Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

ĐẤT

Nói tới đất bắt buộc phải nghĩ tới ông bạn Trà Lũ của tôi. Nếu không chắc ông ấy buồn. Vì bao nhiêu công sức trong bao nhiêu năm trời ông ấy chỉ dùng để vê được gần chục tảng đất. Miền Đất Hạnh Phúc, Đất Mới, Miền Đất Hứa, Đất Thiên Đàng, Đất Yêu Thương, Đất Lạnh Tình Nồng, Đất Quê Ngoại, Đất Anh Em, Đất Nhà. Rặt đất là đất. Chẳng thấy nước đâu cả. Nước đi với đất thường dùng để chỉ một nơi chốn rất thân thương, nơi người ta sinh ra, sống và yêu mến, đi xa thì nhớ, trở về thì vui. Nhưng trên mặt đất này đâu chẳng là đất. Biết là vậy nhưng đất nhà vẫn hơn. Thế mới…người!

Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng trượng tới mây nhòa
Thì treo cục đất tòong teng giữa
Cho cái vô cùng vẫn nở hoa.

(Mai Thảo)

Một cục đất, nghe chẳng nghĩa lý chi. Hầu như nó chẳng có một chút giá trị gì. Chẳng ai điên rồ khi bỏ tiền ra mua một cục đất. Giá trị của cục đất không nằm trong hệ thống giá trị vật chất mà nó nằm trong hệ thống giá trị tinh thần. Như đất đền Hùng, nơi xuất phát của đất nước ta, là biểu tượng thiêng liêng của nòi giống Việt. Đền thờ Quốc Tổ ở bất cứ nơi đâu, nếu có được nắm đất lấy từ đền Hùng trong nước thì ấm lòng con dân bội phần. Người ta có cảm tưởng như được nối liền với mẹ cha nơi đất tổ. Cũng đất từ đất mẹ nhưng nếu mục đích không được trong sáng thì mất đi cái ý nghĩa thiêng liêng. Khi một ông Đại Tướng đi lưu vong sau một thời gian làm Quốc Trưởng tự phong, cũng ôm theo một nắm đất nhưng ý nghĩa khác lắm. Đó là một màn trình diễn gây nên một trận cười dài hơi của báo chí Sài gòn ngày đó.

Đất là tổ ấm. Ấm áp, bằng an, ruột thịt. Phải xa vuông đất trói buộc cả tâm can con người mới thấm cái tình bếp lửa ràng buộc suốt cuộc sống. Và phải từ một đầu ghềnh cuối bãi nào đó trở về trái tim mới thổn thức nhịp đất nhà.

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch,
Ơn dày chôn trả đất bao dung.
Cụm mây trôi rã trong trời lớn
Như giấc chiêm bao thấy giữa chừng.

(Tô Thùy Yên)

Giờ giao thừa, giữa khi đất trời giao mùa, đất nhà bỗng linh thiêng hơn. Người đầu tiên bước chân vào xông đất được phó cho cái nhiệm vụ mang lại những điều tốt lành, may mắn cho cả năm. Ai cũng ngại điều này. Chủ nhà cũng ngại. Thôi thì cứ tự mình xông đất cho chắc ăn. Hay nhờ dở chịu nhưng dù sao cũng là mình làm có bảo đảm hơn. Đi chùa, đi nhà thờ hay chỉ ra khỏi nhà đi loanh quanh không mục đích rồi trở về khi tiếng pháo đón giao thừa đã rền vang đất trời. May mắn đã theo bước chân vào nhà. Tin hay không tin, không thành vấn đề, nhưng mọi người vẫn làm vậy. Có khi làm xong mới chợt nhớ ra. Nhất là khi chúng ta sống trong một không gian không có Tết. Như nhân vật bác sĩ Sơn của Đặng Thơ Thơ trong truyện “Hoa Cúc và Những Bước Đi Hạnh Phúc”. “Đứng chơ vơ giữa phòng, nghe âm vang tiếng cửa xập lại, anh giật mình nghĩ: mình vừa xông đất phòng mạch. Lúc mới bước vào, trước đó một giây, hoàn toàn anh không nghĩ đến khái niệm xông đất. Đó không phải mục đích của anh. Anh cũng không tin chuyện xông đất. Vậy mà bắt đầu từ đó đến hết ngày, cái ý tưởng xông đất bám dính lấy anh. Nó len lỏi vào đầu anh thật kỳ cục. Như thể chuyện anh bước vào phòng làm việc xảy ra cùng nhịp với chuyện ý tưởng xông đất đi vào trong óc – và chúng hợp nhất lại cho anh thấy rằng “anh đang xông đất”. Khi suy nghĩ như vậy, Sơn cảm thấy chúng đang bẫy anh – tất cả không gian, thời gian, vô thức và ý thức của anh đang mưu toan bẫy anh. Chúng muốn bắt quả tang anh đang xông đất, và anh đuối lý, không chối cãi được. Cuối cùng thì đúng là anh vừa làm chuyện đó, chuyện xông đất.”

