Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

ĐẦU

Đầu nằm chót vót trên thân thể con người. Chỉ trừ lúc nằm còn khi nào đầu cũng cao nhất. Con vật thì khi đi đầu tuy có đi trước nhưng không cao hơn thân hình mấy trừ con hươu cao cổ. Còn chú kangarou của miệt dưới thì khi chạy đầu cũng vắt vẻo trên cao. Như vậy đầu ngon hơn mình và chân tay. Nó là đầu não! Thì ra đầu số dách là nhờ não. Những thứ phụ tùng làm thành thứ dính với đầu là cái mặt chỉ có tính cách trang trí, trông thì bắt mắt nhưng chẳng nên trò trống gì. Vậy mà mấy ông nhà thơ lại chỉ biết tới khuôn mặt, làm như cái gọi là đầu chỉ có khuôn mặt mới đáng kể. Chắc tại vì các ông ấy sử dụng con tim chứ không sử dụng cái đầu!

Trên đầu lọn tóc ngó xiên
Phẩy phơ khoèo lúm đồng tiền của ai
Đời nghiêng nghiêng. Giọt mưa lay
Rơi em xuống chạm vai tôi có lần
(Quan Dương)

Con tim có khác chi bộ não trên đầu! Có thể các ông bạn thơ của tôi cãi như vậy. Cãi như vậy cũng không sai vì tim cũng như não có hai phần: trái và phải. Bên trái và bên phải của trái tim cấu tạo và hoạt động ra sao, các nhà khoa học đã biết rõ từ lâu. Nhưng não trái và não phải ra răng vẫn còn là một bí ẩn cần nghiên cứu thêm. Bán cầu não trái chỉ huy các mặt nói, viết, tính toán, tư duy và phán đoán. Bán cầu não phải chuyên trị về mặt khéo léo, mỹ thuật, âm nhạc, tình cảm, lòng say mê và óc thẩm mỹ. Như vậy thì nửa bên phải…văn nghệ hơn nửa bên trái, bù lại nửa bên trái…trí thức hơn nửa bên phải. Vì trái phải khác nhau như vậy nên mới có chuyện nói nhân chuyến công du của ông Obama sang Canada. Ông Tổng Thống da màu đầu tiên của Mỹ, khi ngồi ký các văn kiện tại Quốc Hội Canada, đã ký bằng tay trái. Ngồi coi truyền hình thấy cánh tay trái ông lê cây viết như muốn ôm cả chiếc bàn, tôi thấy…trái khoáy quá. Phải chi mà ông học tiểu học cùng thời với tôi ở Việt Nam thì bàn tay ông đã nát vì giao du với cây thước kẻ của thày cô rồi. Hồi đó, tên nào mà viết bằng tay trái sẽ bị đàn áp cho tới khi phải viết bằng tay mặt mới thôi. Cũng may cho ông tổng thống nước Mỹ! Ngày nay người ta giáo dục theo lối mới, thuận tay nào cứ việc dùng tay ấy, chẳng chết con ma nào. Nhưng thông thường con  người vẫn dùng tay phải là chính. Khi dùng tay phải thì thông tin liên tiếp đưa đến bán cầu não trái, thúc đẩy và tăng cường sự phát triển công năng của nó. Vì vậy bán cầu não trái được gọi là bán cầu ưu thế, còn bán cầu não phải ít nhận được thông tin hơn nên được gọi là bán cầu yếu thế. Vì bán cầu não chi phối các chi của thân thể theo cách tréo nhau, bán cầu não trái điều khiển chi bên phải và bán cầu não phải điều khiển chi bên trái, nên con người thường thuận tay phải hơn tay trái bởi do việc bán cầu não trái phát triển mạnh hơn. Những người thuận tay trái thuộc về phe thiểu số.

