Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NUÔI

Vậy là cô tài tử xi nê Angelina Jolie đã ôm chú bé con nuôi Việt Nam về Mỹ. Lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày 15 tháng 3 vừa qua, chú bé Phạm Quang Sáng đã lên xe…hoa về với người mẹ nổi tiếng. Nhờ dựa hơi mẹ mà Sáng đã nổi tiếng ngay. Buổi tối ngày hôm đó, tôi đã được coi đầy đủ hình ảnh về nhà…mẹ nuôi của chú bé tốt phúc trên nhiều đài truyền hình Mỹ cũng như Canada. Phải nói ngay chú bé Sáng có khuôn mặt hiền hòa dễ thương mang vẻ tội tội, trông là có cảm tình liền. Khi mới sanh, bé không được như vậy. Theo lời cô Kim Liên, 51 tuổi, tổ trưởng tổ Măng Non, người bảo mẫu trực tiếp nuôi bé Sáng từ nhỏ khi bé mới về Trung Tâm Tam Bình, thì Sáng bị suy dinh dưỡng, cân nặng khoảng 2,1 kí, toàn thân ghẻ chàm trầm trọng, khóc suốt ngày và phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Mỗi ngày các cô đều phải ngâm thuốc tím và nước muối cho bé để tẩy trùng và phải đưa đi bệnh viện da liễu khám định kỳ. Sáng rất khó ăn và cứ ăn vào là ói ra. Khi được 2 tuổi, sức khỏe của bé mới ổn định. Bé Sáng còn ông ngoại và đã 3 lần Trung Tâm liên lạc với ông nhưng ông không thể nuôi thêm cháu được vì gia đình rất nghèo và rất đông con cháu. Chính ông đã đề nghị Trung Tâm kiếm cho bé một gia đình mới. Nhưng bé Sáng bị…ế! Trung Tâm đã nhiều lần giới thiệu nhưng bé Sáng vẫn không được những người xin con nuôi chọn. Trong 32 năm hoạt động, Trung Tâm đã tiễn cả ngàn bé đi làm con nuôi. Nhiều bé đi Mỹ và trở thành những học sinh xuất sắc. Như bé Lê Ngọc Vân, đi Mỹ năm 2003 lúc khoảng 12 tuổi, hè vừa rồi về thăm khoe thành tích đứng nhất trên 10 ngàn học sinh giỏi của Mỹ. Một trong những điều kiện của Trung tâm đối với các cha mẹ nuôi là báo cáo về Trung Tâm tình trạng con nuôi. Năm đầu thì mỗi 6 tháng. Hai năm sau, mỗi năm một lần. Đại diện của tài tử Angelina Jolie thì chỉ vài ngày sau khi nhận bé Sáng đã gọi điện thoại về Trung tâm cho biết: “ Sáng hòa nhập tốt với gia đình mới, hoàn toàn không quấy khóc đòi về, ăn uống không bị ói và đặc biệt thích chơi với Maddox”. Maddox là… anh hai trong gia đình mới của Sáng, năm nay được 5 tuổi! Trong một tháng trước khi…nổi tiếng, bé Sáng đã được học nói những câu tiếng Anh thông thường và tách riêng ra để ít chơi với các bạn cùng nhóm.

