Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NHÁM

Một phụ nữ Việt Nam còn trẻ can tội ăn cắp trong siêu thị một món đồ trị giá có 15 đô. Ra tòa cô bị phạt vạ và 3 năm tù treo. Bốn năm sau, cô xin vào quốc tịch Mỹ sau khi có thẻ xanh đủ 5 năm. Cô được gọi lên phỏng vấn. Nhân viên Sở Di Trú cho biết cô phải xin hủy án treo ở tòa án để có thể tiếp tục làm thủ tục giấy tờ. Cô làm đúng theo như vậy. Trở lại Sở Di Trú, cô được phỏng vấn và thi đậu. Trong thời gian chờ đợi giấy gọi đi tuyên thệ, ông nhân viên này điện thoại đến gọi cô trở lại để làm thêm một vài thủ tục cần thiết. Nơi hẹn là một chung cư. Thời gian là buổi tối. Ông ta đưa cô lên lầu 4, vào một phòng không có ai, ông đã sờ soạng và xâm phạm tình dục. Cô chạy xuống lầu, điện thoại cho người đã lo thủ tục xin hủy án treo cho cô. Ông này tiếp xúc với một luật gia rồi bảo cô kêu cảnh sát ngay. Cảnh sát tới, lấy dấu tay và mẫu DNA trên vú và trong quần lót của cô. Anh chàng băm lăm bị bắt và ra tòa.

Chỉ cầm nhầm một món đồ trị giá 15 đô mà câu chuyện đi xa đến như vậy. Các cụ nói cái xảy nảy cái ung là như rứa! Bàn tay năm ngón mà nhám thì hết…kiêu sa. Tội chỉ vì cái siêu thị! Ngày xưa, cửa hàng nhỏ, hàng hóa đều nằm trong mắt chủ nhân nên việc thó đồ coi bộ khó, ít người dám mạo hiểm. Ngày nay, cửa hàng nào cũng to sình, hàng họ tràn lan, trông đã thấy hấp dẫn mà chẳng có cặp mắt nào coi, chớp một cái thì ai biết. Thế là…nhám tay.

Thấy vậy nhưng không phải vậy. Chủ siêu thị chỉ có hai con mắt, đâu thấy hết, nhưng đã có những con mắt khác gắn trên tường, trên trần nhà theo dõi từng cử chỉ của khách hàng. Tất cả hành động của khách hàng tại đủ các góc cạnh, xó xỉnh của cửa hàng được ghi lại trên màn ảnh. Nhân viên an ninh chỉ việc ngồi coi…ti vi trực tiếp truyền hình là những bàn tay nhám chẳng chạy đâu được. Đấy là trên lý thuyết. Các cửa tiệm do người Việt làm chủ thường cũng có camera theo dõi nhưng thuê người theo dõi trên màn hình thì tốn, chẳng bõ mất của. Vậy nên họ để màn hình ngay tại quầy tính tiền. Cô thu ngân vừa thu tiền vừa nghía màn hình, khi hay khi chớ, coi như một việc phụ không cần chú ý lắm. Nhiều tiệm gắn camera chỉ để dọa, chẳng có màn hình hay có cũng chẳng mở để coi. Dọa khơi khơi vậy nhiều khi cũng được việc, lại đỡ tốn. Có tên nào khôn ranh biết sự tình lấy chút đỉnh cũng xa-va. Họ chấp nhận mất mát.

Một ngày cuối tuần, tôi đi chợ siêu thị. Đang lựa tôm thì có hai anh thanh niên người bản xứ, râu ria dữ dội, mặt mũi trông rất ngầu. Tôi đứng ngay cạnh mà hai chàng coi tôi như nơ-pa, tỉnh bơ đút hai hộp tôm đông lạnh vào trong áo lạnh. Máu nghĩa hiệp nổi lên, tôi thấy bất bình, nhưng cũng chẳng dại mà đối đầu với…tội phạm. Mấy tên nhám tay là cái thớ chi mà tôi phải mang…tính mạng mình ra mà đôi co! Tôi lẳng lặng chuồn ra chỗ khác, báo cho một nhân viên cửa hàng đang xếp dọn hàng hóa. Anh này báo cho bà chủ. Hai anh thanh niên lầm lũi đi ra. Bà chủ quay mặt làm ngơ. Bực mình, tôi hỏi cớ sự, bà chủ cười: “Thí cho chúng nó ông ạ! Bắt chúng rồi sinh chuyện, chúng kéo tới phá thì mệt hơn nữa!”. Tôi cũng đành cười trừ, thấy mình không khôn ngoan bằng bà chủ tiệm!

