Bạc
Bụng
Burqa
Chết
Chửi
Chuyện
Cua
Cúm
Cứu
Đầu
DNA
Dzô
H1N1
Hiếm
Học
Khoe
Làm
Lộn
Mại
Mao
Màu
Nói
Non
Phố
Ruồi
Tết
Thang
Theo
Thuê
Trúng
Túi
Tưới
Vẽ
Vợ

DNA

Cô gái Việt Nam Annie Lê, một tài năng về nghiên cứu khoa học, bị giết khi đang làm thí nghệm trong trường Đại Học danh tiếng Yale. Thủ phạm xiết cổ cô tới chết là một nhân viên kỹ thuật  tên Raymond Clark. Thủ phạm bị cảnh sát còng tay đi lấy mẫu DNA. Tại hiện trường cảnh sát cũng đã tìm được  tới 250 mẫu tang vật. So các mẫu DNA thì trùng khớp. Vậy thì chối vào đâu được!

Ông bạn tôi có một đứa con trai về Việt Nam cưới vợ và bảo lãnh vợ mới cưới sang Canada. Đám cưới được cử hành đình đám để chụp hình làm bằng chứng khi được phái đoàn Canada phỏng vấn. Tiến trình bỗng bị trục trặc vì tài của cậu cháu tôi. Chẳng lính tráng chi trong cái xã hội an bình này nhưng nếu bị đi quân dịch, chắc cậu cháu tôi phải được bổ vào binh chủng pháo binh. Chỉ trong vỏn vẹn có một tuần trăng mật sau lễ cưới, bụng cô dâu mới đã trúng…con. Vậy là phải chờ sau khi sanh nở mới bổ túc hồ sơ bảo lãnh con luôn. Trong hồ sơ bảo lãnh nhóc tì này có một thứ phải hoàn tất với kết quả tốt. Đó là màn thử DNA. Con thử ở bên Việt Nam, bố thử ở Canada. Nếu hai kết quả DNA trùng khớp thì mới tiếp tục hồ sơ. Nếu DNA của bé lại khớp với DNA của ông hàng xóm thì…lúa!

DNA thật thần khốc quỷ sầu. Nó là cái chi vậy? DNA là viết tắt của chữ Deoxyribonucleic Acid. Tiếng Pháp thì ngược lại thành ADN. Theo cách giải thích đơn giản nhất của Giáo Sư Lê Đình Lương thì “DNA là phân tử mang thông tin di truyền, nằm trong tất cả các tế bào của mỗi chúng ta. DNA chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi (một cách gián tiếp) của mỗi con người. Trong số các đặc tính mà DNA quy định có cả đặc điểm cá nhân của mỗi người mà các đặc điểm này lại truyền từ bố mẹ sang, nên dùng DNA có thể xác định được huyết thống và tìm được thủ phạm trong các vụ án”.

Đó là cách giải thích DNA đơn giản nhất. DNA là một thứ nằm trong tế bào của mỗi chúng ta, đặc trưng của mỗi người, không thể lẫn lộn với người khác. Nhân loại có khoảng 8 tỷ người thì có khoảng 8 tỷ mẫu DNA khác nhau cho từng người. Mỗi người nhận được DNA của mình do cha mẹ truyền lại. Chúng ta có 23 cặp nhiễm sắc thể thì có một nửa từ cha và một nửa từ mẹ.

