Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

PHÚ

Chuyện tiền bạc là chuyện miên man thú vị, nói đi rồi cứ muốn nói lại, nói hoài không chán. Cứ thấy hơi đồng là khoái rồi. Đông hơi đồng lại càng khoái hơn nữa. Đã nói tới tỷ phú thì cũng nên xuống tiêu chuẩn một chút để nói vớt vát tới triệu phú. Đây là giới hạn cuối cùng, không thể xuống thêm được nữa. Tôi ít thích chơi với những người mà tài sản chỉ có dưới bảy con số!

Triệu phú thì ở Việt Nam ta thiếu giống! Triệu phú tiền Việt Nam thì lềnh khênh chạy đầy phố xá, nói tới làm chi cho tủi mực giấy. Triệu phú tiền đô Mỹ ở Việt nam cơ! Cái thứ Việt kiều như bạn như tôi, tuy có góp phần vào số tiền xấp xỉ 4 tỷ đô Mỹ gửi về Việt Nam mỗi năm, ít khi có dịp trở thành triệu phú, cũng chép miệng lắc đầu: làm gì có triệu phú đô Mỹ ở Việt Nam! Cho tới khi báo chí nhắc tới tên ông Bùi Tiến Dũng vào những ngày đầu năm nay thì mới ngơ ngẩn ngẩn ngơ. Ông Bùi Tiến Dũng là Tổng Giám Đốc Ban Quản lý các Dự Án PMU 18 thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải. Lương tháng ông bao nhiêu? Chuyện…phòng the ai mà biết được! Đã là chuyện phòng the thì chỉ có nhòm trộm. Bạn cũng như tôi, thân phận…Việt kiều, cách chi mà…paparazzi được. Phải nhờ tới người ngoại quốc! Một nhà ngoại giao Tây phương đã mô tả lương bổng của các quan chức cao cấp tại Việt Nam là “không đủ để họ sống mười ngày”. Rõ ràng hơn, lương căn bản của cán bộ là 290 ngàn đồng, tương đương với 18 đô Mỹ, rồi nhân theo chỉ số cao thấp tùy theo chức vụ, cấp bậc. Ông Vũ Khoan, cấp bậc phó thủ tướng, khi đi thăm một xí nghiệp quốc doanh đã so sánh và thấy một viên chức nhà nước chức vụ rất cao như ông còn kém lương của một người thợ chuyên môn. Ông Bùi Tiến Dũng thuộc cấp thấp hơn ông Vũ Khoan là cái chắc. Ông có cái đam mê cá độ đá banh. Cũng được đi. Việc công nhức đầu nhức óc giải trí tí chút có sao! Nhưng sự giải trí của ông không tí chút. Trong vòng một tháng, ông đã cá độ tới một triệu tám đô Mỹ! Trong hai tháng, ông đã lùa vào chiếu cá độ sơ sơ 2,4 triệu đô Mỹ. Bỏ ra số tiền bạc triệu đô Mỹ để…giải trí thì gia sản ông có bao nhiêu triệu tất cả? Bố ai mà biết được. Hàng xóm nhà ông chỉ biết là ông đã xây một căn nhà lớn bạc tỷ nhưng không vừa ý nên đã không ngần ngại phá sập làm lại ngay trước khi xử dụng!

Tiền vào cửa nhà ông Tổng này bằng lối nào? Tổng Nha PMU 18 của ông trông coi nhiều dự án cầu đường trị giá bạc tỷ mà ông tuy tuổi trẻ, năm nay mới 47 tuổi, mà đã “nắm” cái Tổng Nha này từ năm 1998 tới nay, vị chi là 7 năm, tiền nó rủ nhau nườm nượp đi vào thì làm chi mà chẳng triệu phú. Tiền nó vào như thế nào? Trong truyện ngắn “Chuyện Của Những Người Trong Công Ty Tôi” của Nguyễn Ái Nhân đăng trong tạp chí Thế Kỷ 21 số Xuân Bính Tuất vừa phát hành, tác giả là nhân viên trong một công ty tư nhân nhỏ đã vẽ ra lối đi của tiền. “Mỗi hợp đồng, dự án chúng tôi kiếm được bị mất ngay từ 20% - 40% chỉ cho người môi giới thường là các quan chức, nhân viên của nơi cơ quan thuê, ký hợp đồng hay đem công việc về cho chúng tôi. Nói vậy để quý vị hình dung ra tiền viện trợ, đầu tư của nước ngoài hay các dự án của Việt Nam thực tế ra sao? Nếu như UNDP viện trợ, cho Việt Nam vay khoảng 2 tỉ USD để xóa đói giảm nghèo thì ít nhất 600 -800 triệu USD (tiền triệu USD, quý vị đừng quên) sẽ rơi vào túi để giúp đỡ những người đã giàu thường là các quan chức, chuyên viên các cấp để họ giàu hơn, để họ xây nhà, mua xe mới v. v. Mà khổ nỗi, những người như vậy thường ăn đút lót không phải vì họ nghèo, vì họ ít tiền mà vì họ tham và đơn giản đến đáng sợ hơn, đối với họ đã thành thói quen phải đòi tiền đút lót.”