Đất là chỗ đứng của con người. Đúng quá chứ gì nữa. Không có đất con người không có chỗ mà…té khi say. Như thi sĩ Tản Đà khi rượu đã ngấm lục phủ ngũ tạng, đi đứng đã lạng quạng bèn giở trò đổ tội cho đất. Đất say đất cũng lăn quay / Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười? Đất vốn hiền nên cũng chẳng cãi ông thi sĩ bài bây làm chi! Sống với đất, yêu mến đất, ôm ấp đất là chuyện của con người. Ăn đất? Chuyện ít ai làm. Hơn nữa bỏ đất vào miệng là chuyện đáng khinh khi. Ngày xưa để miệt thị những người lười biếng không chịu làm lụng, các cụ phán ngay một câu đại loại như: “Cái ngữ đó thì có cạp đất mà ăn!” Anh chàng người Ấn Độ 35 tuổi B. Lal chẳng thèm biết tới những lời miệt thị bằng tiếng Việt. Mà anh cũng chẳng biếng lười chi mà động lòng. Anh là nông dân làm ruộng đàng hoàng. Gần chục năm trước, khi đang làm ruộng ở Karimpur Bind, anh bỗng không thể cưỡng lại được ý muốn ăn đất. Anh cúi xuống vốc một nắm bùn lên nếm thử. Thế là từ đó anh cứ đất non mà sực phàn. Ngày nay mỗi bữa ăn của anh, anh nuốt sơ sơ khoảng 2 ký bùn. Muốn thêm đậm đà, anh trộn thêm bột chanh và nước vào!

Dân ta có cạp đất không? Không, chúng ta văn minh hơn nên chỉ ăn bánh đất! Bánh đất là những tảng đất được hun khói rồi xắt thành từng lát ra ăn. Chuyện chi mà bày đặt! Chắc xảy ra từ đời tám hoánh nào chứ thời buổi này ai lại đi ăn đất. Nhiều người nghĩ như vậy. Phóng viên Doãn Mẫn ở miền Bắc nước ta cũng hồ nghi nên đã tìm về tận nơi hiện nay còn ăn đất là xã Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để biết sự tình. Anh gặp bà cụ Nguyễn Thị Lạc, năm nay đã 85 tuổi và ghi lại như sau: “ Bà xởi lởi đưa tôi về nhà, bằng cái giọng của người Việt cổ trên đất tổ, cụ nói: “Đất để ăn chứ gì? Gọi là “ngói”, đất đem về hun khói thơm lừng lên, ăn ngon lắm. Ăn như ăn trầu, như ăn kẹo ấy cháu ạ. Nghề làm “ngói” bán, truyền thống là ở bên Long Cương xã bên kia kìa. Người ta lấy đất ở mấy gò này về làm “ngói”. Người ta đào hầm mấy chục mét trong lòng đất rồi đẽo từng tảng đất to như cái gối, gánh về, xắt miếng ra rồi hun khói. Mưa xuống, hầm lấy đất ăn biến thành “ao”. Tôi đi thả bò có lần bò thụt chân xuống ao chết đuối cơ mà!”. Vị “ngói” ra làm sao? Theo như dân cư ngụ tại vùng Lập Thạch thì “thơm lắm, bùi lắm, ăn rồi nghiện đấy!”

