Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

THÚ

Lẽ ra tôi chẳng nên viết gì về việc nuôi thú. Chó mèo, chim cá không có trong con tim của tôi. Cô em họ tôi nhỏ nhẹ. “Anh cứ thử nuôi đi rồi biết. Chúng dễ thương lắm cơ!”. Cô nuôi hai con chó, loại nho nhỏ, xinh xinh, trắng muốt, bồng bế suốt ngày. Lâu lâu lại làm dáng cho chó bằng những chiếc nơ ở cổ. Trông đẹp thật. Cả nhà xúm xít bồng bế, hôn hít. Bà thím tôi, một chú em, hai vợ chồng cô em, và ba đứa con, ba thế hệ đều một lòng mến chó. Ban ngày, con cháu đi làm đi học cả, bà thím tôi làm bạn với chó. “Không có nó chắc thím buồn đến chết mất!”. Tôi thông cảm với bà nhưng trong ý nghĩ của tôi, chó vẫn cứ là chó. Tôi chọc bà. “Cháu không có chó chắc cháu cũng buồn đến chết mất”. Bà cười tươi, như tìm được một… đồng chí. Tôi thêm. “Buồn vì không có thứ chó thơm ngát nằm trên đĩa!”. Bà phát nhẹ vào vai tôi. “Cái anh này!”. Rồi như sực tỉnh, bà trách nhẹ. “Sao lại ăn uống như vậy!”. Bà né người xa tôi. Làm như tôi ăn thịt người không bằng!

Chó bây giờ đã là người. Một loại…siêu người! Các cô gái Nhật Bản ngày nay chán con nít, chỉ thích chó. Cô Toshiko Horikoshi tất bật đi mua sắm áo quần trong một tiệm sang trọng. Tay cô đẩy một chiếc xe con nít. Trong xe không có đứa con nít nào mà chỉ có hai chú chó ngồi chễm chệ trên nệm. Ginger, một chú chó lông xù và Tinkerbell, một nàng chó lai nhỏ xíu. Luật trong các cửa hàng là cấm chó chạy nên cô bác sĩ phẫu thuật này phải cho chúng ngồi trong xe. Thả xuống là chúng chạy loăng quăng theo chân cô chủ. Cô chủ vừa nói vừa nở một nụ cười hạnh phúc. “Chúng cứ như trẻ con ấy, giống như một đứa bé bám sát mẹ vậy!” Trẻ con? Cô đâu có cần trẻ con. Cô đã ly dị chồng chỉ vì anh này muốn cô sanh con. Bỏ chồng, không muốn có con, nhưng cô thương chó. “Tôi chẳng cần ai giúp đỡ và cũng không cần chồng. Như vậy tôi có nhiều thời gian rảnh và thích làm gì thì làm. Nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy cô đơn và bây giờ, khi trở về nhà, tôi có thể chơi với hai cún con của tôi!”

Cô bác sĩ chuyên gia về bệnh đục thủy tinh thể này không cô đơn. Nuôi chó thay vì nuôi con đang là trào lưu ở Nhật. Hiện nay số chó ở Nhật nhiều hơn số trẻ em dưới 10 tuổi và chiều hướng này càng ngày càng gia tăng. Những “cha mẹ” của chó ngày càng muốn biểu tỏ lòng thương chó một cách ồn ào hơn. Cho chúng mặc áo bằng lụa mềm, đi chơi spa, tắm nước nóng, đi nghỉ mát, đi bác sĩ thường xuyên, đi đấm bóp, trượt ván nước, tập yoga. Các cửa hàng thời trang cho chó mọc như nấm. Tây cũng phải nể mặt! Harriet Sternstein có một cửa tiệm chuyên bán đồ dành cho chó ở Paris đã chịu thua. Theo cô chuyên phục vụ chó này thì riêng về khoản đồ trang sức cho chó thì Nhật Bản đi tiên phong, Pháp đi sau Nhật 15 năm và đi sau Mỹ 10 năm! Tại Tokyo, các cửa hàng bán gia súc mở cửa đến tận 5 giờ sáng và giá một chú cún con giống chihuahua lên tới hơn hai ngàn đô Mỹ. Ai đi mua chó vào lúc 5 giờ sáng? Tôi thắc mắc quá. Tìm hiểu thêm thì mới biết là mốt nuôi chó thịnh hành ở Nhật đến nỗi chó trở thành một đơn vị tình cảm. Các ông đi chơi trong các hộp đêm, thường tới sáng mới mò ra. Lúc đó các cô tiếp viên trong nhà hàng thường cặp kè với các ông khách đã ngà ngà say ra cửa. Các cô sẽ thủ thỉ bên tai các ông là muốn có một chú chó cho bằng chị bằng em. Rượu gật liền. Cô em ôm chó về. Ngày hôm sau, cô em sẽ mang chú chó lại cửa tiệm và lấy lại tiền mặt sau khi đã trả cho cửa tiệm một số phần trăm nào đó! Tối hôm đó, màn kịch lại tiếp tục với một ông khách khác.