À, thế ra là chuyện nhũng nhẵng của những người tham. Chuyện này xưa rồi. Có ba trăm lạng việc này mới xong! Cụ Tiên Điền đã từng…đoạn trường tân thanh như vậy rồi. Trăm năm sau, cụ Nguyễn Khuyến théc méc. Có tiền việc ấy mà xong nhỉ? / Thời trước làm quan cũng thế a? Thời nào mà chẳng thế. Thời đổi mới ngày nay nó biến thành cái mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi là nền “văn hóa phong bì”. Trong truyện “Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu”, nhà văn của chúng ta phác họa: “Tôi và con bé Thúy Mùi đi tìm bác sĩ Việt và bác sĩ Sơn để cám ơn vì ca mổ thành công. Chúng tôi cho 500 nghìn đồng vào một cái phong bì để cho lịch sự. “Văn hóa phong bì” là thứ rất phổ biến ở mọi nơi mọi chỗ: mừng đám cưới, phúng đám ma, họp hội nghị. Nó làm cho cả người đưa tiền và người nhận tiền đều đỡ ngượng ngập. Công dụng của nó giống như cái quần xịp của tôi!”

Cái quần xịp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nay một chéo, mai một chéo, nó cũng tạo ra…phú. Trong một buổi điều trần trước Quốc hội, chính ông Thủ Tướng Phan Văn Khải đã nhìn nhận tham nhũng đã “xà xẻo” khoảng 30% các dự án xây dựng, phát triển. Phần lớn các dự án này được tài trợ từ các khoản tín dụng ngoại quốc. Riêng trong năm 2005, tài trợ cho các dự án phát triển, xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam là 3,4 tỷ đô Mỹ. Ba chục phần trăm của số tiền này sẽ đẻ ra biết bao nhiêu cái quần xịp!

Tiền nhiều thế để đâu cho hết? Bạn đừng lo con bò trắng răng. Báo điện tử trong nước VNExpress ngày Thứ Bảy 10 tháng 9 năm 2005 đã phổ biến lại bài báo “Gửi tiền ở nhà băng Thụy Sĩ” của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài gòn. Bài báo này mở đầu bằng câu hỏi: “Có thể mở tài khoản ẩn danh - anonymous account - ở ngân hàng Thụy Sĩ không?” Trong bài báo, tác giả đã giải thích khá tỉ mỉ về thế nào là tài khoản ẩn danh dưới hình thức “tài sản mang số nào đó thay vì mang tên khách hàng” và “tài khoản số hạn chế sự hiểu biết về chủ nhân của nó”. Bài báo này thật là quý hóa. Nhưng chắc không quý cho tất cả mọi người dân trong một nước mà lợi tức trung bình đầu người khoảng 500 đô Mỹ mỗi năm!

Tôi vốn là người rất thích quan tâm đến chuyện tiền bạc nên lại tẩn mẩn đọc được trên báo điện tử hải ngoại Người Việt ngày 11 tháng 11 năm 2005 một bài báo, theo đó một số cán bộ tin cậy của đám quan chức cao cấp Việt Nam đã được giao cho nhiệm vụ chuyển tiền và quản trị các tài sản khổng lồ của họ tại các ngân hàng ngoại quốc. Một nhân vật từng giao tiếp với các cán bộ này tại một số ngân hàng Thụy Sĩ (yêu cầu được giấu tên) cho biết: “Chưa kể tại ngân hàng các nước khác ở Âu châu và Á châu, riêng tại Thụy Sĩ, tôi biết có hai người ở các ngân hàng thành phố Lausanne và hai người ở thành phố Geneva làm nhiệm vụ chuyển tiền và quản trị tài sản do sếp của họ gửi”.

