Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NEM

Ông bạn Nam kỳ của tôi gân cổ lên cãi: “Bộ cha nội bảo tôi không biết nem là gì à? Thủ Đức thiếu cha gì nem!” Đợi cho cái mặt cãi cọ bớt đỏ, tôi mới nói lại: “Ai bảo cha nội là tôi nói tới cái thứ nem Thủ Đức của cha nội? Thứ nem tôi nói là thứ nem Bắc kỳ cơ!” Mặt vẫn vác lên, làm như có cái cần cổ ngon lắm, anh bạn thường ngày vốn rất hiền lành của tôi vẫn còn… sủi bọt: “Bộ cha nội không là người Việt hay sao? Nem là nem chứ bày đặt nem Bắc kỳ với nem Nam kỳ!”

Nam kỳ cũng có nem nhưng kêu là chả giò. Ngoài Bắc cũng có chả và giò nhưng là hai thứ khác biệt nhau, khác hẳn với chả giò trong Nam. Vậy cái thứ kêu là nem ngoài Bắc đích thị là chả giò trong Nam, cái bánh hình trụ, chiên lên vàng rụm, trông rất ngon lành. Phải ngon nên mới được liệt vào hàng đặc sản mà các bà thèm muốn.

“Ông ăn chả, bà ăn nem”. Tiền nhân của chúng ta phải sành ăn lắm nên mới ví von được như vậy. Nếu là “nem công chả phượng” thì hết xảy. Công là một loại chim quý phái, lông lá rực rỡ, lúc múa thì lông đuôi dựng lên, xòe ra trông rất ngoạn mục. Thịt công ngon đến thế nào thì tôi quả thực chưa được nếm. Chắc phải hỏi các bà các cô. Như Tuyết Trinh chẳng hạn!

Ở Việt Nam ngày nay có câu…cách ngôn: “Con thày, vợ bạn, gái cơ quan”. Đó là ba thứ mà con người dễ láng cháng nhất. Tuyết Trinh vừa tròn 31 tuổi và là một nhân viên của một cơ quan liên doanh với số lương rất hậu hĩnh. Cô làm việc rất bận rộn, mỗi ngày ít ra là 12 tiếng tùy theo tiến độ của dự án được phân công. Cô vừa được giao một dự án mới. Cùng làm với cô là một nam trợ lý. “ Chúng tôi đã có cảm tình ngay lần đầu gặp mặt, mặc dù vậy công việc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi thường vùi đầu tại văn phòng đến tận 10 giờ, 11 giờ đêm. Dự án thực hiện được gần một nửa, tôi cảm thấy hưng phấn hơn bao giờ hết. Hôm đó còn sớm nên Tuấn rủ tôi lên một quán bar để thư giãn tí chút. Chúng tôi đã có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu nhau. Bản thân tôi cảm thấy Tuấn là một người đàn ông dễ gần, dịu dàng và không thể không nói là không hấp dẫn. Một giây phút nào đó, tôi đã nghĩ…. Nhưng cảm giác tội lỗi đã níu tôi lại vì chúng tôi đều có mái ấm của riêng mình”. Chuyện bắt đầu bằng một ý nghĩ cố gạt đi như vậy. Nhưng muốn không phải là được. Hoàn cảnh làm việc kè kè bên nhau đã kéo câu chuyện đi xa hơn. “Tôi sợ hãi cuống cuồng ngay sau khi Tuấn đặt nụ hôn ngọt ngào lên môi tôi. Tim tôi đâp mạnh, đầu óc xoay như chong chóng. Chuyện gì đang xảy ra đây?”. Còn chuyện gì nữa. Chuyện chả và nem.

