Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NGHỀ

Nói tới nghề chúng ta thường nghĩ tới chuyện làm ăn đứng đắn, bền vững. Nghề gì ổn định, chắc chắn là nhào vô. Nghề gì lang bang nay có mai không thì chê. Theo lối nói đúng sách vở thì chúng ta thường trơn miệng cho rằng nghề nào cũng tốt miễn là chính đáng. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Cứ thành thạo một nghề là OK, cuộc đời đỡ vất vả. Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu. Đó là câu tung hô sự bình đẳng của nghề nghiệp. Dĩ nhiên nghề nào phải khổ công học, mất nhiều thời gian huấn luyện hơn thì sẽ được hưởng nhiều quyền lợi vật chất hơn. Điều đó là đương nhiên. Chi ra nhiều thì phải thu về nhiều chứ!

Nghề có thứ chính thống, có thứ không chính thống. Chính thống là những nghề thông thường, có nhiều người làm, nói lên cái tên là ai cũng biết liền nó là cái chi chi. Nghề không chính thống thì…lang bang hơn. Đó là những thứ nghề lạ. Chẳng ra cái nghề ngỗng chi! Như nghề của bà Svetlana Pavlovna Nhikiforova.

Bà Svetlana năm nay đã 67 tuổi nhưng vẫn còn ăn diện lắm. Móng tay cắt tỉa bôi xanh bôi đỏ rất cẩn thận, tóc giả rất mốt, mặt mũi son phấn rực rỡ. Bà làm việc tại trạm dịch tễ Kharcov ở Ukraina. Trông thấy bà mặc áo choàng trắng ngồi nơi bàn làm việc, ai cũng tưởng bà là một nhà nghiên cứu. Thực ra bà làm nghề…thực phẩm cho côn trùng. Phòng thí ngiệm của trạm dịch tễ Kharcov chuyên nghiên cứu về khả năng truyền bệnh và sức chịu đựng của các côn trùng đối với các loại thuốc. “Thân chủ” của bà Svetlana là các chú ve. Không biết ve loại gì. Có giống như loại ve chó chúng ta thường thấy không? Loại ve này có liên hệ đến căn bệnh lao đang phát triển tại địa phương. Sức đề kháng của chúng rất cao, dễ dàng tiêu hóa các loại thuốc. Công việc của bà Svetlana là ngửa tay ra cho những chú ve này hút máu hàng ngày để nuôi chúng sống! Chúng được đặt vào một vòng kim loại có thành cao, gắn trên da tay bà Svetlana để cho chúng hút máu. Ngày nào như ngày nấy, không một ngày nghỉ , kể cả các ngày lễ tết. Bà đã nuôi đám “con mọn” này được 13 năm rồi. Người “tiền nhiệm” của bà thì đã làm công việc lạ lùng này được tới 20 năm. Các chú ve thí nghiệm này chỉ hút máu của người khỏe mạnh. Người nào có uống hoặc chích thuốc là bị ve chê! Có một lần, bà Svetlana bị đau và nhờ người hàng xóm thế. Thuyết phục mãi người này mới nhận. Bà này trước đó có dùng thuốc mà không ai biết. Khi cho ký sinh trùng hút máu, người bà ta phồng rộp lên phải đi cấp cứu trong khi đám ký sinh trùng nằm ngửa bụng ra hết. Các chuyên viên phải tìm đủ cách mới hồi sinh được!

Trước khi nghỉ hưu, bà Svetlana là một công nhân trong một nhà máy. Về hưu có nghĩa là thu nhập kém đi, bà đã tới trạm dịch tễ xin làm thêm để kiếm thêm chút đỉnh. Trạm dịch tễ mướn được bà như bắt được vàng. Bà có đủ các “đức tính” cần thiết cho công việc: có bằng sơ cấp y khoa, tận tâm, không ghê sợ ký sinh trùng. Cỡ tôi thì xin kiếu! Chắc bạn cũng vậy. Chỉ giơ tay cho y tá chích cũng đã khổ sở rồi, lấy đâu…can đảm để cho lũ ngọ nguậy chúng sục sạo vào da thịt ngày này qua ngày khác! Có những ngày mùa đông, trạm xá bị cúp điện, bà phải mang lũ ve về nhà cho ấm. Chúng phải sống trong những chiếc hộp đặc biệt được giữ ở nhiệt độ cơ thể con người, có độ ẩm cao. Có lòng với…con cái như vậy nên trạm xá rất cần bà Svetlana. Bà vừa ngỏ ý muốn nghỉ việc vì tuổi già sức yếu thì trạm xá đã tìm đủ cách để thuyết phục bà ở lại. Dễ chi tìm được người làm công việc dựng tóc gáy này!

