Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

TÌNH

Nhà văn Nguyễn Hữu Trí có một tuyển tập truyện ngắn mang tên “Ăn Trưa Nghe Kể Chuyện Tình”. Tôi chẳng cần ăn trưa ăn tối gì cũng muốn kể chuyện tình. Lý do là vì chúng ta sắp mừng lễ tình yêu St Valentin. Tình yêu lúc nào cũng có đó, như không khí, chúng ta chẳng cần một ngày lễ mới có tình yêu. Nhưng mỗi năm người ta vẫn phải có một ngày lễ tình yêu để chiều lòng các thương gia đang ghếch mỏ lên chờ khách trong thời gian bán buôn ế ẩm sau lễ Giáng Sinh và Tết. Những người yêu từ lâu, nay tình đã rỉ sét, có một ngày để lau bóng cái tình bụi bậm. Những người đang yêu nhau có cơ hội để móc tiền ra chứng tỏ mối tình thiêng liêng bằng những quà cáp cụ thể. Những người sắp đi vào tình yêu có dịp học hỏi bí kíp để một mai khi cần.

Em vẫn biết đấy là điều đã cũ
Chuyện tình yêu quan trọng gì đâu
Sự gắn bó giữa hai người xa lạ
Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau.
…………
Điều hôm nay ta nói, ngày mai
Người khác lại nói lời yêu thuở trước
Đời sống chẳng vô cùng, em biết
Và câu thơ đâu còn mãi ngày sau.
(Xuân Quỳnh)

Trời cứ xuân hạ thu đông, trăng cứ trăng mọc trăng tà, và tình yêu cứ…lột da sống hoài. Kim Trọng Thúy Kiều vẫn sống, Roméo Juliette vẫn sống, những cuộc tình không sách vở cũng vẫn cứ sống. Sống mà tươi rói là một cuộc tình mới toanh. Nó xảy ra vào lúc 11 giờ sáng ngày 6 tháng 12 năm 2005 vừa qua trong bệnh viện Kaiser Permanente ở Los Angeles. Trong căn phòng bệnh viện, chú rể áo quần tươm tất đứng bên giường bệnh, cô dâu nằm mắt nhắm lịm, vòng hoa trắng cài hờ trên đầu, bó hoa cô dâu thả trên giường. Mục sư Michael Diggins hỏi:

“Kevin Zysk, ông có đồng ý nhận cô Phúc làm vợ mình không?”

Kevin Zysk gật đầu:

“I do!”

Mục sư hỏi tiếp:

“Phúc Murphy, bà có đồng ý nhận ông Zysk làm chồng mình không?”

Căn phòng im lặng như tờ. Mắt bà Phúc vẫn nhắm lịm. Một lúc sau, một giọng nói ngập ngừng nhè nhẹ:

“Chị ơi, nếu chị đồng ý thì chị chớp mắt đi.”