Siêu thị ở Việt Nam thì chẳng máy móc gì. Không phải vì không có những bàn tay nhám. Không camera nhưng mỗi dãy tủ hàng có một nhân viên đứng nhìn chằm hăm. Có lần tại một siêu thị ở gần nhà thờ Đức Bà Sài Gòn tôi đã thử đếm. Siêu thị nhỏ nhưng có tới hơn hai chục người, đàn ông có, đàn bà có, chỉ có mỗi một việc là đứng rình. Thấy cái job này chắc chán ngắt, nhân lúc lựa đồ gần một anh gác, tôi thử hỏi. Đứng vậy mệt quá anh nhỉ? Trả lời tôi là một khuôn mặt cứng ngắc, lạnh lùng với đôi mắt gườm gườm. Tôi soi mình trong đôi mắt dễ sợ đó, bỗng thấy mình giống như một tên ăn cắp! Về nhà hỏi cô em sao người ta lại có thể phí phạm nhân lực như vậy. Cô em tôi cười cái sự ngốc nghếch của ông anh Việt kiều. Nhân công ở đây rẻ rề, rẻ hơn máy móc nhiều anh ơi!

Ấy, cứ quen với sự soi mói của mắt người, ra tới ngoại quốc, thấy không có người trông, máu chôm nổi dậy, tay bỗng nhám xì. Đó là trường hợp bà Võ Thị Hồng Phiếu. Chuyện xảy ra hồi tháng 3 năm 2005. Bà là Tổng Giám Đốc kiêm Bí Thư Đảng Ủy Công Ty Bia Huế. Thứ dữ! Bà đi công tác Ấn Độ. Trên đường về Việt Nam, máy bay ghé phi trường Don Muang ở Bangkok, Thái Lan. Bà cùng các người trong phái đoàn đi dạo quanh xem hàng trong các cửa hàng ở phi trường. Tại một cửa hàng miễn thuế, thấy không có ai nhòm ngó gì, bà bỏ ngay vào túi xách một cặp kính mát. Khi bà ra khỏi cửa hàng, nhân viên an ninh giữ bà lại, mời bà tới văn phòng. Tại đây, họ yêu cầu được kiểm soát túi xách tay. Trong túi không có cặp mắt kiếng. Nhân viên trong đoàn đi cùng bà Phiếu thấy không có chứng cớ nên đã phản đối hành động bắt giữ của nhân viên phi trường, coi đó như một hành động xúc phạm. Thậm chí một ông hăng tiết vịt còn giơ tay định giật bảng tên của nhân viên an ninh. Không thấy tang vật, họ mới mở cuốn băng ghi hình cho mọi người coi. Trong băng rõ ràng có hình ảnh bà Phiếu, sau khi đảo mắt quan sát chung quanh, liền thò tay chớp cặp mắt kiếng bỏ vào túi xách kẹp ở nách. Sự việc rành rành, mọi người tiu nghỉu. Thôi thì bỏ tiền ra mua cặp mắt kiếng cho rồi. Bà Phiếu cũng đồng ý như vậy. Bà trở lại chỗ bà đã bỏ cặp mắt kiếng lại trước khi bị bắt và ngỏ ý muốn trả tiền. Nhân viên an ninh không chịu. Bà đề nghị trả với cái giá gấp mười lần, họ cũng vẫn lắc. Không biết cuộc “biểu tình” đả đảo nho nhỏ của nhân viên phái đoàn hay hành động dữ dằn định giật bảng tên của nhân viên an ninh trước đó có ảnh hưởng tới quyết định của họ không? Họ giao bà cho cảnh sát tạm giữ và cách ly bà khỏi phái đoàn. Phái đoàn đành lên máy bay không có bà Tổng Giám Đốc kiêm Bí Thư Đảng Ủy! Họ để lại anh thông dịch viên để giúp bà Phiếu. Sau đó, anh thông dịch viên này đã gọi về Việt Nam cho biết là phải nộp 12 ngàn đô Mỹ thì bà Phiếu mới được tại ngoại. Một số thành viên trong đoàn đã gom góp tiền gửi qua. Bà Phiếu phải lưu lại đất Thái để điều tra. Công ty du lịch Vietravel phải cử người qua tham dự cho đến hơn hai tháng sau, ngày 10 tháng 5, bà Phiếu mới về đến Việt Nam. Không hiểu cuối cùng, cặp mắt kiếng đã trị giá tới bao nhiêu tiền. Tiền chẳng nói làm chi nhưng cái mặt mới đáng nói. Mặt của bà Phiếu và mặt của đất nước!

