Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

HẮT

Nói tới chuyện hắt hơi, tôi nghĩ là tôi có thẩm quyền. Bởi vì tôi là…thợ hắt hơi! Nơi tôi ở, bốn mùa rõ rệt, đủ món ăn chơi, chẳng thiếu thứ gì. Giông gió bão bùng có, nắng mưa ào ào có, băng giá tuyết rơi cũng có. Mùa nào đối với tôi cũng là mùa hắt hơi. Hắt lia chia vượt thời gian và không gian! Bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào tôi cũng có thể đỏ mặt gây ồn ào. Từ chỗ lạnh qua chỗ nóng, từ phòng này qua phòng kia, không khí cứ chênh vênh một chút là mũi miệng tôi báo động. Cũng may là trời sinh ra cái mũi gắn chặt vào khuôn mặt chứ không thì nó dám bay đi lắm. Người ta hắt hơi có nguyên do, tôi chẳng cần nguyên do! Đó là chuyện của thần linh!

Năm 400 trước công nguyên, nước Hy Lạp có chiến tranh với người Ba Tư. Một ông tướng tên Xenophon đang cố động viên binh sĩ dưới quyền hăng hái ra mặt trận. Ông tướng này chắc không theo học ngành tâm lý chiến nên nói cả giờ đồng hồ mà chẳng ai buồn nghe. Bỗng trong hàng quân một anh lính hắt xì mấy tiếng. Mọi người đều tin đó là lời thần linh nên sợ hãi quỳ xuống nhất loạt xin tuân lệnh ông tướng!

Theo thời gian, thần linh cứ dần dần mất…linh. Thần xuống cấp thành ra những thứ tầm thường như bụi bậm, hạt tiêu, gió, phấn hoa, mùi hóa chất, lông chó mèo… Những thứ vớ vẩn này chui vào mũi, kích thích những thụ quan trên màng nhầy, quấy rối chúng ta. Cơ thể…chiến tranh liền! Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến! Lính truyền tin vội báo tới trung tâm hành quân nằm ở cuống não theo các dây thần kinh số 5 và số 7. Trung tâm liền báo lệnh tổng động viên: toàn dân sẵn sàng chiến đấu đánh bật quân ngoại xâm ra khỏi giang sơn bờ cõi. Tất cả các cánh quân sẵn sàng ứng chiến. Các cơ lính gồm cơ bụng, cơ ngực, cơ hoành cách, cơ chỉ huy dây thanh đới, cơ họng, cơ mặt, cơ mi mắt…đều nhanh chóng phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để đánh đuổi quân ngoại nhập. Mũi và họng ngưa ngứa, tưng tức. Cả cơ thể chúng ta như một lò thuốc súng sẵn sàng nổ. A lê hấp! Một tiếng nổ lớn bắn ra: hắt xì hơi!

Hắt xì hơi là tiếng diễn tả cái âm thanh hùng hồn của giờ phút chiến thắng của cơ thể con người. Mỗi dân tộc nghe cái âm quốc tế này một cách khác nhau. Và họ ghi lại theo cái tai của họ. Tiếng Anh là atchoo, tiếng Pháp là atchoum. Người Ả Rập gọi là atsaa, người Tây Ban Nha atchis, dân Đan Mạch atjuu, dân Thổ Nhĩ Kỳ hupshuu, dân Na Uy atsjo.

Dù được mỗi dân tộc ghi âm ra sao, tiếng hắt xì bắn ra như một cơn bão. Không! Còn hơn cả bão nữa. Gió cấp 12 là gió mạnh nhất gây ra những cơn bão đổ cửa đổ nhà có tốc độ 117 cây số/giờ. Ăn thua chi với tốc độ của cơn bão từ miệng chúng ta…xì ra: 165 cây số/giờ! Cùng với tiếng nổ lớn là một loạt đạn bắn ra gồm từ 2 ngàn đến 5 ngàn giọt nước nhỏ li ti. Mỗi giọt nước chứa trung bình 100 ngàn vi khuẩn và vi trùng. Vùng thao tác từ 1 thước rưỡi đến 2 thước.