Nói trái và phải chỉ là một cách nói chứ não là toàn bộ đồng nhất. Nó như một cái hộc tủ chúng ta để đồ. Chúng ta có thể xếp áo sang một bên, quần sang một bên, quần áo lót qua một bên, tất vớ qua một bên nhưng vẫn chỉ là một cái hộc. Bên này chật chội, không còn chỗ trống thì có thể để nhờ qua bên kia. Chết chóc gì đâu! Hai não trái và phải cũng vậy. Chúng cũng hợp tác với nhau, nói chuyện với nhau, giúp nhau duy trì hoạt động của cơ thể. Nói như Tiến Sĩ Keith Muir, giảng viên khoa Tâm Linh Học, Đại Học Glasgow ở Tô Cách Lan, thì chẳng nên phân chia vùng não một cách cứng ngắc mà nên nghĩ là não có nhiều hệ thống khác nhau, liên kết và cùng làm việc với nhau. Khi não bị thương tổn, các hệ thống sẽ nối kết nhau theo cách khác và đôi khi phát sinh những hệ quả đáng ngạc nhiên. Tiến sĩ Muir giải thích tiếp: “ Ngày nay chúng ta biết rằng, khi một vùng não bị thương tổn, các chức năng của vùng này được chuyển giao cho các vùng khác. Đó là lý do một người bị đột quị, đôi khi bị liệt tay hay chân nhưng thời gian sau lại phục hồi bởi vì vùng khác của não đã đảm trách chức năng vận động thay cho vùng não bị thương tổn”.

Não là bộ phận phức tạp nhất trong cơ thể con người. Nó gồm 20 tỷ tế bào, chứa phần lớn chất xám với các sợi dây thần kinh nhiều hơn hệ thống dây nhợ của toàn bộ mạng lưới điện thoại quốc tế! Chứa như vậy thì não phải bự lắm. Và càng bự càng ngon lành hơn chăng? Các cụ xưa thường hay mắng những tên ngu muội là “to đầu mà dại”! Vậy thì to đầu phải khôn chăng? Thực ra chữ “to đầu” các cụ dùng không có nghĩa là nhiều não mà chỉ có nghĩa là lớn tuổi hơn. Các cụ chẳng nghiên cứu gì mà nói đâu trúng phóc đó. Trẻ con khi mới sanh ra thì não chỉ nặng khoảng 390 gr. Càng lớn lên, não càng nặng thêm, càng to thêm và trí tuệ cũng phát triển thêm. Não trung bình của một người trưởng thành nặng khoảng 1450 gr. Khi tới tuổi xuống đồi, não teo dần lại và trí lực cũng giảm dần theo. Như vậy thì não càng lớn càng thông minh chắc? Các nhà khoa học bảo không phải. Chẳng hạn như não của loài chuột nhỏ hơn não của loài thỏ nhưng chuột vẫn có trí nhớ mạnh hơn thỏ. Não của con cá kình nặng khoảng 7 kí, của voi nặng khoảng 5 kí, vậy thì cá kình và voi thông minh hơn người chăng? Đừng hạ nhau chứ! Cái thứ “cây sậy biết suy nghĩ” phải ngon lành hơn là cái chắc! Không nên nóng, chuyện đâu còn có đó. Các nhà khoa học cũng đồng ý là không phải lớn não là nhiều thông minh mà chỉ số não mới cho biết ai ngon hơn ai. Chỉ số não là cái chi chi vậy? Chỉ số này được đo theo công thức sau: trọng lượng não bình phương chia cho trọng lượng cơ thể. Chỉ số này càng lớn, não càng phát triển. Chỉ số não của chuột là 0,19, của vượn là 7,35 và của người là 32. Vậy mới biết ai thông minh hơn ai!

