Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

NÓNG

Tôi có trong tay một tập thơ nhỏ, chỉ có 60 trang, của nhà thơ Tôn Nữ Thanh Thủy, do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ở trong nước ấn hành năm 1991. Tập thơ được tác giả tặng cho tôi vào năm 1995 trong một lần tôi về Việt Nam. Tên của tập thơ là “Trái Đất Đang Nóng Dần Lên”. Cái tên nghe hơi điệu đàng. Đọc qua rồi tôicũng không chú ý lắm. Nhưng vào thời điểm cuối năm 2006 này, đúng 15 năm sau khi tập thơ được xuất bản, cái tên lại là một điều tiên tri. Làm sao một nhà thơ lại có cái linh cảm nói tới một điều mà 15 năm sau thế giới mới xôn xao bàn tán lo lắng như vậy? Trái đất đang nóng dần lên. Tôi đang sống ở một xứ lạnh cắt da, mùa đông là một cực hình, đắp điếm tới bao nhiêu lớp áo cũng vẫn còn thấy lạnh. Những khi thời tiết rơi xuống cả chục độ dưới không độ bách phân, phải chơi anh áo lông vịt mới đương đầu nổi với cái lạnh. Tháng 11/2006, nhạc sĩ Nhật Ngân từ Cali tới Toronto, trời mới se se lạnh, chúng tôi nói chuyện tới mùa đông Canada, tôi nhắc tới áo lông vịt, anh ngớ người ra không biết là trên thế giới này còn có chỗ cho lông vịt có đất dụng võ. Những người ở miền nắng ấm sướng thật!

Nhưng mùa đông năm ngoái, dân Montreal đã qua được một mùa đông tương đối dễ chịu. Ít có ngày quá lạnh. Qua được mùa đông, mọi người thở phào chen lẫn chút sung sướng. Đó, trái đất đang nóng dần lên đó! Càng tốt chứ sao.

Chuyện không giản dị như vậy. Khi trái đất lên cơn sốt thì con người sẽ vất vả trăm đường. Chúng ta là những người tị nạn chính trị, rời đất nước để tránh một cơn bão đỏ. Số người tị nạn khoảng trên một triệu người. Đó là một biến cố lớn lao, cho thế giới và nhất là cho mỗi con người chúng ta. Thân phận một người tỵ nạn với bao nhiêu đắng cay, nhọc nhằn, chúng ta đã nếm đủ. Vậy mà với cơn nóng của trái đất, theo dự đoán của các chuyên viên của Liên Hiệp Quốc thì trong vòng 5 năm tới sẽ có ít nhất là 50 triệu người sẽ phải di cư tỵ nạn. Đến cuối thế kỷ này con số người phải bỏ nhà ra đi sẽ lên tới 150 triệu người, thậm chí có chuyên viên đã tiên đoán lên tới 400 triệu người! Thế giới sẽ rối mù lên vì những đợt sóng người tị nạn này mà người ta đã gắn cho nhãn hiệu “tỵ nạn thời tiết”. Đây là một loại tỵ nạn mới tinh. Loại tỵ nạn của thế kỷ 21 này đã bắt đầu với cơn bão Katrina xảy ra vào năm ngoái tàn phá cả một vùng của nước Mỹ giầu có gây hậu quả thảm khốc cho dân cư khiến họ phải bỏ chạy về các nơi an toàn hơn. Khi cơn bão vừa chấm dứt, tôi đã đặt chân tới thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas. Khu chợ Hong Kong 4 hầu như chỉ đón tiếp những người tỵ nạn thời tiết Việt Nam, vậy mà cũng nhốn nháo như một cái…chợ! Người la liệt nằm ngồi, các bàn thực phẩm cứu trợ, tiếng máy phóng thanh loan báo tin tức, các cơ quan đoàn thể đến ủy lạo nhộn nhịp. Quang cảnh cứ như tại các trại đón tiếp những dân di cư năm 1954, khi một triệu người tỵ nạn Cộng sản phía Bắc được di chuyển vào miền Nam.

