Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

TƯỞNG

Tưởng là một ngộ nhận. Tưởng là thế này mà hóa ra thế khác. Mình nghĩ nó đôi J / Ai ngờ nó đôi xì. ? Mình nghĩ nó hai đôi / Ai ngờ nó ba cây. Đó là lời nhạc nhái một bài ca nổi tiếng  của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hậu quả của  cái ngỡ đó là…cháy túi! Muốn biết tại sao lại cháy túi thì phải biết đánh xì, nếu không biết đánh xì mà tưởng mình biết đánh thì hậu quả khôn lường: chẳng những cháy túi mà cháy luôn nhà cửa không chừng. Nhưng ác ôn một cái là tưởng lại là một phần đời sống của chúng ta. Có ai trong chúng ta lại không dính tới cái vụ rắc rối này?

em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
nhớ duyên dáng, ngây thơ mà…xảo quyệt! 
ta sẽ nhớ dặn lòng nên tha thiết
nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
nên hùng hổ…để đợi giờ thua thiệt!
(Nguyễn Tất Nhiên)

Chẳng đơn giản chút nào! Hai mặt bày ra làm chúng ta cứ…tưởng lia chia. Nhưng chẳng phải chỉ người khác làm chúng ta hố mà chính chúng ta cũng đánh lừa chúng ta. Tưởng tượng là một khả năng của con người. Có khi nó thăng hoa cuộc sống của chúng ta, có khi nó dìm chúng ta xuống tới đáy cùng thất vọng. Nếu nó liên quan đến sức khỏe thì rắc rối to. Chẳng hạn như khi nghe một người bị một chứng bệnh nào đó kể cho chúng ta nghe triệu chứng của căn bệnh, chúng ta thấy ngay là mình có y chang những triệu chứng này. Không có cũng…sáng chế ra ngay tức thời để cho hợp với sự tưởng tượng của chúng ta. Phiền một nỗi là khi tưởng tượng ra bệnh thì chúng ta toàn chơi với những thứ bệnh lớn không. Như thỉnh thoảng thấy nhói đau ở ngực, nhức đầu hoặc đau bắp thịt, chúng ta nghe ngóng trong người và hình thành một nỗi sợ. Chắc ung thư ngực hay ung thư phổi! Đó là bệnh tưởng. Căn bệnh đã gợi hứng cho đại văn hào Moliere của Pháp viết một tác phẩm nổi tiếng: Le Malade Imaginaire (Người Bệnh Tưởng). Nhân vật chính luôn tưởng là mình bị bệnh rất nặng, bệnh mà các bác sĩ và y tá chẳng ai thấy ra, khiến ông sa vào trường hợp luôn luôn lo lắng bất an.

Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Lãnh Cảm” của tác giả Ngọc Anh (Văn Học số tháng 3 & 4/2006) cũng bất an nặng. Sau một lỡ lầm từ hồi còn thơ, chị đã tưởng mình mang bệnh lãnh cảm. “Có thật tôi đang mang chứng bệnh lãnh cảm? Tôi nghe nói người đàn bà bị lãnh cảm luôn luôn sợ chuyện gối chăn. Tôi co rúm người, không cho Viện dùng tay đụng chạm phần thân thể bên dưới, không cho Viện tụt chiếc lưng quần. Thế tôi còn gì nghi ngờ mình không mắc bệnh nữa chứ! Nhưng cảm giác của người bị bệnh lãnh cảm như thế nào nhỉ? Có giống như cảm giác thích thú nửa vời của tôi mỗi lần những ngón tay Việt mân mê đầu ngực, bàn tay ve vuốt khoảng da thịt quanh đôi vú để mặt tôi nóng bừng, để bên dưới có gì nhột nhạt, như có sự thúc giục được dâng hiến. Một người đàn bà bị lãnh cảm có thể nào có được cái cảm giác ngọt ngào đó? Tôi có bị bệnh lãnh cảm không? Câu hỏi tiếp tục làm tôi đau khổ. Tôi yêu Viện, như thế tôi cần cho Viện nhập vào người một lần để xác nhận căn bệnh của mình. Không được! Nếu tôi bị lãnh cảm thật thì hành động nhập vào làm một với Viện có thể nào trở thành nguyên cớ để Viện hồi hôn và như thế tôi sẽ hoàn toàn mất Viện. Không, không, nhất định tôi không thể để xảy ra chuyện này…. Tôi cố làm mặt lì đi mướn cuốn phim. Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là thân thể trần truồng của người đàn bà. Mặt tôi nóng ran với cảm giác khích động. Màn hình hiện ra thêm một người đàn ông, rồi thêm một người đàn ông nữa. Ba người bắt đầu lăn xả vào nhau với những động tác lạ lùng. Tôi tắt vội màn hình. Nỗi khích động nhanh chóng xẹp xuống. Cảm giác nhờm tởm. Rõ hơn sự lạnh tanh của mình. Thôi thế là chết! Chắc chắn tôi đã mang chứng lãnh cảm.” Tưởng vậy mà không phải vậy. Trước ngày cưới hai ngày, nhân vật “tôi” đã hiến thân cho Viện, và mọi sự hết sức bình thường!

