Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

NGÔN

Còn phải ngôn nữa! Đó là câu nói thông dụng của chúng tôi khi còn là sinh viên. Nó diễn tả một sự đồng ý hoàn toàn về một sắc đẹp nào đó. Cô nàng kia đẹp quá trời hả? Còn phải ngôn nữa! Ngôn chỉ có nghĩa là nói. Nó là một chữ Hán-Việt. “Nhân ngôn” như vậy phải chăng là lời nói của người? Dịch sát nghĩa thì hình như là vậy. Nhưng “nhân ngôn” lại là chữ để chỉ một thứ chất độc làm chết người như không. Như vậy nó có liên quan gì tới nói năng không? Hình như là có!

Lời nói chẳng mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Đó là lời khuyên được đặt có vần có điệu. Lời khuyên baogiờ cũng nên theo nhưng không dễ theo. Nói nhiều khi là gươm là giáo giết người như chơi. Chỉ thả ra một câu nhiều khi làm người khác cửa nát nhà tan, chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng như không. Lại các cụ dậy: không nên chõ miệng vào chuyện của người khác mà hại thân! Tại một trung tâm nha khoa có dán một tấm giấy mang tiêu đề “Ba lời khuyên cho khách hàng”. Thứ nhất: mỗi ngày đánh răng ba lần sau khi ăn. Thứ hai: Nên đến nha sĩ tối thiểu 6 tháng một lần. Thứ ba: không chõ miệng vào chuyện người khác! À! Chuyện này coi bộ khó! Một bà than:
“ Bực quá đi, ở nhà chung vách, nói chuyện gì hàng xóm cũng nghe thấy!”

“ Thì chị làm thêm cái tường cách âm, thế là xong.”

“ Không được! Như vậy họ nói gì mình lại không nghe được. Buồn chết!”

Nói hình như là độc quyền của các bà. Lại phải nói ngay đây là kết luận của các chuyên gia tâm lý chứ không phải của tôi. Theo các chuyên gia này thì mỗi ngày một phụ nữ nói khoảng 8 ngàn từ. Đàn ông chỉ thốt ra khoảng một nửa số từ đó. Đến chiều tối, đàn ông chỉ còn dự trữ vài ba từ trong khi phụ nữ còn khoảng từ 2 ngàn đến 3 ngàn từ. Số chênh lệch này sinh ra mâu thuẫn. Các nhà tâm lý khuyên phụ nữ nên xả bớt số từ thặng dư này bằng cách nói một mình. Không thấy họ nói gì tới đàn ông nhưng đàn ông hình như đã có cách giải quyết riêng: sau giờ làm họ la cà đi uống bia!

Khi các bà các cô tụ lại với nhau là họ họp chợ. Chợ nói! Họ nói lan man đủ thứ chuyện. Chuyện hàng xóm, chuyện trong nhà, chuyện anh chồng, chuyện các quý tử, chuyện tài tử màn bạc, chuyện ca sĩ, chuyện giá cả, chuyện trong hãng, chuyện nơi làm việc..v..v.. Câu chuyện của họ không dứt. Và hình như không bao giờ hứa hẹn có lúc dứt! Nhưng rồi cũng phải dứt. Họ về nhà. Hai vợ chồng ngồi coi ti vi. Bà vợ tiếp tục nói lao xao. Ông chồng thường không tham gia vào câu chuyện của vợ, trái lại còn bảo vợ im đi để ông tập trung vào màn ảnh. Bà bỏ đi nói chuyện với các con. Câu chuyện với con gái bao giờ cũng rôm rả hơn với con trai. Bởi vì con gái, cùng một nòi với mẹ, thường tham gia nhiệt thành vào việc nói, khiến câu chuyện phát triển hào hứng. Còn anh con trai thì chán chết! Hỏi thì trả lời cụt ngủn, nhiều khi dấm dẳn như miễn cưỡng phải nói, như…dùi đục chấm mắm cáy! Tại sao hai phe đàn ông và đàn bà lại khác nhau như vậy? Đó là vì não của họ được cấu tạo khác nhau. Theo các chuyên gia thần kinh thì việc hai não trái và phải liên kết với nhau cho phép con người làm được vài việc trong cùng một lúc. Não của các bà rất trơn tru trong việc hai phía não…giao lưu với nhau như thế nhờ chất kích thích tố nữ estrogène. Kết quả là họ có thể làm được nhiều việc cùng một lúc:vừa xem ti vi, vừa giũa móng chân lại vừa nói huyên thuyên, vừa lên lớp anh chồng! Trong khi đó, não của các ông thì lại chia ra làm nhiều ngăn riêng biệt, mỗi ngăn lưu giữ một loại dữ kiện. Khi “chàng” rời sở làm thì lập tức công việc của sở được cất vào một ngăn, ít vương vấn khi đặt chân vào tới nhà. Các bà các cô thì lại không được ngăn nắp như vậy. Mỗi khi gặp vấn đề gì thì điều đó cứ loanh quanh luẩn quẩn trong đầu không dứt ra được. Cách duy nhất để đẩy những vấn đề này ra khỏi đầu óc là nói. Càng căng thẳng nhiều càng nói dữ. Nói không biết mệt. Mà không phải nói để muốn người khác tìm giải pháp cho mình mà nói chỉ để nói. Như một cách giải tỏa những ẩn ức trong người. Cũng nặng một vấn đề trong đầu, đàn ông không nói. Họ suy nghĩ sao để giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Não phải của họ đắm chìm trong suy nghĩ nên không còn chỗ cho não trái thực hiện chức năng nghe hay nói. Bởi vậy, nếu lúc này mà cô vợ cứ huyên thuyên bên tai thì anh chồng rất dễ nổi cục la vợ. Cô vợ đâu có tốp được nói. Thế là một cái hỏa ngục mini xuất hiện tức khắc!

