Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

MA

Đêm cuối tháng mười mỗi năm, trên thế giới này ma đội mồ sống dậy đi ngờ ngờ khắp hang cùng ngõ hẻm. Ma tới cửa nhà chúng ta, gõ cửa, xin kẹo. Cái thứ ma halloween đó là thứ ma ngọt, có chi mà hãi! Ma thật, chúng kinh hơn nhiều. Không thấy mặt mà vẫn rợn rợn tóc gáy. Bộ có ma thật sao? Nhiều người bảo có. Nhưng nếu hỏi kỹ lại đã có ai gặp ma chưa thì ít có người vỗ ngực bảo là đã từng ngó thấy ma. Cái thứ không hiện diện mà gây chấn động từ trẻ con tới người lớn đó thì đích thị là…ma rồi! Còn phải ngôn gì nữa. Một ông bạn tôi phùng mang trợn má. Moa thấy rõ ràng mà. Xong cười hề hề. Ngày nào moa chẳng phải đối diện với…ma phăm!

Bạn tôi có nhiều ông ma cà…chớn như vậy. Ma có thật. Không tin bữa nào bạn thử làm một chuyến đi thăm căn nhà ma ở khu Old Town tại San Diego thì biết liền. Đây là căn nhà “bị ma ám đến kinh dị, từ nóc nhà đến tầng hầm, từ sáng tới khuya, không phải chỉ trong ngày lễ halloween mà 365 ngày trong một năm”! Nền đất của căn nhà này là nơi, vào mùa thu năm 1852, người ta treo cổ một tên cướp tên Yankee Jim về tội ăn cắp vặt trên một chiếc tàu. Ông Thomas Whaley có chứng kiến cuộc hành hình đó, nhưng 5 năm sau, mặc dư luận, ông cho xây trên đó một căn biệt thự lớn. Vợ chồng ông và hai đứa con dọn vào ở. Con ma cướp Yankee Jim cũng dọn vào ăn theo! Những bước chân vô hình nhưng âm thanh vang dội nặng nề phủ trên căn nhà làm khiếp vía mọi người trong nhà. Chỉ ít lâu sau, đứa con gái của ông tên Violet, sau một cuộc tình thất bại, đã kê súng bắn vào tim tự sát. Rồi hai ông bà lần lượt qua đời. Cả ba người đều thành ma hợp với con ma cũ phá phách. Tới con chó tên Dolly Varden của ông bà Thomas khi chết cũng thành ma luôn. Căn nhà này, từ năm 1960 cho tới nay, được dùng làm Bảo tàng Viện của Quận Hạt. Ông Dean Glass, người hiện coi bảo tàng viện này thấy ma hà rầm. Khi thì là những khuôn mặt mơ hồ sương khói, tiếng đàn organ, luồng gió lạnh bất ngờ thổi qua, khi thì là khói thuốc xì gà bay cao trong khi không có ai hút thuốc hoặc cô nàng Violet ngồi khóc âm thầm trong một góc tối. Lần kinh khủng nhất, ông Dean Glass kể lại: “Tôi thấy một bóng đen, đầu đội một chiếc nón rộng, chồm người qua các thanh gỗ cầu thang và nhìn thẳng vào tôi chằm chằm”. Khi ông Glass bất chợt nhìn lên một tấm hình gia đình chụp khi ông Thomas Whaley khoảng hai chục tuổi treo trong một góc phòng thì, cha mẹ ơi, ông giật bắn người. Gương mặt trong ảnh giống hệt khuôn mặt con ma nhìn chằm chằm vào mặt ông!

