Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

LY

Âm “ly” đọc lên đã nghe thấy cái vị rã rời. Chia lìa thì rã rời đứt đuôi rồi còn gì nữa! Nhưng muốn chia phải có hợp trước đã. Hợp đây là ồn ào xỏ cho nhau chiếc nhẫn trước sự chứng kiến của hàng trăm thân nhân bạn bè. Nếu là những người có danh vọng thì cái ồn ào lại càng trương phình lên nhiều khi rất quá đáng. Như những đám cưới tốn bạc triệu của các tài tử màn ảnh chẳng hạn. Nhìn những nụ cười, những cái hôn, những ánh mắt gửi gấm của hai người yêu nhau, chẳng ai nghĩ tới sự chia lìa. Nhưng chia lìa đã nằm ngay từ lúc khởi đầu đó. Nó nằm trong những hợp đồng trước khi cưới. Thời buổi bây giờ, sống chung chỉ có nghĩa là chung giường với nhau, còn tiền bạc thì của ai người nấy giữ. Trộn lẫn với nhau? No way! Hàng tuần hay hàng tháng, em bỏ vào chương mục một số, anh bỏ vào một số, nhiều ít tùy theo sự thương lượng trước đó. Tiền đó là tiền tiêu xài chung. Còn tiền anh riêng, tiền em riêng, đừng có sờ lộn nhau. Cái thứ…liền khúc ruột đó là mục chính trong hợp đồng sống chung, ngoài ra còn nhiều tiết mục phụ nhằm duy trì sự tự do của mỗi người. Em phải đi shop bao nhiêu lần mỗi tháng, đi chơi với bạn bè mỗi tuần mấy độ, rồi còn làm đầu làm tóc và nhiều thứ quyền lợi…sinh tử khác. Anh phải được xoa mạt chược mỗi cuối tuần, nhậu nhẹt với bạn bè, coi ti vi các trận thể thao, vi vút trên internet ra sao. Tất cả đều được quy định rõ ràng có chữ ký ưng thuận của hai bên liên hệ! Hợp với những điều kiện mỗi bên cố tình giữ cho cuộc sống riêng tư thì ly đã nằm vùng trong đó rồi. Chạy đi đâu thoát. Thế nên, nhiều là vài năm, ít thì vài tháng, chẳng tại anh cũng chẳng tại em, tại cái muốn được mà không muốn mất chi, anh và em hợp ngâm câu thơ lừng danh của Thế Lữ: Anh đường anh, tôi đường tôi / Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!

Trước tòa, vị thẩm phán hỏi:

“Anh chị có nhớ thời gian nào hai vợ chồng bắt đầu lủng củng không?”
“Thưa quý tòa, cách đây 10 năm, vào ngày 15 tháng 11.”
“Làm sao anh có thể nhớ chính xác như vậy?”
“Dạ, có khó gì đâu, thưa quý tòa, đó là ngày cưới của chúng tôi!”

Ca sĩ Hồng Ngọc và nhạc sĩ Minh Nhiên là một đôi vợ chồng thường được bạn bè và mọi người chung quanh nhìn thấy như là một hình ảnh đẹp và đồng điệu. Bản song ca của họ vừa chấm dứt. Mỗi người đi một tông khác nhau. Tại sao vậy? “Có thể là do tôi đi quá nhiều, thời gian dành cho nhau ít quá. Đó là lỗi của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng bất cứ một sự đổ vỡ nào cũng có nhiều nguyên nhân và ngoại cảnh tác động”. Hồng Ngọc đã tâm sự như vậy. Không ai mong muốn có chuyện đứt gánh giữa đường nhưng một khi gánh đã đứt thì…đành đoạn lắm. Hồng Ngọc cho biết là cả nửa năm sau ngày ly hôn, cô không dám gặp ai và cũng không muốn gặp ai, không trò chuyện với bất cứ người thân hay bạn bè nào. “Tôi suy nghĩ thật lâu, thật nhiều, thật nghiêm túc về gia đình của mình. Tôi gầy đi mấy kí!”