Vậy mà không khó! Tại Sài gòn có đội săn bắt muỗi thí nghiệm gồm nhiều người tham gia. Nghề của họ còn vất vả hơn nghề của bà Svetlana. Họ làm việc cho Khoa Côn Trùng thuộc Viện Sốt Rét, Ký Sinh Trùng và Côn Trùng. Công việc của họ là ngồi phơi chân dụ cho muỗi cắn! Họ phải di chuyển đi khắp các vùng muỗi mằng từ Lâm Đồng đến Cà Mau để săn muỗi. Trung bình một chuyến đi săn kéo dài từ vài tuần đến vài tháng với một ê-kíp gồm khoảng 5 hoặc 6 người. Đêm đêm, từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau, họ thay phiên nhau ngồi giơ chân ra cho muỗi đốt. Thường thì là muỗi độc. Khi chúng đốt phải ngồi yên chịu trận chờ đến lúc chúng say máu mới dùng ống nghiệm bắt lấy từng con. Cứ mỗi giờ làm việc, họ ngồi 45 phút, sau đó nghỉ 15 phút để…gãi! Đủ thứ ngứa. Một tay…hiến máu kỳ cựu đã thổ lộ: “ Cực nhất là ca từ 12 giờ khuya tới 3 giờ sáng vì đó là thời điểm cơ thể đã mỏi mệt mà vẫn phải canh me bắt muỗi. Chưa kể còn bị côn trùng khác chui vào tóc, tai, cổ cắn tới tấp, rất khó chịu. Khi nào bị kiến, bọ nhọt hay bù mắt cắn mới sợ, xót và nhức lắm!”. Bù mắt là nỗi…đau thương nhất của những tay săn muỗi. Càng gãi càng nổi mẩn, rửa thì chỉ có nước phèn nên chân sưng đỏ lên rất thê thảm.

Đưa chân ra câu muỗi sốt rét như vậy họ có bị sốt rét không? Có là cái chắc! Có người bị đi bị lại tới mấy lần. Nhất là đi vùng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Có lần cả nhóm dính sốt rét, phải uống thuốc như điên, có người suýt chuyển sang sốt rét ác tính. Nguy hiểm như vậy tại sao không kiếm ra phương cách khác để bắt muỗi thí nghiệm? Không được! Mồi người là cách chính xác nhất để đánh giá mật độ và tính thích đốt người (ái tính) của muỗi. Một số phương pháp khác như dùng mùng hai lớp ( người nằm trong lớp trong), bẫy bằng đèn chẳng hạn nhưng hiệu quả không cao bằng. Cứ giơ chân ra là tốt nhất! Các tay săn bắt muỗi này, người nào cũng thuộc nằm lòng tên các loại muỗi hơn tên tình nhân! Họ có thể chỉ liếc mắt sơ qua là biết được muỗi đực hay muỗi cái!

Có ai muốn làm nghề dụ muỗi này không? Chắc các bạn cũng như tôi, lắc đầu là cái cẳng! Cực gì mà cực ác. Vậy mà những người đã quen nghề cũng tìm thấy cái thú vị của nghề. Như cô Thảo Hiền, có bằng Cử Nhân, đã có những nhận xét khá bất ngờ: “Đôi lúc cực thật đấy, nhưng bù lại có cơ hội đi đến nhiều vùng đất khác nhau, xem như một hình thức đi du lịch không tốn tiền, lại vừa có cơ hội tích lũy thêm nhiều kiến thức.” Du lịch với…muỗi như vậy, không khá!