Và bà Phúc đã chớp mắt!
Tên thời con gái của bà Phúc là Trần Vũ Thị Phúc. Bà là một nữ sinh trường Trưng Vương, Sài gòn, rồi làm thư ký cho một cơ quan quân sự Hoa Kỳ tại Gia Định. Năm 1973, bà qua Mỹ làm cho căn cứ Không Quân Hoa Kỳ Los Angeles Air Force Base, và thành hôn với một người Mỹ mang họ Murphy. Họ có với nhau hai con gái. Sau nhiều năm sống chung, họ quyết định ly dị vì những bất đồng không thể hàn gắn được. Bà lâm vào một căn bệnh ngặt nghèo sau đó, bệnh lupus, một căn bệnh mà kháng thể của hệ miễn nhiễm tấn công các tế bào trong cơ thể của chính mình. Sau cái chết đột ngột của người con thứ hai, Mai Ly, trong một tai nạn xe hơi vào năm 2000, bà quá buồn rầu, bệnh trở nên trầm trọng và biến chứng sang suy thận. Cùng năm đó, ông Kevin Zysk, Tiến Sĩ Khoa Học, hai lần ly dị, từ Tennessee sang thăm một người bạn là bà Della. Bà này là hàng xóm của bà Phúc. Bà mời ông cùng sang nhà bà Phúc dùng cơm tối. Bà Phúc pha nước chanh đãi khách. Ông Zysk uống và thấy ly nước chanh này rất giống thứ nước chanh mà mẹ ông thường pha cho ông uống hồi nhỏ. Ông mạnh dạn mang ly xuống bếp xin bà Phúc một ly nữa. Thấy bà Phúc cứ quanh quẩn trong bếp, nước mắt rưng rưng, ông tò mò hỏi chuyện. Biết được chuyện bà Phúc buồn thương đứa con gái vừa mất vì tai nạn xe hơi, ông không biết nói gì hơn là những lời chia buồn và an ủi. Trở về Tennessee, không thể nào quên được hình ảnh buồn rầu của bà Phúc, ông Zysk gọi điện thoại thăm hỏi. Họ liên lạc điện thoại thường xuyên với nhau. Dịp lễ Tạ Ơn năm đó bà Phúc nhớ con chẳng muốn đi đâu. Ông Zysk ướm lời mời bà qua chơi Mississippi, nơi gia đình ông cư ngụ. Bà Phúc để một tuần suy nghĩ, sau đó nhận lời. Bà gặp được mẹ ông Zysk tại đây. Sau đó ông đưa bà về chơi nơi ông trú ngụ ở Tennessee. Bà Phúc còn tới thăm ông Zysk hai lần nữa trong đó có một lần bà mang mẹ mình theo. Tình cảm hai người nảy nở theo năm tháng. Bà Phúc cho ông Zysk biết về bệnh tình của mình. Tháng 9 năm 2001, Tiến sĩ Zysk chuyển về làm việc tại Edward Air Force Base để được gần bà Phúc hơn. Căn nhà nho nhỏ của bà Phúc nhờ bàn tay khéo léo của ông Zysk trở nên khang trang hơn nhiều. Ông tự tay làm lấy mọi việc mà chỉ nhận vài đô tiền công tượng trưng. Mùa thu năm 2005, bệnh tình bà Phúc trở nên trầm trọng, bà phải vào phòng săn sóc đặc biệt trong bệnh viện. Hầu như ngày nào ông Zysk cũng lái xe từ Palmdale xuống Los Angeles để chăm sóc bà Phúc. Những ngày cuối tuần ông lúc nào cũng có mặt bên cạnh bà.

Một bữa, ông hỏi:

“Em có bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình không?”

Bà Phúc hỏi lại:

“Anh muốn lập gia đình à?”

Ông Zysk mừng rỡ:

“Tại sao em đợi đến bây giờ mới hỏi?”
“Nhưng chúng ta không thể làm bây giờ được.”
“Tại sao không phải là bây giờ?”
“Em chưa được khỏe.”
“Em ráng khỏe đi. Anh sẽ đi tìm một vị mục sư!”

Bệnh tình bà Phúc ngày càng tồi tệ. Biết không thể chần chừ được nữa, ông Zysk mang Mục sư  Michael Diggins tới bên giường bệnh. Vị Mục sư lần đầu chủ trì một lễ cưới không giống ai đã cảm động cho biết: “Tôi cảm thấy vinh dự vì chuyện tình này rất đẹp. Tôi không nghĩ tôi có dịp làm như vậy lần thứ hai!”

Bên kia Thái Bình Dương, tại Thái Nguyên trên miền cao đất Bắc chúng ta, cũng có một chuyện tình hy hữu. Chàng là Lê Đình Hòa, nhà thơ, sanh năm 1963, bị mù từ năm 1985 khi đang học năm thứ hai trường Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn. Nàng là Trần Thị Hạnh, kém chàng một tuổi, quê ở Thái Nguyên, giáo viên dạy trẻ tại trường Mầm Non thị trấn Chợ Giả, huyện Ba Bể, Bắc Cạn. Câu chuyện bắt đầu khi nàng đọc được một bài báo viết về thơ của Hòa trên tạp chí Tài Hoa Trẻ, số ngày 3/3/2004. Chị Hạnh kể lại: “Mình rất thích đọc sách báo. Tình cờ một hôm mình đọc bài viết về anh Hòa, rồi vì thấy đồng cảm và đang buồn nên mình viết thư chia sẻ. Và anh Hòa nhờ người viết thư trả lời. Các thư sau đó của mình là nói vào băng cát-sét gửi qua đường bưu điện bởi vì mình muốn chỉ riêng anh ấy biết mà thôi. Tất cả mình đã gửi 7 thư bằng băng cát-sét. Cứ thế, chưa gặp nhau nhưng tình cảm giữa hai đứa cứ bồi thêm mỗi ngày… Rồi anh Hòa gửi cho mình một lá thư quyết định chuyện hôn nhân và mình đồng ý.”

Anh Hòa đã có khoảng 200 bài thơ. Chúng ta thử đọc vài câu trong bài “Nhớ Bùi Giáng”.

