Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

VẼ

Bạn họa sĩ của tôi khá nhiều và tôi rất quý trọng các ông bạn này. Không quý thì mỗi lần xuất bản sách lấy ai vẽ cho cái bìa hoặc thảy cho một tấm tranh cho cái bìa khởi sắc. Ông Đinh Cường chẳng hạn. Ông rất rầu về sự quý mến này. Thấy anh em định xuất bản sách có ý săn đón ông, ông vừa cười vừa ngôn: “Mấy ông văn nghệ thuần túy này chán lắm! Văn nghệ quần chúng coi bộ được hơn”. Chẳng là văn nghệ quần chúng thì phải chi địa trong khi văn nghệ thuần túy chỉ cười trừ! Vì quý các ông cầm cọ nên tôi khuyên các ông chẳng nên đọc bài này. Đọc rồi các ông quăng cọ đi thì mất tình bạn. Lấy ai tô điểm cho nhau cái bìa sách! Vậy thì từ chỗ này trở đi xin các ông tự ý nhắm mắt cho anh em nhờ!

Các ông họa sĩ cũng có hai tay như người thường. Nhưng tay các ông ấy rất rồng bay phượng múa. Nhìn các ông ấy múa cọ mà mê. Cứ như phù phép. Quệt chỗ này một tí, gật gù cái đầu,  vòng chỗ kia một tí, nheo nheo con mắt, rồi bỗng như người lên đồng tay múa lia lịa, màu sắc trải ra, nghệ thuật hiện hình. Nghệ thuật như thế nào? Đừng hỏi tôi. Bù trất! Tôi chỉ ở trình độ nhìn một bức tranh thấy ưa ý là thích. Còn giải nghĩa thích như thế nào, đẹp như thế nào thì chịu. Tôi vốn thuộc trường phái nhìn…thiên nhiên. Thấy một người đẹp thì bảo là đẹp. Thích. Còn phân tích đẹp ở chỗ nào thì chịu. Đến như ông nhà thơ Xuân Diệu cũng chẳng hiểu nói chi tôi. Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá / Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì.

Vẽ thì phải vẽ bằng tay. Bàn tay cầm cọ hay dùng ngay những ngón tay vọc vào màu thì cũng là tay. Đó là sự thường. Không dùng tay mới…ngầu. Dịp những ngày lễ cuối năm, Giáng Sinh hay Tết Dương Lịch, tôi thường vẫn nhận được thư mời mua những tấm thiệp do những người…không tay vẽ để giúp người tật nguyền. Không có tay họ ngậm cọ vào miệng hay kẹp cọ vào chân để vẽ. Vậy thì cứ chi phải tay. Trời sanh ra thân thể con người thì mọi thứ đều là…tay cả! Bà họa sĩ Di Peel của Úc làm được việc mà các ông bạn họa sĩ của tôi không làm được. Bà vẽ bằng ngực. Mấy ông bạn tôi cũng có ngực nhưng nếu bắt chước bà Di Peel thì các ông ấy phải vẽ bằng…xương sườn. Cực lắm. Bà Di Peel thì cứ phây phây vẽ một cách núng na núng nính! Biết là các đồng nghiệp thiếu khả năng làm theo nên bà chẳng cần dấu diếm kỹ thuật tạo hình của bà. “Tôi nhúng ngực của mình vào mực rồi ấn vào bản vẽ hoặc đơn giản hơn là đổ mực vào bảng vẽ rồi dùng ngực để phóng tác. Dưới mỗi bức vẽ tôi đều dùng nhũ hoa để ký tên!” Cái chữ ký được ký bằng núm ngực không biết có…xinh xắn hơn những chữ ký bằng cọ không nhưng chắc chắn gợi hình hơn. Vẽ bằng hai trái bưởi Biên Hòa như vậy (nhìn hình bà đang ngồi vẽ thì không thể nghĩ tới một trái gì khác hơn là trái bưởi!) thì tranh ra làm sao. Câu hỏi này được bà trả lời ngay: “Trông chúng giống như những bông hoa trừu tượng. Bức vẽ gần đây nhất của tôi trông giống trái đất nằm giữa vũ trụ nhưng con trai tôi đặt tên nó là “Động Đất” vì cháu bảo trông giống như một vụ động đất hơn”. Vẽ loại tranh…động đất như vậy mà bà cũng nổi tiếng, đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới gửi về tới tấp.