Với chuột thì có khá hơn không? Tiền thì có khá. Thỉnh thoảng người ta bắt gặp trên internet những mẩu quảng cáo rất hấp dẫn nhắm tới sinh viên, các cái bang nghiện ngập hay các người mới nhập cư. Mới đây, hãng Parexel rao qua hệ thống SMS cho biết họ cần người làm…chuột bạch trong ba ngày hoặc một tuần. Tiền thưởng là 1300 đô Mỹ cho 3 ngày hoặc 2000 đô cho một tuần. Dĩ nhiên họ tuyển được ngay đủ số “chuột bạch”. Theo nhà báo Tom de Castella mô tả trên tờ The Guardian thì: “ Họ rất thích thú khi được nằm trong bệnh viện một tuần làm vật thí nghiệm. Xong việc, họ có được một số tiền lớn để đóng tiền học Đại Học, mua máy vi tính hay chi trả cho một chuyến nghỉ trượt tuyết vào mùa đông”. Ngon ăn quá cỡ thợ mộc! Tất cả người ghi danh trong cuộc thí nghiệm của Parexel đều là sinh viên. Họ cần tiền ăn học. Anh sinh viên Raste Khan nói ngay: “Tôi muốn dành hết thời gian trong năm học chỉ để tới lớp chứ không phải đi làm bán thời gian”. Tháng 3 năm 2006, họ được tập trung tại Bệnh viện Northwick Park ở thủ đô Luân Đôn. Tám người tất cả. Sáu người được tiêm thuốc thật, hai người thuốc giả. Họ là những người đầu tiên nhận vào cơ thể thuốc TGN 1412 có công dụng chống lại bệnh bạch cầu và xơ cứng mô. Thường thì những cuộc thí nghiệm này có một mức an toàn cao vì trưóc đó họ đã dùng cho các thú vật thí nghiệm rồi. Nhưng đã là thí nghiệm thì hẳn phải có phần rủi ro. Mang thân ra làm vật thí nghiệm là tám, chín phần ăn nhưng cũng có một hai phần bù trất!

Sáu người được chích thuốc TGN 1412…bù trất! Trong khi đó hai người được tiêm liều thuốc giả phải một phen đứng tim. Mũi chích vừa hoàn tất cho 6 người thì tai nạn xảy ra. Anh Raste Khan may mắn trúng vào liều thuốc giả kể lại bằng cái giọng run rảy: “Người ngồi gần tôi nôn thốc nôn tháo. Anh ấy té nhào. Trông anh có vẻ đau đớn ghê lắm. Theo sau anh, 5 người kia cũng lần lượt té xuống như những quân cờ domino. Tất cả cùng nôn. Một người hét rú lên là rất nhức đầu và không thở được!” Cô Myfanwy Marshall, người cũng may mắn được chích liều thuốc giả kể tiếp: “Tôi đã muốn xỉu khi nhìn người ngồi cạnh. Trông anh ấy như một người voi, đầu phồng to gấp ba bình thường, chân cũng to lên. Gương mặt chuyển liên tục giữa màu hoa cà và màu vàng”.

Trên thế gian này có nghề nào…ngu như nghề chọc cho chó cắn không? Vậy mà có thứ nghề này thật! Anh Xuân Toàn giơ ra hai cánh tay chằng chịt vết răng chó, có vết còn rướm máu cho mọi người coi. Anh là huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn Luyện Chó Nghiệp Vụ 119 tại Bình Dương. Anh chuyên huấn luyện chó…câm! Có những con chó sinh ra không biết sủa và cắn. Muốn chúng thành…chó thì phải huấn luyện. Nhiệm vụ của anh Xuân Toàn là chọc cho chúng cắn. Trước hết, những chú chó im lặng này được cho ở chung với những chú chó “lắm lời”. Sau một thời gian được quan sát và bắt chước đồng bọn, những huấn luyện viên như anh Xuân Toàn mới vào cuộc. Họ đứng từ xa, tay cầm gậy gộc xua lên loạn xạ cốt để khơi dậy bản năng thú tính tiềm ẩn trong loài chó. Bị chọc giận nhiều lần thì hiền lành đến đâu cũng tức tối. Thế là chó ta xông vào mấy thằng…du côn cắn xé cho hả giận! Mấy tên chọc phá này giẫy giụa, giằng giựt, chọc cho chó thêm hung hãn. Họ lãnh thẹo là cái chắc. Có đau, có máu chảy thịt rơi chứ, nhưng lấy tiền rịt vào là hết!

