Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

BÃO

Bây giờ là cuối mùa bão tại các vùng châu Á, bão Durian vừa tự tung tự tác tại miền nam Việt Nam, để lại bao nhiêu là thiệt hại về tài sản và nhân mạng. Bão là…bão! Nghĩa là kinh khiếp lắm. Chúng ta từng sống trong nước chắc đã từng có kinh nghiệm về những cơn bão giật, những trận gió long trời lở đất. Ai sống ở miền Trung thì tâm trí còn quay cuồng với bão hơn. Hầu như chẳng năm nào mà chúng ta chẳng được nhắc nhở cứu lụt miền Trung. Bão là thứ không những con người mà con chim, con kiến, con chuồn chuồn, chẳng một sinh vật nào ưa.

Đường sẽ vắng nếu trời bão nổi
Cánh cửa nhà sập lại trước khi mưa
Con chim tìm tránh bão sẽ về xa
Con kiến nhỏ cũng ẩn mình trong tổ
Không còn trời xanh
chỉ mưa và gió
Những dòng sông không nhà cửa miên man
Và mây, mây khắp chốn lang thang
Chặn bốn phía những cỏ cây tội nghiệp
Cho cơn lốc dữ tợn về bẻ nát
Trái đất này sẽ nhấn chìm trong mưa
Không tìm đâu một chỗ nương nhờ!
Mỏng manh thế chịu làm sao nổi
Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
Trời bão lên rồi mày ở đâu?

( Xuân Quỳnh )

Thơ bão của một nhà thơ nữ nên bão nghe ra cũng hiền hơn những cơn bão ngoài đời. Người nữ tượng trưng cho sự mềm mại, hiền thục, nhu mì nhưng tên bão sao lại thường mang tên người nữ. Nghe ra cắc cớ làm sao! Nhiều bà đã không hài lòng coi việc đặt tên này là một sự xỉ nhục dân phái yếu. Thực ra những ngưòi đầu têu cho việc đặt tên phái nữ cho những cơn bão không đáng tội đến thế. Họ là những quân nhân làm việc trong đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải Quân Mỹ trong Thế Chiến Thứ Hai. Hễ anh nào khám phá ra trước được một trận bão thì lấy tên vợ hay tên người yêu để đặt tên cho trận bão đó. Một cử chỉ thương yêu gửi về cho những người nữ thân thương nơi hậu tuyến. Nỗi nhớ đó không được mọi người hiểu cho. Chỉ vì cái tính…sư tử Hà Đông của bão. Bão tới ào ạt như một trận đánh ghen thừa sống thiếu chết. Cơ Quan Khí Tượng Hoa Kỳ không biết cái sự bão nó…bão tố như vậy nên từ năm 1953, chính thức cho đặt tên các trận bão bằng tên các bà các cô. Thế có lộn tiết không! Mãi 26 năm sau mới có bình đẳng. Năm 1979, Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới và Cơ Quan Khí Tượng Mỹ đồng ý từ nay về sau đặt tên cho bão bằng cả tên đàn ông lẫn tên đàn bà. Vậy là đề huề!