Từ khi có DNA thì công việc của các thám tử điều tra các vụ án mạng đã dễ dàng đi nhiều lắm. Hầu như vụ án nào cũng có anh DNA dính vào mới xong. Trước kia thì công trạng được anh dấu  tay lãnh hết. Dấu tay, cũng như DNA, là của riêng của mỗi người. Không có ai trùng với ai cả. Nhưng trong một vụ án, dấu tay nhiều khi không có. Trong các phim trinh thám, chúng ta thấy các hung thủ hay kẻ gian thường mang găng tay khi hành sự để khỏi để lại dấu tay. Không lấy được dấu tay tại hiện trường là…huề! Nhưng với DNA thì khác. Chúng tùm lum ra đó. Trong vụ án giết cô Annie Lê, hung thủ đã ghi dấu lại tới vài trăm chứng tích có thể thử DNA được. Có chạy đi đằng trời! Có khi cả mấy chục năm sau vẫn không thoát. Ngay tại nơi người Việt chúng ta quần cư ngày nay là thành phố Los Angeles, mới đây một vụ án chìm xuồng đã 23 năm được dựng dậy và thủ phạm đã lãnh án sau khi tưởng mọi việc đã chìm vào quên lãng. Công lao là của anh DNA. Nạn nhân là cô y tá Sherri Rasmussen, 29 tuổi, làm việc tại bệnh viện Glendale Adventist ở ngoại ô Los Angeles. Cô này có chồng là John Ruetten. Anh chồng này trước khi cưới cô Sherri đã có thời gian bồ bịch với một nữ cảnh sát viên của LAPD. Cô này nhan sắc thì không bằng ai nhưng máu ghen thì Hoạn Thư cũng chịu thua. Cô nhất quyết không tha cho người phụ nữ nào léng phéng với anh chàng John Ruetten mặc dù anh đã cao chạy xa bay với cô. Cô đã từng…tuyên ngôn : “Nếu như anh John không thuộc về tôi thì cũng không có người nào khác chiếm hữu anh ấy được!”. Trong quyết tâm đó, cô đã quấy nhiễu cô y tá Sherri tơi bời. Mỗi lần bị…nạn, cô Sherry lại điện thoại cho cha là ông Nels Rasmussen để mách lại. Khi thì cô cảnh sát họ Hoạn Stephanie Lazarus này tới tận bệnh viện hù cô, khi thì tìm tới chung cư nơi vợ chồng cô Sherri ở, khi thì tò te theo gót trên đường phố. Ngày 24 tháng 2 năm 1986, khi anh John về tới nhà thì thấy xác vợ bị bắn nhiều phát đạn trên người nằm trong phòng khách. Đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên ngoại trừ tờ hôn thú của hai vợ chồng bị mất. Vụ án được giao cho hai thám tử là các ông Lyle Mayer và Roger Pida điều tra. Theo như thông thường thì kẻ bị tình nghi phải là cô cảnh sát Stephanie Lazarus. Nhưng cùng lúc đó lại xảy ra một vụ cướp bằng súng tại khu gần nhà cô Sherri. Nạn nhân là một phụ nữ. Hai thám tử bèn hướng cuộc điều tra vào vụ này. Họ cho là vì cô Sherri mục kích vụ cướp nên bị giết để phi tang! Cha mẹ cô Sherri đã nhiều lần gặp hai thám tử Mayer và Pida để kể lại chuyện cô cảnh sát Stephanie quấy nhiễu con mình để họ hướng cuộc điều tra vào cô này. Nhưng hai ông thám tử không tin. Họ còn nói thẳng với ông Nels là ông bị ảnh hưởng quá nặng của phim ảnh trên TV! Tức khí, ông Nels viết thư cho Cảnh Sát Trưởng trình bày mọi việc nhưng cũng chẳng ăn thua chi. Thỉnh thoảng ông điện thoại lại Ty Cảnh Sát để hỏi tin tức nhưng bị lơ là. Có lúc họ bắt ông chờ điện thoại cả 20 phút rồi cúp. Cuối cùng họ bảo thẳng ông : “Ông bà nên làm ơn tự lo liệu lấy cho thân mình bằng cách quên chuyện này đi!”. Chán nản, hai ông bà đành ngậm đắng nuốt cay để cho sự việc trôi vào quên lãng. Năm 1991, ông thám tử Mayer nghỉ hưu, hồ sơ vụ án bị xếp xó, coi như một trong những vụ án không tìm ra thủ phạm. Nhưng đột nhiên, 18 năm sau, có một thám tử tình cờ lôi hồ sơ ra coi lại và anh DNA vào cuộc. Những chứng cớ thu thập được tại hiện trường vụ án được mang ra giảo nghiệm DNA cho kết quả thủ phạm là một phụ nữ chứ không phải hai người đàn ông như hai ông thám tử vẫn đinh ninh trước đây. Lập tức, một cảnh sát viên chìm được phái  theo dõi cô Stephanie Lazarus. Khi cô này vừa ăn xong tại một cửa tiệm, vứt chiếc muỗng nhựa cô đã dùng vào thùng rác, anh cảnh sát này vội tới lượm lên. Kết quả thử nghiệm cho thấy mẫu DNA của muớc miếng trên chiếc muỗng nhựa phù hợp với mẫu DNA tại hiện trường. Cô cảnh sát họ Hoạn này liền bị bắt và truy tố ra tòa.

