Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

GẢ

Tôi không phải là một đệ tử của phim bộ. Đó là một cách giết thời gian hữu hiệu và say mê nhất. Tôi không có máu giết chóc dù chỉ giết cái thứ không biết cãi là thời gian. Vậy mà tôi cũng không thoát ra khỏi được ngôn ngữ của phim bộ. Những giọng chuyển âm của phim bộ hầu như phim nào cũng na ná như nhau. Nó ngang ngang ngòng ngọng. Mới nghe thì thấy rất khó chịu nhưng nghe riết rồi cũng phải quen đi. Không quen thì tìm phim chánh bản tiếng Tàu hay tiếng Hàn mà nghe xem có chới với không! Ngôn ngữ của phim bộ lại là một khó chịu khác. Nó không phải là thứ tiếng Việt chúng ta nói với nhau hàng ngày mà là một thứ tiếng Việt ngây ngô trúc trắc. Chết một nỗi là phim bộ phổ biến quá nên cái thứ tiếng Việt không phải là tiếng Việt lại trở nên phổ thông. Nghe riết rồi nhập tâm. Rồi thấy nó không chướng tai nữa. Tôi chỉ xẹt qua xẹt lại, nghe một cách lơ đãng mà cũng biết là những “mình ơi”, “em ơi” không có chỗ đứng, thay vào đó là “bà xã ơi”. Rồi “gả cho anh đi!” thì vô tình từ “gả” đã lên hương. Từ thụ động lên chủ động. Chủ động là từ “cưới” bỗng mất chỗ đứng.

Gả vợ gả chồng là công việc của những ông bà via nhưng lấy vợ lấy chồng hay cưới vợ cưới chồng là công việc của các đương sự. Cha mẹ ngày nay bỗng thấy nhàn nhã. Chuyện gả vợ gả chồng như không còn đất đứng. Lấy vợ lấy chồng là chuyện của con trẻ. Chúng bảo sao nghe vậy. Cãi cọ chỉ thêm lôi thôi.

con đi vui nhé, ngoan đừng khóc 
ai bảo hai mươi thích lấy chồng 
lên xe đừng để cho ai thấy 
lòng má ba chừng cũng sang sông 
(Luân Hoán)

Cưới xin ngày nay chớp nhoáng như hút một điếu thuốc, uống một ly cà phê. Anh Carl Dockings ở bên Anh bay qua Chicago bên Mỹ để gặp mặt cô Danielle. Ngay tại phi trường O’Hare, mới gặp nhau được đúng 4 phút, ông bố độc thân 2 con đã quỳ xuống cầu hôn cô nàng 27 tuổi cái một. Cô nàng có ngỡ ngàng rối trí không? Làm gì có chuyện đó! “Tôi đã biết trước việc này sẽ xảy ra. Nhưng không ngờ là lại nhanh như vậy!”. Thế là…cưới.

Cưới nhanh nên không chắc bền. Bởi vậy nên mới có vụ kêu là “hợp đồng hôn nhân”. Chưa vui xum họp đã rình chia ly! Thường thì các bản hợp đồng này giống như một khế ước buôn bán, đề cập rất chi ly đến chuyện tiền bạc. Chỗ nào là tiền tao, chỗ nào là tiền mày. Khi chia tay thì chia chác ra sao. Nếu vi phạm thì sẽ xử như thế nào. Nghĩa là thân xác thì chung nhưng tiền bạc thì hồn ai nấy giữ. Hợp đồng hôn nhân thông thường thì như vậy nhưng với các tài tử Hồ Ly Vọng thì khác. Chắc quen đóng phim nên đời sống vợ chồng cũng giống như phim. Phải…phân cảnh rõ ràng. Cặp vợ chồng Jane Fonda và tỷ phú truyền thông Ted Tunner đã…hợp đồng như sau: “ Mỗi tuần vợ phải nấu món thịt rán và sa-lát khoai tây hai lần để phục vụ chồng”. Cũng thuộc loại ăn uống là cặp vợ chồng Bradd Pitt và Jennifer Aniston, trong hợp đồng của họ có khoản: “ Trong thời gian chung sống, vào lúc sáng sớm, vợ phải pha cho chồng một cốc sữa tươi đặt lên bàn. Nếu chia tay, Aniston sẽ nhận một tòa biệt thự trị giá 20 triệu Mỹ kim”. Còn nếu gì nữa. Họ đã chia tay. Có lẽ vì Aniston chán pha sữa tươi mỗi sáng! Hay là sữa của cô vợ tiếp theo của chàng Bratt là Angelina Jolie tươi hơn? Tôi đoán như vậy vì thấy cô đào này đã nuôi tới ba đứa con nuôi ngoài đứa con đẻ Shiloh. Trong đám con nuôi một da đen, một da ngăm ngăm và một da vàng này có chú bé Pax Thiên của Việt Nam.

