh đẹp của chúng ta sẽ bị chìm mất trong vòng 20 năm nữa, khoảng năm 2030. Vì đâu nên nỗi? Chính vì sự biến đổi của khí hậu địa cầu. Làm sao để cứu? Trách nhiệm nằm trên mỗi người chúng ta. Chúng ta, những con người bé bỏng thì làm được chi? Không, bạn đừng khiêm nhường để tránh trách nhiệm. Chúng ta chỉ cần mỗi người tự hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày là có thể có được khối kết quả.

Này nhé, nếu bạn chịu khó đi làm bằng métro hoặc xe buýt mỗi tuần một lần thôi thì bạn đã làm giảm được 111 kí khí thải một năm. Nếu bạn bỏ chiếc xe riêng ở nhà và chỉ tới sở làm bằng phương tiện chuyên chở công cộng thì quý hóa quá, bạn đã giảm được 555 kí khí thải mỗi năm. Nếu bạn có lòng như vậy thì bạn đã gia nhập vào con số 50% dân Canada dùng xe buýt và métro rồi đó. Còn chuyện nữa. Khi dùng xe hơi, bạn có để xe nổ máy khơi khơi cho nóng máy trước khi chạy không? Bạn có tắt máy khi đậu xe chờ bà xã đi chợ hay chờ đón con không? Đó là những lúc bạn thả khí thải ra một cách vô ích. Luật chỉ cho phép bạn để máy xe nổ khi không di chuyển trong vòng ba phút thôi.
Lại còn nước uống. Hỏi nhỏ bạn nhé, bạn đang xài nước như thế nào? Bạn uống nước máy hay uống nước đóng chai? Nước máy ở các thành phố lớn đều có thể uống ngay được. Nếu ngại thì bạn có thể dùng ống lọc nhưng có cũng được không có cũng chẳng sao. Trong nhà tôi dùng nước uống bằng cách lọc. Cho yên tâm. Đây có thể là vấn đề tâm lý. Đã có 41% dân Canada uống nước thẳng từ máy nước ra trong khi 32% chỉ uống nước đóng chai. Trong số này có ông Luân Hoán. Ông nhà thơ của chúng ta không ngại chi cả nhưng…lười biếng. Tôi tiết lộ điều này bạn đừng nói lại với ông Luân Hoán nhé. Bên cạnh giường ngủ và bàn làm việc của ông ấy ngổn ngang những chai nước uống loại nhỏ. Cần thì mở nút tu ực một cái là xong. Đỡ tốn thời giờ làm thơ! Sẽ có bạn thắc mắc : uống nước đóng chai thì có chi tội lỗi? Chai nước thường được chế tạo bằng chất polyethylene terephthalate, một loại nhựa tiết ra khí thải khi được điều chế. Uống xong, vỏ chai sẽ trở thành rác khó tiêu. Với số lượng tiêu thụ lớn, việc chuyên chở bằng xe vận tải cũng tạo ra rất nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Nước chúng ta dùng hàng ngày phải qua nhà máy lọc. Có dính vào máy móc là có khói làm ô nhiễm môi trường. Nhưng chẳng có cách nào khác được vì vấn đề giữ gìn vệ sinh cho mỗi chúng ta. Nước đó không phải không tốn tiền cho thành phố. Thành phố Montréal nơi tôi ở đã cho dân dùng free nước lọc từ lâu rồi. Không phải tốn tiền chúng ta dễ dùng xả láng. Mùa hè, trong lúc đi bộ tập tành chút đỉnh quanh khu tôi ở, tôi thấy có nhiều nhà tưới vườn, tưới thảm cỏ một cách vô tội vạ. Họ cho nước tự động chảy tới mức thừa mứa, tràn qua vỉa hè, chảy xuống ống cống công cộng mà vòi tưới nước vẫn thản nhiên vặn vẹo phun nước lên cỏ. Lại hỏi nhỏ bạn nhé. Mỗi lần tắm bạn ở trong phòng tắm bao lâu? Câu hỏi tò mò này không phải của tôi mà của ông Thống Kê Canada đấy. Họ làm một cuộc thăm dò và cho biết là trong năm 2008 dân Canada tắm trung bình 7,6 phút. Nhưng dân nước…tôi chẳng thèm để ý đến việc cứu trái đất khi qua năm 2009 họ đã nán lại trong phòng tắm thêm 30 giây, tức 8,1 phút! Trung bình một người dân Canada xài 329 lít nước mỗi ngày, ít hơn dân Mỹ nhưng gấp đôi dân Âu Châu. Vậy mà khi ông Thống Kê hỏi họ có áng chừng được họ dùng bao nhiêu lít nước một ngày không thì con số trung bình của các câu trả lời là 66 lít. Thật là ngây thơ vô tội! Có những điều nhỏ nhặt mà mọi người có thể làm được để tiết kiệm nước thì họ chẳng thèm để ý tới. Tỷ như chịu khó gắn hoa sen trong phòng tắm hay cái giật nước ở bồn cầu loại tiết kiệm nước, nguyên hai thứ này có thể tiết kiệm được 70% nước xả ra! Hoặc tỷ như sửa chữa những chiếc vòi bị rỉ nước trong nhà, tắt vòi nước khi đánh răng. Ông Thống Kê Canada đã tính là một gia đình 4 người, nếu tắt vòi nước trong lúc đánh răng thì sẽ tiết kiệm được 80 lít nước mỗi ngày! Hoặc khi vào nhà tắm thì đừng có văn nghệ văn gừng hát hò inh ỏi tới quên tắm mà tắm táp liền cho nhanh lên một chút. Tôi nhớ lại chuyện kể của nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Anh có một người anh từ Luân Đôn qua chơi. Trước khi vào nhà tắm để tẩy trần, ông cẩn thận hỏi ông em là mỗi người được tắm mấy phút. Thứ “văn hóa tắm” Luân Đôn bị cười vào mũi liền bằng câu trả lời phóng khoáng : “Anh muốn tắm bao lâu thì tắm!” Nửa giờ sau, từ trong nhà tắm bước ra, ông anh như vừa được vào nước Thiên đàng : “Sướng quá! Lâu lắm mới được tắm thả giàn như ri!”