Nói các ông không có dụng cụ để vẽ như bà Di Peel thì cũng đúng. Chẳng ông nào cãi được. Nhưng…sáng tạo là nghề của các họa sĩ. Thua bà Di Peel hai trái bưởi núi của, các ông gỡ lại 1 – 1 bằng thứ mà bà Di Peel chẳng thể có được: cây gậy! Đã không thua thậm chí các ông còn lấn lướt hơn vì thứ dụng cụ của họ giống cây cọ hơn. Tranh của các ông vẽ bằng cây cọ trời cho quả có nét hơn. Đó không phải là thứ trừu tượng muốn bảo là hoa cũng được, trái cũng xong, vũ trụ cũng rứa mà động đất cũng OK. Tranh…gậy của các ông có hình thể đàng hoàng chứ không nhập nhoạng như tranh…tí. Cứ lấy ông Tim Patch làm ví dụ. Ông này được đặt biệt danh là Pricasso. Ông cũng ở Úc, sống ở Queensland (sao mà cái xứ sở…miệt dưới này lại nảy sinh ra nhiều nhân tài đến như vậy!). Tranh của ông rõ ràng, khi thì là một chiếc hamburger, khi thì là con quái vật hồ Loch Ness, khi thì là tháp Eiffel. Tại Hội Chợ Sexpo lần thứ 10 được tổ chức tại Sydney, tranh của ông Pricasso này đã được trưng bày và bán với giá 75 Mỹ kim. Ông tâm sự: “Tôi nhận được nhiều sự ủng hộ từ gia đình khi làm công việc mà một số người cho là kỳ cục này. Thậm chí con trai lớn của tôi còn ngưỡng mộ tôi hơn. Cháu cho rằng đây là một công việc đáng tự hào”. Đáng tự hào thật vì phải như thế nào thì mới hiên ngang vẽ được chứ. Nếu xìu xìu ển ển thì vẽ vời chi, họa chăng chỉ vẽ giun! Trên tấm hình chụp nhà họa sĩ…miệt dưới đang hành nghề, tôi thấy ông đứng giữa một khu rừng đang dí thằng nhỏ vào mặt vải bố trên đó đã gần hoàn thành một bức vẽ chân dung của một ông bận đồ lớn. Tấm hình toàn cảnh chụp hơi xa nên tôi chẳng thể quả quyết được cây cọ của ông có ở tư thế vẽ được hay không.  Nhưng không trong tình trạng vẽ vời được thì tại sao lại có hình chân dung. Tôi nghiệm ra thấy cũng khó giàn trời chứ không phải không. Giữa chỗ trống trải một mình với cỏ cây thì…hứng đâu mà vẽ! Mang niềm thắc mắc ra hỏi mấy ông bạn tôi thì mấy ông này bĩu môi chê tôi tối dạ. Thế Viagra để làm chi vậy!

Bà Di Peel có tuyệt chiêu của bà, ông Pricasso có tuyệt chiêu của ông, chẳng ai lấn sang lãnh vực của ai được. Nhưng vẽ bằng…mông thì chắc  là bình đẳng bình quyền. Mông là thứ phổ quát không phân biệt giới tính. Tưởng vậy mà hóa không phải vậy. Cũng chậu mực, cũng nhúng cặp bàn tọa vào, cũng ịn lên giấy vẽ con bướm, vậy mà con bướm…cái khác với con bướm…đực. Con trước chỉ có cánh không có đầu, con sau đầy đủ đầu và cánh! Thày giáo Stephen Nurmer, giáo sư hội họa của trường trung học Monacan, tiểu bang Virginia, người chuyên trị vẽ bằng mông, giải thích là vì cần phải viện tới sự trợ giúp của khúc thịt dư phía trước. Mà cái thứ dư này thì chẳng phải ai cũng có. Vậy nên con bướm mới thiếu đầu! Phải vi vút về cái ông thày…mông này một chút. Thực ra khi ông vẽ thì cấm ngoại thủy không ai được ngó nhưng có một bữa cao hứng ông để cho chương trình truyền hình Mỹ Unscrewed With Martin Sargent quay cảnh ông đang hành nghề. Đoạn phim vẽ bằng mông này được tung lên Youtube. Thế mới…nát mông! Đó là ông đã cẩn thận hóa trang rồi. Chẳng gì cũng mang tiếng là một bậc mô phạm. Trong phim, ông đổi tên là Stan Murmer, đeo một chiếc mũi giả và quấn chiếc khăn tắm trên đầu. Tưởng hóa trang như vậy là không ai biết, ai ngờ ông bị nhà trường nhận ra. Vậy là kỷ luật cho thày nghỉ dạy về…giơ mông tha hồ vẽ. Chắc thày cũng chẳng care. Tranh của thày đã có bức bán được tới 900 đô.