Vẫn chuyện “gái cơ quan”. Chuyện của Hoàng Anh. “Tôi và Minh là típ người trẻ trung, hiện đại và hay đùa tếu. Mặc dù tôi đã có gia đình, còn Minh đang chuẩn bị cưới, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn cứ trêu nhau như người yêu. Đơn giản bởi vì cả hai đều hiểu nhau và coi nhau như bạn bè”. Lửa đã được thắp lên. Chỉ chờ cơ hội là táp vào mặt. Cơ hội đến khi Hoàng Anh và Minh được công ty thưởng cho một chuyến du lịch kết hợp với công tác trong một tháng tại Thượng Hải. “Minh thường hay sang phòng tôi để bàn luận công việc và có một lần anh ấy hỏi tôi có thích anh ấy không? Vẫn nghĩ đùa như mọi khi tôi nói là có, thích lắm, thích mê mệt. Thế nhưng Minh lại bảo tôi là anh ấy đang nghiêm túc. Tôi đỏ mặt và gật đầu thú nhận là mình cũng có cảm tình với anh ấy. Có thể nói rằng Minh là người đàn ông giúp tôi nhận được giá trị của mình. Nhờ có anh mà tôi biết được mình vẫn còn xinh đẹp và hấp dẫn ở độ tuổi 35. Tất nhiên, nụ hôn đầu đã khiến tôi không khỏi ăn năn hối lỗi khi hình ảnh người chồng vụt qua. Tôi đủ thông minh để hiểu kể từ sau nụ hôn đó chuyện gì sẽ xảy ra”. Chúng ta cũng đủ thông minh để biết rằng lửa đã chứng tỏ sức mạnh của nó. Câu chuyện tình ngoài lề hôn nhân đã lớn nhanh như thổi. Tới một ngày, cả cơ quan đều biết. “Tôi hiểu Minh vẫn chưa thể chiếm trọn trái tim mình, thế nhưng anh ấy mang tới cho tôi niềm vui, anh ấy hiểu niềm khát khao của tôi và chính công việc căng thẳng đã đưa chúng tôi đến bên nhau. Tôi không hiểu rồi tương lai sẽ đi đến đâu.”

Tương lai sẽ gặp…thánh Phêrô! Ông thánh “Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp” này xét công tội rất phân minh và làm việc rất mẫn cán. Lúc nào ông cũng đứng ngay ở cửa Thiên Đàng để đón các linh hồn di tản từ trần thế lên. Bữa đó, có 3 linh hồn tới. Ông chặn linh hồn thứ nhất lại hỏi liền: “Khi ở dưới trần thế, con có chung thủy với vợ không?”. Anh này thú nhận là có hơi lem nhem, thỉnh thoảng cũng có ăn chả. Thánh quan tòa này định công luận tội liền. Anh chỉ được cấp một chiếc xe hơi nhỏ để dùng trên Thiên đàng. Bà thứ hai thú nhận là thỉnh thoảng có chén chút nem. Cũng vậy, chỉ đáng được chiếc Echo! Ông thứ ba cam đoan là trong suốt cuộc đời chồng vợ, ông chưa từng bao giờ tơ tưởng tới chả cả. Thánh Phêrô cười tươi, gật gù với vẻ rất bằng lòng. “Vậy thì ta ban cho con chiếc Lexus!”. Một tuần sau, ba người gặp lại nhau, thấy ông đi xe Lexus có vẻ không vui, bà đi Echo hỏi: “Sao ông không được vui vậy? Xăng mắc quá hay sao?” Ông chồng nghiêm túc này vội nói: “Chuyện xăng nhớt là chuyện nhỏ. Bữa hôm qua, lái xe đi chơi dưới downtown, tôi thấy vợ tôi. Bà ấy đi…patin! Thế có tức không chứ!”

Thần linh biết hết mọi chuyện dù chuyện con người vẫn còn dấu trong đầu. Bởi vậy nên trong các đạo giáo hay trong lương tâm con người, chỉ tư tưởng không đã là tội lỗi rồi. Chưa thật sự cắn vào nem nhưng đầu óc đã nhắm vào một chiếc nem nào đó rồi tơ lơ mơ tưởng tượng. Vậy là đã nhúng chàm. Nhân vật nữ trong truyện “Đêm Trăng” của nhà văn Hoàng Du Thụy đã tội lỗi chưa khi ngồi tơ tưởng: “Chúng tôi có nhau như một ân sủng của Thượng Đế. Cuộc tình thơ mộng quá cũng chỉ vì anh ấy chưa hề nói yêu tôi. Chúng tôi chỉ cảm nhận tấm lòng của nhau mà không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt tình yêu đó. Chúng tôi yêu nhau giữa muôn ngàn bất trắc mà không hề cảm thấy cuộc đời là tù ngục vây quanh. Anh ấy có vợ và tôi có chồng… Nhưng mà chúng tôi yêu nhau đâu phải để nên vợ thành chồng. Chúng tôi yêu nhau chỉ vì cái hồn của người này ở trong mắt của người kia”.

