Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

Nhà thơ Hoàng Cầm kể lại như thế này: “Tên nàng cũng là Yến. Chúng mình lên đồi, mặt đất xanh rì, nhấp nhô mềm dịu như mông như vú đàn bà. Nắng đã bắt màu vàng tươi trên mái chùa Phật Tích ngói đỏ xa xa. Ngả mình nằm xuống thảm cỏ, nàng nhìn, cái nhìn như bảo ban. Bỗng nàng chồm dậy, hai tay bíu lấy đầu mình kéo xuống, rồi áp môi hôn những nụ hôn cuồng nhiệt. Khi buông nàng ra, mình đọc “Một con bướm lửa đậu môi”. Nàng nắm hai tay mình kéo ra, miệng thầm thì “Hai nhành hoa lửa chiađôi tay cầm”. Nhìn lên trời, những ráng mây xa óng ánh như sắp cháy bùng lên, mình tiếp “Ba làn mây lửa về thăm”. Nàng như say sóng, ôm choàng lấy mình để giữ thăng bằng trong một cơn bão biển bất ngờ ào vào thân thể, mắt nửa khép nửa mở, tay quơ lên, miệng thở dốc. Mình lao vào nàng, vào cơ thể nàng, vào tâm hồn nàng bằng tất cả sinh lực đàn ông, cứ thế cho đến khi cùng kiệt. Nàng ngước mắt, vừa cười dịu dàng, vừa đếm “…Bốn lần chim lửa đến nằm rậm hoang”. (Nam Dao, Những Con Người, Những Bóng Ma, Văn Mới, 2006)

Đó là mê, mê thơ cũng như mê tình. Mê là gì? Khéo hỏi! Ai chẳng đã từng mê! Nói tới mê là nói tới trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, con người bị dẫn dắt đi, bỏ lại sau lưng cái anh khô không khốc có tên là lý trí. Khi mê thì mụ. Chẳng muốn suy nghĩ, mà cũng chẳng cần suy nghĩ. Có khi mê thiệt như nhà thơ Hoàng Cầm và cô nàng tên Yến. Có khi bị bỏ bùa mê thuốc lú. Bùa mê có hay không vẫn còn là chuyện lơ mơ. Nhưng thuốc lú thì có chắc. Dân chơi thường hay dở chiêu này để hại đời trinh nữ. Nói như vậy cho thêm phần thảm thương chứ trinh nữ hay không trinh nữ, khi đã bị chơi thuốc lú thì đều thiệt thân. Thuốc lú thường không mùi không vị, được bỏ vào các thứ nước uống hay rượu để đánh gục con mòng. Không mùi không vị thì làm răng mà biết? Biết chứ! Mà cũng mới có cách biết đây thôi. Cứu bồ là hãng bào chế

Bloomsbury Innovations Limited ở bên Anh. Hãng này vừa chếra một dụng cụ thử thuốc mê. Nếu đang ăn uống mà thấy trong người như muốn bệnh hoặc là thấy chóng mặt thì phải giở bửu bối ra ngay. Bửu bối có bốn ô vuông. Nhỏ thứ mình nghi có thuốc mê, thường là rượu hay nước uống, mỗi ô một giọt. Nếu thấy xuất hiện màu cam trên ô vuông này thì…911 liền! Cái bửu bối quý giá này có thể phát hiện được tới sáu chục loại thuốc mê khác nhau thuộc 3 nhóm chính: ketamine, benzodiazepinesGHB.

