Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

THƯƠNG

Chúa giáng trần để làm chi nhỉ? Hỏi các vị tu sĩ Thiên Chúa Giáo sẽ có hình ảnh một Thiên Chúa xuống thế để cứu chuộc loài người. Đó là dự án lớn của Đấng Cứu Thế. Tại sao phải cứu? Bởi vì loài người tội lỗi. Nếu loài người không tội lỗi, Chúa sẽ nhàn rỗi, chẳng phải vất vả đáp phi thuyền xuống chốn trần thế này làm chi. Lý luận như vậy chắc nhà thơ Hoàng Chính rất vừa ý.

chúa chẳng phạt anh cái tội liều
lên đồi nhân thế rủ em theo
gió mưa tầm tã lòng tê tái
xiêm áo hong khô cái mỹ miều

chúa chỉ phạt em cái tội ngoan
mặc anh dụ mãi chẳng quy hàng
em ngoan, chúa kiếm ai chuộc tội

khỏi uổng công người xuống thế gian

Nhà thơ mượn cớ làm “ Thơ Mừng Sinh Nhật Chúa” để dọa người em gái ngoan. Nếu thiên hạ ngoan hết thì nói chi nữa. Bởi vì người thần thế không ngoan nên Chúa mới rủ lòng thương xuống thế làm người.

Nhiều ông bạn tôi rất tâm đắc với ý nghĩ Chúa giáng thế để rao giảng tình thương cho loài người, cái mà con người thường thiếu. Không có lòng thương nên người ghét người, người thù người, người đánh người, người nhục mạ người, người chém giết người. Chẳng cần chiến trường vẫn có chiến tranh. Chiến tranh nằm trong lòng mỗi con người. Chiến tranh nằm trong lòng mỗi dân tộc. Người ta khoác quân phục rủ nhau ra đánh ngoài mặt trận, đánh không biết mệt mỏi, không được quyền mệt mỏi. Chiến tranh không có thời khóa biểu. Đánh là đánh lu bù trăm phần trăm, không giờ giấc, không nghỉ ngơi. Say mùi thuốc súng, những bộ quân phục ghìm nhau từng giây từng phút. Nhưng đêm Chúa ra đời, con người luôn ấm áp tình thương, những bộ óc chiến tranh cũng giãn ra để thỏa thuận với nhau một đêm hưu chiến.

Hưu chiến là một thức tỉnh mới của con người. Trong Thế Chiến Thứ Nhất, gần trăm năm trước, làm gì có tình người trong đêm Thánh. Chiến tranh không như đá banh, không có giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp. Nhưng những người lính đã được chúc phúc vào đêm thánh năm 1914. Giữa cái giá rét căm căm, giữa những bãi tuyết trắng lạnh, những người lính trong liên quân Anh Pháp ở một bên chiến hào, những người lính Đức ở phía bên kia. Họ âm thầm đón Giáng Sinh dưới chiến hào, như những con chuột chui rúc dưới đất. Không pháo hoa, không chúc tụng. Họ lặng yên nghĩ tới những người thân yêu nơi hậu phương. Bỗng từ bên chiến hào của quân Đức văng vẳng một giọng hát cao vút. Những người lính Anh, lính Pháp bên phía đối nghịch im lặng lắng nghe. Lòng mọi người lắng xuống. Không gian như chùng lại. Một viên sĩ quan binh đoàn Tô Cách Lan trong quân đội hoàng gia Anh cao hứng nâng cây kèn túi đặc biệt của người dân Tô Cách Lan lên hòa vào tiếng hát bên kia chiến tuyến. Người lính Nikolaus của quân đội Anh như người bị đồng thiếp, nhảy lên khỏi chiến hào cất cao giọng hát bài thánh ca bất hủ Silent Night mặc những ngăn cản của viên sĩ quan chỉ huy. Bài hát chấm dứt giữa tiếng vỗ tay vang dội của cả ba đoàn quân. Không còn ai là kẻ thù trong mắt nhau. Ba viên chỉ huy ngỡ ngàng lúng túng. Họ giơ tay chào nhau và đi đến quyết định tạm đình chiến để cho binh sĩ cùng nhau mừng ngày Chúa ra đời. Các binh sĩ, mặc màu quân phục khác biệt nhau, đã ùa lên bắt tay nhau chúc tụng. Họ chia nhau kẹo bánh, rượu bia và cả những quà tặng có trong tay. Họ cười nói với nhau ngay tại chỗ mà mới ít giờ trước họ chỉ nói với nhau bằng những họng súng, những viên đạn và những thù hận.

