Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

THUÊ

Trong truyện Cỏ Dại của Tô Hoài, tác giả kể lại quãng đời thơ ấu của mình. Khi cậu ấm Tô Hoài tới tuổi đi học, cả nhà xôn xao về diễn biến quan trọng trong cuộc đời một đứa trẻ. “Thế là, mấy hôm nữa, tôi đi học. Các dì luôn luôn giễu tôi. Dì này bảo học “a b c không có nhà đi ở thuê”. Dì kia hỏi tôi rằng đi học, ngày sau đỗ làm thông phán, ngồi trên xe cao su nhà, trông thấy dì rách rưới đi bên đường, bấy giờ có nhận dì hay không? Tôi nhận ngay chứ. Chẳng những vậy, tôi lại làm cho mỗi dì một cái nhà, dì Niêm cũng như dì Bảy, dì Tư. Riêng tôi làm cho ông bà và u tôi ở một cái nhà tây ba tầng cao chót vót. Tối hôm ấy, tôi nằm khoe những chuyện “ngày sau, bao giờ cháu làm thông phán” dớ dẩn”.

Chuyện này được gọi là chuyện chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng. Thật vớ vẩn! Nhưng nó phản ảnh đúng những ý nghĩ của một người dân Việt Nam ở bất cứ thời nào. Phải an cư rồi mới lạc nghiệp. An cư được diễn tả ra thành việc có cái nhà, chấm dứt thời kỳ lông bông lang bang đi ở thuê. Nhưng tại sao A, B, C, lại dẫn đầu cho ý tuởng đi ở thuê thì tôi thật không hiểu. Thôi thì cừ đoán mò vậy. A, B, C, nghĩa là khởi đầu của việc học chữ cũng như ở nhà thuê là thời kỳ…tiền sử của thời có nhà. Sống phải có cái nhà, chết phải có nấm mồ, đó là mục tiêu mà một con người bình thường phải đạt được. Sang tới bên đây, quan niệm bất biến này hình như vẫn còn dai dẳng trong đầu óc chúng ta. Bởi vậy có cái nhà là một niềm hãnh diện đáng vênh mặt lên. Nhà càng to độ vênh của cái mặt càng lớn. Mặt lớn theo square feet của nhà.

Thuê, như vậy, là một thứ tạm bợ khó ưa. Thường nói tới thuê thì người ta nghĩ tới thuê nhà. Chữ thuê trong đầu tôi tới sớm hơn và chẳng ăn thua gì tới nhà cửa cả. Thuê là thuê truyện. Khi tôi tới tuổi biết và thích đọc thì truyện tàu đang là một thứ say mê của lũ nhóc chúng tôi. Mỗi tuần hoặc tuần hai lần, người ta xuất bản một tập 16 trang khổ trang sách, đọc nghiến một cái là hết. Tiền thu nhập của chúng tôi hồi đó hết sức mỏng manh và bất thần. Khi có khi không. Truyện xuất bản lại không chỉ có một cuốn mà cả chục cuốn mỗi tuần. Tiền đâu mà mua cho xuể. Vậy là khi người ta gom góp lại vài chục tập, dùng chỉ đóng lại thành một cuốn sách dày để cho thuê thì chúng tôi có mặt ngay. Thuê theo ngày nên phải đọc gấp rút, càng nhanh càng đỡ tốn tiền. Rồi còn trao đổi với nhau để thêm một lần đỡ tốn tiền khác. Hồi đó chưa có truyện Kim Dung nhưng những Long Hình Quái Khách, Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự…cũng đủ mê say rồi.

Còn một thứ để thuê nữa là thuê xe đạp. Thứ này thì thuê theo giờ và rất vất vả với những chiếc lốp xì và những dây sên chỉ thích tuột ra ngoài. Thêm vào là những chiếc đầu gối trầy trụa rớm máu, những cánh tay sứt mẻ chỗ này chỗ kia. Vậy mà cứ mê mải đua nhau đạp. Có tí tiền là…thuê! Đạp lọi chân ra cũng thấy chưa đủ. Ngày đó chúng tôi hồn nhiên thuê, chẳng bao giờ nghĩ tới một ngày nào đó mình có những thứ đó mà không phải thuê mướn chi cả. Lớn lên mới hiểu thuê là một thứ hèn kém bị khinh khi.

