Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

UNG

Cũng phải có một lần nói chuyện phải trái với anh chàng Ung quỷ quái này! Anh ấy đã lộng hành quá đáng. Chỗ nào anh ấy cũng dí mũi vào. Anh ấy đã chơi xấu Lê Đình Điểu, Lê Uyên Phương, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền…Anh ấy còn đang giỡn mặt Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Vĩnh Điện…Anh ấy khó chơi lắm! Nhà thơ Luân Hoán, khi cung tiễn Nguyên Sa, cũng đã nhụt chí nam nhi.

tôi nằm sờ vạt xương tôi
khi nghe anh nhập viện chơi mấy ngày
quyết không buồn, cớ sao, nay

lòng tan hoang lạnh, mặt mày xuội lơ

Đầu thập niên 1990, nhan nhản trên đường phố Montreal những tấm bảng cảnh báo. Nếu chúng ta không hành động gì thì bước vào Thế Kỷ 21, cứ ba người dân thành phố sẽ có một người bị ung thư. Ngày đó, anh chàng Ung còn chưa hung hãn lắm, tôi đã cười khẩy, thầm trách mấy anh Tây khéo lo xa. Cứ ba người thì có một người bị sập bẫy! 33%! Vừa phải thôi chứ, làm gì có chuyện lộng hành quá đáng như vậy! Vậy mà có thật. Còn hơn là thật nữa. Theo một thống kê mới được phổ biến thì trong cuộc đời của người dân Canada, có thể sớm, có thể muộn, 38% đàn bà và 44% đàn ông sẽ gặp anh chàng Ung! Thế thì…chết ngộ rồi! Một đơn vị nhỏ nhoi là gia đình, vợ chồng con cái, cứ cho là bốn người đi, thì đã có một hoặc hai người bị điểm danh. Nghĩ như vậy mới thấy lạnh cẳng. Trong gia đình tôi, ông anh vợ đã dính chấu! Ông bị ung thư hạch miễn nhiễm. Chỉ nội nhìn ông ra vào bệnh viện đã chóng mặt. Chỉ nội nhìn thấy thịt da ông tàn tạ mỗi ngày đã thấy cái tinh quái của anh chàng khó thương chuyên bắt xác người này.

Trốn đâu bây giờ cho khuất tầm mắt cú vọ đang rình rập quanh ta? Hầu như chúng ta cảm thấy bất lực. Chúng ta trải da thịt ra thành một vùng oanh kích tự do của tên thần bệnh. Đành an ủi nhau: Trời kêu ai người nấy dạ! Chuyện trời đất thì tay buông xuôi mặc cho hên xui may rủi. Số phận cả. “ Bạn nghĩ mình có thể tự làm giảm nguy cơ phát triển ung thư hay việc này nằm ngoài tầm tay của bạn?” Đó là câu hỏi của Viện Thông Tin về Ung Thư ở Anh đem ra hỏi 4 ngàn người. Kết quả có 27% tin là ung hay không là do số phận. Nơi những người hút thuốc thì số người buông tay lên đến 34%. Không tin như vậy thì ai cho hút thuốc nữa! Đó là tâm lý của những anh chị bất cần đời. Nơi những người trên 65 tuổi, tuổi về hưu, thì số bách phân còn cao hơn nữa: tới 36% lận! Đây là tâm trạng của những người cảm thấy đã sống đủ, buông tay mặc cho thế sự xoay vần, có bệnh đi chăng nữa cũng cóc cần! Theo Tiến sĩ Lesley Walker, Giám Đốc của tổ chức này thì đây là con số đáng báo động. Mọi người không biết được rằng một nửa trường hợp ung thư có thể tránh được bằng cách thay đổi lối sống. Thay đổi như thế nào? Tiến sĩ Walker nói rõ: “Chúng ta có thể giảm nguy cơ ung thư bằng việc ngừng hút thuốc, giữ số cân nặng ổn định, ăn uống đều hòa, dùng nhiều trái cây và rau xanh, cuối cùng là dành thời gian tập thể dục.”

