Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

PHÔ

Tốt phô ra xấu xa đậy lại. Các cụ dạy như vậy. Ngày nay con cháu cụ toàn là những người có hiếu, biết vâng lời, nên cứ phô ra. Con cháu các cụ bây giờ đông và rất đa dạng. Tóc đen có, tóc nâu có, tóc bạch kim có, tóc tếch-ni-co-lo cũng có luôn. Ngày nay lại có internet nên việc nghe lời các cụ rất tiện lợi. Phô ra một cái là cả thế giới biết. Biết một cách tường tận, rõ từng đường tơ kẽ tóc. Các ông bạn tôi là những người rất mặn mà với những màn phô này. Một ông mấp mé bát tuần nhưng vẫn phương phi yêu đời thường thân ái ra ơn mưa móc cho bạn bè hầu như mỗi ngày. Ngày nào ông cũng ca ngợi con tạo đã đúc ra được những tác phẩm tươi mát nõn nà. Già nhưng mắt vẫn còn tinh. Nhỏ thì còn tinh hơn. Tinh nhưng hoá ra không tinh. Buổi tối, mẹ bắt đọc kinh trước khi đi ngủ, một chú nhỏ đã sáng tác ra câu kinh rất thực tế. Lạy Chúa, xin Chúa thương ban quần áo cho tất cả những cô gái nghèo khó  nằm trong computer của cha con. Amen!

Tại sao bây giờ con người bỗng thích phô ra cho người khác ngắm? Tôi nghĩ có lẽ vì ảnh hưởng của quảng cáo. Quảng cáo là điều sống chết cho một thương vụ. Sản phẩm có tốt đẹp bao nhiêu mà thiếu quảng cáo thì cũng chẳng ai biết đó vào đâu. Vậy nên phải phô ra cho bàn dân thiên hạ biết. Một ông bạn tôi cãi. Biết để làm chi? Một món hàng cần quảng cáo vì người ta muốn bán món hàng đó. Mỗi món hàng sản xuất ra có tới cả ngàn cả triệu đơn vị giống nhau, quảng cáo để có cả ngàn cả triệu người biết mà mua. Còn cái thứ phô ra là món hàng duy nhất, không có cái thứ hai giống hệt như vậy, quảng cáo làm chi? Cãi xong ông bạn tôi đưa ra thuyết của ông. Phô là bản tính của con người. Đó là biểu hiện của sự cạnh tranh. Bà có cục hột xoàn to tổ chảng, phô ra cho bà khác thèm để làm tăng khoái cảm về sự sở hữu của mình. Ông có bà vợ trẻ đẹp, đi đâu cũng xách theo để cho mấy ông khác uất lên vì thèm. Tớ có mà các cậu không có, thèm chưa? Vậy là hả hê sung sướng. Một ông bạn khác lại cãi. Các ông lạc đề hết! Quảng cáo hay cạnh tranh là chuyện khác. Chuyện các em phô hàng là chuyện khác nữa. Biết người khác hơn kém mình ra sao mà quảng cáo với cạnh tranh. Phô là khoái phô, thích phô. Vậy thôi. Chấm hết! Ông này ngày xưa vốn là sĩ quan cấp lớn nên tranh luận mà cứ như ra lệnh cho lính. Họp bạn nói chuyện tào lao mà gặp cỡ này thì như đang văn nghệ văn gừng lại hát Khỏe Vì Nước. Chán bỏ sừ!

Chán mấy ông bạn lao xao như Đào Cốc Lục Tiên của Kim Dung, tôi tìm tới giới chuyên môn. Tại sao các em gái bây giờ thích phô hàng họ ra cho thiên hạ mãn nhãn? Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, chuyên nghiên cứu về sức khỏe giới tính, cho rằng nguyên nhân của sự thích phô ra của giới trẻ, ngoài ảnh hưởng của lối sống và trào lưu xã hội ngày nay, là ảnh hưởng của gia đình mà các bậc cha mẹ không nhận ra: “Khi trẻ còn bé nhiều người thường hôn, nựng nịu ở “vùng cấm”, mà không biết rằng: từ 3 đến 6 tuổi, ở trẻ đã hình thành cái gọi là “nụ hoa tính dục” với bốn đặc điểm: trẻ thủ dâm, hiếu kỳ tình dục, thích hoán đổi giới tính và khoe hàng. Vì vậy, người lớn không nên bày tỏ tình cảm ở vùng nhạy cảm đó, bởi sẽ có nguy cơ làm trẻ bị lệch lạc tình dục và “khoe hàng” là một trong những biểu hiện đó”.