Tội lỗi gì không khi hai tâm hồn đồng điệu tìm đến nhau? Cũng chính nhà văn trả lời: “Rồi đây nơi xứ người tôi có quên được anh ấy không hay anh ấy mãi mãi vẫn là chất mật ngọt ngào nằm sâu trong cánh hoa sầu héo? Phải, anh ấy vẫn mãi mãi là mật trong hoa trong khi những người đàn ông khác chỉ là bướm ong bay dập dìu. Có tội gì không khi một đóa hoa tàn vẫn muốn giữ cho mình một chút mật ngày sau?”.

Tội hay không, tôi chẳng muốn dính vào, nên đành phớt lờ câu hỏi nhức nhối của bà nhà văn nhiều tâm sự. Nhưng tơ tưởng tới nem trong văn thơ quả có mang nét lãng mạn làm vừa lòng người đọc thì phải, nhất là người đọc nữ. Chẳng thế mà thơ “hàng hai” của T. T. Kh. vẫn sống mãi trong lòng mọi người.

Từ đấy thu rồi thu lại thu, 
Lòng tôi còn giá đến bao giờ. 
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ 
“Người ấy” cho nên vẫn hững hờ 
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, 
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi, 
Mà từng thu chết, từng thu chết, 
Vẫn giấu trong tâm một bóng người.

Vì chả nguội ngắt nên nem mới lạnh lùng hay vì nem hiển hiện nên chả mới hờ hững? Tôi lại chả dại gì để ném mình vào cái mối bòng bong này. Trường hợp chị Lê Thanh Huyền thì rõ ràng tại chả. Chị vốn là một người đoan trang, tự trọng, luôn luôn giữ thể diện trước đám đông. Nhưng từ khi chồng đổ đốn cứ chả mà ăn thì chị điên tiết trả thù. Chị cũng cứ nem mà chén! Chị cặp với một thanh niên trẻ, đẹp, ga lăng mà chị làm quen được trên sàn nhảy, nơi chị tới giải sầu khi bị chồng bỏ bê. Chị mang tiền ra cung phụng anh bồ trẻ, công khai ăn chơi trác táng bất chấp mọi lời đàm tiếu của người chung quanh. Chị bỏ việc để có thêm thời giờ vui vầy với nem. Khi chồng con chị biết và tỏ vẻ khinh miệt thì chị càng bất cần hơn. Khi gã trai bao này chán chê bỏ đi với người đàn bà khác thì chị lại kiếm một gã khác. Hết tiền, chị lao vào những vụ buôn hàng lậu ở biên giới để có tiền nuôi người tình hòng thỏa mãn mục đích trả thù đời! Khi tiền hết thì tình cũng hết. Chị bỗng thấy mình bị mắc kẹt trong con đường cụt.

Tình chi mấy chàng trai bao. Họ như cái gậy của thằng ăn mày, chỗ nào chọc vào được là cứ chọc tưới sượi. Thả vài câu cợt nhả, mất mát chi. Như thả một mồi câu, phúc ra thì vớ được cá lớn. Một anh chuyên làm cục kê cho các bà…trả thù chồng đã khơi khơi kể lại một trường hợp anh mới gặp. Người đàn bà tên Thu, thấy anh bắt mắt, gạ gẫm: “Hôm nào mình đi Tam Đảo chơi đi!”. Anh thanh niên ỡm ờ: “Em thì chẳng sao. Chỉ ngại cho chị.”. Một thoáng buồn qua nét mặt, bà Thu bỗ bã: “Lão ấy nhà chị suốt ngày la cà quán nhậu với mấy con ranh. Chị sống chết ra sao, quan hệ với ai lão cũng chẳng quan tâm. Tiền thì ai cũng cần, nhưng khi đầy đủ rồi người ta chỉ cần tình. Chị bây giờ chỉ thiếu tình thôi!”