Cơ thể làm bão của chúng ta hắt xì sơ sơ khoảng chục lần mỗi ngày. Nếu chúng ta ể mình thì…liên miên, tính không nổi. Mỗi lần hắt xì thường chúng ta làm một hơi năm bảy cái. Ít khi nó phát ra cô đơn chỉ một hai cái. Cộng lại mỗi năm chúng ta cũng bắn ít ra là một ngàn rưởi cái. Đó là không trái gió trở trời đau ốm gì. Nếu kèm theo chuyện nhác chơi thì con số này phải tăng thêm nhiều. Thật là một con số mệt nhọc! Sách kỷ lục Guinness cái gì cũng ghi. Hắt xì cũng không qua khỏi. Kỷ lục hiện nay thuộc về cô bé Donna Griffiths ở Pershore, Anh. Cô bé 2 tuổi này bắt đầu hắt hơi vào ngày 13/1/1981 và chỉ trong năm đầu tiên người ta ghi nhận được trên một triệu cái! Riết rồi chán, người ta chẳng buồn đếm nữa. Vậy mà cô bé cứ tiếp tục atchoo cho đến ngày 16/9/1983, nghĩa là chơi liền tù tì trong 978 ngày. Trừ khi ngủ, cô bé cứ sản xuất tiếng động liên tục suốt ngày kể cả trong lúc ăn. Kỷ lục này chắc còn lâu lắm mới bị phá!

Hắt xì là một hành động phổ quát và thường xuyên. Không ai tránh được động tác cong người, tác xạ về phía trước. Ai cũng có kinh nghiệm. Tôi thì kinh nghiệm đầy mình. Theo những gì tôi nhớ được thì có lẽ không có ngày nào tôi không làm bão. Đó không hẳn là cái thú nhưng giải tỏa được một cái nút chặn trong họng trong mũi cũng là việc khá sung sướng. Có thể coi đó như một sự…bài tiết. Bài tiết bao giờ chẳng là một sự giải tỏa dễ chịu dù giải tỏa bằng lối nào!

Tiếng Việt miền Nam kêu hắt xì là… nhảy mũi. Không biết nhảy điệu gì mà ác liệt! Dù hắt xì hay nhảy mũi thì đây cũng chỉ là một phản ứng sinh lý của cơ thể. Như ho như ói. Vậy mà ho hay ói không được coi là dính líu đến tâm linh, nhưng hắt xì thì tâm linh quá độ.

đi chơi sợ chết dọc đường 
viết đôi chữ để đầu giường dặn em: 
trước khi ngủ nhớ gọi tên 
hắt hơi ta sẽ không quên trở về 
(Luân Hoán)

Hắt hơi là do có người nhắc tới ta. Đó là một hiện tượng tâm linh đáp ứng lại nỗi nhớ nhung hay ý nghĩ của người khác đối với mình. Tôi hắt hơi lia chia như vậy phải chăng được nhiều người nhắc tới? Nhắc vì thương vì nhớ hay nhắc vì ghét? Thường thì người ta luôn nghĩ hay nghĩ tốt về mình nên câu trả lời đã nằm sẵn đó, nhất là khi đang yêu. Nếu ông Chúa Chổm hắt hơi thì còn ai nhắc tới ngoài các chủ nợ! Niềm tin này các dân tộc châu Á như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan cũng chia sẻ với dân nước ta.

