Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

THEO

Cháu tôi là một tên phiêu lưu thứ thiệt. Tốt nghiệp Đại Học xong, không xin việc làm mà đi làm việc chùa cho Đoàn Hòa Bình Peace Corp. Người ta đưa qua bên Armenia hai năm. Vậy là cậu ta khoái chí vì thỏa được cái tính thích phiêu lưu. Phiêu lưu là nghề của chàng từ khuya. Cứ lệch xệch chút hành lý là lên đường. Úc châu, Thái Lan, Âu Châu và Việt Nam cậu ta đã từng đặt chân đến theo diện…ba lô. Có lần tại Thái Lan, cháu tôi ở tới mấy tháng, ngày ngày ra đi, không muốn đi cũng phải đi vì nhà trọ nóng quá, có máy lạnh nhưng cho máy chạy thì tốn tiền, không tốt cho cái hầu bao. Vậy là lang thang ra thư viện hay các cửa hàng cho mát mẻ cả thân người lẫn cái túi. Ở nhà nghe tiếng Việt thì hiểu nhưng cứ nói tiếng Anh cho tiện nên miệng ngọng tiếng Việt. Cu cậu mò về Việt Nam làm “tây ba lô” mũi tẹt. Trong tình thế bắt buộc phải nói, thế là nói được tiếng Việt. Về tới Mỹ ít lâu sau lại…ngọng tiếng Việt. Hai năm ở Armenia cu cậu nói rành được tiếng Armenia, lại còn đọc và viết được mới ghê chứ. Cạnh nhà trọ có một cô gái Armenia dễ thương đem lòng thương cậu cả. Cậu thương lại. Vậy là tôi có dịp di dự lễ cưới, không phải ở Armenia mà ở nơi cậu làm việc hiện nay: thành phố Charlotte ở tiểu bang North Carolina. Gia đình theo Thiên Chúa Giáo La Mã nhưng cậu theo vợ cử hành lễ cưới trong nhà thờ Chính Thống Giáo của Armenia. Vậy là theo qua theo lại. Cô bé Armenia theo cậu qua Mỹ, cậu theo vợ nhập vào cộng đồng Chính Thống Giáo Armenia. Chúa chỉ có một. Chúa nào cũng là Chúa. Chúa cho mọi người nhưng dân Chúa thì nhìn ngang chứ không nhìn lên Chúa. Đầu tiên dân của cộng đồng Armenia thấy một anh da vàng mũi tẹt cuỗm một em gái Armenia nên có vẻ không ưa. Nhưng khi thấy tên da vàng nói, đọc và viết tiếng Armenia thì hoan hỉ chấp nhận. Tự ái dân tộc là thứ được để lên cao nên dân tộc nào cũng tưởng mình ngon nhất thiên hạ. Âu cũng là sự thường. Cậu cháu của tôi thì…bất thường. Sanh đẻ ở bên Mỹ nên dân tộc là cái chi xa vời. Tự ái chi! Quốc ngữ chữ nước ta thì lạ hoắc, học nói được tiếng Việt thì mau quên, vậy mà nói tiếng…vợ thì khó quên. Đó cũng là sự thường. Chúa cũng nghĩ như vậy. Trong bài Phúc Âm đọc trong các lễ cưới, trong đạo Thiên Chúa hay đạo Chính Thống đều vậy, đã có lời đại khái rằng: người con trai sẽ lìa bỏ cha mẹ để gắn bó với vợ mình.

Nhiều cụ già người Việt chúng ta rất không vui vì câu này. Theo phong tục Việt Nam thì khi lấy chồng, người con gái phải theo chồng về làm dâu nhà chồng. Các cụ chỉ rình lúc có dâu để được làm mẹ chồng cho…oai. Vậy mà Chúa xúi khác. Giận là phải. Nhưng theo tôi nghĩ, Chúa muốn nói chuyện khác: chuyện gắn bó chồng vợ chứ không nói chuyện chia lìa tình gia đình. Không tin cứ đi hỏi Chúa khắc biết!