Như vậy là một tin mừng cho người Việt chúng ta. Chúng ta, tuy là một nước có hạng về nghèo đói nhất trên thế giới mà cũng oai dũng đóng góp cho thế giới được những tỷ phú và triệu phú. Chúng ta có thua kém ai đâu! Có điều những người lắm của nhiều tiền này đã làm…cách mạng. Họ đã dục bỏ đi cái túi khôn “phi thương bất phú” của các cụ ta ngày xưa. Cần chi phải làm cái trò phi sản xuất là buôn buôn bán bán mới…phú được nhỉ?

Ông nhà giàu đã đi vào huyền thoại của miền nam nước Việt là “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy cũng chẳng thèm buôn bán gì cả. Ông bố của ông đã buôn đất ruộng vườn, lúa gạo, để lại cho ông một gia tài kếch sù. Ông chỉ có thời giờ tiêu tiền chứ không có thời giờ làm ăn! Cái lối đốt tiền của ông…công tử không chê được. Con của “công tử” tên Trần Trinh Nhơn, năm nay 59 tuổi, hiện ngụ tại Sài gòn, cho biết: khi được hỏi về lối ăn chơi khét tiếng khác người, “ông già” ông đã giải thích là vì bọn tây hay khinh bỉ dân ta nên ông phải chơi cho chúng nể mặt dân ta! Ông chơi ra sao? Thời mà ở Việt Nam chỉ có vua Bảo Đại có máy bay thì ông đã mua một chiếc máy bay riêng để…đi thăm đồng. Sự việc…chơi ngang cơ với vua này đã được tờ báo tiếng Tây Le Courrier Saigonnaise loan tin với cái tít như sau: “Công Tử Bạc Liêu mua máy bay và làm sân đáp trong đồn điền của ông tại Cà Mau!” Lúc đó quan Tham biện chủ tỉnh Bạc Liêu không cho sử dụng không phận Bạc Liêu, ông “công tử” đã phải gặp Toàn Quyền Đông Dương để khiếu nại. Chiếc máy bay này do đích thân ông lái để chở gia đình lên Sài gòn chơi và đi thăm đồng áng. Ông thuê luôn một viên kỹ sư người Pháp để đảm nhiệm việc bảo trì và sửa chữa máy bay. Xăng dùng cho máy bay phải đặt mua từ Pháp. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, công tử Bạc Liêu có một nhà để xe riêng để mỗi khi đáp máy bay xuống đây ông có sẵn xe hơi lái vào thành phố! Ăn chơi tới bến nên công tử có một bà vợ đầm khi đi du học bên Pháp và ba bà vợ Việt tại quê nhà. Bà “cung phi” chót tên Bùi Thị Ba kém ông đến 40 tuổi!

Ăn chơi nức tiếng, tiền ra như nước để được đi vào huyền thoại như vậy, hẹp hòi chi mà không cho ông chữ…phú mặc dầu không biết tài sản của ông có tới bạc triệu đô Mỹ không. Nhưng triệu phú loại thừa hưởng gia sản như công tử Trần Trinh Huy không oai như các loại triệu phú…thân lập thân. Không cần xa xôi làm chi, cứ nhìn vào các nước quanh chúng ta, cũng thấy lác mắt về loại triệu phú từ hai bàn tay trắng.

