Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NGỨA

Ai cũng đã có lúc bị ngứa. Tôi cứ nói khơi khơí như vậy nhưng biết chắc đúng trăm phần trăm. Cứ lấy tôi ra làm ví dụ. Hồi nhỏ chơi quanh quẩn trong vườn nhà, hoa quả đã nhiều, sâu bọ còn nhiều hơn, lũ anh chị em bạn bè toàn thứ tinh quái. Thứ sâu có màu khi đen tuyền, khi lộng lẫy xanh đỏ, có lông tua tua mọc khắp mình mảy là sâu róm. Đó là tổ sư ngứa. Mấy tên lớn đầu là thứ ác ôn. Thấy tôi nhỏ bé dại dột đã bảo tôi bắt con sâu này chơi. Ngu chi mà bắt, nhưng lúc đó tôi ngu thật nên nhón chú sâu liền. Ngứa ơi là ngứa. Khóc hết nước mũi nước giãi chạy về mách người lớn mà tay vẫn cứ xoa vào nhau. Hội đồng phán quan họp liền. Thủ phạm xúi dại bị tụt quần ăn roi quắn đít. Vậy là bên nguyên bên bị đều…gãi. Bên gãi vì sâu, bên gãi vì những lằn roi hằn trên mông như những con lươn đỏ.

Khi tản cư về vùng quê, lúc Hà Nội đỏ mầu khói lửa, nhằm đúng lúc mùa đông, nằm ngủ trên những ổ rơm. Ngứa! Gãi sần da cũng không hết ngứa.

Lúc mất nước, bị lùa vào trong những trại gọi là “cải tạo” bị muỗi và rệp…cải tạo cho nẫu người. Gãi lia lịa như kéo đàn chẳng ngủ nghê chi được. Ngứa tàn canh vô nhân đạo. Lên lớp học nghe cán bộ giảng giải để trở thành con người mới mà tay cứ mò mẫm khắp người. Một tên bạn thân ghé tai hỏi nhỏ: “Sao ngứa tai mà lại gãi ở…bẹn?”

Tôi ngứa cả cuộc đời vậy mà mãi tới khi tôi đã mon men về hưu khoa học mới tìm ra cơ chế của ngứa! Đúng ra là vào năm đầu của thế kỷ mới, năm 2001. Hoá ra khoa học nhiều khi cũng có họ với loài rùa. Theo phát hiện của khoa học mới đây thì thủ phạm của ngứa là một hóa chất có tên là histamin. Chất này phục kích sẵn trong dưỡng bào dưới da. Nó liên kết với những đầu mút của dây thần kinh. Khi bị viêm hay dị ứng, dưỡng bào lập tức tiết ra histamin tạo ra cảm giác ngứa ngáy và làm vùng da quanh đó bị đỏ lên. Cảm giác này truyền lên não và não lập tức ứng phó bằng cách ra lệnh cho tay gãi hoặc cọ sát vào chỗ ngứa. Gãi mang lại cảm giác rất đã điếu. Gãi đúng chỗ ngứa là một thành ngữ chỉ sự thống khoái vô lường. Câu thành ngữ này các bợm rượu thường không thuộc!

Ba anh bợm ngồi nhậu với nhau. Cả ba anh đều xỉn và lăn quay ra nền đất ngủ. Nửa đêm một anh mắc tiểu, lê ra ngoài hè xả xú bắp. Trời mưa rả rích. Anh bợm xỉn nghe giọt mưa tí tách nhỏ từ mái nhà xuống tưởng mình chưa dứt tiểu nên cứ ngồi hoài. Anh bợm thứ hai bị kiến cắn gãi lia gãi lịa mà không hết ngứa cũng tỉnh ngủ luôn. Hai anh nói chuyện với nhau. Anh thứ nhất phàn nàn:

“ Không biết thằng cha chủ nhà chết tiệt đang ngáy phò phò kia cho tụi mình uống thứ rượu quỉ gì mà tao tiểu hoài không dứt!”

Anh thứ hai đồng tình:

“ Ừa! Tao cũng vậy. Hổng biết chả cho uống rượu chi mà tao ngứa thấy mụ nội gãi hoài không hết ngứa!”

