Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

TEM

Thuở nhỏ tôi đã có một thời mê sưu tập tem. Mê dữ lắm. Chắc còn mê hơn mê gái! Thực ra điều này cũng không chắc lắm. Tôi mê sưu tập tem rất lâu trước khi tìm ra cái thú mê gái. Cho đến nay tôi quên không biết lý do tại sao lại phụ tình với tem sau đó. Có lẽ vì mặn tình với những bóng hồng chăng? Đang nói chuyện tem lại sa đà sang chuyện…hồng hồng tuyết tuyết! Rõ phiền, những sinh vật thích ô mai!

Mê tem cũng có cái lý của chúng. Nếu bạn là người nhìn con tem như một thứ để liếm liếm, dán dán rồi bỏ vào thùng thư thì chẳng có chuyện gì để nói. Nhưng nhìn vào con tem thấy cả một tác phẩm nghệ thuật, thấy những xứ sở xa lạ, thấy nét đẹp của thiên nhiên..v..v.. thì lại khác. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được rồi. Bạn đã có thời, như tôi, nhìn đâu cũng mong tìm kiếm được tem không? Lúc say tem, tới nhà ai chơi cũng hỏi lục những bao thư để xé lấy tem, vào lớp là chụm đầu vào nhau trao đổi tem, viết thư cho ai cũng hỏi xin tem, nhập hội chơi tem quốc tế để trao đổi tem với các bè bạn ngoại quốc, canh ngày phát hành tem đầu tiên để mua, dí mũi vào tủ kính các tiệm bán tem sưu tập, và nếu trong túi có tiền thì thế nào tiền cũng nhúc nhích chạy vào két của những cửa hàng quyến rũ này. Vậy là bắt đầu dại! Theo đúng những lời khuyên của những người đi trước thì không nên mua tem. Dân chơi thì chỉ chơi thôi chứ không mua bán gì cả. Lời khuyên này nghe rất… tiết kiệm nhưng mấy ai khi đã say mê lại giữ được lòng! Theo cẩm nang của dân chơi tem thì giai đoạn đầu tiên là săn tem. Săn ở đâu? Xin bất cứ nơi đâu có thể xin được, bạn bè, thân nhân, hàng xóm láng giềng… Lục lọi trong các ngóc ngách có thể lưu trữ những bức thư cũ như trong tủ, rương, hộp. Chớ nên rớ vào xấp thư tình ướp nước hoa thơm ngát của các bà chị. Phỏng tay, nát đầu như không! Kế đó là tích trữ tem. Cất vào hộp, dán vào album. Nếu có tem trùng nhau thì cũng đừng vất đi, cứ giữ đó để trao đổi với dân chơi khác. Sau đó là gia nhập các hội chơi tem, gặp gỡ các đàn anh đàn chị chơi tem để học hỏi thêm. Hồi đó, tôi sang hết biết. Gia nhập những nhóm chơi tem quốc tế đàng hoàng. Ngày nào cũng nóng lòng chờ thư tới từ khắp các nuớc. Tem nằm trong thư, tem dán ngoài thư, thu lượm bằng thích. Khi hết chơi tem rồi cũng vẫn ngóng thư: thư tình. Quen thói đến bây giờ cũng vẫn ngóng ông đưa thư hàng ngày dù chẳng còn kiếm tem hay đợi những bức thư xanh. Thú vui thành quán tính suốt đời như vậy chắc phải là thứ thú vui nặng ký!