Vùng lòng chảo Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bỗng ly khai truyền thống đặt tên bão bằng tên người vào ngày đầu năm của thế kỷ mới, ngày 1/1/2000. Chẳng tên đàn ông mà cũng chẳng tên đàn bà cho hết rắc rối. Cứ những thứ không biết cãi mà đặt tên. Thế là 14 thành viên của vùng Á Châu này dùng những tên hoa, tên chim, tên trái, tên cây cỏ hoặc ngay cả tên các món ăn truyền thống của họ để gán cho bão. Châu chấu, chuồn chuồn, chim chóc, hướng dương, thược dược, sơn ca…được làm hình nhân thế mạng cho người. Vì vậy nên mới có cơn bão…Sầu Riêng đang hoành hành tại Việt Nam. Durian đích thị là sầu riêng chứ còn gì nữa. Tên này do anh Thái Lan đặt! Chắc để quảng cáo thứ trái cây mà họ xuất cảng đang nằm tràn lan trên các phố Tầu nơi có người Việt Nam định cư! Mười bốn thành viên, mỗi thành viên được đặt 10 tên. Như vậy là 140 tên. Xài hết thì lại đặt tiếp. Những tên bão loại…cải tiến này cũng không theo truyền thống cũ là theo thứ tự ABC mà theo tên nước. Nước nào có tên vần trước thì được dùng tên của nước ấy đề nghị trước. Kết quả là anh Campuchia đứng đầu danh sách. Trọng tài ghi tên từng cơn bão là Trung Tâm Bão Nhiệt Đới Tokyo, Nhật Bản cầm còi. Tất cả tên các cơn bão được cúng gà xôi tại đây. Việt Nam ta đặt những tên gì? Đó là: Saomai, Lekima, Bavi, Conson, Sonca, Trami, Halong, Vamco, Songda, Saola. Vì phải hội nhập vào quốc tế nên những Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi…chẳng dấu diếc gì cả!
Dù mang tên gì đi nữa thì bão vẫn như con ngựa bất kham hăng say tàn phá tất cả các vùng đất mà chúng quét qua. Có cơn bão nhỏ, có cơn bão lớn. Theo sự sắp xếp quốc tế thì bão có 5 cấp tùy theo sức gió. Cấp một có sức gió từ 118 đến 153 cây số/giờ; cấp hai từ 154 đến 177 km/giờ; cấp ba từ 178 đến 209 km/giờ; cấp bốn từ 210 đến 249 km/giờ và cấp năm được gọi là siêu bão có sức gió trên 250 km/giờ. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 70 cơn bão lớn nhỏ. Mùa bão ở Việt Nam từ tháng sáu đến tháng mười hai mỗi năm. Bởi vậy thi sĩ Nguyên Sa có tinh thông khí tượng khi ông…thơ:

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận.

Và khi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc bài thơ này thì cả nước ngày đêm cầu cho…bão về! Thế có chết không chứ?

Đổ tội như vậy kể cũng oan cho hai ông sĩ này. Chẳng cầu thì bão vẫn cứ về. Cứ có đủ điều kiện lót ổ là sinh ra bão. Có hai điều kiện để hình thành một trận bão là sức nóng và độ ẩm ướt. Các vùng nhiệt đới là nơi có nhiều bão vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50 thước dưới nước. Nước nóng tạo nên tình trạng bốc hơi mạnh mà sự bốc hơi chính là nhiên liệu của bão. Hơi ẩm này bốc lên cao có khi tới 20 cây số. Ở đó khí sẽ trở nên lạnh và cô đặc khiến những đám mây bão trở nên lớn hơn. Khi khí lạnh trở xuống, nó lại hút đầy khí ẩm và nóng với một tốc độ rất cao. Nước càng nóng, guồng máy nhiệt độ càng lên cao và gió cũng tăng tốc làm bão tăng sức mạnh. Sức mạnh của bão nhiều khi có năng lượng lớn tương đương với sức nổ của 5 trái bom hạt nhân/ mỗi giây. Vì bão cần có hơi nước nên thường thì bão giảm dần khi vào đất liền và chỉ trong vài ngày là tự tan. Khi bão đổ bộ vào đất liền là nơi nhà cửa, dân chúng đông đảo thì chúng ta phải làm gì để hạn chế những thiệt hại do bão mang tới? Dĩ nhiên chúng ta chẳng thể lấy sức người để chống lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Thua đi thôi. Tránh…bão chẳng xấu mặt nào! Chúng ta chỉ có thể tự vệ bằng cách gia cố nhà cửa và…chạy! Vậy mà trong cơn bão Durian vừa qua, báo chí trong nước đã chụp được tấm hình trên một cây cầu nhìn ra biển, dân chúng tụ tập đông đảo để…xem bão! Dân ta quả là có khiếu…nghiên cứu!