Thử nhìn vào một cô triệu phú trẻ đi lên bằng chính bàn tay của mình. Olivia Lum Ooi Lin bị cuộc đời vùi dập ngay khi vừa mở mắt chào đời. Cô sinh ngày 9 tháng 1 năm 1961 tại một bệnh viện nhỏ ở Perak, Mã Lai và bị bỏ rơi ngay tại hành lang bệnh viện. Khát sữa, cô khóc thét lên, một người đàn bà 63 tuổi ở khu phố thợ mỏ Kampar, một khu phố rất nghèo, thương tình mang cô về nuôi. Cô gọi bà mẹ nuôi này là bà nội. Bà nội có tật mê đánh bạc. Bà đã nướng cả căn nhà vào sòng bạc. Hai bà cháu phải nương náu tại một lán gỗ tồi tàn quanh năm lụt lội nước mưa. Năm lên 4 tuổi, cô đã phải gạt nước mắt bán đi tất cả đồ chơi quý giá để mua cơm ăn. Vậy mà ngay từ những ngày thơ ấu khốn khó đó, cô đã hứa với bà là khi lớn lên cô sẽ làm ra nhiều tiền để mua cho bà một căn nhà mới. Cô chỉ thực hiện được một nửa lời hứa. Ngày nay cô muốn mua bao nhiêu căn nhà cũng được nhưng không thể mua nhà cho bà vì bà cô đã mất khi cô chưa thành công! Thành công của cô là do ý chí muốn vươn lên mãnh liệt trong con người cô. Khi tới tuổi vào Đại Học, cô tới Singapore theo học bằng cách làm đủ mọi nghề để trang trải học phí. Ý chí như cô thì học là một việc hết sức dễ dàng. Cô tốt nghiệp ngành hóa chất và kiếm ngay được việc tại Công ty Dược phẩm Glaxo Smith Kline. Năm 1989, sau ba năm làm việc, cô bán nhà để quyết làm giàu. Với 12 ngàn đô Mỹ có được, cô thành lập công ty bán thiết bị lọc nước Hyflux với chỉ hai nhân viên. Tại sao lại lao vào nghề lọc nước? Đó là ám ảnh những ngày thiếu nước uống, dư nước ngập tại căn lán ở Kampar! Sau ba năm bán sản phẩm của người khác, cô bắt đầu sản xuất thiết bị riêng, cạnh tranh với 20 công ty lớn đang hoạt động. Sau những thành công nho nhỏ, cô nhích lên thêm bằng cách nghiên cứu sản xuất màng lọc xử lý nước thải. Thành công này đưa cô lên một nấc cao hơn. Cô xây nhà máy lọc nước biển trị giá 200 triệu đô Mỹ tại Singapore. Cô nhảy vào thị trường rộng lớn Trung Quốc và có mặt tại hai chục thành phố kể cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Cô trúng thầu xây cất nhà máy lọc nước trị giá 400 triệu đô cho hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm and the World của Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất. Cô thành lập một văn phòng với 5 chuyên gia tại thành phố Chennai, Ấn Độ để chờ họ bật đèn xanh là nhảy vô kiếm bạc. Trong 8 năm qua, doanh thu của Hyflux tăng trung bình 55% mỗi năm. Số doanh thu năm ngoái là 53 triệu đô và năm nay dự kiến nhảy vọt lên đến 180 triệu đô! Tạp chí…tiền bạc Forbes đã phải để tên cô vào bảng phong thần những triệu phú giàu nhất của Đông Nam Á. Cô được xếp hạng thứ 39 với tài sản 240 triệu đô Mỹ! Tấm hình cô trên bìa tờ báo này là hình cô đang ngồi với bàn tay đưa ra hứng những giọt nước mưa. Những giọt nước gợi nhớ căn lán ngập nước mưa xưa mà “bà nội và tôi phải xếp gạch trên nền nhà để đi cho khỏi ướt chân”.

Mấy hồi mà nhà triệu phú năm nay mới 45 tuổi Olivia Lum Ooi Lin chẳng sẽ tham gia vào câu lạc bộ của các tỷ phú Á Châu, một câu lạc bộ càng ngày càng đông hội viên. Mã Lai của cô Olivia hiện có 6 tỷ phú. Giàu…tỷ phú nhất Á Châu là Nhật Bản với 24 vị, Hương Cảng 15 vị, Ấn Độ 12 vị, Đài Loan 7 vị, Singapore 4 vị, Nam Hàn, Thái Lan và Phi Luật Tân đều 3 vị, Trung Quốc 2 vị.
Việt Nam chúng ta có tỷ phú không? Dám có lắm! Họ là những tỷ phú…chui! Tiền bạc của họ nằm rải rác ra nhiều ngân hàng, nhưng những ngân hàng Thụy Sĩ vẫn là những…két sắt chính của họ. Vẫn theo bài báo trên Người Việt Online thì người Việt Nam còn gửi tiền tại các ngân hàng Âu Châu và Á châu khác. Có điều khá kỳ bí là họ gửi tiền cả ở ngân hàng Nga là nước có hệ thống ngân hàng bấp bênh nhất trên thế giới. Họ dại chăng? Nhân vật giấu tên nhưng biết nhiều đã giải thích: “Họ gửi cả tiền ở ngân hàng Nga vì tin tưởng nguyên tắc khôn ngoan này: không bao giờ bỏ chung tất cả trứng vào trong một giỏ!Nếu một quả trứng chẳng may bị vỡ, có thể những quả trứng khác vỡ theo!”

