Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

CHÍ

“ Ông Châu Trí lúc bé thông minh và chăm học lắm. Năm mới lên mười hai tuổi, đã biết làm văn, nhiều người đều khen ngợi. Song nhà nghèo, ông vẫn phải đến ở nhờ tại chùa Long Tuyền. Không có tiền mua dầu thắp đèn, ông phải đi quét lá đa, tối đến đốt lửa lên mà học. Ông học đến năm mười sáu tuổi đã đỗ giải nguyên.

Thiên hạ rủ nhau đến mừng và tặng ông một bài thơ:

Một anh trò kiết chùa Long Tuyền, 
Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên, 
Ở đời chẳng có việc gì khó, 
Người ta lập chí phải nên kiên.”

Đoạn văn ngắn trên chắc nhiều người thấy quen quen. Ê a cả thời tuổi thơ thì làm gì chẳng quen. Đây là một bài trong cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Sơ Đẳng”. Tựa bài là “ Có Chí Thì Nên”.

Có chí thì nên! Những ngày tiểu học, chúng tôi đã được nhét vào đầu như vậy. Nhét là một chuyện, chí nó có vào nằm trong đầu không lại là chuyện khác. Để chọc quê, lũ học trò chúng tôi cho chí di chuyển! Bắt nó nằm trên đầu. Có chí thì gãi! Thứ chí này có hình dáng rõ ràng, gãi thì cũng chẳng quên được. Gãi như vậy đã lắm. Đã vì trả thù được...giai cấp thầy giáo áp bức!

Học trò học troẹt, tuổi còn non, trí óc cũng non. Ăn chưa no lo chưa tới, ham chơi ham đùa, nên mới thiển cận như vậy. Thực ra chí cần lắm. Không có chí như đi thuyền không có la bàn, cứ loạng quạng mò quanh, bỏ trường lạc ra vỉa hè cầu bơ cầu bất như không. Có chí thì vững chắc trên đường đi, thuyền cứ thẳng cánh một lèo tới đích. Nói tới ý chí thì phải ngôn tới sự kiên nhẫn. Có chí là giữ rịt vững chắc tới mục đích phải vươn tới. Giữ chắc cho tới…trăm tuổi!

Thầy Nguyễn Khắc Kham ra đi vừa đúng trăm tuổi. Sống trăm tuổi không là một thành tích. Thầy Kham coi việc sống trăm tuổi là một cái nhục. Thầy quá lời chăng? Không! Thầy giải thích với một môn sinh: “ Anh xem đấy, càng già mình càng thua một đứa bé, muốn làm gì cũng không được, phải nhờ vả đến người khác, nhục lắm”. Nhưng sống trăm tuổi mà còn đeo đuổi cái chí của mình được như thầy cổ kim ít người có được. Cả đời thầy cống hiến cho văn hóa. Ngày thầy còn ngày ngày cắp cặp tới trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn truyền bá kiến thức cho tụi hậu sinh chúng tôi, dưới mắt những sinh viên chúng tôi dạo ấy, thầy không được chúng tôi nể sợ. Chỉ vì cái lòng của thầy đối với văn hóa nước nhà lớn quá. Lớn đến nỗi chúng tôi không thông cảm với thầy được. Thầy càng quý trọng, chiều chuộng chúng tôi thì chúng tôi càng lờn mặt thầy! Chí của thầy, chúng tôi không với tới nên không biết quý. Khi đầu đã hai thứ tóc, thấy tấm lòng của thầy với văn hóa đất Việt, chúng tôi mới hối tiếc và thẹn thùng. Thầy có một tủ sách quý và luôn luôn muốn chia sẻ, tiếp tay với những người có lòng với văn hóa. Cuối đời thầy bị đau xương bàn tọa, cử động khó khăn, nhưng nếu ai cần tài liệu nghiên cứu, điện thoại hỏi thầy, thầy vẫn cố lăn người qua kệ sách phía bên giường hoặc trườn người xuống sàn, lục trong những thùng sách để tìm tài liệu trả lời. Ông Nguyễn Tuấn Khanh không phải là môn sinh ngày xưa của thầy nhưng có đam mê nghiên cứu nên thường tiếp xúc với thầy đã kể lại : “ Cụ không lái xe, lại không muốn phiền ai nên mỗi lần đi đâu, cụ đi bộ hoặc dùng xe buýt. Cụ bị bệnh rỗng xương nên hay đau lưng, đi đứng khó khăn, chỉ đi được khoảng một phần ba dặm là phải nằm nghỉ mệt trên thảm cỏ hoặc bên lề đường. Đôi khi có môn sinh hoặc thân hữu gặp cụ nghỉ mệt bên đường, dừng xe xin đưa cụ đi, nhưng cụ nhất định từ chối vì không muốn làm phiền ai, có khi phải nằn nì mãi cụ mới nhận lời. Những hôm cụ đến thư viện Berkeley mượn sách là cả một vấn đề. Cụ rời nhà từ 8 giờ sáng, đi bộ ra trạm xe buýt để đón xe đến trạm xe điện ở Fremont cách nhà cụ khoảng 45 dặm, nhưng cụ phải mất trên hai tiếng mới tới nơi, sau đó còn phải đi bộ một đoạn xa từ trạm xe đến thư viện nên mỗi khi đi mượn sách, thường đến 6 giờ tối cụ mới về đến nhà. Tuy đi mượn sách cực nhọc và mất thời giờ như vậy, nhưng mỗi khi mượn được quyển sách hay, cụ lại gọi điện thoại “khoe” với tôi và rủ tôi hôm nào tiện thì đi sao chụp chung để giữ làm tài liệu”.