Nghênh với anh chàng Ung đòi hỏi một sự kiên cường và hiên ngang. Những người hay sợ sệt là những người có nhiều nguy cơ bị anh chàng tinh ranh này hỏi thăm sức khỏe. Chuyện này không phải chuyện bày đặt để nâng cao tinh thần…chiến sĩ, mà là chuyện nói có sách mách có chứng đàng hoàng, có thí nghiệm hẳn hoi. Tuy thí nghiệm mới chỉ thực nghiệm với…chuột! Người không phải chuột, dĩ nhiên, nhưng trong những thí nghiệm khoa học thì cứ tuần tự từ chuột đến người. Bởi vì chuột có nhiều…đức tính giống người! Các nhà khoa học tại Đại Học Pennsylvania đã cho 81 chú chuột cái 20 ngày tuổi, bị ung thư vú phiêu lưu vào một môi trường mới không đe dọa. Khi chúng được 390 ngày tuổi, họ kiểm tra thì thấy có tới 80% những nàng chuột thuộc loại thường xuyên sợ sệt sẽ phát bệnh so với chỉ 38% những nàng chuột thích phiêu lưu không sợ sệt. Kết luận của nhóm nghiên cứu được Giảng Viên Đại học Sonia Cavigelli diễn tả như sau: “ Đây là lần đầu tiên vấn đề tính khí khi còn nhỏ có thể giúp tiên đoán trước thời điểm xuất hiện khối u và tuổi thọ”. Cũng trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã nhận thấy là trong suốt tuổi dậy thì, những con chuột sợ sệt có nguy cơ ung thư cao gấp đôi vì chu kỳ sinh sản không đều đặn so với những nàng chuột thích phiêu lưu. Chu kỳ này ổn định ở tuổi trưởng thành nhưng sự bất thường trở lại khi sang tuổi trung niên. Sự khác biệt này là do các rối loạn về hormone từ nhỏ có liên quan đến sự phát triển ung thư sớm hơn. Đó là thí nghiệm với chuột cái, còn chuột…đàn ông thì sao? Trước đây cũng đã có một thí nghiệm tương tự với các chàng tí và kết quả cũng như thế.

Không sợ thằng tây nào cả coi bộ được việc. Nhưng sợ hãi là…nếp nhà của rất nhiều người yếu bóng vía. Dẹp được cái sợ hãi này, đá đít được anh bệnh tưởng cho đi chỗ khác chơi, là lòng… can đảm của mỗi người. Cứ hít hơi vào, ưỡn ngực lên coi anh chàng Ung như pha thì anh chàng cũng nem nép đi làm ăn chỗ khác. Nhiều người sẽ bĩu môi. Lấy đâu ra cái can đảm đó. Nói thì dễ nhưng cứ thử làm đi thì biết. Khó tày trời! Can đảm dĩ nhiên là tính trời cho, nhưng…xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Tập tành nhiều khi cũng có kết quả chứ!

Nếu chưa đủ can đảm thì…ăn ớt! Đây là lời xúi…khôn của các nhà khoa học Anh của Đại Học Nottingham. Trong ớt có chất capsaikin là hợp chất gây nên đỏ và nóng của ớt. Chất này có thểtiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách tấn công vào thẳng trung tâm năng lượng của chúng. Theo Tiến Sĩ Timothy Bates, trung tâm năng lượng của tế bào có nhiệm vụ chuyển hóa các chất hữu cơ thành năng lượng để nuôi tế bào. Mà trung tâm năng lượng của tế bào ung thư có cấu trúc rất khác với tế bào thông thường. Đó là điểm yếu của chúng. Những hợp chất của họ vanilloidcapsaicin có ở trong ớt là một thành viên của hợp chất này, có khảnăng gắn kết với những protein trong ti thể của tế bào ung thư làm cho tế bào này chết. Hay một cái là hợp chất vanilloid này không tác động gì tới những tế bào khỏe mạnh chung quanh. Hơn nữa chúng có trong ớt và rau là những thứ chúng ta vẫn tiêu thụ thoải mái nên rất an toàn với con người. Điều này khiến cho các nhà khoa học nghĩ tới việc chế biến chúng thành một loại thuốc ngừa và trị ung thư. Chúng ta có thể hô khẩu hiệu “Ớt Muôn Năm” được chưa? Tiến sĩ Bates bảo là chưa. Ông vẫn còn dè dặt: “Thử nghiệm cho thấy những chất chiết xuất từ ớt giết chết được tế bào ung thư trong ống nghiệm, nhưng không ai biết liệu chúng có an toàn và hiệu quả đối với các tế bào ung thư trên cơ thể con người hay không!”

