Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

THI

Cho tới nay, trên bốn chục năm chẳng còn thi cử gì, tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình đi thi. Những cơn mơ đổ mồ hôi, khi thì không làm được bài, khi thì đi thi mà trong bụng rỗng tuếch chẳng có một chữ, khi thì thấy mình vừa đạp vỏ chuối. Tỉnh dậy, thấy mình già mà sướng! Thi chi nữa!

Chắc chúng ta ai cũng khóc cười với chuyện thi cử. Hoa phượng nở, ve sầu kêu, nắng hè lụa là, tất cả đều đi chỗ khác chơi khi ngày thi gần kề. Những thứ mơ mộng đó chỉ có trong tâm trí những ông nhà văn nhà thơ. Còn trong tâm trí lũ sĩ tử chúng tôi, chỉ có những phương trình, công thức và nhiều thứ nhức đầu khác. Một đời đi học có bao nhiêu lần mang thân ra…thí trường nhỉ? Đời tôi, cuộc đời trường ốc bắt đầu từ giữa thập niên 1940, thi cử còn đe dọa ghê gớm lắm. Cuộc thi đầu tiên, khi hoàn tất lớp 3 tiểu học, là thi Sơ Học Yếu Lược (quả thực tôi không còn nhớ rõ tôi có dự kỳ thi…mini này không!), hết bậc tiểu học thi bằng Tiểu Học. Lên tới trung học, hết lớp Đệ Tứ, thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, hết Đệ Nhị, thi Tú Tài phần một, hết Đệ Nhất, thi Tú Tài phần hai. Lên tới Đại Học thì năm nào chẳng “thi ơi là thi, sinh mi làm chi?”. Trong đời tôi không có bài hát nào rầu rĩ bằng cái bài nức nở những thi là thi của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng. Chỉ cần một bản nhạc này là ông nhạc sĩ đã thành danh!

Lần thi Tiểu Học là lần thử thách sớm sủa nhất. Mới 12 tuổi đầu mà đầu đã…bạc! Nhận được số báo danh thấy mình bỗng lớn nhưng chạm mặt phòng thi thấy mình còn bé. Hôm trước ngày thi, phụ huynh đã lo đưa con em đi coi trường thi trước. Tới ngôi trường xa lạ là đã thấy muốn ướt quần! Dẫn các sĩ tử nhí đến tận bàn ngày thi sẽ ngồi, chỉ con số báo danh viết bằng phấn trắng to tổ chảng trên bàn, các bậc phụ huynh cũng mang tâm trạng lo lắng như con em. Tuổi xanh đã tội tình chi!

Chưa “hè về, hè về!” được với ông Hùng Lân thì đã lại lều chõng lên đường thi vào Đệ Thất trường công. Đây là kỳ thi tuyển, mạnh ai nấy chen chân. Phải đánh ngã tên ngồi bên cạnh mới hy vọng có chỗ ngồi cho 7 năm Trung học. Gian truân tăng thêm một bậc! Thử theo chân nhà văn Phùng Nguyễn đi…dò số! “Chen lấn mãi mới đến gần được tấm bảng gỗ có dán danh sách thí sinh trúng tuyển, tôi dự định sẽ đọc cái danh sách từ dưới lên, chừng năm mươi hàng mà chưa thấy tên mình thì tốt hơn chui trở ra cho đỡ mất thì giờ. Ai dè mới đọc được có mấy hàng đã thấy tên mình. Tôi dụi mắt hai ba lần, đọc lại cho kỹ vẫn thấy tên mình còn sờ sờ ở đó bèn mừng rỡ mở một đường máu chui ra khỏi cái đám con nít đang xô đẩy nhau, chửi mắng nhau, la hét, cười khóc ồn ào như cái chợ nhỏ. Thằng bạn cùng làng cũng vừa mới thoát ra khỏi cái đám đông hỗn tạp, mặt mày tái mét, thở hổn hển hỏi tôi; “Bộ mày đậu rồi hay sao mà nhảy tưng tưng vậy?” “Đậu rồi! Còn mày?”
(Phùng Nguyễn, Tháp Ký Ức)

Vác bút đi thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, kinh nghiệm đã có, tuổi đời đã nhỉnh thêm, các cô cậu không còn như mán ra tỉnh nhưng máu run vẫn nằm vùng. Thi xong, thường thì ít có thí sinh dám đi coi bảng kết quả một mình. Hoặc rủ nhau đi từng đoàn cho có khí thế. Hoặc ngồi nhà lo lắng đi ra đi vào nhờ người khác đi coi dùm. Ít nhóc tì nào có can đảm như nhà văn Phùng Nguyễn! Con ma thi nó hành hạ thân xác bé nhỏ quá lắm!

