Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

MAO

Trong cuốn video chiếu lại một cuộc thi người mẫu ở Cali có phần thi áo tắm. Thi hoa hậu còn phải áo tắm cho dân chúng rõ ràng hình hài thì thi người mẫu có tí ti áo tắm cũng phải thôi. Cái khác của phần áo tắm trong cuộc thi này là nhà thiết kế đã cho may hoặc cài vào áo tắm những cọng lông chim nhiều màu sắc. Cô MC Thùy Dương thấy lạ hỏi nhà vẽ kiểu. Những lông này khi nhúng xuống nước có bị rã ra không? Câu hỏi này cũng thường thôi. Gặp tôi tôi cũng hỏi như vậy. Nhưng điều đáng nói là cô MC trẻ trung và duyên dáng này đã so vai, rụt cổ, cười ngượng ngùng khi nói tới chữ “lông”. Tội nghiệp cho cô. Và cũng tội nghiệp cho tôi. Tôi cũng phải “ngụy trang” bài này bằng chữ “mao”. Nhưng mao nhất định không phải là lông chim mà cô Thùy Dương thắc mắc hỏi. Thứ lông của loài cầm này lại kêu là “vũ”. Dĩ nhiên “vũ” chẳng phải chỉ có nghĩa là lông gà lông chim mà còn có nhiều nghĩa khác. Cứ nghe giai thoại về các ông quan đối đáp với nhau khắc biết.

Trong triều đình ngày xưa có ba loại quan. Quan văn, quan võ và quan thị. Quan võ là thứ nhà binh, còn gọi là “vũ”. Quan thị là thứ quan bị tùng xẻo mất chỗ đặc trưng nam nhi để hầu hạ trong nội cung là nơi có các cung tần mỹ nữ. Không tịch thu khí giới lỡ các ông ấy ăn vụng trước khi vua…thời thì mần răng! Chữ nghĩa thì phải dành cho quan văn bởi vì đây là nghề của chàng. Nhưng hai ông quan võ và quan thị chơi nhau thì việc chi ông quan văn phải nhúng…bút vào! Vậy thì một bữa kia, ông quan võ ghét ông quan thị nên mới đọc một vế đối gây hấn : thị vào hầu, thị đứng thị trông, thị cũng muốn, thị không có (cái) ấy! Cái độc của vế đối này là chữ “thị” vừa chỉ quan thị vừa đưa ra bốn nghĩa của chữ “thị”. Thị là hầu hạ, thị là trông thấy, thị là muốn và thị là cái…củ từ! Đứng hầu, thấy đấy, cũng muốn lắm mà không có…súng! Xót xa chứ! Ông quan thị căm tức, đối lại : vũ cậy mạnh, vũ ra vũ múa, vũ gặp mưa, vũ ướt cả lông! Đối chan chát với vế ra. Chữ “vũ” vừa chỉ quan võ vừa có bốn nghĩa. Vũ là mạnh, vũ là múa, vũ là mưa và vũ là lông. Câu đối thật chỉnh mà lại như chế giễu sự hung hăng con bọ xít của anh quan vũ!

Lông của loài cầm là vũ, các thứ lông khác là “mao”. Quốc ngữ chữ nước ta thì cứ lông tuốt luốt, chẳng rắc rối như anh chữ nho. Lông là chữ nước ta mà tại sao cứ nói tới lông là ngượng miệng? Lỗi là ở chính anh chàng lông. Anh này có thể mọc trên trán như lông mày, trên mắt như lông mi, trong mũi như lông mũi, trong tai như lông tai, trên mặt như lông mặt, hoặc toàn thân như lông tay, lông ngực, lông chân. Vậy thì đâu có sao. Nhưng tại sao anh lại cắc cớ mọc một cách phơi phới dày dặn trên những chỗ…hiểm. Thế mới kỵ húy!

