Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

CHUÔNG

Trong một lần tới Paris, tôi đã bỏ công đi tìm một tiếng chuông. Đó là tiếng chuông của anh gù nhà thờ Đức Bà. Tiếng chuông tôi nghe vọng từ trong màn ảnh của phim “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà”. Anh gù do tài tử Anthony Quinn đóng thật tài tình. Tiếng chuông phát ra từ những cái giật, những cái đu như điên cuồng của một con người hờn giận nhân thế.

Leo không biết bao nhiêu bực thang nho nhỏ tăm tối của ngôi nhà thờ cổ, tôi đã tận mắt nhìn được vào quả chuông mà tưởng suốt đời tôi vẫn chỉ thấy nằm trong màn ảnh. Nhìn một hồi, quả chuông bỗng trở nên tầm thường. Như bất cứ quả chuông nào khác trên gác chuông của bất cứ nhà thờ nào. Chuông của anh gù hay chuông của anh ngọng có khác gì nhau không?

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông 
Chúng bảo nhau rằng “ấy ái uông”. 
(Hồ Xuân Hương)

Chính cách đánh chuông của anh gù mới là cái tôi tìm kiếm.

Hồi nhỏ, tôi đã nhiều lần theo ông từ nhà thờ Hàm Long, Hà Nội, lên gác chuông. Ông từ tốn giật sợi dây chuông. Những hồi chuông báo tử làm ông co người lại, giữ sợi dây thừng chỉ cho nhả ra từng tiếng một. Đàn ông bảy tiếng, đàn bà chín tiếng. Tiếng chuông phát ra nghe rền rĩ. Những ngày lễ trọng, ông kéo chúng tôi lên gác chuông. Sáu bẩy sợi dây rủ xuống. Mỗi sợi nối với một quả chuông. Chuông nhỏ cho tiếng thanh, chuông lớn cho tiếng trầm. Ông chia dây chuông cho chúng tôi. Mỗi đứa một sợi. Bữa nào ít người thì đứa lớn được hai sợi. Riêng ông giữ sợi dây của quả chuông lớn nhất. Ông đu người lên dây. Phải hai ba cái đu sợi dây mới trơn tru lên xuống. Ông níu chặt tay theo đà lúc lắc của chuông. Tiếng chuông đầu tiên phát ra. Ông liếc mắt, gật đầu về phía chúng tôi, những sợi dây lúc lắc. Mọi tiếng chuông đổ dồn reo vui. Âm thanh tỏa ra tứ phía lanh canh rộn ràng.

Không biết người khác ra sao chứ riêng tôi mỗi lần nghe tiếng chuông nhà thờ là hình ảnh những ngày đeo dây chuông lại trở về. Tôi thấy lại cái tôi nhếch nhác, mồ hôi mồ kê đầy mặt, áo quần xốc xếch. Tôi thấy lại sợi dây chuông xù xì làm bong da, rát tay. Tôi thấy lại những ngày vui mộc mạc của thời xa xưa.