Theo dõi bão để thông báo cho mọi người dân trong vùng đề phòng hầu giảm bớt thiệt hại là công việc của cơ quan khí…voi. Ngày nay, nhờ vào những phương tiện kỹ thuật tân tiến, nhất là các vệ tinh nhân tạo, người ta có thể nhìn thấy trước khả năng hình thành một cơn bão từ lúc nó còn trứng nước. Nhưng theo dõi trước được đường đi nước bước của những cơn bão không phải là chuyện lúc nào cũng trúng mặc dầu có những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bão nó ma mãnh hơn con người. Như cơn bão Sầu Riêng vừa tàn phá miền nam Việt Nam vào đầu tháng 12 này. Các chuyên viên dự đoán nó sẽ đổ bộ vào miền nam Trung Phần nhưng nó quay phắt xuống để đổ bộ vào các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long! Báo hại các chuyên viên bị các cấp chính quyền xài xể, bị báo chí chọc quê và bị dân chúng lầu bầu. Tiến Sĩ Hoàng Đức Cường, Trưởng Phòng Khí Hậu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khí Tượng, đi một đường biện minh như sau: “ Sự hình thành, phát triển, suy thoái của một cơn bão có hơn chục điều kiện khác nhau tác động tới nó. Hiện nay chúng ta mới chỉ nhìn được hai điều kiện là nhiệt độ mặt nước biển và không khí lạnh. Các điều kiện khác chúng ta chưa thể nghiên cứu xem nó thuận lợi hay không thuận lợi nên khó lý giải được cụ thể vì sao bão Durian vào đến biển Đông lại tiếp tục mạnh lên mà chỉ có thể khẳng định nội lực của cơn bão này rất lớn. Về việc bão đi dọc bờ biển rồi đổ bộ vào Nam bộ, lý do là sau khi mạnh lên, bão suy yếu gặp lúc không khí lạnh phía bắc tăng cường rất mạnh, cộng với gió đông yếu nên bão đã không đi theo hướng tây tây nam mà bị đẩy lệch hẳn xuống phía nam.”

Bão Durian là cơn bão bất thường. Nghe vậy thì biết vậy. Nhưng ba cơn bão trước đó cũng…bất thường. Đó là bão Xangsene đổ bộ vào Đà Nẵng, khu vực mà từ 40 năm nay không có bão mạnh. Bão Cimaron chạy loạng quạng làm đảo lộn mọi dự báo vì các điều kiện tác động tới đường đi của bão tranh chấp với nhau nên bão bị kẹt! Bão Kai-Tak được các chuyên viên dự đoán đổ bộ vào Quảng Ngãi nhưng nó lại di chuyển tới Đà Nẵng và chạy dọc theo bờ biển. Chạy theo bão vất vả như thế nên cứ bị chúng chọc quê hoài!

nửa đời dự báo không vui
đợi cơn bão tuyết dập vùi tuổi tên
bão cuồng bốc mộ tôi lên
thịt da đổ xuống một miền cỏ hoa
bão còn là bão người ta
một cơn sớm tối ruột rà rối tung

Nhà thơ Hoàng Chính rối tung chứ không phải các chuyên viên khí…voi ở Việt Nam rối tung. Bão ngày nay chúng lăng ba vi bộ quá lắm làm phiền lòng các chuyên viên. Không biết có nên nhớ lại chuyện các anh mù rờ voi ở đây không nhỉ?