Vậy thì có ma đứt đuôi đi rồi còn gì nữa! Nhà văn Nguyễn Tường Thiết kể về căn nhà mà ông gọi là “Đỉnh Gió Hú” trên Đà lạt mà ông và người chị gái tên Thoa sống cùng với cha là văn hào Nhất Linh, cũng…ma như ai. “Chị Thoa là người đầu tiên đặt nghi vấn căn nhà này có ma. Tuy trong bụng không tin nhưng tôi bắt đầu cảm thấy rờn rợn. Tôi bắt đầu sợ bóng tối. Tôi sợ những đêm mưa gió. Mà Đà lạt trong trí tưởng tôi thì hầu như quanh năm lúc nào cũng mưa gió. Những đêm nằm trong bóng tối tôi nghe những giọt mưa rỉ rả rơi trên mái ngói, tiếng mưa miên man rền rĩ trôi vào giấc ngủ tôi. Kể từ ngày chị Thoa nói nhà có ma tôi chong đèn suốt đêm, cái ngọn đèn điện nhỏ ở đầu giường trước đây tôi thường tắt trước khi ngủ. Cho đến một đêm kia thì tôi tin là có ma thật. Bởi vì chính tôi nhìn thấy “nó” tận mắt. “Nó” hiện ra sau cái cửa sổ kính kia vào một đêm mưa bão. Đêm ấy nơi cửa sổ kính lóe lên một lằn chớp. Tôi thấy sau những giọt nước mưa chạy ngoằn ngoèo trên mặt kính là khuôn mặt ướt át tái nhợt của một cô con gái ở ngoài nhìn trừng trừng vào trong. Chỉ một thoáng thôi. Nhưng tôi đã bừng dậy. Hoảng sợ tôi hấp tấp bước xuống cầu thang. Qua cánh cửa mở buồng ngủ nhà dưới ông cụ vẫn còn ngồi viết dưới ánh sáng một ngọn đèn chụp. Tôi hấp tấp quá thành thử gây tiếng động mạnh. Ông cụ quay đầu về phía sau nói: “Con chưa đi ngủ à?”Không biết trả lời ra sao tôi lẳng lặng đi vào buồng tắm giả vờ như đi tiểu”. (Thế Kỷ 21, số 210, tháng10/2006).

Tôi xin lỗi nếu có bạn nào đọc tới đây mà không dám đi tiểu! Cũng xin lỗi cả “chú bé” Nguyễn Tường Thiết của thời Đà Lạt xưa. Làm gì có ma! Trong một ca chữa bệnh động kinh cho một cô gái 22 tuổi được thực hiện mới đây, các bác sĩ phát hiện thấy khi họ kích thích vùng não liên thùy đỉnh nằm ở thái dương bên trái, bệnh nhân liền cảm thấy có một “bóng người” lẩn khuất phía sau đang bắt chước hành động của cô. Từ đó, các nhà thần kinh học khám phá ra rằng việc kích thích đơn giản vào não có thể khiến cho trí óc ta xử sự phức tạp và tự đánh lừa mình sởn gai ốc. Họ giả thiết rằng hiệu ứng này là sản phẩm của việc tư duy đã chiếu cử động của chính mình lên một hình ảnh ma quái do não gợi nên, một hiệu ứng có thể bắt gặp ở một số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Giáo sư Olaf Blanke, trưởng nhóm nghiên cứu của trường Bách khoa Fédérale de Lausanne, Thụy Sĩ, nhận định: “Thật đáng ngạc nhiên! Cô ấy nhận ngay ra “người đó” đang thực hiện những điệu bộ giống mình, song lại không có sự liên hệ nào cả. Đối với cô ấy đó là một ngưòi lạ, chính xác như những gì bạn thấy ở bệnh tâm thần”. Cô bệnh nhân 22 tuổi này bị động kinh, không có tiền sử bị tâm thần. Vì thế, kết quả này cho thấy kiểu ảo giác “ma quỷ”, mặc dù là một triệu chứng tâm thần phức tạp, có thể sinh ra chỉ bởi một thay đổi rất nhỏ trong não. Cơ chế này cũng có thể giải thích những cảm giác tâm thần phân liệt như hoang tưởng hay niềm tin rằng một phần cơ thể của mình thuộc về…người khác!

Ma do rối loạn trong não con người đẻ ra. Nó là một thứ…ma. Thứ mà người ta đưa ra để dọa nhau chơi! Vậy mà từ đời này qua đời khác cả trẻ con lẫn người lớn cứ co quắp trong sợ hãi. Ma có từ lâu lắm rồi. Nó có mặt trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Phim ảnh, sách báo, hội họa đều có ma núp ở trong. Siêu hình học cũng khốn đốn với ma. Tôi nhớ trong một giờ học về siêu hình học tại lớp Đệ Nhất C trường Chu Văn An trong cuối thập niên 1950, Giáo sư là linh mục Khiết, khi được hỏi về hiện tượng ma, đã giải thích đại khái đó là các linh hồn được Chúa cho phép về trong những công tác “đặc biệt”! Chúng có thể làm cho người ta sợ nhưng không có quyền phép làm người ta chết.