Chơi tem là thú sưu tập có nhiều người chơi nhất. Ngay từ thập niên 1860 đã có người chơi cái trò rị mọ này. Nói là rị mọ bởi vì chơi tem cũng như chơi hoa, phải nhẹ tay. Thường thì tem sưu tầm là tem đã dùng rồi. Người sưu tầm phải gỡ tem ra khỏi bao thư sao cho khéo bởi vì con tem chỉ rách một chút, ngay cả chỉ mất một răng cưa, cũng đã là thứ bỏ đi rồi. Gỡ một con tem ra khỏi bì thư cần nâng niu như nâng niu một cành hoa. Chẳng bao giờ nên chơi trò vũ phu xé gỡ ra ngay dù con tem đã bong sẵn ra được một phần. Hành hạ tem như vậy coi như vứt tem đi vì mặt sau con tem chỉ bị tróc ra một chút giấy cũng đã trở thành…phế nhân rồi. Nên dùng kéo thật sắc cắt một vành chung quanh tem mà không phạm vào tem, thả tem vào trong một chiếc đĩa chứa nước để cho nhả keo ra. Không nên dùng nước nóng hoặc nước lạnh. Dùng nước ấm bằng nhiệt độ thân thể con người. Tem là bạn nên cũng là người! Nước nóng quá sẽ làm nhả mực dấu trên tem hoặc các màu mực khác trên bao thư. Ngâm tem khoảng 15 phút thì có thể bóc ra được. Lý tưởng nhất là con tem tự rời ra khỏi bao thư. Không nên dùng cây kẹp để bóc tem vì tem ướt rất dễ rách. Dùng tay bóc từ một góc bóc ra. Nếu thấy khó bóc thì ngừng lại ngay và ngâm lại con tem vào nước. Mỗi quốc gia dùng một loại keo khác nhau. Có thứ dễ bóc, có thứ khó bóc. Cần kiên nhẫn đối xử như đối xử với người yêu. Có nũng nịu một chút thì cũng phải kiên nhẫn chiều chuộng. Bắt buộc! Dân ga lăng mà!

Khi đã mời được em tem ra khỏi bao thư nên dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái mân mê phía sau gỡ hết chất keo còn dính trên tem ra. Sau đó thả vào một đĩa nước sạch khác để rửa ráy cho thật sạch. Sau đó vớt tem ra, đặt ngay vào một tờ giấy hút nước. Nên dùng giấy lau tay Bounty mà chúng ta hay dùng trong bếp. Xếp tem theo từng hàng, không đụng nhau, mặt tem ngửa lên trên. Lấy một tờ giấy khác úp lên trên, khẽ vỗ cho các chất dơ dính hết vào giấy. Lấy tem ra đặt vào cuốn sổ sấy tem. Sổ này có bán tại các điểm bán tem sưu tầm. Cũng rẻ thôi, khoảng 5 đô. Sổ có một lớp giấy nhựa và một lớp giấy thấm chồng lên nhau. Dùng từ trang cuối dùng lên như chúng ta đọc sách chữ Hán vậy. Đặt tem vào giữa lớp giấy thấm và giấy nhựa, lưng tem ép vào lớp giấy nhựa cho khỏi dính. Khi đã xếp tem xong, dùng một cuốn tự điển dày đè lên trên. Để qua đêm sẽ có được những con tem phẳng phiu, khô ráo và mượt mà!

Nếu bạn không chơi tem mà đã chót đọc tới đây thì cho tôi xin lỗi. Nhưng tôi nghĩ phần kỹ thuật săn sóc tem trên cũng không phải là vô bổ cho cách xử thế của bạn. Bởi vì kỹ thuật chăm sóc tem giống y chang như kỹ thuật đối xử với người đẹp dù người đẹp có còn tem hay không! Thường trên các sản phẩm chai lọ hoặc đĩa hát, thuốc men có dán tem. Thứ tem chúng ta thường gọi là tem gin dán trên sản phẩm để bảo đảm hàng họ là thứ mới tinh chưa ai dùng tới. Đó cũng là một loại tem nhưng không ăn nhậu gì tới tem bưu điện mà chúng ta đang nói tới.