Tốp cái miệng nói của các bà không dễ! Một ông khoe với ông bạn một cuộn băng ghi âm có đánh dấu chữ thập đỏ trong một đống băng của ông. Ông bạn tò mò:

“Sao ông lại đánh dấu chữ thập đỏ trên cuộn băng này vậy?”. Nhịp nhịp cuốn băng trên tay, ông nói:

“Đây là cuốn băng đặc biệt rất quý. Trong này thu âm lại giọng nói của vợ tôi.”

“Vậy thì có gì đặc biệt?”

“Có chứ! Vì đây là trường hợp duy nhất tôi có thể ngắt lời bà ấy bất cứ lúc nào!”

Không ngắt được lời vợ là một bực bội của đàn ông. Tức lắm chứ. Cái đài phát thanh phát cho chỉ một thính giả hoạt động liên miên không giờ giấc cứ ra rả bên tai chịu gì nổi. Nhất là khi nội dung phát thanh có những điều…chạm nọc! Những lời nói nào làm các anh chồng nộ khí xung thiên?

“ Anh tưởng anh ngon lắm hả? Yếu xìu! Anh không phải là người đàn ông thực sự ngon cơm với đàn bà đâu!”

“ Hồi ấy tôi ngu mới lấy anh! Nếu tôi lấy anh Thông thì bây giờ tôi sướng hơn nhiều!”

“ Cao thì không bằng ai! Mặt mũi thì bí xì! Học hành chẳng tới đâu! Nhà anh có sang trọng gì đâu! Sao hồi đó tôi ăn phải bùa phải bả gì mà lấy anh chẳng biết!”

Đó là những câu hạ vào tử huyệt của chồng. Chẳng anh chồng nào chịu được đâu. Nhiều anh chồng trả đũa lại, cũng những câu đay nghiến, cũng so sánh vợ với những người đàn bà khác, cũng nhục mạ gia đình vợ..v..v.. Nhiều ông cũng nói huyên thuyên cho sướng miệng, nhỏ nhen, ganh tị, không ra một người đàn ông. Xã hội gọi những ông này là…đàn bà. Thế có lộn tiết bà không chứ!

Cái lối các ông chạy tội như vậy là đúng chỉ số. Vì ông nào cũng cần chứng tỏ ta là người hùng, đứng cao trên bệ thờ! Đàn ông mà! Cách suy nghĩ trịch thượng đó là nghề của chàng. Chuyện có khi chẳng có gì nhưng nhất định ta không sai. Sếp đọc công văn cho cô thư ký đánh máy:

“ Để chuẩn bị cho kế hoạch sáu tháng cuối năm, Ban Giám Đốc sẽ tổ chức một buổi họp vào ngày thứ Lăm…”

Cô thư ký dừng lại hỏi:

“ Thưa ông Giám đốc, thứ Lăm hay là thứ Năm ạ?”

Sếp khựng lại, rồi thoát hiểm:

“ Thôi! Chuyển sang thứ Tư đi!”