Ăn ớt là chuyện dễ nhưng làm công việc nhà chưa chắc đã là việc dễ. Nhưng nếu biết là làm việc nhà có thể ngăn chặn được ung thư vú thì các bà có sắn tay áo lên không? Chuyện…xúi dại này không phải của tôi mà là của các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Ung Thư Anh. Họ đã thí nghiệm trên 200 ngàn phụ nữ trong 6 năm dài để đi đến kết luận là những bà chịu khó dành ra mỗi tuần khoảng 17 tiếng đồng hồ để giặt giũ, nấu nướng, lau chùi trong nhà thì, nếu ở tuổi tiền mãn kinh sẽ giảm được 30% nguy cơ mắc ung thư vú, và nếu ở tuổi mãn kinh sẽ giảm 20%. Họ không nói gì tới giới chưa tiền mãn kinh. Nhưng phụ nữ thì vẫn cứ là phụ nữ, kinh kiếc là chuyện vặt, cứ ra tay giặt giũ nấu nướng chắc cũng có điều tốt. Không bổ ngang cũng bổ dọc! Không dọa được anh chàng Ung thì cũng nhận được ánh mắt đầy cảm tình của anh chàng chung giường làm cho mình thêm can đảm để…nai lưng lau chùi nấu nướng!

Ăn ớt, làm việc nhà chắc là ít dễ chịu hơn việc ăn các món chế biến từ đậu nành. Đi chợ mua về một hộp tàu hũ, chế biến ra được khối thứ hấp dẫn: chiên, kho, canh, xào gì cũng cứ hấp dẫn tuốt. Sữa đậu nành cũng dễ uống hơn sữa tươi. Sản phẩm đậu nành nếu vào tay các bà nội trợ Nhật Bổn thì lại còn…nở hoa hơn nữa. Có phải vì vậy mà phụ nữ Nhật Bổn ít bị ung thư vú hơn các phụ nữ nước khác không? Các bà Mỹ bị ung thư nhiều gấp bốn lần các bà Nhật. Nhưng khi các bà Nhật di cư qua Hoa Kỳ thì tỷ lệ bị ung thư cũng mắm xốt như các bà Hoa Kỳ chính hiệu. Tại sao vậy? Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự khác biệt là ở chỗ dân Nhật có truyền thống ít ăn thịt động vật và ăn nhiều thực phẩm làm từ hạt đậu nành. Một kết quả mới toanh, vừa được công bố vào ngày 14 tháng 11 năm 2006 tại một hội nghị về phòng ngừa bệnh ung thư tại Boston do Hội Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ tổ chức, do các nhà nghiên cứu thuộc viện Đại Học Hawaii và Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ thực hiện. Theo kết quả nghiên cứu thực hiện trên 1563 phụ nữ Mỹ gốc Á Châu gồm 597 người bị ung thư vú và 966 người không bị bệnh đã đưa tới kết quả là việc ăn thực phẩm chế biến từ đậu nành có liên hệ mật thiết đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Khoa học gia trưởng cuộc nghiên cứu, Bác sĩ Larissa Korde, cho biết là các phụ nữ khi còn ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi dùng nhiều thực phẩm từ đậu nành giảm được 58% nguy cơ mắc ung thư vú về sau. Tại sao vậy? Vì trong đậu nành có chất isoflavones có hiệu ứng làm thay đổi các tế bào vú dẫn đến việcgiảm các chất sinh ung thư và làm các tế bào đã bị ung thư ngưng phát triển.

