Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

CHÓT

Tiếng cô tiếp viên điện thoại của hãng hàng không Air Canada ngọt lịm trên ống nghe. Không được rồi ông ạ! Tôi muốn nói là nếu ông đi vào ngày thứ bảy thì ông phải trả giá vé mắc lắm. Ngày Chủ nhật thì được vì hôm nay cũng là Chủ Nhật, như vậy ông đổi vé trước một tuần thì giá vé cũng bằng giá vé ông đã mua, chỉ phải thêm bốn chục tiền phạt cộng thuế. Nếu ông muốn tôi tiếp tục tìm chuyến bay cho ông thì ông phải trả thêm hai chục tiền dịch vụ. Ông nên vào internet tìm lấy thì khỏi mất số tiền này. Ông nói sao? Cứ tiếp tục hả? Tôi đã tìm cách đỡ tốn tiền cho ông mà ông không chịu sao? Cái giọng pha đường dễ chịu làm số tiền hai chục đô nhỏ đi. Thực ra tôi đang lang thang ở Cali, có việc gấp muốn đổi vé máy bay trở về Montréal sớm hơn, internet không có sẵn, cũng có thể có được nhưng mất công, cứ biếu thêm người đẹp (có thấy hình dáng đâu mà cũng cứ nghĩ là đẹp!) hai chục cho được việc nhà nước. Tôi liếc nhìn lên tấm lịch treo tường. Ngày Chủ Nhật là ngày chót của tờ lịch tháng 12! Lại thêm một lần di chuyển vào ngày cùng tháng tận! Tôi đã từng viết ở đâu đó là đời tôi vẫn cứ phải long đong xê dịch vào những ngày chót trong năm như vậy. Không biết bao nhiêu lần, tôi chẳng buồn đếm nữa.

Cuối hay chót đều chỉ một vị trí lẹt đẹt không còn gì ở phía sau. Nhưng tôi thích chữ “chót” hơn. Nghe như bị bỏ rơi một cách tội nghiệp! Chuyến đi cuối năm, trở về vào ngày chót của tấm lịch, làm tôi hao hụt nhiều. Trong niềm vui còn được nhìn thấy nhau giữa những người bạn xưa, cố ý tìm gặp cũng có, tình cờ gặp cũng có, nghe ra có nhiều mất mát.

Leo lên xe đò Hoàng từ San Jose về Santa Ana, tôi có nhiều bỡ ngỡ. Một ông khách, lắc đầu cho sự ngờ nghệch cứ nhất định hỏi cho ra chỗ mua vé của tôi, đẩy tôi lên xe. Các ghế ngồi đã hầu như kín khách. Liếc thấy một chỗ trống, tôi vội xà xuống. Loay hoay với quần áo và hành lý một hồi, quay sang người đồng hành ghế bên cạnh, vội sững người. H. phải không? Cặp mắt lờ đờ dưới tròng kính cận dầy cộm nhướng lên tra hỏi. Đúng rồi! Mà ông là ai vậy? Hóa ra ông bạn học ở Văn Khoa Sài Gòn ngày xưa. Cũng từ đầu thập niên 1960 đến giờ không gặp nhau. Hơn bốn chục năm tình cờ gặp lại, câu hỏi đầu tiên của tôi thật vô duyên. Ông có vé xe chưa? Tôi chưa kịp mua vé! Lại một cái nhìn thương hại. Ông cứ ngồi yên đó. Người ta không quên ông đâu! Ấy, bạn bè bây giờ nhìn thấy lại được nhau nó cứ lẩm cẩm như vậy. Ông bạn tôi khai ra từ đầu xuống đến… ngực. Đầu đã bị đục một lỗ để lôi ra một cục bướu. May phước đó là bướu lành! Tim chạy loạng quạng đã phải gắn thêm một anh…cảnh sát công lộ bằng máy để điều hòa nhịp tim. Lâu lâu lại phải móc ra thay pin! Ba món ăn chơi: cao máu, cholesterone và tiểu đường đều đề huề nằm trong người. Cười, tay móc ra một bao ni-lông. Xanh đỏ trắng vàng lổn nhổn nằm một vốc. Thuốc mỗi ngày đấy!