Nhưng duyên cớ gì mà tự dưng trái đất ấm đầu gây nên xáo trộn như vậy? Đó là tại chiếc xe hơi của bạn đang lái. Kết tội nhau như vậy thật oan ức cho nhau lắm. Thật ra khói thải của xe hơi chỉ là một phần. Phần lớn hơn là khói thải của các nhà máy kỹ nghệ. Những thứ khói thải đó làm tầng ozone bao bọc trái đất bị…thương. Chặt cây phá rừng làm thay đổi môi sinh trên thế giới cũng gánh một phần… tội lỗi! Đó là nói một cách qua quít như vậy cho dễ hiểu chứ các nhà khoa bảng giải thích rắc rối tơ vò đau cái đầu lắm. Trái đất đã ấm đầu, chúng ta lại đau đầu nữa thì khó sống. Những người có trách nhiệm với thế giới đã họp nhau lại tại Kyoto vào năm 1997 để tìm cách cứu vãn trái đất. Họ đã thỏa thuận ra một nghị quyết kêu gọi các nước giảm mức độ khí độc kỹ nghệ carbon dioxide thải ra vào năm 2012 xuống tới mức trung bình dưới 5% của năm 1990. Ba mươi lăm nước đã OK thi hành ngay tức khắc. Anh khổng lồ Hoa Kỳ không chịu ký. Chính anh chàng này lại là nước thải khí độc ra nhiều nhất. Năm 2004, Hoa Kỳ đã thải ra 7 tỷ 68 triệu tấn khí thải, tăng 15,8% so với năm 1990. Để so sánh thì Liên Hiệp Âu Châu thải ra 4 tỷ 228 triệu tấn, Nga 2 tỷ 24 triệu tấn, Nhật Bổn 1 tỷ 355 triệu tấn và Canada chỉ có 758 triệu tấn. Việc làm dơ bầu không khí mang tới những hậu quả tai hại cho trái đất sau Hội Nghị Kyoto không được giảm bớt như trù định nên Liên Hiệp Quốc lại phải triệu tập một hội nghị khác ở Nairobi, nước Kenya vào tháng 11/2006 này.

Các người có trách nhiệm đôn đáo như vậy, dân thường chúng ta có care chuyện này không? Dân Canada chúng tôi thì có. Theo cuộc khảo sát của hãng thăm dò dư luận Ipsos Reid vừa được công bố thì 26% dân Canada coi vấn đề môi trường là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả vấn đề sức khỏe là vấn đề từ trước tới nay lúc nào cũng là mối lo của họ. Họ chú ý tới việc cải thiện môi trường đến nỗi 52% đồng ý là phải đặt ra một thứ thuế đánh vào những người hay hãng xưởng tạo ra khí thải. Kết quả cuộc thăm dò làm ngạc nhiên ngay cả những nhà thăm dò. Ông Darrell Bricker, Phó Giám đốc của Ipsos Reid đã phải nói: “ Thường thường môi trường là vấn đề chìm chìm dưới mặt nước. Chúng tôi gọi đó là vấn đề tàu ngầm! Thỉnh thoảng vấn đề này được nhô lên khỏi mặt nước bằng chiếc ống nhòm làm lăn tăn vài làn nước”. Vậy mà ngày nay nó đã chồi lên khỏi mặt nước thành một vấn đề nổi cộm. Cũng dân Canada, lần này là một tiểu thư, được tôi phỏng vấn:

“ Cô nghĩ sao về việc trái đất đang nóng dần lên?” “ Dạ, em cũng lo lắm chứ!”

“ Cô lo làm sao?”

“ Dạ, em lo không biết nóng như thế ngân hàng họ có cho mượn tiền để đi tắm biển vài lần một năm không!”

Thấy dư luận xôn xao, báo chí bàn tới bàn lui, một ông bạn tôi tức bực: “ Đúng là cơm no ấm cật không có chuyện gì làm nên bới chuyện ra mà lo. Trái đất có nóng lên một vài độ thì ăn thua chi! Chuyện không có gì mà ầm ĩ!” Ông này không biết là chỉ một vài độ nóng cũng đủ sinh ra nhiều chuyện lớn. Đây là “bảng giá” của một vài độ ấm đầu của trái đất. Về thực phẩm cho con người: nếu chỉ tăng 1 độ thôi cũng đủ làm mùa màng bị tàn phá nhất là tại các nước đang phát triển. Về thời tiết: tăng 1 độ là đủ gây ra thêm nhiều bão tố, cháy rừng, lụt lội, hạn hán và những đợt nóng. Về sức khỏe của con người: cũng chỉ cần tăng 1 độ thôi là đủ để gây ra tử vong hàng loạt vì suy dinh dưỡng, nóng nực, sốt rét ngã nước và các bệnh thời khí của các xứ nóng. Về môi sinh: chỉ tăng 1 độ cũng đủ gây tàn phá san hô, tăng 2 độ thì 40% các loại sinh vật bị nguy cơ hủy diệt. Về lượng nước: chỉ tăng 1 độ đủ để các tảng băng nhỏ tan ra gây nên nạn thiếu nước, tăng 2 độ thì thiếu nước trầm trọng hơn, tăng 4 độ thì ngập lụt vì nước biển dâng cao, khoảng 200 triệu người phải di cư tỵ nạn thời tiết. Về kinh tế: nếu tăng 2 độ thì kinh tế toàn cầu suy thoái 3%, tăng lên 3 độ rưỡi thì mất 10%, tăng lên 4 độ rưỡi thì suy thoái tới 20%!