Mê loại…cưỡng bức này thuộc trường phái ma giáo. Bàn thêm chẳng có gì thú vị. Cứ để các ông phú lít làm việc là xong. Mê loại chính phái mới là điều đáng ngôn tới. Loại mê này ma ma phật phật làm người ta mê đắm trong thú vị. Mê quá một chút thì ông Khổng Tử nhịp nhịp ngọn roi liền. Như anh chàng Phan Sinh trong truyện Phan Trần chẳng hạn. Đàn ông chớ kể Phan Trần / Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều! Anh chàng Phan Sinh tội ra sao mà bị một bản án thành thơ như vậy? Chuyện bắt đầu bằng cái thói quen can thiệp vào đời tư con cái của các bậc cha mẹ xưa. Phan Công và Trần Công là bạn học và cùng làm quan một triều. Hai phu nhân lại cùng có thai và đập bầu một lần. Họ Phan sanh con trai là Phan Sinh, họ Trần sanh con gái là Kiều Liên. Hai bên chơi trò hứa gả con cho nhau. Ngày xưa, hai bên cha mẹ mà hứa như vậy là mọi sự xong xuôi. Lớn lên, hai trẻ có bằng lòng hay không thì kệ xác chúng nó. Vợ chồng cứ phải chồng vợ từ hồi còn oe oe tiếng khóc. Khi hai ông quan này về hưu thì dọn nhà về hai nơi khác nhau. Quan san cách trở, phu trạm thì chỉ toàn chạy bộ hay cưỡi ngựa, việc quan là chính việc dân là phụ, điện thoại thì chưa có, internet cũng chưa nên i-meo i miếc vẫn còn là chuyện khoa học giả tưởng. Hai gia đình thất lạc nhau. Anh chàng Phan sinh là người chăm học, thi Hương đỗ cái rụp, thi Hội lại chẳng may đạp vỏ chuối nên tức không về nhà, quyết chí tìm nơi yên tĩnh dùi mài kinh sử để đi thi khóa hai. Trong khi đó, Trần Công bỗng vội về với tổ tiên. Mẹ góa và con côi là nàng Kiều Liên lại gặp thời buổi giặc giã nên chạy loạn thất lạc nhau. Nàng tứ cố vô thân phải nương náu cửa chùa lấy pháp danh là Diệu Thường. Thân tu mà lòng vẫn cứ vấn vương về mẹ già thất tán và hôn phu chẳng biết đang lưu lạc nơi đâu. Sư cô trụ trì phải khuyên giải mãi mới nguôi. Sư cô này lại chính là cô của Phan Sinh. Một hôm, Phan Sinh tới thăm cô, thấy Diệu Thường bèn mê. Chàng nhờ nội gián là bà vãi Hương Công ngỏ lời giùm. Diệu Thường cự tuyệt. Thất vọng, anh chàng họ Phan ốm tương tư, mình gầy vóc hạc, coi bộ không khá. Diệu Thường nể lời sư cô tới thăm thì bệnh mười phần bớt đến chín. Một buổi tối, chàng bèn lấy cớ đến tạ ơn, gõ cửa phòng ni cô Diệu Thường đòi vào. Ni cô vốn có lòng từ tâm, sợ chàng làm quấy nên mở cửa đón vào chơi. Hai bên nói chuyện một hồi mới nhận ra nhau nhưng vì lễ giáo ở chùa nên chay tịnh. Sau Phan Sinh thi đỗ Thám Hoa mới đón Kiều Liên về để nên vợ nên chồng.

Chuyện “sếch” như vậy thì nhạt quá. Thế mà cũng bị làm thơ bêu riếu! Cái tôi nghĩ các cụ đồ ngày xưa không bằng lòng có lẽ là cái vụ mê mẩn đến tương tư của anh chàng Phan Sinh. Mê như vậy hèn người đi! Trai nam nhi thân dài vai rộng, chí lớn tang bồng mà yếu xìu như vậy thì không ra cái chi chi. Vì vậy nên các cụ…cấm vận! Các cụ không biết là tương tư cũng mê ly lắm chứ. Như anh cả đẫn Romeo và chị Juliette chẳng hạn. Cũng lưu danh hậu thế như ai.

Vậy thì tương tư, phó sản của mê, là cái gì? Nếu hiểu theo nghĩa thời thượng thì tương tư cũng chỉ là một hình thức của stress chứ chi! Này nhé, tương tư biểu hiện ra bằng sự nhớ nhung mòn mỏi quay quắt, day dứt, bồn chồn, lo lắng, loay hoay như ngồi trên lửa trong nỗi đam mê kéo dài vô vọng. Sách vở chỉ có thể diễn nghĩa tương tư bằng những tĩnh từ lổn nhổn như vậy, muốn cảm được tương tư chỉ có cách là tự thử tương tư xem nó ra làm sao. Tương tư, dưới lăng kính khoa học, gồm có ba giai đoạn. Giai đoạn báo động: lo lắng, cảm giác bất an, hồi hộp, tim đập nhanh,nhịp thở tăng, tăng huyết áp…làm thay đổi tâm lý và lối sống. Giai đoạn chống đỡ: mối lo lắng và tuyệt vọng trở thành một ámảnh thường xuyên mang đến sự suy nhược tinh thần lẫn thể chất. Nhìn con bệnh vào giai đoạn này biết đích thị là tương tư thứ thiệt, không chạy đi đằng nào được! Giai đoạn stress: Các rối loạn tâm thần, rối loạn cơ thể xuất hiện khi thì nhẹ khi thì nặng, sức khỏe suy kiệt có thể đưa đến tử vong bởi các bệnh khác thừa cơ hội nhảy vào ăn có! Gió mưa là bệnh của trời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng! Chơi một đường tương tư như vậy thì cơ thể sẽ tiếtra các chất gọi là kích thích tố của stress mà đặc biệt là sự gia tăng prolactin. Chúng sẽ làm rối loạn các chức năng sinh lý, kéo theosự sa sút trầm trọng về tâm lý, làm xáo trộn hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm.