Ngày nay bệnh tật rất ma mãnh nên mối sợ tăng cường độ, bệnh tưởng lại càng được đất làm ăn. Em Ng. M. N., 13 tuổi, đang học lớp 8, được bố mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng khóc lóc, sợ sệt, luôn miệng đòi chết. Tại sao ra nông nỗi như vậy? Mẹ em làm nghề nails. Em đang ngồi cắt móng tay bằng cái cắt móng tay của mẹ vẫn dùng cho khách, anh trai của em trông thấy, nói dọa: “Coi chừng bị nhiễm HIV đấy!”. Vậy là em sợ, cả đêm không ngủ được, cứ nghĩ là mình bị nhiễm căn bệnh thời đại này rồi. Sợ tới mức không dám ngồi xuống ghế, không dám cầm muỗng, không dám uống nước bằng ly. Vào phòng vệ sinh, lau đi lau lại tới vài chục lần rồi bắt mẹ ngồi xuống trước rồi em mới dám ngồi sau. Nếu mẹ không làm theo thì khóc lóc dữ dội. Sau hai tuần ăn ngủ không được, em sụt mất 7 kí và chỉ đòi chết! Đó là bệnh tưởng. Nó là một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Có người sợ vi trùng nên nhìn đâu cũng thấy vi trùng, rửa tay cả trăm lần mỗi ngày, lần rửa sau kéo dài lâu hơn lần rửa trước. Hành vi lặp đi lặp lại trở thành quán tính. Đóng cửa nhà, đóng cửa tủ lạnh, đậy nắp nồi cơm..v..v.. việc nào cũng làm nhiều lần.

Ngày 8 tháng 11 năm 2005, tại Sài gòn, một trận động đất mạnh chưa từng thấy đã làm dân chúng hoang mang. Nhiều người sau đó cho biết họ bị mệt, nhức đầu, khó thở, chóng mặt, có người buồn nôn kéo dài nhiều ngày. Những triệu chứng này phần lớn là do rối loạn lo âu mà ra. Sợ quá hóa bệnh!

Tháng ba năm 2005, tại làng Alao, xã LơPang, huyện Mang Yang (Gia Lai), có hai người tên Blơh và Dinh Phưh bị chết một cách đột ngột. Vậy là cả trăm dân làng cảm thấy đau ê ẩm trong bụng, bên sườn, các đầu ngón tay, ngón chân, người run lên bần bật như bị sốt rét. Họ đổ ra thị trấn Kon Dờng tìm mua thuốc sốt rét, đau bụng để uống. Có 19 người vào Trung Tâm Y Tế huyện Gia Lai. Theo chẩn bệnh thì thấy huyết áp họ vẫn bình thường, không sốt và không thấy những triệu chứng như họ khai bệnh. Sau đó, Trung Tâm nhận hai bệnh nhân từ làng chuyển lên với triệu chứng run chân tay, tức ngực, đau bụng. Các bác sĩ chữa trị bằng thuốc an thần, trợ tim và truyền dịch. Hết bệnh! Điều tra thêm về hiện tượng bệnh tập thể này, giới chức có trách nhiệm kết luận là “căn bệnh lạ” này là do tâm lý người dân hoảng loạn sau hai ca tử vong chứ không do bệnh lý gây nên!