Cuộc cách mạng kỹ nghệ đưa mức sống của con người lên một nấc cao hơn, đưa lại nhiều tiện nghi vật chất cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng con người đã lơ là chuyện giữ sạch môi trường sống của chúng ta. Chưa bao giờ trái đất này bị hâm nóng như bây giờ, nóng gấp 30 lần các thời kỳ nóng mà trái đất đã trải qua. Đó là kết luận của Giáo sư James Zachos, chuyên về Vật Lý Địa Cầu của Đại Học California ở Santa Cruz. Trong công trình sưu khảo so sánh nhiệt độ của địa cầu suốt 55 triệu năm, ông nhận thấy là thời kỳ hiện nay chúng ta đang sống là nóng nhất, nóng hơn cả thời kỳ sau thời khủng long bị tiêu diệt kéo dài 10 ngàn năm! Cái gọi là cuộc cách mạng kỹ nghệ của con người đã bị trả giá. Việc chúng ta đốt than đá, dầu khí để tạo ra năng lượng đã thải ra số bụi than khủng khiếp. Mỗi năm chúng ta đã làm ô nhiễm môi trường bằng số bụi than thải ra bằng 300 năm thời trước dù thời trước đã có những vụ cháy rừng và núi lửa phun! Mức độ carbon dioxide này khiến trái đất muốn lọc sạch thì phải cần một ngànnăm nữa mới trở về được thời kỳ trước cách mạng kỹ nghệ!

Nghe thấy mà muốn đấm ngực ăn năn về những lầm lỗi của con người. Nhưng nếu bảo bạn cất cái xe hơi đi, đạp xe đạp cho trái đất thanh thản hay chịu khó leo xe buýt cho đỡ chất thải, chắc bạn hùng dũng lắc đầu chịu không thực hiện được. Tiện nghi vật chất của thời bùng nổ cách mạng kỹ nghệ đã tập hư cho thân xác chúng ta mất rồi. Chúng ta đang lún dần vào một cuộc tự tử tập thể mà không biết. Bởi vì hậu quả của chúng mãi đến đời chút chít chúng ta mới lãnh đủ. Vào khoảng những thập niên cuối thế kỷ 21 này, thời tiết thế giới sẽ cực kỳ khắc nghiệt do lỗi lầm của chúng ta ngày nay gây ra cho hậu duệ của chúng ta. Theo tính toán của Trung Tâm Nghiên Cứu Khí Quyển Quốc Gia Hoa Kỳ thì vào khoảng năm 2080 đến 2099, số đêm cực nóng và thời gian các đợt nóng sẽ tăng đáng kể ở gần như tất cả các khu vực đất liền trên khắp thế giới gây tử vong hàng loạt cho con người. Lúc đó đất Canada và phía Bắc nước Mỹ, nơi chúng ta đang định cư bây giờ, sẽ có nhiệt độ khoảng 40 độ bách phân! Đa số các khu vực ở Âu Châu sẽ mưa triền miên khủng khiếp. Khu vực miền tây Hoa Kỳ, nam Châu Âu và nước Ba Tây sẽ có tình trạng khô hanh kéo dài làm gia tăng nạn hạn hán!