Đó là ý kiến của những người đứng bên ngoài. Ngay chính đương sự thì nghĩ sao khi…phô? Thường thôi! Để lưu lại hình ảnh đẹp của chính mình mà chắc chắn mai mốt sẽ mất. Thì ra đó là một cách tiếc của trời. Đang rõ ràng trong ngọc trắng ngà như thế này, chỗ nào ra chỗ đó, vậy mà một mai khi về già sẽ chỉ còn là những nuối tiếc. Tiếc chứ! Vậy thì phô ra trước ống kính, tách một cái là ngàn năm không phai. Bà Ngọc Thu thấy con và người bạn gái ở trong phòng lâu quá, thấy lo, sợ hai con nhỏ này làm trò đồng tính với nhau, bà làm như mọi bà mẹ khác: lén nhìn qua khe cửa. Bà thấy bé Hà, con gái bà, đang đứng ưỡn ngực trong chiếc áo hai dây trễ cổ cho bạn chụp hình. Một lúc sau, bé Hà thay bộ váy ngắn cũn cỡn, đứng dang rộng hai chân để khoe chân dài lấp ló chiếc quần lót sậm màu. Bà gõ cửa hỏi nguồn cơn. Bé Hà ngây thơ trả lời: “Tụi con chỉ chụp hình thôi mà?”. Bà mắng cô bé. Con gái phải ý tứ. Cô vùng vằng trả lời: “Mẹ xưa như trái đất! Hình thế này là bình thường của thế hệ tụi con. Bây giờ, chẳng có nữ sinh nào mặc áo dài, khép nép đứng ôm cặp như thời của mẹ nữa đâu!” Bà dằng lấy máy hình, xóa hết. Nhưng bà đâu có biết là trên blog của cô bé Hà đã có những tấm hình tương tự từ lâu rồi. Cô bé chỉ là một kẻ a dua theo trào lưu. Vài năm trước nếu trên internet có những tấm hình của những cô bé tuổi teen trong những tư thế gợi cảm được post lên cho bàn dân thiên hạ vừa ngắm vừa suýt soa thì đó là những tấm hình do sơ suất của người trong ảnh hay do kẻ khác, có thể là bạn bè hay mấy anh phó nhòm, tung lên mạng. Ngày nay những tấm hình như vậy nhiều phần là do chính người trong ảnh tự triển lãm cho thiên hạ mãn nhãn. Đẹp thì phô ra cho mọi người thưởng thức chứ cứ bo bo giữ chỉ mình mình biết chỉ mình mình hay thì…chán chết! Tấm lòng…bác ái này thường bị hiểu lầm. Phô ra như vậy là một cách mời gọi. Nhào dzô liền! Đó là trường hợp của cô bé tên Hương. Sau khi làm cả slide show hình rất hot lên mạng, blog của cô bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Người vào tấp nập cùng những lời khen như: “Em xinh quá, em hấp dẫn quá”. Nhưng bên cạnh đó còn có một đống lời bình bất lịch sự, tục tĩu kiểu “Em là gái gọi hả? Nhìn ảnh là biết em “giống tốt”, hàng Việt Nam chất lượng cao...”. Có người còn gọi điện thoại đến nhà vào đêm khuya để rủ Hương đi khách khiến cô phát hoảng. Ba cô thì tức giận, còn mẹ khóc lóc suốt ngày vì nghĩ con gái đã làm chuyện “tày trời” và hai người quay ra gây gổ. Ông đổ lỗi cho bà đã quá nuông chiều con, bà thì bảo ông chỉ lo công việc, không quan tâm đến con cái. Đến lúc này, cô phải thú nhận vụ “khoe hàng” trên blog và gỡ hết hình xuống, cắt điện thoại mới được yên.

