Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

ĐÁ

Đá là thứ cùng mằng lổn nhổn đầy đường, bàn chân nào buồn tình cũng có thể đá cho một cái văng tía lia. Báu gì! Nhưng đá long lanh thì lại khác. Nếu được mài giũa óng ánh thì lại khác nữa. Đó là…đời sống của nhiều người. Thường thì là phái nữ. Nhưng phái nam ngày nay cũng nhiều người muốn có những ngón tay óng ánh. Trong những lần về Việt Nam, tôi đã từng thấy những tay rủng rỉnh tiền bạc tự “khẳng định” bằng những chiếc cà rá nhận hột xoàn tổ chảng. Cục hột xoàn bự nhất tôi đã được mắt thấy là ở trên ngón tay của Út Trà Ôn từ hồi thập niên 60. Bữa đó tôi tới chơi nhà một người bạn có tiệm vàng, thấy chàng Út nhà ta đang mua gì chẳng biết. Cô bạn bảo nhỏ tôi nhìn vào cục hột xoàn trên tay chàng kép số một của cải lương miền Nam lúc đó. Cục hột xoàn cỡ hột bắp lấp lánh trên tay kéo được cặp mắt ngưỡng mộ của bao nhiêu người đứng trong tiệm lúc đó. Không có cặp mắt của tôi. Bởi vì từ hồi đó tới bây giờ cục đá có lóng lánh thì trong mắt tôi vẫn cứ là cục đá! Chẳng ham!

Anh tài xế taxi Nữu Ước Osman Chowdhury cũng giống tôi. Chẳng ham! Anh chạy xong cuốc xe cho một bà khách, nhận 11 đô tiền xe, bà khách tip cho 30 xu, khách xuống xe, anh vội lái đi tìm mối khác. Vài giờ sau anh mới phát giác ra bà khách đã để quên trong cóp xe một chiếc túi xách màu đen trong đó có một cái laptop, một số giấy tờ và…31 chiếc nhẫn kim cương! Anh tá hỏa tìm cách liên lạc lại với bà khách. Sau cả chục cú điện thoại và lòng vòng chạy xe, anh mới nói chuyện được với mẹ của bà khách nhờ có số điện thoại trong túi xách. Gặp lại được bà khách đãng trí, anh trao lại nguyên vẹn cái túi xách quý giá. Bà đề nghị tặng anh một số tiền thưởng nhưng anh không nhận. Anh cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến tiền thưởng hay bất kỳ sự đền đáp nào. Tôi không bao giờ giữ đồ của người khác. Tôi đã như vậy suốt cả đời mình!” Chuyện xảy ra vào đầu tháng 2 năm 2007 vừa qua. Vì không ham hột xoàn, anh chàng taxi 41 tuổi này bỗng nổi tiếng. Hình ảnh anh được chiếu đi chiếu lại trên các đài truyền hình Mỹ cũng như các nước khác như một tấm gương thật thà hiếm có trong thời buổi này. Ban Quản Lý Taxi và Limousine Nữu Ước tặng anh giải thưởng Thành Tựu 2007, Hội đồng Thành Phố gửi lời khen, Thị Trưởng Nữu Ước Michael Bloomberg thông báo sẽ tặng anh một phần thưởng. Không thèm kim cương thiệt, anh trở thành một viên kim cương vô giá về đạo đức và liêm khiết!