Đã từng đầu gối tay ấp với nhiều người, giả trên màn ảnh hay thật ngoài đời, các ngôi sao màn bạc sợ nhất là chuyện ngoại tình. Đã đành là chuyện ông ăn chả bà ăn nem là chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ đối với những…thợ yêu này nhưng vợ chồng mà cứ ăn mảnh thì tội cho tờ hôn ước quá . Vậy là hợp đồng có những điều khoản để giữ lòng chung thủy. Cô ca sĩ Nam Mỹ rất hot Jennifer Lopez hợp đồng với anh chồng thứ ba Marc Anthony như sau: “ Ai ngoại tình sẽ bị phạt 5 triệu Mỹ kim. Mỗi tuần tối thiểu phải 4 lần chăn gối. Nói dối vô hại bị phạt 10 ngàn Mỹ kim. Nói dối gây ra hậu quả nghiêm trọng bị phạt 1 triệu Mỹ kim. Vợ là người quyết định sẽ sanh bao nhiêu đứa con”. Còn chàng tài tử nổi tiếng đào hoa Michael Douglas, khi cưới cô vợ trẻ đẹp Catherine Zeta Jones đã phải…tự kiểm duyệt thói trăng hoa khi ký hợp đồng có điều khoản sau: “ Nếu bị phát giác là thiếu chung thủy sẽ phải nộp khoản tiền tối thiểu là 4,5 triệu Mỹ kim tùy vào đức vị tha của vợ. Nếu vì một lý do nào đó mà chia tay nhau thì Michael Douglas phải trả cho vợ 3 triệu Mỹ kim cho mỗi năm chung sống”. Khiếp! Ăn chả gì mà đắt dữ dằn vậy. Có họa là chả dát vàng!

Ngoại tình ở Iran là chuyện…động trời nhưng cưới xin không cần hợp đồng gì cả. Đã có các giáo sĩ Hồi Giáo lo. Nhưng cưới là phải tốn cả núi bạc, nhiều chàng trai không kham nổi. Vậy thì làm sao? Chẳng lẽ các thanh niên khỏe mạnh sung sức này cứ nằm co? Kiếm gái điếm cũng không ra vì trong cái xứ sở coi Hồi giáo là quốc giáo này không có điếm điếc gì cả. Súng ống thất nghiệp hết chăng? Vậy là chính phủ phải lo. Cách lo của họ là khuyến khích hình thức “hôn nhân tạm”. Đàn ông và đàn bà có thể ký hợp đồng làm vợ chồng của nhau trong một thời gian nhất định. Thậm chí vài giờ cũng được. Kèm theo hợp đồng là sự trao đổi tiền bạc. Vậy thì là mãi dâm đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ chi nữa! Hóa ra nhà cầm quyền đã lách luật để…chơi chữ. Vợ chồng tạm trong vài giờ có trao đổi tiền bạc không mãi dâm thì là cái quái gì?

Theo như nghĩa tiếng Việt, vợ là vơ vào, chồng là chồng lên. Bên vơ bên chồng mới ra chồng vợ. Đó là duyên nợ. Duyên nợ thì phải dính vào nhau là cái chắc. Mà ước vọng của mọi người là dính dài lâu. Muốn chắc ăn, khi cưới, cô dâu chú rể, người này lồng vào ngón tay người kia một chiếc nhẫn. Đó là biểu tượng của sự ràng buộc giữa hai người, vững bền, lâu dài và vĩnh viễn. Biểu tượng là ý nghĩa của một sự việc được hầu hết mọi người đồng ý. Vậy thì ai đã bày ra cái biểu tượng duyên nợ trong chiếc nhẫn cưới. Truy tầm một người sống cách đây 4800 năm là một việc mà Interpol cũng chẳng làm được. Vậy thì cứ biết đại khái chiếc nhẫn cưới đã được dùng từ thời mịt mù tăm tít đó và người Ai Cập đã…bịa ra cái ý nghĩa crazy glue của nhẫn. Đúng là thứ keo dán đụng đâu dính đấy vì có thần linh nhúng tay vào. Vòng tròn chiếc nhẫn là một vòng tròn siêu nhiên không có điểm chấm dứt. Cứ tít mù khơi. Đeo vào là không có lối ra. Người Hy Lạp sau đó gán cho chiếc nhẫn ý nghĩa là người con gái khi đã chấp nhận đeo chiếc nhẫn hôn nhân là đã bị trói buộc cả về mặt tinh thần lẫn luật pháp. Cũng phải nói thêm là thời đó chỉ có cô dâu phải đeo nhẫn thôi, còn chú rể không đeo điếc chi cả! Mãi tới sau này, nhiều giả thuyết cho rằng tới tận Thế Chiến thứ hai, khi những chàng trai trẻ phải ra chiến trường đối mặt với thần chết, bỏ lại người vợ trẻ nơi hậu phương, họ mới bắt đầu đeo những chiếc nhẫn cưới như biểu tượng của hôn nhân và lòng nhớ nhung tới người vợ ở nhà. Hành động đầy lãng mạn này đã trở thành một phong tục mới và chú rể mới giơ tay ra để cô dâu xỏ chiếc vòng ràng buộc vào ngón tay. Lãng mạn đôi khi là một trò chơi nguy hiểm!