Mấy ông bạn xưa từ hồi Chu Văn An không biết dấu thuốc nơi đâu nhưng chẳng ông nào không khai bệnh. Không vẹo chỗ này thì cũng vẹo chỗ khác. Có ông còn chơi nguyên một cây gậy chống mà miệng vẫn toe toét. Tiếng mày tao nghe ra đã ngường ngượng. Đứa thì chục năm, đứa vài chục năm, mèng ra cũng hai ba năm chưa nhìn thấy mặt nhau. Vẫn cứ tưởng như vẫn còn ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Cười cười nói nói rộn ràng/ Mà bạch phát với…bạch phát thường ái ngại!

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn vốn vẫn thường nhỏ nhẹ. Nhỏ nhẹ như văn của anh. Tóc chưa…bạch phát, da dẻ vẫn thắm thiết, chỉ có mỗi tội buồn. Moa không thích hợp được với cuộc sống bên đây! Thế nên chuyện di chuyển phó mặc cho bà xã. Chị lái xe, anh lái... tài xế. Thêm một tội nữa: nhìn đời bằng nửa con mắt! Mắt anh bị che mất một nửa không nhìn thấy gì. Chỉ còn nhìn được một nửa. Nửa trên hay nửa dưới? Câu trả lời vọt ra ngay. Nửa trên mới chán chứ! Cười. Tiếng cười cũng nhỏ nhẹ.

Ông bạn đồng liêu của tôi vốn ăn to nói lớn, cười đùa sảng khoái, bỗng một tích tắc bị anh stroke ghé thăm. Vẹo! Xe ò e đưa vào bệnh viện. Rồi xe ò e tiếp tục đưa qua nursing home. Tôi ghé San Francisco chỉ để thăm người…tiếu sĩ ngã ngựa này. Nursing home nằm ngay giữa downtown tiện cho người nhà lui tới nhưng chỗ đậu xe thì thiên nan vạn nan. Chạy lui chạy tới mãi mới kiếm được một cái lỗ hổng. Đút đầu xe vô. Cột bỏ tiền chỉ cho tối đa nửa tiếng đồng hồ. Chạy vội lên lầu ba. Ông bạn trông như một bản nháp vụng về của lần gặp hai năm trước đây. Gọi tên. “Người” ngơ ngác. Xưng tên mình. Cặp mắt nhướng lên. Rồi bỗng òa khóc nức nở. Qua cơn xúc động, cuộc chuyện trò khập khiễng. Nửa giờ trôi qua. Nói kéo lê kéo lết chỉ khoảng mười phút, khóc tới hai mươi phút. Chào tạm biệt. Người ông bạn quặn lên. Nước mũi nước giãi đầm đìa. Đành cứ đằng sau quay! Chạy đua với ông cảnh sát đang rình rập đâu đó sẵn sàng phát cho cái ticket!