Theo như cụ Lạc cho biết thì khi cụ có mang cụ thèm ăn đất đến nỗi khi nằm ngủ nhớ tới miếng “ngói” mà ngủ không được, bò dậy lấy đất ăn liền ngay tức thì. Chồng bà cho bà là dở người, cơm cá không ăn lại đi ăn đất! Mặc xác chồng, bà vẫn cứ đất mà…cạp. Có bữa không kịp mua ở chợ, bà móc đất, xắt lát, gói lá sim, lá mua hay lá chè cay, đốt cỏ giáng cho khô rồi ăn. Người dân bên huyện Tam Dương thì nhồi đất vào ống nứa, đốt lên như nấu cơm lam rồi xắt ra từng miếng như miếng sắn lát, chia nhau ăn hoặc đem ra chợ bán. Anh Tạ Văn Bảng, 55 tuổi, chỉ nhờ bán bánh đất trong 22 năm liền mà xây được nhà gạch. Đất của anh ngon nhất chợ huyện. Anh bật mí sơ sơ cho biết là nguyên việc chọn đất để làm bánh cũng phải là đất ngon. Đi lấy đất ở nơi nào phải dấu không người ta theo tới lấy thì mất độc quyền. Lấy xong về phải chế biến. “Đất mềm , trắng, mịn thế này là rất ngon, nhưng nó vẫn bám sạn. Phải cạo bỏ các tạp chất. Phải chọn đất trắng tinh, hoặc vàng, xinh, tuyệt đối không có các thớ màu đen xen lẫn, rồi gọt thành từng miếng. Đan phên tre thành một cái sàn có thể xếp từng miếng đất lên được, rồi bắt đầu đốt giáng với lá sim, lá mua, lá chè cay. Tiếng là đốt nhưng không cho cháy lên thành ngọn lửa. Vì là lá tươi nên đốt rất khói. Khói ấy bay lên, ta dùng cái thúng, cái mẹt úp sụp lên phên xếp đất. Bao nhiêu khói bị ủ lại, ám vào từng miếng đất, vàng thơm. Anh có hình dung được là tôi đốt ở đây mà bà nào đi qua cũng nuốt nước miếng. Vợ tôi sợ nhất các bà ghé vào, mỗi bà nhặt dăm bảy miếng vừa ăn vừa thổi. Có bà còn giắt cạp quần cả nắm. Nhiều khi chính tôi đi qua những cái lò gạch mới nhóm, họ đốt bằng cỏ rả, khói thơm, tôi cũng tứa nước miếng vì thèm. Nó cũng như thể là người nghiện đất ấy!”

Vĩnh Phú là vùng đất tổ Hùng Vương ngày xưa. Mà tổ tiên chúng ta thời đó quả có tục ăn đất. Đất…lên ngôi đến nỗi trong việc cưới hỏi nó có vai trò của trầu cau sau này. Trong sách Lĩnh Nam Chích Quái có ghi: “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”. Các nhà nghiên cứu đã tìm được tục ăn đất còn tồn tại nơi người Kháng ở Sơn La, người Bana ở Kontum. Nhiều công trình nghiên cứu về tục ăn đất do các học giả Pháp biên soạn được in ấn từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Ăn đất không chỉ có ở nước ta mà ở khắp nơi trên thế giới. Trong một cuộc điều tra với 285 học sinh tại Kenya, có đến 73% các em nghiện ăn đất. Với phụ nữ mang thai thì cũng có 56% nhận là có ăn đất. Ở Anh, khoảng ba ngàn phụ nữ mang thai đã thú nhận là có ăn gạch và đất vì quá thèm. Họ ăn một thứ bánh thỏi gọi là Sikor được nhập khẩu từ Bengal, Ấn Độ. Ở Đức cũng có bày bán tại các cửa hàng loại “đất chữa bệnh”. Như vậy người ta ăn đất vì cơ thể đòi hỏi một số chất có ở trong đất hay sao? Theo các cuộc nghiên cứu khoa học thì tục ăn đất có một số nguyên nhân: cơ thể thiếu chất dinh dưỡng; để tạo cảm giác no trong thời kỳ đói kém; dùng như một loại thuốc; hoặc để giải tỏa một số căng thẳng về thần kinh.

Trong các nguyên nhân trên, có lẽ nguyên nhân thiếu hụt chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính. Tiến sĩ Nguyễn Việt thuộc Trung tâm Tiền Sử Đông Nam Á đã phân tích một số mẫu đất đá mà người Mãng ở Than Uyên dùng để ăn. Trong mẫu đất này có nhiều oxit sắt, calci, kali, phosphore, kẽm. Tất cả đều là những khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Trong y học, người ta cũng đã bào chế ra một số loại thuốc trị bệnh dạ dày bằng đất tinh chế. Đất con người lấy trực tiếp lên ăn dĩ nhiên có các tạp chất có hại cho sức khỏe như As, Hg, Pb, Cd..v..v… Lại còn cái thứ lăng quăng nhỏ xíu mắt người không thấy được là vi khuẩn tiềm ẩn rất nhiều trong đất. Nếu là thứ đất trong những vùng bị ô nhiễm bởi rác thải, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu thì lại càng hại hơn nữa. Mấy ông nha sĩ còn dọa là ăn đất làm nhanh chóng mòn răng. Bởi vậy nên tuy là một tục lệ, mà đã là tục lệ thì nó nằm sâu trong tâm khảm người dân rất khó mà rũ bỏ được, nhưng ăn đất dưới con mắt khoa học là một việc có hại hơn có lợi.