Dân gian thường cho rằng ăn gì bổ nấy. Muốn cho con trẻ thông minh thì cho chúng ăn não heo hoặc não bò. Trong các siêu thị tại Mỹ hoặc Canada tôi vẫn thấy người ta bán óc heo hay óc bò. Dân bản xứ cũng tin như vậy hay sao? Thực ra óc cũng là một món ăn ngon và được chế biến theo nhiều kiểu. Nói vậy là nói đại đi chứ chuyện bếp núc là sở…đoản của tôi. Ngày nhỏ chỉ biết nấu nước sôi, ngày nay tiến bộ hơn đã biết nấu…mì gói! Những ngày còn la cà nơi các quán nhậu ở Sài Gòn tôi rất thích món óc heo bọc bột chiên dòn. Ăn hơi tanh tanh nhưng bùi đáo để. Khi các con tôi còn nhỏ, nhà tôi, chắc là môn đồ của trường phái ăn gì bổ nấy, cũng đã mua óc heo về nấu cách thủy cho chúng ăn với hy vọng là chúng sẽ thông minh. Hình như cũng có chút kết quả. Chuyện này vẫn thuộc lãnh vực…thần linh, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được. Tuy khoa học chưa ngó ngàng gì tới nhưng trường phái ăn gì bổ nấy coi bộ khá phổ biến. Bằng chứng là các ông cứ tìm cho bằng được ngầu pín!

Đó là nói các ông tre trẻ thôi, chứ tuổi đã cứng thì mềm bớt bớt đi cũng chẳng sao. Làm sớm nghỉ sớm là đúng lẽ trời. Làm sớm mà không muốn nghỉ sớm sẽ được vào làm cho hãng điện tử Yamaha! Đó là các ông bạn tôi chơi chữ chứ hưu rồi thì nên nghỉ ngơi, làm chi được nữa mà làm. Cái hãng điện tử Yamaha được các ông bạn tôi phiên âm ra chữ Việt là già-mà-ham! Ham chi nữa khi não cứ teo dần theo tuổi. Mà chẳng cứ gì não. Cái gì mà không vậy. Đó là lẽ trời cãi chi được.

Cái teo rõ ràng nhất là trí nhớ. Càng già trí nhớ càng bệnh hoạn. Ngày hôm qua, nhà thơ Thành Tôn từ Cali điện thoại cho tôi. Khi cho tôi biết tin tức về một cuốn sách mới ra, anh khựng lại khi muốn nói tên tác giả. Đầu dây bên kia, bạn tôi lúng túng: “Rõ ràng cái tên nói hoài mà chừ sao quên béng mất! Tên chi hè, chờ một chút nghe…” Đường dây vang lên tiếng chặc lưỡi. Chắc người còn đang vận dụng trí nhớ. Một lúc sau: “Lạ thiệt! Sao không nhớ ra hè!”. Tôi mường tượng ra hình ảnh ông bạn vừa rũ áo về hưu tức tối bóp trán suy nghĩ. Bóp trán là phản ứng tự nhiên của chúng ta khi cố nhớ ra một điều gì. Đó là một cử chỉ hầu như vô thức nhưng theo khoa học, bóp trán suy nghĩ chính là một cách kính thích vùng trước vỏ trán để tìm được những điều chúng ta quên.