Thi Tú Tài Một thì đã biết thức khuya dậy sớm dùi mài kinh sử, đã biết uống Maxiton để chống mắt làm lơ với những cơn buồn ngủ, đã biết cách xuống kí cho hợp thời. Và nếu là đực rựa thì đã cảm thấy lằn ranh giữa đời học sinh và đời lính tùy thuộc vào những miệt mài và may rủi.

 

Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Mai đây xong chuyện nước non
Anh về đã có Mỹ con anh bồng!

Tú Tài Hai là tú tài…chuyên nghiệp! Ban nào ra ban nấy, đi thi cũng chỉ thi những môn thuộc ban đã chọn. Tôi học ban Văn chương C nên thi ba môn. Một bài luận Triết, một bài luận Anh Văn, một bài luận Pháp Văn. Chấm hết! Chấm như vậy cũng dễ chết! Bài viết hay lắm cũng chỉ 13, 14 điểm là nhiều. Chẳng ai dám mơ ước tới cái điểm vắt vẻo đó. Thường chỉ từ 10 tới 12 nếu làm bài được. Bài làm không vừa ý giám khảo lắm thì rất dễ được phê con số 8. Vô phúc hơn nữa thì điểm chìm sâu xuống ngóc đầu không lên. Lấy gì mà bù vào đây cho đủ 30 điểm trung bình cho ba bài. Cái cầu thi cử sao nó lắt lẻo quá chừng chừng! Qua được kỳ thi viết là một tiết mục dựng tóc gáy trong các kỳ thi Tú Tài Một cũng như Hai, tiết mục thi vấn đáp. Trò chơi này đầy may rủi và héo hắt con tim. Thi vấn đáp tất cả các môn học, môn chính cũng như môn phụ. Đầu óc nhộn nhạo những kiến thức lung tung xòe và phải đi “thăm” các Giám Khảo liên tu bất tận từ phòng này qua phòng khác. Mỗi “ông thần” ngồi một phòng, mỗi ông mỗi tính, mỗi ông mỗi chiêu thức, đầu óc thí sinh như con quay ngả nghiêng chẳng lúc nào giữ được thăng bằng.

Kỳ thi Tú Tài Một, vấn đáp môn Pháp Văn, tôi rơi vào đúng Giáo Sư VVL, một hung thần nổi tiếng. Dân thi cử đã có thành kiến là gặp ông VVL thì…lúa đời! Vừa bước vào phòng, ông đang…hỏi cung một thí sinh trên bàn thi, tôi nghe được một giọng hét tá hỏa: “Nếu anh là con tôi, tôi đã tát cho anh một cái rồi!” Tôi ngồi sửa soạn bài mà run như cầy sấy. Vậy mà chẳng biết nhờ phúc lộc ở đâu mà tôi tai qua nạn khỏi môn này. Về sau một tên bạn thân của tôi đã lấy con gái ông. Tôi hỏi sao hắn dám cả gan vậy, hắn chỉ cười.
Một Giáo Sư khác, thầy BĐT, môn Sử Địa, có chiêu lạ lắm. Thầy luôn luôn cười nói rất dễ thương, đang run mà nhìn thấy thầy cũng ấm bụng nhiều. Thí sinh vừa kéo ghế ngồi, thầy nhỏ nhẹ bảo đọc lại câu hỏi đã rút được. Xong thầy trả lời dùm. Cứ vểnh tai ngồi nghe thầy diễn tả trận vua Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà đánh quân nhà Thanh với những nghi binh, những Đô Đốc này Đô Đốc kia điều binh khiển tướng như thế nào, cánh quân tả quân hữu tiến thoái ra làm sao. Nghe mà say mê cứ như nghe kể chuyện chưởng Kim Dung. Nghệt mặt nghe thầy kể một hồi, thầy ôn tồn hỏi. Có phải vậy không anh? Gật đầu ngay, thầy nói thì sai làm sao được. Bắt được câu trả lời: “Dạ phải!” của thí sinh, thầy vẫn với giọng ôn tồn nói tiếp. “Sai rồi anh. Cám ơn anh!”. Thế là lúa một cuộc thi.