Anh chủ nhà nghe tiếng nói chuyện, thức giấc, góp tiếng:

“ Hai anh như vậy còn đỡ! Không biết con vợ tôi nó mua thứ rượu độc hại chi mà uống vào chân cẳng của tôi rướm máu hết trơn thế này!”

Gãi không đúng chỗ ngứa làm tươm chân anh hàng xóm ngủ cạnh là chuyện nhỏ. Ngứa nó ma mãnh hơn nhiều. Trong số các bệnh nhân tới xin chữa trị tại các bệnh viện, ngứa đứng hàng thứ hai về số lượng. Thuật ngữ khoa học gọi ngứa là pruritus và prurigo. Pruritus (ngứa) gây ra do kích thích cục bộ, đôi khi do rối loạn thần kinh. Prurigo (ngứa sần) là bệnh ngoài da mãn tính không rõ nguyên nhân, chữa trị không có kết quả tốt và thường tái phát.

Ngứa như vậy có nguyên nhân cả ở ngoài da lẫn trong nội tạng. Tức là có giặc ngoại xâm và quân nằm vùng.

Giặc ngoại xâm tấn công vào 2 thước vuông da trên khắp cơ thể chúng ta và gây ra nhiều loại bệnh. Trước hết là bệnh viêm da dị ứng. Có thứ da không chơi với giây thung hoặc cao su. Nếu da của bạn thuộc loại này mà bạn đi giầy cao su là chân bạn ngứa liền. Hoặc giây thung quần làm loét da bụng. Cứ thế mà gãi. Thuở nhỏ tôi đeo giây đồng hồ bằng nhựa hay da là mẩn đỏ hết cổ tay. Nhiều bà ăn diện khổ vì ngứa một cách khác. Có bà dị ứng với một loại vải quần áo mới nào đó. Muốn diện mà ngứa nó không cho diện. Có bà đeo nữ trang bằng vàng là ngứa. Bởi vì dị ứng với chất kền thường có trong vàng từ 18K xuống đến 10K chế tạo tại Mỹ. Nếu chơi sang đeo toàn vàng nguyên chất chính cống 24K thì không sao cả. Chỉ tội cổ và tay hơi vàng chóe rất là một sự nhà mùa! Nhưng nếu dùng vàng dưới 24K làm tại Việt Nam thì không ngứa ngáy chi cả vì vàng Việt Nam không dùng kền mà dùng bạc hay đồng khiến có màu đỏ hơn. Ngứa vì vàng là thứ ngứa ác ôn. Nó không ngứa ngay chỗ đeo vàng mà chui lủi đánh phá nhiều chỗ khác trong người khiến đốc tờ cũng khó tìm ra nguyên nhân! Chính nữ trang bằng vàng đã làm các bà bị bệnh viêm da nhiều hơn các ông tới 10 lần. Đó là cái giá phải trả cho sự xí xọn!

Da chúng ta là thứ tội nghiệp vô cùng. Nó là…ngoại thành của cơ thể chúng ta nên lãnh đủ giông bão của cuộc đời. Chung quanh chúng ta có thiếu gì thứ làm chúng ta thành nhạc công gảy đàn lung tung khắp thân thể. Mấy thứ nhỏ nhít li ti như sâu, kiến, muỗi cũng gây thành ngứa. Những thứ chẳng ra gì như hóa chất tẩy rửa, nhựa khoai, những thứ lá có lông hoặc ngay cả những loại mỹ phẩm thơm nức mũi các bà dùng hàng ngày cũng bắt nạt làn da của chúng ta.

Bệnh mề đay là một chiêu khác của quân ngoại xâm. Nó đột kích lung tung khắp cơ thể như cánh tay, bụng đùi, chân. Rồi sưng mắt, sưng môi. Tấn công vào bên trong nó làm viêm niêm mạc ruột gây đau bụng, tiêu chảy, phù thanh quản. Gọi là mề đay vì da nổi lên các nốt sần ngứa. Gãi bằng thích. Càng gãi càng ngứa. Vùng sần ngứa to nhỏ khác nhau, đôi khi tạo thành từng mảng ngoài bìa màu hồng, trung tâm thì màu hồng nhạt hơn.