Nhưng anh chàng lông có thể cãi lại. Lỗi đâu tại tôi. Tôi chỉ như một thứ thiên lôi, ông trời bảo tôi trấn đóng ở đâu thì tôi cứ chỗ đó mà mọc. Không tin cứ đi hỏi hai ông Mark Leyner và Billy Goldberg coi. Hai ông này đã cho xuất bản một cuốn sách vào năm 2006 tên là “Why Do Men Fall Asleep After Sex?”. Tên của cuốn sách thật kỳ cục. Nó làm các người đàn ông có thể đỏ mặt vì…lỗi lầm không thể sửa chữa được của họ. Nhưng tôi lôi cuốn sách này vào đây vì nội dung sách là một loạt câu hỏi móc họng trong đó có câu “Why do we have pubic hair?”. Đồng tác giả Billy Goldberg là một bác sĩ nổi tiếng của bệnh viện Bellevue Hospital và NYU Langone Medical Center ở thành phố Nữu Ước nên câu trả lời cho câu hỏi nhạy cảm này rất nặng ký. Sở dĩ có chuyện rậm rạp nơi vùng hẻo lánh tối tăm là vì “mao” ở đây có nhiệm vụ giữ mùi hương đặc trưng nơi vùng cấm địa này. Mùi này phát sinh do tuyến mồ hôi tiết vào da một chất nước không màu và vi khuẩn sẽ tác dụng thành mùi hương yêu của mỗi cá nhân. Chính mùi hương này đã khiến cho nam thanh nữ tú, hoặc không còn là nam thanh nữ tú nữa, say sưa tìm tới nhau, miên man một lối đi về.

Tôi vốn có tính…cãi cọ nên đọc xong câu trả lời cho câu hỏi nóng bỏng này bèn thắc mắc ngay. Vậy thì những người thuộc category bạch bản lấy chi mà giữ lại hương yêu? Bộ họ không có hương yêu hay sao? Câu hỏi của tôi là câu hỏi bá vơ vậy thôi chứ sự thực tôi cũng chẳng có kinh nghiệm chi về cái sự…trong trắng này. Nhưng tình trạng nhẵn nhụi này là có thật và thường hay bị kỳ thị. Chuyện kỳ thị này giới mày râu ai chẳng được bạn bè dậy bảo. Có điều đó là những…kiến thức chẳng ăn nhập gì tới sự thực. Xui xẻo là chuyện trên trời rơi xuống ăn thua chi tới chuyện dưới thế này. Nhưng sự…mê tín này nhiều khi mang tới những thảm kịch trong hôn nhân.

Chị Lan ở Hóc Môn là một nạn nhân. Chị là quân bài bạch bản trong trò chơi mạt chược. Chồng chị luôn dằn vặt chị về sự…thiếu sót này. Anh thua lỗ trong chuyện làm ăn buôn bán và đay nghiến chính vì tình trạng…trong veo của chị đã khiến nên nỗi. Sự thực anh không thua lỗ mới là chuyện lạ, bởi vì anh có tật bài bạc. Tiền lời của cửa hàng bán quần áo anh nướng hết vào quân bài lá bạc. Anh bần chứ không phải chị…bần. Các cụ xưa đã phán rồi: cờ bạc là bác thằng bần. Anh đóng tới vai bác thằng bần mà cứ đổ riệt cho cái bần là do chị. Năm năm chồng vợ rồi mà anh vẫn cứ trì chiết chị khiến chị không biết cách nào khác ngoài việc xin ra tòa ly dị. Cuộc tình gãy đổ chỉ vì cô bé trọc đầu!
Chuyện bà Linh là một trường hợp khác. Bà này dân Củ Chi, nay đã 58 tuổi, và đã trải qua ba cuộc tình dang dở cũng chỉ vì chuyện mấy cái lọng cọng. Người chồng đầu sống với bà được một năm thì hát câu chia lìa. Ông chê bà không có con mà nguyên nhân chính là cái vụ…bần chí tử của bà. Mối tình thứ hai kết thúc ngay khi sự thực của bà bị lộ liễu. Mối tình thứ ba dài hơn. Hai người kết hôn được tới bốn năm thì anh chồng buồn tình chê bà không giống mọi người. Cứ như đứa con nít 4 tuổi. Anh nói với bà trước khi ra đi: “Nhìn em anh càng ngày càng không có cảm hứng!”. Sau ba lần gẫy đổ, bà cạch tới già không chồng con chi nữa.