Theo quan niệm của Tây phương, ma là những linh hồn người chết chưa thể “thác” được vì còn những công việc dang dở chưa hoàn thành. Cũng có thể đó là nạn nhân của một sự oan khuất nào đó chưa được giải nên nán lại để tìm kiếm công lý hay trả thù. Đông phương quan niệm ma là những hồn không đi vào vòng luân hồi để đầu thai vào kiếp khác nhưng phiêu du nơi trần thế vì còn vướng nợ trần của kiếp trước. Ma thường ở âm phủ, địa ngục nhưng cũng có thể vương vất trong những chỗ tăm tối, vắng vẻ. Người Trung Hoa ngày xưa tin rằng chỉ có một số người có “căn” mới có thể tương tác được với các hồn ma như khi lên đồng chẳng hạn.

Càng trí thức thì càng tin vào những hiện tượng siêu linh này. Hừm, ăn nói chi ngược ngạo. Thường người ta cho là trẻ con và người bình dân ít học thì mới bị ma nó hành nhiều hơn chứ! Không phải vậy. Ông Bryan Farha của Đại Học Oklahoma City và ông Gary Steward của Đại Học Central Oklahoma mới làm một cuộc nghiên cứu vào năm 2001 đã bảo như vậy. Cuộc điều tra được thực hiện với 439 sinh viên tình nguyện. Trong khi chỉ có 23% sinh viên năm thứ nhất tin vào những hiện tượng huyền bí như chiêm tinh, gọi hồn, nhà ma, thần giao cách cảm và các hiện tượng tâm linh khác thì 31% sinh viên năm cuối và 34% sinh viên tốt nghiệp tin vào những thứ huyền bí này. Hai ông kết luận: “Khi mọi người đạt bằng cấp cao hơn thì niềm tin vào những hiện tượng siêu hình càng tăng”. Chính truyền thông, báo chí và ngay cả văn học, phim ảnh đã nhồi nhét những hiện tượng này vào đầu chúng ta từ thuở còn thơ. Lớn lên, những người càng học cao càng có nhiều khả năng bảo vệ những điều họ tin tưởng.

Ma trong những truyện của Bồ Tùng Linh có hay không? Không cần biết nhưng ma như thế thì hết xảy. Toàn những thiếu nữ đẹp hiện ra với các thư sinh để sẵn sàng mây mưa. Bây giờ lại bảo các ông thư sinh dẹp đi những bóng hồng ma quái đó thì chắc ít ông chịu. Nhạc sĩ Từ Công Phụng chắc nằm trong số những thư sinh này. Ông bạn tôi rất khoái những “em ma” của họ Bồ và khoái nhất là câu hầu như có trong mỗi truyện: bèn giao hoan! Chữ “bèn” này nghe sao mà hối hả!

Nhà văn Nguyễn Thụy Long thì không có ma cũng bịa ra ma. Trong “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút” ông đã tự thú về những con ma của ông và cha Nguyễn Quang Lãm, Chủ nhiệm nhật báo Xây Dựng mà nhà văn họ Nguyễn cộng tác: “Tôi thuê một căn phòng nhỏ ở gần chỗ cha ở. Tôi kêu ầm lên với cha rằng căn phòng tôi có ma nhiều quá, phá tôi không ngủ được. Tôi còn tả cả mặt mũi kinh khủng của con ma. Tính cha vốn thật thà chân thật. Tôi nói riết rồi cha cũng tin tôi bị quỷ ám. Mặt cha trở nên nghiêm trọng:

- Thôi được để cha tính cho mấy con ma ấy. Đừng bỏ nhà đi, đừng chạy sang tao xin ngủ nhờ nữa. Mày phải có đức tin.
Buổi sẩm tôi hôm đó cha Lãm sang phòng tôi vẩy nước phép, đọc kinh, còn treo trước giường tôi một cây thánh giá. Ngài an ủi tôi:

- Cứ yên tâm mà ngủ. Quỉ dữ cũng phải lùi đừng nói chi đến mấy con ma vặt.