Quên những anh tỷ phú giấu mặt này đi! Chúng ta hãy thử nhìn vào những anh tiền ơi là tiền ở sát nách chúng ta: những nhà giàu Trung Quốc. Họ là những người còn rất trẻ, phần lớn được sinh ra trong thập niên 70, trong độ tuổi từ 25 đến 34. Họ sống như thế nào? Nhà ở của họ hầu hết là đồ Nhật, họ xem phim Mỹ, chấp nhận lối sống và cách suy nghĩ của người Mỹ tuy phản đối mạnh mẽ những hành động của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Còn chuyện vợ con? Họ kén chọn kỹ lắm. Điểm quan trọng là họ chọn những cô còn nguyên! Luật sư He Xin có một ông bạn triệu phú vừa ly dị vợ. Gia sản của ông là 125 triệu đô Mỹ. Ông than phiền khó chọn vợ còn trinh quá. He Xin liền bắt tay vào việc chọn vợ cho…bạn mặc dầu anh cũng vẫn phòng không gối chiếc! Anh đăng báo mẩu tin triệu phú kiếm vợ đồng trinh. Lập tức có 600 cô gái gửi ảnh và lý lịch ứng tuyển. Vòng sơ tuyển lựa lại được 100 cô. Lựa lại nữa còn 20 cô được vào vòng phỏng vấn. Cuối cùng, nhà triệu phú cũng có được cô vợ còn gin tuy ông đã nhuốm biết bao bụi trần! Từ cuộc lựa vợ cho anh bạn đông bạc này, ông luật sư người Thượng Hải He Xin bỗng tìm ra được một nghề xịn: nghề tìm vợ cho triệu và tỷ phú. Vừa treo bảng hành nghề, anh chàng luật sư nhiều sáng kiến này đã có tới 50 triệu và tỷ phú tìm đến và anh đã kiếm được vợ cho 3 người. Anh cho biết tiến trình làm mai có lợi nhuận của anh cho mỗi vụ mất khoảng 3 tháng. Bận rộn như vậy nhưng anh cũng không quên phần của mình. Anh cũng đã xí được một cô trinh nữ vốn là một ứng viên bị trượt vỏ chuối. Thôi thì…xuống thang một chút cũng không sao!
Công việc mối mai ngày xưa là một việc…giải trí của các bà. Đó là một công việc…ngu!

Ở đời có bốn cái ngu / Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu! Tới anh He Xin thì ngu gì mà không làm mai. Vừa bắt được bạc, vừa bắt được vợ. Khôn dàn trời! Khi tờ báo Nanfang Zhoumo đi một bài nói về công việc kiếm vợ còn trinh cho các tỷ phú, trên các diễn đàn internet rộ lên một cuộc cãi cọ của đám trẻ. Một trinh nữ bị trượt trong một kỳ tuyển lựa đã thách thức: “Chẳng phải việc giữ trinh tiết là để kiếm một cái giá hời hay sao?” Câu khai hỏa nặng ký này lập tức nhận được những hồi đáp tôi tăm mặt mũi. Phần lớn kết tội những người như cô chẳng khác gì gái điếm! “Tôi cũng được học hành tử tế, cũng xinh đẹp nhưng tôi ghét kiểu hôn nhân thế này. Vẻ đẹp của con người xuất phát từ tâm hồn họ chứ không phải từ trinh tiết. Những cô gái đó bán thân như một thứ hàng hóa rẻ mạt.” Nhiều người khác lại chế giễu các anh tỷ phú. “Nếu họ nghĩ có thể lấy được một cô còn trong trắng theo cách đó thì họ sai lầm hoàn toàn. Tôi thấy cái cách người ta coi trinh tiết như hàng hóa thật đáng chán.”

Một anh bạn của tôi cũng vào internet thấy câu chuyện thú vị mới hỏi ngược lại tôi: “Này ông, nếu ông là tỷ phú ông có kiếm vợ còn trinh không?” Ừ nhỉ! Nếu bạc dắt một đống trong người, mình có tuyển lựa…người mẫu như vậy không? Hay là mình sẵn sàng chấp nhận hút sái nhì, sái ba miễn là tìm được một người vừa ý. Càng nghĩ càng thấy…gay! Nhưng rồi chợt ngộ ra. Cái ngữ mình thì có bao giờ leo lên được hàng triệu phú đâu mà khéo lo!

02/2006