Chẳng phải học giả như thầy Nguyễn Khắc Kham, cụ F. Gomet ở Venezuela cũng chứng tỏ cái chí của mình. Phải học! Học không bao giờ muộn cả. Vào đúng ngày sinh nhật 100 tuổi, cụ nhận được chứng chỉ tốt nghiệp…tiểu học. Ở vào cái tuổi mọi người chỉ muốn phè ra hưởng thụ, cụ vẫn không quên cái ước muốn biết đọc biết viết của cụ. Cụ mang cái thân già đi học. Biết đọc biết viết, cụ đẩy cái chí của cụ lên một mức nữa: phải học xong tiểu học. Trăm tuổi, cầm chứng chỉ tốt nghiệp trong tay, cụ làm tới. “Tôi nghĩ là sẽ tiếp tục học nữa mặc dù con cháu khuyên là đã đủ rồi đối với tuổi của tôi. Nhưng tôi đã quyết định là sẽ tiếp tục học để lấy cái bằng tú tài!”.

Cụ trăm tuổi người Venezuela quyết chí lấy cái Tú Tài để dối già, cụ 79 tuổi người Việt Nam thì đã trì chí lấy được cái bằng Đại Học. Cụ đã về tới đích vào ngày tốt nghiệp do trường Đại Học Cộng Đồng Coastline tổ chức vào cuối tháng 5 năm nay. Trong số 1582 tân khoa áo mũ xênh xang có cụ ông Nguyễn Thế Phi, 79 tuổi, tốt nghiệp bộ môn Nghệ Thuật. Mới đến Mỹ vào năm 1999, cụ cắp sách tới trường khi đã quá tuổi thất thập. Vừa đánh vật với môn tiếng Anh, vừa đeo đuổi những lớp hội họa, vừa cố gắng cho đi chỗ khác chơi những bất tiện của tuổi già, cụ Nguyễn đã nêu gương lập chí cho con cháu. Nói chi con cháu, cụ bà cũng phải phục cụ ông sát nút. Khi được hỏi cảm tưởng trong lễ tốt nghiệp của cụ ông, cụ bà đã nói: “Ông nhà tôi lớn tuổi, lại lãng tai, nên khi đi học phải thâu âm để về nhà nghe lại, tóm lược ý nghĩa của môn học trong nhiều năm. Ông tốt nghiệp hôm nay là niềm hãnh diện cho gia đình chúng tôi.”