Cô gái nói với ông bố: “Bố ơi, anh Bảng anh ấy hỏi cưới con bố ạ.” Ông bố hất hàm hỏi: “Thế thằng đó có nhà cửa chi không?” Cô gái lí nhí: “Không bố ạ! Anh ấy ở nhà thuê.” Ông bố thở dài: “Thế nó có xe cộ gì không?”. Vẫn lí nhí, cô gái lắc đầu: “Không bố ạ! Anh ấy đi xe đạp.” Ông bố giọng chán chường: “Ở đời phải biết tích phúc tích đức con ạ! Nó đã khổ như thế rồi thì con tha cho nó, đừng làm nó khổ thêm nữa!”

Thuê nhà, thuê truyện, thuê xe  và những thứ thuê khác như thuê người làm, thuê đồ cưới, thuê báo, thuê video, thuê CD giờ đây đã trở thành những loại thuê chân chỉ hạt bột. Ngày nay thuê khởi sắc hơn nhiều. Thuê không nằm trong việc thuê các loại đồ vật mà đã nhảy sang thuê… người. Người không phải là đồ vật, dĩ nhiên, nhưng trong người có nhiều cái để có thể cho thuê. Thứ có thể cho thuê giờ, thuê ngày hay thuê tháng, thậm chí thuê năm. Như thứ…vợ chẳng hạn. Vợ là thứ dính vào người cả đời. Ít ra người ta ước mong như vậy. Nhưng ngày nay người ta mang cái gọi là thiên chức này ra cho thuê. Chuyện thuê này nhiều ông bạn tôi rất tỏ tường. Về Việt Nam, bỏ ra vài chục đô thuê một căn phòng hoặc một căn nhà nhỏ, ở đủ sáu tháng mỗi năm không quá một ngày, vì quá thì bị cắt tiền già lấy chi mà…dối già! Có căn phòng chẳng lẽ để nó lạnh tanh, phải thuê về một cái máy sưởi cho ấm áp. Máy móc ở Việt Nam bây giờ đa dạng lắm. Máy có thể đi chợ, nấu ăn, quét dọn nhà cửa, chuyện trò, dung dăng dung dẻ, đấm bóp và tối thì mới hiện lên chức năng sưởi cho người xa quê ngoại về quê nội. Chiếc máy đó có tên là…vợ hờ. Tiền thuê máy trả hàng tháng. Thế nào là vợ, tôi định lên lớp cho mấy ông bạn biết về chữ “vợ” rất tình nghĩa, nhưng mấy ông ấy bịt miệng tôi bằng một câu cãi phăng phăng: “ Có gì khác đâu! Ông trả đứt một lần còn chúng tôi trả góp. Khác chi đâu? Khác chăng là như ông mua đứt một chiếc xe trong khi chúng tôi lease. Lease thì hết thời hạn có thể đổi được chiếc xe khác, còn các ông thì đi xe cũ dài dài!”

Mấy ông bạn tôi vì ở cạnh tôi nên bị tôi lôi ra điểm mặt. Kể cũng oan cho các ông ấy. Đâu phải chỉ mình các ông ấy thuê vợ hờ.Một bài báo trong nước đã nêu ra một trường hợp điển hình. Cô sinh viên N.L. từ quê ra tỉnh học. Cô học được cách sống thời thượng đua đòi. Muốn vậy phải có tiền. Tiền bố mẹ gửi cho ăn học thì ăn nhằm chi. Phải kiếm thêm. Nhàn nhã nhất là nghề làm vợ hờ. Từ ở ký túc xá, cô chuyển sang với anh “chồng hờ” người Nhật 52 tuổi. Anh chồng già thuê hẳn cho cô căn nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, “bao” cho cô “nguyên con” Atila, điện thoại di động đời mới, cộng hàng tháng gửi tiền qua ngân hàng để cô tiêu xài và trả tiền nhà. Còn cô chỉ có mỗi nhiệm vụ làm… vợ.
Mỗi lần qua Việt Nam làm ăn anh chàng người Nhật chỉ cần “phone” một tiếng là có N.L ra tận sân bay đón, phục vụ cho những ngày sau đó. Nếu chàng về nước sớm thì được tự do sớm, nếu chàng ở lại lâu thì cố mà chiều lòng chàng, còn không sẽ bị tống ra đường và thay vào đó là một em trẻ đẹp khác. Lương anh “chồng hờ” trả cho cô một tháng là 600 USD, so với đồng lương của người lao động và lương của bố mẹ ở quê cộng lại thì gấp mấy lần”.