Một lần tôi đang ngồi hóng mát trên ghế đá công viên tại Stanley Park ở Vancouver thì một cơn gió lạ đã làm tôi hắt hơi. Một ông da trắng chạy bộ ngang qua vội quay lại cười nói: “God bless you!” Ông không nán lại để nghe tiếng hắt hơi kế tiếp của tôi. Nếu nghe chắc ông sẽ theo phong tục của Âu Mỹ mà chúc: “Keep you!” Và nếu có tiếng hắt hơi thứ ba thì câu chúc sẽ là: “Give you peace!” Một tài liệu ghi lại là Việt Nam ta cũng có lối chúc tương tự như vậy nhưng tôi không gặp bao giờ. Theo tài liệu này thì dân ta chúc: “Sức khỏe!” cho cái hắt hơi thứ nhất, “Sống lâu!” cho cái thứ hai, “Trăm tuổi!” cho cái thứ ba. Nếu chuỗi hắt hơi còn kéo dài thì các câu chúc kế tiếp sẽ là: “Bạc đầu!”, “Bình Yên!”, “Vô sự!”…Hồi nhỏ mỗi lần tôi hắt hơi thì người lớn vỗ về bằng câu: “Đức Bà chữa!” Câu này chắc chỉ có người theo Thiên Chúa Giáo dùng. Các dân tộc khác cũng chúc hắt hơi bằng câu: “Chúc sức khỏe” theo tiếng địa phương. Người Tây Ban Nha và các sắc dân Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha thì Salud!, Dân Bồ Đào Nha và Ba Tây thì Saude!, dân Đức thì Gesunheit!, người Do Thái thì Labriyut!, dân Nga, Tiệp thì Nazdrovie!, dân Ba Lan thì Stalet!.

Tại sao hắt hơi lại…tâm linh như vậy? Tôi lại vào internet. Internet bây giờ như một cái chợ, cãi nhau ỏm tỏi! Về sự tâm linh của hắt hơi, mấy thày cãi trên mạng đã…hắt ra như thế này. Một ông luận: thói quen chúc God Bless You của chúng ta ngày nay bắt nguồn từ một niềm tin từ thời xa xưa là một con quỷ đã núp trong cơ thể làm chúng ta bị cảm cúm và hắt hơi. Con quỷ này đã bắt linh hồn của người bệnh và cần phải trục xuất nó ra ngoài. Hắt hơi chính là…hắt con quỷ ra khỏi thân xác. Nhưng khi hắt con quỷ ra, chúng ta đang lâm nguy vì đồng thời chúng ta hắt cả linh hồn ra. Khi linh hồn lìa khỏi thân xác thì thân xác coi như chết. Vậy nên cần phải nhắc nhở tới Thiên Chúa như một lời cầu nguyện và chúc phúc để chỉ con quỷ bị bắn ra còn linh hồn vẫn ở lại! Một ông khác cho biết: theo tín ngưỡng thời Trung Cổ thì khi hắt hơi là coi như chết, chúc God Bless You là cách để “trao phó linh hồn cho Chúa quan phòng”. Trong khi chúc cho người hắt hơi thì người chúc cũng mang Chúa ra để Chúa phù hộ cho mình khỏi lây bệnh! Một công đôi việc! Tiện lợi vô cùng! Một ông khác giải thích: khi ta hắt hơi thì ta ngừng thở, dù chỉ trong vài giây đồng hồ. Mà ngừng thở thì chết đứt đuôi rồi còn gì nữa! Ít nhất cũng là chết…kỹ thuật. Gọi Chúa về vào lúc nguy nan này là đúng lúc vì God Bless You thì you mới tiếp tục sống lại được, nếu không thì cứ tiếp tục chết kỹ thuật cho tới khi chết thực!

Tôi vốn là người dễ tính nên nghe sao tin vậy. Cứ ba phải cho cả ba ông đều là thầy dạy mình thêm được đôi điều. Vị nào không dễ tính như tôi có thể vào internet mà đôi co với thiên hạ!

Cũng trong internet có một ông…vô thần! Ông bảo là người xưa tin như vậy thì giải thích như thế chứ thật ra khi gặp một người hắt xì ta chúc “God bless you” chỉ là một cách lịch sự thôi. Đó là một cử chỉ xã giao chứ ai lại lôi kéo Chúa vào cái vụ ồn ào xảy ra hàng ngày như vậy! Tôi lại đồng ý với ông này (như vậy là tới…bốn phải rồi!) vì Chúa đâu có nhàn nhã mà trông nom từng cái hắt hơi của hàng chục tỷ dân trên trái đất. Đó là không kể những cái hắt hơi của chó mèo ngựa heo nữa! Còn những thú vật trong rừng trên núi có hắt hơi hay không thì tôi quả không biết!