Trong buổi hôn lễ của cháu tôi trong một nhà thờ Armenia, cô dâu chú rể được vị linh mục chủ tế đội cho mỗi người một cái mũ triều thiên trông như bằng sắt. Ngồi phía dưới, tôi cảm thấy ý nghĩa của cử chỉ này. Từ đây hai người sẽ gắn bó với nhau khắng khít như hai chiếc… còng! Ai theo ai chẳng cần biết. Ngày nay khi thành gia thất, hai người trẻ theo nhau ra ở riêng chứ có ai ở với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ đâu. Sống ở phương Tây, chúng ta đã…tây ra. Gia đình thu hẹp lại thành tổ ấm của hai người. Chẳng theo bên trai cũng chẳng theo bên gái.

Ngày xưa thơ văn chẳng chịu như vậy. Lấy chồng nhất định là theo chồng. Không bàn cãi chi cả. Hàn Mặc Tử đã thơ:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Lấy chồng là ô-tô-ma-tích theo chồng. Không theo chồng họa có là dân tộc thiểu số đi “bắt cái chồng” mang về hú hí. Có bịn rịn gia đình mấy đi chăng nữa cũng phải bóp bụng đi làm dâu, dồn cái nhớ cái thương trong bụng. Vậy mới được tiếng thơm.

Tới đường làng gặp những người quen
Ai cũng khen u nét thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.
(Đoàn văn Cừ)

Cô cháu dâu người Armenia của tôi chắc chắn không đọc được thơ của hai thi sĩ Hàn Mặc Tử và Đoàn Văn Cừ nhưng cũng theo chồng bỏ cuộc chơi như hai cô thôn nữ trong thơ. Thực ra thì từ Armenia qua Mỹ còn quá từ nhà quê lên tỉnh. Armenia là một nước còn nghèo với 10,6 % dân chúng có lợi tức dưới 1,25 đô Mỹ một ngày. Làm chi mà không nghèo khi nước này là một phần của Liên Bang Sô Viết và chỉ mới tách rời ra được để trở thành nước Cộng Hòa Armenia khi chế độ Cộng sản Nga bị tiêu tùng. Tài nguyên chẳng có chi, đây là một nước núi non trùng điệp, cằn cỗi. Nhìn khuôn mặt tươi rói, lúc nào cũng cười vui của cô dâu, một ông Việt Nam tham dự đám cưới đã ngôn : “Cô bé này vớ đúng được…Việt kiều, vui là cái cẳng!”

Theo chồng ngày nay không phải cuốc bộ từ làng mình qua làng chồng như xưa mà theo bằng máy bay, vượt qua đại dương, tới một nước khác. Cô cháu dâu của tôi vớ được Việt kiều loại có nghề ngỗng chuyên môn, tươi là cái chắc, nhiều cô khác không được như vậy. Cô Elena Elovikova ở Kiev, thủ đô của Ukraina, chẳng hạn. Ukraina cũng như Armenia đều bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết sau cuộc Cách Mạng Nga vào năm 1917 và cũng ra riêng sau khi đế quốc Sô Viết tanh bành vào năm 1991. Cô này quen một anh Việt Nam không biết sang Ukraine theo diện nào nhưng làm nghề bán hàng ngoài chợ. Cô Elena kể lại . “Tôi và anh quen nhau tại Kiev. Chúng tôi lấy nhau và sinh được hai đứa con tuyệt vời - con trai Andrei và con gái Maia. Lúc đầu, mẹ tôi phản đối kịch liệt quyết định lấy chồng của tôi. Thứ nhất, vì chồng tôi - Hà - là người Việt Nam bán hàng ngoài chợ. Thứ hai, vì anh hơn tôi đến 16 tuổi đời. Nhưng mặc cho những linh cảm của mẹ, chúng tôi đã cùng chung sống với nhau suốt 8 năm trời hòa hợp và hạnh phúc. Hầu như chúng tôi chưa bao giờ có những bất đồng lớn. Chồng tôi rất yêu lũ trẻ và sẵn sàng giúp tôi làm mọi việc trong nhà, từ nấu nướng đến dọn dẹp nhà cửa”.

