Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

DỊ

Chuyện xảy ra ngay trước mắt tôi. Bà bạn tôi ở Vancouver biết rất rõ là mình không kham nổi một múi mít. Đã nhiều lần mít làm khổ bà. Bữa đó, nhân tôi sang chơi, thấy mít ngon và rẻ nên mua về nhà bà ăn. Tôi đâu có biết mít có mối thù thâm sâu với bà! Nhìn mọi người ăn, múi mít vàng ngậy thơm như…múi mít, bà cầm lòng không đậu. Bà muốn thử lại xem mối thù của mít có giảm đi không. Ông chồng bà rối rít can ngăn. Nhưng bà tỏ ra là dân chịu chơi. Một múi ăn thua chi! Vậy mà ăn thua. Vừa nuốt xong múi mít, mặt bà bỗng sưng phồng lên, đỏ gay. Ông chồng cuống quít tìm nước giải…độc. Miệng ông không ngớt thở than. Anh đã bảo mình rằng đừng / Mình háy mình nguýt mình ăn ngay vào ? Bây giờ cái mặt…tào lao!

Bà bạn tôi bị dị ứng. Dị ứng của bà là dị ứng hạng sang vì mít ở Canada rất đắt tiền. Có nhiều người bị dị ứng…bình dân hơn. Như dị ứng đậu phọng, hạt dẻ, mè. Toàn những thứ rẻ rề! Hoặc sữa, trứng gà, hải sản, đậu nành, bột mì. Cũng còn rẻ hơn mít. Dị ứng sang như vậy mà bà bạn tôi còn cự nự. Tại sao mọi người ăn được mà tôi ăn không được! Số trời đã định vậy thì đôi co làm chi cho…dị! Người không dị ứng thì nhiều, người dị ứng thì ít, bà thuộc vào số ít. Rất quý! Được trời chọn. Vậy thì còn kêu ca nỗi gì!

Tôi thuộc dân cầu bơ cầu bất, trời không chỉ mặt, nên thứ gì người ta ăn được thì mình ăn được. Số đông dân chúng trên trái đất này đều như vậy. Tại Canada chỉ có từ 2% đến 3% bị dị ứng thực phẩm, đa phần là dị ứng đậu phọng. Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 150 người qui tiên vì dị ứng thực phẩm, trong số đó có 50 người chết vì dị ứng đậu phọng. Dị ứng chi mà đưa đến tử vong? Đó là dị ứng quá nặng đưa đến co thắt đường hô hấp, phù cuống họng đưa đến rối loạn hô hấp, suy huyết áp, mất ý thức. Thường thì nhẹ hơn như cỡ: nổi mày đay, ngứa hoặc lở loét da, sưng môi, mặt, lưỡi, họng, thở khò khè, xung huyết mũi, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt, choáng váng hay ngất xỉu. Toàn những thứ khó thương.

Nhân vật Thái trong truyện ngắn “ Xuân Bất Tái Lai”của tác giả Nguyễn Trung Tây còn khổ vì dị ứng hơn bà bạn tôi. “Trời lạnh. Người tự nhiên nổi sần sượng, ngứa. Ngứa gãi sướng tay sướng chân. Cứ thế mà gãi. Càng gãi những vết sần sượng càng đỏ tươi, nhìn như ghẻ, nhìn thấy sợ, nhìn thấy ngán. Lấy lotion bôi. Da bớt khô nhưng vẫn nứt ngang nứt dọc tương tự như ruộng lúa vào một ngày nắng hạn, như đường đèo bới ngổn ngang của những con cái ghẻ”. Bởi đâu mà Thái có những ruộng lúa, đường đèo trên người vậy? Anh đi khám bác sĩ. “Ông Bác sĩ nói: “Ông bị dị ứng với thịt bò. Ông càng ăn thịt bò, ông càng bị ngứa”. Thái trợn tròn mắt: “Bác sĩ nói sao chớ cả đời tôi ăn thịt bò mà có thấy chi đâu?”. Không nói chi, ông Bác sĩ lật hồ sơ cá nhân của Thái lên, cười nhếch mép, chậm rãi nói, giọng hơi đểu: “Ông năm nay bốn mươi mốt tuổi, tuổi đã toan về già. Ông còn ăn thịt bò ông sẽ còn ngứa dài dài. Ông nhìn những vết mề đay nổi đầy trên người đi. Ông tiếp tục ăn thịt bò, có ngày mất mạng. Ông trên bốn mươi rồi, tôi đề nghị kỳ tới lấy hẹn đi khám prostate đi.”. Hóa ra anh thịt bò cũng gây ra chuyện. Tôi bỗng thấy mềm người. Tôi vốn không phải tuổi con bò nên rất khoái ăn thịt bò. Phở thì vừa tái vừa nạm. Hết một tô thì còn thêm một tô tái nước chỉ có thịt bò. Trong thâm tâm tôi cứ nghĩ rằng thịt bò phục hồi sinh lực. Càng già càng phải…bò. Vậy mà chơi nhau một cú ngang xương dị dị ứng ứng như thế này, sống sao nổi? Nhịn mít còn được, nhịn thịt bò: no way! Từ ngày được ông Nguyễn Trung Tây tiết lộ thứ dị ứng thịt bò, mỗi lần ăn thịt bò cứ phải nghe ngóng trong người. Mệt!