Lịch sự khi hắt hơi là lấy tay che miệng để đừng phát tán mưa móc cho những người xung quanh. Ngay chính mình cũng không ưa những chất lỏng tiết ra từ trong người mình huống chi là người khác. Nước miếng, mũi giãi, máu me khi chúng ở trong người mình thì là bạn, khi chúng đã thoát ra ngoài cơ thể thì chúng trở thành kẻ lạ mặt mà chính mình cũng nhờm gớm. Vậy thì nên che chắn. Nhất là trong thứ…mưa vừa xì ra có vi trùng, vi khuẩn mang những mầm mống bệnh tật cho người quanh ta. Che miệng khi hắt xì là thứ phải học. Thường thì chúng ta dạy con trẻ ngay từ khi chúng có trí khôn. Khi chúng đi học, nhà trường cũng thường nhắc nhở trong các bài công dân giáo dục hay vệ sinh thường thức.

Hắt xì là chuyện lung tung không ai biết trước được. Con mèo sà vào lòng, bạn vuốt ve vài cái. Bỗng ngứa mũi. Hắt xì! Bạn phủi bụi trên bàn ghế. Bỗng hắt xì! Bạn rắc tiêu trên tô phở. Thấy cay cay mũi. Hắt xì! Đang đi ngoài đường bỗng lấy tay bịt mũi. Hắt xì! Nhìn trên thảm cỏ xanh biếc thấy la liệt những bông hoa vàng. Chính hắn đấy! Thời tiết giao mùa con người rất dễ bị dị ứng. Mùa xuân, vạn vật bừng dậy, hoa cỏ tốt tươi, đất trời phơi phới, cớ chi bạn lại hắt…linh hồn ra khỏi xác! Chúng ta đang ở thời kỳ trái đất nóng dần lên, chúng ta cũng hắt xì nhiều hơn lên. Ơ hay! Trái đất nóng thì can cớ gì đến cái mũi của tôi? Có chứ! Ai bảo bạn cứ hếch mũi lên trời! Không, tôi nói giỡn. Bạn cứ hếch mũi lên, không sao nếu dưới đất không có bãi mìn thành quả của các chàng các nàng cẩu được bà hàng xóm của bạn dắt đi hái hoa! Cái mũi của bạn liên quan đến chứng nóng sốt của trái đất ở chỗ lượng carbon dioxide tăng thêm khi trái đất bị ô nhiễm vì hiệu ứng nhà kiếng. Sức nóng thêm của trái đất làm cây cỏ nở hoa sớm và nhiều hơn tạo ra nhiều phấn hoa hơn, gây nên dị ứng cho cái mũi khốn khổ của bạn. Vậy là bạn bắt buộc phải hắt xì nhiều hơn!

Càng hắt xì nhiều bạn càng lộ diện tính cách con người bạn nhiều hơn. Bởi vì chỉ nghe tiếng hắt xì người ta có thể liệt bạn vào loại người nào. Nếu bạn có cái hắt xì bùng phát như một tiếng nổ, nhanh, dứt điểm, dõng dạc, ba làng nghe thấy: bạn là người nhanh nhẹn và quyết đoán, không muốn dựa vào người khác. Típ người bạn là típ lãnh đạo chứ không phải thừa hành. Bạn ưa cách làm việc dứt khoát, hiệu quả, không rườm rà. Bạn muốn đồng sự cộng tác với bạn phải giải quyết công việc nhanh chóng, gọn gàng. Tính cách của bạn là mạnh dạn, nhìn xa trông rộng, có chí tiến thủ.