Tắm lâu tốn nước đã đành nhưng tốn nước nóng mới là cái mà dân Âu Châu sợ. Tiền điện bên đó không nhẹ nhàng như bên Canada. Không hiểu có phải vì vậy không mà họ nhanh chân hơn chúng ta trong việc bỏ bóng đèn tròn để dùng bóng đèn huỳnh quang, đỡ tốn điện mà lại sáng hơn. Bóng đèn huỳnh quang mà chúng ta thường gọi là đèn ống hay đèn tuýp ngày nay không còn ống hay tuýp dài dằng dặc nữa mà cũng tròn như bóng đèn tròn. Nếu chỉ đổi từ dài ra tròn thì không có chi mà ầm ĩ nhưng chúng còn được đổi về kỹ thuật. Bóng đèn tròn 60W giờ chỉ còn 13W mà vẫn sáng như nhau, cũng vậy bóng 100W bây giờ chỉ còn 18W mà vẫn sêm sêm. Đỡ tốn điện nhưng ngon nhất là bớt sức nóng làm hại tới môi trường. Trái đất đang nóng dần lên rồi, chẳng nên đốt cho nó nóng  thêm nữa. Dân Québec, nếu mua và dùng bóng đèn ít…hại điện này còn được Công ty điện Hydro Québec trả lại một phần tiền mua bóng đèn mới. Được quá đi chớ! Bởi vậy nên 84% gia cư của dân Canada đã…canh tân bóng đèn rồi.

Mọi người xúm nhau vào cứu môi trường. Tôi có góp phần chút đỉnh, các bạn chắc cũng vậy. Các cụ thường nói “cha chung không ai khóc” nhưng với sự nguy nan của môi trường, không khóc thì hết đất sống. Vậy mà có những người nhất định không khóc. Họ còn làm hại thêm. Những anh…du đãng này đang bị cơ quan U.S. Environmental Protection, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường của Mỹ, truy tìm. Như tên Omran Alghazouli đánh cắp chất khí Fréon R-12 ở Mễ Tây Cơ để mang sang California. Tên này đang tại đào và người ta đoán hắn đang ở Syria. Tên Michael Evangelos Psomadakis, kỹ sư trưởng trên du thuyền mà nhiều người trong chúng ta đã đi là du thuyền  Royal Caribbean, đã xả nước có dầu phế thải trên vùng biển quốc tế . Tên này bị nghi là đang sống ở Hy Lạp. Tên Larkin Baggett, chủ Công ty Chemical Consultants Inc. ở Utah, đã xả chất thải nguy hại có hóa chất vào hệ thống cống. Hoặc anh Wang Jun, người gốc Trung Hoa, can tội đổ dầu phế thải từ bồn xe xuống con rạch Little Beaver Creek ở Kettering, tiểu bang Ohio. Anh này hiện đang tại đào và sống ở Shenyang bên Trung Quốc. Tất cả có khoảng trên 20 tên đang bị truy lùng gắt gao. Đọc tới đây không biết các bạn có liên tưởng tới vụ hãng Vedan của Đài Loan xả chất thải ra sông Thị Vải trong suốt 14 năm mới bị phát giác ra không. Vậy mà bây giờ vụ án vẫn nhùng nhằng chưa ra sao cả.

Tôi vừa đọc báo thấy có thêm một vụ thả khí thải khá nghiêm trọng mà thủ phạm còn vị thành niên. Báo The Ledger đưa tin em Jonathan Locke Jr., 15 tuổi, trong khi ngồi trên xe buýt học sinh đã thả khí ra làm ô nhiễm toàn xe một cách trầm trọng vào ngày 12 tháng 2 vừa qua. Theo phúc trình của tài xế xe thì em này cố sản xuất khí có gây tiếng động để làm trò cười cho các học sinh khác, làn khí này có “mùi quá hôi đến ngộp thở ở trong xe”. Trường hợp này đáng bị xử phạt nhưng ngặt một cái là nhà trường chưa có qui định nào về vi phạm loại này. Người ta phải vin vào qui định “cấm quấy phá trên xe” để phạt em Jonathan không được đi xe buýt của nhà trường trong 3 ngày. Vụ này có thể coi là một vụ phá hoại môi trường thuộc thẩm quyền của cơ quan U.S. Environmental Protection không? Tôi mang câu hỏi này ra hỏi các ông bạn thông thái của tôi. Vừa nghe xong câu hỏi, ông nào ông nấy lắc đầu quầy quậy, điệu bộ rất cương quyết. Thái độ dứt khoát của các ông làm tôi sực nhớ tới lời dạy của các cụ ta : đồng bệnh tương lân!

04/2009