Cũng tháng 5 năm nay, trong buổi lễ tốt nghiệp Cử Nhân của trường Đại Học Kansas ở Fort Hays, có tân cử nhân 95 tuổi. Đó là cụ bà Nola Ochs. Cùng với văn bằng Cử Nhân bộ môn Lịch Sử, cụ đã tạo kỷ lục thế giới là người cao tuổi nhất tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân. Kỷ lục này trước đây do cụ Mozelle Richardson, tốt nghiệp Viện Đại Học Oklahoma vào năm 2004, giữ khi cụ tốt nghiệp vào lúc đã 90 tuổi. Thành tích “có chí thì nên” của cụ Nola đã phá vỡ một tập tục lâu đời của Viện Đại Học này. Thường thì trong lễ tốt nghiệp, mọi người chỉ được vỗ tay một lần chung cho tất cả các tân khoa sau khi đã xướng danh tất cả các…đại đăng khoa. Riêng trong trường hợp của tân khoa Nola, cả hội trường đã đứng lên vỗ tay hoan hô nhiệt liệt bà cụ gân này khi cụ bà tiến lên khán đài nhận văn bằng do đích thân Thống Đốc Kathleen Sebelius trao giữa một rừng con cháu mặc áo thung có ghi hàng chữ “Cụ cố Nola là số dách!”. Trong số 2176 sinh viên tốt nghiệp có cả cô cháu gái út của cụ Nola là cô Alexandra Ochs! Trong một cuộc họp báo sau đó, cụ Ochs chỉ nói vắn tắt: “ Tôi cũng chỉ là một sinh viên bình thường thôi” Cụ vẫn chỉ thích là sinh viên. Lãnh xong bằng Cử nhân, cụ dọa ngay: “ Thật không có gì đáng ngạc nhiên nếu tôi lại khởi đầu học tiếp thêm nữa!” Tưởng là cụ dọa, nhưng cụ làm thiệt. Cụ sẽ tiếp tục dùi mài kinh sử để bỏ túi mảnh bằng Cao Học nữa!

Nặng một túi văn bằng là cụ Ilia Osipov, ngụ tại thành phố Novo Kuznetsk ở bên Nga. Tính sơ sơ cho tới nay cụ mới có 22 văn bằng Đại Học và Cao Đẳng. Nay cụ lại tiếp tục bộ sưu tầm bằng cấp bằng cách ghi tên theo học Y Khoa để trở thành Bác Sĩ! Cụ năm nay bao nhiêu tuổi? Thưa mới có 79 cái xuân xanh! Cụ đã từng bị liệt cả người. Vậy mà, một lần cụ té trên cỏ và bị ong đốt. Không biết có phải là ong thần không mà sau đó cụ cử động chân tay được. Bà vợ thấy lạ bèn dùng nọc ong chữa bệnh cho chồng. Sau nhiều tháng kiên trì điều trị như vậy, cụ đã đi lại được. Từ đó, cụ trở nên ham học kỳ lạ, siêng năng như…ong, tốt nghiệp hết trường này tới trường khác. Đầu tiên cụ giật mảnh bằng của trường trung cấp kỹ nghệ than Osinikovsky. Tiếp đó là Đại Học Luyện Kim Siberia. Rồi Đại Học Sư Phạm Novokuznetsk. Bộ sưu tập văn bằng của cụ Osipov sau đó thêm bằng của Đại Học Báo Chí, rồi bằng trung cấp châm cứu trị liệu. Trong…kho bằng cấp của cụ, cụ quý trọng nhất là bằng tốt nghiệp về nuôi ong của một trường Đại Học! Chẳng là ong là…ân nhân của cụ! Tấm bằng gần đây nhất của cụ là bằng về sản khoa của trường Cao Đẳng Y Khoa. Cụ…kiếm được tấm bằng này khi cụ đã bước vào tuổi cổ lai hy! Lúc cụ tới hỏi điều kiện để theo học sản khoa, nhà trường tưởng là cụ hỏi cho con cháu. Ai ngờ chính cụ nộp đơn xin thi. Và cụ đã đậu vào trường với số điểm tối đa! Điểm cao là điều bắt buộc cụ phải đạt tới. Thi bằng nào cụ cũng ngồi trên người khác. Có một lần thi tốt nghiệp, cụ chỉ đạt được điểm 4 trong khi điểm tối đa là 5, cụ không bằng lòng, xin thi lại. Nhà trường hỏi cụ thi lại làm chi, cụ trả lời: “ Tôi dự định sống đến năm 99 tuổi và vì thế còn phải học thêm nhiều trường nữa. Mà muốn được nhận vào trường Đại Học miễn thi thì cần phải có điểm cao!”. Cụ đã cất giữ 22 tấm bằng đã đạt được trong một chiếc hộp cùng với bức hình chân dung của cụ bà Frausta, người vợ đã ra đi trước cụ!