Tem bưu điện có từ bao giờ? Con tem đầu tiên trên thế giới là tem “Penny Black”, màu đen, trị giá 1 xu do nước Anh phát hành vào năm 1840. Bởi vì là tem Anh nên dĩ nhiên có in hình nữ hoàng, một truyền thống tới bây giờ vẫn còn giữ! Nữ hoàng trên con tem đầu tiên này là vua…bà Victoria còn rất trẻ. Tem còn rất thô sơ, được in liền tù tì trên một trang giấy, không có chấm quanh từng con tem cho dễ xé ra dùng như ngày nay. Muốn xài một con tem, người ta phải dùng kéo cắt rời ra. Canada cũng theo truyền thống đó để phát hành con tem đầu tiên vào năm 1851. Cũng bắt chước in màu đen, cũng hình nữ hoàng Victoria 19 tuổi. Có điều nữ hoàng này có giá hơn nữ hoàng được in tại Anh 11 năm trước: giá tới 12 xu lận! Nói tới Nữ hoàng là mất vui! Bởi vì xứ Canada của tôi ngày nay vẫn còn…thờ Nữ Hoàng. Tem cũng vẫn nữ hoàng ngự trị. Có điều là đương kim nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị.chỉ ngự trị trên tem và là Quốc Trưởng trên giấy tờ chứ chẳng có trị gì cả. Không trị mà vẫn cứ hưởng. Hàng năm Canada vẫn phải nộp tiền sang Anh, lại còn nuôi tốn cơm tốn gạo quan Toàn Quyền đại diện nữ hoàng. Một đại diện cho toàn quốc và cả chục Phó Toàn Quyền cho mỗi tỉnh bang. Toàn Quyền do chính phủ Canada bổ nhiệm nên rất…màu sắc. Sau một thời kỳ dài Toàn Quyền da trắng, đã có một Toàn Quyền da vàng và hiện nay là Toàn Quyền da đen, gốc Haiti, trẻ măng, rất ưa nhảy nhót! Nữ Hoàng trắng có đại diện là Toàn Quyền đen. Thật đề huề! Con tem Canada in hình Nữ hoàng đen đã 155 tuổi cũng vững chắc lên giá. Trị giá của con tem nhỏ chút xíu này đã lên tới 100 ngàn đô Mỹ. Cũng tem Nữ hoàng, cũng mặt bà vua Victoria, nhưng màu hồng, giá 5 xu, phát hành năm 1865 chỉ dùng trên đảo Vancouver, đã có giá 50 ngàn đô Mỹ! Nữ Hoàng còn chường mặt trên các con tem ở Newfoundland, Nova Scotia, New Brunswick và Prince Edward Island. Toàn các xứ sau này trở thành tỉnh bang của Canada cả!

Tại sao cái xứ Canada lại…sùng kính Nữ Hoàng đến như vậy? Bộ không có mặt nào đáng lên tem hơn sao? Đó là câu hỏi của ông Charles Connell, Tổng Giám Đốc Bưu Điện New Brunswick từ thời Canada chưa thống nhất thành một quốc gia. Nghĩ sao làm vậy, ông bèn cho in, vào năm 1860, một số lượng tem lên đến 500 ngàn con in hình chính ông ta. Con tem có trị giá 5 xu. Hành động xấc xược và tự cao tự đại này đã làm chấn động dân chúng. Nội các phải họp để quyết định hai việc: hủy bỏ số tem đã in và đá đít ông Tổng Giám Đốc láo xược này! Ông “thần” nổi loạn không chịu bị đá đít: ông đã từ chức trước đó! Ông chơi trội trưng hình mình lên tem như vậy cũng có lý do chính trị. Lúc đó New Brunswick đang tranh đấu để dành độc lập thoát ra khỏi bàn tay cai trị của Anh và trước đó bưu điện cũng đã cho Nữ Hoàng đi chơi bằng cách in hình tàu thủy và xe lửa lên tem. Nhưng làm…cách mạng bằng cách tự cho mình chường mặt lên tem thì quả là lợi dụng và…cải lương! Sau khi hủy bỏ tem có hình ông Tổng Giám Đốc, Bưu Điện New Brunswick đã tạ tội bằng cách in một loại tem 5 xu mới với hình Nữ hoàng Victoria trở lại! Sử sách còn ghi lại đây là vụ xì căng đan lớn nhất trong giới tem cò! Ngày nay, những con tem in hình ông Charles Connell còn sót lại lên giá vùn vụt trong giới chơi tem. Trị giá hiện nay là 50 ngàn đô Mỹ!