Việc tiễn đưa bé Sáng rời Trung Tâm là vụ tiễn đưa ồn ào nhất. Tôi nghĩ là sau vụ xin con nuôi ầm ĩ này, trẻ mồ côi Việt Nam sẽ có nhiều dịp xuất ngoại. Tương lai chẳng ai biết trước nhưng từ chiếc giường khiêm tốn trong một viện mồ côi mà được về nằm tại một phòng ngủ xa hoa mà chỉ nguyên chiếc giường không đã có giá bốn ngàn đô thì đổi đời là cái chắc! Chú bé nay mang một cái tên mới rất tả pí lù là Pax Thiên Jolie này chỉ mới 3 tuổi 4 tháng nên chẳng thiết tới chuyện đổi đời. Chú quen sống với các cô bảo mẫu và các bạn trong Trung Tâm Bảo Trợ Trẻ Mồ Côi Tam Bình mất rồi. Không thích thì tại sao chú bé Sáng lại lọt vào mắt xanh của ngôi sao màn bạc nổi tiếng Jolie trong đám đông trẻ mồ côi trong Trung Tâm Tam Bình? Chính là nhờ tính nhút nhát trời sinh. Khi cặp vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie bất ngờ đến thăm trại Tam Bình năm ngoái, trong khi các bé khác xúm quanh cặp tài tử thì bé Sáng chui vào một xó nhà chơi một mình. Nhờ màn…diễn xuất tự nhiên và vô tình này, chú bé đã trúng tuyển mà không thèm thi cử gì cả. Trong lễ trao nhận vừa qua, em khóc thét lên rồi lại chui vào một góc ngồi. Bà mẹ nuôi trẻ tuổi Angela cũng…à terre rồi bò vào chỗ Sáng ngồi, dỗ dành, vỗ về, luôn miệng nói câu tiếng Việt cô vừa học được: “Không sao đâu!”

Có lẽ không sao thật! Bởi vì cô Angelina Jolie đã nổi tiếng với những hoạt động xã hội. Nguyên cái mác Đại Sứ Thiện Chí của Liên Hiệp Quốc đã bảo đảm cho người đẹp ưa làm việc thiện và ưa nuôi con nuôi không phân biệt màu da và chủng tộc này. Cô đã nuôi hai đứa con nuôi, một người Kampuchia và một người Ethiopia trước khi nhận nuôi bé Sáng. Nuôi con nuôi người Á Châu, nhất là người Hoa, đang là một trào lưu của các gia đình hiếm muộn ở Bắc Mỹ. Nhan nhản chung quanh chúng ta là những cặp vợ chồng da trắng đẩy xe trên đó có những đứa con nuôi da vàng dạo chơi trên các công viên, trong các khu mua sắm. Họ sung sướng pha chút hãnh diện về những đứa con khác màu da này. Chúng được thương yêu thực sự chứ không phải bị coi như…đồ bỏ trên đất nước quê hương của chúng. Tại nước cộng sản Trung Hoa mỗi gia đình chỉ được phép có một con và, theo như truyền thống trọng nam khinh nữ từ ngàn xưa còn rơi rớt lại, họ trọng con trai nên không muốn có con gái. Cho đi là một cách giải quyết gọn gàng. Kể từ năm 1991, khi Trung Quốc nới lỏng luật cho nhận con nuôi hầu giải quyết nạn…thừa bé gái thì chỉ nguyên tại Hoa Kỳ, các gia đình Mỹ đã nhận nuôi 55 ngàn trẻ em Trung Quốc, hầu hết là các bé gái! Chỉ trong năm 2005, có 7.900 bé người Hoa trực chỉ các gia đình Mỹ.

Các gia đình Canada đã nhận nuôi cả thảy 6245 em bé Trung Quốc trong thời gian chín năm từ năm 1993 đến 2002. Con số này ngày càng tăng. Năm 2002 có 800 trường hợp thì năm 2003 đã tăng lên 1108 vụ nuôi con nuôi người Hoa, hầu hết là các bé gái. Phần lớn các em được các gia đình tại Montreal, thuộc tỉnh bang Québec nhận nuôi, bởi vì tỉnh bang Quebec đã có một khoản luật riêng nhằm làm dễ dàng việc nuôi con nuôi người Hoa.