Những người tay đã nhúng…chuông thường da diết với tiếng chuông như vậy. Nhúng kiểu con nít như tôi đã vậy, nhúng cỡ choai choai đã biết trai gái thì bệnh tình chắc nặng nề hơn nhiều. Bởi vậy tôi hết sức thú vị khi đọc truyện ngắn “Dì Xinh” của tác giả Nguyễn Văn Lục. Nhân vật chính xưng “tôi” bị gia đình gửi đi tu trên mạn ngược lén lên gác chuông với một nữ tu cùng tâm trạng nhớ nhà để cầm tay nhau tâm sự. Đúng lúc đó, ông bõ già lên gác đánh chuông nguyện vào giữa trưa. Hai người vội nấp vào một xó kẹt. “Cả hai chúng tôi dõi mắt nhìn bõ Tâm như xem một tấn tuồng. Vô tình, dì đứng sát vào người tôi mà không hay. Thoạt đầu, bõ dợm người đu cái dây xuống, vừa ghìm đủ để quả chuông đánh một tiếng chuông. Một tiếng bỏ lửng. Sau đó, như lấy tấn, bõ ghì dây chuông để đừng có tiếng phản hồi. Bõ sửa soạn tiếng thứ hai. Cũng một cách thức như thế. Lại đu dây chuông, lại ghìm, lại lấy tấn giữ quả chuông nằm im. Rồi tiếng thứ ba. Dứt tiếng ba, bõ như nghỉ lấy sức và hết sức bình sinh giật dây chuông thật mạnh. Quả chuông lắc như điên cuồng, và bên này phản hồi bên kia. Lúc này bõ như con nhái bén, chỉ cần giữ dây chuông cho chặt, đu đưa theo đà chuông, lúc bên này, lúc văng sang bên kia. Bõ như chấp nó. Người và chuông đọ sức. Trên gác chuông tiếng kính coong inh ỏi đến điếc tai, mà hưng phấn. Tôi và dì đưa mắt đảo qua đảo lại theo nhịp qua lại của bõ Tâm không chớp mắt. Kéo một hồi như thế thấy đủ, bõ từ từ tuột xuống sàn gác. Chân dính sàn, bõ ghì dây chuông. Chuông tiếp tục lôi thếch bõ lên, bõ theo đà chuông nhún lên, nhưng cũng ráng ghì xuống. Vài lần như thế, chuông như kiệt sức không đụng đậy nữa. Người bõ vã mồ hôi sau cuộc đọ sức. Bõ trở lại là bõ, hiền lành đến yếu đuối trong tấm thân gầy guộc chỉ còn xương. Có lẽ ý nghĩa đời sống của bõ chỉ ở những lúc này, lúc đọ sức, lúc đu đưa vật vã. Hết đọ sức, bõ trở thành con người tầm thường. Bõ nghỉ một chút, chậm rãi, nặng nề, đầu cúi gập như thể đã tiêu hao hết sức lực. Quẹt trán, lau mồ hôi, bõ xuống thang gác chuông từ hồi nào. Để cho bõ đi xa, tôi và dì Xinh rời tay nhau, lặng lẽ đi xuống”. (Tân Văn, số 1, tháng 8/2007)

Để có được một hồi chuông thênh thang trong không gian, người kéo chuông đã phải vất vả đổ mồ hôi. Bù lại, những người bõ, những ông từ nhà thờ đã mãn nguyện vì đã dùng tiếng chuông để đưa tâm hồn mọi người lên chốn thanh cao phơi phới. Lúc vui cũng như khi buồn. Ernest Hemingway, nhà văn nổi tiếng của Mỹ, đã có một cuốn tiểu thuyết mang tên… chuông: “For Whom The Bell Tolls” (Chuông Gọi Hồn Ai). Nhà thơ John Donne đã thơ:

Do not ask for whom the bell tolls 
It tolls for thee.

Chuông gọi mọi người. Trong những làng quê Việt Nam trước đây, tiếng chuông đã giữ nhịp sinh hoạt cho dân làng. Sớm tinh mơ, chuông nhắc nhở mọi người tới dự lễ nhất để còn ra đồng làm ruộng. Đúng ngọ, chuông báo giờ nghỉ trưa để hút điếu thuốc lào, ăn vội bát cơm chén cà củ khoai. Buổi chiều chuông nguyện. Buổi tối chuông tắt đèn. Trong một khung cảnh nhỏ nhoi đóng kín của một ngôi làng, tiếng chuông nghe thân mật ấm cúng. Như tiếng nói chuyện tâm tình của một người thân. Tiếng chuông còn vọng lên làm ngơ ngác mọi người vào những lúc không ai chờ đợi tiếng chuông. Một người vừa mới qua đời. Quan lớn về làng. Đức Cha về thăm bổn đạo. Hoặc cũng có thể là hồi chuông báo động trong thời chiến.

Thời chiến, gác chuông nhà thờ, mục tiêu cao nhất của một vùng quê thường bị hứng bom đạn đầu tiên. Chuông đổ xuống như cái đầu của người khổng lồ vừa lìa khỏi thân xác. “Hiển nhận được lệnh xông lên khỏi giao thông hào, kéo lính tiến về phía La Vang Chính Tòa. Thiếu tá Soạn chỉ huy Tiểu Đoàn cao giọng trong máy truyền tin: “Thằng nào vào trước ôm hôn chân tượng Đức Mẹ đầu tiên sẽ lên một lon, nghe chưa?”. Trận tiến chiếm La Vang diễn ra trong mười hai tiếng đồng hồ máu xương. Lính Bắc chống trả điên dại. Vương Cung Thánh Đường tan nát thành những mảnh vụn. Mái chuông nhà thờ ụp xuống, chuông đồng chổng ngược lên trên mặt đất. Giờ đây chuông câm nín, và sẽ chẳng bao giờ gióng giả ngân nga nâng phần hồn con người lên một Đức Chúa Cha, tai đã ù điếc vì những tiếng đại bác và những tiếng bom mà con của Người gửi cho nhau như quà tặng trong ngày tận thế”. (Nam Dao, Bể Dâu, quyển 2, trang 601).