Nói không phải lúc nào cũng gân cổ lên như vậy. Nói có những lúc nỉ non, dịu dàng. Nghe người yêu bé nhỏ thủ thỉ bên tai là một…ân sủng của trời. Muốn ban ân sủng cho người yêu, điều cần thiết là phải có một giọng nói dễ nghe, truyền cảm và êm dịu. Các cô cũng như các cậu. Nếu trời cho có giọng nói dễ nghe thì cám ơn trời. Nhưng trời có cho hay không cũng phải giữ…bảo vật của mình. Giáo sư Norman Hogikyan và các cộng sự viên tại Đại Học Michigan đã có công đúc kết việc giữ giọng trong mười điều…tâm niệm. Thứ nhất: uống nhiều nước, tránh chất cồn và chất cà phê. Thứ hai: phải cho cổ họng nghỉ ngơi, đặc biệt là khi đã phải nói nhiều. Chẳng hạn như các bạn làm nghề…bán cháo phổi. Sau khi giảng dậy một giờ, lúc giải lao chẳng nên nói chuyện với đồng nghiệp nhiều mà nên tìm chỗ yên tĩnh, uống nước giữ gìn giọng nói. Thứ ba: không hút thuốc. Nếu lỡ đã hút thì nên bỏ bởi vì khói thuốc thường làm sưng tấy dây thanh quản, không nói tới hậu quả lớn hơn nhiều là anh chàng ung thư vòm họng! Thứ tư: tránh gân cổ lên mà hét vào tai ngưòi khác khi nói chuyện trong một khung cảnh ồn ào như trong những discothèque chẳng hạn. Thứ năm: chú ý đến cách nói chuyện thường ngày, nên có luồng hơi thở mạnh hơn khi nói. Thứ sáu: đừng hắng giọng nhiều quá. Khi chúng ta hắng giọng là xô các dây thanh quản vào nhau có thể làm chúng bị tổn thương khiến khan giọng. Thứ bảy: khi bị cảm cúm đừng để ảnh hưởng vào giọng nói. Thứ tám: khi phải nói với đám đông ở ngoài trời không nên cố hét lớn mà nên dùng loa phóng thanh. Thứ chín: giữ độ ẩm trong phòng riêng và trong phòng làm việc. Độ ẩm rất tốt cho giọng nói của chúng ta. Và sau chót, thứ mười: khi hát phải giữ cho cổ họng được thư giãn dù hát ở nốt cao hay nốt thấp. Nhìn các ca sĩ hát chúng ta dễ nhận thấy khi lên cao là vươn cổ lên, khi xuống thấp thì cúi mặt xuống. Cử chỉ…điệu đàng này ngoài việc làm căng cơ thanh quản còn hạn chế âm vực của giọng hát.
Nói như thi sĩ Hoàng Anh Tuấn thì dịu dàng, mùi mẫn hết biết!

Tôi nói: màu son của móng tay
Tôi nói: màu xanh của áo bay
Tôi nói: tôi còn chưa bán hết
Một phần thơ dại tuổi hai mươi.

Tôi nói: mắt em còn nũng nịu
Tôi nói: mắt em còn của tôi
Tôi nói: thở dài không nói nữa
E mình đồng lõa với xa xôi.

Tôi nói, tôi nói, tôi nói…Chữ nghĩa xô nhau tới như vậy, qua tay một thi sĩ, chúng vẫn thơ. Nhưng nếu chúng ta cứ ò e một chữ hoài như vậy mà không nói ra được thì là nói…lắp! Đây là một tiết mục khá khó chịu. Trước hết nói lắp sẽ bị bạn bè chế nhạo, bắt chước để mua vui. Có muốn phản ứng dữ, chửi lại thì câu chửi cũng rất chậm và méo mó nên chỉ tạo được những tràng cười của chúng bạn. Chửi người ta mà người ta cười thì chửi mất hết ép-phê! Trong lớp học, bị kêu lên trả bài là một dịp mua vui cho cả lớp. Nhiều khi thầy cũng không nhịn được cười. Trường hợp này thì nói lắp là một lợi thế vì thầy thường có lòng nhân không muốn hành hạ một đứa học trò không gây tội gì nên rất ngại khi gọi một học sinh nói lắp lên trả bài. Lớn lên mà vẫn còn…lắp thì thật tai hại. Tán có một cô mà cả bầy thiếu nữ đều có phần thì còn ăn thua gì được nữa!