Mạng internet là một cái chợ bỏ ngỏ, không cửa, không hàng rào. Phô ra là kết quả liền. Nhiều em bé teen muốn chơi trội đã phô thì phải ăn trùm thiên hạ. Hình tự chụp thường kém chất lượng, thiếu nghệ thuật nên nhờ các ông thợ ảnh nhà nghề ra tay cho thân hình thêm hấp dẫn. Đó là trường hợp của em gái tên Linh. Linh năm nay mới 17 tuổi, tuổi vừa đang độ chín tới nên cô nhờ một ông phó nhòm thực hiện một bộ ảnh tươi mát và huyền bí! Một ngày Chủ nhật, dối mẹ dối cha là đi picnic với cả lớp, Linh theo một ông thợ chụp hình vào một vườn cây rậm rạp ở Long An để thực hiện bộ ảnh “hòa với thiên nhiên”. Thiên nhiên từ cảnh tới người. Giữa thiên nhiên rậm rạp huyền bí, ông thợ nổi máu…thiên nhiên, nhào vào ôm cứng Linh toan tính giở trò…thiên nhiên. May mà Linh vùng chạy thoát. Từ đó cạch đến già không dám phô ra cái thứ thiên nhiên nữa. Nói cạch đến già là một cách nói. Cô bé mới 17 tuổi, còn lâu mới già, biết có thực sự giã từ được bệnh phô chăng?

Mở hai hàng cỏ tháng ba
Nhìn trăng bãi cũ em là biển xanh
Cánh chim về kết tụ nhành
Cho cây cối khẽ nghiêng mình bảo nhau
Rằng hồng nhan tới ngàn sau
Còn du dương hội sang giàu của em
Mở hai hàng cỏ ngó xem
Giòng thiên thu rộng là em bây giờ
(Bùi Giáng)

Tốt phô ra đã gặp tai nạn, xấu xa mà không biết đậy lại, cũng…nạn tai. Chàng sinh viên Thanh Tùng, 22 tuổi, đang học năm thứ tư Đại Học Giao Thông, đã có kinh nghiệm chua chát về cô em gái. “Có buổi tối tôi đi cà phê với bạn, đang ngồi thì suýt sặc vì thấy đứa em gái của mình đang mặc cái áo mà chỉ che được tí chút ở vòng một, quần thì trễ hở cả quần lót bên trong. Mấy đứa bạn ngồi cùng thì dán hết mắt vào nó, bình phẩm đủ thứ, còn tôi thì mặt đỏ bừng bừng, vừa sốc, vừa tức, vừa xấu hổ”. Về nhà, anh mắng em gái, cô em hồn nhiên về hình thể của mình, trả lời tỉnh queo đó là cá tính của tôi, ai muốn nói gì thì nói, không cần biết! Tính bướng bỉnh và thích phô thân hình không được chuẩn của cô em gái anh Thanh Tùng sau đó đã đưa cô đến tai nạn. Trong một lần đi dự sinh nhật của một người bạn, cô đã cố ý diện bộ áo lộ vòng một và khoác chiếc váy ngắn cũn cỡn với dáng đi kiểu các cụ xưa gọi là “đánh bồng”. Cô đã thành công. Ai cũng phải chú ý tới cô. Một nhóm nữ sinh thuộc loại gấu cũng chú ý. Họ tới khiêu khích, chọc ghẹo cho cô nổi nóng đi tới chỗ xô xát với họ. Vậy là cả nhóm đã tạt nước ngọt lên mặt, lên ngực cô. Trước khi bỏ đi, một đàn chị đã…phê bình : “Về nhà ăn mặc cho tử tế vào! Đã xấu mà còn thích khoe, ngứa cả mắt!”