Nữ Hoàng có phải là khuôn mặt làm mưa làm gió nhất trên tem cò không? Không! Người có hình in trên tem nhiều nhất là Winston Churchill. Nhà chính khách nổi danh về năng khiếu khôi hài và điếu xì gà dính trên môi này đã xuất hiện tất cả trên 474 kiểu tem. Tôi khoái nhất cái giai thoại ông Thủ Tướng tồng ngồng từ phòng tắm bước ra thì gặp ông đại diện nước Mỹ tới hội đàm. Trước sự ngỡ ngàng của ông đại diện, Churchill đã…phiếm: “Tôi muốn chứng tỏ là nước Anh không có gì giấu giếm nước Mỹ hết!” Sau khi ông qua đời vào năm 1965, một loạt tem tưởng niệm ông đã được phát hành. Rồi năm 1974, kỷ niệm 100 năm sinh nhật ông, tem lại được in búa xua mang chân dung ông. Mặc dù ông là người chống Đức nhưng Đức cũng in tem có hình ông! Churchill là người được in hình chân dung nhiều nhất trên tem nhưng người được nhắc tới nhiều nhất trên tem lại là nhà thám hiểm Christopher Colombus. Có cả thảy 700 mẫu tem vinh danh Columbus. Phần lớn in hình con tàu của ông, ngọn hải đăng hoặc những địa danh được đặt theo tên ông.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ đến một câu khá vui về vua nước Anh: cuối cùng trên thế giới này sẽ chỉ còn 5 vua: các vua cơ, rô, chuồn, bích và vua nước Anh! Tôi không hiểu được lòng kính trọng hoàng gia của dân Anh. Họ làm như không có vua thì họ không sống được thì phải. Mặc dầu hoàng gia có ra gì đâu. Hết xì căng đan này đến xì căng đan khác. Năm 2005, nhân ngày cưới của Hoàng Tử…già Charles và cô dâu nạ giòng Camilla, Bưu Điện Anh đã cho phát hành 2 mẫu tem của cặp uyên ương nhiều tai tiếng này. Một tem in hình hai người đang cười toe toét giá 30 xu và một tem nghiêm trang hơn giá 68 xu. Nụ cười có 30 xu chắc không phải là nụ cười tươi. Không biết hai mẫu tem này có…ăn khách không chứ thua mẫu tem của ban tứ quái The Beattles là cái chắc! Không những dân Anh hâm mộ con tem này mà dân Mỹ, Nhật, Canada… cũng khoái hết biết. Dân chơi tem Canada đòi gửi tem tứ quái qua càng nhiều càng tốt. Bưu Điện Canada thấy ngon ăn cũng nhảy vào bán tem The Beatlles. Đây là lần đầu tiên một bưu điện nước khác bán tem của bưu điện Anh! Con tem hot này đã phá vỡ mọi kỷ lục thế giới về số bán.

Kỷ lục thế giới về bộ tem đắt nhất là một bộ tem Mỹ ấn hành năm 1918. Giá của chúng: gần 3 triệu đô Mỹ, chính xác là 2 triệu 970 ngàn đô! Tem in hình chiếc máy bay chiến đấu Curtis JN-4 có trị giá 24 xu. Tem quý là vì hình chiếc máy bay đã bị in ngược. Chỉ có 100 con tem…ngược ngạo này. Trong số 100 con tem này chỉ có một bộ 4 con có đánh số ở bên rìa: số 8493 cũng ngược nốt! Vậy là bộ 4 con tem này hốt bạc! Dân chơi tem có nguyên tắc riêng của họ. Cái gì hiếm thì quý. Tem in lỗi thường chỉ có ít nên quý, thi nhau mà làm giá. Cũng như tem đánh dấu ngày hoàn tất thủy lộ Saint Lawrence được in vào năm 1959 của Canada. Tem in hình con ó và cờ lá phong biểu tượng cho sự hợp tác Mỹ Canada. Có một số tem hình bị in ngược. Một bộ tem in ngược gồm 4 con tem nay có giá là 50 ngàn đô.