Ticket của anh bạn dân không được mến chuộng, chuyện nhỏ! Ticket của anh già Ung tinh quái mới là chuyện phiền phức. Ông bạn Nguyễn Mộng Giác đã nhận được cái ticket phiền phức này hơn ba năm trước. Đúng vào dịp tôi ti toe ra mắt cuốn Bên Lưng Những Con Chữ tại phòng Sinh Hoạt của nhật báo Người Việt. Đây là lần đầu tiên tôi vác sách tới khoe với bàn dân thiên hạ tại nơi được mệnh danh là “thủ đô” của người Việt hải ngoại. Giới thiệu tác giả đã có ông bạn cùng lớp ở Chu Văn An xưa, nay là Tiến Sĩ Trần Huy Bích. Giới thiệu tác phẩm đã có nhà văn trẻ Đặng Thơ Thơ. Vậy mà ông bạn Nguyễn Mộng Giác cũng tình nguyện lên sân khấu để tâm tình “giữa người viết với người viết”. Bữa đó anh nói rất nhiệt thành và sôi nổi. Tôi phải xúc động và cám ơn người cầm trịch của tạp chí Văn Học. Nhưng sau đó tôi mới biết, khi lên phát biểu, anh Nguyễn Mộng Giác vừa biết mình bị anh già Ung hỏi thăm lá gan. Về lại Montreal, tôi mới liên lạc điện thoại được với chị Diệu Chi. Anh Giác đã về Việt Nam thăm mẹ già trước khi trở lại để lên bàn giải phẫu. Tôi trách chị sao không cho chúng tôi biết để chia sẻ với anh. Chị cho biết là anh chị đã quyết định giữ sự không may này trong gia đình với nhau, không muốn làm phiền tới các bạn. Gặp lại anh Giác lần này, anh già Ung hình như đã hết linh. Ngồi nói chuyện tại quán cà phê văn nghệ Factory, trả lời một người không quen hỏi thăm, Nguyễn Mộng Giác đã điềm nhiên và dõng dạc: “Tôi bị ung thư gan!” Rồi vẫn cười nói rộn ràng. Coi anh già khó chịu chuyên chơi xấu thiên hạ như pha! Bệnh ở trong người thành bệnh bạn / Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân / Gối tay lên bệnh nằm thanh thản / Thành một đôi ta rất đá vàng ( Mai Thảo). Bạn gì nổi, thân gì nổi, đá vàng gì nổi! Bạn tôi đánh văng anh già đi. Hình như sau bốn lần dao kéo, thuốc men triền miên, anh già đành thu quân. Sức khỏe tôi khá tốt, bây giờ sáu tháng mới tái khám, bác sĩ bảo nếu qua được tới năm năm thì hết nguy hiểm, cũng đã ba năm rưỡi rồi! Hai phần ba đoạn đường chiến binh đã vượt qua. Xá chi khúc…chót! Chẳng thế mà chưa bước vào cửa căn nhà có cái phòng khách rộng lúc nào cũng như muốn tiếp rước bạn bè, tôi đã nghe vang vang tiếng cười của người hiền phụ đã từng xắn tay áo phụ chồng đá anh già Ung khó chịu ra ngoài đường!

Nhà của nhà thơ Du Tử Lê lại ăn đứt về cái vườn. Một khuôn vườn như để hoang dã với cây cỏ mọc tự nhiên. Một vũng nước nhỏ nằm chính giữa, cỏ cây bao quanh, chiếc thùng phuy chứa nước quanh năm nhả ra một dòng nước chạy liếm qua những phiến đá cao thấp róc rách. Tượng bán thân nhà thơ do bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc Ưu Đàm thực hiện ngồi trên một chiếc bệ cao nhìn xuống dòng nước bên dưới. Một lồng chim, phải nói là…nhà chim mới đúng, chiếm một khoảnh vườn, líu chíu tiếng oanh. Những gốc cây nằm rải rác trên mặt đất thô tháp như phong cảnh một vùng quê Việt Nam. Giữa khung cảnh hoang sơ đó, Du Tử Lê vẫn cười nói, nhỏ nhẹ nhưng hào hứng. Anh già Ung lại một lần nữa bị chọc quê! Chút ruột già bị nhiễm ung như không hề hiện diện. Cuộc chiến đang tiếp diễn. Tinh thần quân ta rất vững! Khi tiễn tôi ra về, Lê nhỏ nhẹ, như anh vẫn nhỏ nhẹ suốt cuộc đời. Làm được gì cứ làm đi nghe toa. Làm gì cũng tốt cả. Thời gian của chúng mình không còn nhiều đâu!