Chuyện không dừng lại ở đây. Sáng hôm sau, do gợi ý của viên chỉ huy người Anh, tất cả đã cùng nhau chôn cất những người nằm xuống vì súng đạn của chính những người chôn cất. Những huyệt mộ tươm tất nằm bên nhau giữa tiếng cầu nguyện trong một buổi lễ tưởng niệm đầy tình thương cảm. Khi chết, người ta không còn kẻ thù! Chôn cất đồng đội ba bên xong, họ lao vào nhau tranh dành trái banh, la hét ầm ĩ trong cuộc chơi không có bên nào là đối thủ của nhau.

Những giờ phút an bình đó cũng có lúc phải qua đi. Họ trở về chiến tuyến của mình, tiếp tục nhiệm vụ. Giờ ra chơi đã chấm dứt!

Đây là câu chuyện thật xảy ra trên chiến trường và đã được Pháp dựng thành phim với sự cộng tác của Anh và Đức. Phim mang tên Joyeux Noel.

Chín mươi hai mùa Giáng sinh đã trôi qua kể từ cái đêm an bình trong chiến tranh đó. Những người lính hai bên giờ không còn ai. Người cuối cùng đi vào lòng đất lạnh đã nhắm mắt vào cuối năm 2005. Đó là Alfred Anderson. Thọ 109 tuổi. Vào đêm hưu chiến bột phát đó, Alfred mới 18 tuổi, binh sĩ trong trong binh đoàn Black Watch của Anh. Lúc đó họ đã sống ở dưới chiến hào được hai tháng, ngày đêm chỉ nghe tiếng bom đạn và những câu tiếng Đức vẳng lại từ xa. Nhắc lại cái đêm an bình đó, Alfred cho biết: “ Rạng sáng hôm đó bao trùm bởi một sự yên lặng lạ lùng trên toàn vùng đất mà mắt người có thể nhìn thấy được. Chúng tôi hét lên ‘Chúc Mừng Giáng Sinh’ tuy chẳng ai trong chúng tôi thấy vui mừng cả. Cuộc hưu chiến chấm dứt vào chiều ngày hôm đó và cuộc chém giết lại tiếp tục. Đó là một chút hòa bình ngắn ngủi trong một cuộc chiến kinh hoàng!”

Ta đã ra đi vài năm trước.
Nhớ lắm quay về những năm sau
Những sân vắng ướt thời mưa lạnh
Đã lạ lòng nhau khúc đông sầu

Giữa tháng mười hai đèn Christmas
Nhà ai đã sáng những khoảng sân
Em con đâu đó thời ta tận
Ngày với lên đêm rớt âm thầm

Về đây không thấy ai nhà trống
Lòng xe viết khúc Giáng Sinh chơi
Hoàng hôn Chúa xuống ai chân tới
Vớt khúc đời… như cứu rỗi thôi
( Nguyễn Nam An )

Giáng Sinh, cũng như Giao Thừa, là những giây phút chạnh lòng. Con người lắng lòng xuống mong được thương yêu, an ủi. Kẻ lữ hành trong đêm Thánh, cũng như kẻ lang thang trong đêm đất trời giao mùa chuyển năm, là những người thèm thuồng cái ấm áp của tình thương gia đình. Trong những lúc đất trời lồng lộng an bình, mái ấm luôn luôn là niềm cứu rỗi của những con người đã thấm cái mệt mỏi của di chuyển. Trong cái mái ấm đó, tình thương, và chỉ có tình thương ngự trị. Người ta trao nhau những lời chúc, trao nhau thân ái, trao nhau tình thương và trao nhau quà cáp, cái biểu tượng cụ thể của tình thương.