Ngay từ ngày mới chân ướt chân ráo sang định cư tại xứ sở này, tôi đã đọc được một tài liệu dành cho những tay mơ muốn hội nhập vào cuộc sống ở một nơi xa lạ. Họ khuyên nên thận trọng với hai việc đầu tư. Mua nhà và mua xe. Khi quyết định mua xe, tôi đã đắn đo suy tính, bàn với vợ, tính số chỗ ngồi cho con cái. Hai vợ chồng, bốn đứa con mà xe chỉ có năm chỗ ngồi. Thiếu đứt một chỗ. Loại xe minivan bảy chỗ ngồi lúc đó chưa phổ thông mà giá cả lại đắt. Hỏi người nọ người kia tôi mới tìm ra được loại xe ghế ngồi phía trước không phải là hai ghế rời mà là một băng có ba chỗ ngồi, ba cái nịt đàng hoàng. Vậy là đúng chỉ số. Mừng hết lớn. Ngày nay xe cộ vừa nhiều vừa đáp ứng được mọi nhu cầu. Nếu bạn là người nuôi chó, bạn sẽ không… nhà quê như tôi hồi đó. Bạn sẽ tìm xe nào đầy đủ tiện nghi cho chó. Người tính sau! Tổ chức American Kennel Club đã làm một cuộc thăm dò đàng hoàng. Gần nửa số người nuôi chó, đúng ra là 47%, khi mua xe đã nghĩ tới tiện nghi cho chó trên xe trước khi nghĩ tới những chuyện khác. Với những người có thâm niên nuôi chó từ mười năm trở lên thì tỷ lệ lên đến 52%.

Bà Lisa Peterson, phát ngôn viên của tổ chức này, đã nói huỵch toẹt. “Lý do duy nhất mà tôi mua chiếc Honda Odyssey là vì tất cả các xe minivan khác đều quá nhỏ khiến các chú cún của tôi không được thoải mái!”. Hãng xe Honda xứng đáng được bà Lisa chọn lựa. Loại xe minivan của họ đã có phiên bản…chó. Chỗ đáng lẽ là hộp để găng tay được họ biến thành một cái ổ êm ái cho chó, hàng ghế thứ nhì được biến cải thành chỗ thoải mái của chó với trọng lực thấp để tăng thêm sự thăng bằng, một đường đi cho chó giữa hai ghế, lại thêm nịt riêng cho chó đàng hoàng. Xe Volvo được trang mạng Cars.com tuyên dương là hãng xe “tốt nhất trong việc cung hiến sản phẩm cho các khách hàng nuôi chó”. Trang mạng chuyên đánh giá các loại xe “bạn của chó” DogCars.com đã cho điểm tốt các loại xe sau: Honda Element, Nissan Xterra, Dodge Nitro, Dodge Grand Caravan, Honda Fit Sport (cho các loại chó nhỏ), Jeep Compass, Kia Sedona, Range Rover Sport Supercharged, Subaru Forester (hơn 60% chủ xe này có nuôi chó), Suzuki Forenza Wagon, Toyota Rav4 và Volvo’s XC90. Tôi cứ chép nguyên văn bảng… phong thần này ra để những người như cô em họ tôi có tài liệu nghiên cứu. Tôi thì dĩ nhiên làm lơ với cái bảng liệt kê vô bổ này.