Cô N. L. thuộc loại may mắn có việc lâu dài. Thường thì cứ tính căn bản hàng tháng. Những anh chồng hờ thuộc loại…sở khanh thay đổi vợ xoành xoạch. Không tình, không nghĩa, kết nối bằng tiền bạc thì tội chi mà không…đổi mới. Thỉnh thoảng mới gặp trường hợp mặn nồng như trường hợp của cô T.T. Cô tâm sự với cô ký giả ít tuổi hơn:“Chị làm công việc này đã hơn 10 năm rồi, từ năm chị 18 tuổi. Đầu tiên là ham vui, ham được xài tiền, diện đồ đẹp thoải mái, muốn được bằng bạn bằng bè nên chị bị lôi cuốn vào “nghề” này. Nhưng cái may của chị là không bị “thuê đi thuê lại” nhiều lần như những cô gái trẻ khác, mà chị gặp được một thương nhân Mã Lai đối xử với chị rất tốt, nhiều khi chị cảm thấy sống như thế này lại hay.
Một năm anh qua đây 3 lần, lần nào sang cũng mua quà cho chị, hàng tháng vẫn gửi tiền qua ngân hàng đều đặn để chị tiêu xài. Chị gom góp bằng số tiền ấy mua cho gia đình một miếng đất ở quận 12, rồi lo cho thằng em ăn học, lo mở cho bà chị gái một cửa hàng tạp hóa, thế là ok rồi. Cần gì phải ôm mộng lấy chồng nước ngoài, vừa phải xa gia đình, vừa phải sống ở một nơi lạ lẫm mà không biết qua bên kia có được đối xử tốt không nữa”.

Thuê như vậy tương đối là thuê dài hạn. Còn cho thuê bản thân kiểu ngắn hạn có dịch vụ thuê…bồ! Bồ mà cũng thuê thì còn ra sao nữa? Tôi cũng chẳng biết ra sao. Tình tứ chi nữa. Thanh niên ngày nay thích thuê kiểu chi mà nghe khô không khốc vậy? Thời chúng tôi, bồ là một thứ trộn một chút lãng mạn, một chút tình tứ và rất nhiều nhớ nhung. Cứ như là thuốc phiện vậy. Tơ tưởng ngày đêm bắt chết! Cái thứ bồ thuê dùng để làm chi? Để tâm tình, nói chuyện, đi chơi đây đó, nhỏ to tâm sự vào những ngày cuối tuần cho đầu óc vơi đi căng thẳng của công việc. Tại sao những đấng…căng thẳng này không kiếm một cô bồ chính hiệu mà phải đi thuê cho tốn tiền? Chắc họ lười! Không, họ sợ. Sợ bồ bịch đòi cưới xin phiền phức mà họ thì chưa muốn bị ràng buộc. Hồng năm nay 22 tuổi, quê ở Châu Đốc, An Giang, làm công nhân tại một công ty may ở khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn, đã tốt nghiệp trung học. Cô được một cô bạn giới thiệu cho một người trưởng phòng. Lần đầu gặp gỡ anh chàng này nói thằng với cô là anh chỉ muốn thuê một cô bồ để thỉnh thoảng đi chơi với bạn bè, cà phê cà pháo ngày Chủ Nhật. Thế thôi! Anh ta không có nhu cầu xác thịt. Tất cả chi phí đi chơi ăn uống anh ta sẽ trả hết. Tiền công thuê từ 300 ngàn đến 500 ngàn tùy anh ta cần cả ngày hay chỉ một buổi. Hồng làm chết bỏ, tăng ca tới tối mịt mới về mà lương tháng chỉ được 1 triệu rưởi, nay chỉ có đi ăn đi chơi một ngày mà ẵm thêm nửa triệu. Dại chi mà không vác xác cho thuê! Công việc “nặng nhọc” nhất mà anh ta yêu cầu là nấu một nồi canh chua cá lóc khi anh thèm một bữa cơm gia đình! Lửa với rơm kề cận nhau bộ chúng không bùng lên sao? Hồng cương quyết lắc đầu. Nhất định không có chuyện đó. Cô cẩn thận từng ly từng tí. Uống miếng nước cũng phải coi trước coi sau xem anh chàng bồ hờ có cho tí thuốc ngủ vô không. Hà, 21 tuổi, quê ở Thới Bình, Cà Mau, công nhân công ty giầy da khu công ngiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân có nhiều kinh nghiệm trong nghề, trải lòng với phóng viên báo chí: “Làm bạn gái thuê vào những ngày nghỉ với nhiều người, tôi nghiệm ra trái tim đàn ông đôi khi mong manh, dễ vỡ, họ rất cần an ủi, chia sẻ. Nhưng có khi không dám thổ lộ với bất kỳ ai, kể cả bạn bè thân, với vợ, với người yêu, chẳng thà cứ nói với mình, một người xa lạ rồi về…Tuyệt đối không bao giờ có chuyện chung đụng xác thịt vì tôi xác định mình đóng vai một người bạn gái đơn thuần của họ và nhận tiền công vậy thôi chứ không có chuyện bán thân, nên đối tượng mình nhận lời bao giờ cũng phải chọn lọc. Vả lại mình cũng nói rõ với họ từ đầu, người ta có nhu cầu xác thịt cũng không mất công tìm đến mình”  Dễ dầu gì! Chỉ mới mấy tháng trước đây, một cô gái quê ở Sóc Trăng cũng làm nghề bồ thuê được khách rủ đi câu rồi lén bỏ thuốc mê. Khi cô thức giấc thì chuyện đã rồi. Khách có đề nghị đền bù nhưng cái ngàn vàng của đời con gái thì đền bù sao được!