Già mà quên là chuyện thường. Không quên mới…bất thường! Quên tên người hình như là bệnh chung của người nhiều tuổi. Có khi mới nhớ đó, năm phút sau lại phải lục lọi nát óc mà cái tên vẫn cứ trốn mất tiêu. Trí nhớ như con bươm bướm, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Mà có còn tên một bóng hồng nào làm ấm tâm hồn cho con bướm nó đậu đâu! Không có chỗ đậu, cánh bướm bay hoài thì ra Alzheimer! Cái tên nghe quen thuộc nhưng không thân thiết được. Vì đâu nên nỗi? Quên là một chỉ dấu bình thường của trí nhớ. Nếu cái gì cũng nhớ cả thì phiền phức lắm. Một người bình thường chỉ nhớ được 8% các sự kiện xảy ra trong vòng hai tuần lễ vừa qua, trong 8% đó chỉ có phân nửa là chính xác. Có hai cái ngăn kéo nhớ trong bộ óc của chúng ta : ngăn nhớ dài hạn và ngăn nhớ ngắn hạn. Những kỷ niệm đáng nhớ và quan trọng thì cho vào ngăn nhớ dài hạn để được gơi nhớ lại khi có dịp. Bệnh Alzheimer xảy ra khi phần nhớ dài hạn lấn lướt phần nhớ ngắn hạn. Bệnh xảy ra ở phần não có hình con cá ngựa Hippocampus, nơi chứa trí nhớ ngắn hạn. Vùng…cá ngựa này có 6 lớp vỏ. Vỏ càng dầy càng lành mạnh. Bệnh Alzheimer xảy ra khi những lớp vỏ này mỏng đi. Tế bào chết dần vì những mảng vôi đóng lên. Diễn biến của bệnh có thể tiến hành trong một thời gian dài tới 50 năm. Thành ra rất khó định bệnh Alzheimer sớm mà có tìm ra bệnh cũng chẳng có phương pháp trị liệu dứt bệnh. Nhưng tin nóng hổi cho biết, trên tập san nghiên cứu Annals of Neurology phát hành vào trung tuần tháng 3 năm 2009, nhóm nghiên cứu của trường Y Khoa, Đại Học Pennsylvania, đã thành công trong việc tìm ra bệnh Alzheimer ở thời kỳ phát khởi bệnh bằng cách đo protein trong dịch xương sống. Thử nghiệm này chính xác đến 87% trường hợp. Bệnh nhân quên quên nhớ nhớ đa số trên 55 tuổi. Với tuổi thọ càng ngày càng dài, danh sách bệnh nhân cũng dài ra. Theo thống kê của hãng Met Life thì Alzheimer là bệnh phổ quát chỉ đứng sau bệnh ung thư. Theo dự đoán thì tới năm 2050 sẽ có khoảng 106 triệu bệnh nhân trong đó nguyên nước Mỹ đã có 16 triệu! Bệnh khó chữa nhưng y khoa ngày nay vẫn cố gắng tìm cách ngăn ngừa căn bệnh quên này. Một trong những thứ trái cây có hiệu quả là trái blueberry. Những thứ khác dân gian vẫn dùng nhưng chưa chứng minh được hiệu quả là cà rốt, dầu cá, canh dưỡng sinh, hạt hạnh nhân, trà xanh, rượu chát đỏ, ca cao..v..v.. Nghe mà thấy nản!

Cứ trên 55 tuổi là lọt vào vòng Alzheimer. Không chính hiệu con nai vàng thì cũng tiền-Alzheimer. Cứ tự mình cứu lấy thân là tốt nhất. Muốn trí nhớ không suy thoái thì ta…thể dục. Quả tạ thì ăn thua chi tới trí nhớ? Không, thể dục đây là thể dục trí óc. Bây giờ tôi mới ngộ ra là tại sao các hội già hội nào cũng một thứ bài bạc cho các cụ giải trí. Chục năm trước đây tôi có một tên bạn mần việc trong một hội già, mỗi lần tới thăm hắn chỉ thấy hắn cho các cụ ngồi đánh bài. Chỗ thì cờ tướng, chỗ thì tứ sắc, chỗ thì chắn cạ, chỗ thì tổ tôm, chỗ thì bài chòi, tôi đã mắng yêu hắn là làm hư các cụ. Hóa ra họ có sách cả đấy. Bởi vì  cờ bạc giúp cho trí óc làm việc là cách thể dục tốt nhất cho não. Văn minh hơn thì chơi game. Đây là một lãnh vực thể dục não mới toanh. Hãng Nintendo có trò chơi Brain Age rất được ưa chuộng. Có mặt trên thị trường từ năm 2006, riêng tại Canada đã bán được 430 ngàn bản. Các cụ đã thử chơi game Fit Brains chưa? Game có nhiều trò, bạn chọn trò Busy Bistro nhé. Vừa vui vừa có lợi. Đỡ tốn một miếng giấy và chút mực! Game đưa ra các vật liệu để làm một món ăn nào đó mà bạn thích và chọn. Xong rồi…chơi! Bạn sẽ đọc và nhớ những vật liệu này. Rồi làm kiểm tra. Lúc đầu có thể bạn nhớ được rất ít nên điểm thấp, sau dần khá hơn. Tới khi nào được điểm tối đa là bạn có thể đi chợ mua không sót một thứ nào mà chẳng cần phải ghi ra giấy cho lôi thôi phiền phức.