Thôi thế thì cũng đành thế. Nhưng cái đuôi của của sự chia ly mới là rắc rối. Nếu có con cái thì…đại rắc rối! Ai có quyền nuôi con, người kia sẽ được thăm nuôi ra sao, tiền nuôi con được phân chia như thế nào? Và còn nhiều điều lẩm cẩm khác.Người ta xếp đặt chi tiết cho quyền lợi của đôi bên nhưng chẳng ai thèm lý tới cuộc sống tinh thần của đứa trẻ trong cuộc sống chia lìa mẹ cha.

Buổi cha đi tháng sáu
Con nương náu tình đơn
Của đêm buồn ngủ đậu
Của tình mẹ không hơn
Con có buồn ở lại
Đêm dài nhớ tình ai
Út vừa ba bốn tuổi
Mẹ và cha thành hai.
(Nguyễn Nam An)

Mẹ và cha của bé Libby Rees thành hai khi bé mới vừa được 7 tuổi. Em rất buồn và đã tự thử rất nhiều cách để có thể vượt qua những phiền muộn và đứng vững trong cuộc sống. Em tham dự những câu lạc bộ, tập thể dục, nghĩ đến những chuyện vui, vượt qua sự sợ hãi… Nghĩa là em tìm đủ cách để có thể tồn tại về tinh thần. Và, với ý chí mạnh mẽ, em đã vượt qua được sự thử thách một đời của mình. Yên ổn cho mình, em nghĩ tới những trẻ em khác cũng chịu sự bất hạnh mẹ cha chia lìa như em. Và em muốn chia sẻ với các bạn đó. Mẹ em khuyến khích em ghi lại những tìm tòi và kinh nghiện của em. Em viết ra được 60 trang sách và mạnh dạn gửi bản thảo cho một số nhà xuất bản. Chỉ một ngày sau, em nhận được hồi âm của nhà xuất bản Aultbea Publishing ở Tô Cách Lan. Ông Charles Faulkner, Tổng Giám Đốc nhà xuất bản đã hãnh diện. “Đây là tác giả trẻ tuổi đầu tiên nhận được hợp đồng in sách từ chúng tôi. Em là trường hợp ngoại lệ khi chỉ ở độ tuổi còn rất nhỏ mà em đã viết được những lời khuyên chín chắn như vậy”. Những lời khuyên của bé Libby ra sao? Gạt bỏ âu lo, nghĩ về những điều vui vẻ, suy nghĩ lạc quan, nghĩ đến những thành công, rút kinh nghiệm từ cuộc sống, tìm nơi yên tĩnh để gào thét, la ó cho hả giận, tham gia vào những câu lạc bộ, thiết lập dự án cho tương lai, tập thể thao và…cầu nguyện! Trong mỗi tiết mục, em kể về những kinh nghiệm đã trải qua, bàn bạc, trò chuyện với các độc giả nhí cùng cảnh ngộ. Và khi viết ra cuốn sách đặc biệt này, em chỉ mới 9 tuổi! Thảm thương như vậy mà những bậc cha mẹ vẫn cứ hăm hở xé hai.

anh chờ quá lâu tờ ly dị
bây giờ em mới gửi tới nơi
nhìn qua loáng thoáng cầm bút ký
năm năm gió cát thổi liên hồi
duyên tận dù sao giờ mới đến
vàng vòng bia đá [một trò chơi]
(Chu Vương Miện)

Ly hôn là chia lìa nhau. Cái nhà cũng chia hai. Thường là vì không muốn thấy nhau hàng ngày nên bán quách đi là thượng sách. Muốn bán nhanh thì phải bán rẻ nên cái rủi của người này lại có khi là cái may của người khác. Những người mua được những cái tổ ấm rã rời đó thường là được một món hời!