Vẽ đâu có quanh quẩn ở miệt dưới, nó cũng biết leo thang. Anh chàng Ấn Độ Ani K., năm nay 31 tuổi, không thèm dùng những thứ cùng mằng như những “họa sĩ” trên, anh dùng thứ cao hơn. Anh vẽ bằng lưỡi. Vẽ kiểu này khá cực vì phải nhúng lưỡi vào màu vẽ có mùi vị rất khó chịu. Lúc đầu anh đã bị nhức đầu và nôn mửa nhưng dần dần quen đi. Anh Ani là một nhà khám phá thứ thiệt. Ban đầu anh vẽ bằng mũi nhưng thấy có người dùng mũi rồi, anh khai phóng lối vẽ bằng lưỡi. Tranh của anh là tranh chân dung trong đó có chân dung của Chúa Giê-Su, Mahatma Gandhi, Thủ Tướng Jawaharlal Nehru và thi hào Rabindranath Tagore. Anh sắp mở một phòng triển lãm trưng bày 150 bức tranh toàn một thứ liếm bằng lưỡi!

Anh Xieng Chen bên Tàu chắc không có đối thủ. Anh vẽ bằng mắt. Giỡn chơi chăng? Sao mà vẽ được? Thực ra chắc chỉ có mình anh làm được bởi vì mắt anh là mắt…sắt. Năm 16 tuổi, trong một lần nghịch cát trên đường đi học về, anh Chen thấy mắt mình đầy cát nhưng không cảm thấy khó chịu chút nào. Thấy lạ, anh làm tới. Anh thử lấy một chiếc que chọc vào mắt. Vẫn không thấy vướng víu hay đau đớn chi, thậm chí anh còn cảm thấy thoải mái. Vậy là anh lấy cọ gài vào mắt và vẽ. Dần dần anh gài những cây cọ vẽ càng ngày càng lớn và nặng. Nặng tới mức nào? Tới 2 kí lận! Nhìn hình chụp khi anh đang vẽ, tôi thấy anh trải một tấm bìa trắng trên mặt đất, đứng thẳng người, đầu cọ dài từ mắt anh xuống tấm bìa, anh dùng mi mắt điều khiển cây cọ vẽ nặng chình chịch đó! Chuyện tưởng đã ghê gớm nhưng anh Chen còn chơi bạo hơn nữa. Anh dùng que cắm vào mắt và chơi đàn dương cầm!

Vẽ là chuyện riêng của các họa sĩ? Thôi thì cứ dễ tính gọi tất cả các ông bà thuộc đủ…trường phái từ tay, chân đến tí, teo, mông, lưỡi là họa sĩ cả đi. Không! Bộ chỉ có loài người các người mới biết vẽ sao? Đó là tiếng phản đối đến từ một ruột thịt của chúng ta: chú heo mọi nguồn gốc Việt sống ở Richmond, tiểu bang Virginia. Chú heo này có tên…Mỹ đàng hoàng: Smithfield. Nhưng mọi người biết chú qua cái biệt danh rất hách: Pig-Casso! Vậy là chú có họ hàng với anh chàng Pricasso ở Queensland bên Úc và là hậu duệ của danh họa Picasso chăng? Có thể lắm vì chú cũng là họa sĩ. Không phải tay mơ nhảy rào mà đã học vẽ có bài bản nơi trường ốc. Chú Pig-Casso này vẽ có đẹp không? Tôi chưa từng được xem tranh của chú nên chưa biết nhưng bằng vào các sự kiện chung quanh tài vẽ của chú thì chắc chú này cũng có hạng. Chú đã xuất hiện biểu diễn trong Hội Chợ Virginia State Fair và nhiều hội chợ địa phương khác, trên các chương trình truyền hình nổi tiếng như Live With Regis & Kelly, Pet Star, Virginia Currents. Chú vẽ ngay tại chỗ làm sửng sốt khán giả. Chú mới lên 10 và mới đây cũng cùng chung một kiếp…người khi bị ung thư mũi vào tháng 8 năm 2008. Chú đã trải qua 19 lần xạ trị và được các bác sĩ gia hạn sống thêm 4 năm nữa. Cũng may, nếu chú nằm xuống chắc nhiều người sẽ khóc hết nước mắt. Bởi vì, ngoài tài hội họa và trí thông minh, chú heo mọi này còn được lòng mọi người chung quanh nhất là các trẻ em vì chú biết thè lưỡi hôn và biết…cười. Dĩ nhiên cười theo kiểu heo! Cậu chủ Martin của chú ca tụng: “Mấy thằng nhóc hàng xóm khoái nó lắm. Hễ ra ngoài là nó đùa giỡn rượt tụi nó chạy như điên!”. Căn bệnh ung thư để lại cho chú một lỗ thứ ba trên mũi sau khi giải phẫu. Ra đường ai cũng hỏi tại sao nó có tới ba lỗ mũi lận. Cứ phải giải thích hoài mệt quá, cậu chủ Martin phiếm: “Chả là hồi trước nó có cái sừng tê giác nhưng cứ chúi mũi sục ăn mãi khiến cái sừng gãy đi để lại một cái lỗ như vậy đó!”