Việc…được mùa con nuôi đi Bắc Mỹ này đã sanh ra những tệ trạng tại Trung Quốc. Tệ nhất là việc bắt cóc con nít để bán làm con nuôi cho người ngoại quốc. Tháng 11 năm 2006 vừa qua, một đường dây bắt cóc hoặc mua con nít gồm 27 người đã bị bắt tại Quảng Đông. Từ năm 2002 tới nay đường dây này đã bán khoảng một ngàn em bé cho các cô nhi viện ở tỉnh Hải Nam kế cận với giá từ 400 đến 538 đô Mỹ một em. Các cô nhi viện này mua trẻ em làm chi? Họ cho làm con nuôi người ngoại quốc với một điều kiện bất thành văn là mỗi cha mẹ nuôi phải “cúng” cho cô nhi viện ba ngàn đô Mỹ tiền mặt, bằng giấy một trăm, cho mỗi vụ. Lời trông thấy! Tiền lời này chỉ một phần rất nhỏ được dùng để canh tân các cô nhi viện. Phần lớn chạy vào túi các chức sắc địa phương và các Giám Đốc cô nhi viện! Một ông Giám Đốc đã dùng tiền này để gửi con gái đi du học tại Thụy Sĩ! Một ông khác đã xây các viện dưỡng lão tư để… kinh doanh!

Đi Mỹ hay Canada, chắc chắn các em sẽ có một đời sống sung túc hơn. Thường thì các em được cho làm con nuôi khi còn rất nhỏ nên không có vấn đề gì. Nhưng khi các em đã vào tuổi teen nhiều em đã nhìn ra sự khác biệt về màu da và đặt nhiều câu hỏi về nguồn gốc của mình. Qiu Meng Fogarty, 13 tuổi, muốn mọi người gọi cô bằng tên Trung Hoa thay vì tên Mỹ. “Chúng tôi chẳng giống ai cả!”, cô bé người Hoa này đã khẳng khái thốt lên như vậy. Các chuyên gia chuyên về con nuôi thì cho rằng chuyện mắt xanh mắt đen, tóc vàng tóc đen, không thành vấn đề. Trẻ em lớn lên tại Mỹ không care chuyện này! Nhưng tự chúng, những trẻ con nuôi gốc Á Châu vẫn cứ băn khoăn. Em McKenzies Forbes, 17 tuổi, đã từng cho biết: “ Khi tôi ở bên cạnh những người Á châu khác, tôi cảm nhận được sự gắn bó mà tôi không có được khi ở bên những người khác.” Trong kỳ hè năm ngoái, em Qiu Meng đã tham dự một trại hè dành cho các con nuôi từ khắp nơi trên thế giới tụ lại. Mãn khóa hè, các trại viên tạo thành một vòng tròn và nối họ với nhau bằng một sợi dây cột vào tay. Khi một huấn luyện viên bóng chuyền yêu cầu cô bỏ đoạn dây trước khi chơi, cô bé đã cẩn thận cất sợi dây, mang về nhà và treo trong phòng ngủ, dưới những họa phẩm và những bức thư pháp Trung Hoa!