Nhưng bán rồi ở đâu? Bên này thì dễ. Tiền của nửa cái tổ ấm cũ có thể mua một căn nhà khác, nhỏ hơn. Nếu không đủ mua được nhà thì đi thuê. Cũng có chỗ chui ra chui vào để gậm nhấm nỗi cô đơn vừa ập tới. Nhưng ở bên Việt Nam thì chênh vênh hơn nhiều. Một tên bạn tôi đi học tập cải tạo về, vợ ở nhà có một đứa con với người khác. Giấy tờ tha ra trại lại ghi về cái địa chỉ cũ. Biết răng chừ? Chung đụng với người vợ nay đã là vợ người ta sao đặng. Nhà thì trước kia hai vợ chồng, một công chức một giáo sư, dành dụm cất lên trên một vùng hẻo lánh ở ngoại ô Sài gòn. Thôi thì tình thế đã nghiệt ngã như vậy thì cứ cưa đôi. Nhà thì nhỏ, cưa ra thì chẳng có thể nào tìm được một căn nhà khác. Đành phải thỏa thuận ngăn đôi. Thời buổi nhà nước còn đóng cửa kín mít, cây ván đắt như vàng, lấy gì mà ngăn? Đành phải chia đôi sơn hà bằng một tấm màn cửa cũ kỹ bên này làm gì thì bên kia nghe thấy hết. Cũng đành chứ biết sao hơn. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà anh bạn tôi chí thú tìm đường vượt biên. Hiện giờ anh đanh phây phây ở Úc. Chẳng cần hộ khẩu hộ khiếc gì.
Cái hộ khẩu ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa thường được dân chúng châm biếm gọi là cái…hậu khổ. Trường hợp chia lìa thì đúng là cái hậu khổ! Anh Trương Văn và chị Ngô Thúy cư ngụ tại Nhà Bè mang nhau ra tòa ly dị. Tòa xử chị Thúy được ở lại căn nhà với hai con, anh Văn phải đi chỗ khác chơi. Nhưng chị Thúy phải…thối lại cho anh Văn số tiền tương đương với nửa giá trị của căn nhà. Chị Thúy tiền đâu mà đưa. Vậy là anh Văn vẫn cứ…cắm dùi. Ngày ngày anh ra quán uống rượu à la ghi giải sầu. Giờ cơm anh về lục cơm ăn. Cứ như mình vẫn còn là sếp trong nhà. Chị Thúy cự nự thì anh chìa tay ra: tiền bà đã trả tôi đâu!

Cũng lại cái hậu khổ! Anh Trần Tư ngụ tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cũng ly dị vợ. Chị vợ chẳng thèm nấn ná, bỏ đi tức thời. Năm năm sau, anh đi thêm bước nữa. Đám cưới ngon lành đủ lệ bộ. Công khai tiệc tùng, chính thức đăng ký kết hôn đàng hoàng. Nhưng chị vợ sau không được ghi tên vào hộ khẩu mà hai năm nay vẫn cứ giữ chân tạm trú ngay trong nhà của chồng chính thức. Lý do là chị vợ trước, trong khi vội vã ra đi, chẳng biết có phải đi theo một con đường mới thích thú hơn không, mà quên mất chuyện cắt hộ khẩu. Người đã ngàn trùng nhưng tên thì vẫn nằm trong hộ khẩu với “chức vụ” là vợ của anh Tư. Chính quyền xã chẳng thể nào ghi chị Tư mới là vợ trong hộ khẩu được vì luật pháp không cho phép song hôn. Thế mới rắc rối cái sợi tơ vò!

Cũng lại cái hậu khổ! Bà Nguyễn Thương ngụ tại Quận 11, Sài gòn được tòa cho ly dị với ông Lê Hiến. Bản án tòa ghi rõ là bà Thương nuôi 4 đứa con và ông Hiến phải cấp dưỡng mỗi tháng 1,2 triệu đồng để nuôi con. Căn nhà là tài sản của bà Thương có trước khi kết hôn nên tòa công nhận là của bà Thương. Nhưng ông Hiến cứ ỳ ra không thèm cắt hộ khẩu. Bà Thương đã 2 lần gửi đơn cho hội Phụ Nữ Phường, 3 lần gửi đơn cho đội thi hành án Quận và 5 lần yêu cầu công an Phường, công an Quận giải quyết mà vẫn không xong. Trong khi đó ông Hiến quậy hết cỡ. Ông bỏ a xít vào nuớc dùng trong nhà khiến con gái bị phỏng, bỏ hóa chất đậm đặc vào quần lót đang phơi của bà Thương. Bà Thương xin công an giải quyết thì mấy anh lý luận: việc cắt chuyển hộ khẩu phải được sự yêu cầu của chính đương sự và đương sự phải chứng minh có chỗ ở mới hợp lệ thì công an mới giải quyết. Hoặc trong bản án ly hôn tòa phải ghi trục xuất ông Hiến ra khỏi nhà thì công an mới thi hành được. Bà quay lại tòa. Tòa giải thích là tòa chỉ xử cho ly hôn, còn việc cắt hộ khẩu là chức năng quản lý của ngành công an. Bản án không thể vi phạm vào chức năng của ngành công an trừ khi hai bên đương sự thỏa thuận, được pháp luật cho phép, thì tòa mới có thể ghi vào bản án. Trái banh cứ thế được đá đi đá lại giữa tòa án và công an, nạn nhân là bà Thương vẫn cứ phải kiểm soát quần lót hàng ngày!