Không in ngược, không tì vết gì đặc biệt nhưng con tem Alexandria Blue Boy phát hành năm 1847 dán trên một bao thư trong đó có một bức tình thư giữa hai vợ chồng cũng đã đạt tới giá 1 triệu đô vào năm 1981. Đến bây giờ không biết nó lên giá tới bao nhiêu. Một chuyên gia về tem đã phỏng đoán phải tới giá 200 triệu đô! Đây là con tem được in ở Alexandria, màu xanh, trước khi những con tem Mỹ ra đời. Người ta biết, cho đến nay, đây là con tem duy nhất còn sống sót. Nhưng không phải vì vậy mà nó đạt tới giá khủng khiếp trên. Nó quý vì sau nó là một chuyện tình. Chuyện tình này do một nhà thơ kiêm Giám Đốc Bưu Điện xúc cảnh sinh tình tạo nên con tem này. Tem có hình 40 bông hồng bao vòng quanh chữ “Alexandria Post Office”. Chuyện tình xảy ra giữa hai anh em họ James Wallace Hooff, 24 tuổi, và Jannett Hooff Brown, 23 tuổi. Trong bao thư là một bức hình hai người chụp chung nay đã ngả từ màu đen sang nâu và một bức thư của chàng James viết cho nàng Jannett lúc đó đang đến thăm họ hàng tại Richmond. Thư đề ngày 24 tháng 11 năm 1847. Bức thư bày tỏ niềm nhớ thương và trách móc người yêu đã không viết thư cho anh. Cuối bức thư, trước chữ ký là hàng chữ: “Anh của em với tất cả tình cảm nồng ấm nhất”. Sáu năm sau khi viết bức thư này, hai ngưòi đã cưới nhau. Họ có tất cả ba người con. Chính cô con gái lớn nhất, Mary Fawcett, đã tình cờ tìm thấy bức thư trong một chiếc hộp đựng đồ khâu vá và đã bán cho một nhà sưu tập tem vào năm 1907.

Một chuyện tình trên tem thư đẹp như vậy chắc cũng đáng giá 200 triệu đô! Bây giờ tôi không còn sưu tập tem nữa. Nếu còn, biết đâu tôi cũng đã tấp tểnh! Trong lần về thăm nhà mới đây, tôi đã nhìn lại được những tập album tem mà tôi đã sưu tập được từ những ngày học trò. Chúng gợi nhớ lại cả một thời thanh xuân mê mệt với những con tem đầy màu sắc. Có một con tem nhìn lại bây giờ tôi còn thấy ngượng ngùng. Đó là con tem rất đẹp của Monaco. Đây là con tem sống, tức là chưa xài, còn nguyên lớp keo bên mặt trái. Lúc đó , tôi mới chập chững chơi tem, thấy người ta nói tem chết, tức là tem đã xài rồi có giá trị hơn tem sống, tôi đã ma lanh lấy bút lông mực tàu ngồi nắn nót vẽ lên trên tem hình một phần tư con dấu bưu điện để… giết con tem! Cả một thời ngây ngô nhưng không vô tội trở lại trong trí tôi, với sự ngượng ngùng như vẫn còn tươi trong tim. Con dấu trên tem ngờ nghệch và vụng dại đã nhắc tôi những lỗi lầm đã vướng mắc trong suốt cuộc đời lắm gian truân và nhiều đổi thay của tôi. Thoắt đó mà đã bạc đầu! Những dấu, những tem…

tôi là một con dấu 
em là một con tem… 
mỗi tem chỉ một dấu 
mỗi dấu đóng nhiều tem…

Ơ hay, đã bạc đầu rồi mà còn chẳng hiểu ông nhà thơ Lê Vĩnh Thọ này nói cái gì!

05/2007