DNA lợi hại như vậy không biết có khiến các bàn tay dính máu chùn tay không. Nhưng DNA đâu có phải chỉ biết máu. Nó cũng tình ra phết. Chúng ta vẫn thường nghe nói tới cái gọi là coup de foudre! Nghĩa là nhìn là ưa chết mê chết mệt liền. Không chừng có nhiều bạn đã có kinh nghiệm về thứ…điện giật này rồi cũng nên. Vậy thì DNA làm chi với những trường hợp này? Các chuyên gia bảo là sở dĩ có tình trạng sét đánh này là do cái mùi đặc biệt của cơ thể do các gen của hệ miễn dịch, nói đúng ra là do DNA tạo ra.

Tan sở. Thôi đi về tắm rửa
Có giữ mùi không đủ để đời
Em đã xa rồi. Ai thèm ngửi?
Hận người? Vô ích. Cũng vậy thôi.

Bốn câu thơ…mùi này là của ông Quan Dương. Mùi DNA đấy! Các nhà khoa học đã thí nghiệm đàng hoàng. Theo Tamara Brown, một nhà di truyền học mgười Croatia làm việc tại Zurich, Thụy Sĩ, thì đoạn DNA gọi là kháng thể bạch cầu của người (human leukocyte antigen, viết tắt là HLA) đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm kiếm tình yêu đích thực mà chìa khóa chính là “những tín hiệu bí mật” mà người này nhận ra từ cơ thể người kia. Tiến sĩ Brown giải thích : “Đó là môn hóa học về sự hấp dẫn. Chàng trai nào đó có thể không đẹp trai như Brad Pitt nhưng chẳng hiểu sao anh ta có sức thu hút một cách kỳ lạ làm bạn ngẩn ngơ, không còn hồn vía nữa”. Trong một cuộc thí nghiệm thực hiện  vào thập niên 1990 tại Thụy Sĩ do Đại Học Bern tiến hành, người ta cho các nam sinh viên tham gia mặc một chiếc áo gió trong hai đêm liền. Sau đó họ cho các cô nữ sinh viên ngửi và cho điểm về “tính hấp dẫn” của chiếc áo của người đàn ông mà mình đã ngửi. Kết quả không có sự trùng hợp. Mỗi cô đều xác định được người mình yêu hơn cả bằng…mũi! Sau đó các nhà khoa học mới phân tích HLA của các cô. Họ tìm ra là những người đàn ông nào có gene càng khác với gene của các cô thì các cô cho điểm càng cao. Sau đó họ tổ chức cho các cô gái gặp những người mang chiếc áo có mùi mình thích và theo dõi bằng camera. Họ thấy các cô xoắn xuýt ngay với những chàng trai mà các cô mới gặp lần đầu!