Lên cấp cao hơn, chó được huấn luyện để bảo vệ tài sản cho chủ. Một chiếc xe đắt tiền được dựng hờ hững cạnh bụi cây. Một tên trộm tay cầm rựa lầm lũi bước tới gần rồi dắt xe đi. Chú chó bẹc giê bất ngờ lao vào. Cú vồ từ trên xuống của khối thịt nặng 45 kí khiến tên trộm ngã chúi nhào xuống. Không để cho quân gian kịp phản ứng, chó lăn xả cắn vào tay tên trộm, giật qua giật lại cho tới khi hắn nằm bất động, im re. Người đóng vai tên trộm là anh Mạnh Hải, giơ bàn tay bám đầy đất quệt lên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi khi bài tập vừa kết thúc. Anh tâm sự: “Nghề nào cũng có cái cực riêng. Đối với nghề huấn luyện chó phải yêu nghề và yêu những con vật khôn ngoan và có nghĩa này mới có thể bám trụ lâu dài mặc dầu biết hiểm nguy luôn luôn chực chờ!” Giơ thân xác cho chó cắn chơi mỗi ngày, anh Xuân Toàn gọi nghề của anh là nghề “làm thân cho chó nó cắn!” Cái nghề không khá được này không phải là ai cũng làm được. Phải là những người có “thần kinh thép” vượt qua được nỗi sợ hãi, nếu không chỉ một chút sơ sẩy là mất mạng như chơi! Khi đã có nhiều năm thâm niên…cẩu vụ, họ đã có một số kinh nghiệm xương máu: biết chó hay nhắm chỗ nào trên người mà cắn. Kinh nghiệm cũng dậy không bao giờ đụng vào hạ bộ của chó đực nhất là trước mặt các nàng chó cái. Thế ra vật cũng như người nhỉ! Anh Nguyễn Văn Khôi, một huấn luyện viên đã giải nghệ sau khi bị một chú bẹc-giê tấn công xơi tái hai lóng tay của ngón tay út, đã ngậm ngùi: “Làm nghề này là chấp nhận ‘đóng dấu răng’!”

Nghề nuôi rắn cũng…dấu răng vậy! Phủ kín chân tay bằng những vết sẹo do rắn cắn là nhà nuôi rắn Lê Hùng Minh của xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Năm 1992, sức khỏe yếu, anh Minh trở về quê làm lại cuộc đời. Anh đã thử nuôi cá, nuôi tôm rồi nuôi cua, nhưng nuôi thứ nào cũng lỗ. Anh xoay qua nuôi trăn với 72 con trăn giống mua hết 150 triệu đồng. Đùng một cái, giá trăn giống giảm xuống còn một phần tư, anh chạy đôn chạy đáo bán trăn con nhưng không ai thèm mua. Thất bại lớn. Anh xoay qua nuôi rắn ri voi. Chính những con rắn này đã…vẽ bông hoa trên tay chân anh bằng những vết cắn tóe máu. Anh tâm sự: “Ai cũng bảo tôi khùng!” Anh lại một lần nữa lãnh thẹo. Rắn ngả ra chết. Một tấn rắn tiêu tùng hết. Anh trở thành chúa chổm. Chỉ nguyên tiền vay đóng lãi mỗi ngày cũng hết 200 ngàn rồi. Anh như cái mền rách! Bạn bè, người thân xa lánh anh như lánh hủi. Thậm chí một ly nước uống cũng không ai mời anh. Vốn là một y sĩ quân y, anh tìm hiểu nguyên do tại sao rắn lăn ra chết…tập thể như vậy. Anh mổ xác rắn và tìm ra nguyên nhân: vì rắn là loài hung dữ nên khi bắt rắn người thợ bắt thường đập hay dí điện vào rắn. Khi bán họ lại chích nước vào thân rắn cho nặng kí. Biết để mà biết chứ tiền đâu mà…làm lại cuộc đời được nữa. Anh buồn bã đi quanh ao nuôi rắn và bỗng phát hiện ra rắn ri voi con bò ngổn ngang nơi mép ao! Đúng là trời giúp. Anh thu rắn con lại được 350 kí và quyết giữ để nuôi chứ không bán. Rắn thế hệ thứ hai này không bị đập, dí điện hay bơm nước nên sống hùng sống mạnh. Tết năm 1988, anh bán được 80 triệu đồng rắn thịt và còn giữ lại được 450 kí rắn giống. Thế là anh bén duyên với rắn. Giang sơn của anh là cái ao rộng 1800 thước vuông um tùm rau muống và cỏ dại nằm khiêm tốn ở phía sau nhà. Gia tài của anh nằm cả ở đó. Anh bán rắn giống và rắn thịt. Rắn của anh bò sang cả tới bên Trung Quốc mang về cho anh nửa tỷ đồng mỗi năm. Cho rắn cắn tay như vậy kể ra cũng đáng đồng tiền bát gạo!