Cuối thế kỷ này, mình chết mất đất rồi còn đâu mà lo với lắng! Nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Nhưng những hậu quả đó không chờ tới cuối thế kỷ mới bắt đầu. Chúng đạt tới cao điểm vào thời gian xa lắc xa lơ đó nhưng bắt đầu thì chúng đã bắt đầu rồi. Tuyết trên đỉnh núi Kilimanjaro, ngọn núi cao 5895 thước, cao nhất Phi Châu, đang rã ra. Cái tên Kilimanjaro có gợi nhớ gì trong bạn không? Đó là ngọn núi đầu đội tuyết quanh năm đã được văn hào Ernest Hemingway bất tử hóa trong truyện ngắn “The Snows of Kilimanjaro” đã được quay thành phim vào năm 1952 do AvaGardner và Gregory Peck thủ vai chánh.

Những tảng băng trên Bắc cực cũng đã bắt đầu tan rã. Ngày 20 tháng 9 vừa qua, hình ảnh phát đi từ vệ tinh của Cơ Quan Không Gian Âu Châu cho thấy một sự tách ra bất ngờ của chỏm băng từ Bắc Âu đến Bắc cực vào cuối mùa hè này. Phân tích hình ảnh này, chuyên viên Mark Drinkwater của Trung tâm đã la hoảng: “ Đây là điều hoàn toàn bất ngờ với những gì chúng tôi đã quan sát trước đó. Một con tàu đã có thể đi từ quần đảo Spitzberg lên Bắc cực qua những vết nứt từ những tảng băng.” Chỏm băng Bắc cực đã teo lại vào cuối mùa hè năm 2005. Nó chỉ còn 5,5 triệu cây số vuông so với 8 triệu cây số vuông vào thập niên 1980. Những tảng băng ở Groenland, nguồn dự trữ nước ngọt thứ hai của thế giới, cũng tan nhanh gấp hai lần rưỡi so với hai năm trước đây. Chỉ trong hai năm, từ tháng 5/2004 đến tháng 4/2006, đã có 248 cây số vuông băng bị tan mỗi năm. Điều này làm mực nước biển dâng cao hơn 0,5 mm mỗi năm.

Nạn nhân đầu tiên của cơn sốt của trái đất là dân cư của ngôi làng nhỏ Shishmaref của người Eskimo trên một hòn đảo nhỏ tiếp giáp với Alaska. Đảo này quanh năm tuyết phủ thuộc vùng biển Chukchi, phía bắc eo biển Bering nằm cách nước Nga khoảng 150 cây số. Bề rộng của đảo đo được 600 thước và dài 5 cây số. Băng rã, đảo bị lũ lụt và nhiều mảnh đất bị sạt lở. Sóng biển tràn lên bờ tàn phá nhiều kho hàng, tàu thuyền, sân phơi thịt cá và khu dự trữ thực phẩm trên đảo. Sức mạnh của biển càng ngày càng kinh khủng hơn khiến chính quyền phải di dời 600 dân làng vào vùng đất liền. Họ phải ra đi sau khi tổ tiên họ đã có mặt được 4000 năm trên hòn đảo này, bỏ lại bao nhiêu công trình và giá trị truyền thống. Bốn ngàn năm, thời gian ngang với nền văn hiến mà chúng ta vẫn tự hào. Nghe xa lắc. Từng đó thời gian không sao, nay vì cuộc cách mạng kỹ nghệ của thế giới, chỉ trong vòng vài chục năm, họ đã tan cửa nát nhà, đất của tổ tiên trên 40 thế kỷ bỗng sụp đổ.

Trái đất đang lên cơn sốt như vậy, có ai cứu nó không? Bạn chứ còn ai! Giỡn hoài! Nhỏ bé như tôi thì làm được cái gì! Nhỏ thì làm…kế hoạch nhỏ. Như nếu đi một quãng đường gần thì chịu khó lô ca chân cho nhẹ bớt khí thải. Như đừng để máy xe nổ lâu trước khi chạy hay chịu khó tắt máy xe khi táp vào lề nói chuyện với bạn bè chẳng hạn. Mỗi người một chút cũng đỡ chứ! Chuyện tào lao. Bao nhiêu tỷ người, bao nhiêu triệu chiếc xe, bao nhiêu ngàn nhà máy thi nhau xả khói, cái xế của tôi thì nhằm nhò chi! Nếu ai cũng nghĩ vậy thì còn chuyện gì để nói nữa. Chúng ta cứ làm chuyện nhỏ thì sẽ có người làm chuyện lớn. Lớn như ông to đầu Bill Clinton chẳng hạn. Ông này mới tổ chức một hội nghị cứu nguy trái đất tại New York mang tên Sáng Kiến Toàn Cầu Clinton vào tháng 9 vừa qua. Hội nghị đã thu hút một số các ông chủ bự giầu nhất thế giới và các nhân vật quyền uy nhằm đưa ra kế hoạch và thu góp tiền bạc chữa nóng cho địa cầu. Tổng số tiền đóng góp trong ngày 21/9 này là 5,7 tỉ đô. Riêng ông tỷ phú người Anh Richard Branson cho biết sẽ đóng góp toàn bộ số thu nhập của Hàng Hàng Không Virgin Atlantic và Công ty Xe Lửa Virgin Trains trong 10 năm tới ước tính khoảng 3 tỷ đô! Phần lớn khoản đóng góp này sẽ được dùng để nghiên cứu nhằm dùng nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, than mỏ…