Sau 8 năm chồng vợ, Elena về thăm quê chồng ở gần Hà Nội khi bố chồng bị bệnh. Anh Hà nói với vợ là chỉ về thăm thôi nhưng về tới Việt Nam, anh Hà bỗng đổi tính. “Ngày thứ hai ở nhà chồng, Hà đột ngột tuyên bố rằng chúng tôi sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn. Hành động của anh làm tôi hết sức ngỡ ngàng, vì anh đã tự quyết định mà không hề bàn với tôi lấy một tiếng. Tôi không thể ngờ rằng người chồng đã từng chung sống suốt tám năm trời lại có thể xử sự với tôi như vậy! Ở Việt Nam, anh đã trở thành một con người khác hẳn: anh hầu như không âu yếm, chuyện trò với tôi bao giờ, và thường tự quyết định mọi việc, kể cả những việc có liên quan trực tiếp đến tôi và các con. Dù rất buồn trước sự thay đổi của Hà, nhưng trong một giai đoạn nào đó, tôi đã buộc mình phải chấp nhận điều đó. Vì dù không muốn, tôi cũng chẳng có con đường nào khác, tiền quay về cũng không có luôn. Nhưng dù sao, trong thâm tâm tôi vẫn luôn hy vọng sẽ thuyết phục được chồng cho mẹ con tôi trở lại Ukraina”.

Cuộc sống ở Việt Nam rất khác với cuộc sống nơi quê hương của Elena. Nơi làng quê, chồng chúa vợ tôi là chuyện dĩ nhiên, anh chồng của Elena bỗng nhiên bị bệnh...gia trưởng, bắt Elena làm ruộng “Tôi phải thú thật là chẳng hề có khái niệm gì về công việc đó cả. Tôi cũng đã từng cùng mọi người trong gia đình nhà chồng lội ruộng cấy lúa, nhưng đến khi biết rằng dưới làn nước bùn đỏ quạch đó còn có cả những con rắn nữa, thì tôi phát hoảng. Mọi người thông cảm, không bắt tôi lội ruộng nữa, mà bảo tôi học sử dụng máy tuốt lúa. Nhưng tôi làm chẳng ra hồn, khiến cho mọi người phát chán. Nhiều người trong gia đình, họ hàng nhà chồng tôi tỏ rõ vẻ thất vọng vì sự lóng ngóng trong công việc đồng áng của tôi”.

Theo chồng kiểu này thật ngất ngư con tàu đi! Nhất là khi anh chồng xin được việc làm ở Hà Nội. Có việc làm anh sanh thêm tật cờ bạc, bao nhiêu tiền lương nướng hết vào sòng bài. Thấy con đi làm mà không có tiền mang về, bà mẹ chồng tưởng cô con dâu giữ hết tiền nên sanh lòng tị hiềm, soi mói từ gói băng vệ sinh cho đến cái kẹo Elena mua về. Cuộc sống càng ngày càng tệ mạt tới mức ngột ngạt. Elena nản lòng. Theo chồng như vậy thì theo chi nổi. Nhưng muốn trở về phải có khoảng 2 ngàn đô, kiếm đâu ra. Cậu con trai cũng nằng nặc đòi về và, tuy mới 6 tuổi, Andrei cũng cố kiếm tiền vé máy bay bằng cách đi câu cá, hái trái cây mang bán và nhặt vỏ chai! “Một lần, tôi đã quyết định bỏ trốn. Mang theo hai con cùng một số quần áo, tôi bỏ chạy khỏi nhà mà chẳng biết sẽ đi đâu. Cuối cùng thì chồng tôi đuổi kịp và đưa ba mẹ con lên xe tắc xi. Đến trung tâm Hà Nội, anh ta cho mẹ con tôi xuống xe và bảo: đấy, muốn đi đâu thì cứ đi! Giữa lúc bơ vơ, tôi gặp một người đàn ông tốt bụng, sau khi hỏi han tình cảnh, biết tôi là người Ukraina (người dân Việt Nam rất quý những người từ các nước thuộc Liên Xô cũ), đã cho ba mẹ con tôi ăn và đưa đến đồn công an trình báo. Chồng tôi buộc phải đến đón chúng tôi về, kèm theo lời cảnh cáo của chính quyền: sẽ không để yên, nếu còn xảy ra sự việc tương tự. Sau lần đó, Hà không chỉ lạnh nhạt với tôi, mà cả với các con cũng vậy. Có lúc, cả nhà ăn cơm mà chẳng gọi mẹ con tôi. Một người chị em của chồng tôi thấy vậy, thương chúng tôi nên đã mang đồ ăn đến cho chúng tôi ăn”.