Bệnh nấm da cũng do nguyên nhân ngoại nhập. Có nhiều loại nấm như nấm than, nấm kẽ, nấm móng, nấm tóc…Điển hình của loại nấm này là bệnh hắc lào do nấm than gây nên. Đầu tiên là ngứa ở một vùng da, sau đó nổi lên một vệt màu hơi đỏ, có viền hoặc bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền này càng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa và gãi. Càng gãi thì bệnh càng lây lan rộng thêm ra. Không những lây cho mình mà còn lây ra nơi những người dùng chung quần áo, khăn tắm, giường chiếu.

Lang ben là một sản phẩm khác của nấm. Bệnh này làm ngứa khủng khiếp. Càng ra nhiều mồ hôi càng ngứa dữ. Bệnh nằm vùng nơi cổ, vai, ngực, bụng hay cánh tay. Nếu dùng chung khăn tắm, quần áo hay giường chiếu với các đấng lang ben thì cũng sẽ có nguy cơ lang ben!

Gầu trên đầu cũng là một chứng ngứa. Khi gãi lớp da trên đầu bị bong ra. Bệnh này thuộc…thẩm mỹ nên có rất nhiều thứ thuốc gội đầu được quảng cáo là trị hết gầu.

Chúng ta ở xứ lạnh, da cũng khổ thêm vì phải ứng phó với thời tiết. Khí lạnh làm da mốc meo, lớp biểu bì ở ngoài cùng của da ngày càng mỏng, mất đàn hồi, nứt nẻ và bong ra, bụi da trắng xóa bám vào mền, vào quần áo. Trong nhà có sưởi nóng làm da bốc hơi và mau khô. Khi da còn tiết ra được các chất acid hữu cơ đủ để giữ cho da trơn, mềm, nhờn và toàn vẹn thì chúng ta còn ăn ngon, ngủ yên. Khi tới một mức độ lạnh và khô nào đó, da sẽ ngứa. Thế là gãi tới bong da luôn!

Ngoài quân ngoại xâm, loại quân nội tuyến khiến da ngứa ngáy gồm nhiều thành phần khác nhau. Có thể do dị ứng thuốc, giun sán hay các bệnh tiểu đường, gan mật làm tay chúng ta luôn phải…gẩy đàn cho bớt ngứa.

Ngứa là một hình phạt không rời. Nó ngày đêm hành hạ. Nhất là đối với con nít. Nhà văn nữ Nguyễn Xuân Tường Vi đã dùng tới mười trang sách để cực tả một thảm trạng của cặp vợ chồng trẻ có đứa con đầu lòng bị bệnh ngứa eczema. « Sang đến tháng thứ bảy con gái cô bắt đầu một chứng bệnh kỳ lạ. Cả người nó nổi lên những mụn nhỏ li ti, đỏ lừ lự, ngứa ngáy. Con bé khó chịu, cào cấu làn da non đến khi chảy máu mới thôi. Khuôn mặt xinh xắn bụ bẫm của con bé bỗng biến dạng, từng bệt vẩy da đỏ nứt rạn, rướm máu ri rỉ. Tay chân cũng đầy những mảng da lở ngứa. Chữa cách gì cũng không hết. Dòng đời như ngừng trôi. Cô thôi không đưa con ra ngoài, hạn chế những lần gặp gỡ bạn bè, cô sợ những câu hỏi, cô sợ những cái nhìn chằm chặp thương hại của mọi người, cô sợ phải giải thích đi giải thích lại là tại sao, tại sao, tại sao”. Căn bệnh quái ác không rời đứa bé cho tới khi nó đi học. Nó thèm được ôm hôn mẹ, thèm được mẹ ve vuốt, nựng nịu như mẹ vẫn thường vuốt ve nựng nịu đứa em có làn da trơn tru mềm mại của nó. Căn bệnh đã làm nó có cảm tưởng nó là đứa con thừa thãi, không mong muốn của cha mẹ nó. Ngay mẹ nó cũng mất kiên nhẫn với làn da bệnh hoạn của con. Có lúc bà đã nghĩ nó là thứ trời trao cho bà để hành hạ bà, lấy đi mất của bà sự an bình thoải mái trong cuộc sống. Có nhiều lúc bà đã muốn bỏ rơi đứa con như dứt bỏ một cục nợ bám dính vào đời bà. Cuộc sống của đứa trẻ lại dính liền với những cơn ngứa. Nó gãi như một phản xạ tự nhiên. Mẹ nó cấm gãi vì càng gãi bệnh càng lây lan. Hành động tự nhiên của nó đã như một cơn địa chấn trong gia đình.