Được mấy hôm, cha Lãm hỏi tôi:

- Mày thấy thế nào, mấy con ma đã để mày yên chưa? Tôi ỉu xìu:

- Dạ chẳng ăn thua gì, nhưng bây giờ yên rồi, con có cách đuổi chúng nó.

- Thế à, bọn quỉ này hỗn nhỉ, nhưng mày làm cách gì vậy? Mặt tôi tỉnh bơ:

- Đơn giản thôi cha à, con lấy độc trị độc. Mỗi tối con mang gái vào phòng vui vẻ, ma biến hết…

Cha Lãm lắc đầu:

- Giê-su-ma, lạy Chúa tôi, mày là Lucifer. Thằng Satan, thằng Lucifer bịp tao. Tội đấy con ạ, hãy tìm đường mà tránh lửa địa ngục!”

Ma có nhiều loại phụ trách nhiều lãnh vực chuyên môn khác nhau. Ma xó chuyên rình rập những người ở trong nhà, ma da chuyên nhận chết người dưới nước, ma trơi lập lòe trên đất dọa con nít, ma dú chuyên dấu người trong bụi tre, ma cà rồng chuyên hút máu người. Con ma sau chót này bị lợi dụng nhiều nhất. Sách vở và nhất là phim ảnh đã kiếm bộn bạc cắc do con ma này mang lại. Cũng nên dừng lại với con ma…tiền không là tiền này một chút. Theo truyền thuyết mỗi con ma cà rồng đều đã từng là một con người bị một con ma khác tấn công, chết đi rồi trỗi dậy từ nấm mồ để hóa thân thành con quỷ hút máu người khủng khiếp! Không ai biết hình ảnh ma cà rồng xuất hiện từ khi nào nhưng truyền thuyết về nó đã có cách đây ít nhất bốn ngàn năm trong cộng đồng người Assyrie và người Babylone cổ ngụ cư trong vùng Lưỡng Hà. Thời đó người ta rất sợ Lamastu, một nữ hung thần dữ tợn luôn tấn công con người bằng cách đột nhập vào nhà giữa đêm khuya để bắt cóc hay giết chết trẻ em hoặc bào thai trong tử cung của đàn bà. Lamastu cũng tấn công cả người lớn, hút máu thanh niên và gây dịch bệnh. Trong thần thoại châu Á, ma cà rồng cũng có chỗ ngồi. Trong văn học dân gian Ấn Độ có con quỷ Rakshasa chuyên sát hại con nít. Tại Trung Hoa dân chúng tin có những người chết chưa tới số nên đã đội mồ sống dậy đi lang thang. Tất cả những truyền thuyết trên được dân du mục kể lại với nhau, trộn lẫn với nhau, sinh ra anh ma cà rồng nổi tiếng khắp thế giới có hai cái răng nanh nhọn hoắt chuyên hút máu nơi cổ của người khác, biến người này thành một con ma cà rồng mới, tăng dân số cho những sinh vật khiếp đảm này. Tới thế kỷ 17 và 18, khắp Tây Âu lên cơn sốt ma cà rồng. Dân chúng hoảng sợ thấy người chết sống lại đi khắp nơi tấn công người sống. Chính quyền các nước này đã phải cho khai quật các phần mộ để thiêu hủy các xác chết. Trận dịch ma cà rồng đưa những hình bóng đáng sợ này vào thi ca và hội họa. Cảm hứng từ những tác phẩm này, nhà văn Ái Nhĩ Lan Bram Stoker đã viết nên cuốn Dracula nổi tiếng khắp thế giới.

Ma cà rồng ám ảnh con người qua bao nhiêu thế kỷ nhưng thực ra có ma cà rồng không? Đã là ma thì dĩ nhiên không hề có dù ghê gớm như ma cà rồng đi nữa. Nhưng thần hồn nát thần tính dân chúng cứ nhắm mắt sợ ma cà rồng. Để giải tỏa ám ảnh ma cà rồng, nhà toán học Mỹ Costas Efthimiou của Đại Học Central Florida đã dùng khoa học toán để giải thích. Ông lý luận một cách hợp lý như thế này: vào ngày 1/1/1600 dân số thế giới là 536.870.911 người. Nếu con ma cà rồng đầu tiên xuất hiện vào ngày đó và cắn một người trong một tháng thì sẽ có 2 con ma cà rồng vào ngày 1/2/1600. Một tháng tiếp theo sẽ có 4 con ma cà rồng. Cứ tiếp tục như thế thì chỉ trong vòng hai năm rưỡi toàn thể dân số trên thế giới sẽ thành ma cà rồng hết ráo! Bạn và tôi, chúng ta thử soi gương xem mình có hai chiếc răng nanh hút máu người chăng?