Bên Đông cũng như bên Tây, chuông luôn có mặt bên cạnh con người khi buồn lúc vui. Đúng một trăm năm trước đây, vào lúc 5 giờ 37 phút chiều ngày 29 tháng 8 năm 1907, dân chúng trong vùng ven sông St Laurence cách thành phố Quebec City 35 cây số đã tưởng như có một cuộc động đất. Chỉ trong vòng 15 giây, nhanh như một cái chớp mắt, cây cầu đang xây cất nối liền Quebec City với Levis đã sụp đổ xuống sông kéo theo 75 nhân mạng gồm 17 người Mỹ, 25 người Canada và 33 thổ dân Mohawk trước mắt vợ con đến đón họ sau một ngày làm việc xây cầu. Người cai vừa thổi còi chấm dứt một ngày làm việc thì cầu gẫy xuống sông! Đúng thời khắc đó năm nay, 2007, 100 năm sau không sai một giây, tất cả chuông của 40 nhà thờ trong vùng Đại Quebec City, 54 nhà thờ trong vùng giáo xứ St. Jean Longueuil phụ cận và một số nhà thờ khác tại Quebec sẽ vang lên trong vòng ba phút để tưởng niệm tới thảm trạng này. Sử gia David Gagné, người tổ chức cuộc tưởng niệm này, đã nhấn mạnh tới ý nghĩa của những tiếng chuông kỷ niệm : “ Chuông nhà thờ đã từng báo cho mọi người biết những cuộc hôn nhân, sanh đẻ, chết chóc, hỏa hoạn và các thiên tai thảm nạn khác. Ngày nay, tuy một số nhà thờ không còn chuông và không ai nhớ tới những tiếng chuông thông báo đó nữa nhưng tiếng chuông vẫn là cách tốt nhất để đưa con người trở về một tai nạn thảm khốc của một thời xa xưa.”

Quả vậy, tiếng chuông đã bị bỏ rơi. Trong cuộc sống tất bật ngày nay, tiếng chuông đã bị coi như một thứ âm thanh quấy nhiễu con người. Nhà thờ không được kéo chuông trong các ngày đi làm, chỉ được kéo chuông trong ngày Chủ Nhật và các ngày lễ. Và cũng không được kéo chuông sớm quá làm rộn giấc ngủ mọi người!

Tiếng chuông như lời nhắc nhở các tín đồ tới nhà thờ nhưng ngày nay giáo dân có thèm tới nhà thờ đâu! Đi dự lễ ngày Chủ Nhật là một điều bắt buộc đối với người theo đạo Chúa nhưng ngày nay số người đi dự lễ càng ngày càng thưa thớt. Nhà thờ trở nên rộng thênh thang. Không có người tới dự lễ có nghĩa là không thu được tiền đóng góp để điều hành và sửa sang nhà thờ. Tại thành phố Montréal có cả thảy 246 nhà thờ Công giáo nhưng có tới 123 nhà thờ không đủ sở hụi để mở cửa thường xuyên được. Đó là tình hình vào năm 2005, cách đây hai năm. Một số nhà thờ đã biến thành trường học, thư viện, cơ sở công và thậm chí thành condo nữa! Trên đường phố, nhất là tại các vùng phụ cận ít dân cư, nhiều nhà thờ đã để hoang tàn thậm chí có nơi còn để bảng bán. Tại xứ sở bé chút xíu Hoà Lan, từ năm 2000 đến nay, đã có khoảng 200 nhà thờ đóng cửa.