Hình như chẳng có cô gái nào nhận là mình xấu. Xấu đẹp tùy người đối diện! Vậy nên em nào cũng thấy đáng phô ra cho bà con thiên hạ lác mắt chơi. Phô trên internet hình như không phải là phô. Ở nhà mình, trong phòng mình, giường chiếu thân quen, nhìn quanh có ma nào đâu, chỉ có con mắt của webcam. Vậy là phô. Phô mà không cấn cái. Cứ tự nhiên như ở nhà. Thì đúng là ở nhà chứ còn gì nữa. Một nhóm trai gái đi chơi với nhau. Buổi tối về, anh chàng tên Hoàng online với một cô trong nhóm. Trò chuyện một lúc, thấy tình hình thuận lợi, Hoàng thử hỏi về số vòng đo của cô bé. Chẳng một chút lưỡng lự, cô cho ngay, và còn bổ túc thêm bằng cách gửi mấy tấm hình phô thân thể không chút ngượng ngùng. Lại còn nhắn nhe : “Nếu anh thích em sẽ show qua webcam!”. Hoàng kể với đám bạn : “Thật sự mình không ngờ bạn ấy lại dễ dàng khoe cơ thể mình như thế. Nhưng choáng hơn là mình thấy rất phản cảm với “nội thất” của bạn đó, chẳng thể nào ngủ được vì nó “sệ” quá!”. Chung quy chỉ vì không biết đậy lại!

Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hươngcứ tòe loe chẳng đậy cái gì cả. Cứ phô ra tất tần tật vũ khí của hai phe đối nghịch.

Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
Ban đêm không mắt sáng như đèn
Đầu đội nón da loe chóp đỏ
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen.

Cái thứ không hèn có đáng phô không? Các cô Kim Dung, Hoàng My, Thu Thủy và Hoàng Yến bảo là không. Họ là sinh viên trọ học tại khu nhà trọ ở đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Ông Lãnh Sài Gòn. Đối diện khu nhà trọ có một ông khoảng 40 tuổi, thường xuyên ra đứng trước ban công, chĩa…súng ra phô. Những lúc bên kia tấn công như vậy, mấy cô chỉ còn biết phòng thủ thụ động bằng cách đóng cửa lại. Đóng cửa lại thì nóng mà mở cửa ra thì súng đạn chiến chinh ngứa mắt. Sau một thời gian chịu đựng, các cô phải di tản chiến thuật đi mướn nhà trọ khác.

Nhà trọ của các nữ sinh viên hình như là miền đất tốt cho các cuộc hành quân của các chàng thích phô. Làng Đại Học Thủ Đức là chốn đắc địa nhất. Sinh viên Huyền Thư kể lại tình cảnh của các cô : “Giữa tháng 5, em và đám bạn đi học Anh văn về đến gần trạm xe buýt ký túc xá Đại học Quốc gia thì bất ngờ bị một người đàn ông chặn đường để khoe “cái đó”. Tụi em hoảng sợ, chạy thục mạng, suýt bị tai nạn”. Chạy là phải, chẳng nên liều mạng nơi súng đạn. Nhà tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám Đốc Công ty Ứng dụng Khoa Học Tâm Lý Hồn Việt, chê các cô sinh viên này. Tại sao lại bỏ chạy? Khi gặp tình huống như thế, cần bình tĩnh, phản ứng lại bằng cách trừng mắt hoặc quát mắng lớn. Nghe ra đầy khí thế! Chị Hồng Ngọc, nhân viên bán hàng ngụ tại quận 3, Sài Gòn, thử áp dụng chiêu này. Vào một buổi trưa, chị đang đi bộ trong một công viên thì một người đàn ông chừng 50 tuổi tiến lại gần. Bất ngờ ông này mở dây kéo quần, rút súng ra, hỏi : “Cho em nè! Em thích không?”. Chị Ngọc giữ bình tĩnh, cúi xuống lột giày, quyết cho đối phương ôm hận. Chàng chiến sĩ bèn cắp súng chạy đi một mạch!

Chị Ngọc Phương, tài xế xe tắc xi, cũng gặp một chàng…phô. Chị đang đậu xe đợi khách tại một khu đất trống ở Thủ Đức thì một người trạc 30 tuổi bước tới đầu xe, mở quần tháo súng, khiêu khích : “Em gái ơi, em gái à…”. Không chờ cho đương sự diễu võ dương oai, chị rút thanh sắt, mở cửa xe, tiến ra…chiến trường. Biết thứ gậy gộc cơ hữu không thể địch lại được chiếc gậy sắt trên tay chị Phương, đương sự vội chạy một mạch không dám quay đầu lại.