Xem ti vi hay đọc sách báo cũng sinh chuyện. Các cây viết mục y học thường trình bày cặn kẽ triệu chứng các căn bệnh cho dân chúng biết để nếu thấy trong người có những triệu chứng như vậy thì phải đi bác sĩ ngay. Nhưng người  đọc thường lại làm khác. Đọc được triệu chứng một căn bệnh bèn nghe ngóng và nghĩ ngay là mình mắc bệnh đó. Và cứ sống với nỗi lo âu về căn bệnh tưởng của mình. Hầu hết các bác sĩ trong “Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Norwich” ở Anh nhận thấy là các bệnh nhân đã khai báo triệu chứng bệnh tật dựa trên những gì mà họ đã xem trên ti vi hoặc đọc trong sách báo. Nghĩa là họ đã tự xác định bệnh trước khi nhờ bác sĩ chẩn đoán. Mà bệnh trong các phim chiếu trên ti vi lại thường là căn bệnh “nổi tiếng” nhất ngày nay là bệnh ung thư. Vậy là khán giả tự liên tưởng các triệu chứng bệnh của nhân vật lên chính bản thân mình!

Một loại bệnh tưởng khác là bơm bệnh lên như ta bơm trái bong bóng. Càng phồng to càng tốt! Nhiều bệnh nhân có ít suýt ra nhiều một cách thích thú. Khó ngủ, tim đôi khi chạy marathon, hay đi tiểu đêm, ngực đau nhói, bao tử bỗng sôi réo… Chuyện nhỏ! Có gì mà ầm ỹ. Nhưng có những bệnh nhân khi khai bệnh với bác sĩ nhăn nhó mô tả thêm cho nó có…trọng lượng. Theo Tiến sĩ James Hamilton thì đây là một hình thức đi tìm cái ngã và bản sắc của mình trong một tình thế không bình thường là bị bệnh. Đây là hậu quả của một nền văn hóa chỉ thích ồn ào về những chuyện lạ như văn hóa Tây phương ngày nay. Cứ lạ là được bàn dân thiên hạ chú ý, theo dõi và bàn tán, bất kể cái lạ đó như thế nào. Một tài tử vì diễn xuất hay mà được chú ý cũng xêm xêm như một tài tử tạo xì căng đan bằng những vụ tình ái lăng nhăng mà nổi tiếng. Nền văn hóa mà nàng Monica Lewinsky chẳng có tài cán gì, chỉ làm cái việc đáng xấu hổ mà “danh tiếng” nổi như cồn, cả thế giới thích thú theo dõi, tên được cài vào bộ nhớ của toàn dân trên thế giới. Khi tôi đánh máy tới cái tên họ thường ra là rất khó nhớ này, vậy mà cứ thản nhiên gõ không sai trật một ly ông cụ nào cả! Trong bối cảnh một nền văn hóa…bệnh hoạn như vậy, một anh bệnh nhân cắc ké vốn có tự ti mặc cảm cố ý khai bệnh cho thật trầm trọng, thật hấp dẫn để có cảm tưởng mình là người quan trọng!

Trong truyện ngắn “Dây Neo Trần Gian” của Võ Thị Hảo, nhân vật chính, một nhà thơ, đã tự kết án tử. Trong chiến tranh, anh nằm trong một tiểu đội 12 người thì đã có 9 người bỏ mình vì cái gọi là hóa chất. Được an bình trở về, sống với gia đình, anh vẫn đau đáu chờ một ngày nằm xuống chắc chắn sắp xảy ra. Thơ anh toàn những trối trăng. Người anh gầy dọc đi. Cô người yêu của anh an ủi, lý lẽ thế nào anh cũng chẳng thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của cái chết. Cô thuyết phục anh đi thử máu, đồng thời đi cửa sau với bác sĩ để trong bất cứ trường hợp nào cũng xin ông cho một kết quả âm tính dù phải làm kết quả giả. “Khi anh từ phòng thử máu bước ra, tay cầm mảnh giấy và khuôn mặt rạng ngời, nàng vờ nói:“Đấy! Em đã bảo mà! Chỉ là bệnh tưởng đấy thôi!”. Anh cười, nắm tay nàng định nói một lời gì đó thật đặc biệt, xứng với trường hợp này. Nhưng nàng vờ cười thật tươi và nói rằng, trót để quên chiếc ví trong phòng xét nghiệm rồi vụt chạy trở vào, chỉ lo mình òa khóc. Vào phòng, nàng chỉ đủ sức mở to mắt nhìn vào miệng người bác sĩ. Ông bác sĩ có chiếc mũi khoằm gỡ kính ra nhìn nàng:“Thật không thể ngờ được, cô ạ. Trông người như hồn ma thế kia mà kết quả âm tính thực sự. Tôi không phải làm chứng chỉ giả nữa. Máu của cậu ấy hoàn toàn bình thường, phải cái hơi ít hồng cầu. Chữa đơn giản thôi. Chúc mừng hạnh phúc của vợ chồng cô!”