“Mỗi khi nó lên cơn ngứa cào cấu tơi bời làn da, bất kể những vệt máu tươi rói ướt rịn, mẹ thường gạt tay nó ra, xoa xoa chỗ máu chảy, gãi cho nó bằng những ngón tay cắt trụi hết móng, lẩm bẩm. Sao trời hành tui dữ vậy hông biết. Nó giương đôi mắt đờ đẫn nhìn mẹ. Cánh cửa tai của nó đóng xập lại. Hai tay nó cào cho đã cơn ngứa. Ngứa trên mặt, ngứa sau gáy, ngứa trước bụng, ngứa dưới chân. Hai tay nó đưa lên đưa xuống sồn sột. Phải cấu rách da xé thịt như vậy mới đã ngứa. Nó giật mình khi mẹ to giọng gắt. Đừng gãi nữa, con có nghe mẹ nói gì không, con phải control, con phải ignore cơn ngứa, con càng gãi thì càng ngứa, you have to break the vicious cycle! Đúng lúc, ba bước vô phòng nạt:

“Con nít làm sao biết control, ngứa thì phải gãi chớ.”

“Đó, anh muốn gãi thì gãi. Em muốn điên lên rồi…”

Tới đó, tự dưng cánh cửa tai của nó mở ra, dỏng lên, nghe đầy đủ hết từng lời của ba mẹ nó. Cơn ngứa biến mất, nó run run lo lắng, lầm rầm cầu nguyện. Xin ba mẹ đừng cãi nhau nữa, lỗi tại con. Tại nó ngứa tới mấy năm rồi chưa hết nên mẹ không thương nó. Mẹ hay quạu không những với nó mà với luôn cả ba…Mẹ có bị ngứa đâu mà mẹ biết. Không biết mẹ có bao giờ cảm thấy có hàng ngàn, hàng vạn con kiến cắn xé rần rần khắp người chưa?”( Đêm Rồi Cũng Qua, Hợp Lưu số 93, tháng 2 & 3/2007).

Khổ vì ngứa cũng gian nan chẳng kém khổ vì đau. Thường thì muốn hết ngứa chúng ta vẫn chơi bài gãi. Gãi vung tàn tán đến trầy da tróc vẩy. Cứ nhắm mắt mà gãi như vậy chỉ tổ khổ da. Đã không hết ngứa lại thêm những vết máu tươm trên da. Chẳng cái dại nào bằng! Biết vậy nhưng phản ứng tự nhiên vẫn bắt chúng ta gãi một cách…thiếu hiểu biết như rứa. OK! Cứ gãi nhưng nhẹ tay dùm một chút. Đôi khi chỉ cần nhè nhẹ xoa vào chỗ ngứa cũng đủ tạm thời giải tỏa cơn ngứa. Muốn hết ngứa phải phòng bệnh và chữa bệnh. Phòng bệnh là loại trừ trước những nguyên nhân làm ta ngứa. Diệt côn trùng; ăn ở sạch sẽ; tránh dùng quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp; dùng thuốc diệt côn trùng khi cần; không ăn những thứ hay bị dị ứng; tránh các đồ uống làm giãn mạch như cà phê, rượu, nước nóng…

Khi đã bị ngứa thì tùy theo nguyên nhân ngứa mà chữa trị. Nếu là bệnh ngoài da thì dùng các loại thuốc xức thông thường như thuốc có chứa corticosteroid, thuốc chống histamin chẳng hạn như Benadryl hoặc uống các loại thông thường giúp làm dịu cơn ngứa như Tylenol hay Aspirin.