Nhưng xui tận mạng là chị Trinh, người tỉnh Đồng Nai. Chị có một cuộc tình đẹp với một chàng tên Dũng. Hai năm trời quen biết là hai năm hạnh phúc nhất đời chị. Một bữa kia, trong vòng tay nhau, chị dâng hiến đời con gái cho tình nhân. Đúng một tuần sau, trong khi đang chạy xe gắn máy trên đường phố, Dũng bất cẩn tông vào một chiếc xe hơi đậu bên đường và tử vong. Đụng vào chiếc xe đang đậu thì đích thị lỗi tại chàng Dũng. Chối vào đâu được. Vậy mà trong đám tang người yêu, trong khi chị Trinh đang tan nát cõi lòng, gục khóc nức nở thì chị bị nhiều người trong gia đình của Dũng nhiếc mắng chính vì sự nhẵn nhụi của chị mà Dũng gặp xui xẻo tới mất mạng. Làm sao những người này biết được sự riêng tư của chị? Họ đọc cuốn nhật ký của anh chàng Dũng trong đó anh ghi lại chi tiết sự gần gũi lần đầu của hai người. Ngặt một nỗi là sự…sạch sẽ của chị làm anh bối rối không biết nên tiến tới hay bỏ cuộc. Nỗi phân vân của anh mang lại hậu quả đớn đau cho chị sau khi anh đã nằm yên trong mộ huyệt.

Cô bé tên Bé, sinh viên năm thứ tư Đại học ở Sài Gòn, thấy gương mấy bà chị đâm hoảng. Trách trời chẳng được, cô thu mình lại. “Nghe mọi người bảo nhau như thế nhiều quá, em chẳng dám tiết lộ sự thật về bản thân và cũng không dám có bạn trai”.

Tội nghiệp cô bé suốt đời thơ dại. Không hiểu các đấng nam nhi hay …cựu nam nhi đọc tới đây có hối hận về chuyện mê tín của chúng ta hay không. Mấy cái lăn quăn èo uột dứt một cái là nhào này có công lực chi mà thay đổi được cả một cuộc sống. Vậy mà vì cứ nhắm mắt đưa chân theo niềm mê muội này mà chúng ta giết người không dao. Thực ra đây chỉ là kết quả của những yếu tố nội tiết, chủng tộc hay đặc tính di truyền. Khoa học ngày nay có thể điều chỉnh và chữa trị thành công chứng rối loạn nội tiết. Vậy thì tại sao con người vẫn chìm đắm trong u mê với những điều tin tưởng nhảm nhí.

Tôi tưởng chỉ có cô MC Thùy Dương và tôi ngượng miệng hóa ra các ông nhà thơ cũng vậy. Lông chẳng đi vào thơ được. Làm như cho nó chui vào thì thơ sẽ bị hắt xì! Nhà thơ nhìn cái chi cũng thơ. Tôi phải dựa vào chữ Hán, các ông bà (dĩ nhiên có các cô các bà làm thơ nhưng chắc các nữ thi sĩ chẳng bận tâm về chuyện này) thi sĩ cứ chữ nước ta mà thơ. Đó là cỏ. Ông nào cũng cỏ cả. Cứ chịu khó tìm thì tay ông nào cũng có cả nắm cỏ. Ấy là tôi cứ nói khơi khơi vậy thôi, trúng ai người ấy ráng chịu. Nhưng nhiều phần là trúng. Tôi quơ đại hai ông ở gần tôi nhất. Đó là ông Luân Hoán và ông Hoàng Xuân Sơn. Ông Luân Hoán xem ra say sưa với cỏ hoa hơn. Chẳng thế mà ông đã có nguyên một tập thơ mang tên “Cỏ Hoa Gối Đầu”.