Canada chúng tôi có ông Joe Williams Sr., cư ngụ ở Winnipeg, Canada, từ 11 năm nay đã đầu tư 7,5 triệu đô vào việc sáng chế ra một bộ phận máy móc gắn vào xe hơi giúp đốt cháy toàn thể nhiên liệu, tránh việc xả thán khí vào không gian. Bộ phận này có tên là “Hydrogen Generating Module”, gọi tắt là H2N-Gen, nhỏ như một đầu máy DVD có thể đặt vào khoang máy của bất cứ loại xe hơi nào. Nguyên tắc của nó là đưa khí hydro vào bộ phận tiêu thụ nhiên liệu trong xe để đốt sạch nhiên liệu. Ông Williams đã hãnh diện cho biết là sáng chế của ông sẽ giảm được mức tiêu thụ nhiên liệu từ 10% đến 40% và làm sạch khí thải trăm phần trăm. Giá bộ phận H2N-gen là 7.500 đô. Nếu một xe vận tải lắp bộ phận này thì chỉ trong 8 tháng họ sẽ lấy lại được số tiền bỏ ra vì xe tiêu thụ xăng dầu ít hơn. Ký giả của báo The Gazette ở Montreal đã chạy thử xe có gắn bộ phận này và công nhận là xe tiêu thụ nhiên liệu ít hơn và sau khi chạy được một tiếng, họ thấy ống bô không nóng, có thể dùng tay nắm vào ống bô mà không bị phỏng tay. Điều này chứng tỏ là khí nóng không thoát ra ngoài. Ông Williams đang cho nghiên cứu để chế tạo bộ phận có kích thước nhỏ bằng một phần tám kích thước hiện tại để tung ra thị trường vào năm tới.

Giáo sư Alexander của Đại Học Iowa, Hoa Kỳ còn ngon hơn nữa. Ông cho rằng thời tiết khắc nghiệt và thiên tai của trái đất đều do chị Hằng mà ra cả. Ông đưa ra giải pháp hủy bỏ mặt trăng! Sao mà cho chị Hằng đi chơi chỗ khác được? Dễ òm! Chỉ cần cho nổ bom hydro lên những vị trí đã đưọc tính toán trên mặt trăng là chị Hằng tan tành thành hàng triệu thiên thạch hay ít nhất cũng bắn chị chệch ra khỏi quỹ đạo. Ý tưởng táo bạo của Giáo sư Abian lập tức bị các nhà khoa học cho là điên rồ. Nhà thiên văn học người Anh Patric Moore cho ý tưởng này là “ gàn dở và phi khoa học”!

Các nhà khoa học đua nhau hạ cơn sốt của trái đất, nhà thơ thì mặc kệ. Trái đất có nóng lên thì chuyện anh với em vẫn là chuyện thiên thu. Tôi đã nhắc đến tập thơ “Trái Đất Đang Nóng Dần Lên” của nhà thơ đất Thần Kinh Tôn Nữ Thu Thủy. Trongtập thơ có một bài mang tên như vậy. Trái đất nóng thì tình chúng ta cũng nóng!

Nhưng chúng ta vẫn còn có nhau
Như những đôi tình nhân trên vỉa hè đang có nhau
Café cho người trầm ngâm, nhàn rỗi
Thức ăn cho ai đói lòng
Những cuốc xe cho kẻ vội vã
Hạnh phúc dọn mình trên cái giá bi hài, bí ẩn tháng năm
Anh nói với em về mẩu tin kia
Khi em vẫn đi bên anh
Buổi sáng còn xanh
Em khẽ hát
Dẫu trái đất đang nóng dần lên gây ra ngập lụt,
gây ra một mùa đông bất thường.

11/2006