Một ngày trước lễ Giáng Sinh, cậu bé Nam, 9 tuổi, đọc kinh tối như thường lệ. Vừa dứt câu kinh chót, cậu bé hét ầm lên:

“ Chúa ơi, quà Giáng Sinh năm nay, xin Ngài hãy tặng cho con một chiếc xe đạp thật đẹp để con đạp thi với mấy đứa bạn hàng xóm!”

Bà mẹ nghe thấy tiếng la, mắng con:

“ Nam! Sao con la lớn vậy? Chúa đâu có điếc!”

“ Chúa không điếc mẹ ạ! Nhưng ông ngoại đang ngồi bên cạnh đây thì có!”

Đối với trẻ em, quà Giáng Sinh là niềm mơ ước một năm. Ý nghĩa tình thương của quà đã phải lép vế với giá trị cụ thể của món quà. Quà là quà. Như một bổn phận của người lớn, một bổn phận không thể thiếu được.

Chuyện xảy ra ở Long Island, New York. Ông già da đen, trên 60 tuổi, bị thất nghiệp hai tháng trước lễ Giáng Sinh. Khi còn đi làm, mỗi năm ông chỉ có thể dành dụm để mua quà cho lũ cháu nội ngoại một lần vào ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Năm nay, trong túi ông không có tiền, nhưng danh sách quà của các cháu do chính chúng lập ra vẫn nằm cộm trong túi người ông khốn nạn, tình thương vẫn có nhưng quà thì biết làm sao mà có. Ông suy nghĩ đủ cách mà không có cách nào làm đầy được những chiếc vớ treo trước lò sưởi. Rồi những ngày cuối mua sắm cũng tới. Thiên hạ đổ xô nhau chọn lựa quà trong các tiệm nhã nhạc vang lừng. Lòng thương các cháu cũng đẩy ông ra khỏi nhà, vào một tiệm bán đồ chơi. Nhà văn Ngọc dựa vào chuyện thật này thuật lại cho chúng ta giờ phút vui mừng sau khi chọn xong quà cho các cháu của người ông đầy lòng thương cháu này trong truyện ngắn “Buổi Chiều Trước Giáng Sinh”. “Có lẽ đây là lần đầu tiên ông cảm thấy không khí ngày lễ. Lòng ông ấm áp nghĩ tới nụ cười rạng rỡ và những tiếng reo ngạc nhiên vui sướng của lũ cháu khi mở quà. Chọn quà đã xong, ông đẩy xe đứng vào hàng, đợi khá lâu mới tới lượt. Cô gái mặc áo khoác đỏ đồng phục trước mặt ông rất trẻ, có lẽ là học sinh trung học làm thêm vào dịp lễ, trông mệt mỏi vì số lượng khách hàng đông đảo nhưng vẫn mỉm cười chào ông, chờ đợi. Nhìn thấy cô, ông sực tỉnh, rồi sực nghĩ thoáng qua rất nhanh. Tim đập mạnh, ông tự trấn tĩnh rồi quả quyết đẩy chiếc xe đầy nhóc đồ chơi rảo bước băng băng ra phía cửa. Cô gái giương mắt kinh ngạc. Qua phút sửng sốt, cô kêu to báo động. Nghe tiếng cô, ông không đi nữa mà chạy quáng quàng ra ngoài, tay vẫn nắm chắc chiếc xe đẩy. Hai gã bảo vệ to lớn chạy huỳnh huỵch theo ông, thét gọi ông đứng lại. Ông càng chạy mau hơn, ra đến ven đường. tuyết đổ mịt mù. Đây là Sunrise Highway với năm luồng xe ào ào không ngớt. Ông dừng lại một giây do dự, bỗng nghe tiếng hụ còi xe cảnh sát, ông rủa thầm quái sao mà cảnh sát ở đây nhanh quá. Sau lưng ông nghe cả hơi thở hồng hộc của hai gã bảo vệ, ngoài kia hai chiếc xe cảnh sát chớp đèn nhoang nhoáng trong màn tuyết lao tới. Ông không kịp nghĩ nữa, nắm chặt chiếc xe đầy quà Giáng Sinh cho lũ cháu, ông chạy nhào xuống lòng đường và chỉ kịp cảm thấy thân thể bị tông thật mạnh, òa vỡ…Thiên hạ hiếu kỳ lố nhố trên lề đường , chỉ trỏ. Thi thể đẫm máu của người đàn ông nằm bất động bên chiếc xe đẩy méo mó, những món đồ chơi đẹp đẽ tung tóe trên mặt đường.” (Văn, California, số 95 & 96, tháng 11 & 12/ 2004)