Đem chuyện anh tài xế taxi này kể cho các bà các cô nghe, nhiều người tiếc hùi hụi. Biết anh này làm như thế là đúng nhưng 31 viên kim cương chứ ít ỏi gì! Hột xoàn làm điên người lên là sự thường. Anh Divesh Borse chẳng hạn. Anh này là một dân chôm chĩa ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Anh đã đột nhập vào một tiệm bán nữ trang và chôm được một mẻ hột xoàn trị giá tới hơn một triệu đô Mỹ. Anh mang bán một phần số tài sản phi nghĩa này. Một phần nhưng cũng là một số tiền lớn. Anh tới một vũ trường trong hai đêm liền và trả hàng trăm đô Mỹ chỉ để bắt vũ trường này cho hát đi hát lại bản nhạc thuộc loại sến “Humbo Deewana Kar Gaye” (Chàng Làm Em Điên Đảo) mà anh rất thích. Tới đêm thứ ba, anh trở lại vũ trường và lại chơi mửng cũ. Khách chơi ở vũ trường chịu không nổi phản đối ầm ĩ. Để bịt miệng những kẻ không cùng một khiếu thưởng thức với anh, anh vứt ra sàn nhảy cả đống tiền giấy một ngàn rupee, tính ra tiền Mỹ thì là 22 đô mỗi tờ, cho thiên hạ nhặt chơi. Cảnh sát thấy chuyện lạ bèn chặn anh lại. Khám trong người anh mới thấy có một số kim cương ăn trộm trị giá 67 ngàn đô!

Muốn có tí hột xoàn giắt tay, người ta phải xùy tiền ra. Người ta đây có thể là người đeo hột xoàn nhưng thường thì là người không đeo. Cũng có một cách khác. Đó là tới Công Viên Kim Cương Quốc Gia Diamonds State Park ở miền nam Arkansas. Nơi đây, trong khi dạo chơi, du khách nên cúi gầm mặt xuống đất, nếu gặp may, có thể lượm được hột xoàn! Trung tuần tháng 3 năm 2007, hai bé trai sinh đôi 8 tuổi đã gặp vận may. Hai em đã lượm được một cái gì óng ánh dưới đất. Đầu tiên hai em nghĩ là một miếng mica nhưng sau đó mới biết chính là…hột xàng! Cục kim cương này còn ở dạng nguyên thủy nặng 2 carat rưỡi, có hình trái tim, phát ra ánh sáng lấp lánh rất đẹp và trị giá tới nhiều ngàn đô. Một viên chức của công viên, ông Bill Henderson đã đặt tên cho viên kim cương này là “Duncan Twins”.

Nếu làm mặt nhẫn chẳng hạn thì 2 carat rưỡi trông cũng được nhưng ai cũng thừa biết đây không có thể gọi được là một viên hột xoàn lớn. Lớn nhất thế giới trong vòng một trăm năm qua là cục hột xoàn nặng tới 603 carat lận! Tên của cục…quý này là Lesotho Promise mới được tìm thấy ở vương quốc Lesotho, một nước nhỏ ở phía nam châu Phi. Viên kim cương chi bảo này có màu trắng khá đặc biệt, hạng D, một loại màu thượng hạng trong thế giới kim cương. Cũng trong vương quốc này, vào năm 1967, người ta cũng đã tìm được một viên kim cương 601 carat. Đã lỡ nói chuyện về những thứ xịn trong làng kim cương thì nói cho hết kẻo các bà các cô không vừa lòng. Viên kim cương lớn nhất thế giới đã qua cắt gọt là Golden Jubilée, 545 carat. Viên kim cương đứng đầu thế giới về chất lượng và hình dáng là Koh-I-Noor, 600 carat. Viên kim cương tinh khiết nhất mang tên Régent.