Chiếc vòng ràng buộc xinh xinh nhưng chặt chẽ này ngày nay được đeo vào ngón tay áp út của bàn tay trái. Tại sao vậy? Có giả thuyết cho là người Ai Cập và người Hy Lạp đều tin rằng có một huyết quản chạy trực tiếp từ ngón tay này tới trái tim. Nhưng không phải ai cũng đồng ý như vậy. Tại một số quốc gia ở Âu Châu người ta đeo bên tay phải. Phụ nữ vùng Scandinavia lại đeo tới 3 chiếc nhẫn lận: nhẫn đính hôn, nhẫn cưới và nhẫn khi làm mẹ. Các cô dâu Do Thái lại đeo nhẫn ở ngón tay trỏ bởi vì đó là ngón tay chỉ vào sách thánh Torah khi họ đọc kinh cầu nguyện. Trong hôn lễ tại nước Anh thời cổ đại, chú rể trượt chiếc nhẫn từ ngón tay cái của cô dâu tới ngón trỏ và ngón giữa rồi mới đeo vào ngón áp út. Thật chắc ăn! Ngón nào cũng là ngón ràng buộc! Thói quen này sau đó được quy định thành nghi lễ vào năm 1950 khi con trai của vua Henry VIII viết cuốn “The Book of Common Prayer” được dùng trong nghi lễ của Anh Giáo.

Nhẫn cưới thường làm bằng bạc hay vàng. Thời chúng tôi thì vàng càng nhiều carat càng giá trị. Vàng ròng là nhất tuy có hơi…vàng! Vàng ròng biểu tượng cho tình yêu trăm phần trăm tinh khiết, không pha trộn gì cả. Khi cần bán ra cũng có giá hơn! Ngày nay các bạn trẻ quan niệm khác. Không ai dùng cái thứ nhẫn vàng chóe nhà quê như vậy. Thường là vàng 18 carats, màu vàng hay trắng. Nhưng chỉ vàng không nghe ra rất…cô đơn. Mà cưới xin cần hai người, cô đơn là hỏng, nên có gắn thêm ít hạt lóng lánh vẫn…có ý nghĩa hơn. Hạt càng lớn càng có ý nghĩa, có che hết ngón tay cũng không sao.

Nhưng vàng ròng, vàng pha hay hạt lóng lánh đều là thứ vô tri, không có tình cảm gì. Dùng vào một dịp đầy tình cảm như hôn lễ e rằng bất xứng. Bởi vậy ở bên Anh mới đây người ta đã làm ra những chiếc nhẫn cưới bằng xương của chính đương sự. Thế mới tình. Chàng trao cho nàng xương của chàng. Nàng trao cho chàng xương của nàng. Nghe đã thấy thiết thân. Nhưng xẻ xương xẻ thịt thì hơi ngại. Chẳng nên chứng tỏ tình yêu một cách đau đớn như thế. Bạn đừng lo. Không ai bắt bạn chứng tỏ tình yêu theo lối…anh dũng như vậy. Các nhà khoa học sẽ chiết tách từ răng khôn của bạn để lấy một mảnh xương nhỏ. Sau đó, họ phân giải và lấy tế bào xương để trồng cấy trong phòng thí nghiệm. Chúng được nuôi bằng các chất dinh dưỡng và phát triển trong một chiếc khung thành chiếc nhẫn xương. Bệnh viện Guy’s and St Thomas ở Luân Đôn, nơi chế tạo nhẫn bằng xương sẽ có một cuộc triển lãm những chiếc nhẫn này. Năm cặp nam nữ đã tham gia vào dự án và đang chờ để được đeo xương của người phối ngẫu. Một trong năm chuẩn…cô dâu này, cô Harriet Harris, đã cho biết: “ Thật kỳ lạ khi có xương của chính mình, vật chất của mình đã được biến hóa thành một thứ quý giá có ý nghĩa biểu trưng!” Chú rể tương lai của Harriet, cậu Matt Harrison, đã nhìn bằng một ánh mắt khác: “ Khi bạn nghĩ về nó, nó cũng giống như ngà voi, nhưng mang tính đạo đức hơn, bởi chất liệu chưa từng là một phần của Harriet mà chỉ được trồng từ chất liệu lấy từ cơ thể cô ấy. Đó là lý do vì sao có người hứng thú mà cũng có người thấy ghê ghê, nhưng khi bạn nhìn lại và suy nghĩ về nó, bạn sẽ không hề thấy nó đáng sợ mà thực ra rất sạch sẽ và thuần khiết.” Không biết anh chàng Matt này có… mát không. Tôi nghĩ chẳng có ai lại sợ đeo…ngà voi. Nếu sợ thì chỉ có một nỗi sợ duy nhất: giá chiếc nhẫn là bao nhiêu? Vì chuyện…hồi hộp này chưa được tiết lộ!