Cô bạn tôi, ngót nghét sáu chục mùa đông, cứ nhất định mình bị alzheimer. Chẳng ai tin. Có bao giờ thấy “nàng” kể đi kể lại một chuyện xưa rích xưa rang đâu. Nhưng cái…đức quên thì quả là có. Toàn nhưng thứ quên đau tim không. Ra khỏi nhà mà đèn cày trên bàn thờ vẫn bập bùng, ông bà còn bận làm mặt nghiêm trên bàn thờ đâu có biết tắt dùm con cháu! Mất công chiếc còi chống khói trong nhà gân cổ lên mà hét. Rời nhà mà bếp vẫn lửa hồng, nồi phở hết nước, khói um làm xe cứu hỏa ò e tới nhộn nhịp khiến hàng xóm láng giềng run rẩy. Chưa alzheimer nhưng đức tính quên cũng đã kha khá. Chắc cũng phải nhờ tới ông Roger Orpwood. Ông này là Giám đốc của Bath Institute of Medical Engineering.  Ông vừa trình làng vào ngày 4 tháng 3 tại Luân Đôn một thiết bị mà cô bạn tôi rất cần. Đó là một máy tự động tắt bếp, nước máy và báo động tất cả những bất thường trong nhà như cửa mở, người mở cửa ra đi vào ban đêm, người lang thang gần cửa vào lúc tối hay ngay cả trằn trọc khó ngủ. Tất cả những bất thường này sẽ được báo cho con cháu ngụ tại nơi khác hay các công ty dịch vụ để  ngăn ngừa tai nạn. Máy có thể trang bị tại nhà riêng hay tại các nhà già. Máy này chưa có tên nhưng giá khá mắc: khoảng 18 ngàn đô. Ông Orpwood hy vọng là vài năm nữa khi máy  được chế tạo hàng loạt và bán ra thị trường thì giá cả sẽ dễ chịu hơn: khoảng 4500 đô thôi!

Máy gì thì máy nhưng chỉ có tập thể dục cơ thể cũng như trí óc là số một. Không thể dục thì…tai biến! Cánh già thì tai biến dễ sợ nhất là tai biến mạch máu não. Nó đứng hàng thứ ba về nguyên nhân tử vong. Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, đang làm tô phở thì ngã xuống, hôn mê, chẳng còn bao giờ có dịp ăn được tô phở đang làm dở dang đó. Ngạc không may bằng mấy ông bạn tôi. Tai biến nhưng…biến đổi được dù không thể nào còn cuộc sống như trước nữa. Một ông ở San Jose vẫn còn  lái xe được sau khi đột quị nhưng khi đi vẫn phải nhờ tới cây gậy, một ông ở San Francisco còn ăn dầm ở dề tại nursing home, một ông ở Houston vừa rời được chiếc xe lăn. Đang bình thường bỗng lăn đùng ra vì chút máu…trào. Có hai loại tai biến. Loại nghẽn động mạch vì cục máu đông từ tim chạy lên não hoặc vì vôi đóng làm động mạch chai cứng hoặc vì cholesterol đóng trong thành động mạch. Loại thứ hai là vỡ động mạch thường vì áp huyết cao. Tai biến có thể…biến đi nhờ vào trình độ cao của y khoa phục hồi ngày nay, nhờ vào ý chí của chính bệnh nhân hay nhờ vào tình thương của những người thân. Điều kỳ diệu mà khoa học vừa khám phá ra là tuy các tế bào thần kinh không sinh sôi nẩy nở thêm nhưng khi các tế bào chết đi vì thương tích thì các tế bào mới sẽ sinh ra thay thế cho các tế bào chết. Sở dĩ như vậy là vì trong não có các tế bào mầm nằm ngủ và thức dậy để tạo ra các tế bào mới. Yếu tố nào kích thích các tế bào mầm nằm im từ khi con người mới được sinh ra bỗng nhiên trỗi dậy sinh sôi nẩy nở trở lại thì khoa học vẫn chưa biết rõ. Dù sao thì đó cũng là tin vui cho các ông bạn tôi. Sẽ có ngày đầu óc các ông sẽ bình thường trở lại, rồi lại tán dóc, chửi thề tuy câu chửi lời tán sẽ nhẹ nhàng hơn vì các ông đã có một cuộc sống tái sinh. Khi con người được sống lại phút chào đời vào lúc tóc đã trắng, râu đã dài thì còn niềm hạnh phúc nào hơn.