Nhà thờ còn như vậy huống chi là chuông. Nhà thờ của làng Béthanie thuộc vùng Eastern Townships, nằm cách Montréal 95 cây số, đã được bán trong mùa xuân năm nay. Dân làng quý quả chuông đã ngân vang khắp làng từ năm 1917 tới nay. Chín chục năm chính quả chuông này đã loan báo các lễ cưới, lễ rửa tội và lễ tang của dân làng. Họ giữ lại quả chuông và dự định xây một tháp nhỏ trong nghĩa địa để treo lên. Đây là một quả chuông cổ cao 60 phân, rộng 70 phân, có ghi xuất xứ nơi đúc. Vào một ngày cuối tuần trong tháng 8 năm nay, quả chuông bị trộm rinh mất trước khi được đưa tới nghĩa địa. Chính quả chuông đã bị quân gian đưa tới một nghĩa địa khác: nghĩa địa đồ lạc soong phế thải. Chẳng là thị trường đồ kim loại phế thải đang nóng. Đồ đồng, đồ thau đang rất có giá. Nếu không phát hiện ra kịp thì quả chuông cổ lịch sử này đã đi vào lò nấu mất tang tích.

Mùa đông năm ngoái, 2006, quả chuông của nhà thờ Tin lành Plymouth-Trinity United Church ở vùng Sherbrooke, trị giá 2400 đô, cũng đã bị rinh mất. Giáo dân đã tìm lại được tại một vựa đồ phế thải tại Montreal.

Có lẽ chưa bao giờ chuông có số phận long đong như bây giờ. Tiếng chuông bị giáo dân bỏ rơi, nơi trú ngụ của chuông bị đóng cửa, đường đi của chuông là đường tới…hỏa ngục với lò lửa thiêu ngày đêm rực đỏ cho một thị trường nóng bỏng!

Chẳng phải chuông nhà thờ, quả chuông Big Ben của thủ đô Luân Đôn cũng được treo trong một tháp chuông kiểu Gothic của nhà thờ từ ngót 150 năm nay. Big Ben không phải tên chiếc tháp do kiến trúc sư Charles Barry vẽ kiểu như mọi người vẫn lầm tưởng mà chính là tên của quả chuông khổng lồ nặng tới 13 tấn rưỡi này. Big Ben đã bắt đầu vang tiếng vào tháng 7 năm 1859. Mỗi tiếng đồng hồ, chuông lại gióng giả vang lên ghi điểm thời gian trên nóc tòa nhà Quốc Hội. Tiếng chuông đã vang vọng trên khắp thế giới qua làn sóng của đài phát thanh BBC. Trong suốt cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, mặc những cuộc oanh tạc khủng khiếp, Big Ben vẫn không ngừng lên tiếng. “Ông già” 150 tuổi này đã ba lần bị bệnh phải ngưng để sửa chữa vào các năm 1934, 1956 và 1990. Năm 1962, bệnh tình trầm trọng nhất, Big Ben đã chạy chậm trong mùa tuyết rơi và đêm giao thừa năm đó, “người” đã lên tiếng chậm tới 10 phút! Tháng 8 năm nay, Big Ben lại im tiếng để sửa chữa nữa. Chuông cũng như người, già rồi cũng sinh tật sinh bệnh!

Chỉ có chuông chùa cứ nhẩn nha ngân nga. Chẳng chạy bằng điện bằng pin, cũng chẳng thèm có quả chuông để trục trặc. Chuông chùa thường được đặt trong tháp thấp và được đánh bằng chiếc dùi thúc vào chuông. Nghe chuông chùa thong dong từng tiếng con người dễ cảm nhận được nhịp sống an lạc nơi cửa Phật. Mỗi tiếng chuông không phải chỉ là một âm thanh mà là một lời kinh gửi đến thân tâm các đệ tử của Đức Như Lai. “Bỗng vẳng nghe một tiếng chuông, Ngọc giật mình ngoảnh lại. Theo tiếng ngân, chàng lần tới bậc gạch bên tả rón rén lần từng bước leo lên cái gác vuông con. Tới bậc thượng cùng, vừa nhô đầu lên, chàng nghe có tiếng “Đà Phật” lại kế tiếp một tiếng chuông. Ngước mắt nhìn, chàng gặp chú Lan tay cầm chiếc vồ gỗ. Thấy Ngọc, chú hơi đỏ má, mỉm cười ngả đầu chào. Đôi bạn mới gặp nhau hôm qua, nay đã như có chiều thân mật. Song chú vẫn chăm chú vào phận sự: cứ đọc một câu lại đánh một tiếng bớt, khi câu niệm chỉ còn ít chữ thì hai tiếng kế tiếp lại thêm gần nhau cho tới khi chú tiểu đổ hồi. Ngọc cố chờ tới mười lăm phút cho chú tiểu đánh dứt hồi chuông cuối cùng đặt vồ xuống ván gác, rồi nghiêm trang hỏi rằng:

- Sao chú phải cầu kinh thế mới đánh được chuông? Lan cười:

- Đánh chuông phải đọc thần chú chứ.