Trong các cửa hàng hay siêu thị, khách hàng luôn luôn được cảnh báo bằng những tấm bảng nhắc nhở treo nhan nhản xung quanh: ăn cắp đồ là tội hình! Cứ nhám tay là…xám mặt. Không cần biết món đồ ăn cắp có trị giá nhiều hay ít. Bởi vậy món đồ 15 đô của bà Việt Nam ở Mỹ, cặp kính mát nhiều lắm là vài chục đô của bà Phiếu đã dẫn hai người đi quá xa như vậy. Nhưng nếu chứng minh được là mình mang căn bệnh thó đồ kleptomane thì sẽ được tha tào. Vậy thế nào mới là kleptomane? Những người này không bao giờ nhám tay vì lợi ích cả. Họ thường lấy những món đồ họ không cần dùng tới hoặc không giá trị bao nhiêu. Họ chỉ ăn cắp vặt chứ không nhắm mục đích mang lợi lộc gì về cho mình. Vua nước Pháp Henri IV cũng có tật xoáy những đồ vặt vãnh của thần dân!

Không biết có ai còn nhớ tới một cuốn phim của Đạo diễn Alfred Hitchcock mang tên Marnie không? Phim này được quay vào năm 1964. Vai chính Marnie do nữ tài tử Tippi Hedren đóng. Cô này là một kleptomaniac thứ thiệt. Cô di chuyển từ tỉnh này tới tỉnh khác để đi làm và ăn cắp vặt. Cho tới khi cô gặp anh chàng Mark Rutland, do Sean Connery đóng. Anh chàng này bám sát cô và ép cô lấy hắn cho bằng được tuy chẳng yêu đương gì. Trong một cảnh phim, cô Marnie đã chỉ mặt anh chàng Mark: “Anh chẳng yêu đương gì tôi. Tôi chỉ là thứ để anh bắt. Anh nghĩ tôi là một con vật mà anh đã săn được thôi.” Đúng vậy! Anh chàng Mark này cũng có bệnh: bệnh say mê căn bệnh ăn cắp vặt của Marnie và tham vọng thích thú muốn cải hóa cô nàng. Toàn cuốn phim có nội dung xoay quanh nỗi ám ảnh của anh chàng Mark trong việc lý giải bí mật thầm kín của cô nàng Marnie!

Dân kleptomane có nhiều tật khá lạ lùng. Vài năm trước đây, trong một tiệm bán đồ lót sang trọng ở Luân Đôn, nơi lui tới của những siêu sao cỡ Madona hay Nicole Kidman, đã xảy ra một vụ ăn cắp khá lạ lùng. Một người đàn ông khoảng 30 tuổi, ăn mặc rất sang trọng đúng thời trang, nói với cô bán hàng là anh muốn mua một bộ đồ lót cho vợ. Anh nhẩn nha đi lựa hàng. Tới một góc khuất, anh xoáy ngay một áo lót phụ nữ trị giá tới 15 ngàn đô. Điều tra ra thì anh này có tật chuyên đi ăn cắp…nội y của phụ nữ. Chỉ mới đây thôi, cũng có một trường hợp tương tự. Khi Cảnh sát lục soát nhà thì cả nhà đầy nhóc su-chiêng, si-líp và đồ ngủ của các bà.

Một ông ở bên Nga thì…hướng thượng hơn một chút. Ông chuyên ăn cắp mũ lông dành cho các bà. Cứ ôm mũ lông là thích thú! Ông này bị bệnh sùng bái đồ vật (fétichisme). Khám xét nhà ông thấy cả đống mũ trong phòng, cái nào cái nấy mới nguyên, còn nguyên nhãn hiệu và giá tiền treo lủng lẳng. Cảnh sát hỏi bộ muốn bán hay sao mà giữ mới nguyên như vậy. Ông thần này còn tỏ ra bực mình hoạnh họe lại: “Bán để làm gì? Lương của tôi khá lắm chứ bộ!”

Anh Stephane Breitwieser, 31 tuổi, thuộc loại ăn cắp cao hơn một bậc nữa. Anh chỉ toàn chôm các họa phẩm quý, lại còn chỉ thích họa phẩm cổ thuộc thế kỷ 17 và 18 thôi. Anh thuộc loại nhám tay quốc tế. Các bảo tàng viện ở Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Hòa Lan và Đức là đất làm ăn của anh. Ăn cắp về, anh không bán cũng không thưởng ngoạn. Anh chất đầy trong nhà bà mẹ. Bà mẹ thấy chật nhà nên mang ra vứt xuống con sông ở gần nhà. Trên 60 họa phẩm và 112 vật mỹ thuật trị giá 1,4 tỷ đô đã bị trôi sông như vậy!