Sớm mai con ra phố
Thấy người nằm chết co ro trên vỉa hè
Giữa chợ đời lấn chen
Má ơi
Nếu con vất được trái tim
Và bôi bùn lên óc
Thì đời con hạnh phúc biết bao nhiêu

Đó là bài thơ của một người tên Nguyễn Sĩ Hiền. Anh là một sinh viên tranh đấu ở Sài gòn trong những năm máu lửa đầu thập niên 70. Bài thơ này được anh đọc cho nhà thơ Bùi Chí Vinh nghe trên một căn gác xép. Bùi Chí Vinh cũng là một sinh viên tranh đấu rất hăng say thời đó. Ngày nay thơ của anh đã khác. Trong hồi ký “Giai Thoại của Thi Sĩ” nhà thơ họ Bùi đã nhắc lại bài thơ mang tên “Hạnh Phúc” này với nhận xét: “Bài thơ “Hạnh Phúc “ đọc năm 1971 ấy đến giờ này thiết tưởng vẫn còn hiệu quả nhãn tiền. Năm 1971  anh “dụ khị” tôi vào con đường  cách mạng bằng bài thơ đau đớn nói về ước mơ tuyệt vọng của những kẻ bên lề bị xã hội ruồng rẫy, thì hôm nay năm 2008 cuốn phim bi kịch ấy lại lồ lộ ra trước mắt, có khi còn thảm hại hơn bởi mức độ ngụy quân tử và bội tín của những kẻ quyết định số phận của người khác cao hơn. Năm 2008  với báo cáo GDP không ngừng tăng và con số gái đứng đường, gái lấy Ðài Loan, gái làm điếm ở Trung Quốc, sinh viên ra trường thất nghiệp, công nhân thợ thuyền xuất khẩu lao động như nô lệ, trẻ mồ côi không nơi nương tựa đầy vỉa hè, xăng dầu điện nước tăng giá vùn vụt, ô nhiễm từ lô cốt trên đường đi cho đến rác rưởi đen ngòm chất thải ngập mặt nước cũng tăng theo tỷ lệ thuận cùng con số ảo của GDP. Cũng may mà Nguyễn Sĩ Hiền đã chết ngay năm đầu sau giải phóng, chấm dứt luôn tài tiên tri của một nhà thơ lớn. Nếu không thì có khi anh lại nổi cơn thịnh nộ của một thi sĩ tâm huyết và có khi lại bị khoanh vùng, quản thúc tại gia như một số nhà văn hóa yêu nước dám ăn dám nói…”

Sự thay đổi của Bùi Chí Vinh, một sinh viên tranh đấu được kết nạp vào đảng Cộng sản từ những ngày chiến tranh năm xưabsở dĩ có được là nhờ vào cái đầu. Cái đầu còn tốt. Còn biết bao nhiêu cái đầu han rỉ đang làm tanh bành đất nước tới chừng nào mới được mở ra?

Ta chẻ đầu ta chia hết thảy mọi người
Thế gian này những kẻ bình thiên hạ
Có còn gan lớn mật để rong chơi
Có giống Quát chép thơ vào vách đá
Có như Xương nhét chữ xuống mông ngồi
Và có dám như ta: đọc những lời khí phách
Rồi rủ Hồ Xuân Hương chơi cờ tướng tay đôi !
(Bùi Chí Vinh)

03/2009