Những thứ xịn trên chẳng bao giờ tới tay những dân làm xàm như chúng ta. Thản hoặc chúng được mang ra triển lãm thì chen vào nhìn được chúng đã mãn nguyện lắm rồi. Còn thường thì chỉ được nhìn hình trên báo chí hay truyền hình. Nằm trên tay, trên cổ hay trên tai các bà các cô thường chỉ là thứ vài carat. Nghe thì thấy nhỏ nhít nhưng có được chúng cũng không phải là việc dễ. Giá của chúng cũng ngoài tầm tay với của đông đảo chúng ta. Muốn có tí lấp lánh trên người, nhiều người đã đeo đồ giả. Cũng nháy nháy sáng sáng như ai nhưng giá trị không bao nhiêu, giá mua cũng bèo bọt. Giả ra giả, thật ra thật, phân minh như vậy là tốt. Nhưng cũng có thứ giả mà bị lộn là thật mới…oan ơi ông địa! Nhiều người không rành rẽ đã bị lừa. Thời xưa cũng như ngày nay, việc xác định đá quí giả thật phải dựa vào mắt của những chuyên gia. Ngày xưa những chuyên gia này được gọi là “biện ngọc”, ngày nay gọi là “kiểm ngọc”. Còn giám định đá quí hay kim cương theo phương pháp khoa học và bằng các thiết bị hiện đại được gọi là ‘ngọc học”. Trên thế giới có nhiều công ty chuyên giám định hột xoàn lừng danh và uy tín. Họ đã xác định thì cứ thế mà tin. Thật giả phân minh. Tại Việt Nam ngày nay có nhà ngọc học đầu tiên là Giáo Sư Địa Chất Phan Trường Thị. Có bằng Tiến Sĩ Địa Chất của Đại Học Lomonosov, từ các nghiên cứu về các công trình địa chất lớn lao. Từ khoảng 15 năm nay ông bỗng “thu nhỏ” mình lại để chuyên về các viên đá quí nhỏ xíu. Theo ông thì muốn đánh giá đá quí phải có căn bản về địa chất. Nếu không thì không thể nắm hết được cái tinh tế của ngành này. Ông đã thành lập tại một ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn, một cơ sở tư nhân chuyên đánh giá kim cương và đá quí. Nhỏ nhưng cái tên lại lớn: Viện Đá Quí – Trang Sức. Từ năm đầu của thế kỷ mới, năm 2000, Viện đã bắt đầu hoạt động với những thiết bị mới và hiện đại gồm kính hiển vi ngọc học có lắp cáp quang, đèn chiếu tia cực tím sóng dài và sóng ngắn, tới quang phổ kế và máy đo chiết suất. Ông đã bỏ ra tới 200 ngàn đô Mỹ cho những thiết bị này. Khách hàng của ông là những bóng người vội vã đi vào, vội vã đi ra. Họ là những đại gia, những dân nhiều tiền có nhu cầu mua và trữ kim cương. Doanh thu mỗi tháng của Viện khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong điều tra địa chất, Viện chú trọng vào những dịch vụ chế tác và kiểm định đá quí và trang sức. Viện cũng hợp tác với các viện ngọc học danh tiếng tại Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ và Đức.

Viên kim cương hay đá quí do khách hàng mang tới, sau khi đã được kiểm định bằng máy, sẽ được giao lại cho khách hàng trong một lớp giấy bóng cứng có in mã vạch và kèm theo một chứng thư kiểm định có ghi rõ các thông số xác minh của viên kim cương hay đá quí đó cùng với những chứng nhận pháp lý cần thiết. Vậy là khách hàng yên chí lớn. Hột xoàn của mình là đồ thật chính cống bà lang trọc! Giáo Sư Thị quả quyết: “ Nếu chứng nhận đá giả là thật thì chúng tôi sẽ phải bồi thường bằng đúng giá trị đá thật!”

Kim cương có những trái tính của chúng. Sau 15 năm kinh nghiệm giám định không biết bao nhiêu kim cương và đá quí, Giáo sư Thị đưa ra một nhận xét nghe khá trái tai: Hễ viên nào hoàn hảo, không tì vết thì đích thị là…giả! Giữa thật và giả là cả một đống tiền. Một đại gia đến đưa cho Giáo sư kiểm định một viên “dạ minh châu” được mua với cái giá khiếp đảm 500 ngàn đô Mỹ với tính năng như trong truyền thuyết “đông ấm, hè mát, đêm phát sáng”. Sau khi giám định, đó là…giả! Vị đại gia không biểu lộ một xúc động nào, thản nhiên đi ra cổng về! Một lần khác, một người mang đến cho ông một lô kim cương gồm 200 viên. Ông đưa lại với…phán quyết: hai phần ba là kim cương giả trộn lẫn vào kim cương thật! Vị khách đứng như trời trồng, mặt cắt không còn một hột máu!