Chuyện chả chuyện nem càng ngày càng gay cấn trong một xã hội mở. Thời thế đảo điên làm tâm hồn con người điên đảo. Họ thành một đám đông. Họ tìm tới nhau, chơi thành nhóm, lập hội đàng hoàng! Họ ăn nem cho vui vậy thôi! Tên cái hội không có môn bài này là “Hội Những Bà Vợ Vui Vẻ Thế Kỷ 21”. Hai bà hội viên đang làm đầu trong một tiệm uốn tóc thuộc hạng sang trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Sài gòn, đấu hót với nhau. Trông chỉ trạc chừng 30 tuổi, bà A dục cô gái đang làm móng tay:

“Nhanh lên em! Nửa tiếng nữa “lão già” tới đón chị đó”.

Bà B đang làm tóc, quay sang hỏi:

“Bữa nay hẹn sớm vậy?”

“ Ừ, tối nay ông xã tôi về”.

Toét miệng ra cười, bà B hỏi tiếp:

“Lão già ấy biết không?”

Tiếng bà A cười khúc khích:

“Biết nên mới làm mình làm mẩy, đòi…đền bù đây nè!”

Hai người cười khoái chí. Bà A hỏi lại:

“Còn kép của bà sao rồi? Sao hai tuần nay không thấy bà nhắc đến vậy?”

“Thì cũng đang giận lẩy đó! Ông xã tui hồi này ít đi công tác, làm sao gặp “cha kia” thoải mái được! Kệ! Mỗi ngày gọi điện an ủi chả, vài bữa lên gặp một hai tiếng để chả đỡ eo sèo. Chừng nào ông xã tôi đi thì đâu lại vào đó, lo gì!”

Đoạn đối thoại trên không phải do tôi hư cấu mà là những gì phóng viên của báo Thanh Niên nghe được viết lại trên báo. “Triết lý” của những hội viên…vui vẻ này được ghi nhận như ri: Niềm vui giúp tuổi trẻ kéo dài, trò ăn vụng khiến cuộc sống hôn nhân không nhàm chán, bởi sau khi vui chơi với kép, mình sẽ thương yêu, chiều chuộng chồng hơn. Phải khẳng định chồng con là nền tảng, kép chỉ là hoa lá cành, không được mê mệt kép mà quên bổn phận với chồng. Cũng giống mấy ông đi tìm của lạ thôi, điều gì đàn ông làm được, đàn bà cũng làm được!

“Triết lý’ nem này có thuận nhĩ không, tôi muốn mang ra hỏi ông thánh Phêrô. Nhưng vì chưa có dịp tiếp cận vị thánh tay cầm chìa khóa cửa Thiên đàng này nên tôi chỉ đoán mò. Không hiểu các bà hội viên của hội “Những bà vợ vui vẻ thế kỷ 21” này có được đôi patin không, hay đành phải cuốc bộ!

Vui vẻ hay không vui vẻ, thấy nem vẫn cứ thích nếm. Trong cuốn trường thiên tiểu thuyết “Bể Dâu” vừa trình làng của nhà văn Nam Dao, cô công an tên Mai, đang công tác gác bệnh xá tại một trại cải tạo, có chồng cũng là một Trung úy Công An, khoái giọng ca của một tù nhân tên Dũng. Cô biết đàn và thích hát, nhất là hát nhạc Trịnh Công Sơn. “Nghe Dũng hát, Mai bỗng có cái ý ngồ ngộ, là nếu Dũng mà hát nhạc Trịnh Công Sơn thì chắc…cực kỳ. Ông Trời khéo chiều Mai. Dũng bị đau ruột thừa phải vào nằm bệnh xá. “Ông thầy” nói không cần mổ, chỉ tiêm trụ sinh, sau cần mới chuyển Dũng đi bệnh viện Vĩnh Yên. Quả thế, chỉ ba ngày sau thì Dũng đi lại được, và Mai đã học xong ba, bốn bản nhạc vàng, nay thôi “như cánh vạc về chốn xa xăm” mà bắt đầu ‘ta xô biển lại sóng về đâu?” Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng Mai bị sóng đẩy, chui tọt vào lòng Dũng, ngay tại bệnh xá, đêm trước hôm Dũng phải quay về láng tù….Nếu chỉ là chuyện qua đường, chắc không còn gì đáng để kể. Nhưng lại ông Trời, lần này ông trớ trêu, khiến Mai như bị Dũng hớp hồn, ngày này qua tháng kia chỉ chờ cho Dũng bệnh lại. Nhưng Trời lần này không chiều lòng. Mai tự nhủ, xưa nay “nhân định thắng thiên” không phải là ít. Khều được Dũng, hai người đến cạnh con suối ngập đầu gối phía dưới trại, cứ năm bảy bữa có dịp là lén lút ân ái một lần”.