Nếu khi hắt xì bạn hạn chế tiếng…nổ đến mức tối thiểu: bạn là người thanh nhã, tế nhị và chuẩn mực. Bạn cố hạn chế sự ồn ào của tiếng hắt xì để không ảnh hưởng tới người xung quanh chứng tỏ bạn là người dễ thân thiện, nhiệt thành, hòa nhã, thích sống hòa thuận với người khác, không ưa gây gổ, đôi co.

Đó là lời giải…ba phải của các thầy rùa. Họ chẳng muốn làm mất lòng ai. Vì theo như lời tán trên thì hắt xì lớn hay nhỏ, văng nhà văng cửa hay nhẹ nhàng e ấp đều tốt hết. Không tốt mặt này thì tốt mặt khác, không bổ ngang cũng bổ dọc!

Hắt xì là một…thú vui. Nghe ra đã mất vui. Đỏ mặt tía tai, cong người đổ ra nước mắt nước mũi trong ồn ào khó chịu thì có gì vui? Vậy mà vui! Không vui sao người ta lại đặt ra được trò chơi “Hắt Xì”? Đây là một trò chơi rất phổ biến cho trẻ em trên 6 tuổi có bán đầy rẫy tại các cửa tiệm. Bạn ra ngoài tiệm, hỏi trò chơi Sneeze người bán hàng sẽ biết ngay. Đại khái trò chơi gồm những quân bài bằng giấy như bài tây. Có quân bài “hắt xì”, có quân bài “dị ứng”. Có vùng gió xuôi và vùng gió ngược. Người chơi bài phải đi làm sao cho những con bài “dị ứng” vào vùng gió xuôi để làm cho đối phương hắt xì. Ai hắt xì tới bốn lần thì bị loại. Thú thực là tôi chỉ biết được tới loại bài hắt xì này qua những bài viết. Nếu bạn thực sự tham dự trò chơi này sẽ có những mánh khóe, tráo trở để tạo hấp dẫn. Bạn muốn chơi thì rủ người khác, đừng rủ tôi. Tôi chỉ biết nói chứ đâu có biết chơi!

Hắt xì có nhịn được không? Nếu bạn là một diễn giả đang thao thao bất tuyệt bỗng dưng muốn hắt xì. Nếu thả lỏng ra thì mất mặt bầu cua. Muốn nhịn thì làm sao mà nhịn? Nếu bạn là một linh mục hay đại đức đang hành lễ bỗng thấy nhột nhột mũi muốn…xì một cái cho nhẹ nhàng, nhưng xì vào lúc này thật không đúng lúc thì mần răng chừ? Kinh nghiệm dân gian cho biết là bạn có thể hoãn hắt xì bằng cách vuốt mũi nhiều lần. Tôi đã thử. Đôi khi có hiệu quả nhưng đôi khi không kiềm chế được.

Ngược lại, có những lúc tưởng cái hắt xì nó sắp chui ra khỏi mũi. Vậy mà đợi mãi vẫn không thấy nó ra được. Khó chịu chứ! Làm sao cho nó xì ra cho nhẹ người? Thử ngoáy mũi coi. Đó là một giải pháp khá hữu hiệu cho cái hắt xì bật ra.

Đôi khi nhổ lông mũi cũng…xì ra được! Một nhân vật khá nổi danh của nhà văn Võ Phiến là anh Bốn Thôi. Chắc bạn biết anh chàng này dù không đọc truyện của Võ Phiến. Anh rất được lòng các nhà phê bình, điểm sách nên tên tuổi anh đã thoát ra quá những trang truyện để trở thành một ngưòi thân quen với độc giả. Anh Bốn Thôi có chi đặc biệt? Chẳng có chi cả. Anh rất nhà quê, hơi cù lần, rất cô đơn nên chẳng biết trò chuyện với ai ngoài cái mũi của mình. Cách anh trò chuyện khá độc đáo.