Thuê bồ là chuyện vui chơi nhưng thuê người yêu lại là chuyện làm ăn. Vì là làm ăn nên có tổ chức đàng hoàng. Công ty Vinamost hoạt động tại Sài Gòn và Hà Nội, có giấy phép đàng hoàng, chuyên cho thuê người yêu để dùng trong công việc. Giám Đốc Nguyễn Xuân Thiện cho biết: “Công ty tôi khá đa năng, chuyên các dịch vụ cung cấp nhân sự theo kiểu: Cung cấp thư ký, trợ lý, cộng sự để đi với các giám đốc, doanh nhân trong các vụ làm ăn, ký kết hợp đồng, cung cấp PG (promotion girl-người mẫu giới thiệu sản phẩm) cho các sự kiện, cung cấp vệ sĩ nữ, người đưa đón, cung cấp đội ngũ nhân viên, chuyên viên cho các dự án... Nhưng độc đáo nhất và khá “hot” hiện nay vẫn là dịch vụ cung cấp... người yêu.
Đúng như lời quảng cáo của Công ty, chúng tôi cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu (nhưng không tiến tới hôn nhân, không buôn bán xác thịt) với mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giao tiếp xã giao với gia đình, đối tác, làm vừa lòng mọi người...”  Phóng viên báo Lao Động đã vào vai người đi thuê người yêu để thương thuyết mua một căn nhà. “Sau đó, Thiện đưa cho tôi “hợp đồng dịch vụ”, trong đó, phần “nội dung thực hiện” ghi rõ: Bên B thuê bên A thực hiện dịch vụ thuê thư ký/người yêu với công việc: “Đóng vai vợ sắp cưới, thương thuyết hợp đồng mua nhà cùng khách hàng”. Phần “quyền và nghĩa vụ bên B”, có ghi: “Không được ép buộc người được bên A giao nhiệm vụ làm các việc như uống rượu hay chất kích thích, cầm tay, ôm, hôn”.
Tôi cự lại ngay: “Sao thế được? Vợ sắp cưới mà không được cầm tay, nhỡ người ta nghi thì sao?” (nói vậy thôi chứ chắc gì tôi đã dám cầm tay). Nghĩ một lúc, Thiện sửa lại hợp đồng: “Bên B được phép cầm tay nhân viên bên A trong những trường hợp nhạy cảm nhất định (không được lạm dụng quá)”.
Anh phóng viên chi ra 500 ngàn đồng để thuê người yêu trong 3 tiếng đồng hồ!