Nem chẳng thèm phân biệt ranh giới ta và địch. Cứ có dịp là…chén! Khi Dũng được thả về , Mai đã cất công đi tìm Dũng, vào tới vùng kinh tế mới ở tận Trảng Bom, Tây Ninh để tiếp tục giở nem ra chén tiếp. Cô công an Mai say sưa với nem “ngụy”, còn cô giáo Hạnh của miền Nam đã bất đắc dĩ phải ăn nem miền Bắc. Đang từ truyện của ông Nam Dao, tôi nhảy qua truyện của ông Trần Doãn Nho lúc nào chẳng biết. Cô giáo Hạnh là nhân vật chính trong cuốn “Dặm Trường”. Là một nhà giáo hiền lành, yêu chồng con, Hạnh phải lao vào cuộc sống sau biến động 1975. Cô đi buôn đường dài. Thân gái dặm trường, cô đã trượt dài, bất đắc dĩ phải đem thân xác ra đổi lấy những dễ dãi trên đường chuyển hàng. Qua tay hết anh công an này tới anh cán bộ khác, cô phản bội chồng bằng thân xác, và chỉ bằng thân xác. Hoàn cảnh đẩy đưa biến cô giáo thành một người đàn bà dạn dầy trơ trẽn.

“Hạnh nhìn ông ta van vỉ:

-Anh hứa với em một lời đi. Rồi cái gì…cái gì…em cũng chịu hết.

Người đàn ông cười, nụ cười thoải mái nhất mà nàng nhìn thấy từ khi bước vào đây.

-Cái gì là… cái gì?

-Dạ, bất cứ cái gì anh thích. Em nói thiệt. Nàng lại cười duyên, mắt nhìn càng tính tứ hơn:

-Anh hứa với em đi anh.

-Chị cứ về đi, mai hãy tính.

-Hay là anh cho em địa chỉ đi, em ghé nhà anh. Người đàn ông xua tay:

-Đâu có được. Gay lắm.

-Hay là mình…mình hẹn một chỗ nào khác đi. Bất cứ chỗ… chỗ nào…em cũng đến được.

Người đàn ông im lặng,vẻ suy tính. Hạnh nhìn chăm ông ta và bắt gặp trong đôi mắt đục một tia sáng bất chợt lóe lên. Một sự kích động? Một niềm vui? Một ao ước? Đôi mắt chuyển động qua lại, chợt nhìn nàng rồi chợt quay đi.

-Hay là…hay là… như thế này. Nhưng không, không được đâu.

Hạnh chồm người lên bàn. Thấy bàn tay người đàn ông đang úp giữa bàn, kế bao thuốc, ngón tay trỏ gõ gõ trên mặt kính, nàng đặt nhẹ bàn tay mình lên. Thật dịu dàng. Nàng chạm phải một cái gì thô nhám. Dường như ông ta giật mình. Nàng nghĩ ông ta sẽ rút bàn tay lại. Không, ông ta vẫn để yên. Hạnh tiếp:

-Anh, anh giúp em. Em biết anh giúp là được mà.

-Gay lắm, chị. Đang mùa chiến…à không đang lúc có khó khăn. Hạnh vuốt ve bàn tay người đàn ông:

-Anh. Hứa với em đi. Em biết anh làm được mà. Người đàn ông rút nhẹ bàn tay, cố tránh nhìn Hạnh:

-Thôi được, chị à…cô… em cứ về đi, để anh…anh…anh… tính. Ở đây lâu không hay. Ngày mai, để xem, ngày mai, anh có họp buổi sáng. Có gì, chiều mai…Mà em ở đâu?

Hạnh khổ sở:

-Em cũng chẳng biết em phải ở đâu nữa. Em hiện giờ tứ cố vô thân. Khổ thật! Hay anh giúp em luôn đi. Anh ở mô…em…ở nấy, có được không anh?”

Có phải là nem không? Nem chi mà đẫm nước mắt! Không, đó chỉ là thân phận người đàn bà quay cuồng trong thuở trời đất nổi cơn gió bụi!

09/2007