Nghe ngóng trong người? Khi cơ thể tiếp xúc với một chất gây dị ứng, nó sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra trong máu một loại kháng thể đặc biệt gọi là Immunoglobuline E (viết tắt là IgE). IgE sau đó sẽ nằm vùng trong tế bào mastocytes vốn là thành phần của một mô liên kết nằm dưới da cũng như tại các vùng niêm mạc. Đó là lần cơ thể tiếp xúc lần đầu với chất dị ứng. Sau đó, nếu chất dị ứng đó mon men đến nữa, cơ thể sẽ báo động, kháng thể IgE sẽ dễ dàng nhận biết…kẻ thù và khơi mào cho tế bào mastocytes xua các hóa chất trung gian ra. Chất quan trọng nhất là histamine. Chính histamine chạy tới các mô, bám vào các thụ thể H1 hiện diện hầu như khắp nơi trong cơ thể để gây ra các phản ứng viêm sưng, tăng sức thẩm thấu của các mạch máu nhỏ, làm đỏ da, gây phù thủng, ngứa ngáy, chảy nước mắt nước mũi, khó thở..v..v.. Ngoài ra , một loại thụ thể khác là H2 nằm trong dạ dày có nhiệm vụ tiết ra chất acid chlorhydric.

Dị ứng thực phẩm, nếu nhẹ thì chỉ cần dùng thuốc chống histamin để ngăn chặn sự bài tiết histamin của hệ miễn dịch. Lười dùng thuốc thì có thứ kem bôi ngoài da giúp giảm bớt phản ứng miễn dịch. Nếu thấy choáng váng thì chuyện đã lớn. Cần chích ngay adrenalin rồi gọi 911 mang xe ò e tới mang đi cứu cấp.

Dị ứng chẳng thể chỉ vạch mặt thủ phạm là thực phẩm. Chính không khí chúng ta hít thở hàng ngày mới đích danh thủ phạm lớn. Không khí trong nhà chúng ta thường chứa rất nhiều bụi bặm đủ loại và loại dễ gây dị ứng nhất là những vi sinh vật nhỏ li ti bay theo bụi bặm trong không khí. Có bạn sẽ cãi lại: nhà tôi có máy điều hòa không khí, cửa đóng then cài kín mít, có thấy vi sinh vật nào đâu? Đã gọi là vi sinh vật thì nó li ti, mắt chúng ta làm sao mà thấy được. Những vi sinh vật này tự chúng không tạo ra dị ứng mà chính những chất bài tiết ra từ cơ thể chúng vương lại trên bàn, ghế, nệm, thảm, giường chiếu hoặc khi những vi sinh vật này chết xác của chúng tan thành bụi tiếp tục bay trong không khí mới chính là những thứ gây nên dị ứng. Nếu nhà bạn nuôi chó nuôi mèo thì lông của chúng cũng gây dị ứng. Ra ngoài đường thì phấn hoa, ô nhiễm từ các khu kỹ nghệ, bào tử mốc meo. Rồi các chất hóa học dùng trong nhà hoặc xịt trên người. Những thứ đeo trên người như vòng vàng xuyến bạc, dây đồng hồ. Rồi thời tiết thay đổi từ mùa nọ qua mùa kia. Rồi thay đổi chổ ở hay chỗ làm cũng dị ứng. Các thứ làm chúng ta dị ứng bao quanh chúng ta như một vòng vây khó thoát. Ngay cái thứ tưởng chừng như hơi thở yêu thương cũng làm khó chúng ta.

em ngồi tỉa chậu hoa xuân 
nụ còn khép cánh, hương lừng khắp nơi 
hương từ em ngát đấy thôi 
lòng tôi dị ứng suốt đời nhớ nhung 
(Luân Hoán)