Tự nghĩ rằng mình bệnh là thế nhân thường tình. Ai cũng có lúc như vậy. Trong một cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học cho một nhóm người dùng nước đường và bảo đấy là chất gây nôn ọe. Kết quả là có tới 80% số người tham gia đã bị nôn mửa. Không phải nước đường mà chính sự lo sợ, cho rằng mình thế nào cũng nôn, đã làm người ta nôn thật!

Trong một thử nghiệm khác tại “Trung Tâm Đau Nhức và Nhức Đầu” ở Massachusetts, những người tham gia được cho ăn một loại thực phẩm được thông báo là có dị ứng khi ăn vào. Ăn xong, cả nhóm đều thấy bị dị ứng, ngứa, nhức đầu. Cũng nhóm này, khi được cho ăn lại đúng loại thức ăn này trong một lần khác nhưng  không nói gì tới chuyện dị ứng thì chỉ có 2% cảm thấy khó chịu.
Năm 1980, người ta làm một cuộc thí nghiệm với 34 sinh viên tình nguyện tham gia. Các sinh viên được cho biết là người ta sẽ cho chạy một dòng điện qua đầu và dòng điện này sẽ gây nhức đầu. Kết quả hơn hai phần ba số sinh viên này cảm thấy nhức đầu mặc dù chẳng có dòng điện nào chạy qua đầu họ cả!

Những người bị chứng mất ngủ phần nhiều cũng là…tưởng! Giáo sư John Herman, chuyên gia về bệnh mất ngủ tại Đại học Southwestern Texas, cho rằng nguyên nhân chính của căn bệnh này là do ý nghĩ sợ hãi mà ra. Họ sợ không ngủ được thì ngày mai sẽ mệt nhọc không làm ăn gì được cả. Sợ nhập tâm. Muốn chữa căn bệnh tưởng này thì phải giúp người bệnh loại bỏ hai nhóm ý nghĩ: “Tôi cần phải ngủ đủ giờ” và “Nếu đêm nay tôi không ngủ được thì ngày mai mọi sự sẽ tồi tệ hết mức”.

Để chữa căn bệnh tưởng này, người ta cho bệnh nhân uống thuốc giả! Cho họ tưởng là thuốc thiệt. Một chiêu gậy ông đập lưng ông! Nhiều thí nghiệm cho thấy não có tương tác về thể chất đối với giả dược. Tình nguyện viên là 14 người đàn ông khỏe mạnh, tuổi từ 20 đến 30, được chích một dung dịch chứa chất muối gây đau tới hàm. Sau đó, những người này được chích thêm một dung dịch giả dược nhưng được bảo đó là chất thuốc giảm đau. Quan sát hoạt động não của họ, các khoa học gia thấy là não của tất cả 14 người đều tiết ra nhiều chất giảm đau tự nhiên endorphins hơn sau khi được chích giả dược.

Ngày xưa, các thày thuốc Đông y cũng đã từng chữa bệnh bằng những động tác giả. Bệnh giả thì chữa bằng cách giả. Vua nước Tề vì lo nghĩ quá mà sinh bệnh, dùng đủ mọi thứ thuốc mà không khỏi. Nghe nói có thầy thuốc giỏi là Văn Chi bèn vời tới. Văn Chi xem bệnh xong, nói với Thái tử: “Làm cho Đức Vua tức giận thì ắt sẽ khỏi bệnh, nếu Đức Vua có giết tôi thì nhờ Thái tử cứu cho.” Thái tử bằng lòng. Văn Chi vào yết kiến vua với dáng vẻ ngạo nghễ, giẵm cả lên long bào. Vua nổi giận cho bắt Văn Chi để xử tử. Thái tử hết mực can ngăn. Chẳng bao lâu sau, vua Tề khỏi bệnh.