Ông Bill Gates mà biết được chí học hành của cụ Ilia Osipov chắc phải đỏ mặt dữ! Vì ông học có một môn mà… soóc-ti lát chẳng bằng biếu chi cả. Trường ông tỷ phú số một thế giới này học là trường Đại Học nổi tiếng Harvard. Khi đang theo học năm thứ ba, vào năm 1975, ông bỏ học ngang xương. Ngày nay ông trở thành tỷ phú điện toán nhưng không có tấm bằng dắt lưng. Không hiểu vì ngộp bởi cái gia tài kếch xù của Bill hay sợ mang tiếng là chẳng cần học mà vẫn cứ thành công, trường Harvard vừa quyết định sẽ cứ phát bằng tốt nghiệp cho ông vào tháng 6/2007 sắp tới với lý do là ông có những “công lao đặc biệt”!

Thực ra Bill nhà ta không phải là người kém thông minh. Ông quá thông minh! Vì thông minh xuất chúng nên ông mới bỏ học, chuyển cái chí…học sang cái chí…kiếm tiền! Trước khi nhập học Harvard, Bill Gates đã theo học tại trường trung học tư thục nổi tiếng Lakeside và chính tại đây Bill bắt đầu say mê computer và công việc lập các thảo chương cho loại máy hiện đại này. Năm học lớp 9, Bill nằm trong danh sách mười học sinh ưu tú nhất nước Mỹ. Một năm sau, ông dậy các học sinh khác về computer và kiếm được 4200 đô nhờ soạn ra phần mềm để lập thời gian biểu cho các môn học trong trường.

Danh sách các nhân vật di chuyển từ cái chí học hành ra cái chí kiếm tiền không phải chỉ có một mình chàng Bill ta. Còn nhiều nữa. Mà toàn các tai to mặt lớn tiền tỷ không! Tiền thì nhiều không ai bằng nhưng bằng thì chẳng bằng ai. Như Steve Jobs, Giám Đốc Điều Hành của Apple. Ông này rất tà tà. Vừa xong khóa đầu tiên trong năm thứ nhất ông đã bị đuổi ra khỏi trường Đại học! Tưởng ông cầu bơ cầu bất, nhưng sau 35 năm ông đã có tài sản cỡ 5,7 tỷ đô. Như Tổng Giám Đốc Công Ty Oracle, Lawrence Ellision, cũng đã có trong tay sơ sơ 21,5 tỷ đô. Chàng này học hành làm sao? Đang học dở dang tại Đại Học Illinois, chàng bèn chuyển…chí, quay qua quyết chí làm giầu. Như Sheldon Adelson, người giầu thứ ba trên thế giới với tài sản 26,5 tỷ đô, học hành có ra chi đâu. Đang theo học Đại Học tại New York, chàng bỗng bỏ trường đi giang hồ làm ăn. Từ tay trắng trở thành đại phú chủ nhân một hệ thống sòng bài và khách sạn lớn nhất thế giới hẳn phải có chí…kiếm tiền. Như nhà tỷ phú Tây Ban Nha Omansio Ortega, người cũng bỏ Đại học mà đi kiếm sơ sơ 24 tỷ đô bỏ túi. Như nhà tỷ phú nổi tiếng người Nga Roman Abramovich mà các fan túc cầu biết như là ông chủ của câu lạc bộ Chelsea. Ông này còn chơi ngon hơn nữa là đã làm tới Thống Đốc tiểu bang Chukotka! Tiền thì có cỡ 18,7 tỷ nhưng bằng cấp thì…mậu dậu!

Những nhà tỷ phú không bằng cấp này đã làm phiền lòng những người vẫn quan niệm học vấn là phương tiện đưa đến thành công. Chủ Tịch hãng Sun Microsystems, ông Scott McNealy, là người quyết chí giữ vững quan niệm xưa cũ này. Ông đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Bill Gates về chuyện Bill không có tấm bằng vắt vai mặc dù về tiền bạc ông…phê bình gia này mới chỉ ở hàng triệu phú!