Ung thư vú được Tổ Chức Y Tế Thế Giới xếp vào hàng thủ phạm số một trong các loại ung thư nơi phụ nữ. Nếu người ta ý thức được là có thể ngừa ung thư vú bằng cách chụp hình đều đặn hàng năm hoặc mỗi hai năm, tùy trường hợp, thì số người mắc bệnh có thể giảm đi được 25% nếu chị em phụ nữ, nhất là những phụ nữ ở độ tuổi từ 50 tới 69, đi chụp hình theo định kỳ. Dù ung thư gì đi nữa thì cũng cứ đi khám và chụp hình theo đúng lịch trình kiểm tra sức khỏe là an tâm. Bởi vì việc mời anh chàng Ung đi chỗ khác chơi phụ thuộc phần lớn vào ba yếu tố: ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị đúng. Nếu cơ thể có những triệu chứng bất thường, điều trị khoảng 2 tuần không khỏi, thì nên gặp bác sĩ để truy tầm xem anh chàng mất dạy này có lẩn quất đâu đây chăng. Chẳng hạn như vết loét lâu lành trên da, ho, khó thở, nuốt khó, đầy hơi, chướng bụng…

Khi lỡ dính chấu thì bình tĩnh chấp nhận hoàn cảnh. Ông bạn Lê Đình Điểu của tôi là một tấm gương bình tĩnh đáng nể. Bệnh nằm trong người rồi mà còn thản nhiên gửi thư cho bè bạn: “Các bác sĩ và y tá ở đây cũng lấy làm lạ là tại sao tôi có vẻ như người không có bệnh! Họ thấy tôi ngồi nghe nhạc classic, viết thư hoặc nhìn ra cửa sổ ngắm cảnh (tuy cảnh chẳng có gì để ngắm), cứ như một du khách đang ở khách sạn, họ ngạc nhiên. Có cô y tá đã hỏi bà Dung: “Ông ấy không biết ông ấy bị bệnh cancer à?” Bà Dung bảo: “ Ông ấy biết chứ.” Quả thật hôm nghe bác sĩ thông báo kết quả thử nghiệm “positive” (tức là có cancer), tôi cũng hơi choáng một chút. Nhưng nghĩ cho cùng, năm nay tôi 60 tuổi (ta) rồi, vừa tròn một hoa giáp, cũng đủ cho một đời người. Nếu phải “ra đi” thì cứ thản nhiên lên đường thôi.”

Ngày nay tuy y học chưa chặn đứng được anh chàng Ung nhưng không phải bị anh chàng này quấy phá là chỉ có một cửa tử. Thái độ…thiếu can đảm như nhân vật Giao trong truyện ngắn “Mai Sau” của tôi là một chướng ngại cho việc điều trị. “ Những bữa cơm có Phụng thì khác. Anh oang oang chuyện gẫu, tán dóc, khích bác Giao. Miệng lanh lẹ như tay, Phụng vừa nói vừa tiếp cho Giao ăn. Giao vừa tỏ ra uể oải, Phụng đã mắng át.

“ Ăn đi mày. Vợ mày vất vả đoán ý mày để nấu cho mày những món ăn vừa miệng thì mày phải ăn đi chứ. Chất ga lăng mày vất đi đâu hết rồi?”

Giao cười mếu máo.

“ Ga lăng cái con khỉ ấy! Người còn nát huống chi cái ga lăng. Mày đếch biết gì cả, chỉ nói tầm bậy!”

Phụng xuống giọng dỗ dành.

“ Ừ thì thôi. Vứt mẹ nó cái ga lăng đi. Cơm cũng là thuốc đấy. Ăn đi cho khỏe để còn gây sự với tao chứ. Tính tao ưa nặng, không có đứa nào chọc cho sôi máu thì buồn. Mẹ kiếp, đớp đi mày!” Giao đành cố nuốt miếng cơm một cách khó nhọc. Cũng chỉ được vài miếng rồi lại ai oán.

“ Ăn cũng đi đứt, chẳng ăn cũng đi đứt. Chó má thật!”