Thời gian của cuộc sống không phải là thứ miên viễn. Người ta vẫn ví von cuộc đời này như cõi tạm. Ở đậu chốc lát rồi con người sẽ quày quả ra đi. Đi về đâu? Đó là lãnh vực của tôn giáo. Thiên Chúa giáo vẫn dạy con người về một nước thật ngày sau. Cuộc sống nơi trần thế không bao giờ là một cuộc sống thật. Của cải trần gian là thứ vướng víu bước chân con người. Trong một buổi lễ vào ngày cuối năm tại một ngôi thánh đường hành lễ bằng tiếng Việt nơi Quận Cam, hàng ngàn giáo dân vừa hoàn tất tham dự thánh lễ. Vị linh mục chủ tế ban phép lành cuối lễ, chúc “anh chị em ra đi bình an”. Tưởng đã xong, nhưng chưa xong. Ông còn nói thêm vài câu với con chiên bổn đạo. Đại khái như thế này. Tôi vừa nhìn qua giỏ thu tiền thấy giấy một đồng nhiều quá. Có những thứ tiền khác giấy một đồng. Chúa thương chúng ta vô cùng, Ngài ban cho chúng ta nhiều ơn phúc, vậy thì chúng ta phải trả ơn Ngài một cách tương xứng hơn. Tôi sững sờ nhìn lên mặt người đại diện của Chúa trong chiếc áo lễ trang nghiêm. Ngài nói rất hồn nhiên. Như thể đang rao giảng những điều thánh thiện. Ngài là một vị linh mục có chút tiếng tăm, Giám Đốc một Phong Trào Công Giáo. Sống ở tuốt tận Canada như tôi mà cũng nghe tới danh ngài. Vậy thì tại sao lại có những lời khiến tôi nóng tai nóng mặt vì xấu hổ. Hình như ngài đã thản nhiên sa vào cõi thế. Mười ngày ngắn ngủi tôi lưu lại Quận Cam, tôi đã thấy phần lớn người Việt chúng ta ở đây đang tiếp tục sống trong một xã hội Việt Nam nối dài. Họ kèn cựa nhau theo mốt quần áo, theo kim cương hột xoàn, theo kiểu xe, theo nhà cửa… Họ không sống mà như chạy theo cuộc sống. Cuộc sống trong mắt người khác. Họ nhìn thấy thành công, nể vì, hãnh diện bằng cặp mắt của người bên cạnh. Rối rít tranh đua nhau, như những cầu thủ trong một đội banh nhìn lên bảng tỷ số trận đấu. Vị linh mục khả kính này không làm trọng tài, cũng không làm khán giả. Ông cũng đổ mồ hôi chạy theo trái banh, sút vào lưới ghi điểm. Dự xong một thánh lễ, tôi không có được sự bình an như lời chúc cuối lễ mà chỉ có một nội tâm rối beng vì bực bội. Những gì thuộc về vật chất, nó là vật chất. Những gì thuộc về tinh thần, nó là tinh thần. Mang chúng ra cân với nhau là một hành động bất khả và lố bịch. Tình thương, nhất là tình thương của Đấng Tối Cao, chẳng thể nào được trả bằng những đồng tiền trần gian, dù là những tờ giấy có trị giá lớn nhất. Người ta chỉ có thể trả lại tình thương bằng tình thương. Sự đóng góp trong nhà thờ không bao giờ là một cách trả nợ, nhất là món nợ ân tình. Giá trị của mỗi đồng tiền dâng cúng khác nhau. Người có hai đồng dâng cúng một đồng thì một đồng đó có giá trị hơn người có một ngàn đồng mà dâng cúng mười đồng. Dùng con mắt tinh thần để nhìn vào thì khác mà dùng con mắt trần tục để nhìn vào thì khác. Khác xa lắm. Vị linh mục khả kính trong buổi lễ cuối năm đã lạc bước ngay khi còn đang mặc áo lễ!