Nhưng hỏi bạn có muốn làm những cái nghề…đổ máu này không, chắc bạn sẽ ngần ngại. Thứ nhát máu, nhát rắn rết, chó, chuột như tôi thì lắc là cái chắc. Chẳng dại mà dính vào những thứ rùng mình như vậy. Vậy thì ai làm những nghề…mạt hạng này? Vẫn có người phải làm. Vì lý do này hay lý do khác.

Ngày xưa làm gì có những thứ nghề…tân tiến như thế này. Những nghề bị coi là mạt hạng có thể kể nghề đổ thùng chuyên thu dọn những thứ chất thải ra của thiên hạ. Những ngày ở Hà Nội, học sinh chúng tôi vẫn bịt mũi tránh xa những người đàn bà khăn quấn tùm hụp, che mặt che mày, bịt mũi bằng những tấm giẻ bẩn thỉu, kĩu kịt gánh những gánh chất thải bay mùi xú uế, vào những buổi sáng tinh mơ. Đó là những tấm gương sống để các bậc cha mẹ, các cô các thầy răn đe học sinh học hành chăm chỉ. Nếu không thì tương lai sẽ…kĩu kịt như vậy. Họ là những tấm gương mờ tịt, gớm ghiếc. Ai mà muốn như vậy!

Nhưng những ngày tù cải tạo, chúng tôi ai chẳng có lúc đã phải khiêng những thùng phân người đi bón lúa, bón rau. Rồi cũng phải làm, cũng phải quen đi.

Trong làng trong xóm ngày xưa, nghề nào mạt bằng nghề làm mõ. Thằng mõ là người hèn hạ nhất làng xóm. Mạt hạng mới làm mõ. Vậy mà nghề này cũng…quyền thế!

Mõ này cả tiếng lại dài hơi , 
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi. 
Mộc đạc vang lừng trong mấy cõi, 
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi. 
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu, 
Làng nước ai ai cũng cứ lời. 
Thứ bậc dưới, trên quyền cất đặt, 
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.

Mạt hạng như mõ cũng oai ra gì! Dưới chế độ phong kiến tưởng ngôi thứ phân minh, trên dưới đâu ra đó, nhưng trong làng trong xã vẫn có cái chất dân chủ đượm trong tình người. Làm gì có nghề xấu! Thời chúng tôi, nhà trường đã dậy dỗ như vậy ngay từ những lúc vừa chập chững trong những năm đầu tiểu học. Chúng ta có cần ôn lại với nhau bài “Người ta cần phải làm việc” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị chăng? “Người làm ruộng có trồng trọt cầy cấy, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may quần áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên”.

Có một thời chúng ta đã được giáo dục như vậy!

10/2007