Vấn đáp Tú Tài Hai, môn Anh Văn, tôi gặp một…hiện tượng. Giáo sư ĐKH! Lúc đó ông còn rất trẻ và là Giáo sư nổi tiếng. Trẻ và nổi tiếng là điều hay cho ông nhưng là điều không hay cho thí sinh vào thi vấn đáp với ông. Ông kiêu quá! Mặt ông kênh kênh, sẵn sàng lớn giọng. Tôi bắt thăm được tác giả nhà thơ John Keats. Câu hỏi: “Anh biết gì về John Keats?” Tất cả kiến thức về nhà thơ nổi tiếng của Anh này, thí sinh chỉ biết qua cuốn sách giáo khoa L’Anglais Vivant, Deuxieme Beige, là cuốn được dùng trong chương trình giảng dậy suốt niên học. May mà tôi rất thuộc bài. Tôi nói tất cả những gì được học về John Keats một cách trôi chảy. Nghe xong, ông cười mỉa mai. Đó là những điều tầm thường về John Keats, tôi muốn anh nói thêm nữa. Chữ nghĩa đâu mà thêm với thắt? Vốn liếng nhà trường trang bị cho chỉ có vậy, xài hết lấy gì mà so được với thầy. Tịt! Tới môn phiên âm Phonetics, thầy bảo lên bảng viết. Và thầy đọc: Đầu cành lửa lựu lập lòe đâm bông. Anh phiên âm làm sao cho người ngoại quốc họ đọcđược câu Kiều này. Cụ Nguyễn Du ơi! Sao cụ làm khó nhau đến thế! Học phiên âm trong lớp thì chỉ phiên âm chữ Hồng Mao, đi thi làm sao vẽ ra phiên âm quốc tế cho Tây chúng đọc được Kiều đây! Bèn lủi thủi ra về với số điểm 3/20. Rớt là cái cẳng! Có điều tất cả các thí sinh vào thi vấn đáp với “ông thần” này đều rớt hết. Trong đợt thi kỳ hai năm đó, ông Giáo sư thích làm khó thí sinh đã bị cấm chấm thi!

Trường hợp sau này, tôi không gặp nhưng em tôi gặp. Đó là Giáo sư hỏi thi vấn đáp nhờ nhau đánh rớt những học trò của chính mình bị mình trù trong niên học. Thí dụ như ông Giáo sư A ghét một học sinh học với mình vì một lý do nào đó, khi biết học sinh này được vào vấn đáp, ông tìm tới ông Giáo sư bạn của ông được chỉ định hỏi vấn đáp em này, công khai nói nhỏ vào tai vị này để đánh rớt. Ông nhà giáo dậy Pháp Văn LTN đã làm như vậy trong trường hợp em tôi. Và em tôi đã rớt thiệt tuy trả lời được. Cái hậu của chuyện này khá bất ngờ. Khi miền Nam mất, ông Giáo sư đánh rớt em tôi vì…tình bạn cùng phải vào trại cải tạo với em tôi. Hai người nằm chung một đội. Ông kết thân với em tôi mà không ngờ đó chính là người thí sinh đau khổ mà ông hủy hoại cả một năm học của người ta một cách khơi khơi. Tình bạn của hai người kéo dài tới ngày nay ở bên Mỹ mà em tôi không bao giờ hé răng nhắc tới chuyện cũ!

Thi cử dĩ nhiên phải có kẻ cười người khóc. Đỗ và trượt là hai thái cực. Như thiên đàng và địa ngục. Ngự trên thiên đàng dĩ nhiên thích thú hơn nhưng đã mang lấy nghiệp thi cử vào thân mà chưa biết trượt là một điều thiệt thòi. Đó là cái thú đau thương phải có trong cuộc đời đèn sách.