“Bốn Thôi tìm được cách tiêu khiển và mơ mộng trong việc vặt lông mũi. Đó là một cử chỉ nhỏ nhặt không ai để ý đến, nhưng rất quan hệ trong cuộc sống riêng của anh…Hễ cứ rảnh việc là anh đưa tay lên mũi, rờ rẫm, thăm dò, rình rập từng sợi lông mọc thò ra ngoài; vẻ mặt anh chăm chỉ, đăm chiêu. Sự vặt nhổ như thế không phải là không có lúc đau đớn, vì vậy có những khi anh nhăn nhíu mặt mày; và ngay mỗi khi các ngón tay bắt đầu tìm kiếm, vẻ mặt anh đã khổ sở khó nhọc. Đối với người ngoài thì cử chỉ đó có vẻ kỳ cục, tục tằn, khó coi, càng tăng thêm vẻ dớ dẩn của anh”( Lại Thư Nhà). Anh Bốn Thôi nhổ lông mũi lia chia như vậy mà không hề hắt xì thì quả là lạ. Tôi không nghĩ rằng nhà văn Võ Phiến thiếu quan sát sau khi cho anh Bốn Thôi rờ mó vặt đi khá nhiều lông trong cái rừng lông mũi của anh. Nhưng có lẽ ông thương hại nhân vật Bốn Thôi nên không muốn cho anh “kỳ cục, tục tằn, khó coi” thêm nữa. Vặt lông mũi như vậy thì…Một Thôi cũng đã hắt xì lia lịa nói chi tới Bốn Thôi!

Nếu hành hạ cái mũi mà vẫn không hắt ra được thì…phơi nắng! Bởi vì ánh sáng cũng làm cho người ta hắt lia lịa. Không phải ai cũng xì khi mang mũi ra phơi nắng. Chỉ có khoảng từ 20% đến 30% người khi nhìn lên trời nắng, nhất là khi nhìn thẳng vào mặt trời, hoặc chỉ nhìn ánh đèn quá sáng cũng nhột mũi và hắt hơi. Những người này bị mắc hội chứng hắt hơi. Phiền một nỗi là hội chứng này có di truyền từ bố mẹ sang con cái.

Cái hắt hơi của các bậc trưởng thượng hình như là một sự bày tỏ quá náo nhiệt làm cho con cháu có món giải trí thích thú. Thế hệ tôi còn roi vọt răn đe nên không được hồn nhiên bày tỏ sự thích thú này. Mỗi lần thấy người lớn hắt hơi chỉ lấm lét nháy mắt cười thầm với nhau. Nhưng tới thế hệ con cháu tôi thì khác. Roi vọt không còn là cái uy của cha mẹ trên con cái nên chúng hồn nhiên hơn. Mỗi cái hắt hơi, mỗi tiếng ngáy của ông bà cha mẹ đều được chúng đón nhận một cách thích thú. Như một trò chơi vừa ý. Chúng lại còn quá quắt bắt chước những thứ tiếng động không mời mà tới để cười cợt thú vị với nhau.

Như đã tự thú ở trên, tôi rất có khiếu hắt hơi. Hắt nhiều đến nỗi chẳng biết tại sao mình hắt hơi. Di truyền chăng? Có thể lắm. Vì cụ thân sinh của tôi cũng rất chăm chỉ hắt hơi. Cái hắt hơi nào của cụ cũng rất đáng đồng tiền bát gạo. Cái hắt hơi của tôi cũng hùng dũng không kém. Đó là nhận xét khá mỉa mai của bà…hàng xóm chung giường với tôi.

Cụ tôi bây giờ không còn nữa nhưng cái hắt hơi của cụ vẫn văng vẳng trong tôi. Mỗi lần ồn ào hắt xì hơi, cụ vội rút chiếc khăn mùi-soa lau miệng lau mũi. Ngày nay mỗi lần hắt hơi, tôi vội tìm tờ giấy kleenex chặn mũi. Chiếc mùi-soa xưa giờ đã đi vào quá khứ. Thế hệ con cháu tôi không có ý niệm gì về chiếc khăn đã mai một này. Khăn mùi-soa của cụ thân sinh của tôi đã mất dấu nhưng cái hắt xì vẫn còn ở lại. Chắc còn ở lại rất lâu. Trong tôi!

06/2007