em chưa cởi bỏ lụa là
mà tôi đã thấy cỏ hoa chánh tòa
nếu như em dám hào hoa
tôi càng hiểu rõ hồn sa cõi nào
quả là một cõi thanh cao
mà thiên hạ vẫn nhôn nhao…ngại nhìn
riêng tôi, tuy chẳng xâm mình
rằng xin thú thật vẫn rình ngắm chơi

Ông Luân Hoán là người thật thà. Ông thú thật nhưng tôi vẫn không tin là ông thú hết sự thật! Ông Hoàng Xuân Sơn chẳng thú thật chi cả nhưng thơ ông lại rõ ngọn ngành. Đâu chỉ có nhìn ngắm!

diễm diễm ngày êm tơ nhung
hồng tươi bông nhũ. ngập ngừng. cánh. nâng
vườn ngọ hoa cỏ phật phần
rướn sâu chồi biếc, tràn ân sủng đời
mộng nằm khuôn rập đưa thoi
nhịp nghiêng hư hảo, ngọa đồi trăng mê.

Tôi nghĩ mình sẽ bị cho là chỉ nói tới gà nhà nếu không ngó xa hơn một chút. Ngó xa thì phải gặp ngay ông tác giả “Lá Hoa Cồn”. Bùi Giáng tiên sinh nay đã đi xa nhưng cỏ hoa vẫn còn ở lại trong thơ ông. Nghe ra ông cũng một nòi cỏ hoa.

Thiên thu mở gió một hàng
Mở trang phai cỏ cho nàng phai phai
Bước chân sầu đếm đêm dài
Bước chân còn vẫn đi hoài hoài thôi
Bước chân vạn dặm tô bồi
Cõi lang thang với núi đồi vi vu
Cõi phù trầm với phù du
Một hàng mở gió thiên thu hai hàng.

Cỡ đồng tuế với tôi thường vẫn có tính ngại ngùng. Chuyện nào ra chuyện nấy, chữ nào ra chữ nấy là một việc tế nhị. Thôi thì đường hoàng đi đứng thẳng băng không tiện, ta cứ len lỏi bên lề mà đi. Nhưng thế hệ trẻ sau này tưởng cứ fanfan la tulipe. Vậy mà không phải. Các ông nhà thơ trẻ cũng vẫn cứ cỏ mà thơ. Mà còn cỏ bạo hơn cánh trọng tuổi chúng tôi.

tiếng đàn cuối bật thức hiện hữu cung mê
mắt cỏ xanh
lời cỏ mượt
tâm cỏ hóa thời gian trong suốt
thân vô cực thơm, áo cởi
tháng chạp mưa trên từng dặm sông Ngân
em hiện nguyên hình, mùa xuân
không tì vết.
(Vĩnh Phúc)

Mặc kệ các ông thi sĩ với đám cỏ của các ông ấy, tôi quay về với…lông. Nói về lông thì loài cầm thú hơn loài người là cái chắc. Điều này sờ sờ trước mắt, chẳng phải bàn cãi chi. Thú thì xồm xoàm khắp châu thân trong khi lông trên con người có thứ tự hơn. Cỏ rất lơ thơ trên toàn thân và được nhấn mạnh ở những chỗ cần phải nhấn mạnh. Lông thú là bộ áo của chúng trong khi con người cần phải che đậy bằng lá trong thời kỳ sơ khai và bằng quần áo trong thời kỳ sau đó. Trong cuốn “Ca Tụng Thân Xác”, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã viết: “Một vị thừa sai trông thấy một ngưòi đàn bà da đen không che ngay cả chỗ kín, lấy làm chướng và bảo cô phải che bộ phận sinh dục đi; cô nhất định từ chối; nhưng vì bị ép buộc quá, cô chịu che. Sau đó cô chạy trốn ẩn vào bụi cây, vào lều kín, không dám ra trước đám đông nữa vì thẹn. Cô thẹn vì cho rằng da thịt, bộ lông đã che kín những chỗ ấy rồi, bây giờ phải đeo thêm mảnh vải vào thì chẳng khác gì làm cho người ngoài chú ý đến những chỗ đó, cho nên miếng vải không những không che mà lại phô trương, khêu gợi sự chú ý. Chính vì thế mà cô thẹn”. Vậy thì lông cũng được việc lắm chứ!