Tương tư, dưới lăng kính khoa học, nó lằng nhằng như vậy. Thấy mà phát khiếp. Chả dại gì mà mắc vào. Nhưng tương tư chuyên môn chơi trò du kích rất khó đề phòng. Thả lòng ra một cách bất cẩn là dính liền. Có tí máu tình là chỉ đợi dịp nhảy vào cái trò mê. Có tí máu nghệ sĩ thì mê như điếu đổ. Can không kịp.

biết mê từ thuở mười hai
năm hăm mấy tuổi con trai vẫn còn
cái thời lãng mạn bé con
mê vì cặp mắt tròn tròn đen đen
mê vì cánh mũi, hàng răng
đầu gối, mắt cá, gót sen, ngón ngà
mê vì hai búp tay hoa
chiều mưa dông bụm nóc tòa thánh riêng
mê đơn giản, mê thật hiền
cho nên mau lớn thành tiên như chừ
(Luân Hoán)

Mê nó lân la như vậy, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Đụng đâu mê đấy. Mê nó làm con người lớn lên. Mê thành thơ như rứa thì cũng nên mê. Cuộc đời có thêm nhân thêm nhụy cũng bởi vì mê. Không có mê chúng ta không có cái gọi là tâm hồn nghệ sĩ. Không có tâm hồn nghệ sĩ thì cuộc đời là sa mạc. Chán ngắt!

Mà mê hoài mê hủy thì đời cũng không khá được. Cứ nằm trong cái vũng lầy đó thì còn làm ăn gì được nữa. Bèn…ngộ!

Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!
(Nguyễn Bảo Sinh)

Mê không phải là dễ, ngộ cũng không phải là dễ. Ăn thua nơi ý chí của mỗi người. Ý chí? Nói cứ như thánh phán! Ý chí nào cản nổi làn sóng đam mê…đại trà đang làm cả đất nước ta lên đồng nhân dịp World Cup đang diễn ra ở tận bên Đức? Ừ thì đó là môn thể thao vua, ừ thì đó là nghệ thuật đỉnh cao của túc cầu thế giới, nhưng cơn mê ở Việt Nam là cơn mê lạ lùng. Tôi vừa coi xong một trận đấu, mở computer vào web của bất cứ tờ báo nào ở Việt Nam là đã có đầy đủ kết quả, bình luận, tán hươu tán vượn lại thêm cái màn video những bàn thắng. Cứ như là trận đấu vừa diễn ra ở Hà Nội hoặc Sài Gòn vậy! Cơn mê…đại đồng đang làm đứng lại sinh hoạt thường nhật của đất nước. Theo một phóng sự của Tiểu Kỳ Nam trên Calitoday.com thì Sài Gòn ta đã vào cơn mê từ 3 tháng trước ngày khai mạc giải Túc Cầu Thế Giới lận. Thắng lớn là các nhà bán máy truyền hình. Trong 10 ngày đầu tháng sáu, dân chúng đã khiêng về khoảng 5 ngàn chiếc máy. Nhiều tiền thì khuân máy lớn, ít tiền thì khuân máy nhỏ, ít tiền nữa thì khuân máy phục chế từ những màn hình của máy vi tính hư hỏng với cái giá rất mềm là sáu trăm ngàn đồng! Ký giả Văn Quang cho biết là ngay ở nhà quê, dân chúng cũng cố gắng bằng mọi giá có cái ti vi để xem “uốc cúp”. Rồi báo cũng loạn lên với những cặp chân trên sân cỏ. Ít nhất đã có 10 tờ phụ bản chuyên về đá banh, tờ ra sáng, tờ ra chiều, cạnh tranh nhau từng bài từng trang. Có bài khuyên làm thế nào để đừng bệnh trong thời gian World Cup, có muốn bệnh thì chờ đến khi trái banh nó hết lăn thì mình sẽ…lăn ra bệnh sau! Ông nhà đèn thì bảo đảm sẽ không cúp điện làm bà con mất vui. Ông nhà nước thì cho đóng cửa công sở từ lúc 4 giờ chiều để sửa soạn coi ti vi vào lúc…nửa đêm. Các quán xá thì mở rộng cửa, trang bị những ti vi màn ảnh lớn để cho bà con vừa coi vừa bàn tán cho phỉ chí. Cả nước thức đêm, cả nước mê mệt, chuyện gì cũng dẹp qua một bên để chạy theo trái banh.