- Thần chú! Hay nhỉ?

- Nghĩa là mười câu niệm Phật, ba hồi, một trăm hăm ba tiếng.

-Vậy nhớ được cũng khó lắm nhỉ?

-Phải học thuộc lòng chứ.

- Những ba hồi, một trăm hăm mươi ba tiếng! Thảo nào mãi tới bây giờ mới dứt hồi. Tiếng chuông thứ nhất của chú làm tôi thức giấc. Tôi tiếc quá vì đương nằm mơ giấc chiêm bao. (Khái Hưng, Hồn Bướm Mơ Tiên)

Cũng tiếng chuông chùa nhưng từ mười ba thế kỷ trước. Tiếng chuông…cũ như thế thì còn chi âm vang? Vẫn còn. Bao nhiêu thế hệ con người vẫn văng vẳng tiếng chuông của một ngôi chùa nhỏ bé tầm thường tuốt tận Tô Châu bên Tàu. Những người Việt có đọc thơ Đường chẳng ai không cảm bài thơ của Trương Kế. Cảm ngay từ nguyên tác chữ Hán.

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên 
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên 
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Tôi không muốn chép lại đây một bản dịch nào cả dù chúng ta có rất nhiều bản dịch. Tôi vẫn mãi mãi nhớ giọng đọc theo âm Hán của chị Hoàng Xuân Giang vào một buổi đọc thơ khuya năm nào giữa trung tâm thành phố Montreal. Duỵt loọc ố lề sướn mán thín…. Không hiểu chi hết nhưng ai cũng thấm hồn thơ.

Nhưng chẳng lẽ có bản dịch mà không chép ra cho đủ. Đành chép vậy. Đây là bản dịch của học giả Trần Trọng Kim.

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi 
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co 
Con thuyền đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Chùa Hàn San nay là một địa điểm du lịch được khai thác rất mạnh. Du khách nườm nượp đến với tiếng chuông. Và họ muốn tự tay đánh lên tiếng chuông vẫn vang vọng trong lòng từ lâu. Nhà văn Phạm Phú Minh đã tới chùa Hàn San, đã bỏ ra 5 nguyên, tương đương với 60 xu Mỹ, để cầm vồ đánh một tiếng chuông. “Lạ lùng làm sao một ngày đầu thế kỷ 21, tôi, một người Việt nam đã đến đây, đã cung kính cầm cái chày vồ cũ kỹ giộng nên mấy tiếng chuông. Tiếng chuông tôi đánh giữa một buổi chiều trong cái thành phố Tô Châu đang tấp nập xe cộ và người buôn bán chắc sẽ chẳng vang đi xa, nhất là chẳng vào thẳng cõi lòng ai như tiếng chuông lúc nửa đêm bay đến chiếc thuyền đang neo ở bến Phong Kiều cách đây mười ba thế kỷ. Nhưng dù sao tôi cũng đã có duyên nghe nó, và hơn nữa, tạo nên nó, cũng như tôi đã có duyên đứng sau chùa nhìn ra con sông lững lờ trôi như vẫn trôi từ ngàn xưa tới giờ…”(Thế Kỷ 21, số 192, tháng 4/2005)

Thỉnh chuông chùa sau khi móc túi chi tiền (thời buổi kinh tế thị trường người ta bán cả tiếng chuông chùa!), trong cái nhộn nhịp của một địa điểm du lịch, chú tiểu Lan mà biết được chắc chú sẽ chắp tay: mô Phật!

Nhưng giữ được tiếng chuông chùa giữa một đêm thanh vắng âm vang đến mười ba thế kỷ, chỉ có thơ mới làm nổi!

09/2007