Tôi không thể lạc bước trên quãng đường trở về lại thành phố cũ. Trao phó thân mình cho cánh chim sắt thì lạc thế quái nào được! Máy bay hạ cánh đúng giờ. Chỉ còn bốn tiếng đồng hồ nữa là giao thừa. Tôi lễ mễ và mệt mỏi nuốt những thước đường dài dằng dặc tới chỗ lấy hành lý trong phi cảng Pierre Trudeau của thành phố ngụ cư Montreal. Những vòng xoay chập chờn trước mắt. Lấy xong hành lý, tôi đẩy qua cửa Quan Thuế. Tôi đưa tờ khai cho nhân viên thuế quan đứng kiểm soát ở cửa ra. Liếc nhìn tờ giấy, ông kéo tôi sang một góc. Tôi ngao ngán trong lòng. Lại rắc rối chi đây? Hai người đứng sát một bức tường tránh lối cho những người khác thơ thới xẹt ngang qua cửa ra ngoài. Ông thuế quan nhìn vào mặt tôi. Tay tôi đã sẵn tờ hóa đơn những thứ mua ở bên Mỹ. Chẳng có gì nhiều. Còn dưới số tiền tôi được phép mua rất nhiều. Tôi an tâm nhìn lại ông ta.
“ Ông mang bao nhiêu tiền trong người?”
Câu hỏi tôi không chờ đợi. Tôi thành thật khai báo.
“ Khoảng một ngàn.”
Cặp mắt nghi ngờ xoáy lấy tôi.
“ Ông có chắc không?”
Tôi khựng lại phác qua trong đầu số tiền mang theo và số tiền đã tiêu xài trong mười ngày ở Cali.
“ Tôi nhớ khoảng đó.”
“ Ông để tiền ở đâu? Trong bóp phải không?”
“ Không, tôi để trong xách tay.”
“ Ông mở ra cho tôi coi!”
Tôi vừa ngạc nhiên, vừa bất bình nhưng cũng đành theo lệnh. Nhìn vào xấp giấy bạc mỏng manh, ông ta phóng ra câu hỏi khác.
“ Ông có đeo túi đựng tiền trong người không?”
“ Không!”

Có lẽ tiếng không dứt khoát và mau mắn của tôi đã tốp lại được cái trò chơi thiếu thú vị này.

Về nhà tôi soi gương thấy mặt mình không đến nỗi hãm tài lắm. Vậy tại sao mọi người thong thả ra về mà mình bị chặn lại một cách vô duyên và…mất mặt như vậy? Suy nghĩ mãi tôi mới vỡ lẽ. Có lẽ tôi mang cái tên Việt Nam! Mang âm hưởng của những cái tên xuất hiện trên mặt báo gần đây liên quan đến chuyện rửa tiền rửa bạc. Tôi lại khổ vì tiền. Mà không phải tiền của mình. Nhưng làm sao mà chối mình không phải là người Việt Nam được đây!

Chuyện đi chơi mà thấy chẳng có chuyện nào vui. Thật chán mớ đời! Có chuyện nào vui không nhỉ? À, có chuyện ông Võ Phiến. Nhà văn Võ Phiến vừa “lên” 82 tuổi, trái tim không còn trinh nữa. Tim ông đã bị dao kéo giải phẫu lục tung lên rồi. Tôi tặng ông bốn cuốn sách, nhà thơ Luân Hoán gửi tôi mang tặng ông một cuốn nữa. Cầm sách, mắt ông sáng vui. Ông bày ra trên mặt bàn trước mặt năm cuốn sách nằm dắt giây nhau. Và ông ngồi ngắm, đầu gật gù thích chí. Thế ra bây giờ anh em vẫn còn in sách được nhỉ? Ông vào nhà trong, một hồi lâu sau, ông mang ra cuốn Tuyển Tập Võ Phiến dày trên ngàn trang, bìa cứng, in ấn rất đẹp, vừa được nhà xuất bản Người Việt cho phát hành. Trang đầu sách, ông đã đề tặng tôi, lại còn cho hai câu thơ:

Gặp nhau quen ít biết nhiều
Văn thơ một chữ trăm điều vấn vương.

Hóa ra ông cũng đã từng đọc Phiếm một chữ của tôi, thứ mà bà Viễn Phố, phu nhân của ông, cứ nhắc hoài trong suốt cuộc thăm viếng. Tiễn khách ra cửa, nhà văn Võ Phiến thường có một câu tiễn rất lạc quan. Lần gặp này là áp chót đấy nhé! Áp chót chẳng bao giờ là chót cả. Cũng là một niềm vui. Tuy rất mong manh!

01/2007