Cái ý nghĩ “đi đứt”mang theo sự buông xuôi. Bệnh nó chỉ chờ có thế. Nhưng y khoa đâu có để cho bệnh múa gậy vườn hoang. Trong số người Canada…ung từ năm 1995 đến 1997, 59% đã thoát được cái chu kỳ 5 năm sống sót. Vào đầu năm 2007 này, việc xua đuổi chứng bệnh hiểm nghèo này đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Để chữa trị, có ba phương cách: hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Hóa trị là lãnh vực có nhiều bước tiến nhất. Nói đến hóa trị là bệnh nhân rùng mình nghĩ tới những hậu quả rụng tóc, buồn nôn và mệt mỏi đến kiệt sức. Đó là chuyện xưa. Ngày nay những tác dụng phụ này đã được hạn chế tới mức tối thiểu mà hiệu quả của thuốc lại tăng lên mức tối đa. Phẫu thuật ngày nay cũng khác xưa. Khả năng trừ tiệt căn khá cao, để lại vết thương tối thiểu và không di hại nhiều tới những vùng chung quanh. Như phẫu thuật ung thư vú chẳng hạn. Trước đây phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, cả nách, thành ngực và các vùng liên quan. Ngày nay các nhà giải phẫu chỉ cắt bỏ cục u, bảo tồn tuyến vú rồi dùng xạ trị bổ xung nhằm giảm nguy cơ tái phát. Xạ trị cũng khác xưa. Kỹ thuật hiện nay chỉ tập trung bắn tia laser thật mạnh vào chính khối u thay vì bắn phòng ngừa vào các tế bào lành mạnh xung quanh. Tia laser còn được dùng như dao mổ để loại bỏ khối u trong cơ thể bệnh nhân.

Các nhà khoa học còn đang tìm tòi để làm hơn nữa: làm đông lạnh bệnh nhân chờ cho tới khi nào có phương cách trị dứt bệnh sẽ đánh thức dậy để chữa. Từ đầu thập niên 1990, nhà khoa học Nga V. Kovanov và các đồng nghiệp đã thành công trong thí nghiệm làm đông lạnh một chú chuột rồi làm ấm lên từ từ mà chuột vẫn sống trong suốt thời gian thí nghiệm. Đó chỉ mới là những thành công bước đầu, còn nhiều vấn đề khoa học và pháp lý phải giải quyết trước khi cho con người đi ngủ một giấc đông miên chờ ngày sống lại được.

Ông thợ may người tỉnh Salerno thuộc miền nam nước Ý Nicola Grippo, đã 76 tuổi, còn chờ gì được. Ông bị anh chàng Ung chơi tới tơi tả rách nát. Ung thư phổi, ung thư thận và ung thư cột sống. Các bác sĩ điều trị đã chê. Hết thuốc chữa. Một đêm, bà Elisabeth, vợ ông Nicola, nằm mơ thấy Đức cố Giáo Hoàng John Paul II, tay bồng một em bé bước đi trên một con đường đá sỏi trắng. Sau đó, các bác sĩ, sau khi khám nghiệm, đã hỏi ông có cầu xin một ông thánh nào không. Bà vợ lúc đó mới kể về giấc mơ cho các bác sĩ nghe. Họ vội nói cho ông biết là phổi ông không còn vết tích ung thư nào cả và họ không tin là thuốc men đã ảnh hưởng tới việc khỏi bệnh thần kỳ như vậy.

Giáo Hoàng John Paul II, vào lúc cuối đời, cũng đã bị bệnh Parkinson hành tơi tả. Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký riêng của Ngài suốt bốn thập niên, trong cuốn hồi ký A Life With Karol vừa được xuất bản, đã tiết lộ là vào năm 2000, Đức Giáo Hoàng đã nghĩ tới việc từ chức và sửa đổi luật của Tòa Thánh cho phép các Giáo Hoàng có thể “về hưu” vào tuổi 80. Cũng theo cuốn hồi ký này thì Giáo Hoàng John Paul II đã định ra một thủ tục đặc biệt để từ chức trong trường hợp sức khỏe của Ngài không cho phép Ngài chu toàn trách vụ Giáo Hoàng cho tới khi chết.

Không hiểu khi trù liệu sự lộng hành của anh chàng Parkinson, Giáo Hoàng có nghĩ tới anh chàng khó chịu và lộng hành hơn nhiều là anh chàng Ung không?

01/2007