Đó là DNA…chơi. Nhưng DNA đâu có chơi đùa hoài. Nó rất hữu dụng với mỗi người chúng ta. Rồi đây, nếu bạn muốn, bạn sẽ có một thẻ DNA cá nhân. Chúng ta đã biết DNA mang nhiều thông tin về con người. Vì mang nhiều thông tin nên nếu DNA bị bệnh hoặc biến dị thì cơ thể của người cũng bị bệnh tương ứng. Do đó, phương pháp chữa bệnh tốt nhất là chữa tận gốc, tức là chữa từ DNA. Ngày nay khoa học đã biết rõ vai trò và sự vận động của từng gene trong bộ gene của con người. Và thẻ DNA cá nhân sẽ là tấm phim chụp hình những đoạn gen cần thiết. Cũng giống như những tấm phim chụp hình phổi, tim, xương hay dạ dày thông thường chúng ta vẫn đi chụp khi bác sĩ cần để xét nghiệm. Cầm bản phim này, các chuyên viên sinh học có thể đọc và chỉ cho người có thẻ nguy cơ họ sẽ bị mắc bệnh gì trong tương lai. Thí dụ ngày nay các nhà khoa học đã tìm được gene gây ung thư như gene E2F3 gây ung thư bàng quang, gene Aurora gây ra ung thư vú…Các nhà khoa học cũng đã xác định được gene áp chế ung thư là gen P53. Nếu thẻ DNA cho biết gene P53 hoạt động yếu và gene E2F3 hoặc gene Aurora hoạt động mạnh, trong khi cá nhân này lại bị tiền sử béo phì, quen ăn uống không hợp vệ sinh thì chắc chắn người đó sẽ bị loại ung thư bàng quang hay ung thư vú. Ngoài ra các nhà khoa học cũng có thể đọc trên thẻ để xem xét các bệnh có thể vướng phải vì di truyền để có thể khuyên cá nhân này nên tránh thứ gì hoặc phòng ngừa ra sao. Trong tương lai, thẻ DNA sẽ giúp con người có thể chọn cách chữa bệnh đến cấp độ DNA, nghĩa là đánh sập những gene gây bệnh ung thư, tim mạch, loạn óc… để thay thế bằng đoạn DNA khỏe mạnh hơn, từ đó sẽ đánh văng bệnh đi!

Thẻ DNA cá nhân là thứ…đứng đắn, thứ…chơi là là số tử vi DNA! Tôi đã mường tượng cái giật mình của ông bạn nhà văn kiêm thầy tử vi Võ Kỳ Điền của tôi. Vừa phải thôi chứ! Bộ DNA chơi trụi lụi hết hay sao? Quả có vậy. Lá số tử vi DNA của một đứa trẻ mới sanh có thể cho biết trong tương lai đứa trẻ sẽ mắc bệnh gì, mức độ nguy hiểm ra sao, khả năng phát triển trí tuệ đến đâu. Có năng khiếu về ngoại ngữ hay không, có năng khiếu làm việc theo ngành nào là tốt nhất để đỡ vất vả trong việc chọn lựa ngành học. Khi nghề nghiệp và mức độ phát triển trí tuệ đã được dự đoán đúng thì hôn nhân và sự thành đạt cũng có thể biết trước được. Biết trước được nguy cơ bị bệnh gì thì có thể tìm được thuốc đặc trị cho từng bệnh, thích ứng với từng người thông qua phân tích và xét nghiệm DNA. Tất cả những…quẻ bói này đều chính xác chứ không phải năm ăn năm thua như những lá số tử vi chúng ta vẫn giải đoán một cách…bói toán như hiện nay.

Những áp dụng DNA vào cuộc sống của mỗi cá nhân chắc chắn sẽ còn được mở rộng hơn nữa trong tương lai. Hiện giờ, nói tới DNA là chúng ta nghĩ ngay tới ứng dụng phổ thông nhất: xác nhận phụ hệ. Có một dạo chuyện tình của Công Nương Diana rộn rã trên báo chí, đã có dư luận nghi Hoàng Tử Harry không phải là con của Thái Tử Charles mà là con của anh nài dậy Diana cưỡi ngựa tên James Hewitt. Người ta nghi vì mái tóc đỏ của Harry và vì Harry có khuôn mặt không giống Thái Tử Charles. Phái bênh vực Harry cho là Harry giống mẹ. Họ viện lý do nhiều bức hình chụp cho thấy James Hewitt trông giống Diana. Các người bênh vực lý luận: thường thì theo tâm lý, chúng ta hay chọn những người bạn trông giống chúng ta hoặc cùng loại với chúng ta. Vì vậy nên Harry giống mẹ nên trông cũng hao hao giống anh nài ngựa Hewitt. Còn tóc đỏ là tóc của dòng họ Spencer của Diana. Sở dĩ dư luận đặt thành vấn đề là vì tin đồn về cuộc tình giữa Diana và Hewitt. Nhưng cuộc tình đó xảy ra khi Harry đã 2 tuổi. Phổi bò như tôi thì bảo cứ thử DNA là biết liền chứ chi. Thử thì biết liền thật nhưng hoàng gia đã từ chối làm việc này. Tại sao vậy? Tôi nghĩ trước hết là vấn đề tâm lý. Nếu thử thì dù kết quả ra sao cũng làm tổn hại tinh thần cho Harry. Nếu kết quả cho Harry không phải là con của Thái Tử Charles thì sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng hoàng tộc. Không biết sự việc sẽ dẫn tới đâu. Thôi thì cứ tránh xa anh DNA cho chắc ăn! Anh này đôi khi chỉ phá bĩnh!