Những con đường thi nhân đi qua
Lá me nhỏ nhiễm buồn tưng tửng
Cây trí nhớ nở bừng mây trắng
Bập bềnh dưới chân người đi xa.

Những con đường thi nhân đi qua
Này áo này khăn ơ hờ râu tóc
Một chân Thị Nghè, một chân Nhiêu Lộc
Lục bình nghẹn chảy tím sông hoa.
…………
Những con đường thi nhân đi qua
Con mắt ngày xưa bây giờ còn khóc
Đường phố đông vui tiễn người cô độc
Có một ngày về ta nhớ ta.

Con đường trần có Bùi Giáng đi qua.

Chị Hạnh là người có tâm hồn thơ nên dễ cảm thông với người thơ. Chính chị cũng là một nhà thơ tài tử. Trong một băng cát-sét gửi anh Hòa, chị…thơ:

Nỗi nhớ ơi sao cứ da diết mãi
Bước chân em không dài, cánh tay lại ngắn
Làm sao chạm được tới anh
Hay em hóa vào cỏ mượt dưới trăng
Trải đệm anh nằm, làm mây anh đắp
Chỉ xin trời đừng đổ mưa, mây đừng tan thành nước
Ướt anh thấy lạnh, em đau!

Họ đến với nhau có dễ dàng không? Anh Hòa dĩ nhiên rất ngại ngùng vì tật bệnh của mình. “Những ngày đầu bị mù, mình như không thiết sống nữa. Gia đình, anh em, bạn bè và những bài thơ đã kéo mình lại.” Căn bệnh teo dây thần kinh thị giác đã đánh lùi anh, dồn anh vào thế thụ động. “Hồi đi học, mình cũng có chuyện yêu đương nhưng rồi cũng trôi qua theo bệnh tật. Sau đó thì mình mặc cảm người ta thương hại mình, chứ đâu muốn xây dựng với một người mù. Mình cũng ước ao có được một gia đình riêng nhưng sao khó quá.” Khó, nhưng cuộc đời không làm khó anh. Nó đẩy chị Hạnh tới với anh. Còn chị Hạnh, lực đẩy nào đã xô chị về với anh Hòa? “Nói thật, ban đầu mình cũng rất lo lắng nhưng quyết định đến với anh Hòa như một định mệnh, mình như là tìm được một nửa còn lại.” Gia đình chị ngăn cản, giải thích những khó khăn để chị bỏ cuộc, nhưng chị vẫn tiến tới, vì đó là định mệnh. Bây giờ chị cảm thấy thoải mái, hạnh phúc. Nhưng người sống trong bóng tối mà ôm lại được cuộc đời mới là người hạnh phúc nhất. “Cảm ơn ông trời, cảm ơn bạn bè đã giúp mình có được hạnh phúc hôm nay. Còn từ giờ trở đi, có được tình yêu của Hạnh, dẫu cuộc đời còn có xô đẩy đến đâu, mình cũng sẽ phấn đấu vượt qua mọi hoàn cảnh để xứng đáng với niềm tin tưởng của những người thân yêu.”

Cuộc tình thiếu ánh sáng không phải là một cuộc tình tăm tối. Với tình yêu chẳng có gì khó khăn. Anh Hòa và chị Hạnh như đã minh chứng điều này. Mỗi người có một định mệnh. Mỗi cuộc tình cũng có một định mệnh riêng.

Claudine Kim Phượng sang Úc định cư với mẹ từ khi mới được 2 tuổi chẳng biết gì về Việt Nam. Cô theo học về ngành kinh tế và trở thành một chuyên gia. Năm 25 tuổi, cô qua Việt Nam làm việc tại văn phòng đại diện cho công ty cô đang phục vụ. Công việc đưa cô đi khắp các tỉnh thành nơi quê hương mà cô chưa hề biết. Trong một dịp ra Hà Nội, cô đã gặp và làm việc với ông Thành Long, Giám Đốc một công ty xuất nhập cảng. Và thần Cupid đã lò dò tới, cô yêu con người ăn nói lịch thiệp, vóc dáng trẻ trung, tác phong sang trọng này tuy ông lớn gấp đôi tuổi cô. Ông cho cô biết là vợ ông đã mất, có hai con trai đều theo học tại ngoại quốc nên ông chẳng còn một ràng buộc nào.

