35 năm nhạc Từ Công Phụng

Đọc "Mùa Gặt Giữa Hư Vô" của Dương Kiền

Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000

Giới thiệu tập truyện "Dì Thu" của Trang Châu

Với Lê Uyên & Phương

Nguyễn Đông Ngạc, một đi...

Chút kỷ niệm với Văn Học

Lớp người hẩm hiu

Quê hương, tình yêu trong thơ Luân Hoán

Thơ Bích Xuân

Nhắc nhớ Chu Văn An

Cái tâm trong nhạc

Luân Hoán - Thường ngày

50 năm Chu Văn An

Nguyễn Tuấn Hoàng - Hoa cuối mùa

Biết đâu đấy

Thầy Chương

Nhẩy Dù

Với Lê Uyên Phương và ĐàLạt

Yến

Kỳ

Hệ Lụy

Khi đến San Jose

Phụng, trở lại với đời

Đọc "Đất Thiên Thai" của Trà Lũ

Lệ Trăng

Hân

Tiễn Nguyễn Mộng Giác

Phan Ni Tấn,, người bắt cái đẹp

Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát

Hoàng

Viết cho Nghiêm

Hoàng Xuân Sơn, rất Huế

Võ Kỳ Điền, nối lại cuộc chơi

Ghi vội khi đọc "Pulau Bidong" của Võ Kỳ Điền

Những tháng ngày buồn

Đọc "Đứng Ngẩn Trông Vời" của Hoàng Quân

Hai lần gặp Võ Phiến

Biết đâu đấy 30-4

Một chuyến đi lỡ

Một năm Nguyễn Xuân Hoàng

Phan Ni Tấn và Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

Thành Tôn, một đời mê sách

Viết Cho Chu-Văn-An

Du Tử Lê, rất riêng

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Bùi Quyền, đã sống như thế

"Trăm cây nghìn cành" của nhà thơ Triều Hoa Đại

Đọc "Bãi sậy chân cầu" của Khánh Trường

Phạm Xuân Đài và "Đi, Đọc và Viết"

Hà Túc Đạo, người của số mạng

Nhớ Thẩm Dương

Vĩnh biệt Lệ Thu

Đọc "Bốn Biển Là Nhà" của Nguyễn Lê Hồng Hưng

Đọc "Thành Tôn, một đời thắp tình"

Hồ Đình Nghiêm, Tập 2

Giới thiệu "Tuyển Tập Thơ Đức Phổ"

Đọc "Ăn mà không chơi" của Đỗ Duy Ngọc

Đọc "Chuyện gần chuyện xa" của Võ Kỳ Điền và Nguyễn Minh Ngọc

Trường Kỳ: sống để ăn

Ông văn nghệ

Đọc "Lang thang trên phím chữ" của Đỗ Cẩm Sơn

Đọc "Ngô Thế Vinh, bằng hữu và văn chương"

Lướt qua "Đường Chữ Sau Lưng" của nhà thơ Luân Hoán

Đọc "Hư Ảo Cõi Hương" của Luân Hoán

Cảm theo "Liên Hoa Thi" của Luân Hoán

Đọc "Thơ Khánh Trường"

Trần Hoài Thư, trên những gian nan

Nguyễn Tiến Đức, bạn tôi

Đọc "Cùng Nhau Đất Trời" của Khánh Trường

"Mượn Dấu Thời Gian" của Phan Nguyên

NGUYỄN TIẾN ĐỨC, BẠN TÔI

Đức vừa giã từ bạn bè vào ngày 25/6/2024. Tôi và bạn bè lớp Đệ Tam C của Đức tại Chu văn An niên khóa đầu tiên sau ngày di cư vào Sài Gòn lại hụt một chỗ ngồi mỗi khi tôi qua Cali thăm bạn bè. Thường có mặt là Trần Huy Bích, Trần Minh Công, Đỗ Xuân Triều và Nguyễn Tiến Đức. Mỗi lần  nhìn thấy nhau là một lần ghi khắc trong lòng. Dễ gì sau 60 năm cùng ngồi trên ghế nhà trường mà còn được gặp nhau. Từ nay các buổi hội ngộ lâu lâu mới có sẽ hụt mất Đức.