 

nghe nói em vừa thi rớt Luật
môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời
mắt công nương thầm khép mộng- chân- trời
xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(dù thật sự cũng đáng đời em lắm
rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
ta—thằng ôm hận tú tài đôi
không biết tìm ai mà kể lể
chim lớn thôi đành cam rớt lệ
ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
(Nguyễn Tất Nhiên)

Muốn biết đậu rớt phải đi nghe kết quả. Đây là trò rớt tim! Khi ông Chủ Tịch Hội Đồng Chấm Thi ọ ẹ lên tiếng thử micro là mặt nào mặt nấy cắt không còn hột máu. Tên và số báo danh của những người bảng hổ đề danh được xướng lên theo thứ tự của số báo danh. Tim loạn nhịp khi gần tới lượt số báo danh của mình. Con đường đi của số báo danh là con đường nhiều ổ gà, lắm chông gai. Thường thì nó cứ nhảy loi choi, có khi nhảy luôn một lèo mấy chục số, diễn nghĩa ra là cả một phòng thi rớt hết. Ít khi nó trơn tru đằm thắm theo thứ tự liền lạc. Tới số của mình mà nó chơi trò nhảy phốc một cái sang những số sau có nghĩa là mình…tới số! Mặt tái mét, chân đứng không vững, đất trời như chao đảo, con người vừa xảy chân xuống địa ngục lẳng lặng ra về. Về đâu? Biết về đâu! Nơi nào cũng đen nghịt. Có khi muốn lao đầu vào chiếc xe đang phóng ngang qua, có khi nhìn mặt nào cũng thấy đáng ghét, có khi phố phường bỗng vô duyên tệ, có khi mắt chẳng nhìn thấy gì, cái hỏa ngục này quả là có thật!

Thời tôi còn mang nặng nghiệp bút nghiên, chục người thi chỉ có từ một đến ba người số báo danh được đọc lên. Còn thì tiêu tùng hết. Thi cử như không còn là cuộc kiểm tra học lực mà chính là cuộc loại trừ khủng khiếp dã man. Đó là một trò đánh đố mà thí sinh có nhiều rủi ro sẽ nắm phần thua. Mỗi lần học thi là một lần phai tàn nhan sắc. Học ngày học đêm, học đứng học ngồi. Tương lai như một thách đố vượt ngoài sức của con người.

 

Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi.
Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối,
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,
Quyển sách mở sâu đêm.
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỉ.
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ.
(Tô Thùy Yên)

Chiến tranh lởn vởn chung quanh những lần thi. Chiến trường ở nơi xa nhưng chiến trường cũng nằm trong từng trang sách. Muốn có tương lai phải lăn xả ra mà dành, mà giật. Có nhiều cách dành giật. Có những khi bí quá cũng phải giở mánh. Mánh của chúng tôi ngày đó cũng rất hiền. Chỉ là những công thức hay phương trình khó nhớ được viết trong lòng bàn tay, trên những rẻo giấy dán sát vào trong giây đồng hồ, hoặc, với các nữ sĩ tử, là những mảnh giấy dán trên đùi, khi cần coi chỉ việc miết lên vải trắng mỏng của chiếc quần cho sát với thịt là coi được.

Từ khi số thí sinh quá đông, Tú Tài IBM được trình làng, việc thi cử nghe chừng nhẹ đi rất nhiều. Thí sinh chỉ việc gạch đánh dấu vào một trong những câu trả lời có sẵn là xong. Số người đậu cũng tăng lên tới tám chín chục phần trăm. Phần may rủi không còn lớn. Thi cử trở về đúng chức năng của chúng là kiểm tra học lực.