Không còn lối thoát, Elena cũng không dám viết thư kể rõ hoàn cảnh với mẹ ruột vì đã cãi mẹ khi xưa. Cô viết thư cho cô bạn gái Tania và chính cô này nói lại với bà mẹ. Họ xin chính phủ can thiệp qua Tòa Đại Sứ Ukraina ở Việt Nam. Tòa Đại sứ có phái ông Trưởng Phòng Lãnh Sự tới gặp Elena nhưng ông cho biết là tòa Đại Sứ không có tiền giúp mua vé máy bay được! Cuối cùng ông Trưởng Phòng này cũng nảy ra một diệu kế: quyên tiền của kiều dân Ukraina. Nhưng tiền quyên được cũng không đủ, gia đình Elena phải gửi thêm tiền. Tới đây, tòa án Việt Nam xử chia con: đứa con gái Maia phải ở lại với cha, con trai được theo mẹ về nước. Hai mẹ con về nước sau 11 tháng sống trong...hỏa ngục vì theo chồng! Về nước nhưng Elena vẫn bị dằn vặt vì đứa con gái còn bỏ lại. Ba năm sau Hà cưới vợ mới và khi vợ có thai anh bắn tin cho phép đứa con gái về với mẹ với một điều kiện: phải đưa cho anh ta ba ngàn đô! Ba ngàn đô, Elena không làm sao có được. Cô đi xin tiền khắp họ hàng và bạn bè nhưng vẫn chỉ đủ tiền máy bay khứ hồi, tiền...chuộc con không thể nào có được. Tuy vậy cô vẫn lên đường đi đón con. Túi không tiền nhưng cô vẫn hứa với anh chồng cũ là sẽ nộp đủ. “Hà, chồng tôi, tất nhiên chỉ quan tâm đến tiền. Tôi buộc phải nói dối rằng không tin tưởng vào sự trung thực của anh ta, nên sẽ chỉ giao tiền ở sân bay, khi đã chắc chắn một trăm phần trăm là con gái tôi sẽ cùng tôi quay về Ukraina. Đến ngày lên đường. Trong xe tắc xi ra sân bay, chồng tôi lại hỏi tiền. Tôi lại hứa sẽ đưa tiền cho anh ta khi tới sân bay. Đến khi hai mẹ con tôi đã vào trong vùng kiểm soát an ninh, Hà còn gọi với theo: “Lena, thế tiền đâu?” Tôi quay lại và... vẫy tay chào từ biệt!” Thế là thoát được một cuộc nhắm mắt đưa chân theo chồng.