Tình thương biểu hiện bằng quà cáp mỗi năm mỗi lên giá. Không chỉ vì đồng tiền mỗi năm mỗi nhỏ đi một góc theo vật giá mà còn vì trẻ con ngày nay…già hơn. Ngày xưa quà chỉ qua quít một con búp bê, một món đồ chơi chạy bằng giây cót, một chú gấu nhồi bông, một hộp puzzle hay một gói kẹo. Ngày nay con nít đã nghiên cứu kỹ lưỡng ý thích của chúng từ nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trước và đưa thẳng cho bố mẹ không phải qua ông già mặc áo đỏ râu trắng như cước. Chúng biết rõ tông tích cái ông già chuyên ăn theo nên tìm đến đúng nơi cái túi tiền chi ra cho món quà. Quà cũng không phải chỉ có một mà là cặp hai, cặp ba. Đúc kết mơ ước trong một năm mà chỉ đơn lẻ có một là một sự bất công! Cô bé Rebecca Friend, 11 tuổi, đưa cho mẹ coi…đơn đặt hàng gồm ba món rồi vứt vào trong ngọn lửa đang nhảy múa trong lò sưởi theo như truyền thống của gia đình. Trong đơn, cô bé order ba món: một máy ảnh số, một iPod và một iDog! Toàn hàng điện tử! Và toàn những thứ bạc trăm! Quà bây giờ đều phải dùng pin loại…cao cấp. Một nhân viên của Wal Mart đã ngôn: đã tới lúc phải kê sát quầy hàng điện tử vào bên cạnh quầy hàng đồ chơi! Trong một cuộc thăm dò do Visa Canada thực hiện thì trong năm 2005 đã có 54% quà dưới cây thông là hàng điện tử. Năm 2004, chỉ có 47%. Những thứ “đồ chơi” ngày nay bao gồm cả máy thu hình video và điện thoại cầm tay! Càng ngày lằn ranh phân biệt giữa đồ chơi và…đồ thật càng biến đi mất. Bảo rằng con nít bây giờ già hơn xưa đâu có sai. Ai dậy dỗ chúng mà chúng tiến bộ khiếp như vậy? Chính cái anh tivi nằm chình ình la liệt trong mọi ngõ ngách trong nhà. Chúng tham khảo hàng ngày những phát minh mới nhất có trong thị trường, rành rẽ từng chi tiết kỹ thuật, từng mác xịn nhất cho mỗi món đồ! Cũng vẫn theo cuộc thăm dò của Visa Canada thì trung bình giá của mỗi phần quà cho một trẻ em tại Canada đã lên tới 219 đô!