Khi chúng ta còn là bào thai nằm trong bụng mẹ thì thân thể chúng ta có phủ một lớp lông tơ dày, mịn, không chứa sắc tố. Thông thường bào thai khi tới từ 7 đến 8 tháng tuổi thì lớp lông này mới rụng đi. Có những người rậm lông, lớp lông tơ này vẫn tồn tại nhiều năm sau khi ra đời và thường chỉ rụng đi khi bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng có những người bị bệnh rậm lông, lông tùm lum trên khắp thân thể. Bạn tôi đừng hoảng hốt! Số người có duyên với lông này rất hiếm. Cứ 1 tỷ người mới có một người trúng…lông! Từ thời Trung Cổ tới nay người ta ghi nhận mới có 50 người lông đình đám trên người. Họ là những nạn nhân của sự lơ đãng của tạo hóa. Thường thì tất cả chúng ta đều có những gene của động vật tiền thân của con người. Những gene này vẫn còn ngủ trong bộ gene của con người ngày nay. Trong quá trình tiến hóa, chúng chỉ bị khóa lại. Dưới một tác động đột biến nào đó, một gene tiền sử có thể bị đánh thức dậy. Với những người mang bệnh rậm lông, tạo hóa đã quên khóa! Thông thường trong chu trình sinh trưởng của lông, các lỗ chân lông có thời kỳ nghỉ để lông rụng rồi có thời kỳ hoạt động để lông mọc lại. Cái khóa không được khóa nên lỗ chân lông không có thời kỳ nghỉ, lông cứ mọc búa xua. Vậy là…rậm rạp! Trường hợp rậm rạp nổi tiếng nhất là Julia Pastrana sinh năm 1834 tại Mexico. Trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân, còn toàn bộ cơ thể cô bị phủ một lớp lông dài màu đen. Với một hình hài kỳ dị như vậy, từ năm 1854 cô phải cùng người chồng hám tiền và gánh xiếc của Theodore Lent đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Khán giả đã khiếp đảm khi nhìn thấy “người đàn bà khỉ” ấy, tuy nhiên cô lại là một người rất dịu dàng và thông minh. Cô biết đọc, viết, chơi được guitar và có giọng nữ trung tuyệt vời. Cô qua đời ở tuổi 26, chỉ 5 ngày sau khi sinh hạ một đứa con cũng bị lông bao phủ khắp người.

Cỏ mịt mờ như vậy trông không giống ai. Nhưng nếu chúng ta tinh mắt, cứ nhìn trên khắp người, xem có lu bù lông chăng. Khóa khiếc cẩn thận, lỗ chân lông khi nghỉ khi làm việc, đúng theo bài bản của con tạo, vậy mà chỗ nào trên người chúng ta cũng lông. Chỗ ngắn chỗ dài. Chỗ thì lông thiệt, chỗ thì lông măng. Đâu là cỏ, đâu là lông, cần chi phải biết tới. Có điều các ông bạn tôi nhiều khi cặp mắt bắt gặp một đám lông măng mềm như nhung trên cánh tay, mặt bỗng đờ đẫn hẳn ra, đôi mắt lim dim như đang lạc vào vùng mơ tưởng xa xôi nào đó.

07/2009