Cũng thuộc trường phái tức giận mà sinh bệnh là tướng Lý Khắc Dụng. Ông tướng này nhận lệnh cầm quân đánh chiếm một thành trì của địch, bao vây đã hai tuần mà không hạ được thành, tức quá sinh bệnh nôn ọe và mê man. Thuốc thang thế nào cũng không xong. Rất may có người mách người nhà tìm tới thỉnh một nhà sư giỏi thuốc. Sau khi xem mạch, sư nói: “Bệnh của tướng quân vì uất hận mà ra, không có việc thương cảm thì không giải được”. Ông liền mạo một bức thư sai người hốt hoảng đưa đến nói: “Phu nhân tướng quân ở nhà đã chết bất đắc kỳ tử”. Tướng Lý Khắc Dụng thương vợ quá, ngã lăn ra. Qua hôm sau là khỏi bệnh.

Lo lắng mà sinh bệnh là trường hợp của một bà làm nghề khâu vá ở kinh đô Thăng Long. Một bữa, bà may chiếc ngự bào cho vua gần xong thì lỡ tay để rơi áo vào lửa cháy mất. Bà sợ quá, sinh bệnh mất ngủ, kinh sợ không yên, uống đã nhiều thuốc mà bệnh vẫn cứ trơ trơ. Có một vị danh y tới khám bệnh xong, bảo với ông chồng: “Bệnh này vì kinh sợ mà sinh ra, không làm cho lo nghĩ thì khó mà khỏi được.” Và ông bày cho cách chữa mẹo. Sáng hôm sau, ông chồng sắm sửa hành lý, giả đi sang Tàu mua gấm về đền cho vua. Bà vợ ở nhà cứ lo lắng cho chồng không sao quên được. Nhờ vậy, từ đó bệnh càng ngày càng thuyên giảm rồi khỏi hẳn!

Giả dược hoặc giả mẹo được việc như vậy. Đó là một cách chữa những bệnh do tưởng tượng hay do tâm lý mà sinh ra. Đức tin là một loại…thuốc khác để chữa bệnh. Có khi chữa được cả những bệnh thực sự chứ không phải là bệnh tưởng tượng. Chuyện mới xảy ra cách đây không lâu, khi Đức giáo Hoàng John Paul II chưa mất. Giám Mục Stanislaw Dziwisz là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng đã kể chuyện này trong một cuộc phỏng vấn dành cho hai tờ báo Ý La Stampa Il Giornale ba năm trước đây với điều kiện là chỉ công bố trước dư luận sau khi Đức Giáo Hoàng mất. Theo tiết lộ của Giám Mục Stanislaw thì năm 1988, một thân hữu của Ngài hỏi là có thể dàn xếp một cuộc triều kiến Giáo Hoàng cho một người bạn bị bướu não đang chờ chết hay không? Người bệnh này là một nhà triệu phú người Mỹ gốc Do Thái và ước ao ba chuyện: được gặp Đức Giáo Hoàng, đi hành hương tới Jerusalem và trở về chết tại Hoa Kỳ. Người bạn không cho biết là ông triệu phú này theo đạo Do Thái. Đức Giáo Hoàng thuận và làm một lễ riêng cho bệnh nhân và đã cho ông này chịu Mình Thánh Chúa, một ân sủng chỉ có người theo đạo Công giáo mới được phép nhận. Vài tuần sau, người bạn của vị Giám Mục điện thoại cho biết là cục bướu đã “hoàn toàn biến mất chỉ sau một vài giờ”. Khi tiết lộ cho báo chí chuyện này, vị Giám Mục không nói tới phép lạ nhưng cho đây là dấu chỉ của “quyền lực vô biên của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của con người”.

Nhà văn Mai Thảo của chúng ta chẳng biết bệnh tưởng hay bệnh thiệt. Ông chơi một chiêu khác người: thương lượng với bệnh! Thế mà bệnh nó chiều ông, nó chung sống hòa bình với ông, lại còn kết bạn đá vàng với ông nữa! Cứ đưa bàn tay thân ái ra thì cái thứ khó chơi chuyên làm phiền người khác đó cũng có lòng. Đừng tưởng con chi chi nhũn nhặn không được việc!

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho

Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng

04/2006