Nhà giáo 32 tuổi ở vùng Strasbourg, Pháp, lại chỉ thích sách cổ. Ông đã đột nhập nhiều lần vào thư viện của dòng tu có từ thế kỷ thứ 8 Mont Sainte Odile trong vùng Alsace để chôm sách. Hơn một ngàn cuốn sách cổ và nhiều bản thảo vô giá, có cuốn nặng tới hơn 4 kí, đã bị ông mang về chất đống tại nhà. Khi bị bắt ông đã khai rất ngây thơ vô tội: “ Tôi cũng nghĩ rằng cái đam mê của tôi đã xóa mờ lương tâm. Có thể tôi ích kỷ nhưng nhìn những cuốn sách quý bị bỏ bê, bụi và phân chim bồ câu dính đầy trên sách, vả lại chẳng có ai sờ đến sách, tôi không đành lòng.”

Ăn cắp tài tử như vậy là một bệnh có rất nhiều thân chủ danh giá. Như nhà vô địch thể dục Thế Vận Hội Olga Corbut, hoa hậu Mỹ Bess Maierson, ngôi sao quần vợt Jennifer Capriati! Mới đây, Hầu Tước James Churchill, một hậu duệ của cựu Thủ Tướng tài danh nước Anh Winston Churchill, đã bị bắt quả tang đánh cắp hai cặp kính và một lọ nước hoa đắt tiền trong một cửa hàng sang trọng.

Bê luôn một lúc tới 25 ngàn bộ đồ lót đàn ông trị giá tới 102.220 đô Mỹ thì chắc chẳng bệnh hoạn chi. Có bệnh chăng là bệnh ham tiền! Một anh tài xế xe vận tải người Ba Lan bị xịt một chất lạ vào mặt khiến anh ngủ li bì. Khi tỉnh dậy thì 20 thùng đồ lót đàn ông anh chở trên xe đã biến đi mất. Còn lại họa chăng là bộ anh đang mặc trong người! Cảnh sát đang điều tra bằng cách rình tại những nơi bán đại hạ giá đồ lót xem có đồ mang nhãn hiệu Jules đã bị chôm không. Hay là anh tài xế chơi khổ nhục kế để ăn chia chăng? Không biết được! Dính vào tiền bạc thì biết tin ai? Vì vậy, các cửa hàng thương mại không chỉ lo đối phó với các khách hàng nhám tay mà thôi, họ còn phải để mắt nhìn tới chính những nhân viên của họ. Chỉ nguyên tỉnh bang Quebec, số hàng bị mất cắp mỗi năm vào khoảng 800 triệu đô. Trong số này có 40%, tức 320 triệu, do chính nhân viên làm việc trong cửa hàng tẩu tán. Dân Việt chúng ta chắc có nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Hãy thử nhớ lại thời trước 1975, hàng PX của Mỹ tuồn ra ngoài bằng đủ mọi đường, nhất là đường…đổ rác. Thầu rác Mỹ ngày đó là một nghề hái ra tiền. Bởi vì trong rác có chôn dấu đủ các thứ hàng còn nguyên trong hộp do nhà thầu cấu kết với lính Mỹ và nhân viên làm việc trong các PX tuồn ra. Sau 1975, một siêu thị của Pháp ở ngoại vi Sài gòn cũng đã phải phẹc-mê bu-tích vì nạn nhân viên ăn cắp đồ!

Hồi ở trong nước, mua bán xong là xong. Không có đổi hay trả lại gì cả. Nếu chúng ta mang đồ đã mua trở lại cửa hàng để trả hay đổi là chúng ta đã…gây chiến! Nhất định sẽ có màn nhẹ ra là cãi cọ, nặng hơn một chút là chửi bới qua lại, nặng nữa là đập nhau bể đầu sứt trán. Nhưng ở bên đây, chuyện đổi hay trả lại hàng đã mua là chuyện thông thường. Không có chi mà thắc mắc. Chuyện thường ngày này cũng là kẽ hở chỉ lối đưa đường cho những kẻ nhám tay. Có nhiều tiệm chiều khách hàng cho đổi hoặc trả hàng đã mua mà không cần hóa đơn. Vậy là dính. Một bà vào lựa một chiếc áo, bỏ vào bao, đi thẳng tới quầy trả đổi, đòi lại tiền bà chẳng bao giờ bỏ ra. Mánh này chỉ thực hiện được tại những cửa hàng dễ dãi chiều khách hàng.