Chuyện bão bây giờ đã rối tung lên, mai mốt đây, với hiện tượng trái đất đang nóng dần lên, chuyện bão tố là chuyện trời ơi đất hỡi, biết đường nào mà mò! Theo các chuyên viên quốc tế tính toán thì khi trái đất nóng lên, nhiệt độ bầu khí quyển cũng như trên bề mặt đại dương tăng cao khiến cho hiện tượng bốc hơi tăng và hơi ẩm tích lũy ngày một nhiều trong không khí. Khi khối khí ướt đẫm này di chuyển từ đại dương vào đất liền, các cơn bão hình thành sẽ mang nhiều mưa hay tuyết hơn. Nhóm nghiên cứu Gerald Meehl của Trung Tâm Nghiên Cứu Khí Tượng Quốc gia Hoa Kỳ kết luận: “ Các mô hình cho thấy hầu hết các khu vực trên khắp thế giới sẽ phải đón nhận lượng mưa nhiều hơn trong mỗi cơn bão trong thế kỷ này”. Nghe chữ “thế kỷ” tưởng chúng còn xa lắc xa lơ nhưng chúng ta đã thực sự bước vào thế kỷ mới được tròn 6 năm rồi. Các cuộc nghiên cứu độc lập gần đây đã cho biết những cơn bão nhiệt đới đang trở nên hung hãn hơn mà nguyên nhân có thể là do nhiệt độ nước biển tăng cao. Nghiên cứu của Gerald Meehl cũng phỏng đoán rằng hành tinh của chúng ta sẽ tiếp tục có sự gia tăng lượng mưa trong vài thập kỷ tới, bất kỳ con người có thể thực hiện biện pháp thay đổi nào hay không!

Bão là chuyện của thiên nhiên, tránh bão là chuyện của con người. Khổ cực là cái chắc. Nhưng con người đều có số. Có số đen thì cũng có số đỏ.

Hai anh chàng đang đi leo núi thì gặp bão. Họ vội chạy vào một tòa biệt thự lớn nơi chân núi để xin trú ẩn. Chủ nhân ngôi biệt thự là một góa phụ xinh đẹp và trẻ trung. Bà bằng lòng cho hai cậu thanh niên trú bão nhưng chỉ có thể trú ngoài nhà kho. Chín tháng sau, chàng Nam điện thoại cho chàng Trung:

“ Trung này, cậu còn nhớ cái đêm chúng ta tránh bão trong nhà kho dưới chân núi không?”“ Nhớ! Rồi sao?”
“ Cậu còn nhớ cô nữ chủ nhân xinh đẹp của tòa biệt thự không?”
“ Nhớ! Nói chi thì nói phắt ra cho rồi, cha nội!”
“ Cậu nhớ là đêm hôm đó khi tớ đang ngủ thì cậu lén đột nhập vào phòng cô ấy không?”

Trung lo lắng không biết việc làm của mình đêm hôm đó có hậu quả gì không. Anh bồn chồn hỏi:

“ Nhớ! Có chi không?”
“ Vậy thì chắc cậu cũng còn nhớ là bữa đó cậu đã tránh tội bằng cách nói tên và địa chỉ của tôi với cô ấy chứ?”

Trung xuống nước, giọng ngập ngừng:

“ Tớ phải xin lỗi cậu lần nữa. Lúc đó tớ quýnh quá…”
“ Không, tớ không trách cậu đâu mà còn phải cám ơn cậu nữa là đằng khác. Cô ấy vừa mất và trong di chúc có để lại cho tớ tòa biệt thự đó cùng số tiền 10 triệu đô nữa.”

Nhờ trận bão thiên nhiên, nhờ trận bão…đêm và nhờ cái tính lươn lẹo như bão mà anh chàng Nam vớ bở. Chuyện bão…đêm là chuyện thường xảy ra. Thứ bão nhân tạo này chẳng ai tránh mà cứ xăng xái tìm tới.

Những ngón tay mưa gõ xuống liên hồi,
Lá bối rối
Gọi gió thất thanh về rú dài ngoài cửa,
Cháy lửa, cháy lửa,
Chớp thắp sáng trời,
Sấm động ba hồi,
Mây toạc rách!
Em thắp ngọn nến hồng, mở ra trang sách,
Ôm vào lòng dòng lãng mạn,
Nhạc buồn trôi,
Lũ ốc sên nằm gối đầu lên bia mộ ướt
Nhớ chùm nho xuân thì sướt mướt khóc giữa đêm giông…

( Cổ Ngư )

Bão như thế thì…lậy trời bão nữa lên!

12/2006