Bà ngoại tôi, lúc tuổi già, cũng bị ngứa khủng khiếp. Trên bụng bà, những lằn đỏ xếp nếp cùng khắp như những sợi dây đánh đai chiếc bụng nhão. Bà bôi đủ thứ thuốc, chữa đủ cách, hết thuốc tây qua thuốc nam mà ngứa vẫn hoàn ngứa. Có những lúc tôi thấy bà dùng sợi dây gai vân vê trên bụng, trên lưng đỏ ửng. Có những khi bà dùng cánh tay giả bằng gỗ có cán dài mạnh bạo thọc lên thọc xuống cho đã ngứa. Nhưng càng gãi mạnh thì càng ngứa hung. Cũng may là ngứa có cơn. Nếu lúc nào cũng đàn địch thì còn ra gì cuộc sống! Những khi đó ngứa đúng là cái tội. Bà cố tôi thì tin chắc ngứa là tội. Bà đã tới nhà thờ, vào tòa giải tội, xưng tội ngứa. Khi bà kể lại…thành tích của bà, chúng tôi đã ôm bụng cười. Bà lườm nguýt. Thế mà tao khỏi ngứa đó, chúng mày thiếu đức tin!

Có thực bà cố tôi hết ngứa chỉ vì đã xưng tội không? Cũng có thể. Bởi vì ngứa cũng nể vì tinh thần của người bệnh. Nếu khi ngứa, chúng ta bình tĩnh, coi nó như nơ-pa, tập trung toàn bộ tinh thần vào một điều suy nghĩ nào đó, cơn ngứa sẽ tiêu tan. Có mấy người có thể dẹp cơn ngứa một cách…trí thức như vậy? Tôi e rằng không nhiều. Trong trường hợp bà cố tôi có lẽ bà đã “dâng” cái ngứa cho Thượng Đế nên bà hết ngứa!

Có thật ngứa đã đi vào lãnh vực của tâm linh không? Tôi chịu chẳng trả lời được câu hỏi thuộc loại…siêu hình này. Bèn dựa vào Thượng Tọa Thích Thông Phương, Viện Chủ Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh. Ngài mang ngứa vào việc giải thích Thiền. Theo Ngài, Thiền dịch ra tiếng Hán là “tĩnh lự”, nghĩa là lặng lẽ những lo nghĩ lăng xăng, hay cũng dịch là “định tuệ đẳng trì”, nghĩa là tâm lặng và sáng đầy đủ. Tuy nhiên định nghĩa Thiền theo chữ nghĩa vô tri như vậy chưa nói lên được bản thân của Thiền. Thiền nằm ngay trong tâm của con người. “Chân lý sống là cái hiện thực ngay nơi mỗi người, trong mỗi người, người đang sống trong đó chứ không ở đâu khác. Như nói thiền là tĩnh lự, là tâm lặng lẽ trong sáng, song đặt câu hỏi lại: Thế nào là tâm lặng lẽ trong sáng? Đây không còn là chuyện giải thích danh từ nữa, mà phải tự cảm nhận nơi mình mới thấu rõ thôi. Vì vậy muốn cảm nhận chân lý Thiền là phải thể nghiệm trực tiếp, phải thẳng vào chớ không đứng bên ngoài bàn bạc, lý luận suông”.

Tới đây anh ngứa mới…vào thiền!

“ Có vị tăng hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung:

“ Bạch Thượng sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?”

Thượng sĩ đáp:

“ Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu sâu bọ,

Cánh bằng lướt gió ruột kiến kiến trùng”.

Hỏi:

“ Như vậy học nhân làm sao được lối vào?”

Đáp:

“ Gãi ngứa đâu phải người khác ngứa,

Đói ăn chính thật nhà ngươi ăn.

Ông hỏi đại ý Phật pháp, ông muốn hiểu được lẽ thật đó thì ông phải quên niệm phân biệt theo thói quen suy nghĩ lâu nay đi, ông phải đích thân cảm nhận nơi mình chớ không thể đứng bên ngoài mà hỏi, mà muốn tìm hiểu biết. Gãi ngứa là tự ông ngứa, đâu phải người khác ngứa thay cho ông; cũng vậy, đói là tự ông ăn thì mới hết đói, ai ăn thay cho ông được? Cho nên trong nhà Thiền, nhất là Thiền tông, luôn nhấn mạnh đến chỗ trực nhận không qua ý niệm”. (Thiền, Con Đường Thể Nghiệm Chân Lý).

Đọc tới đây, bạn thấy đã ngứa chưa?

06/2007