Quà cho người lớn, nhất là thứ người lớn biết nhõng nhẽo, hờn dỗi, nhỏ tí ti nước mắt, thì giá là bao nhiêu? Chịu! Cứ hỏi Chúa khắc biết! Mà Chúa chưa chắc đã biết. Ngài giáng sinh xuống trần dậy con người biết thương yêu nhau nhưng con ngưòi đã phong phú hóa tình thương thành những thứ…đắt giá ngoài sự tưởng tượng của Ngài. Tượng Chúa giang hai tay ra không phải là không có ý nghĩa!

Chúa không dính líu gì tới quà cáp tuy đó là biểu hiện của tình thương. Nhưng trong trường hợp nhận quà của người đàn ông ở Northborough, ngoại vi của thành phố Boston, trong dịp Giáng Sinh năm ngoái thì có bàn tay của Chúa không? Ông này đậu xe tại bãi đậu xe để đáp xe lửa vào thành phố đi làm như thường lệ vào ngày 7 tháng 12 năm ngoái. Khác với thường lệ là ông quên không khóa cửa xe. Buổi chiều, đi làm về, ông tới lấy xe. Vừa mở cửa xe, ông thấy trên ghế có một chiếc hộp nhỏ và một mẩu giấy ghi hàng chữ: “Chúc Mừng Giáng Sinh. Cám ơn đã không khóa cửa xe. Thay vì lấy trộm chiếc xe tôi xin tặng một món quà. Hy vọng nó sẽ đến tay người mà ông yêu vì người yêu của tôi đã đi rồi. Chúc Mừng Giáng Sinh hai người”. Mở chiếc hộp nhỏ ra, người đàn ông 37 tuổi này lóa mắt vì ánh sáng của một chiếc nhẫn kim cương! Làm gì có một món quà giáng sinh hậu hĩnh như vậy tới tay mình, ông bán tín bán nghi mang tới tiệm kim hoàn để thử. Dò hai ba nơi đều kết luận đây là thứ thiệt, trị giá 15 ngàn đô! Ông tá hỏa. Phải bốn ngày sau ông mới định thần mang quà đi trình báo cảnh sát. Cảnh sát không tìm ra manh mối chủ nhân của món quà choáng ngợp này. Đành giao lại cho ông thụ hưởng. Tin hồ hởi này được đăng trên báo Metro West Daily News, một nhật báo xuất bản tại Framingham, ngoại ô phía tây của Boston. Các độc giả gửi thư tới để…Mao Tôn Cương! Người thì bảo ông vô danh nào đó mang chiếc nhẫn đi tặng làm quà Giáng Sinh cho người yêu nhưng thấy ngưòi yêu đang trong vòng tay người khác nên tức giận quăng nó vào chiếc xe không khóa cửa. Ý kiến khác phản bác liền. Không phải! Ông này có chủ ý hẳn hoi nên mới viết giấy trước. Chắc người yêu của ông đã bỏ đi nên ông chán đời mang vật kỷ niệm ra bỏ vào bất cứ chiếc xe nào mở cửa. Ý kiến khác lại cho rằng chắc người yêu của ông được Chúa gọi về trong những ngày lễ nên ông không muốn giữ lại vật kỷ niệm nhưng cũng không muốn bán nó đi!

Riêng tôi, tôi không nghĩ là Chúa a-lô gấp gáp như vậy. Viên kim cương thì có là kí lô nào với Chúa mà phải gây ra thảm cảnh não lòng như vậy trong mùa Giáng Sinh. Đây là một món quà có ý nghĩa tương phản với ý nghĩa thương yêu mà món quà thường biểu lộ. Món quà của một người thiếu tình thương! Khi không có tình thương ngự trị thì món quà có đắt giá tới đâu cũng là đồ bỏ. Dĩ nhiên đối với người được viên kim cương từ trời rớt xuống thì đó không phải là thứ đồ bỏ. Bộ hâm hay sao mà bỏ!

12/2006