Ma cà rồng không có nhưng ma cà…chớn thì có. Con ma đó tên Bảy Cự trong truyện “Mảnh Đất Nhiều Âm Binh” của nhà văn Lâm Chương. Anh chàng Bảy Cự này muốn dê bà Hân, một phụ nữ góa chồng, nên nhờ người đêm đêm núp sau nhà bà Hân kêu ục ục vào cái hũ đựng nước mắm như ma. Bà Hân sợ la làng inh ỏi. Hàng xóm láng giềng kéo tới trong số đó có Bảy Cự. “Ông đi kiểm soát chung quanh nhà và lục soát ngoài vườn, nhưng không thấy gì cả. Ông chép miệng ra chiều thương hại: “Nhà không có đàn ông, chó gà lờn mặt. Lỡ khi tối lửa tắt đèn, có chuyện gì bất trắc thì làm sao?” Bà Hân từ lâu vốn không ưa Bảy Cự vì cái nết hay dê, nhưng đêm nay ông tỏ ra nhiệt tình lo lắng cho bà, bà nhìn ông thầm biết ơn. Đêm sau nữa, tiếng “ục, ục” lại tái diễn. Bà la làng, người láng giềng lại kéo đến, cũng không phát hiện được điều gì khả nghi. Vài lần như vậy, họ nghĩ bà Hân đùa dai, muốn phá giấc ngủ của họ. Những đêm sau này, dù mẹ con bà có la bể cổ họng cũng không ai thèm đến, ngoài Bảy Cự. Hai mẹ con sợ đến mất ăn mất ngủ. Cuối cùng bà đành xuống nước nhờ Bảy Cự mắc võng ngủ ngoài hành lang nhà bà, canh giùm kẻ trộm. Bà cũng xin lỗi không thể để ông ngủ trong nhà vì hoàn cảnh mẹ góa con côi.” Sau những đêm ngủ ngoài hành lang với thành tích đuổinhững bóng đen quấy phá căn nhà bà Hân, Bảy Cự cho biết khi nó chạy chân không chạm đất. “Bảy Cự đứng suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu nhè nhẹ: “Hiện tượng vừa rồi làm tôi nhớ lời ông bà mình thường nói, ma quỷ khi di chuyển chân không chạm đất”. Ông vừa dứt lời, cô Lan sợ hãi xô đến ôm chầm lấy mẹ. Bảy Cự trấn an: “Cháu đừng sợ. Ma quỷ thuộc về cõi âm, có bóng không hình. Nó chẳng làm hại được con người trên dương thế.” Bà Hân vừa ôm đứa con gái của mình, vừa ngó dáo dác chung quanh: “Ông nói làm tôi rợn cả da gà.” Bảy Cự bày cho bà Hân cúng vái rồi ôngvề nhà. Dĩ nhiên thứ ma có chủ đích như vậy thì van vái ăn thua chi. Không có Bảy Cự nằm ngoài hành lang, ma về kêu ục ục còn làm bà Hân sợ hãi hơn nữa. Đành phải mời Bảy Cự tới ngủ ngoài hành lang lại. Lần này cảm tình hơn nhiều vì con người tốt bụng. Thời tiết thay đổi, những đêm mưa gió, bà không đành lòng để ân nhân ướt át ngoài hành lang nên mời vào ngủ trong nhà. Con ma đã vào trong nhà, dễ gì nó để yên. Bảy Cự thành công. Có đàn ông trong nhà, dương khí thịnh, ma quỷ đều xếp ve. Bảy Cự chính thức thành chồng bà Hân khi họ sửa soạn mâm cơm đãi hàng xóm láng giềng!

Con ma ăn theo Bảy Cự đích thị là ma. Đó là loại…ma mãnh!

10/2006