Lóng sau này Đức cũng bệnh nọ tật kia như lũ bạn già chúng tôi. Chuyện thường. Nhưng Đức không mượn bệnh mà bỏ anh em. Anh chớp nhoáng cưỡi hạc qua miền miên viễn bằng một cơn nhồi máu cơ tim. Lối đi nhanh chóng, dứt khoát, không chút vướng bận thân xác là niềm mơ ước của mọi người một khi phải ra đi. Phải kể bạn tôi may mắn. Đức và tôi là bạn…đúp. Bạn học và bạn văn.

Mỗi khi gặp tôi, Đức bao giờ cũng tìm được một khoảng thời gian để nói chuyện chữ nghĩa với nhau. Từ độ chúng tôi còn tuổi thanh niên ở Sài Gòn. Ngày đó, tôi mặn tay làm báo, viết văn lai rai cho các báo văn nghệ tại Sài Gòn. Một bữa chúng tôi bàn nhau về việc viết truyện ngắn, Đức và tôi đồng ý truyện phải được đẩy nhanh và tạo bất ngờ liên tục cho tới kết. Ý kiến này không mới mẻ chi nhưng khác với nhiều tác giả thời đó rất rề rà làm văn. Chúng tôi thử nghiệm bằng cách bàn thảo và đưa ra một cốt truyện. Xong, Đức đẩy cho tôi viết. Lúc đó mực trong cây viết của tôi rất trơn tru nên tôi chấp bút. Truyện “Tiếng Nước Dội” được tôi viết, đăng trên Thời Nay được nhiều độc giả khen ngợi.

1

Đức là người có nhiều sáng kiến và có một lối sống rất nghệ sĩ. Thập bát ban văn nghệ, anh hầu như muốn thử hết. Anh loanh quanh sau hậu trường sân khấu, trong các đoàn làm phim, viết lách hết thơ tới truyện, lúc nào anh cũng lơ mơ sống, lúc nào trong đầu anh cũng có chuyện này chuyện kia lấn cấn. Tôi không biết anh có chơi đàn hay vẽ vời chi không nhưng cái chi dính tới văn nghệ là anh nhào vào. Em trai anh là nhạc sĩ chơi guitar bass trong các ban nhạc trẻ hồi đó mới đây đã tiết lộ là chính Đức đã khuyến khích và tạo điều kiện cho chú em khi đó mới 14 tuổi thành nhạc sĩ. Chú ruột anh là họa sĩ Vị Ý với những bức tranh có nét riêng rất được giới bạn bè và khách thưởng ngoạn tán thưởng. Có lần anh dắt tôi vào quán cà phê Lú bên Thị Nghè của Vị Ý trang trí đầy nghệ thuật. Không biết ông cháu có góp một tay vào công trình này không. Thuở học sinh Chu văn An cùng với Trưng Vương tổ chức tại rạp Đại Nam một buổi văn nghệ gây quỹ giúp nạn nhân của một vụ gì đó tôi quên mất, anh kêu tôi giúp anh sau hậu trường sân khấu. Để tạo âm thanh và ánh chớp cho một màn kịch, anh phân công tôi đứng rung và cà tấm tôn, đập liên tục làm sấm. Chớp anh thực hiện ra sao tôi không biết vì anh phân công cho một bạn khác phụ trách. Sau này, anh có lần đi theo đoàn làm phim Hè Muộn một thời gian. Cái chi dính tới văn nghệ anh đều hào hứng nhào vào. Ngày tôi qua Cali ra mắt sách, anh quay phim. Thấy anh vác chiếc máy tuy nhỏ nhưng không phải không nặng trong mấy tiếng đồng hồ, chạy góc này góc kia để thâu vào những hình ảnh đắt nhất, tôi thấy ái ngại nhưng anh bỏ nhỏ vào tai tôi: “Tớ thích mà!”. Chắc anh thích thật vì có lần đi ăn với anh tại Little Saigon, gặp ca sĩ Thanh Hà, tôi thấy họ vồn vã với nhau. Hỏi ra mới biết anh chụp hình nghệ thuật cho cô ca sĩ này. Anh chỉ có hai tay nhưng với tới bất cứ bộ môn nghệ thuật nào. Chỉ tiếc một điều là anh như một chú bướm, vờn chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Bướm nhởn nhơ nên ghé vào hoa này một chút, hoa kia một chút, ít để lại dấu ấn trên hoa. May ra sau này, anh đã có lúc chuyên chú vào chuyện viết lách. Mỗi khi tôi qua Cali gặp anh, lần nào như lần nấy, anh ôm theo một tập bản thảo, say sưa nói về các sáng tác mới nhất của anh.