Thứ dị ứng nhớ nhung trong lòng của ông nhà thơ Luân Hoán ra sao thì quả thật chỉ có ông cảm thấy. Dị ứng trên đầu thì rất nhiều người biết nếu họ xí xọn nhuộm tóc. Nhuộm tóc vì muốn níu kéo xuân thì hay nhuộm tóc vì theo mốt cũng như nhau. Thuốc nhuộm tóc là một tổng hợp các hóa chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe mà dị ứng là nguy cơ trước mắt. Vậy mà ngày nay trăm người thì chín mươi chín người chơi thuốc nhuộm tóc. Người còn lại là…tôi! Thực ra bên cạnh tôi còn ông Từ Công Phụng. Nhưng khi tôi đang viết bài này thì chàng gọi phôn qua báo cáo là vừa mới bị đè đầu ra nhuộm lần đầu, tóc tai làm mình lạ với mình. Vậy là tôi cô đơn! Chẳng phải vì tóc tôi không đáng nhuộm, cũng muối tiêu như ai, càng về chiều càng ăn mặn nên càng nhiều muối. Nhưng tôi thích sống thuận theo mệnh trời. Trời bảo sao thì dạ theo đó. Bởi vậy nên trời thưởng: ai hỏi cũng đều có thể vênh mặt lên mà phán. Thưa đây là thứ gin 72 phần dầu! Còn 99 phần trăm người có nhuộm tóc gồm già trẻ lớn bé từ 13 đến 113 tuổi. Nhỏ thì chơi màu, phất phơ vài lọn khi tím khi đỏ, khi nâu khi vàng, lớn thì chơi…đen cứ như đời chưa bao giờ bạc! Bà giáo Trần Thị D. ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, năm nay đã 70 tuổi, than thở: “ Tôi bắt đầu bị ngứa sau một năm nhuộm tóc, nhưng chỉ gội đầu hai lần là hết ngứa. Mới đây tôi được cô con dâu gửi cho thuốc nhuộm tóc Revlon từ Mỹ về, trước tôi đã từng dùng thuốc nhuộm của Hàn Quốc, Nhật, Đức… Hai lần đầu dùng thuốc mới tôi cũng bị dị ứng nhưng đều nhẹ. Đến lần thứ ba, thứ tư thì bị nặng. Mặt và đầu sưng vù, hai mắt sưng húp, tôi bị ngứa hết hai hàng mi mỗi sáng ngủ dậy, nước mắt chảy ra, mụn nổi đầy mặt như lên sởi, mặt lúc đỏ lúc đen, hai tai chảy nước suốt ngày”. Ông doanh nhân Lê Tiến T., 68 tuổi, dùng thuốc nhuộm tóc của Nhật hơn chục năm nay không sao, lần này sau khi nhuộm ông bị dị ứng nặng. “Ngủ dậy tôi thấy mặt mình to béo, hai mắt sưng vù, da đỏ như gà chọi, ngứa đến nỗi chỉ muốn cào thịt, gãi tứa máu, đầu chảy nước vàng, nước chảy đến đâu sưng tấy đến đấy!”

Nghe hai nhân chứng nạn nhân của tóc tai…recycle phát biểu chắc nhiều người dựng tóc gáy. Nhuộm thì dị ứng, không nhuộm thì…dị òm. Ra đường cứ phất phơ tuyết trắng trên đầu xem ra như đội cả mùa đông lạnh giá. Run chết! Khổ một nỗi là theo thống kê của các cơ quan y tế thì nhuộm tóc màu đen bị dị ứng nhiều hơn nhuộm các màu khác. Sao vậy? Bởi vì những người nhuộm đen thường là những người có tuổi, sức đề kháng kém, hay có những bệnh mạn tính, hơn nữa những người này thường nhuộm trong thời gian dài và dùng loại thuốc rẻ tiền chứa nhiều nguy cơ gây dị ứng. Thì ra tiền cũng quan trọng thật! Đắt tiền và rẻ tiền khác nhau cái chi chi? Khác về thành phần hóa chất trong thuốc nhuộm. Trong bất kỳ loại thuốc nhuộm tóc nào đều có hai lọ riêng biệt nhau, một lọ thuốc màu và một lọ thuốc pha hay là thuốc trợ (hydrogen peroxide). Chính cái anh thuốc trợ này mới là đất làm ăn của anh chàng dị ứng. Đây là một chất oxy hóa rất không tốt cho sức khỏe của người sử dụng nhưng lại là căn bản của thuốc nhuộm tóc. Bởi vì nó là chìa khóa mở lớp biểu bì cho phép các chất màu nhuộm thấm sâu vào chân tóc và không bị phai màu sau nhiều lần gội. Nghiên cứu khoa học gần đây cho biết là chính chất PPD (paraphenylenediamin) trong thuốc nhuộm là thủ phạm gây ra dị ứng.