Ngày nay ở trong nước, thi cử nhắm vào thi tuyển. Những cuộc thi diễn ra rầm rộ sau mỗi năm học. Thi nhập Đại Học là một cuộc tranh tuyển hung hãn. Thí sinh thì nhiều, chỗ ngồi thì ít, chen nhau mà thi. Khó khăn nào cũng vượt qua nếu chơi…gian. Không còn cái thứ gian cò con như bốn chục năm trước đây lúc chúng tôi còn đi thi trong cái thúc hối của cửa quân trường. Gian bây giờ…văn minh hết biết. Trước hết là tài liệu quay cóp mang vào phòng thi, tiếng thời đại gọi là “phao”. Ngày nay phao được kỹ nghệ hóa, sản xuất hàng loạt, cứ việc mua mang vào phòng thi, may nhờ rủi chịu. Nhưng từ kỳ thi năm ngoái, phao đã trở thành đồ cổ. Dân thi ngày nay xài điện thoại di động và có tổ chức đàng hoàng. Cơ quan an ninh văn hóa PA 25 Hà Nội vừa phát giác một đường dây thi thuê liên tỉnh do Nguyễn Hồng Hải, 39 tuổi cầm đầu. Mỗi thí sinh được đường dây này bảo kê đã phải chi ra từ 15 đến 50 triệu đồng. Thiết bị cho mỗi thí sinh gồm tai nghe, micro, tóc giả để che thiết bị tai nghe nếu là nam thí sinh, còn nữ thí sinh thì nhét trong áo ngực! Khi đề thi vừa được phát ra, một thí sinh được chỉ định trước sẽ đọc đề thi cho bên ngoài nghe. Nghe tới đâu có chuyên viên giải đề làm việc ngay. Một nhóm phụ trách đọc bài giải vào cho các thí sinh trong đường dây chép vào giấy làm bài. Đi thi chỉ cần có lỗ tai thính là đậu cái rụp. Ngon như óc chó! Đường dây hoạt động tại Hà Nội và một số tỉnh khác.

Đó là trò, còn thầy cũng…phao như ai. Trên mục “Ý kiến độc giả” trên báo Lao Động ngày 4/7/2006, ông Nguyễn An đã tiết lộ việc các giảng viên Đại Học gian lận trong khi thi nghiệp vụ. Ông Nguyễn An đã bức xúc như thế này: “Cách đây hơn năm năm, tôi có thi tuyển công chức ngạch Giảng Viên Đại Học do Bộ tổ chức và được nhìn tận mắt chuyện các Giảng viên Đại Học tương lai quay bài như thế nào…Cả phòng thi có 20 người thì chỉ có duy nhất tôi và một người sau này là đồng nghiệp của tôi không quay bài và viết theo sự hiểu biết của mình. Còn tất cả những người còn lại đều giở vở ra chép…Về sau tôi còn biết Hiệu Trưởng và các cán bộ lãnh đạo trường tôi khi phải thi các môn như “Quản Lý Hành Chánh” hay luật gì đó do Bộ Giáo Dục Đào Tạo tổ chức dậy cũng đều quay cóp cả vì không ai có thời gian học. Tuy nhiên, khác với học sinh, sinh viên, các vị lãnh đạo không dùng phao mà để hẳn sách vở lên bàn để chép cho dễ!” Thày có khác, phải chơitrội hơn trò chứ!

Con em chúng ta tại hải ngoại, trong suốt quá trình học, thi cử cũng chỉ là những bài kiểm tra thông thường trong lớp. Chỉ khi lên Đại Học mới phải thi tuyển nếu muốn học tại một số trường có chế độ tuyển chọn. Còn nếu học tại những trường không cần thi tuyển thì cứ thơ thới vào học. Gọi là thi tuyển nhưng thực chất đây là một cuộc “phỏng vấn” như mỗi lần chúng ta muốn xin việc làm. Tùy theo trường mà cuộc phỏng vấn có nhiều mức độ khác nhau. Tựu chung đều nhắm vào việc cá nhân dự thi có thích hợp với ngành học không. Việc tuyển lựa dựa vào nhiều tiêu chuẩn chứ không chỉ là kết quả cuộc phỏng vấn. Hình thức như vậy cũng rất nhẹ nhàng và hữu hiệu.

Học hành thi cử như vậy khác xa với những ngày vác bút đi thi của thế hệ tôi. Học như vậy chán chết! Ít nhất là không được hưởng cái thú đau thương của thi rớt. Và thiếu chất liệu để bốn chục năm sau còn nằm mơ như tôi. Âu chẳng là một điều thiệt thòi lắm ru!

07/2006