Tôi nghĩ khi đã mệt mỏi, anh mới yên ổn với chữ nghĩa. Anh luôn tìm và làm mới chữ nghĩa trong các sáng tác anh cho tôi đọc. Phải thú nhận là rất nhiều lần tôi không theo kịp những bay nhảy của anh. Anh như sống trong thế giới của riêng anh, xài những con chữ của riêng anh, bay bổng một mình, không cần biết tới người đọc. Tôi nhiều khi lúng túng với những trang giấy anh chắt chiu chữ nghĩa và đưa tôi đọc như muốn tôi chia sẻ. Anh in được hai cuốn sách mỏng, một cuốn thơ, Gõ Lên Niềm Im Lặng, và một cuốn anh gọi là “phiến văn”, Những Sinh Vật Trong Bộ Nhớ. Anh gửi cho tôi cả hai cuốn. Tháng 11/2022 tôi ghi nhận cuốn này trên Facebook như sau: “Anh là một nghệ sĩ thứ thiệt. Suốt đời anh luôn tìm tòi cái mới trong các ngành nghệ thuật. Anh xông xáo vào thơ văn, hội họa, nhiếp ảnh, phim ảnh. Hình như cái chi dính tới nghệ thuật anh đều muốn xả thân vào. Một nghệ sĩ sáng tạo luôn có những ý tưởng mới, Nguyễn Tiến Đức cũng vậy. Tôi thân với anh từ ngày cùng học tại Chu văn An sau khi di cư vào Nam. Ngay từ những ngày còn ngồi trong ghế nhà trường anh đã có nhiều ý tưởng mới trong các buổi sinh hoạt trình diễn của học sinh Chu văn An và Trưng Vương. Sau này, trong những lần qua Cali, gặp anh, anh vẫn say mê nói về những ý tưởng mới, đầy sáng tạo, trong sáng tác. Anh đã in thơ, nay anh in văn. Cuốn “Những Sinh Vật Trong Bộ Nhớ” gồm 24 đoản văn mà anh gọi là “phiến văn”. Như tựa đề cuốn sách, anh đề cập tới chuồn chuồn, chim, đom đóm, cá, mèo, quạ, dê, kiến, cánh cam, ễnh ương, ong, voi, cua, bướm, phượng hoàng, ve sầu, bọ, rùa, châu chấu, lợn. Toàn những…bạn tuổi nhỏ của chúng tôi. Những con vật này không được anh nói tới dưới khía cạnh sinh vật học mà như một nỗi nhớ. Nỗi nhớ bắt nguồn từ tuổi thơ nhưng đậm đà trong suốt cuộc sống. Những “phiến văn” này là những vết cắt của cuộc sống. Như một khối ngọc được anh cắt, bê ra từng mảnh, cho chúng ta nhìn ngắm chúng và suy nghĩ về cuộc đời”.