Mới chỉ có tí hóa chất trên tóc đã làm phấn khởi anh dị ứng, vậy thì những công nhân làm trong các nhà máy kỹ nghệ có dùng hóa chất thì sao? Dĩ nhiên là có hại, nhiều phần là dị ứng, nhưng thường thì quen đi. Một anh bạn tôi, sang tới đây, nửa đời nửa đoạn, phải xin vào làm trong một hãng nhuộm vải để nuôi con. Mới làm được nửa giờ, mặt mũi anh sưng vù, khó thở, đành bỏ job, chuyện sinh kế tính sau. Một anh khác, mới đụng vào một hỗn hợp hóa chất để làm cho vải mềm mại thì cả người nổi lên những mụn đỏ li ti. Nói chi đến những nhà máy chuyên chế tạo các hóa chất!

Mùa xuân năm 1990, cậu bé Kevin Ryan, 11 tuổi đã có mặt trong cuộc họp của tiểu ban Thượng Viện Hoa Kỳ về bảo vệ môi trường với tư cách nhân chứng. Từ khi gia đình cậu có một người hàng xóm mới, nhân viên của một công ty chuyên chế tạo chất diệt trừ sâu bọ, thì tay chân cậu bị tê dại, các khớp xương bị đau, ngực tức tối, thỉnh thoảng cậu còn bị tiêu chẩy và nôn ói. Tình trạng khó chịu này kéo dài cả tháng trời không hết. Trong cuộc họp, các Nghị sĩ đã không đồng ý được với nhau. Người thì tin là cậu bé nói thật, người thì nghi là cha mẹ cậu bé bầy chuyện để moi tiền của hãng bảo hiểm. Các chứng liệu của bác sĩ cũng không xác định được cậu bé mắc bệnh gì. Cho tới khi đại diện của hãng hóa chất nơi người hàng xóm của cậu Kevin làm việc được mời ra trình bày. Người này vừa ngồi xuống cạnh cậu bé, lập tức cậu thấy khó thở và dần dần ngất xỉu. Bác sĩ có mặt trong phiên tòa xác nhận cậu Kevin bị dị ứng cấp tính kéo theo sưng phù cổ họng và tăng nhanh nhịp tim. Cậu được cứu khẩn cấp. Nếu không cậu có thể mất mạng vì ngạt thở! Chuyên gia về dị ứng xác nhận trong buổi họp là cậu bé bị dị ứng do mùi bốc ra từ quần áo của nhân viên hãng hóa chất.

Thân thể con người cũng là một nhà máy sản xuất hóa chất. Nói cho to chuyện vậy thôi chứ thực sự, theo y học, thì có những trường hợp lẻ tẻ khi một người mang theo mình pheromone nhận từ người khác và các chất này có thể gây dị ứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người thứ ba. Chúng ta có một thí dụ bi thảm về trường hợp người dị ứng người này. Sviatoslav, 50 tuổi, lăng nhăng với một đồng nghiệp trẻ dạy tiếng Đức tên Kachia. Mối tình ngoài lề hôn nhân của họ ngày càng sâu đậm. Sviatoslav thường đi sớm về khuya. Ông giải thích với bà vợ Lena là ông đang soạn luận án tiến sĩ nên rất bận rộn. Cứ mỗi lần ông…soạn luận án về là Lena lại cảm thấy rất mệt mỏi và ho khủng khiếp. Ngày nào mà ông về sớm, không làm “luận án” với tình nhân thì Lena thấy dễ chịu hơn. Bác sĩ khám bệnh cho Lena kết luận là cô bị hen suyễn nên cho dùng thuốc suyễn thường xuyên. Thứ suyễn của Lena là do bị dị ứng về thứ gì? Các chuyên gia về dị ứng cố mầy mò cho rõ nguyên nhân. Họ mời ông chồng Sviatoslav tới để xác định một số chi tiết. Họ hỏi ông có thay đổi nước hoa, hoặc đổi công việc, hoặc trong chỗ ông làm có sửa chữa phòng ốc gì không? Không tìm thấy gì khả nghi, các chuyên gia bèn yêu cầu ông kể hết mọi thay đổi trong cuộc sống vào thời gian gần đây nhất. Ông chồng này chắc thuộc hạng thật thà có cầu chứng tại tòa nên kể sơ sơ về những liên lạc gần đây với cô giáo dạy tiếng Đức mới tới làm việc. Bác sĩ lập tức xoáy vào mục tiêu mới này. Họ đề nghị ông đưa cô giáo trẻ Kachia tới cho họ gặp. Thật vớ vẩn! Ông nghĩ như vậy nhưng vẫn đưa cô Kachia tới. Chuyện cũng chẳng đi đến đâu.