Hình như trong tâm khảm những đứa trẻ con nuôi thường luôn luôn có một ý hướng trở về bản chất gốc. Bằng cách này hay cách khác. Các em cô nhi được đưa qua Mỹ trong chiến dịch Baby Lift trong giờ hấp hối của miền Nam Việt Nam ba chục năm truớc đây nay đã trên ba mươi tuổi. Chúng đang kéo nhau trở về thăm lại Việt Nam, tìm lại tông tích, cha mẹ hoặc những người đã nuôi dạy chúng trước đây. Nhưng cách tìm về của em bé con nuôi Việt Nam này có lẽ là cách độc đáo nhất. Em tên là Anita Hilde có bố mẹ nuôi người Na Uy. Một buổi tối, lúc nửa đêm, trời tuyết, đường sá vắng tanh, em đứng trước cửa một trường Đại Học để xin quá giang xe về nhà. Đúng lúc đó, anh Phạm Tín An Ninh cùng gia đình ngồi đầy một xe chạy ngang qua sau khi đi dự tiệc ăn Tết tại nhà bà Huyền Trân Thomassen, một Việt Kiều hiện là Giảng Sư Nhân Chủng Học Xã Hội tại Đại Học Oslo, có chồng người Na Uy làm Đại Sứ tại Mễ Tây Cơ. Anh Ninh ngừng xe lại, bảo đứa con trai xuống ghế sau để cô gái lỡ độ đường ngồi bên cạnh anh. Cô tự giới thiệu tên, bắt tay chào mọi người. Anh Ninh thấy cô gái có vẻ mặt Á đông nhưng cách phát âm tiếng Na Uy và điệu bộ y như một cô bé người bản xứ. Xe chạy. Cô run người vì lạnh. Thấy trên người cô chỉ có một chiếc áo len mỏng, anh Ninh vội dừng xe, cởi chiếc áo choàng bằng lông cừu choàng qua vai cô bé. Qua câu chuyện với mọi người trên xe, cô bé cho biết cô được cha mẹ nuôi người Na Uy nhận nuôi từ lúc hai tuổi nên cô chẳng biết gì về gốc gác của mình. Sau này lớn lên cô mới được cha mẹ nuôi kể lại là cô được Cơ quan Bảo Trợ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nhận từ một viện mồ côi ở Việt Nam vào năm 1975 và ông bà nhận nuôi cô từ cơ quan này. Cô rất muốn về Việt Nam để biết quê hương và tìm cha mẹ và nếu họ đã mất, cô sẽ xây mộ cho các bậc sinh thành. Nhà của cô Anita rất gần nhà anh Ninh, chỉ mất khoảng mười phút lái xe. Anh Ninh kể lại: “ Khi qua hết mấy khu rừng thông thanh vắng, cô chỉ ngôi nhà lớn nằm lưng chừng trên một ngọn đồi, bảo tôi dừng lại phía dưới. Cô sẽ đi lên bằng con đường tắt. Cô cám ơn tôi, cởi trả lại tôi chiếc áo choàng. Thấy trời lạnh lắm, tuyết đang rơi mà ngôi nhà nằm khá cao, tôi bảo cô cứ giữ lại mặc đi, ngày mai, chủ nhật, tôi sẽ ghé lấy. Cô nhìn tôi gật đầu, chào mọi người một lần nữa rồi bước đi trong tuyết”. Ngày hôm sau, anh Ninh trở lại căn nhà để lấy áo. Người mở cửa là một bà già trên bảy chục tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nói năng lịch thiệp. Anh Ninh kể lể tự sự và xin lại chiếc áo. “Bà tròn mắt ngạc nhiên hỏi tôi: ‘Anita nào? Vì đứa con gái duy nhất của chúng tôi đã chết gần một năm rồi.’Bây giờ đến lượt tôi ngơ ngác. Tôi kể cho bà nghe chuyện tôi gặp cô Anita trước cổng trường Đại Học, và cho cô quá giang xe về đây lúc nửa đêm. Bà mời tôi vào nhà, chỉ cho tôi tấm ảnh treo trên vách. ‘ Đây chính là cô Anita tôi gặp tối hôm qua’. Tôi nói to như để xác nhận với bà. Bà nhìn tôi sụt sùi hai dòng nước mắt: ‘ Không biết có điều gì trùng hợp. Con gái tôi đã thực sự chết rồi!’ Bà gọi chồng và hai người dẫn anh Ninh ra phía vườn sau nhà, nơi có mộ của Anita. Ngôi mộ phủ đầy tuyết trắng. Bia mộ ghi rõ: Anita Hilde. Trên cây thập tự ở đầu mộ có treo vật gì bị tuyết phủ lấp. Bà cụ lấy xuống, phủi tuyết: đó chính là chiếc áo của anh Ninh đã cho Anita mượn tối qua! Trở vào trong nhà, uống cà phê nóng, hai người mới kể cho anh Ninh nghe là cha mẹ ruột của Anita đã chết trong chiến tranh. Khi hấp hối, mẹ cô có trăn trối nhờ người mang cô về một viện mồ côi mà bà quen. “ Bà có để trong túi áo quần của đứa con một tấm hình khi vợ chồng bà làm đám cưới. Tôi chưa kịp hỏi, ông đã đưa cho tôi tập album, và chỉ cho tôi tấm ảnh đen trắng ngả màu vàng sậm, được dán ngay ở trang đầu. Nhìn tấm ảnh, tôi giật thót cả người, như bị mộng du vào một cõi xa xăm nào đó. Hai người trong tấm ảnh chính là vợ chồng Trần Chính Tâm, người em mồ côi kết nghĩa mà chúng tôi đã lạc mất nhau trong những ngày cuối của cuộc chiến”.