Bà Leona Helmsley thì khác tôi. Tuy bà là tỷ phú chuyên kinh doanh khách sạn và địa ốc tại Nữu Ước nhưng tôi chẳng thèm giống bà. Không giống nhau về tiền bạc, tôi còn thập phần khác bà về phương diện…chó má. Bà mới về với tổ tiên vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Trong di chúc để lại, bà chia cho ông anh trai Alvin Rosenthal 10 triệu đô và bổ nhiệm ông là người quản lý tài sản. Hai người cháu David và Walter Panzirer, mỗi người thừa hưởng 5 triệu đô với điều kiện phải tới thăm mộ cha mình ít nhất mỗi năm một lần. Hai người cháu nội khác là Craig và Meegan Panzirer thì không được một xu teng nào với lý do “chúng biết rõ hơn ai hết nguyên nhân tại sao”! Người tài xế lái xe cho bà được 100 ngàn đô. Trong khi đó, chú chó Trouble yêu quý của bà được hưởng phần gia tài lớn nhất là 12 triệu đô mà chẳng có điều kiện gì cả! Và khi Trouble… thăng hà, chú sẽ được chôn ngay bên cạnh bà.

Cứ tính đẳng cấp bằng số tiền được thừa hưởng thì chó đã hơn người. Mèo cũng là một loại gia súc ngang hàng với chó tuy hai thứ này ghét nhau chết bỏ! Vậy mèo cũng phải có tư cách đàng hoàng. Ai thích nuôi mèo cũng nghĩ vậy. Một bà… ái mèo có một chị mèo bị đau. Bà quýnh quáng mời thú y sĩ tới nhà chữa bệnh cho ả mèo cưng. Sau khi khám kỹ, bác sĩ thú y cho bà biết là nàng mèo có thai. Bà bất bình: “Vô lý! Nó không hề gần một con mèo đực nào cả thì làm sao mà có thai được!” Ông bác sĩ chỉ một chú mèo đực đang lảng vảng quanh bà chủ: “Thế con này thì sao?”. Bà chủ quắc mắt to tiếng: “Ông đừng nghĩ bậy! Đó là anh của nó!”.

Mèo là giống đàng hoàng như vậy nên nhiều người quý mèo là lẽ tự nhiên. Chỉ phải cái tội mấy anh meo meo này không ngay thật. Dấu dấu diếm diếm. Bà chị tôi có một miếng đất trồng hoa ngay bên hông nhà, lối vào có cửa đàng hoàng. Cửa để chặn người thì được nhưng mèo thì không được. Chỉ một cú vươn mình nhẹ là mèo có thể nhảy phốc qua được. Chú mèo bên hàng xóm thường chơi trò thể dục nhảy cao như vậy. Cứ tối tối là chú…vượt biên chỉ để làm mỗi một việc là ban ân huệ cho đám đất trồng hoa thêm phân bón. Phân bón có thể tốt cho hoa nhưng không hợp với mũi người. Chua loen loét! Bà chị tôi tìm đủ cách để ngăn cản. Cắm những que nhọn như bàn chông, rải thuốc chống mèo. Chẳng ăn thua gì. Ông anh tôi nghĩ chỉ còn cách rình và bắn ná bằng dây thung cho tởn tới già! Ông chưa thi hành được kế chống miu một cách mạnh bạo như vậy thì tôi vội can. Bởi vì tôi vừa đọc được một tin khá nguy hiểm cho lòng thù ghét mèo của ông. Tháng 8 vừa qua, một tòa án ở San Diego đang thụ lý một vụ…sát miu. Nạn nhân là một chú mèo đực 3 tuổi tên là Bill đã bị ông hàng xóm bắn bằng tên sắt. Chủ nhân của chú mèo đã đưa nạn nhân vào bệnh viện giải phẫu nhưng vì mũi tên bằng sắt ngập quá sâu vào cơ thể nên chú mèo đã bai bai chủ hai ngày sau khi bị nạn. Thủ phạm cho biết là chú mèo này thường xuyên sang khuôn viên nhà ông để tè bậy, đuổi mãi không được nên ông đã phải bắn tên. Nữ công tố viên Katherine Flaherty nói trước tòa: “Con vật đã phải trải qua một cơn đau đớn khủng khiếp”. Và bà xin cái án 4 năm tù để cảnh cáo thủ phạm!

Tòa án bên Canada chúng tôi cũng không chịu thua kém. Tại Cobalt Walk thuộc vùng Soryfield, Halifax, một chú mèo 5 tháng tuổi bị bốn người đập chết bằng cây gậy đánh golf. Họ công khai đập chết chú mèo Pearl ngay trước cửa nhà. Cô bé 11 tuổi, chủ của chú mèo và hai người em họ ngồi gần đó đã tận mắt chứng kiến. Cảnh sát can thiệp liền một khi. Họ dẫn cả 4 người về bót, lấy lời khai , hỏi các nhân chứng và quyết định truy tố ra tòa một thiếu niên, người trực tiếp cầm gậy đập.