Theo chồng là đúng chỉ số mặc dù cuộc theo đã trở thành cay đắng. Theo vợ cũng là đúng vì…phải như thế. Thường thì chúng ta theo vợ nhưng không biết mình theo vợ. Nhắm mắt mà theo. Cứ nhìn chung quanh ắt rõ, chẳng cần phải dẫn chứng cho mệt. Theo vợ thường là theo vô ý thức, chân bước theo mà đầu óc không hề biết tới. Chỉ có ông Robert Poduna Vac là theo một cách có ý thức. Ông theo đến…chết! Ông là một chuyên viên software cho một công ty lớn ở Hoa Thịnh Đốn, có khá tiền. Qua Việt Nam ông bỗng vấp phải cái bẫy tình. Nói cái bẫy là một cách nói chứ thực ra bà Lữ Hà Thy Nhơn hiền khô, bẫy biếc chi. Tự ông Robert vấp té thì có! Bà này chỉ được cái tên hay chứ của cải thì là con số không to tướng. Không, bà cũng được cái trẻ, năm nay mới 40 tuổi. Nhưng có lẽ ông Robert cũng chẳng cần cái trẻ đó. Vì ông có làm ăn được chi đâu. Chính bà Thy Nhơn bật mí: “Robert bị tai nạn giao thông dẫn đến đau cột sống nên không thể ân ái vợ chồng được!”  Bà Thy Nhơn lại có tới ba người con riêng. Cô con đầu của bà tên Nguyễn Bích Giang cũng bật mí: “Ông sống chung với mẹ ba năm rồi nhưng tối ai ngủ giường nấy, Ổng ngủ một mình còn mẹ ngủ với em. Ông hy sinh tất cả vì mẹ mà không đòi hỏi gì cả. Chắc kiếp trước ổng nợ mẹ em nên kiếp này ổng phải trả!” Chắc đúng như vậy vì khi phải ngủ chay, ông Robert thấy ân hận và nghĩ tội cho người đàn bà có chồng mà chịu thiệt thòi phòng không gối chiếc. Ông chuộc tội bằng cách đưa cho bà Thy Nhơn cả chục ngàn đô  bảo bà muốn đi chơi đâu thì đi. Người đàn bà làm nghề rửa chén bát thuê này đâu có phải một phụ nữ Mỹ đâu mà có những đòi hỏi của thân xác, bà từ chối. Bà thương cái lẽo đẽo theo bà của ông. Theo đến nỗi bỏ cả đạo Thiên Chúa để quy y theo đạo Phật của bà. Chính ông rủ bà trở về quê bà ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quàng Nam, để có một cuộc sống yên tĩnh. Tại đây ông có đủ tiền để mua đất trở thành một đại điền chủ nhưng ông lại chọn đời sống của một nông dân. Tại vùng quê này ông đã biến cô lọ lem Thy Nhơn chỉ có một túp lều tranh và cái giường tre trở thành bà chủ của một căn nhà khang trang nhất nhì xã. Ông ra đồng làm ruộng với mọi người, thấy phụ nữ ngồi bệt xuống đất làm việc ông lẳng lặng lấy xe gắn máy lên Tam Kỳ mua ghế về cho mọi người ngồi cho thoải mái, tặng mấy triệu đồng cho trường mẫu giáo thay bàn ghế quá xập xệ cho các em, giúp tiền mua thuốc cho người bệnh, bỏ tiền sửa lại miếu thờ rồi đi mua sơn về tự tay sơn  trong hai ngày! Tất cả chỉ vì “anh yêu em”! Ông nói với bà Thy Nhơn như vậy. Ước vọng của ông là được chết tại đất vợ. Bà Thy Nhơn được ông tâm sự: “Ở bên Mỹ khi chết mang xác ra thiêu thành tro rồi trải trên biển, anh thấy cuộc đời lạnh lẽo quá. Anh muốn được như người dân quê em, có một ngôi mộ, nhỏ cũng được, nhưng là cái còn lại của mình sau cuộc đời này.” Nhân một lần ông về Mỹ, bà Thy Nhơn đã thuê người xây cho ông một ngôi mộ bên cạnh trang trại với rừng cây, gà vịt mà ông tạo dựng nên. Khi ông trở lại, thấy ngôi mộ, ông khóc nức nở cám ơn: “Em đã cho anh toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời anh. Cả đời này anh mang ơn em!” Đêm đêm theo lời khuyên của vợ, ông đem máy hát ra mộ mở băng kinh Phật cho ấm ngôi nhà mai sau. Ông rất siêng năng đi chùa lễ Phật. Hai lần mỗi ngày, ông mặc áo lam, niệm “A Di Đà Phật”. Đó là bốn chữ tiếng Việt duy nhất ông nói được!

Ông…nông dân Robert này theo riết bà vợ quê mùa. Theo như vậy tôi chịu thua. Chúng tôi có một thời rất lẽo đẽo. Cỡ ông Phạm Thiên Thư theo cô Ngọ chứ không ít.

Em tan trường về
Anh theo Ngọ về 
Chân anh nặng nề
Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ.

Theo cỡ như vậy là lẵng nhẵng khơi khơi. Ngày nay mấy ai còn nhớ những Ngọ của năm xưa. Tôi gọi lối theo đó là những bài tập. Bởi vì có tập tành nên khi có vợ thì theo riết theo quán tính. Theo mà không biết là đang theo. Mấy ông bà già có giận thì cứ đi mà kiện Chúa. Bởi vì Chúa đã đóng dấu chấp thuận cho những cuộc theo...đời đời này!

09/2009