Đeo xương của người phối ngẫu trên tay đã chắc bền vững chưa? Chưa đâu! Bởi vì nếu chắc ăn người ta đã không chọn ngày lành tháng tốt cho cưới xin. Việc chọn ngày lành tháng tốt là cốt để mang lại may mắn và bền vững cho cuộc hôn nhân. Ở xứ sở chúng ta đang ngụ cư, muốn lành tốt gì thì cũng phải cưới vào ngày thứ bảy. Kẹt lắm thì Chủ Nhật. Kẹt nữa thì thứ sáu. Bạn đã thấy ai tổ chức lễ cưới vào ngày thứ hai chưa mặc dù cũng có ngày thứ hai tốt chứ. Ngày thứ bảy mùng bảy tháng bảy năm lẻ bảy vừa qua là một ngày tốt. Có tới bốn con số bảy lận. Bạn vào casino quay máy đánh bạc, nếu thấy một dọc 3 con số bảy xếp hàng ngang, xem chuông trống có khua rộn ràng trong tiếng lẻng kẻng của bạc cắc đang ào ào đổ xuống cho giải jackpot không? Tối hôm đó, tôi đang ở Mississsauga, đi tìm nhà hàng cùng vài người bạn ăn cơm tối. Chẳng còn một chỗ đặt bàn tọa trong nhà hàng nào cả. Chỗ nào cũng cưới. Có nhà hàng chứa một lúc hai ba đám thi nhau hát hò tra tấn lỗ tai nhau. Nguyên tại thành phố Montreal của tôi bữa đó đã có hơn 300 đám. Trên trang web chuyên tổ chức đám cưới The Knot đã có 8 ngàn cặp ghi tên chọn ngày 7 tháng 7. Tổng Biên Tập Carley Roney của The Knot công nhận đây là ngày diễn ra nhiều đám cưới nhất trong hơn một thế kỷ qua. Công ty chuyên tổ chức đám cưới có trụ sở tại Las Vegas Chapel of the Flowers đã không nhận đặt hàng từ tháng 3 cho ngày 7 tháng 7 này, vậy mà từ 6 giờ sáng tới 11 giờ 59 phút của ngày thứ bảy này, họ đã phải tổ chức tới 113 đám cưới! Bình thường họ chỉ có từ 30 đến 50 hôn lễ vào ngày thứ bảy. Cũng tại Las Vegas, khách sạn Flamingo đã tổ chức 77 đám cưới nội trong ngày may mắn này. Đây là một con số tượng trưng cho hợp với cơn sốt số 7. Cơn sốt này có nhiều biến tấu rất lạ. Có đám cưới đã tặng cho khách mời 7 tấm vé số, bữa tiệc cưới gồm 7 món, phòng ăn trang hoàng bằng 7 loại hoa. Cô dâu chú rể sẽ động phòng hoa chúc trong căn phòng có 7 cửa và di chuyển bằng xe mang bảng số 777. Lại còn có đám có 7 phụ dâu và 7 phụ rể được tổ chức vào lúc 7 giờ tối.