Chó chết hết chuyện, dân gian ta thường kết như vậy. Nhưng chó hay mèo chết ở bên xứ này còn nhiều chuyện lắm. Không phải chỉ là chuyện chết mèo mà là chuyện chết người. Mà tội của hai ông bà già Roderick Alexander Harper, 88 tuổi, và bà vợ Helene May Harper, 77 tuổi, dân Úc, chỉ là tội cười trước cái chết của một chú mèo. Hai ông bà có ông con tên Stephan Alexander Harper năm nay đã 43 tuổi. Ông con này nuôi một chú mèo. Chẳng may chú mèo lăn ra chết. Ông bà này chắc lòng dạ như tôi, không mặn mà với thú vật lắm, nên trót dại cười trước sự mất mát của ông con. Ông con nổi nóng, vớ cây rìu, phang cho cả cha lẫn mẹ nhiều nhát vào đầu chết không kịp ngáp. Ra tòa, hắn một mực khai là chính mẹ hắn đã đầu độc chú mèo cưng của hắn.

Đụng vào mèo nguy hiểm như vậy, mèo nào cũng thế. Mèo bốn chân hay mèo hai chân. Cách ngôn: muốn giữ mạng an toàn thì không nên…có mèo!

Bạn đừng cười. Tôi cứ tình thực mà nói như vậy. Bởi vì có chú mèo Oscar thì mất mạng lúc nào sẽ biết liền. Chú mèo này được nuôi trong một viện Dưỡng Lão ở Providence. Chú mới phát lộ tài năng ngửi thấy mùi chết chóc. Mỗi ngày chú đi vơ vẩn qua các phòng của các ông bà già. Ngửi thấy mùi chết chóc ở phòng nào là chú vô nằm ngay trong phòng đó. Các bác sĩ và y tá đã theo dõi “tài năng” của chú Oscar nhiều lần. Họ đã ghi nhận được 25 trường hợp chú mèo ngửi thấy tin dữ trước cả các bác sĩ và y tá. Thông thường khi Oscar ở lại phòng nào thì người đó sống được nhiều nhất là 4 tiếng đồng hồ nữa. Bác sĩ D. Dosa làm việc tại đây đã cho biết chú mèo đoán trước được cái chết còn giỏi hơn các bác sĩ nữa. Chút tài mọn của chú mèo Oscar đã giúp cho người sắp chết khỏi cô đơn. Vì khi thấy chú vô mai phục trong phòng nào thì thân nhân của người đó được gọi khẩn cấp vào vĩnh biệt người thân.

Nuôi mèo thì chẳng nên nuôi cá. Bởi vì cá là thứ hẩu sực của mèo. Chuyện mèo dùng đuôi câu cá trong bồn lên đớp thì ai cũng biết. Trong một dịp đi Cali chơi, tôi có dịp theo một người bạn tới thăm một tay chơi cá cảnh. Ông này có vài cửa hàng làm “neo” tiền bạc thừa mứa. Trong nhà ông, từ phòng khách tới... nhà xe la liệt những hồ cá. Cái nào cái nấy to tổ chảng, đèn đuốc sáng choang, xanh đỏ tím vàng, nhìn vào như đang đứng trước hội hoa đăng! Gia chủ đưa chúng tôi đi xem hết hồ nọ tới hồ kia, cứ như đang đi trong sở thú! Hồ cá nước mặn với những loài cá màu sắc rực rỡ vừa lạ vừa đẹp. Ông nói giá tiền của từng con cá. Giá nào cũng ngất ngưởng. Mặt ông cũng ngất ngưởng. Khi qua tới những hồ cá Rồng, loại vàng loại bạc, mỗi hồ chỉ đủ chỗ cho một chú cá to sù vẫy vùng, cái giá ông nói lên tới cả chục ngàn đô có dư cho mỗi con cá. Dĩ nhiên mắt ông chờ đợi nét ngỡ ngàng trên mặt tôi. Tôi quả có suy nghĩ. Trong trường hợp này, cá đã làm nên giá trị con người!

Cá ở nhà ông Luân Hoán màu sắc lung tung. Cứ thích là mua về thả trong bồn. Chúng không có giá về tiền bạc nhưng có giá về xúc cảm. Chúng đã đẻ ra thơ.