Chuyện…hậu khổ là chuyện cười ra nước mắt của những người dân sống trong chế độ Cộng Sản. Những bạn đọc nhanh chân ra khỏi nước trước ngày đứt phim, chưa phải sống một ngày nào với Cộng Sản, chắc không thể nào hiểu nổi. Hộ khẩu không phải chỉ đơn thuần giản dị như Sổ Gia Đình ngày xưa đâu. Nó là vận mạng của mỗi người. Không có tên trong hộ khẩu có nghĩa là bạn là cái bóng không hiện hữu trên cõi đời này. Không được đi học, đi làm, lấy vợ lấy chồng, lãnh đồ…viện trợ Mỹ do thân nhân gửi về, mua gạo, mua nhu yếu phẩm… Chỉ có cái xã hội bát nháo mới sản sinh ra được những chuyện bát nháo như chuyện hộ khẩu. Mà chẳng phải chỉ có cái hộ khẩu!

Anh H. và chị T. chung sống với nhau được một năm thì chị có thai. Nhưng cái thai này là thai trứng nên buộc phải hút bỏ. Tiền phí tổn bệnh viện là 2 triệu đồng. Sau khi hút thai, bác sĩ bắt vợ chồng phải…cấm vận trong 3 năm. Chị T. về ở với cha mẹ cho tiện việc…ăn chay. Chỉ ba tháng sau, anh H. không chịu đòi đón vợ về. Gia đình chị T. không chịu. Lời qua tiếng lại, hai bên gia đình xung khắc với nhau. Anh H. đệ đơn xin ly dị. Tòa xử thuận tuy chị T. không muốn ly dị vì vẫn còn thương yêu chồng. Tức khí, chị yêu cầu tòa buộc anh H. phải trả lại chị nửa số tiền hút thai. Tòa bác yêu cầu của chị vì chị không đưa ra được giấy tờ chứng minh số chi phí. Chị kiện lên tòa phúc thẩm. Tháng 7 năm 2005 vừa qua, tòa cải án buộc anh H. phải trả cho chị T. không phải chỉ một nửa tiền mà toàn bộ số tiền 2 triệu đồng!

Hai ông bà đã ở tuổi thất thập. Cả cuộc đời chồng vợ họ chưa bao giờ có hạnh phúc. Nay đến tuổi gần đất xa trời họ dẫn nhau ra tòa xin ly hôn. Tòa xử thuận và phán căn nhà chung của hai người được chia đôi. Bà không chịu chia với lý do rất…bát nháo. Bà trình bày một cách hết sức nghiêm túc. Từ thời con gái đến nay, bà chỉ biết mỗi mình ông ấy. Nếu biết ông chẳng ra gì ngay từ đầu thì đời bà đâu có chịu ấm ức như thế này. Như vậy ông đã hại cả cuộc đời bà. Tiền nửa cái nhà bà phải thối lại cho ông, bà không phải trả, coi như là tiền đền bù…trinh tiết cho bà! Tòa thấy lý lẽ của bà già vui quá nên ông tòa hỏi lại: “Vậy trước khi ông lấy bà, ông có vợ chưa?” Bà trả lời: “Chưa!”. Tòa phán: “Vậy thì bà cũng phải bồi hoàn lại trinh tiết cho ông ấy!” Vui chưa?