Tôi đã từng có sự hồi hộp tương tự khi đến thăm một trung tâm ngọc trai tại Tokyo, Nhật Bổn. Họ có một chiếc máy kiểm định mà phần trên là một hộp kính nhỏ để thử hạt trai thật giả. Du khách viếng thăm được mời để đồ trang sức bằng hạt trai vào máy để kiểm nghiệm coi là giả hay thật. Một bà run run tháo sợi giây đeo cổ bằng hạt trai đặt vào máy. Kết quả: giả! Bà điếng người, bẽn lẽn bước ra sau, không biết có giọt nước mắt nào không. Tôi thì trang sức trang siếc gì! Cứ đứng nhìn thiên hạ khóc cười theo…giả thật, thật giả. Anh chuyên viên bỗng nhìn thấy trên cây ghim cà vạt của tôi có đính hạt trai, chỉ một hạt. Anh bảo tôi bỏ vào thử. Có mỗi một hạt thì giả thật cũng vậy thôi, vậy mà tôi cũng hồi hộp, chẳng hiểu tại sao! Khi họ chiếu tia cực tím vào, giữa hạt trai không có cái nhân nhỏ bằng hạt gạo. Thật! Giả thì có cái nhân là miếng nhựa người ta đút vào vỏ trai làm vật kích thích cho trai nhả nước miếng bao phủ.

Thật giả, trong cuộc đời chắc chúng ta đã nhiều lần phải ngỡ ngàng. Đâu là thật, đâu là giả? Hột xoàn giả thì lỗi chắc tại các bà các cô. Cứ thích óng ánh so se mới nên nỗi. Có thứ hột xoàn thật nhưng màu sắc giả! Lại còn vậy nữa sao? Kẻ gian đã dùng công nghệ phóng xạ tạo màu sắc giả cho kim cương để làm tăng giá trị lên. Thẩm định màu sắc giả hay thiệt mới khốn khó cho các nhà ngọc học. Thường thì rất khó phát hiện mặc dù đã dùng những máy móc tối tân nhất của các viện nghiên cứu của các trường Đại học. Giáo sư Thị cho biết là nhiều trường hợp ông đành bó tay vì chưa đủ phương tiện hiện đại để phân tích.

Vớ vào ngọc hay hột xoàn nhiều khi cháy tay là vậy. Ngọc hay hột xoàn đều phải qua bàn tay con người mới lộ ra vẻ đẹp. Nếu móc ở dưới đất lên bảo các bà đeo lên người chắc bà nào cũng lắc đầu quầy quậy. Ngọc bất trác bất thành khí / Nhân bất học bất tri lý. Các cụ xưa chúa là rắc rối: mang ngọc ra để răn đe người. Câu chữ Hán này đã được diễn nôm ra thơ để lũ học trò tiểu học chúng tôi, trên nửa thế kỷ trước, ê a trong các buổi học.

Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài 
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi 
Con người ta có khác gì 
Học hành quí giá, ngu si hư đời!