đứng ngắm hồ cá 
rải những hạt colorbits và natrafin vào lòng nước 
nhìn những con electric-yellow-labido óng ánh vàng 
những con hap-livingston 
tranh ăn uyển chuyển 
thử lắng nghe những tiếng cá nói 
nhận không ra 
nhưng văng vẳng tiếng thơ lãng đãng

Và chim. Những hoàng yến bạch yến, những chích chòe sơn ca. Tiếng kêu tiếng hót vang nhà. Có những buổi sáng chú chim yêu đời ngẩng cao cổ hát lên trời cao, nhà thơ nghe hứng chí, lòng dâng theo tiếng chim, nhấc điện thoại gọi tôi, kê máy vào sát lồng chim cho tôi hưởng ké tiếng hót trong veo tỏa cùng trời đất. Nghe tiếng chim tôi thấy lại cả trời tuổi thơ. Ờ nhỉ, tôi đã viết là tôi không nuôi chi cả. Chó mèo chim cá không có trong tim tôi. Hóa ra tôi đã lú lẫn. Tiếng chim nghe ké qua điện thoại đã nhắc tôi về những chú chim sáo tôi đã nâng niu trong thời thơ ấu.

Những ngày thôn dã tôi đã mải mê dang nắng đi bắt châu chấu cào cào cho chim. Nhìn chim ngúc ngoắc đầu nuốt từng con vật xanh xanh động đậy như muốn thoát ra khỏi cặp mỏ cứng ngắc, tôi đã có cái khoái của một chú bé thương chim như thương những đứa em ruột thịt. Nuốt xong một con mồi xanh tươi, chim ngoắc ngoắc đầu như vừa ý. Rồi bụng đã đầy, lòng sảng khoái, chim cất cao cổ hót lên những cung điệu làm say đắm lòng người. Tiếng hót của chim giữa đồng quê hình như trong trẻo hơn tiếng hót của thân chim trong lồng. Bước nhảy của chim lúc thúc theo chân tôi trên những bờ cỏ xem ra cũng tươi tắn hơn những bước nhảy chuyền trên những khúc cây khô gác ngang lồng chim. Người với chim ngày xưa như bạn. Chim tự do bay nhưng vẫn quấn quít với người. Tình người với chim không vướng víu những que nan ngăn cách. Người không nuôi chim nhưng đánh bạn với chim.

Làm bạn với chim khác với nuôi chim. Nhất là nuôi chim trong xã hội cộng sản. Một công dân Đông Đức gọi điện thoại đến Cơ quan Mật Vụ An Ninh Quốc Gia STASI: “Thưa các đồng chí, tên tôi là Mayer. Tôi xin báo cáo là con vẹt của tôi vừa xổng chuồng. Nếu các đồng chí bắt lại được nó, tôi xin thưa là tôi không chịu trách nhiệm về quan điểm chính trị của nó. Báo cáo các đồng chí rõ.”

Người sợ thì vẹt cũng biết rét. Nhà nọ có nuôi một con vẹt, mở miệng ra là hô “Đả đảo Cộng sản!”. Một bữa có công an khu vực vào nhà. Chủ nhà vội tống con vẹt vào ngăn đá của tủ lạnh. Công an ra về, chủ nhà vẫn còn hoảng sợ, quên mất tiêu chú vẹt trong ngăn đá. Vài tiếng đồng hồ sau, bình tĩnh lại, chủ nhà mới sực nhớ tới chú vẹt, vội mở tủ lạnh. Vừa chui đầu ra, chú vẹt đã nhanh nhẩu hô: “Hoan hô Cộng Sản!”. Quá ngạc nhiên, chủ mới hỏi vẹt nguyên do tại sao thay đổi lập trường nhanh như chong chóng vậy. Vẹt ta rùng mình: “ Bốn tiếng đồng hồ ở Tây Bá Lợi Á là đủ lắm rồi!” Tôi chưa bao giờ thấy có vẹt trong số chim ngụ cư tại nhà ông Luân Hoán. Có lẽ thơ mà cứ nhắc đi nhắc lại thì bằng giết thơ chăng? Bù lại, ông có nuôi một loài chim không biết nói. buổi sáng nằm nghe con chim hót chợt nhớ con chim đẹp nhất đời chẳng sáng mai nào quên ngỏng cổ gật gù ca ngợi cuộc đời vui con chim kỳ vĩ, ngon lành thật đầu láng cổ bành da đỏ au miệng dọc môi hồng ươn ướt mật dài thân vỗ cánh ngập trời sâu

À, thế ra tôi cũng nuôi chim!

09/2007