2

Trong tập thơ “Gõ Lên Niềm Im Lặng”, tôi bắt gặp nhiều đoạn thơ rất riêng hơi thở anh. Tôi phải mất rất nhiều bối rối khi muốn trích chỉ một bài thơ của anh trong tập thơ vỏn vẹn 110 trang này:

theo dấu bướm chập chờn
anh bắt con bướm thảng thốt
rồi thả bướm cho rừng
chỉ để lại trên hai ngón tay anh
lớp phấn mỏng bôi lên mí mắt em
làm phấn mí lạ
cái eye shadow của trời
không bày bán ở Saks Fifth Avenue

lúc trở về thành phố
anh và em qua một nghĩa địa
có cánh đồng dâu chưa mang quả
anh chợt hôn môi em
môi em chín căng
thay quả dâu trước mùa trĩu quả
em làm dấu thánh giá hai lần

một lần cho em
một lần cho anh.

Như một bạn học, tôi có thân tình riêng với Đức. Căn nhà rộng lớn trên đường Duy Tân của gia đình anh là nơi tôi thường lui tới. Đậm kỷ niệm. Tại nơi đây tôi đã tập những bước nhảy đầu tiên và được bạn bè của anh bao đi nhảy lần đầu tại vũ trường. Căn nhà này như nhà…làng. Bạn bè lui tới tấp nập. Tôi đã ngồi coi em anh, Tiến Chỉnh, và ban nhạc tập dượt, đã từng lê la ăn uống chuyện trò tán phét với đám bạn lúc nào cũng đông đảo của anh và tôi. Tôi hầu như quen biết với cả gia đình mà anh là con cả với đám em lóc nhóc tới con số chục của anh, trừ những cô cậu bé loắt choắt lao nhao như một đàn chim chơi đùa ngoài sân. Và trừ thân phụ anh. Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu sao chưa bao giờ tôi gặp ông tuy rất có duyên với cả gia đình. Mẹ anh là một người có khuôn mặt nhẹ nhõm dễ mến, lúc nào cũng trân quý bạn bè của con. Sau này, khi tôi làm tại Bộ Xã Hội, bà thường lui tới văn phòng tôi khi bà phụ với nhà chùa làm từ thiện. Tôi đã dự đám cưới của các em anh như người trong nhà. Em kế của anh, Nguyễn Tiến Thịnh, một Chánh Sự Vụ của Đài Truyền Hình, cưới vợ nhằm đúng một cô nhân viên của một hội thiện ngoại quốc tại Việt Nam hầu như lui tới văn phòng tôi hàng ngày vì công việc. Em gái anh, Cẩm Khanh, khi làm Tham Vụ tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Manila gặp đúng lúc tôi đang theo học tu nghiệp dài hạn tại đây. Trong các dịp lễ Quốc Khánh và Tết, Cẩm Khanh phụ trách văn hóa tại tòa Đại Sứ, đã cùng tôi và các sinh viên Việt Nam tại University of Philippines, tổ chức các cuộc triển lãm và văn nghệ rất thành công, giới thiệu văn hóa và đất nước Việt Nam với các sinh viên và quan khách ngoại quốc.

Trong một lần tôi tới Cali nhằm dịp Giáng Sinh, Đức đã kéo tôi tôi nhà khi gia đình anh họp mặt mừng lễ. Tôi gặp lại mọi người sau nhiều năm xa cách. Như gặp lại những người thân trong gia đình. Chỉ tiếc một điều là mẹ anh khi đó đã quên và lẫn nên không nhận ra tôi.

Dễ chừng đã năm sáu năm nay tôi không qua Cali, kể từ thời Covid tới nay. So với thời gian bạn bè của tôi với Nguyễn Tiến Đức, số năm này như con số lẻ, chẳng ăn thua chi nhưng chỉ trong một sát na của thời gian ngắn ngủi này, Đức đã chuồn đi. Xa Đức nhưng tình bạn của tôi và bạn bè đồng môn ngày xưa của Đức vẫn gần. Phải không, hỡi Trần Huy Bích, Trần Minh Công, Đỗ Xuân Triều? Có chút chuyện muốn nhờ các bạn: thắp giùm tôi một nén nhang trong ngày các bạn có mặt tiễn Đức đi xa.

06/2024