Nhưng trường hợp của tỷ phú Larry Hillblom thì lại khác. Phải mời anh DNA tới thôi! Số là anh tỷ phú này đông địa nhưng chẳng vợ con chi cả. Chỉ có con rơi! Tới tám đứa lận. Cứ đi đâu là anh gieo giống tới đó. Rồi bỗng vào ngày 29 tháng 5 năm 1995, nghe tin có một núi lửa đang phun những cột nham thạch rất kỳ lạ ở gần đảo Mariana thuộc Mỹ, nhà tỷ phú dùng máy bay riêng đi coi và chết mất xác khi máy bay gặp nạn, để lại một gia tài kếch xù. Vậy là có cuộc tranh chấp về thừa kế gia tài. Các luật sư nhảy vào cuộc. Trước hết phải là màn thử DNA coi có đúng tám đứa con này đích thực là những hòn máu rơi của nhà tỷ phú này không. Muốn vậy phải có mẫu DNA của ông. Xác ông không biết nằm ở nơi nao nên các chuyên viên cần DNA của thân nhân. Người thân duy nhất có thể lấy mẫu DNA là bà mẹ của ông thì bà này lại chơi khó không hợp tác. Hợp tác làm sao được khi có nhiều phần phải xé lẻ gia tài của ông cho tám đứa bé mà bà chẳng biết mặt biết tên dù chúng có thể là cháu của bà! Chuyện xảy ra vào năm 1998 và trở thành một cuộc chiến pháp lý lớn nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ. Người ta đi tìm những vật dụng liên quan tới Larry để mong tìm được DNA. Nhưng tất cả các dấu vết này biến mất, không còn chi dù là một sợi tóc. Vật dụng cá nhân như quần áo, dao cạo râu cũng bay đi mất tiêu một cách bí mật! Ngay tại các bệnh viện ở California và Saipan mà ông Larry thường hay đến chữa bệnh hoặc nhổ răng cũng chẳng còn dấu vết gì của ông. Những chiếc xe hơi loại xịn mà ông thường dùng mỗi khi về Mỹ cũng được lau chùi sạch bóng và làm vô trùng từ trong ra ngoài một cách kỹ lưỡng. Hàng loạt thám tử được thuê để soi mói vào các ngóc ngách mà họ nghi ngờ tỷ phú Larry đã từng có mặt cũng chẳng kiếm được một chút gì còn vương vất lại.