Tôi phải vội rời con số 7 vì nếu không dứt khoát thì con số này sẽ níu kéo tới…vô tận. Hôn lễ là thứ mà ai cũng mong muốn chỉ có một lần trong đời. Trừ cụ ông 75 tuổi N. Llincic ở Milosevac thuộc Bosnia-Herzegovina. Ông này đã chơi luôn một lèo 162 lần và còn đe dọa sẽ cưới thêm khoảng một trăm lần nữa! Ông cụ này là thứ dữ, không giống ai, bỏ qua không nói làm chi. Vì chỉ một lần trong đời nên người ta thi nhau tổ chức cho thật sang trọng. Khi chúng ta mới dắt nhau đi tỵ nạn thì đám cưới thường được tổ chức trong những nhà hàng Tàu. Thế là sang lắm rồi. Dần dà, chúng ta ăn nên làm ra, chúng ta trở thành nhiêu khê hơn. Đám cưới được tổ chức trong các salle de reception của người Ý nhưng thức ăn lại được các tiệm ăn Tàu mang tới. Bây giờ, tiền rủng rỉnh hơn nữa, chúng ta vác nhau lái xe về những lâu đài xa lắc xa lơ để tổ chức cưới. Hoặc thuê tàu ra ngoài khơi ăn cưới cho nó mát. Phải đi ăn cưới trên tàu là một sự vất vả cho thực khách bởi vì chúng ta phải vứt bỏ thứ quốc hồn quốc túy là đi trễ. Ăn trên đất liền, tiệc cưới lúc nào cũng nằm đó chờ, đi đâu mà vội, cứ tà tà một hai tiếng đồng hồ sau tới cũng được. Ăn trên tàu, đúng giờ là nhổ neo, đi trễ thì cứ việc đứng trên bờ làm thơ…tiếng Đan Mạch!

Chúng ta trốn thoát khỏi một cuộc chiến, còn người dân Iraq đang nằm giữa cuộc chiến, một cuộc chiến không có chiến trường vì bất cứ chỗ nào cũng là chiến trường. Cứ chỗ nào có đám đông là có một chiếc xe chở đầy bom do một tài xế tự sát nhào tới. Cưới xin sẽ tạo thành một đám đông dễ làm cho cả cô dâu chú rể lẫn thực khách có thể bỗng nhiên trở thành xác chết. Vậy nên chính phủ đã phải tổ chức những đám cưới tập thể hàng trăm cặp trong những khách sạn được phòng thủ kỹ càng ngay tại thủ đô Bagdad. Tại khách sạn Babylon, một chú rể, anh Sami Waleed, đã thành thật nói: “Ít nhất vợ sắp cưới của tôi và tôi cũng được hưởng những giây phút an toàn trong khách sạn này”. Cưới kiểu…hồi hộp như vậy mất vui đi. Cưới kiểu cô đơn có vui không? Anh Mitch Walling dự tính sẽ làm đám cưới với nàng Cindy Cashman trên không gian! Họ sẽ leo lên phi thuyền tư nhân đầu tiên của công ty lữ hành Rocketplane Inc. để trở thành cặp tình nhân đầu tiên tổ chức hôn lễ trên không gian. Chú rể…chờ Mitch đã vẽ ra cảnh đám cưới đầu tiên trên vũ trụ của mình như sau: “ Phi thuyền Rocketplane XP sẽ cất cánh từ một phi cảng không gian như bất cứ một chiếc máy bay thông thường nào khác. Mười lăm phút sau, khi đã đạt tới độ cao 12 ngàn thước, phi công mới bắt đầu châm mồi động cơ hỏa tiễn kéo phi thuyền bay theo chiều dốc ngược, thẳng đứng trong khoảng một phút và tăng vận tốc lên tới 10,6 km/giây bay vào không gian quỹ đạo trái đất. Khi phi thuyền đạt độ cao 90 ngàn thước so với bề mặt trái đất, chúng tôi sẽ rơi vào trạng thái không trọng lượng. Chúng tôi thực sự sống với cảm giác lơ lửng trên mây mà bất cứ cặp hôn phối nào cũng cảm thấy khi trao nhau nhẫn cưới. Chúng tôi sẽ có 4 phút lơ lửng ngoài không gian, nhìn ngắm thế giới không trọng lượng qua khung cửa lãng mạn và nâng ly rượu chúc mừng nhau hạnh phúc”. Hạnh phúc như thế có lẽ vừa rồi. Nếu đôi tân hôn này chọn cách động phòng trên không gian tôi e rằng họ không thể có hạnh phúc cùng tột với nhau. Cứ nhìn các phi hành gia làm… cá trên phi thuyền khắc biết!

Chuyện cưới xin lên cao đến như vậy thì đâu có thể với tới được nữa. Tôi đành chịu chấm dứt ở đây. Biết…gả bài này cho ai bây giờ?

08/2007