Khi ngọc đã được mài giũa chúng mới được dắt trên người các bậc mẫu nghi thiên hạ, các quí nương, các tiểu thư khuê các. Thường thì ngọc không dính với người. Người ta có thể tháo chúng ra khi không cần thiết. Nghe ra ngọc cũng giống người, khi hợp khi tan! Nhưng ngày nay các cô, và ngay cả các cậu, chơi đá quí cách khác. Họ gắn vào thân thể. Chung quanh chúng ta, kim cương, đá quí được gắn chặt vào vành tai, hóc mũi, môi, lưỡi cho tới xuôi nam nơi những chỗ chẳng cần nói ai cũng biết! Mốt mới hơn nữa là gắn kim cương hay đá quí vào răng. Làm sao mà gắn? Tới các trung tâm thẩm mỹ người ta sẽ lo cho hết. Bác sĩ sẽ chích thuốc tê, khoan lỗ trên răng vừa khít với đường kính của đá. Sau đó sẽ chiếu đèn halogène, phun một loại keo nha khoa để gắn chặt viên đá vào răng. Thường thì gắn các viên đá có màu tím nhạt, đỏ, hồng, xanh mắt mèo, trắng. Nhưng cũng có nhiều tay chơi thứ xịn gắn kim cương cỡ từ 2 đến 3 ly. Rồi sao ăn? Vẫn ăn được như thường. Nhưng một khi gắn vật lạ vào răng dĩ nhiên cũng cấn cái. Người nào mà răng yếu thì việc mài giũa để gắn đá có thể gây tê buốt mỗi khi ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh. Nếu đá được gắn bởi những người tay nghề không vững hoặc máy móc không tối tân thì nhiều khi chỉ qua vài lần đánh răng thì đá đi răng ở lại, nếu không gắn tiếp thì chỗ vết khoan sẽ bị đóng đồ ăn, lâu ngày sinh ra sâu răng.

Răng cỏ như vậy thì sao sực phàn được bánh ngọt…kim cương? Lại có thứ bánh quí phái đó nữa sao? Nhà hàng bánh ngọt nổi tiếng Nahid La Patisserie Artistique ở khu xi nê Beverly Hills phối hợp với nhà kim hoàn Mimi So Jewellers đã cho trưng bày cái bánh không giống ai này vào ngày 16 tháng 10 năm 2006. Đây là chiếc bánh cưới đắt giá nhất từ trước tới nay có gắn toàn kim cương. Giá sơ sơ có 20 triệu đô! Có ăn được không? Nhà tổ chức cuộc trưng bày Ilona Sherman cũng phải lắc đầu: “ Tôi nghĩ rằng các viên kim cương quá cứng làm sao bao tử có thể tiêu thụ được chúng chứ!” Có lẽ đây là chiếc bánh vô duyên nhất thế giới!

Nói tới kim cương mà không ngôn tới kim cương đen là một thiếu sót. Quả là trên thế giới có thứ kim cương này, thứ kim cương không được tạo ra dưới lòng đất như các loại kim cương khác. Chúng tới từ không gian! Và nó chỉ xuất hiện tại hai nơi là Ba Tây và Cộng Hòa Trung Phi. Theo nhà địa chất học Stephen Haggerty của Đại Học Quốc tế Florida ở Miami thì kim cương đen rơi xuống trái đất từ một thiên thạch cách đây khoảng vài tỷ năm. Chúng là bụi kim cương của một ngôi sao siêu lớn bị nổ tung. Trải qua thời gian, chúng cô đặc thành những khối lớn và dính chặt vào các thiên thạch trong thái dương hệ. Như vậy tuổi của loại kim cương đen này là từ 2,6 tới 3, 8 tỷ năm! Đã là dân chơi thì phải chơi thứ kim cương…ảm đạm này mới mát mặt. Bạn đã thấy có quý bà quý cô nào đeo loại kim cương vũ trụ này chưa? Tôi quả thật chưa thấy. Mà có khi tôi thấy rồi cũng chẳng biết vì dưới mắt tôi thì đá nào cũng là đá. Lóng lánh hay không cũng vậy. Xanh đỏ tím vàng cũng rứa. Chỉ có một thứ đá quí mà tôi nhận ra ngay. Ông bạn nhà thơ Hoàng Lộc của tôi cũng nhận ra ngay.

như em, loài ngọc quí 
cả đời anh gia công 
khi qua nhà gã ấy 
biết còn nhớ anh không?

Thứ ngọc này không tính bằng carat mà tính bằng kí!

04/2007