Trong khi đó, mỗi đứa con rơi đều có hàng chục luật sư trợ giúp để kiếm tí tiền lẻ. Ban quản lý di sản của tỷ phú cũng thuê cả trăm luật sư để bảo vệ tài sản cho gia đình ông. Sau rất nhiều cuộc cãi cọ giữa các luật sư hai bên, bà mẹ của tỷ phú mới chịu cho lấy mẫu DNA. Kết quả chỉ có bốn đứa con rơi đích thực là con của ông Larry! Điều thú vị là trong số bốn đứa này có một đứa có mẹ là người Việt Nam. Đó là bé Nguyễn Bé Lory! Mẹ của bé Lory tên Nguyễn Thị Bé, sanh năm 1974, là một cô gái quê mùa, nghèo khó ngụ tại xã Tân Xuân, Hàm Tân, Bình Thuận. Chuyện gặp gỡ chàng tỷ phú đào hoa này là một chuyện tình cờ. Năm 1992, Bé lúc đó được 18 tuổi từ giã gia đình lên giúp việc nhà cho một người bà con ở Phan Thiết. Vừa lúc đó, tỷ phú Larry mê cảnh đẹp Phan Thiết nên bỏ tiền ra mua lại khách sạn Vĩnh Thủy rồi đầu tư hàng chục triệu đô để biến thành khách sạn bốn sao Novotel Coralia Oceane Dune với sân gôn 18 lỗ. Cô Bé được bạn bè chỉ dẫn làm đơn xin vào làm trong khách sạn này tuy một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết. Vậy mà cô được thu nhận làm bồi phòng. Được no đủ sung sướng, cô Bé bỗng phổng phao đẹp đẽ và lọt vào mắt của tỷ phú Larry tuy cô chẳng biết ông này là ông chủ của cô. Sở dĩ như vậy là vì tỷ phú Larry chỉ thích mặc quần jean áo thun hết sức bụi bậm. Trong một lần dọn phòng, Bé đã trao đời con gái cho người chỉ thích mặc quần jean hết sức bình dân và thích con gái bản xứ các nơi ông tới đầu tư. Họ ăn nằm với nhau nhiều lần nhưng Bé vẫn chỉ là một cô hầu phòng. Thỉnh thoảng ông dúi cho cô Bé ít tiền túi. Rồi Bé mang thai. Mang mặc cảm lại khí khái không muốn bám vào người giầu có, Bé lẳng lặng bỏ về quê ở Tân Xuân. Tỷ phú Larry có phái người đi tìm nhưng không có duyên gặp lại. Khi Bé sanh, cha của cô đi khai sanh, chỉ biết lờ mờ tên của Larry mà chẳng biết viết ra sao nên đứa nhỏ mới có cái tên Nguyễn Bé Lory! Sau những cuộc dàn xếp căng thẳng, Nguyễn Bé Lory sẽ nhận được 40 triệu đô nhưng phải chờ tới khi đủ 18 tuổi mới được hưởng số tài sản này. Trong thời gian chờ đợi, mỗi tháng cô Nguyễn Thị Bé sẽ nhận được 5 ngàn đô để nuôi con. Theo tính toán của các nhà tài chánh thì cho tới năm 2012, năm Lory đủ 18 tuổi, số tiền bé nhận được cộng với tiền lời sẽ là 60 triệu đô. Ngoài ra khi các nhà quản lý di sản giải ngân gia tài của Larry thì Lory sẽ nhận được thêm một khoản tiền nữa. Hiện hai mẹ con đang sống tại một nơi không được tiết lộ ở Mỹ.

Trong một lần tới chơi Thượng Hải cùng một số bạn bè, chúng tôi đi coi một show văn nghệ khá hấp dẫn. Khi ra về, thấy trước cửa rạp hát có một khu chợ đêm rất vui, chúng tôi rủ nhau đi dạo. Bất ngờ, một chú bé kháu khỉnh đi ăn xin nhưng ăn mặc rất sạch sẽ, chừng bốn, năm tuổi chạy tới ôm cứng chân tôi. Tôi làm đủ cách mà không thể nào thoát ra được. Bà xã tôi và bạn bè phùng mang trợn mắt dọa cũng chẳng ăn thua chi. Một anh bạn cười cười nói : “Này ông, có con rơi con vãi thì nhận đi cho rồi!”. Tôi hiên ngang trả lời : “Có thì nhận ngay chứ sao. Sợ chi!”. Tôi mạnh miệng như vậy vì biết mình chẳng phải là tỷ phú, lo chi chuyện chia chác. Nhưng vững bụng hơn cả là vì có DNA. Hắn chẳng bao giờ biết nói dối!

10/2009