Ham vui nên dân ngụ cư ở Hồ Ly Vọng tiền muôn bạc biển cứ ly dị lia chia. Mỗi cuộc ly hôn là một lần móc túi chi ra bạc triệu, vậy mà cứ làm tới. Như nhà soạn nhạc và ca sĩ nổi tiếng Neil Diamond đã móc túi chi 190 triệu đô để được ly dị với người vợ 25 năm chung sống là Marcia Diamond. Tiếc không? Tiếc chi! “Tôi vui khi được trả tiền như vậy. Nàng là mẹ của con tôi, đã cùng tôi vượt nhiều sóng gió. Nàng xứng đáng được một nửa tài sản của tôi!” Để chứng tỏ là chẳng có gì tiếc cả, chàng Neil còn tặng luôn cho vợ cũ món quà bonus. Đó là hai căn nhà, cũng bạc triệu, một ở Beverly Hills một ở Aspen, Colorado! Như nhà đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đã thân tặng cô vợ Amy Irving sơ sơ có chẵn trăm triệu để được…ly. Steven hy vọng, với số tiền này, Amy sẽ sống đầy đủ với cậu con trai Max, con chung của hai người. Như cuộc ly hôn ồn ào vào năm 2001 giữa Tom Cruise và Nicole Kidman với cái giá 85 triệu đô. Nicole có vui không? Cô nàng có thân hình duyên dáng này không nói. Cô chỉ nói tới một nỗi vui mừng mới: “Từ nay tôi có thể bắt đầu mang giày cao gót lại!” Chắc ai cũng biết là anh chàng Tom thấp hơn vợ đúng một tấc! Như danh ca nhạc quê hương Kenny Rogers đã móc hầu bao chi ra 60 triệu đô để ly dị cô vợ 18 năm chung sống Marianne Rogers vào năm 1995. Lý do ly dị? “Cô ấy thích tụ họp mấy bà bạn thân đi ăn trưa, còn tôi thích đi đánh golf với bạn bè!” Còn nhiều cái ly đáng tiền đáng bạc lắm: tài tử Harrison Ford trả 90 triệu cho Melissa Mathison, tài tử Kevin Costner chi 80 triệu cho Cindy Silva, diễn viên Michael Douglas mất 45 triệu cho Diandra Douglas. Các anh chồng cứ xì tiền ra để dọn đường đi lấy vợ mới. Nhưng anh con tạo chẳng bao giờ muốn bị mang tiếng là bất công. Bởi vậy nên cũng có nhiều bà phải móc bóp LouisVuitton ra chi cho các đấng mày râu để xin tờ giấy ly hôn. Ngôi sao truyền hình Roseanne chi cho anh chồng thứ hai Tom Arnold 50 triệu đô. Con gái của Pablo Picasso, nàng Paloma Picasso đã phải cắt nửa số gia tài 800 triệu đô để được độc thân trở lại, nữ diễn viên Jennifer Lopez trả sơ sơ 15 triệu cho anh chồng thứ nhì Cris Judd. Và cô đào nổi tiếng lên xe hoa tới mòn cửa xe Elizabeth Taylor phải trợ cấp cho anh chồng Larry Fortensky mỗi tháng 5000 đô. Không biết cái anh Larry là phu quân thứ bao nhiêu của Liz!

Tại sao người ta hăm hở cưới nhau rồi lại hăm hở không kém khi bye-bye nhau mặc dù tốn tiền muôn bạc triệu? Bởi vì cái thiên hạ ngày nay lúc nhúc những đàn ông đàn bà khác ngoài chồng ngoài vợ. Các cụ bảo là “văn mình vợ người”. Vợ người, chồng người vẫn cứ hấp dẫn. Nếu không có cái gọi là đạo đức, cái gọi là trách nhiệm, cái gọi là bổn phận, cái gọi là trung thành chúng níu lại thì…ly mấy hồi!

“Tôi không hiểu tại sao anh chị lại muốn ly dị?”
“Bởi vì chúng tôi có những sở thích hoàn toàn trái ngược nhau.”
“Nghĩa là thế nào?”
“Ông ấy thích phụ nữ, còn tôi lại thích đàn ông!”

Phải chi trên cái cõi đời nhiều rắc rối này chỉ có một ông Adam với một bà Eva!

01/2006