Cuộc tình khập khiễng tuổi tác nhưng nóng bỏng trái tim diễn ra trong một năm. Hết hạn làm việc tại Việt Nam, cô Kim Phượng bay về Úc để xin gia hạn làm việc tại Việt Nam thêm một năm nữa đồng thời thông báo với mẹ chuyện tình cảm và xin mẹ cho được kết hôn với ông Thành Long. Bà mẹ hoảng hốt khi biết con mình yêu một người lớn hơn đến 24 tuổi. Bà có ý ngăn cản, sợ con mình bị người đàn ông lớn tuổi lợi dụng để có thể được bảo lãnh đi ngoại quốc. Kim Phượng giải thích là với địa vị và tiền bạc của người yêu, ông có thể dễ dàng ra nước ngoài mà chẳng cần phải dựa vào cô. Bà mẹ nhất quyết đòi gặp mặt ý trung nhân của con để tự mình đánh giá con người ông ta. Bà mua vé máy bay về Việt Nam với con gái. Nghe vậy ông Long rất lúng túng khi sẽ phải trình diện bà mẹ vợ còn kém tuổi ông. Nhưng ông cũng hy vọng là với thời gian lâu năm sống ở ngoại quốc, bà sẽ có tư tưởng phóng khoáng hơn để chấp thuận cuộc hôn nhân này. Nhưng khi ông Long bước vào nơi hẹn gặp gỡ thì định mệnh khe khắt đã lên tiếng. Bà mẹ của Kim Phượng ôm mặt, lảo đảo ngã ngồi xuống ghế, khóc rưng rức. Ông Long cũng loạng choạng vịn vào tay ghế, mồ hôi túa ra đầy mặt. Ông sững sờ nhìn mặt người mẹ vợ tương lai, kêu như hụt hơi: “Duyên, có phải Duyên không?”

Bà mẹ hoảng hốt kêu trong nước mắt đẫm ướt khuôn mặt: “Sao lại có chuyện oan nghiệt thế này? Trời ơi!”. Cô Kim Phượng đứng như trời trồng. Chắc chắn hai người đã biết nhau từ trước. Nhưng liên hệ giữa họ ra sao? Cô làm sao biết được khi cô mới chỉ hai tháng tuổi lúc hai người chia tay nhau. Hồi đó họ còn là hai người rất trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới nhưng đã liều mạng kết hôn với nhau. Chỉ một năm sau, cuộc hôn nhân quá sớm sủa đã đổ vỡ. Họ chia tay nhau. Khi đó tên của Kim Phượng là Thanh Thùy. Rồi hai mẹ con theo ông bà ngoại sang định cư tại Úc. Bà đổi tên con như muốn rũ bỏ cái quá khứ dại dột đau thương cũ.

Trước cái trớ trêu của định mệnh, Kim Phượng chỉ muốn chết đi ngay lúc đó. Cô vùng bỏ chạy về khách sạn, lấy chuyến bay sớm nhất rời Việt Nam sau khi viết vội cho mẹ mấy chữ tạ từ. “Mẹ cứ tin ở con. Con không làm điều gì dại dột đâu. Con về lại Úc để xin chấm dứt công tác ở Việt Nam và sang nước khác ngay. Trong lúc này, con không muốn gặp mẹ hay bất cứ ai. Cứ nghĩ tới chuyện con và ông ấy có thể đã làm chuyện loạn luân, con cảm thấy kinh khủng quá. Cũng may cả con và ông ấy đều đàng hoàng, tỉnh táo, không bị tình cảm chi phối trong thời gian qua. Con không trách mẹ điều gì. Nhưng giá mẹ đừng đổi tên Thanh Thùy của con hoặc mẹ kể cho con nghe về ông ấy trước kia thì có lẽ không xảy ra chuyện oái oăm như vậy! Mẹ giữ gìn sức khỏe. Bao giờ quên được chuyện này con sẽ về.”

Tình yêu là một thứ ngôn ngữ đa dạng. Nó có mặt từ phía rạng ngời hạnh phúc đến phía tận cùng khổ đau. Tôi lựa ra ba chuyện tình của người Việt chúng ta, không phải thời Trương Chi Mỵ Nương, mà ngay thời đại chúng ta đang sống, một thời đại mà con dân đất Việt tan đàn xẻ nghé lưu lạc khắp bốn phương trời, để vẽ lại cái dung nhan nhiều mặt của anh Thần Tình Ái. Mũi tên thoát ra từ chiếc cung nho nhỏ trên tay anh không có mắt, không bao giờ có mắt! Con mắt nằm ở trái tim những người yêu nhau. Nhưng nhìn những trái tim đỏ tươi trên những tấm cạc, trên những trang trí trong các cửa tiệm và trên những bó hoa tươi rói trong dịp Lễ Tình Yêu tôi chẳng nhìn thấy một đôi mắt nào cả!

01/2006