Nhỏ như chú heo mọi nặng chỉ 148 pounds mà cũng vẽ vời được thì to như chú voi chắc phải thành…đại họa sĩ. Dám lắm! Các chú voi trong khu bảo tồn thiên nhiên tại thung lũng Maesa thuộc tỉnh Chieng Mai, Thái Lan, đều có tài vẽ cả. Chúng còn được học vẽ trường ốc do hai họa sĩ Nga dạy trong ngôi trường dạy vẽ hoạt động từ năm 1998. Chú voi Lankam, mới 11 tuổi, là họa sĩ tài ba nhất của trường này. Bức tranh nổi tiếng nhất của chú là bức Hoa Vàng. Nhiếp ảnh gia Thụy Điển Bronek Kaminski, khi tận mắt chứng kiến các chú voi vẽ biểu diễn đã phải thốt lên: “Chúng khiến tôi rất ngạc nhiên. Chúng dùng vòi kẹp bút lông và vẽ một cách tự nhiên. Các nét vẽ trông sống động và không thể tin được là nó đẹp đến thế”. Năm 2004, đoàn voi họa sĩ ở Maesa đã cùng vẽ một bức tranh khổ lớn bán được tới 20 ngàn bảng Anh. Đây là bức tranh lớn nhất và đắt tiền nhất do voi vẽ. Nó có được đưa vào kỷ lục Guinness không thì tôi không được biết.

Hai chục ngàn bảng Anh một bức tranh do voi vẽ, điều này chứng tỏ tranh do động vật vẽ cũng có giá lắm. Nắm được điều này, người ta đã tổ chức một cuộc bán đấu giá tranh do động vật vẽ mang tên Art By Animals. Không chỉ có tranh của heo, voi mà còn có sự tham gia của các “họa sĩ” tê giác, mèo rừng, hươu cao cổ, kangarou, gấu, ếch. Ông Jim Maddy, Chủ Tịch cuộc bán đấu giá này cho biết là tất cả các thú vật này vẽ bằng chổi, chân, móng, đuôi hay da của chúng!

Bởi vì các thứ vẽ ngoài trường qui của các ông các bà nhiều bộ phận trên người cũng như của các loài muông thú cũng được quần chúng yêu chuộng, bỏ tiền ra mua tranh, nên tôi không muốn các ông bạn họa sĩ của tôi đọc những dòng chữ này. Sợ các ông ấy nản vứt cọ đi thì chết!

Tôi là người không có hoa tay. Từ những năm học tiểu học tại Hà Nội tôi đã rất buồn lòng vì những tác phẩm trong giờ học vẽ của mình chẳng bao giờ nhích lên được khỏi con số 5 trên bảng điểm. Giờ thấy muôn loài đua nhau vẽ tôi còn thấy buồn lòng hơn nữa về sự kém cỏi của mình. Voi, heo, hươu, gấu, ếch nhái trông có gì hơn mình đâu mà chúng lại được phú cho cái tài vẽ? Chẳng lẽ lại đi hỏi các ông bạn Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi, Khánh Trường, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức..v..v..? Tại sao trời không chia bớt cho tôi một chút tài của các ông để chí ít tôi cũng không phải mất công cười cầu tài khi cần một cái bìa sách. Tưởng chỉ có tôi…trăn trở hóa ra ông nhà thơ Bùi Chí vinh cũng tị nạnh chẳng kém. Nghề viết lách của tôi cũng như nghề thơ thần của ông Bùi Chí Vinh là thứ nghề đối diện với trang giấy trắng. Và chỉ trang giấy trắng. Ngày nay, sang hơn thì đối diện với cái màn hình vô tri vô giác của chiếc máy computer. Vui chi nổi. Trong khi đó nghề vẽ của các ông bạn có hoa tay của tôi vui hơn nhiều. Vui ra sao, ông nhà thơ Bùi Chí Vinh hằn học.