Đây là câu chuyện như hư cấu mà tôi đọc được trong đặc san Nhân Trí Dũng của Tổng Hội Cựu Thiếu Sinh Quân Việt Nam Hải Ngoại, số Xuân Đinh Hợi. Nhưng chuyện được kể dưới dạng hồi ký với những sự kiện thật, tên người thật. Chapeau của Tòa Soạn nơi đầu truyện được viết như sau: “Tác giả là cấp chỉ huy và là anh kết nghĩa của Cựu TSQ Trần Chính Tâm. Ông đã viết lên cái chí khí của một Cựu TSQ một đời sống anh dũng trên chiến trường, và kỷ luật trong quân ngũ. Ông tự trách mình đã không giữ được lời thề sống chết có nhau năm xưa. Vì vậy nỗi đau ấy vẫn canh cánh bên lòng và được trải dài torng bài viết này. Kính mong quý anh em CTSQ cùng lớp hoặc biết và chúng ta cùng thắp một nén hương tưởng nhớ gia đình CTSQ Trần Chính Tâm và chia sẻ với tác giả nỗi sầu thiên thu này. Ai biết tin gì về CTSQ Trần Chính Tâm xin liên lạc về Đặc San Nhân Trí Dũng”. Như vậy, theo ước đoán thông thường, đây là một chuyện thực. Thực mà như hư cấu. Trong bài viết mang tên “Cô Gái Quá Giang Đêm Mồng Một Tết” này, anh Phạm Tín An Ninh, hiện sống tại Na Uy, đã kể lại tình đồng đội sống chết có nhau của hai người đều là cựu Thiếu Sinh Quân. Cuối cuộc chiến, trong cuộc gọi là Triệt Thoái Cao Nguyên, anh Ninh phụ trách liên lạc trên trực thăng, đã bắt liên lạc được với anh Tâm đang cùng đơn vị di tản. Vợ con của Tâm đã mất liên lạc với chồng từ Phú Bổn. Anh Ninh muốn cứu Tâm nên đã hẹn Tâm ra một chỗ vắng để bốc lên trực thăng nhưng Tâm, nhất định sống chết với anh em trong đơn vị, đã từ chối. Từ đó hai người mất liên lạc với nhau. Thêm một chi tiết: vợ Tâm, trước khi lập gia đình, là một bé mồ côi sống trong một cô nhi viện! Có lẽ đó là cô nhi viện mà bà đã trăn trối gửi con trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời.

Trong hỗn loạn của những ngày cuối cùng của cuộc chiến, nhiều trẻ mồ côi Việt Nam đã được di tản ra ngoại quốc. Có những trẻ trong các chuyến bay này không là trẻ mồ côi mà do cha mẹ cậy cục nhờ đưa con ra nước ngoài. Trong cái hỗn mang của làn sóng đỏ đang hung hăng ụp tới, cứ cho con đi bằng mọi cách, sau đó sẽ tính. Bà chị họ tôi lại tìm ra một cách khác để cho con đi: bà nhờ người Phi Luật Tân làm việc tại Sài Gòn nhận hai đứa con trai của bà làm con nuôi để di tản cùng họ.