Lối thông thường hơn là…mượn quần áo của cửa hàng. Bạn được mời đi ăn cưới hay dự một dạ hội chẳng hạn. Bạn lại hay xí xọn, cần một bộ đồ mới để diện cho nổi mà không muốn chi tiền. Trong trường hợp này, bạn sẽ mua một bộ đồ mới, về nhà nhẹ nhàng tháo các mác và bảng giá treo lủng lẳng trên món đồ. Buổi tối, bạn vác mặt lên diện đồ xịn, mác miếc le lói, đi dự dạ hội. Ngày hôm sau, bạn mang ra tiệm giặt ủi làm láng lại, treo mác và giá vào như mới, mang trả lại. Nhà hàng sẽ nhận lại đồ bạn trả, mất tiền tân trang lại, hoặc trả lại nơi sản xuất. Dù sao thì cũng lỗ chổng gọng. Mấy năm trước, cộng đồng Việt Nam cũng đã xôn xao vì chuyện một ca sĩ mua đồ xịn bạc ngàn, mặc ra sân khấu, rồi mang trả lại! Một ông Việt Nam, ăn học đàng hoàng, nghề nghiệp đáng trọng như ai, lại chơi trò khác. Ông mua máy móc, chờ tới hạn chót được đổi trả là mang trả lại nhà hàng. Rồi mua cái khác để cũng trả lại. Vậy là suốt đời được dùng đồ mới và…hiện đại. Máy gì trong nhà ông cũng vậy. Ai cũng khen ông chịu chơi. Cửa hàng ông mua đồ là cửa hàng lớn, bán nhiều, nên ông tưởng việc làm của ông không bị để ý. Nhưng họ có dịch vụ theo dõi khách hàng. Khi thấy hàng ông trả lại lên đến cả vài chục ngàn trong vòng một năm, họ cấm ông không được mua hàng trong các cửa hàng của họ nữa. Cứ tưởng không phải là nhám tay mà tay đã… nhúng chàm!

Cái tưởng của chúng ta nhiều khi vô tội lắm. Giả dụ chúng ta mua một cái gạt nước trên kiếng xe hơi chẳng hạn. Thường thì chúng ta sẽ thay ngay trên bãi đậu xe trước cửa tiệm cho tiện. Thay xong, chúng ta quăng cái bao đựng đồ mới mua trong đó có cái bill vào thùng rác. Một công việc hết sức hợp lý, tiện lợi và…vô tội. Nhưng chúng ta không biết là luôn luôn có những kẻ rình rập, chờ chúng ta đi là tới lục ra cái bao và cái bill. Họ sẽ lẻn vào cửa hàng, lấy đúng món đồ chúng ta mua, mang ra quầy trả lại, đút tiền vào túi ngon ơ. Chúng ta đã vô tình…nối giáo cho giặc!

Nhám tay không phải là độc quyền của loài người. Loài vật cũng nhám chân như ai! Trong một khách sạn nhỏ ở Anh, khách trọ khiếu nại mất điện thoại di động lia chia. Tiền bạc, nữ trang để ngay bên cạnh không mất, chỉ mất điện thoại. Bà chủ khách sạn để tâm điều tra. Thủ phạm chính là con chồn bà nuôi trong khách sạn. Tìm dưới gầm giường của bà thì điện thoại nằm ngổn ngang. Nó ăn cắp để làm gì? Không ai biết tiếng…chồn nên chịu! Bên Mỹ có những chú chuột cống chuyên chôm hàm răng giả và các đồng xu lẻ. Để làm chi? Cũng chịu. Có điều chú chuột này chôm có…trả tiền đàng hoàng. Tiền của chú là đồ vật đủ thứ chú mang lại điền vào chỗ trống của những thứ chú đã lấy cắp! Đôi khi các chú chuột này trả tiền rất hậu hĩnh. Như một chú chuột chuyên môn lấy cắp hạt dẻ để trong rương của những người thợ khai thác quặng mỏ. Tiền chú trả lại là những cục đá nhỏ nằm kín chỗ của các hạt dẻ mà chuột cầm nhầm. Có một lần, lẫn giữa những cục đá là một cục vàng nhỏ thuộc dạng thô chưa luyện. Anh thợ mỏ tức tốc theo dõi lối đi của chuột. Kết quả anh tìm thấy cả một quặng vàng ngon lành!

Người lấy thì mất, chuột lấy thì còn. Tôi đang nói chuyện về những bàn tay nhám của con người bỗng nhiên quẹo qua những bàn chân nhám của loài vật. Thấy như có vẻ tôi loạng quạng. Nhưng không! Tôi kể chuyện loài vật là có mục đích cả đấy. Để cho con người khỏi mắc cở!

09/2007