Theo định nghĩa chuyên môn thì nói lắp là một tật rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi lặp lại. Nói lắp thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn thuận tay phải và có tính di truyền. Nếu trong gia đình có người nói lắp thì khả năng nói lắp của con cháu rất cao. Tỷ lệ người nói lắp không nhiều, chỉ khoảng 1% dân số. Nếu trẻ được 5 tuổi mà vẫn còn nói lắp thì 50% số đó sẽ tiếp tục nói lắp khi trưởng thành. Tại sao người ta nói lắp thì cho tới nay khoa học vẫn chưa quyết đoán được. Có giả thuyết cho đó là vì bị tổn thương ở một vùng não nào đó. Giả thuyết khác thì cho là do yếu tố tâm lý chi phối vì khi người ta càng mất bình tĩnh, càng bực mình vì nói lắp khi tiếp xúc với người khác thì tật nói lắp càng trầm trọng hơn. Nếu lỡ bị nói lắp thì mần răng mà chữa? Trước hết phải tự chữa cho mình bằng cách tập tính tự tin trước đám đông, không tự ti mặc cảm, kiềm chế cảm xúc và lạc quan. Bạn có thể đứng trước gương tập nói cho quen. Không có gì đáng mắc cở khi làm như vậy vì các chính khách cũng thường phải tập nói cho cái gương nghe trước khi nói trước đám đông quần chúng. Tập thể dục, chơi thể thao và tập thở cũng là những tiết mục giúp cho việc chữa trị nói lắp. Nếu tự lực cánh sinh như vậy mà vẫn…lắp thì phải nhờ tới bàn tay chuyên môn. Họ sẽ dùng ngôn ngữ liệu pháp để huấn luyện cho bạn khi nói đặt nặng đều ở mỗi âm và dùng máy điện tử để giúp bạn tập nói.

Nói mà rắc rối như vậy thà không nói. Không được! Không nói là mất quyền lợi trong cuộc sống. Người ta dắt em áo hồng áo xanh nhởn nhơ phố xá mà mình thì chỉ có cái gương là không khá. Phải biết bước qua cái gương để chơi màu sắc với người ta chứ!

Thời buổi internet ngày nay cũng cần phải biết ít chơi với anh mặt vuông lắm chuyện để mà nói. Cứ dán mắt vào màn ảnh hết chat tới game thì sẽ mắc bệnh quên nói. Bệnh này đã có thật. Một cậu bé cứ mải miết chơi internet đã mất hết khả năng giao tế với người khác. Gõ phím nói chuyện thì được nhưng gặp mặt nhau mà nói thì thua. Cậu bé này có một cô bồ. Gặp bồ thì cậu đứng như trời trồng, bối rối, khổ sở, mắt nhìn xuống đất, hai tay xoắn xuýt với nhau vắt mãi cũng chẳng ra được một câu nói. Trong khi đó thì cô bồ lại hoạt bát, nói huyên thuyên. Cậu bé bị mặc cảm, chịu thua, khổ sở, bị dằn vặt nhiều khi nghĩ tới chuyện tự tử cho xong một kiếp…hến! Tiếp xúc hoài với thế giới ảo trên màn hình khi tiếp xúc với thế giới thật, trẻ em dễ bị hụt hẫng. Tình trạng không như ý này lại đẩy trẻ trở lại với thế giới ảo. Trẻ mất hết khả năng hòa nhập vào cuộc sống, ngại nói năng. Có miệng mà không dùng được.

Nhưng trong mắt những người có cảm tình với nhau, cái miệng đôi khi bị thất nghiệp. Người ta chỉ cần nhìn vào cử chỉ, hành động của bạn là đủ hiểu bạn muốn gì. Đó là thứ ngôn ngữ không cần lời nói: ngôn ngữ cơ thể! Nhướng lông mày có nghĩa là một cử chỉ tán tỉnh. Đàn ông chỉnh lại cà-vạt, vuốt tóc hay kéo ve áo cho thẳng là tín hiệu họ đang chú ý tới người con gái trước mặt. Mân mê khuy áo là đang bồn chồn lo lắng. Phụ nữ kéo tóc, sửa lại một lọn tóc, liếm môi là đang chú ý tới anh chàng phía trước. Ngồi vắt chân mà mũi giầy chĩa về phía bạn tức là bạn đang nằm trong tầm ngắm. Cũng vắt chân mà phụ nữ hướng đầu gối tới anh chàng trước mặt thì đó là một lời mời gọi thân mật lộ liễu. Nếu một người luôn luôn sờ tay lên má, tai hay cằm là đang sửa soạn nói dối. Rít thuốc liên tục, nhấp những hớp rượu nhỏ liên tiếp, sờ tay vào môi là tín hiệu của một kẻ muốn tìm môi bạn. Những cử chỉ vô ý thức đã nói dùm cho chúng ta. Khi cái miệng được cho nghỉ thì cả cơ thể bạn lên tiếng. Nói như vậy, hiểu được tiếng nói thầm lặng này, là trò chơi của những người thông minh. Nhiều khi không nói mà như nói!

em xứ Huế, hỡi người em xứ Huế
ta qua đò, ta qua hết dòng sông
sông bớt đẹp nếu ta không yêu mến
các người em gái Huế dễ thương

xin âu yếm hỏi em điều vẫn sợ:
-làm rể người xứ Huế khó hay không?

Câu hỏi của nhà thơ Luân Hoán chắc không có câu trả lời. Mà cần gì trả lời. Nói năng chi cũng thừa!

11/2006