Mỗi tên cầm cọ dăm người mẫu
Chữ mẫu nghe đâu giống mẹ hiền
Các em làm mẫu, ta làm phụ
Phụ mẫu kề nhau dễ đảo điên
Mà cật vấn chi nhau chữ sex
Picasso biết được mất lòng
Chagal biết được đâm xích mích
Họa pháp làm sao cọ khỏi run.

Không biết ông Bùi Chí Vinh có biết là ngày nay các ông họa sĩ còn có nghề vẽ trên thân hình các người đẹp nữa không. Tôi thì thường nhận được các pps do các ông bạn ham vui gửi tới. Cái thì cả một buổi vẽ của ông họa sĩ Tàu biểu diễn thư họa trên các tấm thân nuột nà trơ trụi của các nàng người mẫu. Cái thì các ông họa sĩ Tây vẽ hoa vẽ lá, vẽ voi vẽ rắn trên người các nàng da trắng như trứng gà bóc. Vẽ vui như vậy mà mình không được tham gia thật uổng cả cuộc đời. Cuộc đời ông họa sĩ Betto Almeida mới là cuộc đời đáng sống. Ông này năm nay mới 36 tuổi mà đã được mời ra tay vẽ trên người tất cả các người mẫu khỏa thân diễn hành trong lễ hội Carnival của thành phố Rio ở Ba Tây. Cả một cuộc diễn hành náo nhiệt mỗi năm một lần thì có biết bao nhiêu người mẫu. Các cô cứ nhông nhông đứng xếp hàng cho ông họa sĩ Betto tô điểm trên người. Thế nên ông ấy rất vất vả. Tám giờ sáng ông đã bắt đầu lên đường đi múa cọ. Ông làm việc quên ăn cho tới tối. Khi ra về ông bỏ túi được 2 ngàn đô Mỹ! Còn các cô người mẫu, sau khi được Betto tô điểm, kiếm được 250 đô cho một đêm hòa mình vào đám đông với những vũ điệu bốc lửa bằng thân hình không áo quần, chỉ được che đậy bằng những nét vẽ của anh chàng tốt phước Betto. Tại sao phải Betto vẽ? Một người mẫu, cô Michelle Peres, 28 tuổi cho biết : “Tôi làm công việc của một vũ công khỏa thân cho Carnival hay các lễ hội khác đã 9 năm nay. Betto Almeida là họa sĩ vẽ trên cơ thể giỏi nhất mà tôi từng cộng tác. Các bức vẽ của anh khiến tôi trở nên hấp dẫn với mọi người hơn. Điều đó có lợi cho cả tôi lẫn anh ấy.”Lợi quá đi chứ! Không phải mùa lễ hội, Betto vẫn ngon như thường. Anh vẽ cho các cuộc biểu diễn của các em chân dài. Lợi nhuận cũng vẫn hấp dẫn không kém. Vẽ 2 tiếng anh được trả 1 ngàn đô. Sướng như…họa sĩ. Anh cho biết : “Tôi bắt đầu công việc này cho một nhà hát. Sau đó một giới chức trong ban tổ chức Carnival hỏi tôi liệu có đảm nhiệm được công việc vẽ cho các người mẫu không. Làm sao mà tôi có thể trả lời không được? Nhiều ông ghen tị với công việc của tôi lắm đó!”Ghen là cái chắc! Không biết các ông bạn cầm cọ của tôi ghen tới mức nào nhưng các ông bạn già của tôi, tài thì chẳng có, mà vẫn cứ gân cổ lên than trách với ông trời sao bất công, người thì no nê thừa mứa, người thì đói rã họng. Bằng một giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn, anh chàng Betto như muốn đổ thêm dầu vào lửa : “Bạn sẽ không thể nào tưởng tuợng được tôi đã nhận được bao nhiêu đơn xin việc khi tôi cần một người phụ tá đâu!”

Biết rồi! Mật ít ruồi nhiều. Toàn một loại ruồi hảo ngọt. Chắc anh chàng tốt số Betto này chẳng bao giờ để mắt tới lá đơn của tôi!

03/2009