Xa đất nước, chúng ta lạ lẫm với những gì xảy ra ngày nay. Ngày xưa, có giầu tưởng tuợng tới đâu chúng ta cũng chẳng nghĩ được những kiểu thuê lạ đời như thế này. Cứ có tiền là thuê được tuốt. Cứ có hơi đồng là cho thuê tất tần tật! Một dịch vụ gần như chỉ dành riêng cho Việt kiều là thuê họ hàng trong đám cưới. Một anh “kiều” được thuê về Việt Nam làm đám cưới giả để bảo lãnh cô vợ hờ. Kiểu cưới này dân trong nước gọi là cưới…đểu! Cửa ải gian nan nhất để đưa được “hàng” sang Mỹ hoặc Canada là phần phỏng vấn tại tòa lãnh sự. Cần phải trưng ra được nhiều bằng cớ như thư từ, phiếu chuyển tiền về nuôi vợ và nhất là hình đám cưới. Vì vậy đám cưới “đểu” phải ra trò, xôm hơn đám cưới thiệt! Vậy là có dịch vụ cho thuê hai họ với áo quần tươm tất rất quốc hồn quốc túy, từ ông già bà cả tới đám nhóc nhi đồng, cho mấy ông tây phỏng vấn cứ ngây ra mà ngắm. Nhưng quan trọng nhất trong dịch vụ này là anh phó nhòm. Phải ghi lại những pha nhậy cảm nhất với những chi tiết thuyết phục. Một chi tiết quan trọng nhất là cuốn lịch. Ngày nào ra ngày đó. Hình gặp nhau, hình đám hỏi, hình đám cưới, lịch phải ăn khớp để chứng tỏ hai người đã yêu nhau từ lâu. Vì vậy mấy ông phó ngắm này phải có một lô lịch cũ để treo lên tường không thì lộ hết. Chi phí thuê mướn mỗi người đóng vai hai họ là 50 ngàn một đầu người. Nghi lễ cưới rườm rà là thế mà chỉ được…diễn thu gọn trong một tiếng. Dài hơn thì phải chi tiền thuê hai họ nhiều hơn! Tổng cộng tất cả tiền thuê người, chụp hình, trang trí bàn thờ, công đạo diễn khoảng 5 triệu đồng! Xong dịch vụ, chú rể thuê được trả khoảng 30 ngàn đô. Ba năm sau ly dị rồi tiếp tục đám cưới đểu khác nếu tổ chức không bị nhà chức trách Mỹ hoặc Canada khám phá ra.

Thuê được hai họ thì thuê chú rể là chuyện dễ ợt. Chuyện thuê này không dành cho các Việt kiều mà dành cho các cô nàng lỡ dại ôm bầu tâm sự mà tác giả cái bầu từ chối bản quyền. Thường những chàng họ Sở này là người có tiền, có địa vị, đẹp trai. Nghĩa là đủ thứ bùa mê làm cho các em lú. Khi cái bụng đã  rục rịch trương lên thì các chàng họ Sở leo lên lưng ngựa chạy tung bụi mịt mù tức khắc. Muốn dấu nhẹm chứng tích không đẹp đẽ này, các nàng bấm bụng bỏ tiền ra làm đám cưới giả để che mắt cha mẹ và họ hàng. Vậy là có vụ thuê chú rể. Như cô nàng tên Phương mang bầu với ông Giám đốc đã có vợ vẫn còn giấu con về người bố thực của nó. Bài báo của ký giả Thế Anh trên báo Tuổi Trẻ tường thuật như sau: “Trong căn phòng trọ của Hiệp ở Bình Dương hiện vẫn còn treo tấm ảnh cưới chụp chung với “người chồng thuê” để dỗ dành thằng Bờm. Mỗi khi thằng nhóc hỏi đến bố, Hiệp chỉ biết quay mình giấu những giọt nước mắt để dối con: “Con cũng đẹp trai giống bố lắm. Con nhớ ngoan rồi bố đi công tác về sẽ mua quà cho con”. Thằng bé ngây thơ vẫn tin rằng bố nó đang đi công tác xa nhà, và cả gia đình cô ở tận Hà Tĩnh cũng nghĩ rằng con gái mình đang hạnh phúc bên người chồng đẹp trai mà họ chỉ gặp một lần trong đám cưới... Chỉ có mình Phương là rõ người đàn ông trong bức ảnh đó chỉ là một cuộc thuê mướn giữa chợ đời”.

Thuê được phân chia thành hai…mặt trận rõ rệt. Bên thuê và bên đi thuê. Bên nào hơn? Cũng tùy. Nếu là thuê cái nhà, cái xe, cuốn truyện, tờ báo, bộ đồ cưới thì người đi thuê thuộc loại yếu, mậu xìn. Người cho thuê thuộc loại mạnh, có tiền, có của. Nhưng nếu thuê  người thì ngược lại. Người thuê lại là người giầu có hơn, chi địa ra để có những thứ cần thiết trong khi người cho thuê lại đứng vào category yếu địa, cho thuê bản thân.

Ông Tú Xương là người yếu địa có cầu chứng tại tòa. Thơ của ông toàn là loại chọc hông những người có tiền, có thế. Rõ ràng là tiếng kêu thương của người…phía dưới.

Khách hỏi nhà ông đến
Nhà ông đã bán rồi
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tểnh đi bồi.

Vậy là cho thuê toàn diện, toàn gia! Còn gì nữa đâu! Còn chứ. Còn ông Tú giơ xương ra chắc chẳng ai thèm thuê!

09/2009