Trong khi đó thì một giọng phụ nữ báo qua điện thoại với bà vợ Lena là ông chồng của bà đang tù ti với cô Kachia. Cơn ghen nổi lên, bà này vội phóng tới phòng làm việc của chồng. Bà không gõ cửa mà xộc vào ngay hy vọng bắt được quả tang cả chả lẫn nem. Trong phòng khi đó chỉ có nem là Kachia. Vừa thấy mặt Kachia, mặt Lena nhợt nhạt, xanh xao. Hơi thở nặng nề, khó khăn. Bà không thể đứng vững được mà phải dựa người vào một lưng ghế. Sau đó Lena quỵ xuống và nổi cơn ho từng chập. Kachia vội chạy ra ngoài gọi cấp cứu. Khi bác sĩ cấp cứu tới thì Lena đã chết. Nguyên nhân: sốc dị ứng đột ngột dẫn đến phù và ngạt thở! Tên chuyên môn y khoa của loại phù này là phù Quincke. Hiện tượng phù này thường dẫn đến sốc dị ứng với cảm giác căng trên mặt, môi, mi mắt, tai, lưỡi, khí quản bị phù dẫn tới mức bị ngạt. Trong trường hợp của Lena, nguồn gốc của chất gây dị ứng xuất phát từ Kachia. Nếu có cứu cấp kịp thời thì Lena cũng chết vì bà bị dị ứng từ tác nhân trực tiếp. Bài học rút ra từ trường hợp này là nếu các ông chồng có hoa lá cành thì nhớ phải chọn người có pheromone không gây dị ứng cho vợ. Nếu có gây dị ứng thì phải đổi…pheromone khác nếu không muốn mang tội sát nhân!

Có một thứ dị ứng mà chúng ta thường gặp tuy không xảy ra chết chóc nhưng rất phiền cho lỗ mũi của chúng ta. Thứ dị ứng này ai cũng có thể ban phát cho người khác mà mặt không hề đỏ vì nó thuộc dạng…chui. Thôi, không loanh quanh nữa. Tôi mời cụ Tiên Điền về giúp tôi giải mã. Đây là nguyên văn hai câu thơ trong truyện Kiều.

Trông theo nào thấy đâu nào 
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.

Tôi phải thưa ngay với cụ Nguyễn Du là tôi vô tội. Cụ nói chuyện hồn ma Đạm Tiên bye bye với nàng Kiều trong giấc mơ mà nhiều người trước tôi lại hiểu là cụ muốn giỡn vui với lũ hậu sinh. Tôi có cái tật ham giỡn nên a-dua theo. Cụ có khiển trách thì xin chừa tôi ra. Để tôi còn đi tìm nhà văn Võ Phiến. Ông nhà văn họ Võ là một người thật thà. Nói như Nguyễn Bính, ông là một người chân quê. Cứ có sao nói vậy người ơi! Ông hồn nhiên kể chuyện về cái thứ mà tôi đã coi là thứ dị ứng phổ thông nhất trong chốn nhân gian. Bên Á cũng như bên Âu. “Năm 1987, trong một tiệm chạp phô ở ngoại ô Portland (Oregon) có thầy từng khậu này kiện thầy từng khậu kia, đòi bồi thường trăm nghìn Mỹ kim. Lý do là thầy kia cứ cố tình phát trung tiện trước mặt thầy này, làm cho thầy này cảm thấy bị hạ nhục, thấy tâm thần bị thương tổn trầm trọng. Ngược lại, thầy kia nhất định viện dẫn quyền tự do “phát biểu” được ghi trong tu chánh án của Hiến Pháp để bào chữa hoạt động chính đáng của mình..” ( Kiện Cáo).

Động tới chuyện kiện cáo có viện dẫn Hiến Pháp thì tôi chịu thua. Tôi vốn…dị ứng với những thứ rắc rối này. Không dám…phát biểu chi cả!

07/2007