Dân Nam ta vẫn trọng học vấn. Đó là chiếc chìa khóa mở được mọi cánh cửa. Tôi e rằng trong mọi cánh cửa không chắc có cánh cửa tiền bạc. Chuyện mới xảy ra ở Việt Nam và còn đang được các báo đề cập tới hầu như mỗi ngày. Đó là chuyện một em bé thần đồng được đề nghị mua với giá 1 triệu đô Mỹ. Cậu bé Trần Ngọc Châu Long, 3 tuổi, ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đã biết đọc cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh lại còn biết đếm và tính toán. Theo như tiết lộ của ông Trần Ngọc Châu, cha của cậu thần đồng, thì bé đã được một công ty ngoại quốc hỏi mua với giá 1 triệu đô Mỹ. Ông kể với ký giả: “Cách đây gần một năm, báo Phụ Nữ có đăng thông tin về con tôi thì có một ông xưng là luật sư đại diện cho một công ty nước ngoài hỏi “mua đứt” bé Châu Long với giá 500 ngàn USD, song tôi nói con tôi không bán, chỉ cần người hợp tác để nuôi dậy bé mà thôi. Một tuần sau anh này điện thoại lại tăng giá lên 1 triệu USD và nói khi nào tôi đồng ý thì nhắn tin.” Ông Châu cho biết là đã dậy bé Châu Long ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Trong phòng của bé ông vẽ các chữ cái và các con số nằm nghiêng, ngửa với mục đích cho bé quen dần bảng chữ cái. Khi bé mới chập chững biết đi là ông bố bắt đầu chương trình dậy học. Bé biết đọc khi mới được 18 tháng tuổi và khoảng 5 tháng sau thì đọc trôi chảy. Ông Châu cho biết dù công ty trên có trả cả tỷ đồng ông cũng không bán con nhưng trong khi trả lời phỏng vấn ông lại lỡ lời hy vọng họ sẽ tăng số tiền lên 2 triệu! Ông còn đăng quảng cáo trên tờ “Mua và Bán” với mục đích tìm đối tác trong và ngoài nước có đạo đức, có phương pháp dậy dỗ để phát huy tối đa khả năng của bé Châu Long mà ông cho biết là “thông minh, trí nhớ tốt nhưng ăn uống quá kém lại bướng bỉnh khó dạy nên gia đình tôi cần nhờ cộng đồng chung tay giúp sức như tư vấn, trao đổi kinh nghiệm”.

Báo chí đã đổ xô về Long An để tìm hiểu hiện tượng lạ này và họ đã khám phá ra nhiều điều thú vị. Theo hàng xóm cho biết thì họ đã nghe thấy nhiều lần tiếng la lối của ông bố và tiếng khóc của chú bé Châu Long khi bị bắt học. Ông Châu cố nhồi vào trí óc con càng nhiều càng tốt khiến chú bé được mệnh danh là thần đồng này còi cọt, bệnh hoạn. Bé Châu Long đang được điều trị tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2 ở Sài Gòn.

Đây có lẽ là một trường hợp nuôi con khác thường với chủ đích cầu lợi. Bé Châu Long chắc chẳng có một thứ chí nào. Sợ học như vậy còn trí đâu mà…chí! Có chí chăng là ông bố Trần Ngọc Châu. Ông trì chí đi tới bạc triệu đô!

Cái chí ngày nay nó quanh quẩn trong vòng danh lợi và tiền bạc như vậy. Người ta quyết chí tìm danh, tìm tiền. Không ai phí thời giờ cho cái chí làm trai. Cụ Nguyễn Công Trứ chắc buồn nhiều phút. Còn ai ngâm nga tương đắc với cái chí…lạc hậu của cụ?

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc. 
Nợ tang bồng vay trả, trả vay. 
Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây, 
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Viết tới đây, đầu óc tôi bỗng chợt quay về những ngày tiểu học cũ. Chí làm trai được hun đúc cho chúng tôi từ lúc đầu óc còn như mảnh giấy trắng. Bài học thuộc lòng vẫn còn hằn in trong trí tới ngày hôm nay.

Làm trai quyết chí tu thân, 
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo. 
Khi nên trời giúp công cho, 
Làm trai năm liệu bẩy lo mới hào. 
Trời sinh, trời chẳng phụ nào, 
Phong vân gặp hội, anh hào ra tay. 
Trí khôn sắp để dạ này, 
Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Chí như vậy mới…nam nhi chi chí chứ!

06/2007