Những ông thích phô trên thường là những người bệnh. Bệnh…phô. Họ thích mang hàng họ ra triển lãm nhưng khách nhàn lãm nhất định phải là người khác phái. Mình có mà người ta cũng có thì phô làm quái gì cho mất công. Những ông thuộc dạng…thiên nhiên thì lại khác. Nhu cầu của họ là cứ tô hô, ai không muốn nhìn thì thôi, ai ghé mắt trông vào thì…cám ơn. Xã hội cũng chẳng khe khắt chi với những người sống thời nay mà cứ tưởng đang ở thời kỳ các cụ gọi là “ăn lông ở lỗ”. Họ được dành riêng cho những công viên hay những bãi tắm biển khuất nẻo để giữ đạo nhồng nhộng của họ. Các cụ cũng chẳng hẹp hòi gì mà không ban cho các ông tô hô này vài câu. Như một ông gốc…nhộng cõng một ông gốc nhộng khác, các cụ mỉm cười phán câu : “Gậy ông đập lưng ông!”. Như một ông tô hô nổi hứng plongeon xuống biển, các cụ cũng nhẹ nhàng ban cho mấy chữ : “Chim sa cá lặn!”. Như cũng ông họ nhà nhộng đó ngổi ngắm trời ngắm đất trên một hòn đá, các cụ cũng không thiếu lời : “Trứng chọi đá!”. Như một ông tên Trần Trùi Trụi bỗng thấy khó chịu nơi bàng quang, ngồi xuống ban ơn mưa móc cho đất, các cụ cười mím chi, phán : “Đất lành chim đậu!”.

Hình như miền đất lành không ở nước ta mà ở tận bên Nhật, nơi thị trấn Komaki, cách thủ đô Tokyo 250 dặm về phía Nam. Sở dĩ tôi ghi rõ đường đi nước bước như vậy là để cho các ông bạn tôi, nếu muốn tham gia có thể biết đường mà lần tới. Muốn tới nơi đây thì xin các ông nhớ cho là hãy đến vào ngày 15 tháng 3 hàng năm. Đây là một ngày hội lớn. Phô ra hết mình. Phô có cờ quạt, trống kèn, có kiệu, có rước. Nghe thì ham lắm nhưng không phải phô một cách…cụ thể mà phô tượng hình thôi. Hội phô này có tên Nhật là Hounen Matsuri. Sáu chục ông 42 tuổi khênh một chiếc kiệu trên đó có tượng…súng thần công bằng gỗ dài tới 2 thước rưỡi, nặng 400 ký đang ở tư thế tấn công. Tại sao lại chọn các ông ở tuổi 42? Bởi vì theo Thần Đạo thì tuổi này là tuổi bắt đầu suy yếu! Vậy mà nhà điêu khắc tác giả bức tượng…nóng này lại là một ông cụ 90 tuổi, hơn gấp đôi cái tuổi suy yếu! Bức tượng được khắc trên một thân cây tùng bách và được dâng cho đền thờ để tượng trưng cho lời cầu xin một năm được mùa và sung mãn cho tất cả các sinh vật. Đám rước linh vật này diễn ra trên một quãng đường dài từ đền thờ Shinmei Sha trên một ngọn đồi tới một đền thờ Thần Đạo khác tên Tagata Jinja. Trên đường đi lúc thì những người khiêng kiệu chạy, lúc thì dừng lại bất thình lình hoặc quay tròn trong khi hô to Hoh-sho, Hoh Sho. Xếp hàng hai bên đi hầu kiệu là các cô gái trẻ tay cầm những bức tượng…súng nhỏ hơn. Tương truyền nếu sờ được tay vào linh vật thì sẽ mang lại nhiều may mắn.

Quả thật tôi ước mong sẽ một lần được dự lễ hội này. Hiếm khi cái nam nhi chi chí của chúng ta được phô ra cho mọi người sùng kính ái mộ như vậy. Cũng đáng mặt anh hào lắm chứ! Tôi bày tỏ ý định và rủ các ông bạn tôi đi dự hội. Ông nào cũng lắc đầu. Hỏi lý do thì ông nào cũng ấp úng. Mãi mới truy ra nguyên do : nhìn thấy súng ở thế thượng phong oai hùng các ông ấy buồn. Trông…gỗ lại nghĩ đến ta, ôi thời oanh liệt nay còn đâu!

  05/2009