Có một lối ăn đất rất có lợi ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến nơi những người có quyền thế. Đó là lừa dân để chiếm đoạt đất đai của dân. Lối “ăn đất”này đang là một phong trào kiếm tiền ngon lành nhất của các quan cách mạng từ cấp cao trung ương đến cấp thấp nhất là huyện, xã. Cứ vẽ ra một dự án, trưng thu đất đai của dân bằng giá rẻ rồi chia chác đất đai cho nhau để bán lại với một giá ngất trời. Dân kêu mặc dân, tiền quan cứ bỏ túi đều đều. Thủ thuật thông thường nhất là vẽ dự án trên giấy, chạy chọt quan trên cho dự án được chấp thuận, trưng thu đất, rào giậu lại, để đó chờ kiếm đối tác thực hiện. Khi chưa có đối tác thì cứ tạm dùng đất làm trại chăn nuôi gà vịt hay cứ phơi đất chờ. Đất thì chẳng bao giờ mất giá. Cứ chờ, càng lâu đất càng lên. Đi đâu mà vội! Quan không vội nhưng dân bị mất đất phải vội. Để lâu cứt trâu hóa bùn. Các cụ đã dậy như vậy rồi. Vì vậy dân mới kéo nhau đi khiếu nại kiểu con kiến kiện củ khoai vì các quan chỉ quen các quan chứ đâu có quen dân nên bao che nhau. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng bỗng nổi tiếng ngang xương. Nơi đây là trụ sở của một cơ quan nhận những khiếu nại của dân. Nhận thôi, còn giải quyết lại là chuyện khác. Có những hồ sơ nằm vạ nằm vật trong tủ hàng chục năm vẫn cứ kiên trì nằm vùng chẳng chịu ló mặt ra ánh sáng. Người dân mất đất chỉ còn cách kéo nhau lên ngồi ăn vạ nơi cửa quan. Ăn vạ như vậy ăn thua chi! Có những người đã tự tử vì đất. Dân kêu cứ việc kêu. Ông trời ở rất xa. Quan nha ở gần thì còn bận làm tính chia, thời giờ đâu mà ngước mắt nhìn những thân người vạ vật trước vườn hoa vì đất. Quan nào quan nấy miệng đầy đất. Ăn như vậy, miệng thế gian kêu là hạm!

Hạm đất dù có trăm ngàn mẫu, khi chết cũng chỉ cần ba thước. Chết là về với đất. Đất như người mẹ chờ đón đứa con rong chơi miền trần thế trở về. Huyệt mộ đất mở rộng lòng mình ra ôm lấy xác phàm của những đứa con của đất mẹ.

ta nằm trong đất hẩm hiu
rễ cây rễ cỏ sớm chiều xâm lăng
lơ mơ nghĩ chuyện gió trăng
mưa khuya nước giọt ao sen rùng mình
trầm hương da thịt thủy tinh
bay phơi phới lửa xuân tình trổ bông

( Luân Hoán )

Bạn bè tôi, kẻ trước người sau, lặng lẽ rủ nhau về với đất. Có những buổi sáng thức dậy, mắt chưa rời khỏi cơn mê mà tai đã nghe tiếng báo dữ. Ngỡ ngàng. Bâng khuâng. Thở dài. Như một buổi sáng giữa tháng 8 vừa qua, tin dữ về Đỗ Ngọc Yến bay trên sóng điện thoại của những người còn tạm ở lại.

bạn bè gọi nhau báo
xuyên qua những ngôi nhà
xuyên qua những thành phố
xuyên qua những vườn hoa
xuyên qua nắng tháng tám
ngưng lại giữa buổi chiều

Anh ấy đã đi rồi!
Yến đã đi thật rồi!

( Trần Mộng Tú )

Đất rất rộng lượng. Mọi người đều có chỗ cả. Yến vừa nhận lãnh phần của mình. Chúng tôi đều đã có vé dành sẵn. Chỉ chờ chuyến tầu ngầm đang tới!

09/2006