Bạn tôi, ông Luân Hoán, chẳng đá điếc gì, cũng mê mệt với trái banh. Cứ xong một trận đấu là phôn nhà tôi reo inh ỏi. Ông Luân Hoán ông ấy tìm người chịu khó nghe bình luận đấy! Chẳng cứ gì trái banh, nhà thơ của chúng ta có nhiều thứ mê lắm.

mê chim, mê cá, mê gà
mê tiếng dế gáy, mê hoa hương nhài
mê mưa chiều, nắng sớm mai
mê đi rông mãi ở ngoài đường trưa
mê ăn chè, uống nước dừa
mê cầm cây bút đong đưa điệu vần
mê nhất là cái cổ nhân
đã từng kính cẩn phong thần thế gian
mê trời, mê đất, mê nàng
mê luôn tôi sống mơ màng quanh năm.

Mê gì thì mê, cuối cùng cũng vẫn…đường xưa lối cũ. Mê nhất là cái đã được phong thần phong thánh. Cổ kim gì cũng rứa. Cứ một cõi đi về cho nó chắc ăn. Nhưng có khi muốn chắc ăn cũng chẳng được. Phùng Cung là một nhà văn, nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đã bị bắt đi cải tạo. Trước đó, ông đã chết mê chết mệt yêu người thiếu nữ mà ông lấy làm vợ mặc dù Đảng ngăn cấm. Nằm trong tù, thương người vợ trẻ, ruột đau mà trí muốn cắt đứt liên hệ để người vợ không còn vướng bận với cái gông mà ông đang mang. Làm sao mà giết được một cơn mê? Trong cuốn bút ký “Những Con Người, Những Bóng Ma” của Nam Dao, tác giả đã thuật lại lời kể của nhà thơ Hoàng Cầm về con người quyết tâm chối bỏ một cơn mê này. “Khi anh ấy bị đưa đi quản thúc trên Bất Bạt, chị Thoa lên thăm nuôi, nhưng anh ấy nhất định không nhận chị Thoa là vợ, không cho nhìn mặt, trả lại tiếp tế và khăng khăng một mực là mình không còn liên hệ gì với thế giới bên ngoài. Lần đầu, chị khóc sướt mướt. Đành về, rồi ít lâu sau chị lại lên. Anh Cung vẫn thế. Quản giáo vặn, lý lịch anh khai là đã kết hôn, thế là khai man. Anh đáp, thời ấy Đảng không đồng ý cho tôi lấy vì cô ấy thuộc giai cấp phong kiến, mà tôi thì mê mẩn, mất lập trường giai cấp. Nay tôi tỉnh ngộ, nhận có chung sống ngày trước, nhưng từ bây giờ tôi xin chấp hành…Thế thì anh lợi dụng hủ hóa, thêm một tội, quản giáo gằn giọng. Ừ thì thêm một tội. Thêm một chứ mười tôi cũng chịu…Chị Thoa lại về, để đồ tiếp tế lại chia chác cho anh em tù. Và chị cứ lên. Anh tiếp tục ruồng rẫy. Ba lần, bốn lần….”

Nam Dao kể tiếp: “Tôi thở dài, có lẽ là anh Cung mong chị quên anh ấy đi, chứ đã mang cái án miệng là phản động, là chống Đảng, bôi bác lãnh đạo như anh ấy thì biết ngày nào ra! Vả lại, chị Thoa khi ấy còn trẻ…Anh Cầm chép miệng, chắc vậy! Nhưng chị Thoa cứ đều đặn lên thăm nuôi, cho đến một ngày, hơn hai năm sau, hai vợ chồng mới lại nhìn nhau…Và chị Thoa sống cảnh chia ly như vậy suốt 12 năm đằng đẵng!”

Tôi cũng thở dài! Có cách nào để giết được cơn mê của đời mình không? Chắc vô phương!

06/2006