Hai đứa nhỏ tới Manila, sống với cha mẹ nuôi có tính toán này. Hơn chục năm sau bà mới vượt biên thành công và định cư tại Mỹ. Bà xin mang hai đứa trẻ nay đã trở thành hai tên Phi chính cống về đoàn tụ tại Mỹ. Nhưng giấy tờ thì chúng là người Phi, có cha mẹ người Phi, không có lý do gì để bà nhận chúng lại được. Phải mất nhiều năm trời, giấy tờ rất rắc rối nhiêu khê, bà mới đưa được hai chú nhóc…Phi này về với gia đình!

Tài tử xi nê nuôi con nuôi chẳng phải chỉ có Angelina Jolie. Cô đào Mia Farrow cũng đã từng nuôi và khổ vì con nuôi. Cô nuôi một con nuôi người Đại Hàn tên Soon-Yi Previn. Khi cô nhỏ này trổ mã thì nổ ra cuộc tình giữa ông chồng của cô, tài tử màn bạc Woody Allen, và cô con nuôi. Hai người bỏ đi chung sống với nhau để lại bà mẹ nuôi cười đau khóc hận!

Bố nuôi và con nuôi bây giờ là chuyện dài mà người dân Hà Nội phải…thơ.

Trông xa, cứ tưởng… bác già 
Lại gần mới biết: chỉ là…chú thôi 
Cầm tay – đích thị anh rồi 
Đè nhau xuống chiếu, là…tôi với mình! 
(Trần Ngọc Thụ)

Bố nuôi thường là các bác Giám Đốc đông bạc đông tiền. Trong lãnh vực tư nhân là các đại gia, trong chốn quan trường là những tai to mặt lớn, tác giả của những màn tham nhũng. Có chức, có tiền thì thiếu gì…bê non. Bê non thứ xịn, đúng theo mốt bây giờ là các cô sinh viên dưới tỉnh lên. Bổn phận của bố nuôi đại khái gồm những tiết mục sau: một căn hộ khép kín giá vài trăm triệu đến cả tỷ bạc, xe máy xịn, điện thoại di động, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, lò vi sóng, máy rửa bát, máy luộc trứng, làm bánh, mọi khoản tiền học hành, sách vở, vui chơi… Nghĩa là lo từ A đến Z. Bổn phận của cô con nuôi là… ai cũng biết cả. Các cụ xưa còn biết nữa là!

Đố ai nằm võng không đưa 
Ru con không hát anh chừa nguyệt hoa.

Thời khóa biểu của các quan ngày nay cũng…thơ.

Thời gian chia sẻ làm ba 
Sáng họp Giám đốc, chiều sa…lòng bồ!

Bất cứ lúc nào bố gọi là con phải có mặt. Khi thì đóng vai thư ký trong các buổi làm việc, khi thì theo bố đi công tác dài ngày, khi thì hầu hạ cơm nước cho bố, khi thì… Cứ bố bố con con nhưng lại không phải là bố bố con con. Sự đời nó rắc rối như vậy nên các bà vợ của Giám đốc cứ hoa cả mắt.

Khi Thị Kính, lúc Thị Mầu 
Váy dài, váy ngắn biết đâu mà lần!

Một cư dân Hà Nội, chị Nhung, hiện đang làm việc cho một tổ chức tư nhân nước ngoài diễn tả cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt” của các đấng phu nhân như sau: “ Họ cũng chỉ đi với nhau chứ có chứng cớ gì đâu. Khi bắt tận tay thì mới làm gì được chứ, nhưng ai mà để cho bắt được. Mà bắt được thì cũng phải giữ cho chồng. Người ta đang làm to thế mà ầm ĩ lên thì mất hết à? Thực ra thì họ cũng kín lắm, đợi mà biết được thì cũng khó!”

Khúc biến tấu con nuôi của các ông tai to mặt lớn đã chọc quê hai chữ “con nuôi”. Chuyện! Giữa thời buổi nhố nhăng, cái gì mà các quan to đất Việt ngày nay chẳng…biến tấu được!

03/2007